Bất chấp rạn nứt mặt ngoại giao, Canada và Trung Hoa chuẩn bị mở hội nghị thượng đỉnh đa dạng sinh học Cop15
Leyland Cecco | DCVOnline
Những bộ trưởng và chuyên gia cho rằng tranh chấp giữa hai nước đồng chủ trì hội nghị không làm gián đoạn nỗ lực để đạt được thỏa thuận bảo vệ thế giới tự nhiên
Hơn 10.000 chuyên gia khoa học, giới chức trong chức chính phủ và giới hoạt động sẽ tập trung tại Montreal trong tuần này để tham dự hội nghị đa dạng sinh học quan trọng nhất thế giới, mong muốn đạt được thỏa thuận nhằm ngăn chặn tình trạng mất môi trường sống trên toàn thế giới và bảo tồn các hệ sinh thái dễ bị thiệt hại.
Hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học Cop15 của Liên Hiệp Quốc khai mạc vào thứ Ba và sẽ tổ chức cho những quốc gia đàm phán về những mục tiêu bảo vệ thiên nhiên trong mười năm tới sau hơn hai năm trì hoãn vì đại dịch và chỉ hơn hai tuần sau khi kết thúc cuộc họp về khí hậu Cop27 ở Ai Cập.
Ngày càng có nhiều hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ không chỉ mang lại một kế hoạch cứu thế giới tự nhiên mà còn có thể bắt đầu hàn gắn những rạn nứt sâu sắc giữa hai nước đồng chủ tọa là Trung Hoa và Canada.
Trong những tuần gần đây, Canada đã buộc tội một công dân Trung Hoa về tội gián điệp, cáo buộc rằng Trung Hoa đã can thiệp vào một cuộc bầu cử liên bang và mở cuộc điều tra về một mạng lưới bí mật được cho là có cả “đồn cảnh sát” bất hợp pháp do Trung Hoa điều hợp ở Toronto. Tại hội nghị thượng đỉnh G20 gần đây ở Jakarta, Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình đã công khai lên lớp thủ tướng Canada Justin Trudeau sau khi giới chức Canada thông báo chi tiết cuộc trò chuyện của họ.
“Khi quý vị nhìn vào những gì xảy ra gần đây, Canada hiện không phải là nước được yêu mến ở Bắc Kinh.” Guy Saint-Jacques, cựu đại sứ Canada tại Trung Hoa, cho biết Chủ tịch Tập không coi trọng Thủ tướng Trudeau.
“Và trong khi Trung Hoa nợ Canada vì đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh này, giới chức chính phủ ở Bắc Kinh sẽ không muốn ca ngợi Canada theo bất kỳ cách nào hoặc được coi là biết ơn.”
Guy Saint-Jacques
Hội nghị thượng đỉnh Cop15, bị trì hoãn do đại dịch corona virus và chính sách y tế công cộng nghiêm ngặt của Trung Hoa, ban đầu dự kiến sẽ tổ chức tại Côn Minh, Trung Hoa, nhưng đã được chuyển đến Montreal khi Canada đồng ý đồng tổ chức hội nghị này.
Trudeau đã có kế hoạch tham dự, nhưng Trung Hoa không gởi lời mời đến giới lãnh đạo thế giới, và Saint-Jacques nghi ngờ các giới chức chính phủ Hoa lục muốn giữ hội nghị ở “mức độ làm việc”, tránh sự hào nhoáng liên quan đến các cuộc tụ họp toàn cầu.
Saint-Jacques, người trước đây từng là trưởng đoàn đàm phán và đại sứ về biến đổi khí hậu của Canada, cho biết:
“Nếu hội nghị này tổ chức ở Trung Hoa, chắc chắn là sẽ có những thư mời được gửi đi để dùng nó cho mục đích tuyên truyền một cách tối đa có thể. “Nhưng uy tín của Trung Hoa đã bị giảm sút trong những năm gần đây… và vì vậy, theo nhiều cách, họ có thể đang tìm đến Cop15 để đánh bóng hình ảnh của mình.”
Guy Saint-Jacques
Trung Hoa vẫn là quốc gia thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới, chiếm gần 30% tổng lượng khí thải toàn cầu và mặc dù đã nỗ lực hết sức để ngăn chặn hiện tượng sa mạc hóa ở các khu vực phía bắc, quốc gia này đang phải gặp vấn đề lớn về mặt đa dạng sinh học. Tuy nhiên, Trung Hoa cũng là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào kỹ thuật năng lượng tái tạo , đặc biệt là năng lượng mặt trời và gió.
Bất kể những mâu thuẫn gần đây với Canada, Saint-Jacques lưu ý rằng hai nước từ lâu đã hợp tác trong những dự án về môi trường – một lĩnh vực có thể có điểm chung trong những tuần tới.
Trong nhiều chục năm, Canada đã giúp tài trợ cho những dự án môi trường ở Trung Hoa qua cơ quan phát triển quốc tế, kể cả quản lý lâm nghiệp, nghiên cứu hệ sinh thái đồng cỏ và huấn luyện chuyên viên khoa học và kỹ sư. Canada cũng giúp phát triển, tài trợ và tổ chức Hội đồng Hợp tác Quốc tế về Môi trường và Phát triển của Trung Hoa. Trong chuyến thăm đầu tiên tới Trung Hoa vào năm 2016 với tư cách là thủ tướng, Trudeau đã phác thảo một kế hoạch của Parks Canada nhằm giúp phát triển mạng lưới nhưng công viên quốc gia ở Trung Hoa.
Lynette Ong, giáo sư khoa học chính trị và là học giả về Trung Hoa tại Đại học Toronto, cho biết Bắc Kinh ngày càng thấy cần phải hành động nhanh chóng và táo bạo về mặt bảo vệ môi trường.
Bà ấy nói: “Giá sẽ quá cao nếu để những tranh cãi song phương cản trở.”
Giới chuyên gia nghiên cứu chính trị của chính sách khí hậu cho biết bản chất của các cuộc họp có thể giúp hàn gắn những rạn nứt.
Kathryn Harrison, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học British Columbia, tập trung vào chính sách khí hậu, cho biết: “Mọi người thường coi những hội nghị lớn này là một cuộc nói chuyện ba hoa. Thật dễ dàng để hoài nghi vì, thành thật mà nói, chúng ta đã đạt được rất ít tiến bộ.”
Tuy nhiên, Harrison cho biết những cuộc đàm phán có sự tham gia của giới công chức và viên chức chánh phủ, những người không bị áp lực của những mối thù ngoại giao lớn hơn. “Thật dễ dàng để đánh giá thấp có bao nhiêu người tại các cuộc họp này, những người cam kết sâu sắc trong việc cố gắng thúc đẩy mọi thứ theo hướng tích cực và những người thực sự quan tâm đến khí hậu và đa dạng sinh học. Đó là lý do tại sao họ ở đó.”
Hai bộ trưởng ngoại giao và môi trường của Canada đều cho biết họ lạc quan rằng hai nước có thể hợp tác trở lại. Bộ trưởng môi trường, Steven Guilbeault, cho biết,
“Mặc dù có một số thách thức và khó khăn chúng ta có ở những mặt khác… các vấn đề toàn cầu có thể được giải quyết bằng cách cùng làm việc với nhau. Không một quốc gia nào, dù hùng mạnh về kinh tế, chính trị hay quân sự, có thể tự mình làm tất cả.”
Steven Guilbeault
© 2022 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Canada and China prepare to open Cop15 biodiversity summit despite rifts | Leyland Cecco · The Guardian | 4 Dec 2022.