1954 đến 2005: “50 năm Di cư — 30 năm Di tản”
Trần Giao Thủy
Hãy cùng nhau nhìn lại một giai đoạn lịch sử Việt Nam không ai có thể chối bỏ, xóa bỏ, hay tránh né vì lịch sử không thể và không chỉ do bên thắng cuộc viết lại. Lịch sử không bao giờ quên.
Mùa Hè năm 2005, Cơ sở Truyền Thông Commmunications đã phát hành CD/DVD “50-30” hay “50 năm – 30 năm Di tản”; Trần Giao Thủy, Chủ biên Truyền Thông Số 16, thu thập hình ảnh và biên tập. Sau đây là Lời bạt do Chủ nhiệm Cơ sở Truyền Thông viết cho tài liệu hình ảnh “50 năm – 30 năm Di tản”.
Lời bạt
Văn học Trung Hoa có áng thơ Đào Nguyên Ký của Đào Tiềm (365-427) kể truyện một người đánh cá đất Vũ Lăng, đời nhà Tấn, ngược dòng suối đỏ cánh hoa đào, qua một hang hẹp, tới một thung lũng có nhà cửa khang trang có ruộng tốt so sâu, có bóng trúc, có vườn dâu, tiếng gà kêu, tiếng chó sủa đề nghe rõ. Dân tình sung túc, giả trẻ, đàn ông đàn bà đều hớn hở vui vẻ. Hỏi ra mới hay là đám người này chạy trốn nạn Tần Thủy Hoàng, đốt sách, chôn học trò mà tới đất này sinh sống, cách biệt hẳn với người bên ngoài, khiến không còn biết là đất nước, đã qua ba triều Hán, Ngụy, và Tần. Họ vẫn giữ tục lệ cũ, quần áo kiểu xưa. Họ mời người đánh cá về nha khoản đãi. Nghe người đánh cá kể lại mọi chuyện thay đổi bên ngoài, họ tỏ vẻ đau xót mà thở than. Ngày người đanh cá trở ra về, họ dặn người đánh cá đừng kể cho người ngoài hay chuyện họ tại đất nguồn đào này, Về tới nhà, người đánh cá trình quan, kể lại sự tình. Quan cho đi tìm đất nguồn đào nhưng không kiếm ra.
Người Việt Nam, theo sử cổ, vốn sinh sống ở trung tâm đất Trung Hoa ngày nay, Nhưng vì chữ tự do, không muốn bị đồng hóa với người Hán mà di tản về phương nam, để giữ gìn truyền thống ông cha cùng tiếng mẹ đẻ. Năm 1954, nhờ chữ ký của Chu Ân Lai, người cộng sản làm chủ miền Bắc đất nước Việt Nam, không những chỉ đốt sách, giết dân mà họ còn phá hủy chùa chiền, nhà thờ, khiến một triệu người, đa số là người nghèo khổ, theo gương người xưa, bỏ làn mạc nhà cửa di cư vào Nam tìm tự do. Hai mươi nắm sau, 1975, một lần nữa, nhờ biến chuyển cục diện chính trị thế giới, , người cộng sản đã nhân cơ hội tiến chiếm miền Nam. Một lần nữa người Việt Nam tự do lại bỏ làng mạc đất nước ra đi. Đa số vẫn là người dân nghèo khó, không ngại nguy hiểm, vượt biên, vượt biển tìm đất sống tự do mới. Cuộc vượt biển di tản của người Việt Nam này như những nhát búa đầu tiên góp phần đập đổ bức tường ô nhục Bá Linh, mà trước đó người dân Ba Lan, Hung Gia Lợi, và Tiệp Khắc đã hy sinh mà chưa thành công.
Giữ lại chút hình ảnh về hai cuộc di cư 1954-1955 và cuộc di tản sau 1975 là mục tiêu và chủ đề của Truyền Thông số 16.
“50-30” hay “50 năm – 30 năm Di tản” là tập hợp một số hình ảnh tiêu biểu của cuộc Di cư 1954-1955 từ Bắc vào Nam của gần 1 triệu người đã phải rời bỏ xóm làng vì chế độ cộng sản, và của cuộc Di tản vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Việt Nam sau 30 tháng 4, 1954, một lần nữa cũng vì hai chữ tự do.
Phần nhạc trình bầy trong CD/DVD “50-30” là ba ca khúc Nỗi lòng người đi — Anh Bằng (1954-1965), Sài Gòn niềm nhớ không tên — Nguyễn Đình Toàn (1979), Hướng về Hà Nội — Hoàng Dương (1953) qua giọng hát của ca sĩ Mưa Thủy Tinh, một người tị nạn cộng sản trở thành công dân Canada tại Montréal, Québec, Canada.
Tháng 4, 2023, DCVOnline phát hành YouTube “50-30”, bổ túc thêm một số hình ảnh và phim về Cuộc Di cư 1954-1955 và cuộc Di tản sau 1975 — hai cuộc di cư, đổi đời lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.
Hãy cùng nhau nhìn lại một giai đoạn lịch sử Việt Nam không ai có thể chối bỏ, xóa bỏ, hay tránh né vì lịch sử không thể và không chỉ do bên thắng cuộc viết lại. Lịch sử không bao giờ quên.
© 2023 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: CD/DVD “50-30”, Cơ sở Truyền Thông Commmunications, Số 16, Hè 2005.