Trao đổi cùng ông Nguyễn Cao Kỳ

Nguyễn Quốc Nam

Tôi khẩn thiết mong mỏi ông không chỉ góp ý suông mà phải hành động tích cực hơn để nhà cầm quyền Việt Nam thả hết các tù nhân lương tâm, trả lại tự do cho những người đấu tranh dân chủ, xóa bỏ điều 4 hiến pháp, khuyến khích thành lập đảng đối lập, người dân tự do ứng cử, nhân dân tự do chọn người tài đức, ông đứng về phía quần chúng, công nhân đau khổ đòi hỏi nhà cầm quyền trả lại công bằng và quyền lợi đích thực cho họ.

Kính gửi ông Nguyễn Cao Kỳ,

Nguyễn Cao Kỳ & Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Thanh Hải (tháng 7/2005). Blog Trịnh Hội (VOA)

Tối hôm qua tình cờ tôi đọc được bài phỏng vấn của ông với tuần báo Việt Weekly trên trang mạng Đàn Chim Việt. Lúc đó gần 12 giờ đêm. Vợ tôi gọi: “Anh đang làm gì đó. Vào ngủ đi, ngày mai còn đi làm.” Tôi trả lời: “Anh đang đọc báo, có bài hay. Chốc nữa anh sẽ vào ngủ.” Tôi không muốn nói là đang đọc bài phỏng vấn ông Nguyễn Cao Kỳ vì e rằng vợ tôi lại hỏi tới ông Nguyễn Cao Kỳ là ông nào, làm gì, tin gì thế sao lại phải đọc ngay tối nay. Như vậy tôi lại phải giải thích có đầu có đuôi, mất thì giờ lắm.

Sau khi đọc bài phỏng vấn tôi tắt đèn, vào giường nhưng không tài nào ngủ được. Tôi trăn trở suốt đêm. Đó là nguyên nhân thúc đẩy tôi viết thư này trao đổi với ông một vài suy nghĩ. Trong bài phỏng vấn ông có nêu lên một điểm đại ý rằng ông chỉ muốn, vào cuối đời, đóng góp được một cái gì đó cho đất nước chứ không có tham vọng gì về chính trị. Tôi cũng vậy. Tôi cũng chỉ nguyện rằng mình sẽ đóng góp được một ít dù chỉ bằng hạt cát trong sa mạc cho đất nước Việt Nam quá tan nát, đau khổ của cả ông và tôi. Vậy, ông và tôi đã có ít nhất là một điểm đồng thuận để trao đổi với nhau. Tôi xin được trao đổi với ông với tất cả sự chân thành và thẳng thắng giữa hai đồng bào với nhau.

Chắc chắn ông không hề biết tôi là ai nhưng tôi tình cờ được biết ông vào những ngày cuối cùng của tháng Tư năm 1975. Ngày 28 tháng 4 tôi và gia đình vào sân bay Tân Sơn Nhất với hy vọng là sẽ được di tản ra khỏi Sài gòn vì bố tôi cũng là một quân nhân và có quen biết với một số sĩ quan trong sân bay. Ngay buổi chiều hôm đó, tôi không nhớ chính xác là mấy giờ, thì sân bay bị oanh tạc bằng chính máy bay của quân đội Việt Nam Cộng Hòa (A38), sau đó là bị pháo kích. Mọi người ngạc nhiên và chạy tán loạn vào các nơi trú ẩn. Sáng hôm sau thì tình hình yên lặng trở lại. Mọi người tập trung vào tư dinh của ông, có lẽ khoảng mấy trăm người hầu hết đều là gia đình, thân nhân trong quân đội. Một chiếc trực thăng đậu ở sân trước. Lúc đó, ông xuất hiện và nói, tôi không còn nhớ từng chữ, một số ý chính rằng Việt cộng có vào đến Sài Gòn cũng phải mất 10 ngày nữa, tôi sẽ di tản anh chị em và gia đình ra khỏi đây, trực thăng đậu ngoài kia sẽ đưa mọi người ra cảng Nhà Bè, sau đó có tầu đưa ra các chiến hạm Hoa Kỳ ngoài khơi, đàn bà, trẻ con, người già đi trước, đàn ông và thanh niên đi sau,…ngay lúc đó thì tình hình nhốn nháo, ông tức giận và to tiếng với mọi người là “vô trật tự”, và ông tuyên bố sẽ bay xuống Cần Thơ yêu cầu phi đoàn trực thăng vùng IV bay lên chở tất cả mọi người xuống căn cứ không quân vùng IV. Rồi ông ra trực thăng bay đi và chiếc trực thăng không bao giờ quay trở lại. Không có chiếc trực thăng nào ở vùng IV bay lên. Không một lời thông báo. Mọi người hụt hẫng. Chạy ra cổng sân bay thì nhân viên gác cổng không cho ra cũng không cho ai vào vì tình hình an ninh. Thế là mọi người cứ chạy loanh quanh và… kẹt cứng.

Kết quả sau ngày ấy là hơn 300 ngàn quân nhân Việt Nam Cộng Hòa bị dồn vào các trại tập trung trên khắp miền đất nước, bị tù đày, hành hạ, nhục mạ nhiều người chết nơi rừng thiêng nước độc. Biết bao nhiêu đồng đội và đàn em của ông cũng đã bỏ mình. Ai còn sống ai, ai đã chết chắc ông đã biết rõ. Tôi không cần phải liệt kê nơi đây. Tôi không hề trách ông việc bỏ chạy vì rất nhiều tướng tá cũng bỏ chạy, tôi cũng bỏ chạy, kể cả tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng bỏ chạy kia mà. Sao trách ông được. Nhưng, tôi xin nói thẳng. Một người hành động như thế không thể nào là một anh hùng như ông đã tự nhận. Ông có nói thêm là những người khác chiến tuyến trước kia, nay gặp lại ông, thêu dệt huyền thọai về ông và nói với ông rằng ông là một người can đảm và anh hùng. Tôi tin rằng có những người cộng sản chân thành, có tấm lòng trong sáng, nhưng nói chung bản chất của người cộng sản Việt Nam là trí trá, gian manh, tàn bạo, ngoài mặt luôn nói lời hay tốt mà trong lòng thì nham hiểm hung ác giết mình lúc nào không biết. Ông Đỗ Mười đã tuyên bố một câu xanh rờn: “Thằng Phiêu nó lật tao thì tao phải lật nó!” Cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu bị mất chức mà vẫn phải im như thóc vì đã bị Đỗ Mười gài thế độc đấy. Không phải chơi đâu. Tướng Trần Độ có muốn lật ai đâu mà bị chúng trù dập đến chết. Mà đó là cùng đồng chí với nhau chứ có phải là kẻ thù, phản động phản điếc gì đâu. Cho nên họ có khen ông là anh hùng thì tôi chân thành khuyên ông cũng nên lựa người mà tin. Phải cảnh giác đấy, nói theo kiểu trong nước. Đọc tới đây, ông có thể cho rằng, “Thôi, chuyện cũ rồi bỏ qua đi. Sống với hiện tại, hướng tới tương lai đi.” Vâng, chúng ta hãy nói chuyện hiện tại.

Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ và trung tướng Ngô Quang Trưởng khi chạy ra hàng không mẫu jajm USS Midway của Mỹ vào ngày 29/4/1975. Nguồn: www.history.navy.mil. Licensed under Public Domain via Wikimedia Commons

Cách đây không lâu, rất tình cờ qua một người bạn, tôi có được nghe một cuộc nói chuyện bên lề lúc trà dư tửu hậu trong đó có cả bà vợ cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu và bà vợ ông Lê Khả Kế, (anh em trai) Lê Khả Phiêu. Buổi nói chuyện tại nhà của bà Lê Khả Phiêu thuộc thành phố Irvine miền nam California (có thể là nhà họ hàng). Được dịp nói chuyện với bà Lê Khả Phiêu thì đương nhiên đề tài phải xoay quanh vấn đề hiện tình đất nước, con người Việt Nam, v.v.. Khi đặt các vấn đề “bức xúc” tại Việt Nam thì bà Lê Khả Phiêu phản hồi với một số ý chính như sau:

“Đất nước nào mà không có tham nhũng, tội ác, tệ nạn xã hội. Thời Việt Nam Cộng Hòa có tham nhũng không? Có đĩ điếm không? Việt Nam có tự do đấy chứ, anh là Việt kiều, về nước đi lại khắp nơi có ai cấm cản không? Các anh phải cho thời gian thay đổi chứ, đâu thể ngày một ngày hai. Đảng thấy sai đâu thì sửa đấy chứ không phải là không sửa sai đâu, thay đổi ngay thì ai lãnh đạo, các ông ở hải ngoại có làm được không, không khéo thì lại loạn. Không nhất thiết phải đa đảng, như Singapore đấy, chỉ có độc đảng mà đất nước vẫn hùng mạnh,…”

Nếu tình cờ bà Lê Khả Phiêu có đọc được bài viết này và thấy có điều gì sai thì xin lên tiếng đính chính. Trước khi trao đổi tiếp, tôi xin lỗi ông và độc giả nếu từ ngữ “đĩ điếm” có khiếm nhã. Tôi không hề có ý coi thường, nhưng tôi muốn được viết nguyên văn. Anh bạn tôi chồm sang, nói khẽ: “Chà! Bà Lê Khả Phiêu là đàn bà mà lý luận cũng cứng dữ!” Tôi không đồng ý với anh bạn tôi là không lẽ đàn bà thì không biết lý luận!? Nhưng đó là chuyện của tôi với anh ta, tôi sẽ trao đổi với anh ta sau.

Trong bài phỏng vấn, ông cũng có một số lập luận tương tự như “... cần thời gian chuyển tiếp “transition”, chỗ đó sai tôi sẽ sửa sai,…” rồi ông dẫn chứng một số dữ kiện sửa sai như vụ cá độ bóng đá, điện tử, điện lực, dầu khí, giao thông vận tải. Cách lập luận này tôi vẫn thường nghe từ lãnh đạo đảng cộng sản và cán bộ nhà nước Việt Nam. Tôi xin trả lời. Đúng là các nước đều có tham nhũng, các nước tiên tiến Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật, Đại Hàn,… thì cũng có tham nhũng, có tội ác, có đĩ điếm. Đó là điểm giống nhau. Đồng thời giữa các nước có điểm khác nhau đó là về chất và lượng. Hãy nói về nạn tham nhũng. Ông tự nhận là người “…hiểu và quen thuộc với nước Mỹ và người Mỹ…và 30 năm sống ở Mỹ…”, tôi hỏi ông thế này. Trong suốt 30 năm, qua bao nhiệm kỳ tổng thống Hoa Kỳ kể cả đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, có nhiệm kỳ nào mà cả nội các chính phủ, quốc hội, đảng viên, bộ trưởng, thống đốc, thị trưởng, cảnh sát, tòa án, tất cả các cơ quan hành chánh đều ăn hối lộ và tham nhũng như tình hình Việt Nam hiện tại mà chính ông cũng đã nhận định rằng “…vấn đề tham nhũng chằng chịt, phe phái. Chuyện “ăn tiền” nó trở thành như “rule (qui luật)” của xã hội… Vấn đề ăn tiền, chia chác bè cánh, loang ra ở tất cả mọi lãnh vực từ nhỏ tới lớn.

Vậy, ông và tôi nên trả lời như thế nào với bà Lê Khả Phiêu! Đó là về lượng. Về chất thì thế nào? Ông nhận định rằng tham nhũng làm trị trệ sự phát triển của quốc gia và ông dẫn chứng “…lấy chuyện một anh cá độ bóng đá, một thằng chỉ có gọi là chủ tịch một công ty xây cất làm đường, mà cá độ đến cả triệu bạc. Tức là nó phải đánh cắp cả trăm triệu chứ.” Tôi đồng ý với ông về sự ước lượng này. Tôi hỏi thêm. Vậy nếu tất cả những thằng khác, chức vụ quyền hành to lớn hơn thằng này, thế lực vây cánh mạnh hơn thằng này, ở tất cả mọi lãnh vực từ nhỏ đến lớn, cả hơn hai triệu đảng viên (xin trừ ra những ai trong sạch) thì ông thử ước lượng số tiền chúng nó ăn cắp là bao nhiêu? Tôi chịu, không thể ước lượng nổi.

Tôi đồng ý với ông rằng ông, tôi và những ai có lòng với đất nước hãy ngồi lại bàn bạc với nhau cho ra lẽ, tìm một giải pháp chấm dứt cái quốc nạn tham nhũng này. Ông có ý kiến nên “…“đại ân xá” hết, anh nào ăn cắp được bao nhiêu, cho mày giữ đi… xóa bỏ hết, xóa bàn cờ làm lại… lập ra tòa án đặc biệt, độc lập, để xử tham nhũng.” Nếu vì một lý do nào đó mà đảng cộng sản nghe lời ông mà làm cái việc “đại ân xá” này thì tôi cho rằng đó là một đại họa cho Đất Nước và Dân Tộc đó ông à. Đã ăn cắp thì phải trả lại chứ sao lại cho giữ đi. Đã phạm tội thì phải bị trừng trị, tùy theo mức độ ăn năn hối cải mà gia giảm xử phạt chứ sao lại xóa bỏ hết. Luật pháp gì mà lạ lùng thế. Nếu vấn đề “đại ân xá” này có nhen nhúm thì thằng ăn cắp cá độ bóng đá cả bạc triệu sẽ là thằng mừng rỡ trước nhất vì hàng trăm triệu tiền ăn cắp sẽ được hợp thức hóa lại được miễn truy tố. Nó sẽ ăn năn sám hối làm ăn lương thiện không? Tôi dám “cá độ” với ông là không. Trái lại, nó sẽ ăn cắp khủng khiếp hơn, cá độ dữ dội hơn, ăn chơi ngông cuồng hơn vì biết chắc rằng mình sẽ được “đại ân xá” thì ngu gì mà dừng lại, mình không tiếp tục ăn cắp thì có thằng khác nó ăn, phải tranh nhau mà ăn cho đến khi luật “đại ân xá” ban hành thì vừa… no và “hạ cánh an tòan”.

Việc thành lập một tòa án đặc biệt, độc lập để xử tham nhũng (sau khi “đại ân xá”) tôi cho là không thể thực hiện được nếu đảng cộng sản vẫn tiếp tục độc quyền lãnh đạo một cách toàn diện và triệt để theo như điều 4 hiến pháp của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Nếu tòa án đó nằm dưới sự chỉ đạo của đảng thì làm gì còn tính độc lập cho dù là do người dân bầu ra vì đảng đã lãnh đạo toàn diện thì ai bầu ra cũng thế thôi. Tôi xin dẫn chứng. Chỉ mới gần đây Việt Nam có thành lập một ủy ban đặc biệt gọi là ban thanh tra chính phủ, tính độc lập và quyền hành rất cao có thể thanh tra tất cả các bộ, ngành, tổng công ty, công ty bất kỳ lúc nào, với nhiệm vụ là truy tìm những tiêu cực tham nhũng, ăn cắp của công từ các công trình lớn cấp quốc gia. Sau một thời gian họat động, cuối cùng thì phó thanh tra bị phanh phui là một tên tham nhũng, ăn hối lộ các dự án xây dựng dầu khí ngoài khơi. Cả chánh thanh tra sau đó cũng bị liên đới. Cả hai đều là đảng viên đấy. Tôi cho rằng cái tòa án đặc biệt xử tham nhũng rồi thì cũng sẽ tham nhũng thôi. Rất rõ ràng là cái cơ chế này nó đẻ ra tham nhũng và biến những người cầm quyền thành tham nhũng dù lúc ban đầu họ là người trong sạch liêm khiết. Cho nên, nếu những người cộng sản anh em kính phục ông (theo như ông cảm nhận), thì tôi đề nghị ông hãy dũng cảm anh hùng khuyên đảng cộng sản bỏ điều 4 hiến pháp đi. Hãy trả các quyền lại cho nhân dân, hãy để nhân dân tự do thành lập đảng đối lập, tự do ứng cử và chọn những người tài đức, hãy phân quyền thật sự để đại diện dân giám sát đảng cầm quyền bất kể là đảng nào, luật nước nghiêm minh không trừ một ai. Tôi tin rằng quốc nạn tham nhũng sẽ dần dần bị diệt trừ.

Nói về việc thành lập đảng đối lập, tôi mừng là ông cũng nghĩ rằng Việt Nam phải nên đa đảng (chính xác thì ông chỉ muốn lưỡng đảng) và tin rằng đa đảng sẽ thúc đẩy sự phát triển đất nước. Tôi chỉ không đồng tình điều ông nói là “…10 đảng, hay 3, 4 đảng, là tôi cũng chống nữa”. Nếu nguyện vọng của ông là muốn thấy Việt Nam có tự do và dân chủ thì tại sao lại chống đa đảng! Nhân dân có quyền thành lập đảng nếu họ mong muốn chứ. Vậy ai trong nhân dân có “quyền” thành lập đảng đối lập đây? Không lẽ đảng cộng sản chỉ định hoặc cho phép một đảng đối lập nào đó? Nếu đảng đối lập lại do đảng cầm quyền chỉ định thì còn đối lập ai! Ông cho rằng “… Hai đảng thôi! Mình nhìn ngay nước Mỹ, hay nước Anh cũng vậy, hai đảng thôi. Một nước nhỏ như mình chẳng hạn, nhiều đảng để làm gì.” Tôi không theo dõi chính trị nước Anh nên tôi không dám bàn nhưng nước Mỹ thì tôi biết. Ngoài hai đảng lớn là đảng Cộng Hòa (Republican Party) và đảng Dân Chủ (Democratic Party), nước Mỹ còn có tổng cộng 37 đảng chính trị đối lập khác như American Independent Party, American Reform Party, Grassroots Party, Green Party, Labor Party,… và có cả đảng cộng sản là Communist Party USA. Dù chưa bao giờ thắng cử nhưng tất cả 37 đảng chính trị đối lập này đều đang họat động và có những đóng góp nào đó cho sự phát triển chung của xã hội. Tự do chính trị cũng có qui luật đào thải như tự do kinh tế mà có phần khắc nghiệt hơn. Cho nên theo tôi, ông nên góp ý với chính quyền Việt Nam hãy khuyến khích nhân dân lập đảng đối lập. Các đảng sẽ mặc nhiên vận dụng hết trí tuệ và khả năng để làm việc mà chẳng cần ai thúc đẩy chính vì sự sống còn của đảng. Nhân dân sẽ tự chọn lấy đảng nào tài đức nhất làm đại diện cho mình mà lo việc nước. Đảng nào bất tài vô đức thì sẽ bị đào thải. Nhân dân thông minh lắm. Không ngu đâu. Nước Mỹ có 39 đảng chính trị đối lập, ông thấy có lọan không?

À! Một điểm nhỏ nữa chút nữa thì tôi quên. Bà Lê Khả Phiêu hiểu nhầm là Singapore chỉ có một đảng của ông Lý Quang Diệu. Chính xác là Singapore có 36 đảng chính trị đối lập (tương đương với nước Mỹ), xin liệt kê một vài đảng tiêu biểu như Democratic Party, Labour Front, Liberty Socialist Party, People’s Action Party (đảng của ông Lý Quang Diệu thành lập ngày 21 tháng 11 năm 1954), Singapore Democratic Alliance, Singapore People’s Party, Pertubuhan Kebangsaan Melayu Singapora,… Tôi không có nói bừa bãi đâu. Tôi đã sống và làm việc ở Singapore sáu năm từ 1991 tới 1997, thời gian đó ông Goh Chok Tong đang làm thủ tướng. Đất nước này nó to lớn như thế nào thì chắc ông cũng biết, tổng diện tích của cả đất liền và biển chỉ có 692.7 km vuông, dân số hơn bốn triệu vậy mà có 36 đảng chính trị đối lập, mà đất nước họ tiến bộ đến như thế. Trong khi đó Việt Nam có tổng diện tích là 329,560 (ba trăm hai mươi chín ngàn năm trăm sáu mươi) km vuông, lớn hơn Singapore 475 lần, dân số hơn 83 triệu, đông hơn Singapore 19 lần, mà ông cho là “nước nhỏ”, chỉ cần hai đảng thôi là sao?

Sân khấu chính tại Đại hội toàn quốc lần thứ 30 của Đảng Cộng sản Hoa Kỳ, June 13-15, 2014, Chicago, Illinois. | Ảnh của Đảng Cộng sản USA

Đối với trường hợp những người đấu tranh dân chủ trong nước thì tôi tán thành một câu của ông rằng “… nếu là tôi, tôi cứ cho 10 ông muốn nói gì thì nói”. Đó là tính dân chủ chấp nhận những bất đồng chính kiến. Nhưng ngay sau đó ông lại bồi một câu “… người nào hay một phe nhóm nào, thật sự có thể làm nguy hại đến tôi, tôi không quản chế, không bắt bớ lăng nhăng đâu, tôi sẽ triệt luôn.” Sao lại thế? Ông nên nhìn vấn đề một cách thông thóang hơn. Nếu chấp nhận một xã hội dân chủ thì phải hiểu rằng một phe nhóm hay đảng đối lập lúc nào cũng muốn “lật đổ” đảng cầm quyền bằng tiếng nói và lá phiếu của người dân. Lật đổ như vậy là cũng rất “nguy hại” đấy chứ. Khi đã được nhân dân trao quyền rồi thì ráng làm tốt cho dân cho nước để nhiệm kỳ sau không bị đảng khác nó lật đổ mình. Sao lại “triệt luôn” những “nguy hại” hữu ích này. Mặc dù tôi không hề quen biết 9, 10 người đấu tranh dân chủ, theo như ông nói, nhưng tôi đã đọc hết các bài viết của họ — rất kỹ — tôi có thể khẳng định rằng họ không hề nhen nhúm một ý tưởng nào muốn “triệt tiêu” nhà cầm quyền cả. Ngược lại, họ còn cho rất nhiều ý kiến nhằm xây dựng cái đảng cộng sản, làm trong sạch cái bộ máy nhà nước quá sức ô uế này. Ý kiến mỗi người có khác nhau, nhưng tựu trung chỉ mong muốn xây dựng một nước Việt Nam tự do, dân chủ và phú cường. Đây chính là điểm đồng thuận lớn nhất của những người đấu tranh dân chủ và những ai còn trăn trở với Dân với Nước.

Tôi xin được đề nghị, ngoài việc ông đi lại tiếp xúc với người cộng sản anh em, quan chức chính phủ, ông nên ghé thăm 9, 10 người đấu tranh dân chủ này (ông gọi là activists) để ngồi lại, anh em trao đổi với nhau tìm phương cách xây dựng một xã hội tốt đẹp, theo cách nói của ông. Tôi tin tưởng rằng họ sẽ đóng góp rất nhiều điều bổ ích cho công cuộc xây dựng đất nước đấy ông ạ. Tôi không có địa chỉ cư ngụ của các ông ấy, chỉ biết chung chung như nhóm Hà Sĩ Phu ở Đà Lạt, Phuơng Nam Đỗ Nam Hải ở Sài Gòn, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Khắc Toàn ở Hà Nội,… Khi có dịp, ông liên lạc với bộ công an hoặc cục an ninh thì sẽ biết địa chỉ cụ thể.

Còn nhiều điều muốn trao đổi thêm với ông nhưng thư đã dài. Hẹn ông dịp khác. Tôi trích một câu trong bài phỏng vấn của ông để kết luận lá thư này: “Quyền hành corrupt (hủy họai) con người. Quyền hành càng absolute (tuyệt đối) bao nhiêu, càng corrupt con người tệ hại bấy nhiêu. Tôi có cảm tưởng rằng, đảng đang cầm quyền đang bị corrupt, bởi vì power (quyền lực).” Đúng quá! Tôi chỉ bổ túc thêm là đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền hành tuyệt, tuyệt, tuyệt đối trong suốt 36 năm và đảng không phải “đang bị” mà là đã bị hủy hoại tệ, tệ, tệ hại đến tận cùng.

Ông nói rằng ông có thể nói chuyện, gặp gỡ hầu hết các quan chức từ lớn đến nhỏ, đi khắp các tỉnh, thành, quận, huyện đều được chính quyền địa phương và quần chúng đón tiếp niềm nỡ, sẵn sàng nghe ông góp ý kiến. Hoàn cảnh và điều kiện của ông như vậy là rất tốt. Tôi khẩn thiết mong mỏi ông không chỉ góp ý suông mà phải hành động tích cực hơn để nhà cầm quyền Việt Nam thả hết các tù nhân lương tâm, trả lại tự do cho những người đấu tranh dân chủ, xóa bỏ điều 4 hiến pháp, khuyến khích thành lập đảng đối lập, người dân tự do ứng cử, nhân dân tự do chọn người tài đức, ông đứng về phía quần chúng, công nhân đau khổ đòi hỏi nhà cầm quyền trả lại công bằng và quyền lợi đích thực cho họ. Được như vậy thì tôi tin rằng Đất Nước sẽ thật sự bước vào một vận hội mới, nội lực toàn Dân Tộc sẽ tích tụ lại thúc đẩy sự phát triển xã hội đến tột bực, trí tuệ và tài lực của người Việt hải ngoại sẽ đổ dồn về xây dựng Đất Nước mà không cần phải qua một nghị định 36, 37, 38… gì cả. Ông làm được những điều này tôi xin đến trước mặt ông để nói lời tri ân nếu ông cho phép. Vì một lý do gì đó ông không muốn gặp mặt thì cho tôi biết ông đang ở đâu, tôi sẽ hướng về đó mà cúi đầu lạy ông một lạy vì ông đã làm một điều đại phước cho Đất Nước và Dân Tộc. Tôi nói rất nghiêm túc. Không đùa đâu.

Chúc ông và gia đình luôn vui khỏe.

Kính chào,

Nam California, 16/02/2006

© 2006-2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Bài đăng lần đầu trên DCVOnline ngày 20-02-2006