Roe là Lệnh cấm rượu mới

David Frum |DCVOnline

Phong trào ủng hộ sự sống cần biết rằng những cuộc chiến tranh văn hóa như vậy không dẫn đến toàn thắng cho một bên mà là phản ứng và thỏa hiệp.

Thành viên của Hội Phụ nữ Cơ đốc giáo mở, đổ những thùng rượu bị tịch thu trong thời Cấm Rượu, năm 1929. (New York Daily News / Getty)

Chiến tranh văn hóa diễn ra sôi động nhất từ những năm 70 đến những năm 20 của thế kỷ tiếp theo. Nó phân cực xã hội Mỹ, chia rẽ đàn ông với phụ nữ, nông thôn với thành thị, tôn giáo khỏi thế tục, người Mỹ gốc Anh với những nhóm người mới di cư gần đây hơn. Đã từ lâu, nhưng chỉ sau một cuộc đấu tranh hiến pháp, phe văn hóa nông thôn và tôn giáo đã áp đặt ý chí của họ lên phe thế tục và thành thị. Có vẻ như họ đã giành được một chiến thắng dứt khoát.

Cuộc chiến văn hóa mà tôi đang nói đến là cuộc chiến văn hóa về việc cấm rượu. Từ khi kết thúc kỷ nguyên Tái thiết cho đến Chiến tranh thế giới thứ nhất, có lẽ nhiều cuộc bầu cử cấp tiểu bang và địa phương đã thảo luận vấn đề này hơn bất kỳ vấn đề nào khác. Cuộc đấu tranh kéo dài dường như lên đến đỉnh điểm vào năm 1919, với việc Quốc hội phê chuẩn Tu chính án thứ mười tám và được Quốc hội ban hành Đạo luật Cấm Rượu trên toàn quốc, hay như nó đã được biết là Đạo luật Volstead. Tu chính án và đạo luật đã cùng nhau cấm việc sản xuất và bán thức uống có cồn ở Hoa Kỳ và trên tất cả các lãnh thổ của thần dân Hoa Kỳ. Nhiều người Mỹ thành thị và thế tục đầu thế kỷ 20 đã trải qua và kinh nghiệm những sự kiện đó với cảm giác sụp đổ giống như những người Mỹ ủng hộ quyền lựa chọn có thể đang cảm thấy hiện nay sau khi Tối cao Pháp việt lật ngược án lệnh Roe v. Wade.

Chỉ có điều Đạo luật Volstead không phải là đoạn kết của câu chuyện. Khi Lệnh cấm rượu trở thành hiện thực trên toàn quốc, người Mỹ đã nhanh chóng thay đổi quan điểm về việc này. Ủng hộ cho Lệnh cấm rượu sụt giảm, sau đó sụp đổ. Không chỉ Đạo luật Volstead bị bãi bỏ vào năm 1933, mà Hiến pháp còn được sửa đổi thêm để không ai có thể thử làm một việc như vậy nữa.

Đó là nơi mà câu chuyện thường kết thúc. Nhưng bây giờ chúng ta hãy thêm một chương nữa, chương phù hợp nhất với hiện tình của chúng ta. Khi Lệnh cấm rượu cuối cùng đã kết thúc, cuộc chiến văn hóa về rượu cũng vậy. Những cảm xúc bùng cháy dữ dội trong hơn nửa thế kỷ tàn dần sau năm 1933. Trước và trong thời kỳ Cấm rượu, rượu dường như là một vấn đề đạo đức về sự đúng sai tuyệt đối. Giữa thiên đường và địa ngục (như những người theo chủ nghĩa cấm rượu đã nói về nó), giữa tự do và chuyên chế (như những người bãi bỏ lệnh cấm rượu coi nó), làm thế nào có thể có sự thỏa hiệp?

Người truyền giáo vĩ đại đầu thế kỷ 20, Billy Sunday, đã rao giảng trong “bài giảng về rượu” nổi tiếng của ông như sau,

“Theo ý kiến của tôi, người có tiệm bán rượu còn tệ hơn cả một tên trộm và một kẻ giết người. Kẻ trộm bình thường chỉ ăn cắp tiền của bạn, nhưng người bán rượu ăn cắp danh dự và tính khí của bạn. Kẻ sát nhân bình thường lấy đi mạng sống của bạn, nhưng người bán rượu lại giết linh hồn bạn.”

Billy Sunday

Và đây là phản biện bài giảng của Billy Sunday của của nhà báo ủng hộ lệnh bãi bỏ việc cấm rượu nổi tiếng nhất trong những năm 1920, H. L. Mencken,

“Những người theo chủ nghĩa Cấm rượu, khi họ đánh tráo cách trị bệnh giả mạo cho đất nước đang bị bao trùm vì sự cuồng loạn chiến tranh, đã cho ra rằng chủ trương của họ dựa trên việc Cơ đốc nhân khao khát giảm say rượu, và do đó xóa bỏ được tội phạm, nghèo đói và bệnh tật … Không chỉ tội phạm, nghèo đói và bệnh tật không giảm bớt, nhưng chính sự say xỉn, nếu tin vào số liệu thống kê của cảnh sát, đã tăng lên rất nhiều… Sự thất bại càng rõ ràng, họ càng phô bày động cơ thực một cách trơ trẽn. Nói một cách dễ hiểu, thứ khiến họ xúc động chính là hiện tượng sai lệch tâm lý gọi là bạo dâm.”

H. L. Mencken
Người dân New York mừng sự kết thúc Lệnh cấm rượu, năm 1933 (Imagno / Getty)

Bạn đọc sẽ không tưởng tượng ra bất kỳ cuộc tâm đầu ý hợp nào như thế này. Chưa hết, thỏa hiệp chính là những gì đã xảy ra sau khi người ta đã thử áp dụng lệnh cấm rượu.

Làm thế nào để điều tiết việc uống rượu vẫn là một vấn đề thách thức ở nhiều địa phương, tiểu bang và Quốc hội cho đến ngày nay. Nhưng cuộc tranh luận hiện nay là cuộc tranh luận dành cho các nhóm vận động và quan tâm đặc biệt: những người buôn sỉ bia đấu tranh để bảo vệ khu vực độc quyền do chính phủ trao cho họ, Những bà mẹ chống lại việc say rượu lái xe vận động để ngăn chặn tình trạng say xỉn gây tai nạn, những quán bar và nhà hàng muốn đóng cửa trễ hơn, hội chủ nhà muốn chúng đóng cửa sớm hơn. Nhưng hầu như không ai nói về rượu hoặc quy định về rượu như Billy Sunday hay H. L. Mencken đã nói nữa. Luật lệ về rượu là một vấn đề quản trị, không phải là một chiến trường chính của cuộc chiến văn hóa. Mục tiêu của giới quản lý không còn là để cứu tội nhân khỏi địa ngục và có được thiên đường trên Trái đất. Mục tiêu của sự bãi bỏ quy định không còn là giải phóng tinh thần con người khỏi chế độ chuyên chế phản động. Cả hai đều đang tìm cách tìm ra trạng thái cân bằng theo từng tiểu bang, từng thị trấn mà hầu hết người Mỹ có thể chấp nhận được.

Một thế kỷ sau, cuộc tranh luận lớn về việc rượu, cho thấy sự tương tự mê người với cuộc tranh luận đương thời về vấn đề phá thai. Trong mỗi trường hợp, trận chiến bắt đầu với chiến thắng lớn tại tòa án để hợp pháp hóa. Năm 1973, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ công nhận quyền phá thai theo hiến pháp; vào năm 1856, tòa án cao nhất ở bang New York đã bãi bỏ một luật cấm rượu có từ trước vì nó vi phạm quyền sở hữu. Thất bại tại tòa án đã khiến phe ủng hộ đời sống và cấm rượu chuyển sang hướng vận động quần chúng. Trong khi đó, chiến thắng ở pháp đình đã ru bên thắng cuộc ban đầu trở nên tự mãn. Dần dần, cán cân quyền lực chính trị chuyển dịch. Những bên ủng hộ sự sống/cấm rượu ngày càng kiểm soát được nhiều cơ quan lập pháp tiểu bang hơn. Các tòa án tiểu bang và liên bang từ từ định hướng lại theo những bên ủng hộ sự sống/cấm rượu. Cuối cùng đã đến thời điểm đảo ngược quan trọng đối với thất bại trước đây: Lệnh Cấm rượu trên toàn quốc năm 1919, vụ Dobbs vào năm 2022.

Án lệnh Cấm rượu và Dobbs [cấm phá thai] đã và đang là những dự án tìm cách áp đặt những giá trị của một thiểu số văn hóa cố kết và có tổ chức tốt lên một đa số văn hóa đa nguyên và kém tổ chức. Những dự án đó có thể đạt kết quả trong một thời gian, nhưng chỉ trong một thời gian. Ở một quốc gia có hệ thống bỏ phiếu đại diện — ngay cả một hệ thống méo mó ủng hộ nông thôn và bảo thủ như hệ thống của Hoa Kỳ vào những năm 1920 và trở lại như hiện nay —  văn hóa của khối đa số sớm muộn cũng sẽ thắng thế.

Tác giả | David Frum là một nhà báo, nhân viên của The Atlantic và là tác giả của Trumpocalypse: Khôi phục nền dân chủ Mỹ (2020). Năm 2001 và 2002, ông là người viết diễn văn cho Tổng thống George W. Bush.

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

Nguồn: Roe Is the New Prohibition | David Frum | The Atlantic | June 27, 2022.