VixiLeaks (Kết)
Trần Giao Thủy
VixiLeaks không phải là chuyện về tài liệu mật của Cơ quan An ninh Quốc Gia Mỹ hay về dữ liệu quân sự của Hoa Kỳ. Nó là một tài liệu về hoạt động nội bộ cộng sản xuyên Thái Bình Dương.
(Tiếp theo phần II)
Sau khi ra chỉ thị về cách tổ chức Đại hội, Bùi Đức Lập đọc lại thỏa thuận về những nguyên tắc kinh doanh đã đạt được.
Bùi Đức Lập
“Về kinh doanh thì trên tinh thần mà các đồng chí đã thỏa thuận về nguyên tắc kinh doanh hay các đồng chí có mặt ở đây đã thỏa thuận trên cơ sở ý kiến của đồng chí Nhã và đồng chí Dũng đã vừa dự kiến nêu lên ấy thì sẽ được đưa ra theo cái quy định điểm thứ nhất trong vấn đề đó. Nghĩa là về vấn đề xác định quyền sở hữu, những vấn đề về ước lượng và cách tính như mà các đồng chí đã tham gia hôm qua tức là vấn đề chia như thế nào, và làm thế nào để vấn đề tư hữu này lấy cái thí điểm của VDADK… à Vinamedic. Và cái phần, tôi xin nói lại, cái phần một phần ba (1/3) mà ý định nói tức là để cho Hội đó thì xin nói vắn tắt thế này. Mà cái này cũng là ý kiến đã nêu lên buổi sáng với đồng chí Nhã. Tức là sẽ coi như là vấn đề tiền tiền tiền nợ và lãi xuất, chứ không có. Còn những phần của ban giám đốc, tức là phần của anh em đấy, có trách nhiệm lo công ty và phần của tập thể đấy, trong nước đấy, thì anh em xác định rõ.
Như vậy coi như không có cái phần của Hội. Mà cái trách nhiệm này coi như lấy cái thí điểm đưa ra. Như vậy là nó hợp lý. Là vì sao? Trên cơ sở đó mà chúng ta sẽ cố gắng tiến hành nghị quyết chưa có một giai đoạn… ý kiến 6 điểm của các đồng chí ở bên ấy đưa ra… Cái này các đồng chí tạm giữ luôn và có thể nói… ghi vào trong biên bản.
Xác định chủ quyền trên công ty Vinamedic trong thí điểm như sau: một phần ba thuộc về giám đốc công ty, một phần ba thuộc tập thể, tức là thuộc trong nước, một phần ba thuộc về Hội. Chủ quyền của giám đốc và của tập thể thì dưới dạng cổ phần còn chủ quyền của Hội thì dưới dạng nợ. Việc ước lượng về vấn đề giá trị thì cái này đề nghị các đồng chí có thể … sẽ bàn tính với nhau. Trên cơ sở là vấn đề không kiểm tra, không tham gia kiểm tra … không kiểm tra kiểm soát giấy tờ một cách chính xác được thì giá trị dựa trên tính toán, trên cái phương pháp định giá của thị trường để có một ước lượng sao cho nó phải chăng. Cái này thì các đồng chí hai bên đều đã trao đổi rồi. Bây giờ ta chỉ chọn lựa lại Vinamedic làm cái thí điểm. Vả lại trong cái vấn đề này coi như là được giải quyết trước khi đi gặp cái Đại hội. Ghi rõ vào cái ý ấy.
Số tiền Vinamedic coi như là tối thiểu nợ Hội, ví dụ như là hai triệu, đảm bảo bằng giấy tờ hợp pháp thì hàng năm Vinamedic trả lãi xuất cho Hội. Xin lỗi anh chứ 2 triệu đào ở đâu ra? (Nguyễn Văn Nhã). Không tôi lấy ví dụ ấy. Cái ước lượng thôi mà. Lấy một cái ước lượng thôi chứ không phải trên cơ sở này… Tôi muốn lấy ví dụ mà. Nhưng mà ý thì các anh em nêu ra rồi các anh em … về vấn đề này. Rồi cũng định ra ví dụ như là khi nào có đủ tiền thì định ra là đến năm 2000 thì sẽ hoàn lại số tiền nợ đó để cho nó dứt khoát đi. Thì đáy là một cái thí dụ. Tôi xin nêu lên thế. Đây là một phương án gút lại nhớ. Gút lại về cái chuyện gọi là sở hữu của về các công ty đi. Và đây là thí điểm của Vinamedic. Còn các công ty khác thì đảm bảo cho nó hoạt động bình thường và không phải là những vấn đề mà tranh cãi. Thế nhưng mà lấy cái này qui định với nhau thống nhất. Thì cái này là của ủy viên trước Ban. Anh anh Nhã nhé. Nhưng mà anh đừng coi cái bản ước tính của anh Dũng là bằng này, đồng rồi mới ký nhé (NVN). Không. Tôi xin nói rằng đây là… nêu lên và chính đây là ý kiến của chúng ta trao đổi với nhau để đi đến, như buổi sáng tôi nêu lên, là gút lại về nguyên tắc.
Cái nguyên tắc của nó là gì? Như nói … Đến khi có quyết định mới thì các cơ sở Laser, Vinamedic, QTK, thì vốn tích lũy và các phương thức, và các công ty đó thì thuộc quyền sở hữu của Hội. Nói cho nó rõ, để cho nó khỏi có bị tranh cãi. Giải quyết vấn đề này thì dựa trên cơ sở là minh bạch rõ ràng, tính đến lợi ích của Hội, và của đất nước… Vậy cho chắc đã. Lấy Vinamedic làm thí điểm. Cái phần của liên doanh, cái phần của vay nợ cho nó rõ ràng. Để cho vấn đề này khi đưa ra Hội không có vấn đề mà gây cấn và như vậy thì đồng chí Nhã và đồng chí Dũng được giao nhiệm vụ thực hiện cái dự án này. Đây là nhá, trong thời hạn cho đến quá nửa năm để hội nghị cái phương án này. Thì cái này thời gian đề nghị là hai người quyết định. Ban Việt kiều Trung ương giao đích danh cho hai anh Nhã và anh Dũng chịu trách nhiệm vấn đề này. Nghĩa là vấn đề Vinamedic có phải không anh? (Nguyễn Văn Nhã) Vâng, Vinamedic và Vinamedic rồi nhưng mà những các mức để tổng kết cái này để đưa tổng kết khác là trách nhiệm của anh Dũng và anh Nhã. Không có cách nào khác, chỉ giao cho hai người. Còn kinh nghiệm liên doanh tổng kết chậm nhất thì làm thế nào tháng Giêng năm 90. Được chưa? Nếu kết quả có tích cực được các công ty còn lại như Laser, QTK… Còn nếu không thành công thì các công ty sẽ bán lại cho tư nhân theo giá thỏa thuận giữa Ban, Hội và các công ty… Đã có chuyện có nợ lại còn cái câu này?… (Trần Tuấn Dũng) Không, tức là cái mà giữa trong nước với bên ngoài ấy. Nghĩa là cái ý là trong nước bảo vệ mà, hỗ trợ cho tất cả những cái này.
Xin cho thêm chi tiết cái hội; hội bây giờ là hội như thế nào? (NVN). Trong Hội, cái ý của anh Nhã đó là hội này do Ban Việt kiều Trung ương chấp nhận là “Hội yêu nước”. Ý anh em buổi sáng ấy mà. Hội là không phải là hội bất kỳ. Mà cái hội này được trong nước thừa nhận. Ý của anh Nhã nêu ra buổi sáng là như thế. Chứ không phải hội là hội bất kỳ. Ví dụ như Đại hội 14, rồi giờ cuối cùng ấy có xẩy ra một cuộc đảo chính gì đấy thì cái hội ấy không có … gì, có phải không? Có ý nghĩa là thế này, liên doanh ấy, là một bên là anh giám đốc, còn một bên là trong nước tức là tập thể. Tập thể này mở rõ là đất nước. Cụ thể là nó như thế.
Xin bổ xung chỗ cái lợi ích riêng của anh em, những người có công… (TTD). Đây rồi. Chưa có. Anh mới nói Hội… anh chưa nói, chưa có cái câu lợi ích của những người có công xây dựng…(TTD) Tôi nêu lên như thế nhé….
Điểm cuối cùng là trong vấn đề này, kinh doanh này này thì anh Quách Tinh Văn, anh Võ Quang Tu, văn phòng đại diện ở trong nước và ban kinh doanh có trách nhiệm cộng tác với ban quản trị để mà làm trao trả và vấn đề đảm bảo cho những cái hoạt động bình thường của công ty. Không riêng công ty Laser mà tất cả các công ty khác. Nhưng mà riêng công ty Laser thì có một sự tranh chấp và vấn đề tố tụng thì ở đây có quyết định là, với điều kiện là đảm bảo cho hoạt động bình thường cho công ty hoạt động và đình hoãn và có thể là rút những vấn đề trước những tố tụng để đảm bảo… thì tố tụng làm sao mà hoạt động bình thường được? Cho nên điều kiện này thì ràng buộc điều kiện kia. Anh đồng ý không? Đây là những điều mà bàn về… Nhưng mà cụ tể là ai lo cái vấn đề rút tố tụng này? Anh có thể để cho … (NVN) Cả hai bên chứ… Ờ mà tất nhiên là vấn đề này là vấn đề của anh Dũng.”
Đến đây thì Võ Quang Tu lên tiếng cho biết về tình hình thưa kiện trong công ty Laser Express Inc. trước pháp luật Canada.
Võ Quang Tu và Bùi Đức Lập
“Xin trả lời cái này, về những vấn đề tố tụng này. Thì nó có một cái ý kiến là kỹ thuật thôi. Là hiện bây giờ là đã làm rồi, là xin một cái injonction báo là temporaire… injonction interlocutoire là nó cho quyết định tòa cho một cái quyết định là ban quản trị vào quản trị Laser. Ngưng và anh Quách Tinh Văn phải ngưng cái hoạt động của Diva Express … à phải trao trả, trao trả cái sổ sách, cái gì đó, trao trả tất cả những cái gì thuộc Laser trả lại cho Laser. Đấy là tòa đã ra cái quyết định này rồi. Quyết định này có giá trị một tháng. Tới 22 tháng 11 này á là ra xin lại một cái gọi là permanente thì là ra một cái chỉ thị quyết định permanente đó. Thì từ đây tới đó bắt buộc là phải thi hành thôi. Mình không ngưng được. cái này không ngưng được. Thành ra từ đây tới 22 đó là có những cái ra hai bên trả lời luật sư bên này, hoặc bên kia luật sư hỏi bên này mình phải trả lời. Cái này tự nhiên bây giờ mình …. sau khi trả lời nó rồi đó, ông tòa quyết định như thế nào đó… Không làm được gì hết. Chứ còn không có thể bây giờ ngưng.
[…]
Tôi tôi hiểu vấn đề này á…Nó có những vấn đề pháp lý nhưng mà chính cái này nó thực hiện những cái giòng kinh mà chúng ta đảm bảo cho hoạt động bình thường. Thì đương nhiên là nếu có những vấn đề nó vi phạm vào cái hoạt động của công ty thì ta phải đảm bảo cái điều bình thường đó và để cho Laser hoạt động bình thường cũng như QTK và Vinamedic. Thế cho nên là tố tụng này liên quan đến cái việc đảm bảo không có phá cái hoạt động của… kể cả hoạt động của công ty này kiên quan đến công ty kia. Mà cái này thì trong nước Ban Việt kiều Trung ương đề nghị … trên kia đã nói rồi hoạt động bình thường này thì anh Văn này, anh Tu này, ban kinh doanh này phải đảm bảo tực hiện… cả văn phòng đại diện trong kia. Vậy thì ngày mai các anh vào thì anh Văn … đi về, anh Nhã, anh Tu, anh Dũng, các anh vào trong đó thì sẽ có văn bản vào trong đó và đồng thời đảm bảo cho cái hoạt động cho nó bình thường…”
Tóm lược phần thảo luận ở cuối mặt B cuộn băng TDK D90, tháng 10 1988
Bùi Đức Lập cũng cho biết là Ban Việt kiều Trung ương sẽ có thư thông báo cho hội viên HNVTC về những quyết định của Hà Nội. Sau đó là phần thảo luận tiếp về việc để cử một số người khác vào làm việc trong ban tổ chức Đại hội 14 dưới 4 người chịu trách nhiệm “chủ chốt” là Lê Tiền Phong, Nguyễn Văn Nhã, Hoàng Hải Học và Trần Tuấn Dũng.
Nguyễn Văn Nhã muốn đề nghị 8 người. Vì “muốn cố gắng phản ánh cái nét dân chủ”, Trần Tuấn Dũng đề nghị 14 người, và muốn thêm hai người khác vào trong ban có trách nhiệm trách nhiệm (“trù bị”) tổ chức đại hội là Huỳnh Hữu Tuệ (phe thường vụ-kinh doanh) và Lương Châu Phước (phe đổi mới) với 4 “đồng chí” đã được Ban Việt Kiều Trung ương chỉ định. Đề nghị này — thêm hai người vào thành phần “chủ chốt chịu trách nhiệm” – đã bị Bùi Đức Lập và Thắng, một người khác trong Ban Việt kiều Trung ương, gạt bỏ.
Nguyễn Văn Nhã sau đó đã đề nghị thêm 4 người: Lê Hữu Phùng, Nguyễn Thị Thanh, (vợ Lương Châu Phước, phe đổi mới) và Oanh, với Lưu Liên thuộc phái thường vụ-kinh doanh.
Lương Châu Phước lại lên tiếng đề nghị để mỗi bên tự chọn, sau khi về lại Canada, thêm 3 hội viên, không phải thành viên ban thường vụ vào làm việc chung.
Để có thể “không chế” được ủy ban tổ chức đại hội thì Ban Việt kiều Trung ương đã gạt bỏ đề nghị của Lương Châu Phước nhưng “ta sẵn sàng chỉ định 10 người” tức là sẽ chỉ địnnh ngay tại Hà Nội thêm 6 người; họ phải đủ 3 điều kiện “có tinh thần trách nhiệm”, “có khả năng”, “có tiêu chuẩn cán bộ”. Và “Hội” sau Đại hội 14 vẫn phải là hội “yêu nước” được “trong nước” (đảng) chấp nhận. Nó không phải là một hội “bất kỳ” hay là kết quả của một cuộc đảo chánh.
Trần Tuấn Dũng, khi được hỏi ý, đã cho biết không hoàn toàn “nhất trí” với những nguyên tắc trong đề nghị sau cùng và cho rằng người trong ban tổ chức cần phải có khả năng quyết định và lấy Nguyễn Văn Hương (phe thường vụ-kinh doanh) làm thí dụ.
Lương Châu Phước đưa ý kiến sau cùng là hai bên đưa danh sách những người cần tránh không thể mời làm việc trong ban chuẩn bị cho Đại hội 14. Cuộn băng ngừng và không có thêm tên của 6 người sẽ làm việc với Lê Tiền Phong, Nguyễn Văn Nhã, Hoàng Hải Học và Trần Tuấn Dũng, bốn đồng chí của Bùi Đức Lập.
Những câu hỏi không có câu trả lời
Dù đã nghe cuộn băng rất nhiều lần nhưng người viết đến nay vẫn còn nhiều câu hỏi mà có lẽ sẽ không ai trả lời.
Cảm nghĩ đầu tiên sau khi nghe cuộn băng là như người đang lạc vào một thế giới xa lạ ở đó người ta nói một thứ ngôn ngữ mình nghe được mà không hiểu hết dù đã nghe đi, nghe lại nhiều lần. Kế đến là giật mình, choáng váng vì cách ứng xử với Việt cộng của những nhân vật gọi là lãnh đạo của một tổ chức dân sự ở một quốc gia tiến bộ, tự do, dân chủ, pháp trị. Thứ ba là những quan hệ khó hiểu, nếu không nói là vô nghĩa, phi lý giữa Việt cộng và HĐKVKTC/HNVTC. Nhưng trong những dữ kiện gây hoang mang, thảng thốt đó, nếu lắng nghe, người ta sẽ thấy rõ một sự thật không thể tranh cãi là bản chất khủng bố, lừa đảo, mafia, ăn cướp của cộng sản, đặc biệt là Việt cộng.
Tuy cũng đã có một thời niên thiếu ở miền Nam Việt Nam, và trưởng thành trong một xã hội dân chủ pháp trị như họ nhưng, nói theo chữ Việt cộng thường dùng là vì sống “xa tổ quốc lâu ngày”, nên người viết thực sự rất bối rối khi nghe nhóm đầu sỏ HĐKVKTC/HNVTC lập đi lập lại hai chữ “phong trào” trong những lời tự phê, và báo cáo với cấp trên.
“Phong trào” (翻音/movement/mouvement) dùng trong ngữ cảnh của Việt cộng không thẻ đảng ở Montreal hẳn không thể là một hoạt động lôi cuốn được đông đảo người tham gia như những phong trào cũ như hippie, hiện sinh, hay những phong trào gần đây hơn như Mùa Xuân Ả Rập, phong trào Chiếm cứ. Nhìn vào cái gọi là “phong trào ở Canada đã xây dựng từ hai mươi năm nay” người ta thấy đó không phải là những hoạt động chung thủy, trước sau như nhất; Không cần tìm đâu xa, tên gọi “phong trào” này đã nhiều lần thay đổi, từ “yêu nước” tới “đoàn kết” rồi “liên hiệp”.
Khởi đi từ 1970, nó là phong trào phản chiến, chống “đế quốc Mỹ”, chống lại “chính phủ bù nhìn” để miền Nam Việt Nam được hòa bình, độc lập, trung lập, dân chủ, phú cường (23). Năm năm sau “phong trào” đó đổi sang
“Lên án Mỹ tiếp tục can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam, đòi Nguyễn Văn Thiệu phải tức khắc ra đi, nhường chỗ cho một chính quyền tán thành hòa hợp và hòa giải dân tộc và thi hành nghiêm chỉnh Hiệp Định Pa-ri, đồng thời khẳng định hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng các thành thị miền Nam vì hòa bình, độc lập, cơm áo, dân chủ và hòa giải dân tộc.”(24)
Và sau 1975 thì HĐKVKTC gần như biến mất khỏi những hoạt động cánh tả, vứt bỏ mọi quan tâm về quyền con người vì lúc đó cả nước Việt Nam đã biến thành một nhà tù lớn trong đó có rất nhiều nhà tù nhỏ mà Việt cộng gọi là “Trại học tập cải tạo”, giam giữ, đầy đọa quân cán chính miền Nam Việt Nam(25). Áo cũ bỏ đi, HĐKVKTC đã hiện dần bản chất.
Đoàn Văn Toại, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Sinh viên Sài Gòn năm 1969 và 1970, đứng hàng đầu trong những người tham gia vào các hoạt động đòi hòa bình, lãnh đạo sinh viên biểu tình chống chính quyền miền Nam và sự can thiệp của người Mỹ và đã từng bị tống giam nhiều lần; sau 30 tháng 4, 1975 Đoàn Văn Toại trở thành nhân viên trong ủy ban tài chánh của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Đảng Lao động (Cộng sản) Việt Nam lãnh đạo nhưng sau đó cũng vào tù cộng sản.
1978 Đoàn Văn Toại, tác giả cuốn “Le Goulag Vietnamien”(26), thoát khỏi Việt Nam và ghé đến Montreal thuyết trình, lên án cộng sản Việt Nam vi phạm nhân quyền đúng lúc HĐKVKTC có cuộc vận động “quyên tiền cứu lụt” nhưng thực chất là góp sức với chính quyền cộng sản Việt Nam trong cuộc chiến tranh xâm lăng và chiếm đóng Cambodia. Để chống chế cho chế độ Hà Nội, Huỳnh Hữu Tuệ, Hồ Đức Ngà và Lương Châu Phước đã mở cuộc họp báo ngày 14 tháng 11 để hạ uy tín của Đoàn Văn Toại. Không có gì mới và lạ, Tuệ, Ngà và Phước chỉ lập lại như vẹt (két) lý lẽ của Nguyễn Quang Thái, tùy viên duy nhất của Tòa Đại sứ Việt cộng ở Ottawa(27).
Quan hệ mật thiết giữa HĐKVKTC với đảng Cộng sản Quebec, một đảng Cộng sản theo Nga, được tác giả của “The Vietcong Front in Quebec” dẫn chứng cụ thể qua những hoạt động của họ từ 1977 đến những năm đầu thập niên 1980. Một ví dụ, nhân Đại hội VII của đảng Cộng sản Quebec tổ chức tại Montreal từ 12 đến 14 tháng 12, 1980, Nguyễn Đức Tuấn, thay mặt HĐKVKTC, đã viết thư chúc mừng; trong thư có đoạn,
“Thưa các đồng chí của Đảng Cộng sản Quebec,
Các lực lượng phản động đang trở nên điên cuồng vì cuộc khủng hoảng chung của hệ thống tư bản chủ nghĩa và những thành tựu của thế giới chủ nghĩa xã hội. Chính quyền Bắc Kinh và các đồng minh của nó đang tăng cường cuộc chiến tranh lạnh và đang cố gắng ngăn chặn ba dòng thác cách mạng: các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào giải phóng dân tộc và sức mạnh của dân chủ và hòa bình. […]”(28)
Nguyễn Đức Tuấn
Đến năm 1983, khi Bộ Tài chính Mỹ mở cuộc điều tra về hoạt động chuyển đô-la của những công ty ở Beaudry thì HĐKVKTC hạ thấp những hoạt động ủng hộ cộng sản Quebec hầu tránh khỏi tầm ngắm của Hoa Kỳ.
Với quá trình hoạt động và một ý thức hệ như thế, HĐKVKTC là một tổ chức dân sự, một hội đoàn bất vụ lợi như Lê Hữu Phùng tuyên bố, “HĐKVKTC được chính phủ chính thức công nhận là một tổ chức bất vụ lợi”(29) hay là một tổ chức ngoại vi, tay sai của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam?
Sự kiện thứ hai gây choáng váng cho người nghe cuộn băng là cung cách ứng xử và ngôn từ của nhóm đầu sỏ HNVTC dùng khi “tự phê” và “báo cáo” lên với cán bộ cộng sản ở Hà Nội. Nói chung, dù chỉ có âm thanh, cuộn băng đã làm nổi bật hoạt cảnh “xin cho” giữa chủ và tớ, những người nặng trĩu não trạng kể công. Cung cách và ngôn từ của nhóm lãnh đạo HNVTC khiến người nghe không thể không nhớ đến câu “Sĩ khí rụt rè gà phải cáo” của Tú Xương.
Khiếp sợ trước quyền lực đến nỗi nhiều lúc lời nói không mạch lạc, hay rất vu vơ như “Thì trên cơ sở đó thì… thì cái lập trường của chúng tôi nó cũng… nó cũng mất dần… lập trường đi”, hoặc
“Nhưng mà vẫn có những cái bóng đen làm cho cái cái hy vọng của mình nó trở thành là tuyệt vọng. Thành ra trong cái giải kết này thì cũng nói rõ rằng, về phía anh em phía bên ban thường vụ, về phía anh em bên ủy ban thiếu rất nhiều cái chất cần thiết, cái bản lĩnh cần thiết để đẩy lùi cái bóng đen đó.”
Lương Châu Phước
Cái não trạng kể công núp sau những uyển ngữ nghe đến buồn nôn như “nhu cầu thiết thân làm công việc đóng góp với cộng đồng, giúp nước…”, “bảo vệ cái phong… bảo vệ cái cơ sở làm ăn mà bà con đã đóng góp được một chút ít cho đất nước…” hay sỗ sàng hơn nữa như
“…buổi ban đầu tất cả phong trào ở Canada đã xây dựng từ hai mươi năm nay, nên ngày hôm nay là một thành quả. Dù chưa tương xứng với đất nước nhưng thành quả đó còn nhỏ, và những cơ sở kinh doanh ngày hôm nay đã đáp ứng một phần nào cái nhu cầu đất nước,…”
Trần Tuấn Dũng
Và chế độ “xin cho” thể hiện rõ rệt qua những câu chữ, “tôi tha thiết mong đợi Ban không có tiến hành giải pháp thứ nhất”, hay “Tóm lại, là tôi hòan toàn nhất trí với cái giải pháp thứ hai”.
Tại sao phải xin, tại sao phải rụt rè, khiếp sợ như thế? Thực sự họ là ban lãnh đạo của một tổ chức dân sự độc lập ở Canada hay là tay sai cộng sản?
Tại sao cộng sản Việt Nam có quyền và đã có thể triệu tập được ban lãnh đạo của một tổ chức dân sự, một hội đoàn bất vụ lợi ở Canada về Hà Nội nhận và chấp hành chỉ thị vì những xung đột trong hoạt động nội bộ của tổ chức đó?
Tuy nhiên, về mặt luật pháp, cộng sản Việt Nam dù muốn cũng không thể buộc đám tay sai làm ngược với phán quyết của tòa án ở Canada. Ví dụ, khi Bùi Đức Lập đòi hoãn hoặc rút lại vấn đề thưa kiện trong công ty Laser Express Inc., “để đảm bảo cho hoạt động bình thường cho công ty hoạt động và đình hoãn và có thể là rút những vấn đề trước những tố tụng để đảm bảo… thì tố tụng làm sao mà hoạt động bình thường được?” đã được Võ Quang Tu kê cục gạch “injonction interlocutoire” vào miệng,
“tòa cho một cái quyết định là ban quản trị vào quản trị Laser. Ngưng và anh Quách Tinh Văn phải ngưng cái hoạt động của Diva Express […] từ đây tới đó bắt buộc là phải thi hành thôi. Mình không ngưng được. cái này không ngưng được.”
Võ Quang Tu
Đến đây người nghe có thể đặt một câu hỏi tất yếu, ai là chủ nhân của các công ty kinh tài Laser Express, Vinamedic, Q.T.K. Express này? Có phải đó là tài sản của các cá nhân Võ Quang Tu, Quách Tinh Văn, Nguyễn Văn Nhã, Trần Tuấn Dũng, Nguyễn Văn Hương, v.v. hay của ai?
Câu hỏi này thực ra đã được Bùi Đức Lập trả lời ngắn gọn trước đó,
“Đến khi có quyết định mới thì các cơ sở Laser, Vinamedic, QTK, thì vốn tích lũy và các phương thức, và các công ty đó thì thuộc quyền sở hữu của Hội. Nói cho nó rõ, để cho nó khỏi có bị tranh cãi.”
Thì ra thế. Nhưng Lập “nói vậy mà không phải vậy” đâu vì cái lý lẽ của cộng sản nó bất bình thường, rất mafia và đểu vô cùng. Hãy nghe lại phán quyết của Bùi Đức Lập,
“Xác định chủ quyền trên công ty Vinamedic trong thí điểm như sau: một phần ba thuộc về giám đốc công ty, một phần ba thuộc tập thể, tức là thuộc trong nước, một phần ba thuộc về Hội. Chủ quyền của giám đốc và của tập thể thì dưới dạng cổ phần còn chủ quyền của Hội thì dưới dạng nợ.”
Và,
“Còn nếu không thành công thì các công ty sẽ bán lại cho tư nhân theo giá thỏa thuận giữa Ban, Hội và các công ty…”
Bất bình thường là tại sao giám đốc công ty lại sở hữu 1/3 tài sản của Hội? Và rất bất bình thường là tại sao cần có sự thỏa thuận của “Ban” khi “vốn tích lũy và các phương thức, và các công ty đó thì thuộc quyền sở hữu của Hội”. Nguồn vốn ở đâu, của ai? Thực ra đây không phải là quan tâm của người ngoại cuộc mà có thể là những câu hỏi cho hội viên của HNVTC và của chính phủ địa phương. Cái “hội bất vụ lợi” này đã có quyết định tổ chức kinh doanh và đề đặt ban giám đốc bằng những văn kiện nào? Đã có bao nhiêu báo cáo tài chánh trước đại hội thường niên với hội viên cũng như cho chính phủ?
“…một phần ba thuộc tập thể, tức là thuộc trong nước,…” Thực ra phán quyết đó chỉ là cách nói của bọn cướp ngày. “Tập thể” là “trong nước”? “Trong nước” là ai sao không nói thật cho mọi người (hội viên) dễ hiểu. Nghe Việt cộng nói “tập thể”, “trong nước” thì phải hiểu đó là “đảng ta”. Trong cuộc chia chác này, ông chủ Việt cộng đã cướp cơm chim hay vì nó nằm trong đề nghị 6 điểm của phe vận động đổi mới đã anh dũng xung phong theo gót bà Nguyễn Thị Năm Cát Hưng Long? (Nhân vật chính trong bài “Địa chủ ác ghê” của C.B. trên báo Nhân Dân ngày 21 tháng 7 năm 1953.)
Những người 20 năm ở nước ngoài vỗ ngực “yêu nước” đó chưa khi nào dám lên tiếng hay có hành động cụ thể phản đối Trung Cộng xâm lăng đánh chiếm Hoàng Sa hồi đầu năm 1974 hay khi chúng mở cuộc bắn giết hơn 70 người lính giữ đảo và chiếm Trường Sa vào trung tuần tháng 3, 1988, chỉ 7 tháng trước khi họ đi Hà Nội hát điệp khúc vì dân yêu nước.
Họ cũng là những người hô hào dân chủ, đoàn kết, hòa giải. Nhưng cuộc đấm đá nội bộ của nhóm đầu sỏ lạm quyền đã không thể hòa giải được ngay trong HNVTC là chỉ dấu rõ nhất, xác định những khẩu hiệu họ hằng rêu rao chỉ là hàng giả của một đám con buôn lưu manh, treo đầu dê bán thịt chó, theo bài bản Hồ Chí Minh với bao thuốc lá Philip Morris, ngoài ghi là “đảng lao động” nhưng bên trong là “đảng cộng sản”.
Họ quả thật là những người ngạo mạn, nằm ngửa phun nước bọt (miếng) lên trời.
Tuy vậy, nhân cách ấy, đạo đức đó vẫn chưa sánh được với bản chất của quan thầy của họ. Sau khi Lê Tiền Phong của phe thường vụ-kinh doanh báo cáo thêm là hiện có khoảng 190 hội viên kiến nghị phản đối phe vận động đổi mới, trong phút cuối cùng ở mặt A của cuộn băng, Hoàng Bích Sơn nói,
“Và dĩ nhiên là không ra được cái gì hết thì buộc phải lấy phương án thứ nhứt thôi. Phương án thứ nhứt thì … không còn cái gì hết và các anh chả còn quan hệ gì với đất nước này nữa, cả về chính trị và về kinh tế… Giải tán hết rồi thì còn gì nữa.”
Hoàng Bích Sơn
Lời khủng bố “các anh chả còn quan hệ gì với đất nước này nữa, cả về chính trị và về kinh tế…” của Hoàng Bích Sơn đã khiến cả hai phe đang xung đột khiếp sợ, đặc biệt là phe vận động đổi mới, đã phải tha thiết xin Việt cộng tiến hành giải pháp số 2.
Lừa đảo, phản bội, khủng bố với thủ đoạn “vắt chanh bỏ vỏ”, học của Stalin, thường dùng với đám thủ hạ, tay sai là bản chất bất biến của Việt cộng. Nhưng đám người còn mộng mị Mác-Lê-Mao dường như chưa thuộc những bài học từ vụ đấu tố bà Cát Hưng Long, xóa sổ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, đóng cửa báo Tin Sáng, v.v.
Kết quả sau cùng của cuộc tranh chấp băng đảng phải đem về Hà Nội để giải quyết năm 1988 như thế nào? Về mặt chính trị và tổ chức, đã không có Đại hội 14 xẩy ra; bốn “đồng chí” của Bùi Đức Lập hoàn toàn thất bại, đã không thi hành tốt trách nhiệm do hội nghị giao phó. Đến năm 1990 thì “Hội” tan rã. Tờ báo Đất Việt biến mất, thay bằng tờ Diễn đàn Người Việt (phe đổi mới) và tờ Đất Mới (phe kinh doanh). Không lâu sau đó, cả hai tờ báo cũng đình bản.
Đầu năm 1990, gió cũng đổi chiều, Thái Thị Khánh Hạnh (phe thường vụ-kinh doanh năm 1988) người thứ 11, và Vĩnh Anh (Phụ trách biên tập tờ Đất Mới — phe kinh doanh) là người đầu tiên ký tên vào “tâm thư” do Nguyễn Ngọc Giao chủ xướng, kêu gọi cộng sản Việt Nam thay đổi tổ chức chính trị(30). Hai người khác ở Canada cùng ký tên trong danh sách đầu tiên dưới “tâm thư” đó là Nguyễn Kỳ Toàn (Ủy ban Cứu trợ Nạn nhân Bão lụt Việt Nam, CAVIV, vùng Trois-Rivières)(31), và Lương Châu Phước.
Cuối năm 1989 hai công ty Vinamedic Inc. và Q.T.K Express Inc. đồng loạt đóng cửa. Laser Express Inc. tiếp tục hoạt động đến năm 1999, hồi sinh năm 2004, hoạt động được thêm 2 năm và đóng cửa lần cuối năm 2006. Hội viên của HNVTC đã nhận được bao nhiêu đô-la trong màn cuối của vở bi hài kịch “đi buôn”? Chỉ có “hai đồng chí được giao nhiệm vụ thực hiện cái dự án” và những người khác trong cuộc mới có câu trả lời.
Ngoài lý do bị Bùi Đức Lập nặng lời như Lê Tiền Phong báo cáo, một lý do khác khiến Nguyễn Văn Hương không về Hà Nội trong kỳ họp tháng 10, 1988 có thể là vì đang chuẩn bị khai trương công ty Dyconimex Corporation Inc. vào trung tuần tháng 11, 1988. Công ty này sau đổi tên là CIIC International Investment & Trade Corporation, và đã ngưng hoạt động từ năm 2000.
Trên thực tế, trong giai đoạn Việt Nam bị Mỹ cấm vận 1975-1994, HĐKVKTC/HNVTC đã có một vai trò đặc biệt hơn đối với đảng Cộng sản Việt Nam so với các hội “yêu nước” khác ở châu Âu, và Mỹ vì yếu tố địa linh chứ không phải vì nhân kiệt. Canada là địa linh vì có vị trí cạnh bên cái ruột tượng đô-la của khối người Việt tị nạn cộng sản lớn nhất thế giới sống ở Hoa Kỳ, nơi mà nhóm thân cộng không thể có hoạt động kinh tế với Việt Nam. Cái ruột tượng đô-la có tên chữ là “khúc ruột ngàn dặm”. Ngay cả nếu HĐKVKTC/HNVTC không tự nổ tung vào năm 1990 thì cũng chỉ vài năm sau nó cũng sẽ được xem là đã “hoàn thành nhiệm vụ”. Từ 1994 trở đi đảng Cộng sản Việt Nam đã dùng một lực lượng khác để khai thác những thị trường mới, lớn hơn, như hiện nay là lao động và du học.
Đến nay, 2015, gần 27 năm từ cái mùa thu Hà Nội năm đó, tổ chức đã vỡ tung và những người “lãnh đạo” yêu nước, đoàn kết, hòa giải ngày xưa đã gần hay hơn 70 và cũng có người đã vĩnh viến ra đi. Tuyệt đại đa số những người “yêu nước” đó vẫn đang sống và nhận phúc lợi của đất nước tự do dân chủ Canada hôm nay. Đôi người trong số đó thực sự trở thành doanh nhân có bạc qua kinh doanh ở Việt Nam; và mới đây một số vừa lên tiếng kết án chính phủ Canada can thiệp vào chuyện nội bộ của Việt Nam khi ban hành Đạo luật “Ngày Hành trình tìm Tự do” chọn ngày 30 tháng 4 làm mốc lịch sử, đánh dấu ngày người tị nạn Việt Nam đi tìm tự do.
Và cũng đã 40 năm, từ ngày dân Việt phải bỏ nước đi tị nạn đến nay, Việt Nam vẫn còn là một nước độc đảng, độc tài chuyên chính đồng thời vẫn chưa ngừng đơn ca bài hòa giải hòa hợp.
© 2015-2023 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Đăng lần đầu ngày 09 tháng 6, 2015
(23) Trích Mục đích hoạt động của Hội Việt kiều Yêu nước tại Canada; Gilbert Gendron, B.A., Ibid., trang 5 – trích lại từ News from Vietnam, no. 3, August 16-18, 1972.
(24) “Thành lập Hội Đoàn kết Việt kiều tại Ca-na-đa”, Nhân Dân, số 7574, 27 tháng Một, 1975.
(25) Doan Van Toại, “A Lament for Vietnam”, The New York Times, March 29, 1981 [Pham Van Dong said, in the French magazine Paris Match, on Sept. 22, 1978, “In over three years, I released more than one million prisoners from the camps.”
(26) Doan Van Toai, “Le Goulag Vietnamien”, Paris, Robert Laffont, 1979, 341 p. & Doan Van Toai and David Chanoff, “The Vietnamese Gulag”, Simon & Schuster, 1986, 312 pp.
(27) Gilbert Gendron, B.A., Ibid., trang 10.
(28) Gilbert Gendron, B.A., Ibid., trang 18.
(29) Gilbert Gendron, B.A., Ibid., trang 8 trích dẫn báo La Presse, ngày 20 tháng 6, 1979, trang A5.
(30) “Tâm Thư” gửi các vị lãnh đạo Việt Nam cùng đồng bào trong và ngoài nước về việc cải tổ hệ thống chính trị, ngày 22 tháng 1 năm 1990. Công bố trên Diễn Đàn forum năm 2010.
(31) Gilbert Gendron, B.A., Ibid., trang 18.