Bắc Kinh vẫn cố viết lại lịch sử

Timothy McLaughlin | DCVOnline

Đài tưởng niệm vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn đang đứng trước nguy cơ bị dỡ bỏ, trong chiến dịch của Bắc Kinh nhằm xóa bỏ ký ức công chúng ở Hong Kong.

Trụ Ô nhục (The Pillar of Shame) ở Đại học Hong Kong. (Miguel Candela / Anadolu Agency / Getty)

Dưới áp lực không ngừng của Bắc Kinh, những phòng xử án ở Hong Kong đã trở thành một trong số ít những nơi an toàn cho những cuộc biểu tình trong thành phố. Bị cáo bị buộc tội hoặc bị kết án về những tội chính trị đã biến những phiên tòa tầm thường và đơn xin tại ngoại trở thành cơ hội để bay tỏ quan điểm bất đồng và thách thức tiến trình pháp lý gay go.

Vào giữa tháng 11, Lee Cheuk-yan (Lý Trác Nhân), một nhân vật ủng hộ dân chủ từ lâu, đã dùng phiên điều trần để biện hộ cho mình — bị cáo có thể trình bày trước tòa với hy vọng bị kết án nhẹ hơn — hoặc đọc một bài phát biểu gây xúc động và thách thức. Ông kể lại những kỷ niệm cá nhân về vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, ca ngợi người Hong Kong vì không bao giờ quên thảm kịch, và phê bình gắt gao giới chức chính phủ thành phố vì đã bóp nghẹt những quyền tự do căn bản. Trong nhiều thập kỷ Lee đã giúp tổ chức đêm không ngủ hàng năm tại Công viên Victoria ở Hong Kong để tưởng nhớ nạn nhân của vụ đàn áp, đã nghẹn ngào khi phát biểu trước phòng xử án. Ông nói,

Lý Trác Nhân (giữa) trong một cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong năm 2019. Nguồn: https://bitterwinter.org/

“Tôi muốn cảm ơn người dân Hong Kong đã giữ lời hứa năm 1989. Trước sự đàn áp, họ vẫn kiên trì, tôn vinh ký ức của vụ Thảm sát ngày 4 tháng 6 ở Công viên Victoria bằng ánh nến của họ. Thưa Ngài, những người Hong Kong đã tham gia không cần cá nhân hay tổ chức nào xúi bẩy họ. Nếu có khiêu khích, thì chính chế độ đã bắn vào người dân của mình.

“Trong 31 năm, trí nhớ kiên cường và lương tâm kiên định đã thúc đẩy chúng tôi giữ lời hứa, kiên trì tôn vinh ký ức về họ, đòi sự thật và trách nhiệm giải trình, cũng như sự tiếp tục theo đuổi tự do và dân chủ của người dân Trung Quốc.”

Lý Trác Nhân

Tuy nhiên, ký ức kiên cường mà Lee đã nói đến đã bị tấn công liên tục trong năm nay, một phần trong chiến dịch lớn hơn của Bắc Kinh, và những người trung thành với chế độ trong thành phố và danh sách cộng tác với họ ngày càng tăng nhằm xóa Thiên An Môn khỏi ký ức của công chúng. Vũ khí hóa những quy định trong đại dịch và những mối đe dọa mơ hồ về những vi phạm an ninh quốc gia có thể xảy ra, nhà chức trách đã hủy bỏ đêm không ngủ hàng năm trong hai năm qua. Những nhân vật trong giới hoạt động nổi tiếng, kể cả Lee, những người đã tham gia những cuộc tụ họp trước đó đã bị bắt. Một bảo tàng dành riêng cho Thiên An Môn đã đột ngột bị đóng cửa. Vật trưng bày ở đó đã bị cảnh sát lấy đi để làm bằng chứng kết tội những thành viên của Liên minh Hong Kong ủng hộ phong trào dân chủ yêu nước của Trung Hoa, tổ chức đã tổ chức đêm không ngủ và điều hành viện bảo tàng. Kết quả là nhóm tan rã. Không hài lòng với việc người dân thành phố chỉ bị cấm xem những trưng bày ở đó, giới chức chính phủ Hong Kong cũng đã chặn đường vào trang web của viện bảo tàng. Một cuộc điều tra của Hong Kong Free Press cho thấy hàng chục cuốn sách về chủ đề Thiên An Môn đã biến mất khỏi những thư viện của thành phố.

Một tượng đài đã thoát khỏi việc bị xóa bỏ, chỉ trong thời gian ngắn và có lẽ chỉ trong một thời gian ngắn, cũng là công trình nổi bật nhất của thành phố dành riêng cho Thiên An Môn, đó là Trụ Ô nhục. Một bức tượng màu cam gồm những thi thể đau đớn, chồng chất lên nhau, dựng lên như một đài tưởng niệm những người biểu tình đã thiệt mạng trong vụ thảm sát ngày 4 háng 6, 1989, nó đã được trưng bày vĩnh viễn cho công chúng thưởng lãm, như người tạo ra nó, Jen Galschiøt, đã viết vào năm 1997, như một thử thách đối với “việc chính quyền bảo đảm nhân quyền và tự do ngôn luận ở Hong Kong.” Năm 1998, sau khi được trưng bày tại những nơi khác, Trụ Ô nhục được đặt tại Đại học Hong Kong, viện nghiên cứu lâu đời nhất và uy tín nhất của thành phố.

Trụ Ô nhục và tác giả Jen Galschiøt. Nguồn: South China Morning Post / Contributor

Trong hơn hai mươi năm, Hong Kong đã vượt qua đánh giá của Galschiøt. Sinh viên và giới hoạt động tụ tập vào mỗi mùa xuân để làm lễ rửa bức tượng, và hàng chữ dưới chân tượng, ‘người già không thể mãi mãi giết người trẻ’ . Đó là nghi lễ đầu tiên trong chuỗi những sự kiện được tổ chức hàng năm ở Hong Kong để đánh dấu kỷ niệm vụ thảm sát Thiên An Môn với đỉnh điểm là lễ thắp nến. Tuy nhiên, giờ đây, tượng đài đó đang kẹt trong một loạt tẩy xóa — đại học đã cố gắng loại bỏ nó nhưng đã gặp phải sự phản kháng quyết liệt, và Galschiøt đã nhiều lần yêu cầu lấy lại tượng đài nhưng không được trả lời. Tình hình khó xử tiêu biểu cho hoàn cảnh của chính thành phố, không hoàn toàn khuất phục trước Bắc Kinh nhưng cũng không tự do, cởi mở hay sôi động như trước đây. Richard Tsoi (Thái Diệu Xương), thư ký của liên minh, nói với tôi,

“Nhiều thứ trong quá khứ ở Hong Kong được coi là bình thường và là một loại biểu tượng cho thấy Hong Kong vẫn đang được hưởng tự do và mức độ tự chủ cao… hiện đang đứng trước nhiều thách thức.”

Thái Diệu Xương

Những nỗ lực xóa bỏ nỗi kinh hoàng về Thiên An Môn ra khỏi tâm thức của người dân là một nỗ lực toàn diện gần đây hơn nhằm viết lại lịch sử ở Hong Kong. Giới chức chính phủ đã liên tục cố gắng chuyển hướng câu chuyện về phong trào biểu tình của thành phố, miêu tả những cuộc biểu tình được tổ chức là do một nhóm nhỏ, bạo lực, rõ ràng là họ cố tình bỏ qua những dịp mà hơn 1 triệu người đã tuần hành một cách ôn hòa. Những lý do đằng sau những cuộc biểu tình cũng đã bị làm mờ đi. Chính quyền địa phương cho rằng do lỗi của Hoa Kỳ mà giá nhà ở mức cao ngất ngưởng, chứ không phải do sự tiếp tục xói mòn quyền tự do và sự thất hứa của Bắc Kinh. Cảnh sát đã vào cuộc bằng những hành động trắng trợn nhất của chủ nghĩa xét lại lịch sử, hy vọng rằng người dân sẽ quên đi những hành động bạo lực mà họ đã tận mắt chứng kiến. John P. Burns, giáo sư danh dự tại HKU và là cựu chủ nhiệm khoa khoa học xã hội của trường, người đã viết bài ủng hộ việc giữ lại bức tượng, nói với tôi

“Nhà chức trách… đang làm việc quá giờ để dạy cho chúng tôi biết đâu là quan điểm chính thức…Làm cho Hong Kong giống như phần còn lại của Hoa lục, đó là việc họ đang làm.”

John P. Burns

Năm 1989, người dân Hong Kong kinh hoàng trước việc Bắc Kinh đè bẹp những cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn. Hàng trăm nghìn người đã tuần hành trong sự kiện mà The New York Times mô tả như một “dải băng nhân bản” trải dài qua những đường phố của Hong Kong. Sự phẫn nộ còn lan rộng ra ngoài cả những người ủng hộ nền dân chủ toàn diện. Nhiều người đã ký vào những bản kiến nghị tố cáo những hành động của Bắc Kinh và những người đã tham gia những cuộc biểu tình là những người đang ủng hộ Bắc Kinh hiện nay. David Ford, khi đó là tổng thư ký của Hong Kong, đã viết trong một bức thư gửi đến cơ quan dân sự được tán dương của thành phố rằng dân chúng có “cảm giác sốc và đau buồn sâu sắc” trước những gì đã xảy ra. Nhà chức trách ở Bắc Kinh khi đó tin rằng những cuộc biểu tình của thành phố sẽ chỉ là một sự kiện xẩy ra một lần, theo một viên quan chức chính phủ Hong Kong, yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm của chủ đề và nói rằng Hong Kong sẽ trở thành một “thành phố kinh tế thuần túy” và dân chúng sẽ không quan tâm đến chính trị nữa. Giả thuyết này — giống như nhiều giả thuyết do Bắc Kinh đưa ra về Hong Kong — hoàn toàn không chính xác. Thay vào đó, Hong Kong vẫn nuôi dưỡng  truyền thống phản kháng và biểu tình sôi nổi.

Tác phẩm điêu khắc nặng hai tấn của Galschiøt được công bố tại Công viên Victoria ở trung tâm thành phố 8 năm sau vụ thảm sát, và 28 ngày trước 1 tháng 7 năm 1997, ngày Anh Quốc bàn giao thành phố cho Trung Hoa. Cuối cùng nó đã được chuyển đến khuôn viên của HKU, và vào năm 2008, giới hoạt động đã sơn nó màu cam sáng. Galschiøt đã viết vào thời điểm lắp đặt nó rằng

“Không có lệnh cấm nào đối với tác phẩm điêu khắc có thể làm giảm giá trị biểu tượng của nó. Không một cuộc tấn công nào, ngay cả sự phá hủy tác phẩm điêu khắc cũng không thể xóa bỏ được biểu tượng của Trụ Ô nhục.”

Jen Galschiøt

Một trong những giáo lý của ông hiện đang được thử thách: “Sẽ không có cơ quan chính phủ nào thành công trong việc ngăn cản việc dựng Trụ Ô nhục ở Hong Kong.”

Sau khi liên minh tan rã, HKU nhờ công ty luật toàn cầu Mayer Brown giúp trong cố gắng loại bỏ tác phẩm điêu khắc. Trong một tuyên bố với những hãng tin, Lisa Sachdev, người phát ngôn của công ty, nói rằng tập đoàn Mayer Brown “được yêu cầu cung cấp một dịch vụ cụ thể về một vấn đề bất động sản cho khách hàng lâu năm của chúng tôi, Đại học Hong Kong. Vai trò của chúng tôi với tư cách là cố vấn bên ngoài là giúp khách hàng của chúng tôi hiểu và tuân thủ luật pháp hiện hành. Lời khuyên pháp lý của chúng tôi không nhằm mục đích bình luận về những sự kiện hiện tại hoặc lịch sử ”. (Tuy nhiên, công ty thường xuyên bình luận về những sự kiện thời sự của Hoa Kỳ, gồm cả về cái chết của George Floyd và những vấn đề về quyền bầu cử; sau khi sự tham gia của công ty đã gây sôi nổi trên kể báo chí và bị lên án, Mayer Brown sau đó đã lùi lại, nói rằng, “Trong tương lai, Mayer Brown sẽ không đại diện khách hàng lâu năm của mình trong vấn đề này.”)

Galschiøt đã thuê luật sư riêng trong cố gắng lấy lại bức tượng. Trong một bức thư ngỏ vào tháng này, ông cho biết sẽ đến Hong Kong để đem bức tượng đi nhưng sẽ cần sự  bảo đảm của giới hữu trách rằng ông ấy sẽ không phải đối phó với bất kỳ vấn đề pháp lý nào. Điều này có vẻ rất khó xảy ra vì Galschiøt đã bị cấm nhập cảnh vào Hong Kong hai lần trước đó. Ông nói thêm rằng HKU đã không trả lời những câu hỏi của ông. Trường đại học đã không trả lời nội dung bức thư của Galschiøt và khi được yêu cầu bình luận, chỉ nói rằng họ đang làm việc để giải quyết vấn đề theo “cách hợp pháp và hợp lý.”

HKU và những trường đại học khác ở thành phố đã nhanh chóng tuân theo trật tự chính trị mới, độc đoán hơn của Hong Kong. Những nhân viên bảo trì tại trường đại học đã dỡ bỏ những bức tường đầy màu sắc của nghệ thuật phản đối, và ban giám hiệu đã cắt đứt quan hệ với hội sinh viên và cấm một số thành viên của hội này vào khỏi khuôn viên trường vì một tuyên bố của hội sinh viên đã bày tỏ cảm thông đối với “sự hy sinh” của một người đàn ông đã tự sát sau khi đâm một viên cảnh sát vào tháng Bảy. Những sinh viên sau đó đã xin lỗi và rút lại tuyên bố, nhưng 4 người đã bị bắt theo luật an ninh quốc gia và bị buộc tội ủng hộ khủng bố.

Burns nói với tôi rằng loại bỏ tác phẩm điêu khắc là cách trường đại học đang “thừa nhận họ phụ thuộc vào chính quyền Hoa lục và nhà chức trách ở đại lục vì quyền lợi của đại học.” Một giáo sư, yêu cầu giấu tên vì sợ hậu quả, nói với tôi rằng mối đe dọa bức tượng bị loại bỏ là một phần của “sự bao trùm của cuộc đàn áp rộng lớn hơn mà chúng tôi đã thấy trên những phương tiện truyền thông, xã hội dân sự và công chúng nói chung” và rằng trường đại học đã “rơi tự do thành một cơ sở giáo dục đại học thân thiện với độc tài.” Một giáo sư khác, cũng giấu tên, nói với tôi về việc gần đây họ đã đi dạo gần bức tượng với những đồng nghiệp để xác nhận rằng nó vẫn còn đứng vững. “Tôi thấy khuôn viên trường rất buồn vì mọi thứ không còn ở đó nữa.

Trước tòa, Lee nói rằng ngay cả khi đang ngồi tù vào đầu năm nay sau khi bị kết án vì vai trò của ông trong một cuộc biểu tình năm 2019, ông vẫn tiếp tục giữ kỷ niệm về ngày 4/6 bằng cách tuyệt thực và dù không được thắp nến, ông đã thắp một que diêm. Ông nói,

“Tôi tự hào là một người Hong Kong. Trong 32 năm, chúng tôi đã cùng nhau tranh đấu để mang lại công lý cho những người hy sinh mạng sống của họ vào ngày 4 tháng 6 năm 1989, và trong cuộc đấu tranh cho dân chủ.”


 Lý Trác Nhân

Cuối cùng, Lee nói với thẩm phán rằng ông yên tâm với bất kỳ bản án nào: “Nếu tôi phải vào tù để khẳng định ý chí của mình thì cứ vậy đi.

Tác giả | Timothy McLaughlin là một nhà báo ở Hong Kong viết cho tạp chí The Atlantic.

© 2021 DCVOnline   

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

Nguồn: Beijing Keeps Trying to Rewrite History | Timothy McLaughlin | The Atlantic | Nov. 27, 2021.