Macron nói: Châu Âu phải chống lại áp lực trở thành ‘kẻ đi theo Mỹ’

Jamil Anderlini và Clea Caulcutt | DCVOnline

Trong một cuộc phỏng vấn, Tổng thống Pháp cho biết ‘nguy hiểm lớn’ mà châu Âu phải đối phó là để ‘bị cuốn vào những cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta.’

Macron | Ludovic Marin/ AFP qua Getty Images cho biết: “Nguy hiểm lớn mà châu Âu phải đối phó là để bị “cuốn vào những cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta.”

TRÊN PHI CƠ CỦA TỔNG THỐNG  – Trở về từ chuyến công du cấp chính phủ ba ngày tại Trung Hoa, trong một cuộc phỏng vấn trên máy bay của ông, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, châu Âu phải giảm bớt sự lệ thuộc vào Hoa Kỳ và tránh bị kéo vào cuộc đối đầu giữa Trung Hoa và Mỹ về vấn đề Đài Loan.

Nói chuyện với POLITICO và hai nhà báo Pháp sau khi dành khoảng sáu giờ với Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình trong chuyến viếng thăm, Macron nhấn mạnh lý thuyết của ông về “quyền tự chủ chiến lược” để châu Âu, có lẽ do Pháp dẫn đầu, trở thành “siêu cường thứ ba.”

Trong một chuyến bay từ Bắc Kinh đến Quảng Châu, ở miền nam Trung Hoa, ông cho biết “nguy hiểm lớn” mà châu Âu phải đối phó là nó “bị cuốn vào những cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta, khiến nó không thể xây dựng quyền tự chủ chiến lược của mình.”

Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Hoa đã nhiệt tình tán thành thuyết tự chủ chiến lược của Macron và giới chức chính phủ Trung Hoa liên tục đề cập đến nó khi họ giao tiếp với những nước châu Âu. Giới cán bộ lãnh đạo đảng CSTH và các chuyên gia lý luận ở Bắc Kinh tin rằng phương Tây đang suy tàn và Trung Hoa đang trỗi dậy và việc làm suy yếu mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ giúp thúc đẩy khuynh hướng này.

Macron nói trong cuộc phỏng vấn:

“Nghịch lý là, vượt qua trong hoảng loạn, chúng tôi tin rằng chúng tôi chỉ là những người đi theo Mỹ. Câu hỏi mà người châu Âu cần trả lời… liệu chúng ta có nên đẩy nhanh [khủng hoảng] ở Đài Loan hay không? Không. Điều tệ hơn là nghĩ rằng người châu Âu chúng ta phải trở thành những người hùa theo chủ đề này và đi theo nghị trình của Hoa Kỳ cũng như phản ứng thái quá của Trung Hoa.”

Macron

Chỉ vài giờ sau khi chuyến bay của ông rời Quảng Châu trở lại Paris, Trung Hoa đã mở những cuộc tập trận quân sự lớn quanh đảo Đài Loan, nơi Trung Hoa tuyên bố là lãnh thổ của họ nhưng Hoa Kỳ đã hứa sẽ trang bị vũ khí và bảo vệ.

Những cuộc tập trận đó là phản ứng đối với chuyến công du ngoại giao kéo dài 10 ngày của Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-Wen tới các quốc gia Trung Mỹ, trong đó có cuộc gặp với Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ thuộc đảng Cộng hòa Kevin McCarthy khi bà ghé qua California. Những người quen thuộc với suy nghĩ của Macron cho biết ông rất vui vì Bắc Kinh ít nhất đã đợi cho đến khi ông ra khỏi không phận Trung Hoa trước khi mở cuộc tập trận mô phỏng một cuộc “bao vây Đài Loan”.

Bắc Kinh đã nhiều lần đe dọa xâm lăng trong những năm gần đây và có chính sách cô lập đảo quốc dân chủ bằng cách buộc những nước khác công nhận nó là một phần của “một Trung Hoa”.

Hội đàm về Đài Loan

Theo giới chức chính phủ Pháp tháp tùng tổng thống, Macron và Xi đã thảo luận “dữ dội” về Đài Loan, dù ông dường như đã có một cách tiếp cận ôn hòa hơn so với Hoa Kỳ hoặc thậm chí là Liên minh Châu Âu.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, người tháp tùng Macron trong một phần chuyến thăm của ông, cho biết: “Sự ổn định ở eo biển Đài Loan là điều tối quan trọng,” và bà đã nói với ông Tập khi họ gặp nhau ở Bắc Kinh vào thứ Năm tuần trước. “Mối đe dọa dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng là không thể chấp nhận được.

Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Quảng Đông ngày 7/4/2023 | Ảnh chung của Jacques Witt/AFP qua Getty Images

Xi đáp lại bằng cách nói rằng bất cứ ai nghĩ rằng họ có thể gây ảnh hưởng với Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan đều tự dối mình.

Macron dường như đồng ý với nhận định đó. Ông nói,

“Người châu Âu không thể giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine; làm thế nào chúng ta có thể nói một cách đáng tin cậy về Đài Loan, ‘hãy coi chừng, nếu bạn làm điều gì sai, chúng tôi sẽ đến đó’? Nếu thực sự muốn leo thang  căng thẳng thì đó là cách nên làm.”

Macron

Yanmei Xie, chuyên gia phân tích địa chính trị tại Gavekal Dragonomics, cho biết: “Châu Âu sẵn sàng chấp nhận một thế giới mà Trung Hoa trở thành bá chủ khu vực. Một số trong giới lãnh đạo của nó thậm chí còn tin rằng một trật tự thế giới như vậy có thể có lợi hơn cho châu Âu.”

Trong cuộc gặp ba bên với Macron và von der Leyen vào thứ Năm tuần trước tại Bắc Kinh, Tập Cận Bình chỉ nói ngoài bài bản về hai chủ đề — Ukraine và Đài Loan — theo một người có mặt trong phòng. Người này nói,

“Ông Tập rõ ràng rất khó chịu vì bị quy trách nhiệm cho cuộc xung đột Ukraine và ông ấy đã hạ thấp tầm quan trọng của chuyến thăm Moscow gần đây. Ông ấy rõ ràng rất tức giận với Hoa Kỳ và rất khó chịu về Đài Loan, do việc tổng thống Đài Loan ghé sang Hoa Kỳ và [thực tế là] các vấn đề chính sách đối ngoại đang được người châu Âu nêu ra.”

Người này cũng cho biết, trong cuộc họp đó, Macron và von der Leyen cũng có những quan điểm tương tự về Đài Loan. Nhưng Macron sau đó đã dành hơn 4 giờ đồng hồ với người lãnh đạo Trung Hoa, phần lớn trong số đó chỉ có thông dịch viên hiện diện, và giọng điệu của ông hòa giải hơn nhiều so với von der Leyen khi nói chuyện với báo giới.

Cảnh cáo ‘chư hầu’

Macron cũng lập luận rằng châu Âu đã gia tăng sự phụ thuộc vào Mỹ về vũ khí và năng lượng và nay phải tập trung vào việc thúc đẩy ngành kỹ nghệ quốc phòng châu Âu.

Ông cũng đề nghị châu Âu nên giảm bớt sự phụ thuộc vào “đặc quyền ngoại giao của đồng đô la Mỹ”, một mục tiêu chính sách quan trọng của cả Moscow và Bắc Kinh. Ông nói,

“Nếu căng thẳng giữa hai siêu cường nóng lên… chúng ta sẽ không có thời gian cũng như tài nguyên để tài trợ cho quyền tự chủ chiến lược của mình và chúng ta sẽ trở thành chư hầu.”

Macron

Nga, Trung Hoa, Iran và các quốc gia khác đã bị ảnh hưởng do những lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ trong những năm gần đây dựa trên việc từ chối quyền truy cập vào hệ thống tài chính toàn cầu thống trị bằng đồng đô la. Một số người ở châu Âu đã phàn nàn về việc Washington “vũ khí hóa” đồng đô la, buộc những công ty châu Âu phải từ bỏ kinh doanh và cắt đứt quan hệ với những nước thứ ba hoặc chấp nhận những biện pháp trừng phạt thứ cấp làm nó tê liệt.

Khi ngồi trong phòng khách trên chiếc máy bay A330 của mình trong chiếc áo hoodie có in dòng chữ “Kỹ thuật Pháp” trên ngực, Macron tuyên bố đã “chiến thắng trong cuộc chiến ý thức hệ về quyền tự chủ chiến lược” cho châu Âu.

Ông đã không đề cập đến câu hỏi về những bảo đảm an ninh liên tục của Hoa Kỳ đối với Lục địa, nơi phụ thuộc rất nhiều vào hỗ trợ quốc phòng của Mỹ khi có cuộc chiến tranh trên bộ lớn đầu tiên ở châu Âu kể từ Thế chiến II.

Là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và là cường quốc hạch tâm duy nhất ở EU, Pháp có vị trí độc tôn về mặt quân sự. Tuy nhiên, quốc gia này đã đóng góp ít hơn nhiều vào việc bảo vệ Ukraine trước cuộc xâm lược của Nga so với nhiều quốc gia khác.

Như thường lệ ở Pháp và nhiều nước châu Âu khác, văn phòng Tổng thống Pháp, hay còn gọi là Điện Elysée, nhất quyết yêu cầu kiểm soát và “hiệu đính” tất cả các câu trích dẫn lời tổng thống đăng trong bài báo này như một điều kiện để được phép phỏng vấn. Điều này vi phạm những tiêu chuẩn và chính sách biên tập của POLITICO, nhưng chúng tôi đã đồng ý với những đòi hỏi đó để nói chuyện trực tiếp với tổng thống Pháp. POLITICO nhấn mạnh rằng họ không thể lừa dối độc giả và sẽ không công bố bất cứ điều gì mà tổng thống không nói. Tất cả những trích dẫn trong bài báo này đều thực sự do tổng thống nói, nhưng trong một phần khác của cuộc phỏng vấn đó tổng thống thậm chí còn nói thẳng thừng hơn về Đài Loan và quyền tự trị chiến lược của Châu Âu nhưng đã bị Điện Elysée cắt bỏ.

POLITICO

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: This huge Chinese company is selling video surveillance systems to Iran | JAMIL ANDERLINI AND CLEA CAULCUTT | POLITICO  | APRIL 9, 2023.