Cờ quạt
Trà Bồng
Xin hãy chữa trị cho trí tuệ Việt Nam hồi phục, bớt què quặt. Xin hãy tô đắp cho tinh thần Việt Nam được minh mẫn, thêm độc lập. Xin hãy lấy đi những gông cùm đang đè nặng trên dân tộc, rồi hãy lễ độ hỏi dân tộc muốn đi về hướng nào để tới phồn vinh. Có lẽ dân tộc sẽ chọn một con đường có nhiều tiếng cười vang hơn là những tiếng khóc than thầm. Và lúc ấy, hỏi ý kiến dân tộc về lá cờ cũng không muộn.
“Lá cờ rách mướp của một thây ma chính trị” là câu được một tác giả trong nước dùng để chỉ lá cờ tôi vẫn hay phụ cầm trong các cuộc biểu tình của người Việt hải ngoại. Lá cờ đó liên hệ tới mấy chục triệu người. Những người đã chết cũng như còn sống. Liên hệ ra sao là một khá chuyện dài, ít gì cũng đến mấy mươi năm.
Thật khó quên cái cặp mới toanh, những cuốn vở trắng tinh, mấy cây bút chì nhọn và thơm phức. Món nào cũng tuyệt, nhưng phải nói cục gôm là thơm hơn hết. Đó là những kỷ niệm đẹp. Chắc ai cũng đồng ý rằng đó là những món quà tuyệt vời nhất trong ngày nhập học cho những chú bé vừa biết đánh vần và đang tập viết. Trên tất cả các món quà này đều có câu “Chính phủ Hoa Kỳ thân tặng…”. Hàng chữ được in trên nền lá cờ vàng ba sọc đỏ. Hàng triệu đứa bé được hân hoan cắp sách tới trường nhờ những món quà như vậy.
Những buổi sáng chào cờ trong sân trường mới lạ làm sao. Chợ nhóm quanh trường, đông đảo, ồn ào và mọi người đều tất bật. Ấy vậy mà khi học trò hát quốc ca chào cờ thì sinh hoạt chợ ngừng hẳn lại. Không có cảnh sát thổi còi, không có công an ra lệnh. Cũng không có luật nào có thể buộc được cả khu chợ làm việc đó. Thế mà không ai bảo ai mọi người cùng làm.
Những kỷ niệm đẹp lớn lên thành những ước mơ oai hùng. Lá cờ thêu lóng lánh trên mũ, trên cầu vai, trên sợi giây choàng xéo xuống nách những bộ đồ đại lễ, trên quân phục của các quân nhân trong những cuộc diễn hành… Cái gì cũng đẹp hết sức.
Suốt cuộc chiến dài trên quê hương gầy guộc của chúng ta những giấc mơ cao chỉ cần rẽ qua một khoảng ngắn đã đổ xuống vực sâu tang tóc. Không biết bao nhiêu người đã rải những nắm đất ướt đẫm nước mắt tiễn đưa trên lá cờ này. Từ người trong gia đình tới những anh em, bạn bè. Liên hệ gia đình và bè bạn có khi gần, có lúc xa nhưng nỗi đau lúc nào cũng hằn sâu, thành những vết thương lòng hoá sẹo, không bao giờ lành.
Cuộc chiến đã chấm dứt. Một phe đã thua trận. Khi bỏ của chạy lấy người sau cuộc chiến, hơn triệu người Việt Nam đã mang theo lòng mình lá cờ gắn bó từ bé.
Nơi xứ người lá cờ như một niềm an ủi hiền hòa cho một cộng đồng xa xứ. Nhưng không phải là không có những lôi thôi. Dạy con trẻ ở nhà thì lá cờ trên kệ sách là cờ của mình, nhưng nếu là bài thi thì phải trả lời “cái kia” là cờ Việt Nam mới đúng, không thì sẽ bị …zero!
Đang xem Thế Vận Hội một cách thích thú thì chợt thấy lá cờ đỏ với quốc ca “Thề phanh thây uống máu quân thù…” trỗi lên oang oang ngay trong phòng khách nhà mình! Vậy là bao nhiêu tinh thần thế vận hội biến mất, chỉ còn lại vị đắng trong miệng.
Nhưng ít ra, những người Việt hải ngoại còn có một cơ hội, vì họ sống ở những quốc gia dân chủ. Nơi mà tiếng nói đúng chỗ, đúng lúc của đa số có thể quyết định được một số chuyện. Chỉ là một số chuyện thôi, không phải mọi chuyện.
Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ xây dựng được một nhà nước dân chủ. Chúng ta đã được người Pháp hối hả dúi vào tay một cơ chế dân chủ thật sự, nhưng sứt tai gãy gọng. Chưa kịp sửa chửa thì đã phải cuốn gói ra đi làm người tỵ nạn, vì không bảo vệ được nó.
Trên đường tỵ nạn người Việt được chấp nhận vào sinh sống nơi những quốc gia đã có một nền dân chủ lâu đời. Và chính vì thế, như những đứa con sinh ra trong một gia đình giàu, mọi thứ là đương nhiên phải có, đương nhiên thuộc về chúng mà không phải làm gì cả. Thật ra dân chủ không phải là một phép lạ. Không đòi thì không gì tự nhiên mà có, kể cả các quyền dân chủ. Nguyên tắc dân chủ thật đơn giản, nhưng học và đem ra thực hành thì không dễ. Số đông thì cộng đồng người Việt tự do hải ngoại ở đâu cũng có, nhưng còn phải biết tổ chức và tôn trọng tổ chức nữa. Phải sau một thời gian dài, hơn 2 thập niên, người Việt ở Hoa Kỳ mới bắt đầu tập hợp được yếu tố số đông lại với nhau để lên tiếng đúng chỗ, đúng lúc hầu đem lại kết quả mong muốn.
Lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hoà xưa đã được hầu hết các hội đồng thành phố nơi có nhiều người Việt Nam cư ngụ tại Hoa Kỳ công nhận là lá cờ chính thức cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt.
Dù lá cờ chỉ có giá trị biểu tượng và nặng tính địa phương nhưng đó là một niềm vui lớn cho cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản. Nó không ăn nhằm gì tới một địa phương khác trong cùng tiểu bang, chứ đừng nói chi tới phạm vi liên bang. Nhà cầm quyền Hà Nội đã làm một việc tào lao khi cho vài nhân viên sứ quán khúm núm lẻn tới các nơi vận động ngược lại.
Nhưng việc làm tào lao của Cộng Sản Việt Nam khi được những hợp đồng làm ăn béo bở hậu thuẫn thì nó lại …hết tào lao! Hội đồng thành phố Cựu Kim Sơn đã bác nghị quyết về cờ vào giờ chót chính là vì những mối liên hệ này với nhà cầm quyền Việt Nam.
Cờ vàng (ba sọc đỏ) – như cách thường gọi để đối lại với cờ đỏ (sao vàng) – là lá cờ của đa số người Việt tỵ nạn cộng sản khắp thế giới. Chỉ là đa số thôi, không phải là tất cả.
Còn một con số rất đáng kể đồng bào Việt Nam ra đi từ miền Bắc nữa. Những đồng bào này đã chụp ngay lấy cơ hội khi có được để tìm tự do ở các nước dân chủ phương tây. Đối với những đồng bào này thì tự nhiên cờ đỏ mới là lá cờ thân thương.
Có cả những người khi rời Việt Nam họ chỉ muốn một điều: được yên thân, được quên, được chối bỏ quá khứ, được quyền không dính dáng gì tới những vấn đề Việt Nam nữa cả. Quyền đó là quyền hiến định trong mọi quốc gia dân chủ thật sự.
Sự khác biệt giữa những đồng bào Việt Nam ra đi từ miền bắc và những người ra đi từ miền nam thật ra chỉ là thời gian.
Tính từ 1954 tới 1975 là 20 năm, dù không đáng kể với lịch sử của một dân tộc, nhưng là một khoảng rất dài trong một đời người. Bao nhiêu đảo lộn trong bàng bạc khổ đau, trong ngút ngàn chịu đựng, trong vô vàn mất mát… đến nỗi mình có khi còn không nhận ra được chính mình nếu gặp lại, huống chi là ai khác. Nhiều người đã ngỡ ngàng và hân hoan nhận lại nhau vào những ngày đầu sau 30 tháng Tư 1975, chỉ để rồi lại bẽ bàng xa lánh dù không bị ngăn cách. Không ít những người này là cha con, là chồng vợ, là anh em một nhà…
Ấy là những con người sau 20 năm xa cách, từ hai hoàn cảnh trên cùng một đất nước.
Còn cả một dân tộc sau 50 năm, từ hàng chục hoàn cảnh và bao nhiêu đất nước khác nhau thì sao? Dân tộc Việt Nam còn có một khuôn mặt có thể nhận ra hay không? Có ai dám nói rằng mình biết chân dung của dân tộc không?
Tấm thân trong trắng với tâm hồn Việt Nam hiền hoà ngày nào trong sách vở có còn đó không? Sau những nhát dao Bắc thuộc, những phát đạn thực dân, những mặt nạ liền da thấm vào tận linh hồn để sinh tồn cộng sản, những lớp phấn son lụa là tư bản, những cơn thập tử nhất sinh của một nền dân chủ hối hả đẻ non chết yểu, những khói lửa, những bom đạn nội chiến… Sau những cuộc cưỡng hôn liên tục, như ván đã đóng không biết bao nhiêu thuyền, như cá đã qua không biết bao nhiêu chậu, như chim đã trải không biết bao nhiêu lồng, dân tộc Việt Nam có còn lại gì không? Chắc chắn còn nhiều, nhưng là một mớ hỗn độn những mơ,õ những thịt xương, những máu, những nước mắt, những kẻ thắng người bại, những bạn những thù, những vinh những nhục.
Trong trạng thái bầy nhầy của lịch sử này chuyện bạn thù, địch ta thường xuất phát từ những niềm tin lệch lạc và huyễn hoặc. Có khi chỉ là những khái niệm cỏn con mà ngoài những trận cãi vả bất tận nối dài sau cuộc chiến nó không đem lại cho những em bé Việt Nam đói khát được lấy một bữa no lòng.
Tháo gỡ những tấm mặt nạ đã liền da phải chịu nhiều đau đớn. Lột đi những bộ giáp phòng thân sẽ lộ nhược điểm. Rửa đi những lớp phấn son dầy cộm sẽ phải chịu hoá già nua trong khoảnh khắc. Nhìn nhận sai lầm đòi hỏi những tâm hồn cao thượng và sự dũng cảm vô thường. Nhưng tất cả đều cần thiết để biết chân dung của một dân tộc.
Dân tộc Việt Nam nghĩ gì lại là một câu hỏi lớn và sâu xa hơn gấp bội.
Không ai biết câu trả lời của dân tộc Việt Nam về vô số vấn đề. Lý do đơn giản là vì toàn thể dân tộc Việt Nam chưa bao giờ được lên tiếng về những vấn đề hệ trọng.
May mắn biết bao nếu trong cơn hoạn nạn khi cơ thể đầy vết thương, chân mỏi mắt mờ đầu óc rối bong lại có người giúp đỡ. Đến khi thể chất ta đã hồi phục, tinh thần minh mẫn được ân nhân cho biết nơi ta gặp nạn, trải ra một tấm bản đồ rồi hỏi bây giờ ta muốn đi về đâu. Thật cao đẹp.
Dân tộc Việt Nam còn đang bị vùi dập và đầy thương tích trong một chuỗi dài những tai nạn lịch sử. Xin hãy chữa trị cho trí tuệ Việt Nam hồi phục, bớt què quặt. Xin hãy tô đắp cho tinh thần Việt Nam được minh mẫn, thêm độc lập. Xin hãy lấy đi những gông cùm đang đè nặng trên dân tộc, rồi hãy lễ độ hỏi dân tộc muốn đi về hướng nào để tới phồn vinh. Có lẽ dân tộc sẽ chọn một con đường có nhiều tiếng cười vang hơn là những tiếng khóc than thầm. Và lúc ấy, hỏi ý kiến dân tộc về lá cờ cũng không muộn.
Tất cả những cuộc vận động ở hải ngoại nhằm đòi dân chủ hay nhân quyền cho Việt Nam luôn luôn kèm theo một rừng cờ vàng. Trong khi đó là một biểu tượng rất đẹp đối với chúng ta, thì chúng ta lại vô tình tách mình ra khỏi cộng đồng dân địa phương. Có lẽ cũng nên nêu ra điều này: lá cờ vàng đối với những quốc gia có tham chiến tại Việt Nam chỉ nói lên một thất bại thảm hại, hay, nhẹ nhàng hơn, là một lỗi lầm đáng tiếc trong chính sách đối ngoại. Nó liên hệ chặt chẽ với chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, mà người ta hay gọi một cách không mấy thân thiện là chế độ “pre-1975”. Điều này đã làm buồn lòng không biết bao nhiêu người. Nhưng nói gì thì nói, hình ảnh của Việt Nam Cộng Hoà đối với đa số người ngoại quốc không được mỹ miều như chúng ta mong mỏi.
Điều đáng tiếc hơn nữa là chúng ta tách hẳn mình ra khỏi số người Việt có cùng ước vọng cho Việt Nam nhưng thấy khó lòng hoà nhập được dưới lá cờ đó.
Nhiều ý kiến đã nêu lên từ lâu rằng người Việt ở nước nào nên dùng cờ nước đó. Chắc chắn chúng ta sẽ thu phục được nhiều cảm tình của dân chúng địa phương. Và có cơ may thu hút được thêm nhiều người Việt khác vào các công cuộc vận động cho Việt Nam.
Là những người được tự do sinh sống trong tinh thần dân chủ nhưng chúng ta chỉ là một thiểu số ở hải ngoại. Có lẽ chúng ta không nên quyết định lá cờ cho cả một dân tộc.
Chúng ta luôn luôn lên án nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam là tự đồng hoá Đảng với Tổ quốc, ai phê phán Đảng là phản quốc. Nhưng ở hải ngoại thì chính chúng ta lại đồng hóa lá cờ vàng với một Việt Nam dân chủ. Ai không mang cờ vàng là không dân chủ!
Xin hãy tôn trọng dân tộc Việt Nam, một dân tộc rất không may mà chúng ta đều yêu quý, dù không rõ mặt. Xin hãy cùng nhau dành lại tự do cho dân tộc Việt Nam, rồi dân tộc sẽ quyết định. Xin hãy giúp cho dân tộc Việt Nam nói lên tiếng nói của chính dân tộc ấy, và đừng nói giùm nữa. Đó là một phần của tiến trình dân chủ lành mạnh.
Có thể dân tộc Việt Nam đã làm nhiều người Việt thất vọng không ít. Nhưng nói ngược lại thì có phần đúng hơn, là chính chúng ta đã bỏ mặc dân tộc hàng mấy thập niên… Dân tộc là gì nếu không phải do sự kết hợp những cá nhân như bạn và tôi mà ra.
Lá cờ là một miếng vải với dăm ba màu sắc tượng trưng. Nếu nó không gắn bó chúng ta lại với nhau thì chắc chắn một dân tộc sáng suốt sẽ biết cách giải quyết. Lúc ấy biết đâu mọi người đều có cơ hội trình bày ý tưởng của mình trong một cuộc thi vẽ cờ toàn quốc. Nhà văn Vũ Thư Hiên không chừng vẫn còn sống để có dịp nói về giấc mơ cờ của mình, và để thấy giấc viễn mơ ấy thành sự thật.
Riêng sự mô tả đầy sỉ nhục nơi phần nhập bài hãy dành cho lá cờ nửa xanh nửa đỏ với ngôi sao vàng ở giữa. Lá cờ đó của cái gọi là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam. Tổ chức này mới đích thị là một thây ma chính trị.
© 2004-2023 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài đăng lần đầu trên Đàn Chim Việt tháng 11, 2004.