Pierre Poilievre, một chính khách dân túy của thế kỷ 21, nghĩ rằng cờ đã đến tay
Aaron Wherry | DCVOnline
Lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ đã lớn tiếng tuyên bố ý định của mình. Bất cứ chuyện gì sắp đến, nó sẽ không diễn ra một cách êm đềm.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 7 — một thời gian sau khi rõ ràng rằng ông có thể sẽ thắng trong cuộc đua tranh ghế lãnh đạo đảng — Pierre Poilievre đã dập tắt bất kỳ ý định nào rằng ông sẽ thay đổi phong cách khi trở thành lãnh đạo của Đảng Bảo thủ.
“Mọi người biết tôi sẽ làm gì. Không có chuyện xoay trục lớn. Tôi là tôi.”
Pierre Poilievre
Poilievre chưa bao giờ là một người rụt rè. Ông tranh cử lần đầu khi mới 24 tuổi và ông là nhân vật trung tâm trong một số cuộc đâu tranh chính trị lớn nhất trong thời đại Stephen Harper.
Nhưng ông ấy đã lớn tiếng tuyên bố lớn hơn nữa trong bảy tháng qua. Dù có bất kỳ điều chỉnh nào trong thông điệp khi cuộc đua lãnh đạo Đảng Bảo thủ đã kết thúc (bài phát biểu của ông vào tối thứ Bảy trước máy quay truyền hình quốc gia đáng chú ý là nhẹ nhàng hơn so với phong cách của ông ấy trước đây), nhưng ông ấy đã cho thấy rất rõ ràng về cách ông làm chính trị.
Ông là một chính khách tài năng, một một người được thúc đẩy bằng ý thức hệ bảo thủ, một nhân vật dân túy hiếu chiến. Canada đã có những người theo chủ nghĩa dân túy trước đây — từ William Aberhart đến John Diefenbaker rồi Rob Ford. Nhưng việc Poilievre lên nắm quyền lãnh đạo Đảng Bảo thủ đánh dấu sự xuất hiện của chủ nghĩa dân túy thế kỷ 21 ở Canada — làn sóng thúc đẩy do sự phẫn nộ, nổi dậy nhờ Internet đã tràn ngập chính trường Mỹ và Anh.
Nắm bắt được xung động bản năng Bảo thủ
Vào một lúc khác và một nơi khác, những người Bảo thủ có thể sẽ chọn Jean Charest. Nhưng sau khi không hoạt động chính trị trong gần mười năm, cựu thủ tướng Quebec han rỉ và chậm chạp.
Cuộc vận động tranh cử của Charest cũng không nhằm đúng chỗ trong não bộ của Đảng Bảo thủ. Việc ứng cử của ông đại diện cho lập luận hợp lý và thông thường nhất — là đảng cần lên tiếng kêu gọi những người khác, bên ngoài nhóm ủng hộ đảng Bảo thủ, để giành được quyền lập chính phủ.
Nhưng Poilievre đã chiếm được xung động bản năng của đảng Bảo thủ. Sau ba lần thất bại liên tiếp trước Justin Trudeau, sau những nỗ lực vụng về của Erin O’Toole trong việc điều chỉnh một số chính sách và mở rộng hoạt động của đảng, Poilievre đã cho những người Bảo thủ tiếng gọi nức nở của con tim (“tự do!”) và một người lãnh đạo không nao núng, sẵn sàng chiến đấu để họ đi theo ủng hộ.
Mục tiêu Poilievre đã đề ra là đưa Canada trở thành quốc gia “tự do” nhất trên thế giới (một danh hiệu hiện do Singapore hoặc Thụy Sĩ đang giữ) và “cho phép người Canada tự làm chủ cuộc sống của họ.”
Thông điệp của ông là “những người gác cổng” đang không để cho người dân Canada được thịnh vượng, tự do và an ninh, những thứ đáng lẽ phải là của họ.
Ông ta rõ ràng nhất về việc chống lại ai và cái gì.
Ông ta ủng họ cuộc biểu tình tự xưng là “đoàn xe tự do” và ông phản đối chính sách chủng ngừa và đeo mặt nạ trong đại dịch. Ông sẽ bãi bỏ thuế carbon và tiêu chuẩn nhiên liệu sạch, đồng thời sẽ thay đổi quy định của liên bang để giúp việc phê duyệt những dự án và đường ống dẫn dầu và khí đốt trở nên dễ dàng hơn.
Ông sẽ đảo ngược những nỗ lực của chính phủ Tự do nhằm quy định những mạng xã hội lớn, mà theo ông là giống như kiểm duyệt. Ông ta sẽ rút tài trợ cho CBC.
Ông đã tuyên bố sẽ sa thải thống đốc Ngân hàng Canada — Poilievre quy trách nhiệm cho thống đốc về lạm phát cao ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ông khẳng định rằng việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ sẽ giải quyết được vấn đề lạm phát ở Canada.
Ông ấy cổ động tiền điện tử như một cách để “giành quyền kiểm soát tiền từ những ngân hàng và chính khách” và “chọn không để lạm phát ảnh hưởng” (mặc dù ông ấy dường như ít chú trọng hơn vào bitcoin và những loại tiền điện tử khác kể từ khi thị trường tiền điện tử sụp đổ vào mùa hè này).
Ông cũng vô cớ cáo buộc chính phủ “theo dõi” người dân Canada trong đại dịch sau khi Cơ quan Y tế Công cộng dùng dữ liệu di động tổng hợp để đo lường hiệu quả của những hạn chế về mặt y tế cộng đồng. Và ông đã cổ động cho quan điểm sai lầm rằng chính phủ đang theo đuổi “lệnh cấm dùng phân bón.”
Theo ông ấy hoặc chống lại ông ấy
Không giống như một số nhân vật đã định hình chủ nghĩa dân túy trong những năm gần đây, Poilievre đã không vận động chống dân di cư hoặc cố gắng chia rẽ cử tri theo chủng tộc hoặc sắc tộc. Nhưng ông đã chấp nhận ngôn ngữ của chủ nghĩa dân túy và khái niệm cơ bản là chỉ có bạn và thù. Nếu không không ở với Poilievre, nghĩa là đang chống lại ông ta.
Ông hướng sự giận dữ vào “giới tinh hoa” — “giới tinh hoa ở Ottawa”, “giới tinh hoa giàu có”, “giới tinh hoa cầm quyền” — và “văn hóa ý thức về sự phân biệt đối xử và kỳ thị chủng tộc hoặc bất công xã hội” (woke culture). Trong một email gửi đến những người ủng hộ vào tháng 5, Poilievre tuyên bố “giới truyền thông, bỉnh bút [và] các giáo sư” nói rằng ông ấy không nên tấn công Justin Trudeau “mạnh” như đang làm vì một “câu lạc bộ của những người trong cuộc” muốn duy trì tình trạng hiện tại.
Vào tháng 8, ông ấy đã tweet rằng “Những người gác cổng phe Tự do và giới tài phiệt” sẽ rơi “nước mắt cánh tả” khi anh ấy nắm quyền. (Trong video kèm theo, một người ủng hộ đứng bên cạnh Poilievre đang uống cạn cốc với dòng chữ “nước mắt cánh tả” trên đó).
Poilievre cũng đã tuyên bố rằng không có bộ trưởng nào trong chính phủ do ông lãnh đạo sẽ tham dự hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, một tổ chức là chủ đề của nhiều thuyết âm mưu khác nhau. (John Baird, một trong những đồng chủ tịch ban vận động tranh cử của Poilievre, đã tham dự hội nghị này nhiều lần với tư cách là bộ trưởng trong nội các của Stephen Harper.)
Ngoài việc hứa rút tài trợ cho CBC, Poilievre còn tuyên bố rằng những nhà báo của hai đài truyền hình lớn khác — CTV và Global — không đủ khả năng đưa tin về anh ta một cách khách quan. Khi Global News đăng một câu chuyện mà ông không đồng ý, Poilievre cáo buộc đài truyền hình này là “loa phường của Đảng Tự do.”
Theo truyền thống, các cuộc đua vào vị trí lãnh đạo đảng là những vấn đề khá nhẹ nhàng, nhưng Poilievre đã vận động tranh cử một cách kinh thiên động địa chống lại hai đối thủ gần nhất của mình, Jean Charest và Patrick Brown. Khi ông ta không nhận lời tham gia vào cuộc tranh luận lãnh đạo chính thức lần thứ ba, trưởng ban vận động của ông đã công khai chỉ trích đảng của mình vì đã chọn một “nhân vật truyền thông của phe tự do ưu tú” đã điều hành cuộc tranh luận trước đó.
Nếu có bất kỳ đảng viên Đảng Bảo thủ liên bang nào nghi ngờ về phong cách hoặc bản chất chính trị của Poilievre, họ đã tương đối im lặng trong bảy tháng qua.
Những lo lắng của Charest và lời cảnh cáo của Sheila Fraser
Trong những giây phút sau cùng của cuộc tranh luận cuối cùng đó, Charest cảnh cáo rằng “tức giận không phải là một nghị trình chính trị.” Nhưng lần gần nhất Charest đưa ra lập luận bài bản nhất chống lại Poilievre là vào tháng Năm, khi ông nói rằng lời bình luận của Poilievre về Ngân hàng Canada là “vô trách nhiệm.”
Charest nói, “Chúng ta không thể có bất kỳ người lãnh đạo nào đưng trướng công chúng và cố tình xói mòn niềm tin vào những thể chế.”
Có lẽ ông ta không cố ý, nhưng Charest đang lặp lại điều gì đó đã nói vào lần cuối cùng khi Poilievre là trung tâm của chính trường Canada.
Vào năm 2014, Poilievre là dân biểu đưa ra Đạo luật Bầu cử Công bằng, đạo luật viết lại luật bầu cử liên bang gây tranh cãi của chính phủ Bảo thủ. Nhiều chuyên gia và giới phê bình đã đưa ra những yếu tố trong có vấn đề trong dự luật và cảnh cáo rằng nó — mà không cần biện minh — sẽ khiến một số người Canada khó bỏ phiếu hơn. Một trong những người chỉ trích đó là Marc Mayrand, trưởng cơ qua tổ chức bầu cử lúc đó.
Đáp lại, Poilievre công khai chất vấn động cơ của Mayrand, lên tiếng cáo buộc trước một ủy ban Thượng viện rằng Mayrand muốn “nhiều quyền hơn, ngân sách lớn hơn và ít trách nhiệm hơn.”
Sheila Fraser, cựu tổng kiểm toán được hiều người nể vì, đã điều trần trước ủy ban này vài giờ sau đó và bày tỏ mối quan tâm sâu sắc về những gì Poilievre đã tuyên bố. Bà nói,
“Điều đó làm tôi rất khó chịu — tôi có thể nói là làm tôi rất phiền — khi thấy những lời bình luận như vậy của bộ trưởng, và tôi sẽ khá thẳng thừng, … là tấn công cá nhân trưởng cơ qua tổ chức bầu cử.
Điều này không giúp gì cho chúng ta. Nó làm suy yếu uy tín của những cơ chế này. Và chung cuộc, nếu việc này tiếp tục thì tất cả chúng ta sẽ phải trả giá, bởi vì không ai sẽ đặt niềm tin vào chính phủ hoặc những hây trưởng cơ quan tổ chức bầu cử, hoặc hệ thống dân chủ của chúng ta nữa.”
Sheila Fraser
Tám năm sau, những mối quan tâm tương tự đang dấy lên do một làn sóng chủ nghĩa dân túy đang nổi dậy dựa vào xung đột và đối lập.
Ngược với lời cảnh cáo của Fraser là ván bài của Poilievre cho rằng đây là lúc cờ đã đến tay ông ta, thông điệp của ông ta và chính trị của ông ta.
Hai năm rưỡi cơ cực ám ảnh. Lạm phát tăng và lãi suất đang tăng. Khó có thể mua được nhà ở. Mọi thứ dường như không có kết quả — từ sân bay đến văn phòng cấp sổ thông hành đến phòng cấp cứu. Đảng Tự do đã nắm chính phủ được gần bảy năm. Và tương lai đầy bất trắc.
Poilievre nói rằng ông cảm nhận được nỗi đau của mọi người và cử tri có thể thấy hy vọng trong những lời hứa về sự thay đổi đáng kể của ông.
Bất cứ điều gì sắp đến, nó sẽ không diễn ra một cách êm đềm.
Tác giả | Aaron Wherry, một nhà báo viết về sinh hoạt ở Quốc hội từ năm 2007 và đã viết cho Maclean’s, National Post và Globe and Mail. Ông là tác giả của Promise & Peril, cuốn sách kể về những năm cầm quyền của Justin Trudeau.
© 2022 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Pierre Poilievre is a 21st century populist who thinks his moment has arrived | Aaron Wherry · CBC News | Sep 11, 2022