Độc quyền tái sinh của Trung Hoa có vấn đề: Mông Cổ

James A. Millward | Trần Giao Thủy

Dòng song sinh của Đạt Lai Lạt Ma và Jebtsundamba Khutughtu(1) đã định hình địa chính trị trong nhiều thế kỷ.

Chân dung của Jebtsundamba Khutugtu thứ tám, còn được gọi là Bogd Khan, người trị vì chế độ quân chủ cuối cùng của Mông Cổ. Hình ảnh History/Universal Images Group/Getty Images

Tại một buổi thuyết pháp trước công chúng ở Dharamsala, Ấn Độ, vào ngày 8 tháng 3 năm nay, Đạt Lai Lạt Ma, gần như tình cờ, đã đề cập đến sự hiện diện của cậu bé tái sinh của Jebtsundamba Khutughtu—một vị Lạt ma cấp cao người Mông Cổ giống như chính Đạt Lai Lạt Ma. Mông Cổ và Tây Tạng có cùng truyền thống Phật giáo, thường được gọi là “Phật giáo Tây Tạng”, trong đó những dòng truyền thừa của những Lạt ma tái sinh giữ một vai trò quan trọng. Dòng Jebtsundamba Khutughtu có truyền thống lãnh đạo những Phật tử ở Mông Cổ, giống như Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma ở Tây Tạng.

Điều kỳ lạ là, một nhà nước cộng sản vô thần như Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) lại tuyên bố rằng chỉ có họ mới có thể quyết định về sự tái sinh của những Lạt ma Phật giáo Tây Tạng—một đặc quyền mà CHND Trung Hoa nói rằng họ thừa hưởng từ những người Mãn Châu đã cai trị Hoa Lục dưới Triều nhà Thanh, kể cả Mông Cổ và Tây Tạng. Nhưng CHND Trung Hoa chỉ kiểm soát một phần của Mông Cổ, một khu vực ở Trung Hoa gọi là Nội Mông, trong khi chính Mông Cổ, từng được bảo vệ khỏi tham vọng của Trung Hoa vì đã là một vệ tinh của Liên Xô, nhưng hiện nay là một quốc gia độc lập. Lịch sử của Đạt Lai Lạt Ma và Jebtsundamba Khutughtu, và những quyết định mà những người tiền nhiệm của họ đã định hình bản đồ của Tây Tạng, Trung Hoa và Mông Cổ ngày nay.

Trong chuyến viếng thăm Mông Cổ vào năm 2016, Đạt Lai Lạt Ma đã thông báo rằng kiếp tái sinh thứ 10 này đã ra đời. (Người tiền nhiệm của ông đã qua đời vào năm 2012.) Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sau đó đã trừng phạt Mông Cổ vì chuyến thăm của Đạt Lai Lạt Ma. Năm 2007, Cơ quan Quản lý Tôn giáo Nhà nước Trung Hoa đã ban hành “Lệnh số Năm”, một sắc lệnh quyết định rằng “Phật sống” trong Phật giáo Tây Tạng chỉ có thể tái sinh tại Trung Hoa theo những thủ tục ddax được quy định chính thức và “không được can thiệp hoặc chịu sự thống trị của bất kỳ tổ chức, cá nhân nước ngoài nào.” Nhưng Jebtsundamba mới không được sinh ra, không được công nhận, cũng không được phê duyệt bằng thủ tục hành chánh ở Trung Hoa.

Trên thực tế, những nguồn tin lưu ý rằng cậu bé Mông Cổ được công nhận là Jebtsundamba thứ 10 sinh ra ở Hoa Kỳ. Một số gợi ý rằng anh ta có thể đóng một vai trò trong việc xác định sự tái sinh của Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo, mặc dù Đạt Lai Lạt Ma hiện tại đã nói rằng ông có thể không tái sinh.

Nhưng cuộc gặp gỡ vào tháng 3 giữa Đạt Lai Lạt Ma và Jebtsundamba Khutughtu trước cử tọa gồm vài trăm tăng ni và du khách Mông Cổ, có ý nghĩa quan trọng hơn những gì mà những bản tin đã miêu tả. Đó là vì Đạt Lai Lạt Ma 87 tuổi và Jebtsundamba Khutughtu 8 tuổi đã có cùng lịch sử —một lịch sử bắt đầu từ thế kỷ 17.

Đạt Lai Lạt Ma chỉ vào khán giả tại một trường Phật giáo trong chuyến viếng thăm ba ngày của ông tới Ulaanbaatar, Mông Cổ, vào ngày 5 tháng 11 năm 2002. NG HAN GUAN/AP
Phật tử Mông Cổ xếp hàng chờ đợi bên ngoài một trường Phật giáo trong lễ chuyến viếng thăm của Đạt Lai Lạt Ma tới Ulaanbaatar vào ngày 5 tháng 11 năm 2002. NG HAN GUAN/AP

Phật giáo Tây Tạng có vẻ bí ẩn, và “Jebtsundamba Khutughtu” phải công nhận là một cái tên khá dài. Nhưng cả hai đều quan trọng. Ngoài những yếu tố khác, chúng giúp giải thích tại sao CHND Trung Hoa ngày nay gồm Tân Cương, Tây Tạng và một số vùng đất truyền thống của Mông Cổ—và tại sao nước này gặp khó khăn trong việc dung hòa những lãnh thổ này với chủ nghĩa dân tộc ngày càng hẹp hòi và những chính sách nhằm đồng hóa những dân tộc không phải người Hán.

Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH) tuyên bố nắm quyền quyết định với Phật giáo Tây Tạng. Vào năm 2018, để siết chặt sự kìm kẹp của đảng, ĐCSTH đã chuyển Cục Quản lý Nhà nước về Tôn giáo, trước đây là một văn phòng của chính phủ, thành Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, do đó đặt đảng trực tiếp phụ trách tôn giáo.

CHND Trung Hoa kiểm soát Tây Tạng, nhưng Phật giáo Tây Tạng không chỉ dành riêng cho Tây Tạng cũng như Thiên chúa giáo La Mã không phải chỉ là Roma. Cả hai đều là tôn giáo thế giới với tín hữu trên toàn cầu. Những Lạt ma tái sinh, hay chính xác hơn là những đạo sư Phật giáo mới có thể kiểm soát sự tái sinh của chính họ, chẳng hạn như Đạt Lai Lạt Ma và Jebtsundamba Khutughtu, được gọi là tulku trong tiếng Tây Tạng và hơi không chính xác là huofo (Phật sống) trong tiếng Trung Hoa. Những dòng truyền thừa Tulku đã được xác định ở Châu Âu và Bắc Mỹ cũng như ở những vùng văn hóa Tây Tạng ở Mông Cổ, Trung Hoa, Ấn Độ và những vùng khác của Châu Á. Bắc Kinh vẫn chưa bình luận về sự xuất hiện gần đây của Jebtsundamba hiện tại, nhưng việc chính quyền ĐCSTH cố gắng quản lý việc công nhận một tulku Mông Cổ sẽ giống như việc Bắc Kinh muốn có tiếng nói trong việc lựa chọn những hồng y của Vatican ở Mexico hoặc Nigeria.

Phật giáo Tây Tạng, đặc biệt là trường phái Gelugpa do Đạt Lai Lạt Ma lãnh đạo, đã gắn bó với người Mông Cổ ngay từ đầu. Sau hậu quả của Đế chế Mông Cổ, Gelugpa đã trỗi dậy song song với những đối thủ đế quốc khác trên khắp lục địa Á-Âu, kể cả những bộ lạc Mông Cổ, Mãn Châu, những người đã thành lập Triều nhà Thanh, và thậm chí cả nước Nga Muscovite.

Những đối thủ này dựa trên hai nguồn chính của tính hợp pháp. Đầu tiên, mọi người cai trị đều muốn trở thành một “hãn”, nhưng để  được như vậy thì cần phải thuộc dòng dõi Chinggisid một cách thuyết phục — tức là thuộc dòng dõi từ Thành Cát Tư Hãn. Thứ hai, sự bảo trợ và hậu thuẫn của những tôn giáo xuyên quốc gia là yếu tố chính. Ở những vùng phía tây của Đế chế Mông Cổ trước đây, đạo Hồi đảm nhiệm vai trò này. Ở phía đông, đó là Phật giáo Tây Tạng, và những ‘hãn’ theo học với những Lạt ma và được chính họ và con cái của họ công nhận là tulku hoặc những hóa thân quan trọng khác.

Vào thế kỷ 16, một hãn quốc Mông Cổ Chinggisid là người đầu tiên đặt ra danh hiệu “Đạt Lai Lạt Ma”, kết hợp từ tiếng Tây Tạng có nghĩa là nhà tu với một chữ tiếng Mông Cổ có nghĩa là “trí tuệ đại dương” và ban tặng danh hiệu này cho một vị Lạt ma trong trường phái Gelugpa của Phật giáo Tây Tạng. Trường phái Gelugpa, một trong bốn truyền thống lớn ở Tây Tạng, đã mở rộng quyền lực tôn giáo và thế tục ở Tây Tạng và xa hơn bằng những liên minh chiến lược với những nhân vật lãnh đạo Mông Cổ và những cường quốc khác, kể cả nhà Thanh non trẻ, do người Mãn châu, những người đã chinh phục miền bắc Trung Hoa vào năm 1644 nhưng chưa xong.

Những nhà sư Phật giáo đợi Đạt Lai Lạt Ma đến Tu viện Gandantegchinlen ở Ulaanbaatar vào ngày 26 tháng 8 năm 2006. Peter Parks/Afp/Getty Images

Đạt Lai Lạt Ma thứ Năm (tại vị 1642-1682) và những chức sắc của ông rất thành thạo trong trò chơi ngoại giao mạo hiểm này: Đạt Lai Lạt Ma thứ Năm đã đến thăm Bắc Kinh khi còn trẻ vào đầu những năm 1650, và tại đó ông đã tuyên bố hoàng đế nhà Thanh là hóa thân của một vị Bồ tát tên là Văn Thù Sư Lợi. Nhưng Gelugpa vẫn để ngỏ những lựa chọn của họ, và hai thập niên sau đó đã củng cố mối quan hệ với kẻ thù không đội trời chung của nhà Thanh ở phía tây bắc, người Mông Cổ Junghar, bằng cách phong tước hiệu “Hãn nhờ ân sủng” cho Galdan (Cát Nhĩ Đan), một hoàng tử Junghar từng theo học ở Tây Tạng.

Việc Galdan trở thành một vị hãn không theo truyền thống, vì ông không phải là người dòng dõi Chinggisid—nhưng vào thời điểm đó, trường phái Gelugpa đã có nhiều ảnh hưởng đến mức những Đạt Lai Lạt Ma có thể đóng vai người phong ‘hãn’. Hơn thế nữa, theo lời mời của Đạt Lai Lạt Ma, Junghars (người Chuẩn Cát Nhĩ) của Galdan đã chiếm giữ miền nam Tân Cương, với những trang trại ốc đảo và con đường tơ lụa dẫn đến Trung Á. Trong kế hoạch chuyển giao công nhân của riêng họ, người Junghar đã chuyển người Uyghurs từ miền nam Tân Cương lên phía bắc để canh tác Thung lũng Ili và giúp xây dựng thủ đô của họ ở Jungharia, nay là miền bắc Tân Cương.

Đến khi đó, Hoàng đế Khang Hy lúc bấy giờ của nhà Thanh chỉ mới xuất hiện từ cái bóng của chính những quan nhiếp chính của mình; sau một cuộc đấu tranh kéo dài với những tướng người Hán còn sót lại từ Triều nhà Minh, ông đã chinh phục miền nam Trung Hoa và sáp nhập Đài Loan (1683); ông cũng đã đánh đuổi quân Nga ra khỏi quê hương Mãn Châu và ký một hiệp ước đôi bên cùng có lợi với họ.

Nhưng Junghars đặt ra thách thức lớn nhất, đe dọa tạo ra một trục Phật giáo Tây Tạng-Mông Cổ từ Tây Tạng qua Tân Cương đến Mông Cổ, được lòng trung thành của những người du mục hùng mạnh trên toàn bộ biên giới phía tây và phía bắc của nhà Thanh. Triều Junghar đã triệu tập một đại hội Phật giáo toàn Mông Cổ, với sự tham dự của những đại diện từ Tây Tạng, Thanh Hải, Mông Cổ và thậm chí có  cả người ở tận sông Volga. Và giờ lực lượng của Galdan đang tiến về phía đông để đe dọa người Khalkha Mongols—những người phần lớn sống trên lãnh thổ Mông Cổ ngày nay. Khang Hy lo lắng. Nhưng tại thời điểm này, Jebtsundamba Khutughtu đầu tiên đã đưa ra một quyết định sẽ định hình bản đồ thế giới hiện đại.

Bogd Khan chụp ảnh khi còn là một thiếu niên vào cuối những năm 1800. Ảnh History/Universal Images/Getty Images

Chính Jebtsundamba đầu tiên là con trai của một hãn dòng Chinggisid, một người Khalkha có đồng cỏ trải dài bên ngoài Mông Cổ. Với tư cách là vị Lạt ma chính của phái Gelugpa trong số những người Mông Cổ Khalkha, Jebtsundamba có quyền quyết định xem người Khalkha nên làm gì trước áp lực của Junghar. Họ nên theo hướng nào? Họ có nên cầu cứu người Nga? Hay quy phục nhà Thanh?

Jebtsundamba chọn nhà Thanh, vì họ là những người bảo trợ cho giáo hội Gelugpa. Ông đã lãnh đạo hàng chục ngàn người Khách Nhĩ Khách về phía nam, tại đây trong một buổi lễ tại Dolon Nor năm 1691, họ trở thành thần dân của nhà Thanh. Một số phát triển sâu rộng bắt nguồn từ quyết định này: Vì không còn bất kỳ hậu duệ Chinggisid độc lập nào của những hoàng đế Mông Cổ trước đây của Trung Hoa, nhà Thanh đã có thể đảm nhận vai trò của dòng dõi Chinggisid một cách thuyết phục, nâng cao uy tín của họ đối với người Mông Cổ ở khắp mọi nơi. Với sự trợ giúp của việc truyền sức mạnh mới cho kỵ binh Khalkha, Khang Hy và những hoàng đế nhà Thanh tiếp theo không chỉ đánh bại Galdan, mà trong nhiều thập kỷ sau đó đã đập tan liên minh Junghar, chinh phục ngoại Mông, Jungharia (Chuẩn Cát Nhĩ Hãn quốc) và nam Tân Cương, đồng thời thay thế Junghars làm người bảo trợ quân sự của Gelugpa , do đó thiết lập một chế độ bảo hộ của nhà Thanh đối với Tây Tạng.

Nhà Thanh quản lý đế chế mới của mình ở Nội Á với thành công đáng kể trong một thế kỷ, phần lớn là do họ được hưởng tính hợp pháp của Phật giáo Tây Tạng và Chinggisid, và không can thiệp, chứ đừng nói đến nỗ lực Hán hóa, văn hóa của người Mông Cổ, Tây Tạng hoặc  những thần dân Hồi giáo ở Nội Á. Ngược lại, Nhà Thanh đã nỗ lực để ngăn người Hán không xâm phạm đến Nội Á, hoặc ít nhất là hạn chế việc định cư của họ, thậm chí là nhổ tận gốc những người Hán định cư bất hợp pháp ở Mông Cổ cho đến giữa thế kỷ 19.

Những nhà sư Mông Cổ nhận kẹo từ một chú bé sau khi Đạt Lai Lạt Ma thuyết pháp ở Ulaanbaatar vào ngày 6 tháng 11 năm 2002. Ng Han Guan/AP

Nhưng khi nhà Thanh lung lay trong những thập niên cuối cùng, suy yếu vì Cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc và sự ép buộc của những đế quốc phương Tây, triều đình đã nghe theo lời khuyên của những viên chức học giả người Hán và bắt đầu thăng tiến dân di cư người Trung Hoa ở Mãn Châu, Mông Cổ và Tân Cương để khai thác tài nguyên và ngăn chặn sự xâm lấn của Nga. Tây Tạng quá xa và quá cao đối với những người di dân Trung Hoa, nhưng nhà Thanh đã cử một đội quân đến Tây Tạng và đặt sự cai trị trực tiếp vào năm 1910—ngay trước ngày sụp đổ của chính nó—buộc Đạt Lai Lạt Ma lúc bấy giờ, tiền thân của hóa thân ngày nay, phải chạy đi tị nạn ở Ấn Độ.

Trong hoàn cảnh đó, Jebtsundamba Khutughtu, vào lúc đó là hóa thân thứ tám, được giao cho một quyết định quan trọng khác. Lo ngại về tiến trình thực dân hóa của Trung Hoa, khi nhà Thanh sụp đổ vào cuối năm 1911, Jebtsundamba cùng với những hoàng tử Khalkha tuyên bố Mông Cổ độc lập ohoong còn thuộc nhà Thanh—cũng giống như những người cách mạng ở Trung Hoa tuyên bố Trung Hoa độc lập. Ngay khi Đạt Lai Lạt Ma trở lại Lhasa vào đầu năm 1913, ông đã làm theo. Jebtsundamba thứ tám, với danh hiệu Bogd Khan (Thánh Khan), trở thành nguyên thủ quốc gia ở Mông Cổ, và Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 là nguyên thủ quốc gia ở Tây Tạng.

Những nhà sư Phật giáo Tây Tạng đi bộ để khánh thành một bức tranh thangka tại Tu viện Gartse ở Guashize, Trung Hoa, vào ngày 28 tháng 2 năm 2018. Johannes Eisele/Afp/Getty Images

Lịch sử ngoại giao sau đó rất lộn xộn, vì Anh, Nga và những nước cộng hòa Trung Hoa, vì những lý do vị lợi của riêng họ, đã tranh chấp nền độc lập của Tây Tạng và Mông Cổ. Khalkha Mông Cổ sẽ vẫn độc lập với Trung Hoa, nhưng Phật tử Tây Tạng Mông Cổ phải chịu sự kiểm soát của Liên Xô. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, năm 1912, ba quốc gia đã nổi lên rõ ràng từ đống đổ nát của nhà Thanh: một nước Trung Hoa Dân Quốc bất ổn mà giới quân phiệt với những người cách mạng tranh giành quyền kiểm soát; và Mông Cổ và Tây Tạng, mỗi bên dưới quyền của những Lạt ma Phật giáo Tây Tạng là nguyên thủ quốc gia.

Chính một vị hoàng đế khác của nhà Thanh, Càn Long, đã giới thiệu hệ thống lư vàng mà nhờ đó ĐCSTH ngày nay hy vọng sẽ quản lý việc khám phá những vị Lạt ma cao cấp của Phật giáo Tây Tạng. Mất kiên nhẫn với quan hệ đình trị đưa giới quý tộc Mông Cổ vào hàng ngũ tulku, vào cuối thế kỷ 18, Càn Long yêu cầu những ứng cử viên tulku phải được chọn trong một buổi lễ có giám sát bằng cách rút tên từ một chiếc bình vàng. Quyết định này đã tăng cường sự kiểm soát của nhà Thanh đối với Phật giáo Tây Tạng ở một mức độ nào đó, nhưng như Max Oidtmann đã viết trong một cuốn sách gần đây, ở mức độ chiếc bình vàng được sử dụng, nó đã được chấp nhận bởi vì Phật tử Tây Tạng cũng hiểu được sự nguy hiểm của tham nhũng và chấp nhận một cố gắng của một hãn quốc nhà Thanh, chính ông là một Phật tử thuần thành và là hiện thân của Bồ tát Văn Thù, nhằm phi chính trị hóa quá trình lựa chọn tulku.

Bằng cách giao cho Ban Tổ chức của ĐCSTH phụ trách những vấn đề tôn giáo, Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình đã làm điều ngược lại: Ông ta đã chính trị hóa hơn nữa việc lựa chọn những tulku. Mông Cổ là một nền dân chủ nhỏ, bị kẹp giữa Trung Hoa và Nga ngày càng độc tài, và phụ thuộc kinh tế vào việc duy trì quan hệ ba bên tốt đẹp.

Nhưng vị thế chính trị độc lập của Mông Cổ thách thức câu chuyện lịch sử của ĐCSTH rằng mọi thứ từng là một phần của Triều nhà Thanh giờ là một phần của CHND Trung Hoa—chính là lập luận củng cố những khẳng định của Bắc Kinh về Đài Loan.

Đạt Lai Lạt Ma vẫy tay chào trong một cuộc họp báo tại một khách sạn ở Copenhagen vào ngày 30 tháng 5 năm 2009. Scanpix Denmark/Afp/Getty Images

Theo cùng logic lịch sử của chủ nghĩa thực dân mới mà Hoa Lục tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan, Bắc Kinh cũng nên tuyên bố chủ quyền đối với Mông Cổ, giống như Trung Hoa Dân Quốc dưới thời Quốc dân đảng đã làm trước những năm 1990. Nhưng vì Mông Cổ đã độc lập nhờ sự can thiệp của Liên bang Xô viết, ĐCSTH đã phá vỡ tiền lệ với Trung Hoa Dân Quốc và công nhận Mông Cổ vào năm 1949. Bắc Kinh phản ứng thế nào với Jebtsundamba mới—một Lạt ma cao cấp trong một tôn giáo mà họ tuyên bố có quyền kiểm soát—do đó ngụ ý cả lý thuyết của Bắc Kinh về trường hợp liên quan đến Đài Loan. Nếu Bắc Kinh nói rằng không thể có một Lạt ma cao cấp Mông Cổ nào mà không có sự đồng ý của họ, thì điều đó cho thấy chính sách của họ đối với Phật giáo Tây Tạng đã đi quá xa một cách lố bịch. Nhưng nếu họ không nói gì trong khi dòng dõi những người lãnh đạo tulku thời nhà Thanh tiếp tục tự trị ở Mông Cổ, thì điều đó nhắc nhở chúng ta rằng CHND Trung Hoa không phải là sự tái sinh toàn diện của nhà Thanh như họ nói.

Jebtsundamba đầu tiên đã lãnh đạo người dân của mình vào Triều nhà Thanh, và Jebtsundamba thứ tám đã dẫn họ ra khỏi Trung Hoa. Khi làm như vậy, họ tự đánh giá xem con đường nào họ cho là phục vụ tốt nhất cho đức tin. Đây là một di sản nặng nề đặt lên vai một cậu bé 8 tuổi, và thật hợp lý khi đặt vấn đề về một tổ chức tôn giáo đang đẩy những đứa trẻ nhỏ vào cuộc sống độc thân tu học và áp lực chính trị. Tuy nhiên, “Lệnh Số Năm” của ĐCSTH không làm giảm bớt gánh nặng đó, cũng như không có khả năng tập hợp những Hãn và Lạt ma lại với nhau.

Tác giả | James A. Millward là Giáo sư Lịch sử tại Trường Ngoại giao tại Đại học Georgetown.

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: China’s Reincarnation Monopoly Has a Mongolia Problem | James A. Millward | The FP | April 23, 2023

(1) Jebtsundamba Khutuktu hay Khalkha Jetsün Dampa Rinpoche là danh hiệu của người lãnh đạo tinh thần của dòng Gelug của Phật giáo Tây Tạng ở Mông Cổ. Họ cũng giữ danh hiệu Bogd Gegeen, khiến họ trở thành Lạt ma được xếp hạng hàng đầu ở Mông Cổ.