Đọc những chứng từ của một nếp sống Đạo một thời

Nguyễn Văn Lục

Mỗi lần có dịp đọc các tài liệu có liên quan đến đạo và nhìn lại quá khứ là mỗi lần rút tỉa ra được một bài học về đời sống, về nếp sống đạo của một thời trong suốt những năm trước 1945 cho riêng mình và cho những vị chức sắc trong hàng giáo phẩm trước 1954, sau 1954 và ngay cả sau 1975.

Và tôi cũng đã đọc lại cả những tài liệu được bên cộng sản mớm mồi và xuất bản như cuốn: Dieu et Cesar của Lm Trần Tam Tỉnh và bản dịch tiếng Việt, Thập Giá và Lưỡi Gươm do Lm Vương Đình Bích dịch. Đọc để mà hiểu mức độ xảo trá, lươn lẹo, bóp méo của Trần Tam Tỉnh và Vương Đình Bích.

Tôi cũng không quên một luận án tiến sĩ của Trần Thị Liên: Les catholiques Vietnamiens pendant la guere d’Indépendance, 1945-1954: entre la reconquête coloniale et la résistance communiste.

Luận án của bà Trần Thị Liên trình bày cho thấy vai trò tiến thối lưỡng nan của người công giáo trước cộng sản và vai trò Bảo Đại được sự hỗ trợ của người Pháp. Một mặt không chấp nhận được cộng sản. một mặt không dễ dàng gì hợp tác với Bảo Đại. Điển hình là vai trò của giám Mục Lê Hữu Từ lập “Khu Tự Trị” Phát Diệm (position autonome par rapport à la résistance communiste et au gouvernement de Bao Đại theo quan điểm của Trần thị Liên) Trong vai trò “tự trị” của giám mục Lê Hữu Từ. Câu hỏi đặt ra là Khu Tự Trị tồn tại được bao lâu trước áp lực cộng sản?

Cuối cùng giám mục Lê Hữu Từ cũng như Phạm Ngọc Chi cũng đành cổ súy cho cuộc di cư vào miền Nam sau năm 1954.

Quan điểm của Trần Thị Liên chỉ là một quan điểm lý thuyết “lý tưởng”. Vấn đề then chốt là “phải chọn bên” trong những hoàn cảnh thực tế, dù có những điểm không thích đáng không tránh được. Với tôi, đó là sự chọn lựa dứt khoát chối từ cộng sản một cách triệt để, không do dự, không áy náy!

Cộng sản chiếm được miền Bắc nhờ Mao Trạch Đông. Tôi vẫn cảm thấy hãnh diện là người di cư vào miền Nam theo viễn cảnh “đất lành chim đậu”. Sau này, xét về gốc gác, tôi phủ nhận mình là người miền Bắc mà coi mình mang thân phận người miền Nam trong vinh quang lẫn tủi nhục! Như thế là dứt khoát giã từ cộng sản!

https://thuviendaminh.net

Trở về thực tế, tôi nhận thấy giai đoạn ấy, nó như một bức tranh toàn cảnh hiện thực sống động về con người, về những thuật ngữ nhà đạo, những từ ngữ rất chuyên biệt thường được nhà đạo dùng, về những nhân vật đạo đời điển hình, về xã hội, về chính trị thời cộng sản mà tôi đã có dịp sống những thời gian đó ở Hà Nội từ tháng 6-1946 cho đến lúc di cư. Cả một quá khứ của nếp sống đạo thời trước sống lại trong tôi; thiển nghĩ nhiều người cũng muốn được nhìn lại để lấy kinh nghiệm. Nó như một dòng chảy ký ức tuổi thơ ùa về. Nó có những vùng u tối, sai trệch. Nhưng phần lớn thể hiện sự trung thực và trong sáng như một thời một vang bóng!

Tôi đặc biệt chọn cuốn: “Chứng từ của một Giám Mục. Những câu chuyện về một thời” của Phao Lồ Lê Đắc Trọng.

Cả cuộc đời tác giả từ thuở niên thiếu đến khi chết, gắn bó với Giáo phận Hà Nội, rồi Nam Định và được dịp kể lại. Lối viết, cách trình bày vừa nhiều chi tiết nhỏ nhặt, với nhiều nhân vật đạo đời thời ấy, với sự thật thà đo đếm được, đơn sơ mà lôi cuốn. Và vì tôi cũng đã thấy, những chi tiết câu chuyện thời ấy, cho tôi cảm nhận như đã trải qua khi đọc sách như có cả tôi trong mỗi dòng sự kiện.

Tôi tìm thấy tôi trong từng chứng từ được tác giả kể lại. Như thế, nó không còn là những chi tiết, tình cảm cá nhân với cá nhân mà nó còn gắn liền với lịch sử giáo hội Hà Nội và cả Giáo Hội Việt Nam nói chung và số phận dân tộc Việt Nam bị đọa đày dưới gông cùm cộng sản bàng bạc trong mỗi biến động xã hội chính trị. Nói chung nó là một thứ gia tài, một khối nguyên liệu. Xin được chia xẻ cùng bạn đọc.

Những chi tiết vụn vặt thời niên thiếu

Thời ấy trường học hiếm lắm. Nhiều làng xã gom lại may ra có được một trường học. Người nào đi học chữ Nho là có gốc gác lắm. Nhất là các thầy lang phải đọc được sách thuốc bằng chữ Nho. Sau này nhà đạo có sách kinh bổn bằng chữ Nôm. Các bà mụ dòng Mến thánh Giá phải biết đọc chữ Nôm. “Biết đọc, nhưng không biết viết”. Việc dạy chữ đều do các thầy trong xứ Nghệ ra dạy nên được gọi là “thầy đồ Nghệ”.

Kịp khi chữ quốc ngữ ra đời. Các thầy đồ Nho bị khinh khi, bị gọi là “hủ Nho”, có móng tay dài cáu bẩn, không tắm. “Móng tay đầy ghét, gãi lưng. Bật toành toạch.”

Ngày tết, các làng bên lương có dựng những những dàn đu bằng cây tre cao đến 15, 20 thước. Trai gái từng đôi ra đánh đu kẽo kẹt từ xa cũng nghe thấy. Tiếng cười, tiếng reo inh ỏi. Bên giáo thường không tham dự vì coi là “kém nết na”. Nhiều người còn tổ chức chơi cờ người và thường được tổ chức ở sân đình. (Các quân bài được tượng trưng bằng người di chuyển theo lệnh, theo tiếng trống.)

Hình ảnh bức tranh dân gian Đông Hồ hội đu – bắt trạch trong chum

Trong những tuần “làm phúc” (có cha về giảng và dâng lễ). Cha già Sinh đi cáng, đi võng, có hai người khiêng, có thầy giáo hoặc chú lớn giúp việc. Giáo dân trong họ cử người gánh mấy đôi “hòm vuông” trong đó có đồ lễ và các thứ dùng. Khi cha Sinh làm lễ, ngồi giảng hàng giờ. “Nói đến sùi bọt mép, lấy khăn lau rồi lại tiếp tục. Giáo hữu ngủ gật ít nhiều, song không một ai kêu ca giảng dài.” Kêu ca “giảng dài” là phong trào xuất hiện mãi sau này.

Có lần đi đón cha Thược. Cha cưỡi ngựa, đám rước chạy theo. Ngựa đi nhanh vì có cơn mưa. Về đến nhà thờ họ, phải đưa ngựa đi lấy thóc ăn tử tế. “Không thì cha chửi cả làng không cho ngựa ăn.”

Lễ xong, mở tiệc lớn thường là giết bò. Không có tư gia nào đủ lớn. Tiệc thường được tổ chức ngay trong nhà thờ. Khi các cha ăn tiệc, các giáo dân vây quanh để “ hầu cơm”. Khi cha Lớn Thược cười, khi cười răng vàng hiện ra, người rung rung ghế gàn như gãy.

Giáo dân kính mến các cha là thế. ”Sự quý mến đó có giúp gì cho các cha trên đường nhân đức thiêng liêng hay chỉ gúp làm nảy tính kiêu kỳ, xa cách, ủy mị, biếng nhác việc bổn phận, tạo nên một số lớp người lạ thường, kỳ dị?

(Những câu trong ngoặc kép tóm tắt/trích trong “Chứng từ của một Giám Mục”. Phao Lồ Lê Đắc Trọng, nxb Diễn Đàn Giáo Dân, trang 16-25)

Tuổi thơ và bước đường mục vụ của thầy tu Phao Lồ Lê Đắc Trọng.

Đi ở nhà thầy.

Tác giả tự đặt câu hỏi: Tại sao tôi đi ở nhà thầy?

Theo tác giả: “Họ đạo tôi ở có truyền thống đi tu.” Ngay trong gia đình của tác giả, đã có 2 người tình nguyện đi tu. Như anh của tác giả đi nhà thầy, anh thứ ba là Kính cũng đi ở nhà thầy.

Cái lý do tiềm ẩn tác giả vạch ra là đi nhà thầy lúc làm cha thì oai phong và lẫm liệt lắm. Hãy nghe kể về trường hợp cha Thược như sau:

Ngài thích vẻ quan cách, đi đứng ăn mặc nói năng ra dáng một vị quan lớn nên quen gọi ngài là “Cha lớn Thược”, như vẫn gọi các quan lớn. Cha cưỡi ngựa mặc áo sa tanh đen, quần lụa trắng, đội nón lông có chóp bạc, chân mang ghệt lúc cưỡi ngựa. Bên cạnh có chú Tập đeo máy chụp hình, đi xe đạp.

(Sđd, trang 31)

Hình ảnh ấy gợi nhớ đến một vị quan lại hơn là hình ảnh một linh mục sống thanh đạm, nghèo khó.

Cái cảnh ấy có khác chi cảnh các cha, các giám mục bây giờ về kinh lý các nhà xứ. Nào cờ xí, nào xe hơi đưa rước; họ có cắm cờ hội thánh, trống chiêng đội kèn Tây vang đội; giáo dân cộng với các “bà mụ” (các sơ) đứng hai bên làm hàng rào danh dự. Tiền bạc công sức đổ vào những buổi đón tiếp như thế mât bao nhiêu trong một năm? Có nhiều cha phải lên lịch, vì tuần nào cũng bận bịu phải đi dự tiệc. Tiệc 25 làm linh mục, tiệc 50 năm, đám ma các cha thầy, các sơ. Rồi còn đám cưới, sinh nhật, tiệc tiễn đưa đi xứ mới, v.v.

Trên hơn 40 năm sống ở nước ngoài, tôi chưa hề thấy có những cuộc tiếp đón lộng lãy, xa hoa như thế? Mọi việc đều đơn giản và âm thầm.

Kịp khi giám mục đi qua vội vã quỳ mọp, cúi lạy hôn nhẫn như một vinh dự hiếm có trên đời, “Con xin phép lạy cha.”…

Sau này, thầy Trọng đã làm giám mục có dịp được hỏi vị này vị kia, tại sao đi tu? Nó bắt đầu từ thuở nhỏ với những lý do rất vô tội như “thích được đi xe đạp (vì xe đạp hồi đó hiếm hoi lắm), có vị nói thấy các đáng bậc được “ăn ngon”. Còn có vị khác thích được “kéo chuông”. (Sđd, trang 33)

Nhưng nó cũng cho thấy chẳng có vị nào nói thẳng những lý do cụ thể, “rất người” của một đứa trẻ, để chỉ thấy những lý do rất cao thượng, rất lý tưởng, được coi là “ơn gọi” thúc đẩy từ Thiên Chúa như đi tu “ dâng mình cho Chúa”, vì được “Chúa gọi” bla, bla… Nó cũng có đấy! Nhưng không dễ gì cho một đứa trẻ 10 tuổi đầu bắt gặp được tiếng gọi sớm từ trên cao!

Và vị giám mục Phao Lồ kết luận một cách rất thực tế, “Cái thú từ hồi thơ ấu tồn tại, phát triển trong con người suốt đời là thế.” (Sđd, trang 35)

Sau 1975, vào miền Nam, Giám mục Trọng đã thẳng thắn nhận xét một cách thực tế như khi có giao tiếp giữa hai miền:

Giám mục đoàn yếu, nhiều vị tuổi già, bệnh tật lại ở những vị trí quan trọng. Thiếu đoàn kết, chia rẽ theo miền, theo địa phương tuy chưa đến độ trầm trọng. Vị thì chỉ lo cho giáo phận mình, không quan tâm đến quyền lợi chung, vị khác lo bảo vệ vinh quang (học vị), hầu hết nhút nhát, sợ sệt, nhất là các vị ở miền Nam, vì luôn bị mặc cảm chiến bại.”

(Sđd, trang 256)

Còn linh mục thì sao?

Vì các vị chủ chăn giáo phận như thế thì hàng linh mục làm sao hoàn hảo được. Giám mục thế nào thì linh mục thế ấy, và có thể kém xa nữa.

Miền Bắc ít linh mục, ít phức tạp. Miền Nam, nhất là Sài Gòn nhiều linh mục, rất phức tạp. Có một số vị học hành nhiều, nhưng một số linh mục coi nhẹ căn tính linh mục, mà nặng về học vị..(…) Người Việt Nam lại quý trọng những người có bằng cấp, được nhiều sùng bái, bởi đó sự ngả nghiêng của những vị đó có thể tác hại nhiều đối với những người sùng bái.

Sự giàu có đang xâm nhập vào hàng giáo sĩ, cả Nam-Bắc. Các nhà của vị giáo sĩ đầy đủ tiện nghi, hiện đại hơn là giáo dân. Người nghèo khó đến nhà linh mục, không có chỗ mà ngồi.”

(Sđd, trang 256-257)

Mong rằng những nhận xét chân tình trên được các giáo phận miền Nam biết lắng nghe và sửa đổi.

Cơn bão thời đại: Từ ngày lễ Độc Lập làm biến đổi diện mạo tôn giáo.

Người ta thấy bắt đầu có sự xuất hiện của Việt Minh, nhất là trong dịp ngày lễ Độc Lập. Nhiều tu sinh trong Chủng Viện đã ngả theo Việt Minh, lơ là việc học tập. Bầu khí căng thẳng giữa các cha người Pháp và các thầy. Theo tác giả:

Trong Nhà Chung Hà Nội, có mấy anh em chủng sinh rất thân Việt Minh, sùng bái cụ Hồ, ca tụng cụ Hồ từ cái khăn bông vắt vai đến đôi dép Cụ đi, như các anh Thiết, em ông Toàn, con cha Hạnh- Hùng ( nhạc sĩ Hùng Lân) con cố Hương-Hùng Thái Hoan, con cha Bộ Viết kết hợp với Bộ Hân của cha Viết, lúc này đã xuất và đứng chủ công ty vệ sinh giàu có…Bấy nhiêu anh hay tụ họp ở một buồng tầng dưới cùng nhà Tràng Tập. Họ viết biểu ngữ: “Je suis Canadien”, rồi treo ở cổng Nhà Chung. Mọi người ở Nhà Chung, các cha Tây, Ta đều im lặng.”

(Sđd, trang 41)

Muốn được đi tu, “đỗ cụ”, chủng sinh phải có một cha đỡ đầu trong suốt hành trình tu tập. Linh mục đỡ đầu được coi như người cha. Nếu có hai ba chủng sinh thì họ coi nhau như anh em. Giám mục Phao lô Lê Đắc Trọng (1917-2009) có cha nuôi là linh mục Vũ Xuân Kỷ theo phía bên kia. Cha Kỷ là đại diện cho “Ủy Ban Liên Lạc những người công giáo yêu tổ quốc, yêu hòa bình.”

(Anh tôi, Nguyễn Văn Thông (1922-1991), cùng cha nuôi với Gm Trọng nên hai người coi nhau như anh em. Sau này, Cha Trọng một cách tự nhiên gửi gắm tôi ăn học, ở nhờ người anh họ của cha là ông bà Chí Thành, ở trong nhà cùng với chị Thoa, anh Đản, chị Thiêm, chị Xuyến, Đính, v.v. Năm 1954, các anh chị ấy đều di cư vào miền Nam làm nên sự nghiệp. Chỉ trừ ông Chí Thành ở lại, bị cộng sản giam tù 10 năm, và trước khi chết mới được cho về nhà. Cha nuôi Vũ Xuân Kỷ kín đáo giúp đỡ việc thăm nuôi khi anh tôi ở bệnh viện; một phần do địa phận Hà Nội và do giám mục Trọng phụ trách; một phần khác giao cho người cháu của cha nuôi là ông Vũ Đình Liệu cũng theo Việt Minh. Ông Vũ Đinh Liệu, từ 1945, được điều vào miền Tây, Trà Vinh rồi khu 9; sau 30/04/1975 lên đến Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.)

Kháng chiến bùng nổ vào buổi tối ngày 19 tháng 12 năm 1946

Theo lời cha Trọng, mọi việc giao thiệp đều do Santeny, có quan hệ gần gũi giao tiếp với ông Hồ Chí Minh. Tác giả viết:

Phái bộ Santeny ở ngay đầu phố trông sang nhà Thờ Lớn. Binh lính thì đóng doanh trại, thỉnh thoảng các xe díp chạy ra đường phố, ra ngoại ô, dần dần đi xa hơn nữa. Và quân ta tìm cách làm khó dễ: hỏi giấy không được, ta đắp ụ ngăn đường.. Đi làm gì? Đi đâu? Chỉ là một cách thị uy, và ta gọi đó là những cuộc “khiêu khích”. .và mỗi ngày mỗi mạnh mẽ. Ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định đều sống trong bầu khí đó. (…) Thì lúc này danh từ” kháng chiến” đã bắt đầu manh nha.. Việc đắp ụ đào đường đã mở rộng ra Hà Nội khá xa, về phía bên Nam. Hà Nội mở xuống, Nam Định mở lên. (…) Đâu đâu cũng có “đội quân phá hoại” được thành lập. Xẻng, quốc trên vai, chứ không phải súng. Có lúc vui buột miệng: “Phá hoại muôn năm”. Mỉa mai! Thành thật hay bông đùa? Biết đâu lại là khẩu hiệu tiên tri! Và từ đây mà đi, chiến tranh phá hoại! Thực dân! Đế quốc phá hoại: nhà cửa , đường xá, đồng ruộng rừng sâu,của cải,mạng sống, văn hóa, mê tín, tôn giáo, tất tất cho đến ba bốn chục năm sau, lúc Liên Xô vẫn còn tồn tại. Nhân dân Việt Nam rất tán tự; Tên của Liên Xô viết tắt: CCCP, có người đọc “Các Chú Cứ Phá”. Rồi sau đó người ta tiếc!

Nhưng hối bất cập!”

(Sđd, trang 42-43)

Khu Phố Tây

Lúc bấy giờ tôi ở khu Phố Tây, phố nhà thờ Thánh Tử Đạo Phố Cửa Bắc; cái nhìn của tôi có thể khác một chút vì vị trí địa lý đặc biệt của nó.

Trong những ngày này, mặc dầu tuổi còn nhỏ, nhưng tôi cũng đã nhận ra có sự căng thẳng giữa đôi bên có thể nhận thấy được. Các con đường Khu Phố Cổ thường không được đào đắp mô, mà họ lấy tủ bàn ghế của các nhà hai bên đường phố ra chồng chất lên nhau để ngăn cản xe của Tây đi qua lại. Rồi đồn nhau trong các mô có cài lựu đạn. Người ta bảo nhau tránh xa vì trong đó có gài mìn. Nhưng chẳng hiểu Tây có biết điều đó không?

Dân Hà Nội dựng chiến lũy chống Pháp ngày 19 tháng 12 năm 1946. Nguồn: OntheNet

Gài mìn hay không thì tôi không biết! Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau thì những đống tủ bàn ghế đó biến đâu mất.

Thanh niên tự vệ đục tường những ngôi nhà thuộc khu phố cổ để một người có thể chui qua được mà không để Tây đi tuần ngoài dường bắt được. Thứ nữa để thanh niên tự vệ liên lạc nhà nọ với nhà kia mà không bị lộ. Chính tôi thường len lỏi giữa nhưng căn nhà đó tìm kiếm của dư thừa mà người di tản còn để lại như gạo muối đường. Tôi nghĩ mình tự nhiên biến thành loài chuột lúc nào không hay!

Tôi cũng nhận thấy tự nhiên Khu phố Tây bình thường đông người qua lại bỗng vắng bóng cảnh các bà đầm dắt con nhỏ đi lại như trước. Câu lạc bộ các sĩ quan không quân Pháp nằm sát cạnh bên sườn nhà thờ Cửa Bắc, những ngày thứ bảy, chủ nhật đều có ăn uống, âm nhạc, nhảy đầm cũng êm ắng. Lính Tây say rượu cũng không thấy nữa!

Hình như mọi người đang chờ đợi một điều gì đó sắp xảy ra! Trong chờ đợi căng thẳng người ta tự hỏi bao giờ?

Rồi khoảng 9 giờ tối ngày 19 tháng 12, năm 1946, súng nổ tắc bọp, tắc bọp liên hồi từ đâu vọng lại. Xen trong tiếng tắc bọp là tiếng súng liên thanh của quân Pháp nổ ròn. Đấy là sự khác biệt mà người ta nhận thấy về vũ khí của đôi bên. Việt Minh cho nổ nhà đèn, thành phố Hà Nội tối om. Người ta bắt đầu hoảng sợ thật!

Dưới mắt một đứa trẻ như tôi chiến tranh đã khởi đầu một cách kỳ lạ như thế!

Lúc ấy, đang ở nhà thờ xứ Cửa Bắc, tôi cùng vài đứa trẻ khác chỉ kịp chui xuống hầm cầu thang gác dẫn lên từng lầu hai. Cha chính xứ lúc bấy giờ là cố Caillon, người to con, râu xồm, tiếng Việt quen gọi là Cố Năng, đành núp dưới cái bàn ăn. Nấp như thế chỉ là một bản năng tự vệ nhất thời.

Đối diện nhà thờ Cửa Bắc là sở Hành Chánh Tài chánh của Pháp nằm trên Con Đường Đôi (Vì có hai chiều xe cộ lưu thông)


Đối diện nhà thờ Cửa Bắc, gần Cửa Bắc thành Hà Nội trên đường Phan Đình Phùng. Nguồn: Google Maps

Ngay từ buổi sáng ngày 19, Tây hình như biết trước đã chuẩn bị sẵn sàng ứng chiến với hai xe tăng chặn hai bên cửa Sở Hành Chánh Tài Chánh, coi như bản doanh của Tây, chĩa súng đại liên ra ngoài. Sau này, tôi biết Santeny ngay buổi tối 19, bị thương nhẹ ở chân được đưa vào trú ngụ trong Sở Hành Chánh Tài chánh.

Sáng hôm sau hầu như yên tĩnh trở lại, tôi chỉ thấy vài cây súng xưa, phần lớn là những khẩu súng gỗ lẫn với vài thanh kiếm hoặc mã tấu và cả tầm vong vạt nhọn, v.v. vứt la liệt đối diện con đường Đôi, trước Sở Hành chánh tài chánh. Có thể không ai tin, nhưng sự thật chính mắt tôi nhìn thấynhư thế.

Sau này tôi còn được biết bộ đội chính quy của Hồ Chí Minh, Trường Chinh với Võ Nguyên Giáp, người khởi động cuộc chiến, đã rút ra khỏi thành phố trước ngày bùng nổ kháng chiến để bảo toàn lực lượng, chỉ để lại đám “thanh niên tự vệ” làm bia đỡ đạn thay cho bộ đội chính quy.

Đấy cũng là một mặt khác của cuộc chiến này!

Quân Việt Minh thiết lập điểm chiến đấu chống Phap tại chợ Đồng Xuân ngày 19 tháng 12 năm 1946. Ảnh: TTXVN

Họ, những thanh niên tự vệ thành đã là những người hy sinh đầu tiên cho cuộc chiến tranh này. Và họ đã cầm cự như thế giữa các khu phố cổ chừng hơn tháng sau thì không còn bóng dáng một ai nữa. Họ đã rút đi? Hay đã bị bắt, bị giết?

Con số là bao nhiêu không ai biết được! Cho đến bây giờ cũng không ai biết. Họ trở thành những chiến sĩ vô danh làm viên gạch lót đường! Tôi thiết nghĩ, cần có một tượng đài vinh danh họ mới phải!

Tây hình như đã làm chủ tình hình ngay từ đầu ít nhất là trong các khu phố Tây. Chiến tranh như một trò đùa hư thật, thật hư!

Cũng vào buổi sáng ngày 20, tôi đã tò mò leo lên gác chuông nhà thờ, cao chừng 30 chục mét Từ nơi đây, có thể nhìn ra phía bờ đê sông Hồng cách đó không xa; người ta có thể nhìn thấy đoàn người gồng gánh, trẻ một bên thúng, thúng bên kia là đồ đạc; họ bồng bế nhau, hoặc kéo xe bò, xe kéo lũ lượt ra khỏi thành phố sơ tán. Nó như một đám rước rồng rắn!

Đó là cái cảnh ấn tượng nhất mở đầu cho cuộc chiến tranh này! Chưa gì dân đã bỏ chạy.

Nhưng ngược lại, có nhiều giáo dân khá giả trong khu phố Tây, thay vì sơ tán, họ đã chạy vào nhà xứ thay vì chạy ra khỏi thành phố. Trong số người ấy, đặc biệt có ông bà chủ hãng xe đòn đám ma Đức Bảo. Tôi nhận ra họ vì trước đó đã xem nhiều đám ma. Tuổi thơ vô tội , tôi chỉ nhớ từng đó chi tiết. Tôi nhớ ông bà Đức Bảo còn gọi chúng tôi phát chút tiền nhỏ; làm sao quên được!

Bên sở Sở Hành Chánh Tài Chánh, chắc là theo yêu cầu của Cố Năng, Tây cho phát gạo, muối, đường cho dân chạy loạn.

Dân chúng bỏ chạy và dân chúng ở lại. Ai là người theo Tây?

Thầy Trọng, ở khu Đại chủng viện, ông đã viết lại như sau,

Lúc ấy đang là trưởng Tràng thì trước đó, giám Mục Thịnh-Francois Chaize Thịnh đã dự đoán những công việc có thể sẽ xảy ra, ngài đã đạp xe lên Đại chủng Viện, dắt xe vượt qua các ụ đất để trấn an các thầy và hứa sẽ có cha Phạm Bá Trực- đại biểu Quốc Hội, làm chánh xứ Hà Đông sẽ làm trung gian đàm phán với Việt Minh.

Tối ngày 19-12-1946 Việt Minh xông vào Đại chủng viện Xuân Bích(St. Sulpice), khi mở cửa thì một anh du kích cầm quả lựu đạn. Lựu đạn lóe sáng, chúng tôi sợ quá, chạy tán ra. May quá, lựu đạn không nổ. Họ bắt chúng tôi giơ hai tay..(..) Trong khi đó thấy họ dẫn các cha từ trên gác xuống… Các cha đi hàng một, cha Bề Trên đi đầu, đi lặng lẽ, có liếc mắt nhìn chúng tôi. Không ai nói với ai nửa lời.”

(Sđd, trang 49)

Họ ra tay lục soát, phá phách. Các cha giáo đều là người Pháp như cha Bề trên Paliard, cha Đoan(Uzemeauc), Cha Gastine (Tín), Cha Courtois. Không biết họ dẫn các cha đi đâu. Sau này họ bị trục xuất. Phần những thầy, họ cho tập trung vào một chỗ giao cho ba thầy Quí, Trình và Trọng không được để ai chạy trốn.

Theo tác giả, khi giải tán, mạnh ai nấy đi, chỉ trừ mấy thầy quê ở Hà Nội, nghĩa tử của các cha Pháp ở lại. “Trong đó có thầy Tông, thầy Tiệp, Trương, Mai liều chết ở lại.” (Lm Phêro (hay Peter) Hoàng Quốc Trương di cư vào Nam, du học Mỹ, về và dạy tại Đại Học Khoa Học Sài gòn và Viện Đh Đà Lạt.)

Lúc đó giám mục Phao Lô Lê Đắc Trọng đã làm Giám Mục Phó, địa phận Hà Nội.( Sau khi Giám mục Thịnh mất, Đức Cha Khuê lên làm Tổng giám mục rồi làm Hồng y cũng qua đời. Tổng giám mục Phạm Đình Tụng thay Giám mục Trịnh Như Khuê và yêu cầu Lm Trọng làm giám mục Phó Hà Nội để giúp đỡ; TGM Tung sau là Hồng y. Giám mục Trọng kết luận:

Sau năm mươi năm, các thầy giáo về chầu Chúa hết. Cả trăm học trò do các ngài đào luyện, chỉ còn lại Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng, cha Phao l Lê Đắc Trọng, cha Chinh Gioan Đỗ Tông, Cha giáo Giu se Nguyễn Ngọc Oánh, cha già Bàng, cha Cương (Hải Phòng), cha Khiết, cha Khuất (Hưng Hóa)Cha Khẩn, hai cha Lịch, cha Dương(miền Nam).

Tất cả chỉ còn có thế. Con số còn lại nhỏ đi dần dần gần với tuổi 80 hay ngoài 80. Tuy vậy, ảnh hưởng Xuân Bích trong 2/3 thế kỷ. Và hy vọng còn kéo dài trong nhiều thế kỷ mặc dù chính biến đêm 19 tháng 12, 1946 chấm dứt hoạt động của trường Xuân Bích Hà Nội.”

(Sđd, trang 53)

Câu kết luận thực tế thật là buồn. Vì chiến tranh đã xóa sổ một phần tổ chức sinh hoạt nhà đạo. Ngay từ đầu cuộc chiến tranh, cộng sản đã không tha công giáo!

Cuộc chiến tranh Việt-Pháp trở nên toàn diện

Việt Minh mỗi ngày mỗi thắng thế. Hà Nội là khu do Pháp nắm giữ. Ngoài Hà Nội có khu Tự trị như Phát Diệm. Ra khỏi Hà Nội có khu làng Thạch Bích, gọi là “làng Tề” (allié), có nghĩa quân Pháp đã dẹp hết Việt Minh, lập đồn bốt, có chính quyền riêng. Nhiều khi quân Pháp chiếm nhà thờ, lấy tháp chuông nhà thờ làm đồn bót. Tháp nhà thờ vừa là nơi canh gác, vừa là nơi bảo vệ làng. Chung quanh làng có rào kẽm gai, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Có lính canh gọi là thân binh (Partisans).

Vì thế, những người muốn “dinh tê” về Hà Nội thì đi lối vào Thạch Bích, rồi sau đó có thể an toàn vào Hà Nội.

Tác giả Lê Đắc Trọng Trọng viết:

Trước hết, tôi xin một giấy sơ tán lên Bắc Giang. Đã nói khu Bắc Giang (Việt Bắc) mới là khu an toàn. Và xin đi Bắc Giang là đúng hướng. Khi định tâm cứ hướng Bắc mà đi, thế nào cũng phải qua Hà Nội. (…) Qua Hà Nội thì phải qua Thạch Bích trước đã. Tới được Thạch Bích là an toàn. Thạch Bích lúc này là làng Tề, có bót, có súng.

Vào một ngày tháng 8-1947, chúng tôi quyết định lên đường “dinh tê”, tôi và anh tôi mặc quần đùi, áo mai ô, đeo bị cói đựng ít quần áo, đầu đội nón, chân đi đất. Ra khỏi làng, lúc 3 giờ sáng, trong mình có mang giấy tản cư lên Bắc Giang. Lên đường nhằm thẳng Thạch Bích, nghĩa là thẳng Hà Nội mà đi. Có ai hỏi thì nói chúng tôi đi Bắc Giang. Tới Thạch Bích, chúng tôi nghỉ vài hôm, chúng tôi nhập một đoàn công voa tới Hà Nội an toàn.(…) Ít lâu sau, anh tôi lại đưa được thầy Trịnh Văn Căn, sau này là Hồng Y, Tổng giám mục Hà Nội về học như đã đưa tôi. (…)

Tôi còn biết một nhân vật có tiếng giàu có, làm Giám đốc Sở Rượu Hà Nội. Và từng làm Phó Đốc Lý thời Pháp, từng là kỹ sư ở Pháp về. Đang tản cư ở khu Vân Đình, ông phải giả vờ tận tụy theo kháng chiến, lập một xưởng máy ở đó, y như muốn cắm ở đó mãi mãi. Thế rồi bất thần bỏ lại mọi sự trốn vào Hà Nội.

Mỗi người tìm một cách riêng đi vào Hà Nội.

Sđd, trang 60

Một cách gián tiếp cho thấy mọi người đều lo trốn chạy cộng sản trước 54 và sau 1975 cũng vậy.

Lễ truyền chức cho cha Trọng

Lúc ấy không mời được họ hàng. Chỉ còn hai anh chị em con dì tôi sót lại Hà Nội: anh Nguyễn Khắc Chí (Chí Thành), bị quân đội Pháp giam, nay về nhà. Trước đây anh chị có bảy, tám xe ca chở khách, nay chẳng còn gì. Còn những anh chị em khác ở cách Hà Nội 26 cây số mà không về được.

Lễ truyền chức vào ngày 1-4-1948, Chúa nhật thứ IV Mùa chay. Hai tân linh mục, với người dự lễ ngồi đủ các ghế nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Thái Hà, do Đức cha Thịnh truyền chức…(..)

Truyền chức xong, Nhà Dòng thiết một bữa tiệc mừng ngay tại nhà cơm của Dòng (không ăn ở nhà cơm riêng của chủng sinh.) (..)

Chủ nhật sau lễ Phục sinh, tôi về làm lễ mở tay ở nhà thờ Cửa Bắc.. (Anh họ tôi, Chí Thành làm Trùm xứ Cửa Bắc nên có mở một bữa tiệc nhỏ ở nhà số I, phố Hồng Phúc, là nhà Tổ của chị họ tôi. Khách tiệc vỏn vẹn chỉ có mấy chục anh em chủng sinh Hà Nội trọ ở Dòng Cứu Thế như tôi.”

(Tóm tắt Sđd, trang 65- 67)

Tình thế chiến tranh kéo dài, bất lợi cho người Pháp

Từ khi Mao Trạch Đông lãnh đạo nước Tầu năm 1949 cung cấp vũ khí đạn dược cho Việt Minh, tình thế trở nên bất lợi cho người Pháp. Bảo Đại viết:

La menace de communiste chinoise se confirme, les troupes de Mao Tsés-toung sont entrées à Pekin le 22 janvier.”

S.M. Bao Đai, Le Dragon d’Annam, nxb Plon. 1980. trang 217

(Sự đe dọa của cộng sản Tàu đã rõ rệt, quân đội của Mao Trạch Đông vào Bắc Kinh ngày 22 tháng hai.)

Phía Pháp phải tìm một giải pháp ngoại giao để đàm phán với Tàu cộng. Bảo Đại liệt kê các tên tuổi.

Phía phái đoàn Pháp cỏ chủ tịch là ông Herzoc cùng với các ông Marolles, De Pereyra, de Raymond, Risterruci. Và một số chuyên gia quân sự.

Về phía Việt Nam có Hoàng thân Bửu Lộc, một luật sư ở Paris cùng với quý ông Nguyễn Đắc Khê, bác sĩ Phan Huy Đán, Phan Văn Binh, Trương Công Cừu, Nguyễn Quốc Định, Đinh Xuân Quảng, Trần Văn Hữu. (S.M Bao Đai, “Le Dragon d’ANNAM”, trang 218-219)

Giải pháp ngoại giao gặp bế tắc và thất bại mặc dầu đã được long trọng ký kết bởi đôi bên tại Vinh Hạ Long.

Và người Pháp quyết định đưa một danh tướng là De Lattre de Tassigny sang phụ giúp chính phủ Việt Nam lâm thời- lúc ấy còn nằm trong Chính phủ Liên HIệp Pháp- là thủ tướng Trần Văn Hữu.

Trước khi sang Việt Nam, De Lattre đã xin yết kiến Giáo Hoàng Pio XII. Và xin chúc lành của tòa thánh Vatican cho sứ vụ của De Lattre.

Tóm lược cuốn “Le Dragon d’Annam” của S.M Bao Dai.

De Lattre đến Sai Gon vào đầu tháng 12-1950 với vai trò vừa là Cao Ủy Đông Dương, vừa là đại tướng trong quân đội thay tướng Carpentier. Sau đó ông bay ra Hà Nội dự ngày kỷ niệm một năm trận chiến 19-12-1949. Tướng De Lattre de Tassigny muốn mời Bảo Đại duyệt binh để chúng tỏ sức mạnh của quân đội Pháp và Việt Nam.

Sau đó, ông xây dựng một quân đội Việt Nam hiện đại bậc nhất ở Viễn Đông. Ông chỉ định đại tá Nguyễn Văn Hinh1 đứng đầu quân đội, một sĩ quan không quân từng tham dự chiến tranh thế giới năm 1944-1945; Hinh là con trai của Nguyễn Văn Tâm. De Lattre đã mở màn bằng một vài chiến thắng quyết định ở Vĩnh Yên, rồi đến Mao Khê và BenTam.

Những cuộc hành quân do tướng De Lattre thực hiện đã làm tướng Võ Nguyên Giáp suy yếu và buộc phải rút lui vì những trận mưa bom lửa dội xuống đầu họ chết cháy cũng nhiều. Con duy nhất của đại tướng De Lattre, trung úy Bernard đã chết trận tại Ninh Bình vào ngày 30 tháng 5, 1951. Thi hài của Bernard de Lattre de Tassigny đã được đưa về Hà Nội. Một buổi lễ cầu hồn dự định sẽ được tổ chức với sự tham dự của De Lattre và thủ tướng Trần Văn Hữu.

Theo John Colvin, Tướng de Lattre de Tassigny tổ chức lễ cầu hồn cho con tại Nhà thờ lớn Hà Nội/ Nguồn: Volcano under snow: Vo Nguyen Giap, John Colvin, 2001, trang 94

Theo John Colvin, Tướng de Lattre de Tassigny tổ chức lễ cầu hồn cho con tại Nhà thờ lớn Hà Nội. Nguồn: Volcano under snow: Vo Nguyen Giap, John Colvin, 2001, trang 94

De Lattre đã nói với Bảo Đại:

Sire, mon fils Bernard n’est pas mort pour la France. C’est pourtant la mention qu’on inscrira dans sa tombe. Mais ce n’est pas exact. A Ninh Binh, Bernard est mort pour le Viêt Nam.

S.M Bao Dai. Le Dragon D’Annam, nxb Plon, 27-11-1979. trang 279

“Thưa Bệ Hạ, con trai của tôi không chết cho nước Pháp. Mặc dầu vậy người ta sẽ ghi trên tấm mồ của nó là chết cho nước Pháp. Nhưng điều đó không chính xác. Ở Ninh Bình, Bernard đã chết cho Việt Nam.”

Jean de Lattre de Tassigny
Tướng Jean de Lattre de Tassigny hôn áo quan của Bernard de Lattre de Tassigny trước khi hạ huyệt ở Briitany, Pháp. Bên cạnh là Simonne.DE LATTRE, mẹ của Bernard. Nguồn: © LIFE magazine số 25 tháng Sáu, 1951, trang 27.

Cuộc đối đầu giữa cha chính Nguyễn Văn Vinh và đại tướng De Lattre

(Chuyện bên lề giữa cha Vinh và De Lattre.)

Cha chính Vinh vốn du học nhiều năm bên Pháp, trước 1945, rồi bị kẹt ở lại Pháp vì đệ nhị thế chiến 1939-1945, sau này ông cũng đối đầu với Việt Minh trong vụ treo cờ Việt Minh dịp lễ Noel và đã bị đầy lên trại Cổng Trời và đã chết ở trên ấy.

(Đại úy nhảy dù Kiều Duy Vĩnh của quân đội Quốc gia Việt Nam ở lại miền Bắc, sau bị đầy lên trại Cổng Trời, ông viết “các vị thánh Tử Đạo” đăng trong tập san Thế Kỷ 21. Khi được thả ra, ông cho hay chỉ còn hai người sống sót: ông Nguyễn Hữu Đang và Kiều Duy Vĩnh; Kiều Duy Vĩnh qua đời tháng 7-2012 tại Hà Nội.)

Tướng De Lattre trong lễ cầu hồn cho Bernard de Lattre de Tassigny, đòi ngồi một mình trên Cung Thánh, bất kể đến vai trò của thủ tướng Trần Văn Hữu. Tướng De Lattre vaf Lm Vinh tranh cãi gay gắt về việc sắp xếp chỗ ngồi. Sự việc kết thúc khi thủ tướng Việt Nam Trần Văn Hữu tự nguyện rút lui2.

Sau này, Tổng Giám mục Trịnh Như Khuê, phải đổi cha Vinh về dạy học ở Chủng viện Pio XII. Cha Vinh đã tuân lệnh Bề trên về chủng viện dạy học. Tôi có dịp được cha dạy tiếng Anh và cả tiếng Pháp.

Chỉ ít tháng sau, Tướng De Lattre cũng bị bệnh và chết sau một cuộc giải phẫu.

Tiếc cho một nhân tài quân sự, tiếc cho một người hết lòng chiến đấu cho một Việt Nam độc lập3 và giả dụ nếu ông còn sống, có thể không có một Điện Biên Phủ xảy ra chăng?

Sau 1954, hàng giáo sĩ và giáo dân lũ lượt bỏ đi Nam. Lợi hay hại?

Theo cha Trọng: Trước 1954, đường đi xuôi đầy nguy hiểm vì chỗ nào cũng gài mìn. Nhiều khu Tề là hai mang: “Ngày Tây, đêm Việt Minh. Và người ta bảo nhau: Đừng đi ô tô kẻo dễ bị mìn. Cứ đi xe đạp, đi giữa đường, chỗ nào vết gì khác thì tránh, hai bên vệ cỏ cũng nên tránh, vì hay có mìn.” (Sđd,trang 73) .

Khi ấy tôi cũng chứng kiến nhiều cảnh người chết vì mìn, nhất là trên con đường số 5 giữa Hà Nội-Hải Phòng. Nhìn những xác chết đàn ông, đàn bà, bị ám khói đen tôi vừa sợ sự tàn độc của Việt Minh, vừa oán hận họ.

Khi có cuộc di cư, tôi thấy đây là một dịp may nên sẵn sàng ra đi.

Người ta lo sợ cho tương lai nên nhiều người có quyền thế, có máu mặt phải tính trước. Ông Tổng Đốc Hoàng Trọng Phu, nổi danh một thời theo Tây đã biếu không khu đất ở Thái Hà Ấp rộng mênh mông bát ngát cho các cha Dòng Chúa Cứu Thế Tây, ít ra được các cha giữ hộ.

Những người như ông Chí Thành, sau 1954 được cộng sản để làm như công chức lưu dụng, ít lâu sau được đi nghỉ 10 năm ở trại tập trung Yên Bái, mang bệnh và được cho về chết ở nhà.

Sau 1975, nó cũng rập một khuôn mẫu như vậy. Cho nên, chẳng lạ gì, khi có cuộc di cư vào miền Nam, người dân bỏ làng bỏ xứ ùn ùn kéo nhau đi, bỏ lại tất cả.

Giám mục Seitz Kim ở khu Quần Ngựa. Cha tụ tập trẻ mồ côi ngoại thành Hà Nộ về cơ sở lớn nuôi trẻ đang sống lang thang đầu đường xó chợ, dạy nghề cho họ ở Khu Lacordaire, Quần Ngựa. Sau này giám mục Seitz ( Kim) trao lại nhà Lacordaire cho các cha dòng Don Bosco. Họ đã đào tào được nhiều trẻ thành người có nghề nghiệp. Năm 1950, khu Quần ngựa được chuyển thành chủng viện Pio XII.

Rồi gần 1 triệu người một lòng cuốn gói vào miền Nam năm 1954. Một triệu người là con số không nhỏ. Ai có thể khuyến dụ và thuyết phục người dân bỏ nhà bỏ cửa, bỏ mồ mả tổ tiên, bỏ lại xóm làng tất tưởi, bồng bế nhau, già trẻ lớn bé vào nơi đất lạ?

Đó là một di cư muôn phầnbất định, không ai biết trước tương lai sẽ như thế nào?

Giám mục Kim trong coi giáo hạt Kontum, chăm sóc sẽ các dân thiểu số ở đây. Sau 1975, ôngcũng bị cộng sản trục xuất. Theo cha Trọng:

Lý do chính yếu là họ sợ hãi cộng sản. Nhất là các địa phận thuộc các cha Tây Ban Nha trông coi. Riêng Hải Phòng, giám mục Trương Cao Đại đi đầu tiên và hầu như chỉ còn vài cha già ở lại. Các địa phận Phát Diệm với Giám Mục Lê Hữu Từ và cha Hoàng Quỳnh, Tổng bộ Tự Vệ dĩ nhiên phải bỏ đi. Và Bùi Chu với giám mục Phạm Ngọc Chi theo chân Giám mục Lê Hữu Từ cũng bỏ đi vào Nam.”

Chẳng biết, giám mục Lê Hữu Từ còn nhớ những bức thư ve vãn, đầy nhân nghĩa gửi liên tiếp cho ông không? Những lá thư đề ngày23/01/ 1947, 11/01/1947, 01/02/1947 rồi 17/02/1947? (Trần Tam Tỉnh, Dieu et César. Les catholiques dans l’histoi re du Viet Nam. Trong Ho Chi Minh et Lê Hữu Từ, trang 65-67).

Có lẽ càng nhớ ông càng thấy bị lừa và đi cho nhanh vào miền Nam!

Riêng Hà Nội, Tổng giám mục Trịnh Như Khuê cấm các cha bỏ đi. Và chỉ cho các chủng sinh của Chủng viện Pio XII và các cha giáo di cư được vào miền Nam.

Tuy vậy cũng 80 cha bỏ đi còn lại khoảng 100 vị ở lại. Trong đó còn lại Khâm sứ Dooley (người Ái Nhĩ Lan), các cha thừa sai Pháp ở lại và có một số linh mục trẻ, đầy năng động, du học ở ngoại quốc về như Phạm Hân Quynh, Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Ngọc Oánh.”

Sđd, trang 358

Theo tài liệu gia đình, anh tôi là người đi ngược chiều, hàng triệu người đã bỏ miền Bắc vào miền Nam. Chỉ có anh tôi và cha Nguyễn Ngọc Oánh quay trở về Hà Nội.

Cha Nguyễn Văn Thông trước khi ra Bắc, có về Saigon để thăm viếng gia đình và gặp cha Nguyễn Huy Mai, giám đốc chủng viện Pio XII di cư vào miền Nam. Cha Mai muốn giữ cha Thông ở lại dạy chủng viện. Nhưng Giám mục Khuê viết thư vào cấm cha Mai giữ cha Thông và cha Oánh ở lại.

Mẹ tôi đau khổ không nói gì, phần bố tôi đòi về Bắc với anh. Cha Thông khuyên bố tôi ở lại lo cho gia đình.

Theo Cha Quynh, lúc đó làm thư ký tòa Giám Mục. “Chính cha Quynh lúc đó cũng vừa kịp thời viết thư mời gọi cha Thông và cha Oánh về nước”

(Nguyễn Khắc Đại “Phạm Hân Quynh. Con người- Sự kiện- Giai Thoại.” nxb TRỜI ĐẤT MỚI, Cộng Hòa Liên Bang Đức, tháng 11-2012, trang 77)

  • Ngày 29 tháng tư-1955, Cha Thông và cha Oánh về đến Hà Nội.Từ 1955 đến 1957, làm việc ở Tòa Tổng Giám mục Hà Nội.
  • 1957, Đại Chủng Viện được mở cửa trở lại. Cha Thông được chỉ định làm giáo sư Đại Chủng Viện.
  • 1960 Đại chủng viện bị đóng cửa, cha được chỉ định làm phó xứ nhà thờ lớn Hà Nội.
  • Trong thời gian này, cha chính Vinh (du học trước 1945) có tổ chức các lớp giáo lý vào mỗi tối thứ hai hàng tuần cho giới trẻ, thứ tư cho các ông và thứ sáu cho các bà.
  • Khởi đầu, nghe một cha thuyết trình về một bài giáo lí. Có ba cha luân phiên nhau thuyết trình là cha Thông, cha Oánh và cha Quuynh. Cha nào giảng cũng hay, cũng hấp dẫn, nhưng cha Quynh có phần dí dỏm hơn. (…) các buổi giáo lý mới đầu từ vài chục đến hàng trăm người. Nay lên đến trên hai ngàn nguời.(…) Dẫu sao thì đây cũng là những nỗ lực của cha Thông, cha Oánh và cha Quynh, đã kịp thời làm được ích lợi cho Giáo hội trong những ngày đầu sống chung”. (Nguyễn Khắc Đại, sđd, trang 93)
  • Các buổi giáo lý mới khởi sự từ giữa năm 1955 sang đến năm 1956 thì bị chính quyền cộng sản lo ngại và dẹp bỏ vì được nhiều người hưởng ứng.
  • 12-10-1964, 7 giờ sáng, cha Thông bị dẫn ra tòa án thành phố nghe lệnh bị bắt giữ, rồi tống giam vào Hỏa Lò. Công an đến lục soát phòng cha ở trong một ngày và tịch thu một số tài liệu và sách vở.
  • Cha Thông Bị giam ở Hỏa Lò 4 năm, sau bị đưa đi Trại Cổng Trời, Hà Giang được coi là gian khổ hơn cả. Rồi chuyển về Lào Cay. Sau đó một lần nữa bị quay về Trại Cổng Trời. Sau đó quay về Hỏa Lò bị giam 18 tháng.
  • Cuối cùng bị đưa về quản thúc ở xã Thọ Cách (Ý Yên Nam Định) từ lễ sinh nhật 1976 đến 4-9-1987. Tòa tuyên án 13 năm tù ở và ba năm quản chế. Nhưng thay vì quản chế 3 năm tính ra là 11 năm. Cộng chung là 24 năm bị giam cầm, bị hành hạ, bị đầy đọa

Sau này, một số thanh niên cũng bị bắt vì học giáo lý với cha cho hay đây là một vụ án xử công khai, có loa phóng thanh ra ngoài. Cha bị kết án nhiều tội, nặng hơn cả là tội làm gián điệp.

Đây là cái tội nặng nhất và vu vơ nhất. Gián điệp cho ai và ai thuê mướn?

Trong số các linh mục du học về giúp địa phận Hà Nội. Không một ai thoát nạn. Cha Vinh bị giam tại Cổng Trời và chết trên đó. Cha Thông cộng chung 24 năm tù. Cha Phạm Hân Quynh bị bắt ngày 8-10-1960, biệt giam tại một nhà xứ Hải Phòng hẻo lánh trong 28 năm. Bốn năm quản chế ở Đồng Giới. Bốn Năm quản chế ở Đồng Duệ. Bốn năm quản chế ở Cầu Thượng. Cuối cùng còn lại bị quản chế tại Xuân Hòa. (Nguyễn Khắc Đại. Sđd, trang 221)

Người bị nhẹ nhất là cha Oánh, bị giam tại một nhà xứ cách Hà Nội vài chục cây số. Năm 2005, tôi có về thăm cha, ông chỉ còn là một ông già nhút nhát, sợ sệt không dám thổ lộ một chút xíu gì về anh tôi cả.

Gớm thay cho sự tàn độc của cộng sản giết người từ từ cho đến lúc suy tàn, mất tính người. Khi anh tôi được thả về, vào miền Nam, anh ấy hầu như mất tính người qua lá thư anh gửi cho tôi sang Canada.

Cha Trọng ghi nhận như sau:

Song le, các ngài cũng là mục tiêu để người ta nhắm mà tiêu diệt. (…) Đã là tín hữu, là tư sản, là trí thức, tất nhiên lúc này được xếp vào hàng “địch”. Đàng này còn là trí thức công giáo nên là địch gấp đôi. Bởi đó tất cả các vi linh mục có trình độ cao, ở ngoại quốc về đều trở thành mục tiêu. Và không một vị nào được an thân. Cha chính Vinh bị đi tù và chết trong tù, cha Thông ở tù hàng chục năm cho đến lúc mất tính thì đi quản chế… (…)

Ấy cái định mệnh linh mục trí thức ở Hà Nội là như thế. Người ta thu xếp để các ngài chẳng làm được việc gì.

Và có làm thì chỉ có mà chết.”

Sđd, trang 358-360

Cuộc di cư 1954-1955

Tôi thiển nghĩ phần này đã có quá nhiều người viết nên xin dừng lại ở đây. Trong một bài viết nhan đề Nhìn lại cuộc di cư 1954-1955, tôi đã ghi lại hình ảnh gây ấn tượng và xúc động nhất là có một người đàn ông tật nguyền cụt chân đến đầu gối và ông phải dùng hai tay để đi. Ông đã không muốn nhờ đến các thủy thủ Mỹ và tự mình leo lên tầu.

Tôi tự hỏi, một người cùng khổ như ông, có lý do gì để ông phải từ bỏ miền Bắc vào miền Nam? Chỉ vì một lý do rất đơn giản là: Hễ đã là cộng sản thì con người muốn làm người không thể sống chung được!

Nhân dịp 30/04.

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập, trình bầy và phụ chú.

1 Nguyễn Văn Hinh (1915-2004), sinh tại Mỹ Tho, quốc tịch Pháp, du học và theo chương trình giáo dục của Pháp từ Tiểu học cho đến khi học xong Tú tài II. 1936 gia nhập quân đội Pháp, 1937 tốt nghiệp trường Võ bị Không quân Salon de Provence, Pháp với cấp bậc Chuẩn úy. 1944 Hinh tham gia Lực lượng Pháp quốc tự do chống phát xít, được thăng cấp Thiếu úy, Chỉ huy trưởng Liên Phi đoàn oanh tạc và chiến đấu tại Blida, Algerie, Bắc Phi. Sau Thế chiến, ông theo đoàn quân Viễn chinh đi khắp các xứ Thuộc địa của Pháp trước khi trở về Việt Nam. 1948, phục vụ trong Quân đội Liên hiệp Pháp tại Việt Nam, thăng cấp Trung úy và được cử làm Sĩ quan Tùy viên cho Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân. Giữa năm 1949, ông thăng cấp Đại úy chính thức gia nhập Quân đội Quốc gia và được cử làm Chỉ huy trưởng Phi đoàn Vận tải GT/62. Đầu năm 1952 ông Hinh được Quốc trưởng Bảo Đại thăng cấp Đại tá. Tháng 3 cùng năm ông được thăng cấp Thiếu tướng và được chỉ định làm Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội Quốc gia Việt Nam.

2 Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, Chân dung linh mục Việt Nam: cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh

3 Từ tháng 12 năm 1950 đến tháng 11 năm 1951, de Lattre chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Quốc gia Việt Nam (tiếng Pháp: État du Viêt Nam) là một chính phủ thuộc Liên bang Đông Dương thuộc Liên hiệp Pháp, tuyên bố chủ quyền toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, trong giai đoạn từ giữa năm 1948 đến 1955. Tuy nhiên, về hình thức, Quốc gia Việt Nam gần như là một nước quân chủ chuyên chế do chưa có Hiến pháp và Quốc hội với Quốc trưởng là cựu hoàng Bảo Đại (được Pháp công nhận). Trong thực tế thì quyền cai trị vẫn thuộc về Pháp, với Cao ủy Pháp kiểm soát tài chính, thương mại, quân sự và chính sách đối ngoại của Quốc gia Việt Nam. Tướng de Lattre chỉ huy quân đội Pháp đánh nhau với Việt Minh để bảo vệ một “thuộc địa” trong Liên Hiệp Pháp.