Nga xâm lăng Ukraine không phải là điềm báo về cuộc tấn công của Trung Hoa vào Đài Loan
Oriana Skylar Mastro | Trà Mi
Tuy nhiên, từ quan điểm của Trung Hoa, không có gì Nga hoặc những đối thủ của họ đã làm thay đổi đáng kể tính toán của họ về Đài Loan.
Xâm lăng không lây lan
Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin leo thang tấn công Ukraine, ngày càng có nhiều người trong giới phân tích chính sách đối ngoại và quân sự của Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại rằng Trung Hoa có thể bị Nga dụ dỗ và có thể chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Ian Johnson, một chuyên gia về Trung Hoa tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho rằng:
“Nếu Nga có thể chiếm được một phần của Ukraine hoặc cài đặt một chế độ bù nhìn và chịu được những lệnh trừng phạt kinh tế thì điều đó có thể khuyến khích những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Hoa nhìn sang Đài Loan và nghĩ rằng họ cũng có thể làm được như vậy.”
Ian Johnson
Dân biểu Michael McCaul, Đảng viên Cộng hòa của Texas, đưa ra lập luận tương tự trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước, cũng như Tướng về hưu Jack Keane, đã nói rằng Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình nhìn thấy “sự nhu nhược ở phương Tây và điều đó có thể có lợi cho mục đích quốc gia của ông.”
Tập chắc chắn đang theo dõi những sự kiện ở Ukraine, nhưng tính toán của ông ta về việc có nên sử dụng vũ lực chiếm Đài Loan hay không được hình thành phần chính do những yếu tố trong nước chứ không phải ở nước ngoài. Như tôi đã lập luận trong tạp chí Foreign Affairs, giới lãnh đạo Trung Hoa đang xem xét việc “thống nhất bằng vũ trang” với Đài Loan một cách nghiêm túc hơn bất kỳ thời điểm nào trong 50 năm qua. Nhưng Tập sẽ khẳng định quyền kiểm soát của Trung Hoa trên hòn đảo chỉ khi ông tự tin rằng quân đội của ông có thể tiến hành một cuộc đổ bộ thành công và nếu ông tin rằng đó là thời điểm thích hợp cho sự nghiệp của mình.
Những thay đổi trong môi trường quốc tế sẽ rất quan trọng với Đài Loan nếu họ thay đổi suy nghĩ của Tập. Nhưng cuộc chiến ở Ukraine thì không. Quan điểm của Tập về sức mạnh và quyết tâm của Hoa Kỳ cũng như về phản ứng quốc tế có thể xẩy ra đối với một cuộc xâm lăng Đài Loan có lẽ vẫn không thay đổi. Nếu bất cứ điều gì, Trung Hoa không muốn bị so sánh với Nga vào thời điểm thế giới đang thống nhất chống lại Moscow nên sẽ kéo dài thời gian từ nay đến lúc giành quyền kiểm soát Đài Loan, chứ không phải rút ngắn thời gian đó.
QUÁ LỚN ĐỂ BỊ TRỪNG PHẠT?
Những biện pháp trừng phạt kinh tế mà Hoa Kỳ, Canada và nhiều nước châu Âu áp đặt với Nga khiến Trung Hoa có rất ít lý do để tạm dừng lại. Ngược lại, những biện pháp trừng phạt này chỉ đơn giản xác nhận những đánh giá trước đây của Bắc Kinh về những hậu quả kinh tế có thể xẩy ra khi sử dụng vũ lực với Đài Loan. Giới lãnh đạo Trung Hoa kỳ vọng cái giá về kinh tế phải trả cho một cuộc xâm lăng dù lớn nhưng có thể chấp nhận được — một phần vì cách cộng đồng quốc tế đã phản ứng với những hành động khiêu khích của Trung Hoa trong quá khứ và một phần vì chính sách đối ngoại của Bắc Kinh được thiết kế nhằm thuyết phục những nước khác đứng ngoài “nội bộ” của Trung Hoa , chẳng hạn như thân phận của Đài Loan.
Điều đó không có nghĩa là những biện pháp kinh tế mà Washington và những đồng minh áp đặt với Nga trong những ngày gần đây là không đáng kể. Hoa Kỳ và những nước châu Âu đã chặn việc Nga có thể sử dụng hầu hết những nguồn dự trữ ngoại tệ của nước này, khiến Moscow không thể làm được gì để chống đỡ đồng rúp đang mất giá. Họ đã phong tỏa tài sản của giới chức cao cấp trong chính phủ Nga, gồm cả chính Putin. Và họ đã chuyển sang loại trừ những ngân hàng lớn của Nga khỏi SWIFT, hệ thống nhắn tin tài chính toàn cầu.
Nhưng Hoa Kỳ và những đồng minh có thể làm nhiều hơn nữa để trừng phạt Nga. Họ có thể cấm mọi giao dịch với Nga, dù là thương mại hay tài chính. Họ có thể tịch thu tài sản của Nga trong phạm vi quyền hạn của họ. Washington có thể công bố những biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với bất kỳ ai sử dụng đô la Mỹ cho bất kỳ giao dịch nào với Nga. Quan trọng nhất, Hoa Kỳ có thể sử dụng những biện pháp này và những biện pháp khác để ngăn Nga xuất khẩu dầu và khí đốt. Để Nga tiếp tục xuất khẩu dầu và khí đốt cũng giống như để Trung Hoa bán hàng điện tử tiêu dùng ngay cả khi họ đã cưỡng bức Đài Loan bằng vũ lực.
Nếu Hoa Kỳ và những đồng minh tỏ ra thận trọng khi phản ứng với Nga, thì họ có thể sẽ càng kiềm chế hơn khi trả đũa Trung Hoa — và Bắc Kinh biết điều đó. Khả năng trả đũa phương Tây bằng những biện pháp trừng phạt kinh tế của Trung Hoa lớn hơn nhiều so với Nga. Singapore đã công bố những hạn chế thương mại và ngân hàng đối với Moscow, giao dịch hàng hóa trị giá khoảng 2,5 tỷ đô la với Nga mỗi năm — nhưng hàng hóa giao dịch với Trung Hoa trị giá đến 57 tỷ đô la. Giới lãnh đạo Trung Hoa có thể không sợ những biện pháp trừng phạt kinh tế do Mỹ đứng đầu trong trường hợp chiếm Đài Loan vì họ có thể nghĩ rằng năng lực sản xuất, nguồn lực và những đối tác thân thiện của chính Trung Hoa sẽ cho phép họ tự sống còn, đặc biệt vì Trung Hoa sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Có lẽ họ đúng. Trung Hoa có thể nhận những hình thức trừng phạt đang được áp đặt với Nga. Và với khả năng trả đũa đích đáng của Trung Hoa đối với những nước phương Tây, bất kỳ biện pháp nào áp dụng đối với Bắc Kinh có thể sẽ nhẹ nhàng hơn so với những biện pháp áp đặt với Moscow.
ĐÀI LOAN KHÔNG PHẢI LÀ UKRAINE
Phản ứng quân sự của phương Tây đối với việc Nga xâm lăng Ukraine sẽ có ảnh hưởng thậm chí còn nhỏ hơn những lệnh trừng phạt đối với suy nghĩ của Trung Hoa về Đài Loan. Đúng như vậy, cả Mỹ và NATO đều không đem quân để chiến đấu thay cho Ukraine. Và sự hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine cũng rất khiêm tốn: cuối tháng trước, Tổng thống Joe Biden đã chỉ thị Bộ Ngoại giao chi viện thêm 350 triệu USD vũ khí từ kho dự trữ của Mỹ cho Ukraine.
Nhưng Nga phải xâm lăng một đồng minh NATO mà không kích động phản ứng quân sự của Hoa Kỳ để giới lãnh đạo Trung Hoa đặt câu hỏi nghiêm túc về cam kết của Washington trong việc bảo vệ Đài Loan. Biden đã nói rõ ngay từ đầu cuộc khủng hoảng rằng chính quyền của ông sẽ không bao giờ gửi quân sang Ukraine — một điều hoàn toàn trái ngược với luận điệu của ông về Đài Loan. Mới tuần trước, Biden đã tuyên bố dứt khoát rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Hoa tấn công. Để thể hiện sự ủng hộ, ông cũng gửi đến Đài Loan một phái đoàn gồm những cựu viên chức chính phủ Hoa Kỳ do Mike Mullen, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân dẫn đầu.
Những nhà hoạch định kế hoạch cho Trung Hoa phần lớn cho rằng Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự nhân danh Đài Loan. Điều mà một số người trong giới đó đặt câu hỏi là liệu Hoa Kỳ có thể tập hợp đủ lực lượng đủ nhanh để ngăn chặn một cuộc tấn công của Trung Hoa vào Đài Loan hay không. Trớ trêu thay, nếu Hoa Kỳ mở cuộc hành quân để chống lại cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine, những nhà lãnh đạo Trung Hoa sẽ có thêm lý do để nghi ngờ khả năng của Washington trong việc ngăn chặn cuộc tấn công của Trung Hoa vào Đài Loan. Hoa Kỳ không có đủ tài nguyên để chống lại người Nga ở Châu Âu và chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc chiến tranh giữa những cường quốc ở Châu Á.
Tất nhiên, những sự thật này không ngăn được Trung Hoa cố gắng thao túng tuyên truyền để phá hoại quyết tâm của Đài Loan. Truyền thông nhà nước Trung Hoa đã đăng tải những câu chuyện về việc Hoa Kỳ đã không viện trợ cho Ukraine và do đó cũng sẽ không đến với Đài Loan. Tuy nhiên, giống như hầu hết những gì xuất hiện trên phương tiện truyền thông nhà nước Trung Hoa, những câu chuyện này phản ảnh những gì giới lãnh đạo Trung Hoa muốn thế giới tin – chứ không phải những gì chính họ tin.
KHÔNG ĐÚNG THỜI ĐIỂM
Giới lãnh đạo Trung Hoa chắc chắn đang cân nhắc một cuộc tấn công vào Đài Loan, nhưng bây giờ không phải là thời điểm thích hợp. Quân đội Trung Hoa vẫn đang mài giũa những khả năng cần thiết để chiếm và giữ hòn đảo này. Và Tập khó có thể chơi một canh bạc nguy hiểm với Đài Loan trước Đại hội Đảng sắp tới vào cuối năm 2022, khi ông được nhiều người cho là sẽ nắm chặt nhiệm kỳ tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Hoa lần thứ ba. Tập cũng đang nỗ lực để giảm bớt sự phụ thuộc kỹ thuật của Trung Hoa vào phương Tây, do đó giảm thiểu ảnh hưởng đối với bất kỳ sự tách rời nào sau một cuộc chiến có thể xẩy ra. Vì tất cả những lý do này, một cuộc tấn công vào Đài Loan trước năm 2025 là việc khó có thể xẩy ra.
Nếu có bất cứ điều gì, cuộc khủng hoảng ở Ukraine tạo thêm động lực để Trung Hoa chờ đợi. Bắc Kinh không muốn thế giới đánh đồng hai kịch bản. Theo quan điểm của Trung Hoa, Ukraine là một quốc gia độc lập có tranh chấp biên giới với Nga. Ngược lại, Đài Loan “luôn là một phần lãnh thổ không thể xâm phạm của Trung Hoa”, như Đại sứ Trung Hoa tại Hiệp hội những quốc gia Đông Nam Á, Deng Xijun, nói vào cuối tháng trước. Nói cách khác, liên kết hai vấn đề sẽ làm suy yếu tuyên bố chủ quyền của Trung Hoa đối với hòn đảo này.
Trung Hoa cũng hiểu rằng việc chống lại Đài Loan bây giờ sẽ củng cố thêm lo ngại ở phương Tây về một trục chuyên quyền. Hoa Kỳ có thể không có quyết tâm chiến đấu kéo dài để bảo vệ Đài Loan. Nhưng đột nhiên phải đối mặt với nhu cầu bảo vệ tự do và dân chủ chống lại một liên minh độc tài, Washington có thể tập hợp một phản ứng quân sự lớn hơn và thuyết phục những đồng minh của Mỹ làm tương tự. Một phần vì lý do này, Trung Hoa đã cố gắng duy trì vẻ trung lập trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Việc Nga xâm lăng Ukraine chắc chắn đã làm thay đổi bộ mặt của trật tự quốc tế. Nó đã tập hợp những nước châu Âu chống lại Nga, thúc đẩy Đức tăng chi tiêu quốc phòng, và thậm chí thuyết phục những nước trung lập trong lịch sử như Finland, Sweden, và Switzerland có lập trường chống lại Moscow. Tuy nhiên, từ quan điểm của Trung Hoa, không có gì Nga hoặc những đối thủ của họ đã làm thay đổi đáng kể tính toán về Đài Loan.
Tác giả | Oriana Skylar Mastro là Thành viên tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli tại Đại học Stanford và Thành viên Cao cấp Không thường trú tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ.
© 2022 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Invasions Are Not Contagious | Russia’s War in Ukraine Doesn’t Presage a Chinese Assault on Taiwan | Oriana Skylar Mastro | Foreign Affairs | Mar 3, 2022.