Phan Châu Trinh

Nguyễn Văn Lục

Mỗi một cuộc đời, như Phan Châu Trinh, đều để lại một bài học dù chưa trọn vẹn cũng đáng để cho những người đời sau suy nghĩ. Nói mạnh hơn, đó là những người đã làm nên lịch sử. Lịch sử một dân tộc, lịch sử đất nước.

Phan Châu Trinh, người đề xướng đổi mới vào đầu thế kỷ 20, với lá thư gửi Toàn Quyền Đông Dương vào năm 1906

Lá thư gửi Toàn Quyền Đông Dương vào năm 1906 hay “Lettre de Phan Chu Trinh au gouverneur général en 1906” do Nguyễn Văn Vĩnh Chủ bút tờ bán nguyệt san tiếng Pháp L’Annam Nouveau (Nước Nam mới) dịch sang Pháp văn và đăng trong những số từ 223 đến 226, năm 1933

Bìa sách Quốc gia huyết lệ của Phan Châu Trinh. Ảnh: Thư viện Quốc gia Pháp

Sơ lược về tiểu sử và hoạt động chính trị của Phan Châu Trinh

Phan Châu Trinh, hiệu Tây Hồ, sinh ngày 9-9-1872, mất 24-3-1926 năm 54 tuổi.

(Về tên gọi của ông. Người Bắc đọc là Phan Chu Trinh, người Nam đọc là Phan Châu Trinh. Có thể có người kiêng tên húy của Chúa Nguyễn Phúc Chu chăng? Nhưng trên giấy tờ khai sinh và tên gọi vẫn là Phan Châu Trinh. Vì thế tên của hai con là Phan Châu Dật, Phan Thị Châu Liên.Trong tập tài liệu về lá thư của ông gửi toàn quyền Đông Dương, tôi cũng thấy cuối lá thư ký chính thức là Phan Châu Trinh. Có lẽ đã đến lúc cần thống nhất tên gọi của ông mới phải!)

Quê ông ở làng Tây Lộc, huyện Hà Đông, phủ Tam Kỳ, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Ông sinh ra trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược. Năm ông sinh ra đời, nước ta đã mất 6 tỉnh Nam Kỳ.

Năm 1885, phong trào Cần Vương bùng nổ. Phan Văn Bình, bố của Phan Châu Trinh, tham gia Nghĩa Hội ở Quảng Nam và được cử làm chuyển vận sứ, phụ trách lập đồn điền, sản xuất và cung cấp lương thực cho Nghĩa quân. Trong thời gian này Phan Châu Trinh cùng với hai anh và em gái lên sống với cha ở căn cứ, học tập võ nghệ, săn bắn và tập việc binh mã.

Mẹ chết sớm, rồi đến lượt cha nên được người anh Phan Văn Cứ chăm sóc và lo cho việc học hành. Ông kết bạn với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Đình Hiến.

Năm 28 tuổi, ông đỗ cử nhân. 1900, năm 29 tuổi, ông đỗ Phó Bảng cùng khóa với Phó Bảng Nguyễn Sinh Huy (thân sinh của Nguyễn Ái Quốc). Ông xin nghỉ một năm để cư tang người anh cả, người đã nuôi dậy Phan Châu Trinh khi cha mất.

Năm 1902 được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm Thừa Biện, Bộ Lễ và đến năm 1904, ông xin từ quan.

[“Khoa Canh Tí, Thành Thái Thứ 12 (1900) Trường Thừa Thiên … 4307.3 Phan Châu Trinh… thi đậu Phó bảng khoa Tân Sửu (1901). Can tội. Bị truy nã.” Nguồn: Cao Xuân Dục, Quốc Triều Hương Khoa Lục (tái bản 1993), NXB Lao Động. Trang 563.

“Khoa năm Giáp Ngọ, Thành Thái thứ 6 (1894), Trường Nghệ An, 4054.12 Nguyễn Sinh Sắc… Thi đậu Phó bảng [năm Giáp Ngọ 1894. Làm quan tới chức Tri huyện Bình Khê, bị triệu hồi.] ibid, trang 533.]

DCVOnline

Trong thời gian làm quan, ông kết giao với Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế, đọc “Tân Thư”, tiếp thu tư tưởng Cách Mạng tư sản Phương Tây, tìm hiểu  công cuộc duy tân ở Nhật Bản.

Sau khi từ quan, ông cùng với Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp bắt đầu cuộc vận động duy tân ở Quảng Nam với ba mục tiêu: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.

(Khai dân trí: Bỏ lối học tầm chương trích cú, bài trừ hủ tục, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng. Chấn dân khí: thức tỉnh tinh thần tự lực, tự cường, giác ngộ được quyền lợi của mình. Hậu dân sinh: phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa.)

Ông cũng yêu cầu chính quyền thực dân Pháp sửa đổi chính sách cai trị cho dân từng bước khai hóa tiến đến văn minh theo phương châm Tự lực Khai hóa.

 Ra Hà Nội, ông kết bạn với với Lương Văn Can, Đào Nguyên Phổ; lên Yên Thế, ông tiếp xúc với Hoàng Hoa Thám; sang Quảng Đông, ông gặp Phan Bội Châu rồi cùng Cường Để sang Nhật Bản để tìm hiểu cuộc Duy Tân cải cách của Nhật Hoàng.

  Ở Nhật vài tháng, Phan Châu Trinh về nước quyết định tiếp tục cuộc vận động cứu nước theo đường lối công khai và bất bạo động.

Đây là điểm then chốt xác định đường lối đấu tranh của Phan Châu Trinh.

Nó khácvới tất cả các phong trào kháng Pháp trước ông như Đề Thám, Phan Đình Phùng dùng bạo lực cũng như sau này khác với Hồ Chí Minh, cũng dùng bạo lực đấu tranh triệt để dựa trên chủ nghĩa cộng sản Mác Xít. Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống Pháp đã dựa vào Tầu. Thời kỳ chống Mỹ, Hồ Chí Minh dựa vào tiếp viện vũ khí của Nga là chính.

 Đường lối của Phan Châu Trinh cũng không dựa vào ngoại bang như Phan Bội Châu dựa vào Nhật, hoặc như vua chúa trong triều đình Huế  dựa vào Trung Hoa.

Vì thế, vào năo 1906, Phan Châu Trinh khởi xướng phong trào Duy Tân bằng cách viết một bức thư gửi cho Toàn Quyền Đông Dương bày tỏ rõ lập trường hòa hoãn với Pháp và chống bọn tham quan, tay sai của Pháp. Bức thư viết bằng chữ Hán. Người dịch bức thư này ra tiếng Pháp là Nguyễn Văn Vĩnh.

 Lúc ấy, ông Nguyễn Văn Vĩnh đang làm thông phán, tòa Đốc Lý Hà Nội đã dịch bức thư này sang tiếng Pháp, sau đó được đăng lại trong L’ANNAM NOUVEAU trong những số từ 223 đến 226, năm 1933.

Tất cả công việc dịch thuật và cho đăng là do Nguyễn Văn Vĩnh thực hiện.

(Xem thêm tập tài liệu đầy đủ về Nguyễn Văn Vĩnh do Nguyễn Giang, con ông Nguyễn Văn Vĩnh viết lại và phổ biến tại Hà Đông, ngày 1-5-1999.)

Nội dung lá thư gửi ông Toàn Quyền Đông Dương vào năm 1906

Người viết xin dùng bản dịch bức thư từ chữ Hán sang tiếng Việt của Đặng Thái Mai vì một lẽ giản dị là giọng văn biểu cảm. Nó đã được in trong tuần báo ‘Tân Dân’, số đặc biệt kỷ niệm Phan Tây Hồ, ngày 24-3-1949 tại Hà Nội.

[Phan Châu Trinh, “Đầu Pháp Chính phủ thư”  (1906), Ngô Đức Kế dịch. Đăng trên tuần báo Tân dân số đặc biệt kỷ niệm ngày mất lần thứ 23 của Phan Châu Trinh, ra ngày 24/3/1949 tại Hà Nội. Nguồn: Wikisource.]

DCVOnline

Nội dung bức thư có thể  gồm hai mục đích chính: một mặt hòa hoãn như một cái cớ với người Pháp để có cơ hội học hỏi, để thấy cái hay, cái trội của người Pháp so với người mình. Nhưng đồng thời cũng cho thấy người Pháp không đá động đến hoặc làm ngơ trước những tệ hại xã hội, luân lý do đám quan lại gây ra. Phân Châu Trinh đã can đảm vạch ra những sai trái, những lạm dụng quyền thế do đám tay sai quan trường của người Pháp và mặt khác chống lại tệ hại quan trường hà hiếp dân đen, tham ô và bóc lột dân nghèo.

Lá thư này về hình thức khen một điều chiếu lệ, chê trăm điều. Điều khen chỉ có trên dưới một chục dòng về những cải cách kinh tế. Trước khi chống Pháp ông chống cái hủ lậu, cái hèn, cái bất lực, thói nịnh bợ của giới quan lại đã làm hao mòn dân khí. Phần còn lại gián tiếp lật tẩy cái mặt trái của chế độ thực dân một cách sâu sắc mà họ không thể có cớ bắt tội ông được.

Vì thế, không ai dám kết án ông theo Tây được mà Tây cũng đành chịu bó tay. Đó là cái khôn ngoan của người làm chính trị.

Nhưng mặt khác, nó cũng một cách nào đó bầy tỏ lòng yêu nước thương dân của ông trong phần chót của lá thư; ông viết:

Tôi trong lòng đau đớn chua xót không biết kêu gào vào đâu, cầm bút viết thư này, quên cả sự kiêng sợ, các quan Bảo Hộ quả lấy lòng thành khoản đãi người Nam, thì tất cũng xét bụng tôi, nghe lời tôi, cho tôi đến ngồi mà thung dung bàn hỏi, cho tôi được phơi gan mở ruột, bày tỏ cái điều lợi hại may ra nước Nam có cái cơ hội được cải tử hồi sinh, thế là hạnh phúc của nước Nam rồi.

Vì thế, không lạ gì ngay đầu bức thư, ông đã rào đón ca tụng những công trình của người Pháp làm cho đất nước Việt Nam; ông viết:

Trộm xét từ khi Pháp sang nước Nam bảo hộ đến nay, những việc bắt cầu đắp đê sửa sang đường sá, xe lửa, tàu thủy chạy khắp nơi, cùng là lập ra Sở Bưu chính để thông báo tin tức, đều có lợi ích cho nước Nam, người ta ai cũng thấy cả. Nhưng có nhiều việc không thể nhịn đi mà không nói, là các mối tệ hại ở trong quan trường, các sự rất khổ ở chốn dân gian, những sự hư hỏng về nền phong hóa, cùng là những cái có quan hệ đến số mệnh nước Nam, thì Chính phủ đều gác để một bên, mặc kệ cho hư nát mà không thèm hỏi đến.

Hậu quả tai hại của tệ nạn này là các quan ở tỉnh chỉ lo vơ vét và hà hiếp bóp nặn ở chốn thôn quê. Đám sĩ phu thì ganh đua nhau vào con đường luồn cúi hót nịnh, không biết liêm sỉ là gì.

Ông viết tiếp, 

Tôi đã quan sát mấy năm nay, đi khắp trong Nam ngoài Bắc, tình trạng nhân dân khốn khổ, quan lại tham tàn, đều được mắt thấy tai nghe, và dư luận ở dân gian về cái cách chính phủ đối đãi người Nam và người Nam đối đãi chính phủ cũng đều để tai nghe và ghi vào dạ.(...)

Hiện nay người Nam trừ những người ở trong quan trường không kể, còn ra thì không luận người khôn, người ngu, trăm miệng một lời, đều nói rằng đó là chính phủ cố ý dung túng khiến cho cắn nuốt lẫn nhau cho nòi giống mòn mỏi, đó là cái kế thực dân của chính phủ.

Sau này, như nhận xét của Nguyễn Văn Trung viết trong lời mở đầu cuốn Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam. Thực chất và huyền thoại, 

Thực dân là một hành động bạo lực xâm lăng và duy trì sự xâm lăng ấy bằng bạo lực nhằm khai thác và chiếm đoạt những tài nguyên của các nước bị thuộc địa. Đó là một hình thức người bóc lột người, người đè nén người. Cho nên chế độ thực dân là một chế độ vô nhân đạo, phi chính nghĩa.”

Nguyễn Văn Trung, Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam. Thực chất và huyền thoại. NXB Nam Sơn

Xin nhắc lại, Phan Châu Trinh viết “…đó là cái kế thực dân của chính phủ.” Bản chất chế độ thực dân là như thế: Chia để trị. Ông Phan Châu Trinh trình bày một cách lý lẽ thuyết phục là có ba nguyên nhân sinh ra cái tệ ấy:

  • Một là chính phủ Bảo Hộ dung túng quan lại Việt Nam thành ra cái tệ “cô tức (Cô tức: dè dặt, rụt rè không dám hay không muốn đối phó quyết liệt với tình thế.) Ở đây, ông tố cáo cái độc ác của người thực dân, dùng chính người Việt cai trị người Việt. Vì thế, chính phủ Nam Triều cứ gián tiếp dùng quan lại để lấy người sai khiến, làm việc sưu thuế. “Có nghĩa là dùng người Việt Nam để trị nước Việt Nam mà thôi.”
  • Hai là chính phủ khinh rẻ sĩ dân Việt Nam thành ra cái tệ xa cách. Ở đây một cách gián tiếp, ông tố giác cái đầu thực dân của người Pháp, kỳ thị và khinh ghét người bản xứ. Ông viết:

Người Pháp ở nước Nam đã lâu thấy người Nam quan lại thì gian tham, kẻ sĩ dân thì ngu xuẩn, phong tục thì đồi bại, ghét rằng người Nam không có phong cách. Cho nên các tờ báo, hoặc khi truyện trò đều tỏ ý ghét người Nam, khinh người Nam, cho là người Mọi.”

Vì thế, không lạ gì những dân phu đi làm bị người Tây đánh đau hay là đập chết. Cũng không lạ gì đi ngoài đường ngẫu nhiên gặp người Tây, không cứ là Tây quan, Tây lính hay là Tây buôn thì phải cúi đầu, cụp tai rảo bước mà đi cho mau, chỉ sợ tránh không xa mà bị nhục.

  • Ba là cái tệ quan lại nhân cái tệ xa cách ấy mà thành cái tệ hại hà hiếp dân. Ông phân tích một cách sâu xa là cái gì lợi cho thực dân Pháp thì quan lại răm rắp hết lòng, như nạn thu thuế hoặc mưu toan bạo động làm phản. Họ tỏ ra bảo hoàng hơn vua, ông viết:

Họ biết rằng sưu thuế nạp cho thanh thỏa là điều chính phủ thích hoặc họp đảng mưu toan phản động là điều chính phủ ghét. Cái điều chính phủ thích thì họ hết lòng hết sức làm cho được việc.(...) Họ lại nhân điều chính phủ ghét mà vu oan, hoặc là nói rằng họp tập nhân sĩ, sợ có ý thức gì khác chăng. Mấy câu mơ hồ không có chúng cớ gì cả. Chính phủ không hiểu cái mưu gian của họ, lại cứ tin họ, vì thế mà có người lụy đến thân gia, mắc vào tù tội.

Bức thư dài bày tỏ nỗi đau của tác giả qua từng con chữ nói lên tấm lòng của tác giả muốn quê hương đổi mới, thoát khỏi cảnh lầm than lệ thuộc vào nước lớn.

Đây là một bản án chế độ thực dân Pháp vừa khôn khéo, vừa muốn thức tỉnh những ai còn mê muội, nhất là trong giới quan trường và vua quan triều Đình.

Vào năm 1908, có phong trào chống thuế nổi lên và có nhiều người bị bắt, bị xử tử, bị lên án gắt gao. Nam Triều đã lên án chém ngang lưng ông Trần Quý Cáp. Ông Tây Hồ cũng bị lên án trảm quyết, nhưng được tòa Khâm sứ can thiệp. Bản án được đổi ra  “trảm giam hậu”, giam đó đã, chém sau. Ông cũng đồng thờiđược Hội Nhân Quyền can thiệp và bị đầy đi Côn Đảo.

Nhưng nhờ Hội Nhân Quyền Pháp, ông chỉ bị đầy đi Côn Đảo ba năm và sau đó được sang Pháp được mang theo người con trai Phan Châu Dật, được người Pháp cho ăn học và chu cấp cho hai cha con chỗ ăn ở đàng hoàng.  Đó phải chăng là một hình thức chiêu dụ?

Năm 1922, Khải Định sang Pháp và dự Hội chợ Marseille, nhân cơ hội này, Phan Châu Trinh diễn thuyết phản đối chế độ quân chủ, viết thơ kể bảy tội của nhà vua.

(Cụ Sào Nam gọi là thư ‘Thất Điều’, với những lời lẽ rất nặng nề gọi vua là “hôn quân”, “dân tặc” và ông cảnh cáo đồng bào: “Ôi nước ta có tội gì mà phải chịu cái cảnh nghiệp báo ấy? Dân ta có tội gì mà gặp phải cái thứ vua quỷ ấy? Nếu không tìm cách mà trừ bỏ đi, thì cũng đến chết theo cái loài yêu quái ấy mà thôi.”)

[Theo Thu Trang, Những Hoạt Động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911/1925, (1983) NXB Đông Nam Á, trang 157: “… lá thư này Phan Châu Trinh viết bằng Hán văn và Nguyễn Minh Quang dịch sang Pháp văn, Trần Lê Luật sang Việt văn. Lá thư này chưa hề được in trên báo Pháp…” — DCVOnline]

Thất điều thư là di cảo của Phan Chu Trinh gửi cho vua Khải Định ở Paris năm 1922. Nguyên văn bằng chữ Hán. Trong thư nêu lên 7 điều sau:

Một là tội tôn quân quyền / Hai là tội thưởng phạt không công bình / Ba là chuộng sự quỳ lạy / Bốn là tội xa xỉ vô đạo / Năm là phục sức không đúng phép / Sáu là du hạnh vô độ / Bảy là việc Pháp du ám muội.

Đây là 7 tội mà cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh kể về Khải Định trong bức thư của mình. (Di cảo cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh, Thư thất điều của cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh gửi vua Khải Định ở Paris ngày 14 thàng 7 năm 1922, Anh Minh dịch và xuất bản tại Huế, 1958.) Nguồn: Thư thất điều, Wikipedia.org]

DCVOnline

Nhận thấy mình sức yếu và đã lớn tuổi, ông viết một lá thư yêu cầu Nguyễn Ái Quốc về nước. Nguyễn Ái Quốc không về, chờ thời cơ chín mùi.

Lá thư của Phan Châu Trinh gửi cho Nguyễn Ái Quốc năm 1922

Sau này, trong bức thư phản bác Hồ Chí Minh 1917-1923 với lời đề tựa của Philippe Devillers, Éditions L’Illarmattan, 5-7 rue  de l’école Polytechnique, 75005 Paris.

Lá thư Phan Châu Trinh gửi Nguyễn Ái Quốc viết khi ông đang ở bên Pháp, ở Marseille năm 1922 đề ngày 18-2-1922; nhân tiện đó ông phê bình các nhà ái quốc như Đề Thám, sau này bị Pháp chặt đầu, Phan Đình Phùng chết rồi bị quật mồ lấy xương cốt vứt xuống sông, các vua Hàm Nghi, Duy Tân và nhà nho Thủ Khoa Huân bị đi đầy.

Ông cũng phê bình Phan Bội Châu như sau:

Anh hãy xem Phan Bội Châu, ông đã không nghe lời tôi. Ông ấy muốn quyên tiền bạc để đưa được những người theo ông đi sang Nhật. Ông ngửa tay xin người Nhật bằng cách kêu gọi tính cộng đồng da vàng và tình đồng văn hóa. Nhưng kết quả các cuộc đi lại bí mật của ông trong thực tế chẳng đem đến kết quả gì. Mới nhìn, lý luận của ông có vẻ tốt, nhưng nghĩ cho kỹ, nó cũng giống như các lý luận của các vua Lê, họ đã yêu cầu nhà Thanh Trung Hoa giúp đỡ để đánh Chúa Trịnh..Lại cũng giống như lý luận của Chúa Nguyễn dựa vào Pháp để chống vua Tây Sơn. 

Theo ghi chép lại của Lê Thanh Cảnh)

Ký ức của cụ Lê Thanh Cảnh về cuộc gặp gỡ ở Paris năm 1922 giữa các cụ Nguyễn Ái Quốc, Phan Châu Trinh, Cao Văn Sến, Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh.

Cũng ông kỹ sư Lê Thanh Cảnh, tốt nghiệp ở Pháp cùng với ông Trần Đức, nhân dịp các nhân viên phái đoàn Nam Triều đi dự cuộc triển lãm do Pháp quốc sử địa tổ chức tại Ba Lê. Hai người đã tổ chức mời bốn cụ là Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Ngọc Thiện và Cao Văn Sến dùng cơm tại khách sạn Montparnasse. Cũng mời thêm cụ Phan Tây Hồ, anh Quốc, vợ chồng Trần Hữu Thường và ông Hồ Đắc Hưng. Các ông đứng ra  tổ chức một bữa họp mặt thảo luận với  nhan đề “Thử đi tìm một lập trường tranh đấu cho dân tộc Việt Nam”.

Lập trường của mỗi người đối chọi nhau như nước với lửa, không ai chịu ai. Nhất là giữa Nguyễn Ái Quốc và Phan Châu Trinh. Theo ông Cảnh cụ Phan Tây Hồ bắt đầu nói:

Tôi dã gặp Nguyễn Ái Quốc từ 10 năm trước đây mà tôi nhận thấy chủ trương Cách mệnh triệt để quá táo bạo nên tôi không thể theo anh được, và anh cũng không chấp nhận đường lối của tôi, anh phải đi qua nước Anh rồi về đây. Vừa rồi, mấy tuần nay có ô. Cảnh, bạn thân của anh và cũng đồng châu với tôi, có tìm đủ cách để dung hòa đường lối tranh đấu mà mong muốn cho hai chúng tôi xích lại gần nhau. Nhưng dầu tôi có tỏ thiện chí đến đâu, tôi cũng thấy còn khó…

Đến lượt ông Quốc phát biểu: Sở dĩ tôi chủ trương cách mệnh triệt để là xưa nay muốn dành độc lập cho Tổ quốc và Dân tộc thì không thể ngửa tay xin ai được mà phải dùng sức mạnh như cụ Trần Cao Vân đã nói là phải dùng BÚA RÌU. 

Ô. Nguyễn Văn Vĩnh cướp lời ngay để bênh vực chủ trương của mình cũng để giác ngộ anh Quốc.

Ông Vĩnh cho rằng các phong trào chống đối như Đề Thám ở chiến khu Yên Thế, đến Thiên Địa Hội, đến vụ xin thuế ở miền Trung, phong trào kháng chiến ở Nam, phong trào Cần Vương ở Trung, trước sau đều bị phân tán đến nỗi ngày nay các phong trào ấy chỉ còn cái tên trong ký ức của chúng ta thôi. Bao nhiêu chiến sĩ đều gục ngã hoặc còn sống vất vưởng ở Côn Đảo, Thái Nguyên, Lao Bảo, hay Ban Mê Thuột. Bạo động như anh Quốc nói là thậm nguy! Tôi không muốn khóc anh Quốc bị tiêu mà khuyên anh trèo chống cho qua cơn sóng gió hãi hùng, cẩn trọng hoài bão chí khí và nhiệt huyết để phụng sự Tổ quốc và Dân tộc. Tôi theo lập trường TRỰC TRỊ (Administration direct) là kinh nghiệm cho tôi Nam kỳ trực trị là tiến bộ quá xa hơn Trung Bắc.

Đến lượt Phạm Quỳnh chủ trương “Quân Chủ Lập Hiến trong đó vua chẳng còn quyền hành gì trong tay mà chuyên chế được.

Người cuối cùng là viên kỹ sư Cao Văn Sến thuận với ý kiến của ông Nguyễn Văn Vĩnh cũng như bái phục ý kiến của ông Phan Châu Trinh là thực tiễn. Ông nói tiếp:

Hành động gì bây giờ là thất bại ngay, mà cụ Phan Tây Hồ đã trịnh trọng cảnh cáo hai anh em chúng tôi mấy kỳ gặp gỡ trước đây, mà tôi rất bái phục.” 

Anh Quốc quát to tiếng: “Này cụ Tây Hồ, nếu cụ qua làm Toàn Quyền Đông Dương thay mặt thực dân cũng chỉ nói như thế thôi. Bó tay mà chịu lầm than sao? Không được!!

Tôi sợ anh Quốc đi quá trớn, đúng lên thưa, ôn hòa. “Tôi xin anh em nghĩ thêm về lời khuyên của cụ Tây Hồ. Nếu chúng ta khôn khéo thì bất chiến tự nhiên thành.

Anh Quốc lại quát lớn: “Lại thêm chú này nữa kia.”

Tôi được dịp kịch liệt bác bỏ luận điệu anh Quốc và bênh vực chủ thuyết của cụ Tây Hồ.

Các cụ cho là phải, lần lượt bắt tay tôi siết thật mạnh tỏ vẻ tán thưởng tấm nhiệt thành của tôi.

Phần đông quan khách hôm ấy đều có xe, nhiều người đổ xô ra mời cụ Phan và anh Quốc lên xe để họ đưa về. Nhưng anh Quốc rỉ tai tôi:  “Chú đưa mình về, vì mình không muốn ai biết cái nghèo của mình.

Lê Thanh Cảnh

Tôi đã đọc một số tài liệu của Hà Nội viết về ông Phan Châu Trinh, hầu như không một ai nhắc tới giai thoại này giữa cuộc đấu khẩu gay gắt giữa Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc.

Lê Thanh Cảnh ghi thêm:

“Năm 1925, Phan Châu Trinh quyết định về nước. Nhân dân Sài gòn đón tiếp ông nồng hậu.

Chỉ một năm sau ngày 24-3-1926 do gầy yếu lao lực và bệnh tật, lúc 21 giờ 30, ông từ trần hưởng thọ 54 tuổi, tại Sài Gòn.

Đám tang và Lễ truy điệu ông trở thành một cuộc vận động chính trị về lòng ái quốc lan tỏa khắp ba kỳ.”

Lê Thanh Cảnh

[Theo Thu Trang, Những Hoạt Động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911/1925, (1983) NXB Đông Nam Á, trang 134-5

Lá thư Phan Châu Trinh viết cho Nguyễn Ái Quốc năm 1922, trích dẫn nguyên văn, ibid trang 135-140 làm sáng tỏ một số điểm:

  • Hai người một thời không đồng ý với nhau về quan niệm và chủ trương hành động;
  • Nguyễn Ái Quốc đánh giá tư tưởng Phan Châu Trinh;
  • Phan Châu Trinh khuyên Nguyễn Ái Quốc về nước quảng cáo và tuyên truyền cho chủ nghĩa Mác-Lê. Chứng tỏ là Phân Châu Trinh cũng tán đồng chủ nghĩa trên.
    • “Cứ xem hai ông Mã, Lý mà anh tôn thờ chủ nghĩa có ông nào dùng cái lối nương náu ở đất người mà làm quốc sự cho mình như anh đâu? Bơi vậy, quả như anh tô thờ lý thuyết hai ông ấy thì anh nghe lời tôi mà về quảng cáo cho quốc dân đồng bào, ai nấy đều biết, có phải là cái phương pháp hay biết chừng nào.”
      (ibid, trang 138; Mã là Mã Khắc Tư, Karl Marx; Lý  là Lý Ninh, Lenin)
  • Phan Châu Trinh tin vào sự thành công của Nguyễn trong lãnh vực mưu đồ đại sự;
  • Phan Châu Trinh thấy rõ bản chât của thực dân; ông hy vọng dân cả nước đoàn kết để lật đổ cường quyền áp chế. Không nói rõ là sẽ dùng biện pháp nào nhưng Phan Châu Trinh đã thấy phải tự lập, tự cường thì ngầm ý là đi đến con đường giải phóng dân tộc khi gặp thời cơ và dân chúng đồng tình;
  • Phan Châu Trinh thấy những hạn chế của ông, và cũng nhận thức được vai trò quan trọng mà Nguyễn Ái Quốc có thể làm.”]
DCVOnline

Sau này, dù có những bất đồng, dị biệt giữa cộng sản Hà Nội và ông Phan Châu Trinh. Đã có rất nhiều sách vở, tài liệu với những tên tuổi viết về Phan Châu Trinh như một nhà yêu nước và cải cách xã hội.

Trong đó có Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Huệ Chi, Nguyên Ngọc, Trần Đình Hượu, Chương Thâu và đặc biệt Trần Văn Giàu trong dịp kỷ niệm ngày giỗ ông Phan Châu Trinh.

(Người viết đã dựa một số tư liệu tổng hợp trong: Tổng tập Trần Văn Giàu, tập 3, nxb Quân Đội Nhân Dân, 2008).

Ít ra thì Phan Châu Trinh cũng thành danh mà chưa thành công! Mỗi một cuộc đời, như Phan Châu Trinh, đều để lại một bài học dù chưa trọn vẹn cũng đáng để cho những người đời sau suy nghĩ. Nói mạnh hơn, đó là những người đã làm nên lịch sử. Lịch sử một dân tộc, lịch sử đất nước.

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập, trình bầy và phụ chú.