Về thuyết âm mưu, tính đặc biệt của Canada và trách nhiệm bảo vệ lợi ích chung của giới lãnh đạo
David Coletto | DCVOnline
Người Canada không khác người Mỹ là mấy. Chắc chắn đây là một tuyên bố gây sốc, đáng ngạc nhiên, nhưng là một tuyên bố mà tôi ngày càng tin hơn trong vài tuần qua.
Trong 10 ngày qua, công ty Abacus Data của tôi đã công bố kết quả của một cuộc thăm dò thực hiện vào tháng 5 với 1.500 người (đã trưởng thành ở) Canada nhằm khám phá quan điểm của họ về truyền thông và chính phủ, niềm tin vào Thuyết thay thế vĩ đại/da trắng, và thuyết âm mưu COVID. Kết quả cuộc thăm dò và phân tích của chúng tôi đã thu hút được rất nhiều sự chú ý — có lẽ nhiều hơn bất kỳ cuộc thăm dò nào mà chúng tôi đã công bố trước đây.
Bản tóm tắt nhanh về kết quả cuộc thăm dò mới đây cho thấy:
- 52% người Canada đồng ý rằng “không thể tin những tuyên bố chính thức của chính phủ về các sự kiện”.
- 44% người Canada đồng ý rằng “phần lớn thông tin chúng ta nhận được từ những cơ sở truyền thông là sai sự thật”.
- 37% người Canada đồng ý rằng “có một nhóm người trong nước đang cố gắng thay thế những người Canada gốc bản địa (sinh tại Canada) bằng những người di cư đồng ý với quan điểm chính trị của họ.” Đây là sự trình bày rõ ràng về những gì thường được gọi là lý thuyết thay thế (người da trắng).
- 20% người Canada tin rằng chắc chắn hoặc có thể đúng rằng “Diễn đàn Kinh tế Thế giới là một nhóm gồm các giới tinh hoa toàn cầu với chiến lược bí mật để áp đặt ý tưởng của họ lên thế giới.”
- 19% người Canada tin rằng “Vaccine COVID đã giết chết nhiều người và đã được che dấu”.
- 9% tin rằng chắc chắn hoặc có thể đúng rằng “COVID được xẩy ra vì việc sử dụng kỹ thuật không dây 5G vì tần số điện từ làm suy yếu các hệ thống miễn dịch”.
Ngoài những kết quả hàng đầu, cuộc thăm dò cho thấy rằng những người tin rằng vào những ý tưởng này có khuynh hướng ở phía bên phải của quang phổ chính trị, là những người có thể không tin tưởng vào giới truyền thông và chính phủ nhất và cũng có thể chủng ngừa COVID-19 ít nhất. Hơn nữa, nếu tin một trong những thuyết âm mưu này, người ta cũng có thể tin vào những thuyết âm mưu khác.
Giống như người Mỹ, chúng ta dễ mắc phải những sai lầm, thuyết âm mưu và thông tin sai lệch. Giống như người Mỹ, chúng ta là con người, lo lắng về tương lai và ngày càng cảm thấy lo lắng về mức độ thay đổi ảnh hưởng đến xã hội, nền kinh tế và thế giới xung quanh chúng ta. Và cũng giống như người Mỹ, chúng ta ngày càng bị cô lập cách xa nhau, sống trong bong bóng và kết nối với các mạng lưới ngày càng chia sẻ quan điểm của chúng ta và hiếm khi thách thức thế giới quan hoặc quan điểm của chúng ta.
Hoa Kỳ đã trải qua một cuộc nổi dậy và đảo chính hụt vào tháng 1 năm 2020. Canada đã trải qua một cuộc chiếm đóng thành phố thủ đô trong nhiều tuần vào tháng 1 và tháng 2 năm 2021. Cả hai sự kiện đều không cô lập, cũng không ngắt kết nối. Chúng được xây dựng trên nền tảng của những thông tin sai lệch, thuyết âm mưu và sự ngờ vực.
Kết quả thăm dò của chúng tôi có ý nghĩa gì đối với chính trị Canada và tương lai của các cuộc bầu cử?
# 1: Người Canada và Canada không phải là ngoại lệ. Điều gì xảy ra ở các quốc gia khác với những người khác CÓ THỂ xảy ra ở đây.
Chúng ta phải vượt qua ý nghĩ rằng bằng cách nào đó chúng ta đã miễn nhiễm với các thế lực tạo ra và truyền bá chủ nghĩa cực đoan, thông tin sai lệch và làm mất lòng tin trên khắp thế giới. Chúng tôi thực hiện nghiên cứu này một phần vì chúng tôi muốn làm nổi bật một điều gì đó, trong khi vô cùng khó chịu và bực bội, điều đó đang xảy ra ở Canada.
# 2: Chúng ta cần những người lãnh đạo có trách nhiệm chứ không phải những quy định hoặc luật lệ mới của chính phủ các cấp.
Nhiều người ngay lập tức cho rằng mạng xã hội và internet là nguyên nhân chính của chủ nghĩa cực đoan và thông tin sai lệch. Không nghi ngờ gì nữa, theo suy nghĩ của tôi, chúng góp phần vào việc truyền bá và tuyên truyền những ý tưởng này, nhưng chúng không phải là nguyên nhân. Giới lãnh đạo chính trị, các doanh nghiệp và những người có ảnh hưởng đang trục lợi do sự bất bình đẳng, mất lòng tin và sự thay đổi to lớn là căn nguyên của sự biến động xã hội này.
Trong cuộc thăm dò ý kiến của chúng tôi, những người dùng Twitter, Facebook hoặc YouTube hàng ngày có khuynh hướng tin một số ý tưởng điên rồ mà chúng tôi đã khám phá trong nghiên cứu mới đây chỉ hơn những người không dùng Facebook, YouTube hay Twitter một chút. Ví dụ, trong số những người dùng Twitter mỗi ngày (khoảng 7% người Canada trưởng thành), 19% cho rằng Diễn đàn Kinh tế Thế giới đang cố gắng áp đặt ý tưởng của họ lên thế giới. Tỷ lệ những người không bao giờ sử dụng Twitter cũng tin như vậy.
Việc điều tiết internet bằng luật lệ sẽ không xóa bỏ được sự nghi ngờ sâu sắc của mọi người về chính phủ hoặc giới truyền thông. Trên thực tế, nó có thể đổ thêm dầu vào lửa, đặc biệt là nếu luật do chính phủ và các nhà lãnh đạo chính trị ban hành vì họ vốn đã mất lòng tin của những người tin vào và truyền bá những lời nói dối và thông tin sai lệch mà chúng tôi thu thập được trong cuộc thăm dò mới đây.
Lý do tại sao nhiều người lại tìm kiếm thông tin của họ từ mạng xã hội là vì họ không tin vào những gì họ nghe, thấy hoặc đọc được ở những cơ sở truyền thông báo chí, truyền thanh, truyền hình truyền thống hoặc từ chính phủ. Những người dùng Facebook hàng ngày có thể đồng ý “rằng những tin tức, thông báo chính thức của chính phủ về các sự kiện không thể đáng tin cậy hơn 13% những người không bao giờ sử dụng Facebook. Và người dùng Facebook đồng ý rằng “phần lớn thông tin chúng ta nhận được từ cơ sở truyền thông là sai sự thật” hơn những người không bao giờ sử dụng Facebook 9%.
Việc điều tiết Internet bằng luật lệ có thể đẩy những người này vào sâu hơn vào một thế giới mà chúng ta không thể nhìn thấy cũng như không ảnh hưởng được và còn làm dấy lên sự nghi ngờ sâu sắc và không tin tưởng của họ đối với các tổ chức công.
Những gì chúng ta cần là những người lãnh đạo chính trị, kinh doanh và truyền thông, những người nhận ra sức mạnh mà họ có trong việc định hình ý kiến, quan điểm và hành động có trách nhiệm. Một trong ba người Mỹ sẽ không tin rằng cuộc bầu cử năm 2020 đã bị đánh cắp và không hợp lệ nếu Donald Trump và những người đại diện của ông không lặp đi lặp lại lời nói dối nhiều lần.
# 3: Chúng tôi không ngại đặt những câu hỏi hóc búa trong các cuộc thăm dò.
Trong một cuộc phỏng vấn về nghiên cứu của chúng tôi, một nhà báo đã hỏi tôi tại sao chúng tôi thực hiện cuộc thăm dò này và làm thế nào chúng tôi có đủ can đảm để hỏi một số câu hỏi hóc búa mà chúng tôi đã hỏi. Tôi trả lời bằng cách nói rằng chúng ta không thể lo ngại khám phá những khía cạnh khó chịu hơn trong suy nghĩ và niềm tin của mình. Điều quan trọng là chúng ta biết mình phải chống lại điều gì và chỉ có thể làm được điều đó nếu chúng ta đào sâu, khám phá và hiểu những gì mọi người tin tưởng và điều gì thúc đẩy những niềm tin đó.
Công việc của tôi mang lại cho tôi một đặc quyền lớn là được hỏi hàng ngàn người Canada hàng trăm câu hỏi mỗi tuần. Tôi đã dành hơn 15 năm để nghiên cứu dư luận và tôi hiếm khi ngạc nhiên về những gì mà các cuộc tham dò, nhóm tập trung hoặc phỏng vấn chi tiết của chúng tôi tìm thấy. Nhưng kết quả cuộc thăm dò này đã làm tôi ngạc nhiên. Tôi đã bị sốc và lo ngại sâu sắc về tỉ lệ lớn người tin vào một số ý tưởng điên rồ, và rất đáng ngại.
Canada không phải là ngoại lệ. Chúng ta không miễn nhiễm. Đừng ngại tiếp tục đặt những câu hỏi hóc búa. Tôi hứa là tôi sẽ không ngần ngại.
Tác giả | David Coletto là người sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty thăm dò dư luận Abacus Data và là giáo sư quản lý chính trị tại Đại học Carleton.
© 2022 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: On Conspiracy Theories, Canadian Exceptionalism and the Responsibility of Leaders to Protect the Common Good |David Coletto | The Writ | Jun 22 2022