Tập Cận Bình nói rằng ông ấy muốn phân bổ sự giàu có của Trung Hoa một cách công bằng hơn (1/2)

David Bulman, Wei Cui, Mark Frazier | Trần Giao Thủy

Xác suất việc đó có thể thực sự xảy ở cỡ nào?

ChinaFile Conversation là những thảo luận thường xuyên về tin tức Trung Hoa, của một nhóm những chuyên gia hàng đầu thế giới về Trung Hoa.

Một người phụ nữ mang giỏ tre đi ngang qua một cửa hàng đồng hồ sang trọng tại Khu thương mại trung tâm Jiefangbei, Trùng Khánh, ngày 05 tháng 9 năm 2015.

Trước thềm “Hai kỳ họp”— những kỳ họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Hoa (NPC) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Hoa (CPPCC), nhằm định hướng chính sách cho đất nước—vị trí lãnh đạo của Tập Cận Bình hiện đã được bảo đảm từ khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba. Nhưng Trung Hoa đang đứng đầu gió như bão trong việc phục hồi nền kinh tế, tạo thêm việc làm và quản lý nợ của chính quyền địa phương. Trong những cuộc khủng hoảng trước đây, giới lãnh đạo Trung Hoa có khuynh hương đứng về phía thị trường và nguồn vốn bằng cách trợ cấp từ phía cung, cắt giảm thuế và tiền trả bảo hiểm xã hội, đồng thời hỗ trợ kỹ nghệ và chính quyền địa phương. Nhưng kể từ năm 2021, Tập Cận Bình đã nhiều lần cổ động một cảnh mộng về sự thành công trong tương lai của đất nước mà có thể đi ngược lại những bản năng đó: đó là “sự thịnh vượng chung” (“cộng đồng phú dụ”), một cấu trúc nhấn mạnh đến việc giảm bất bình đẳng, phát triển khu vực một cách cân bằng và một “nền văn hóa tinh thần và đạo đức lành mạnh”. Sau khi Tập bắt đầu hô hào khẩu hiệu “cộng đồng phú dụ” vào năm 2021, một loạt những quy định mới và tiền phạt đối với những công ty kỹ thuật và vốn tư nhân cho thấy rằng những tu từ đó đang chóng biến thành hành động. Nhưng trong 18 tháng kể từ đó, ngay cả khi nó tiếp tục được hô hào, sự thịnh vượng chung dường như đóng một vai trò nhỏ hơn nhiều trong tiến trình hoạch định chính sách.

Tôi đã hỏi một số đồng nghiệp rằng liệu chúng ta có thể nhìn thấy sự thay đổi này hay không và liệu sự thịnh vượng chung cuối cùng có trở thành chính sách hay không. — Mary Gallagher

David Bulman

Năm 2022 không tốt cho sự thịnh vượng chung. Không có những thông báo chính sách quan trọng, ít tài liệu tham khảo nổi bật hơn trong những bài phát biểu quan trọng và cắt giảm những chi tiêu cho hoạt động xã hội địa phương dẫn đến khẳng định rằng sự thịnh vượng chung đã trở thành một khẩu hiệu sáo rỗng. Và sự thịnh vượng chung không đi đến đâu cả. Nhũng chính sách tái phân phối đã đi xa hơn đôi khi được đánh giá cao; những mục tiêu kinh tế trung hạn vẫn cần thiết cho tăng trưởng trong tương lai; và Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH) tiếp tục báo hiệu cam kết trong tương lai bằng sự tuyên truyền không ngừng trong nước và trên trường quốc tế.

Nhân tố căn bản của sự thịnh vượng kinh tế chung vẫn không thay đổi. Tiến trình phân phối lại do nhà nước chỉ đạo sẽ giúp giải quyết tình trạng bất bình đẳng, một yếu tố chính đằng sau bẫy thu nhập trung bình, cũng như những thách thức liên quan đến sự lão hóa dân số và tiết kiệm quá mức. Hiện tại, những chính sách tái phân phối mang tính hệ quả gần đây gồm cả chiến dịch xóa đói giảm nghèo và chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp nhà nước nhằm củng cố hệ thống lương hưu của Trung Hoa. Và mặc dù khoảng tài khóa bị thu hẹp ngăn cản những thay đổi lớn về chính sách vào năm 2022, ngôn ngữ thịnh vượng chung vẫn nổi bật trong những kế hoạch phát triển ngành trung và dài hạn gần đây nhất của Trung Hoa, kể cả những kế hoạch thúc đẩy nhu cầu trong nước và nền kinh tế kỹ thuật số.

Cùng với những cam kết chính sách này, sự thúc đẩy khoa trương của ĐCSTH về sự thịnh vượng chung cả trong nước và với quốc tế tiếp tục phát triển không suy giảm. Ở trong nước, điều này gồm có một lịch sử mới của chính thuật ngữ này thể hiện sự thịnh vượng chung như một con đường xuyên suốt từ Marx đến Mao Trạch Đông đến Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và cuối cùng là Tập Cận Bình. Nó cũng gồm cả việc đưa tin không ngừng trên những phương tiện truyền thông: 374 bài báo đề cập đến sự thịnh vượng chung của đồng Nhân dân tệ Ribao trong quý 4 năm 2022, vượt quá mức cao nhất của quý trước đó là 299 bài báo trong quý 4 năm 2021.

Giới hoạch định chính sách Trung Hoa giờ đây thậm chí còn thúc đẩy phủ sóng toàn cầu về sự thịnh vượng chung nhằm nỗ lực đưa ra một “mô hình Trung Hoa” công bằng hơn mô hình tư bản chủ nghĩa của phương Tây. Kể từ bài phát biểu tại Đại hội Đảng lần thứ 19 của Tập, ĐCSTH đã rõ ràng tìm cách xác định và xuất cảng một “giải pháp Trung Hoa” (中国方案, Trung Quốc Phương án) xã hội chủ nghĩa qua việc tham gia với những tổ chức quốc tế và tuyên truyền toàn cầu. Những phương tiện truyền thông toàn cầu của Trung Hoa ngày càng nhấn mạnh đến những thành công thịnh vượng chung, tập trung vào hiệu quả của chính phủ trong việc thu hẹp khoảng cách thu nhập và cân bằng những dịch vụ công, đồng thời nêu bật những câu chuyện về giảm nghèo ở nông thôn. Ấn bản toàn cầu của China Daily và Global Times tiếng Anh, cả hai đều nhắm đến khán giả nước ngoài, có số bài viết về thịnh vượng chung vào năm 2022 nhiều hơn 25% và 125% so với năm 2021.

Có dấu hiệu cho thấy chiến dịch đánh bóng bộ mặt Trung Hoa với thế giới này có hiệu quả. Những báo đài nhà nước của Trung Hoa có thể không có số độc giả toàn cầu lớn và trung thành, nhưng hoạt động tuyên truyền quảng cáo hiệu quả chính sách của Trung Hoa có ảnh hưởng mạnh đến dư luận trên thế giới. Và thông điệp về sự thịnh vượng chung có một số độc giả dễ tiếp thu do sự ủng hộ ngày càng tăng trên thế giới đối với chủ nghĩa xã hội tái phân phối. Dữ liệu thăm dò ý kiến toàn cầu cho thấy những người trả lời thích phân phối lại nhiều hơn có thể năng đã coi “mô hình Trung Hoa” là điều họ muốn, bất chấp tình trạng bất bình đẳng liên tục ở cao độ của Trung Hoa. Trong những thí nghiệm khảo sát của riêng tôi với những người trả lời từ Ấn Độ và Hoa Kỳ, việc đưa những đối tượng vào ngôn ngữ thịnh vượng chung của Trung Hoa đã dẫn đến sự gia tăng ưa chuộng sự giao thương kinh tế với Trung Hoa.

Tóm lại, ĐCSTQ đã cam kết vì sự thịnh vượng chung bằng những kế hoạch chính sách trung hạn và tuyên truyền trong nước và khắp thế giới. Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế tiên liệu chậm lại vào năm 2023 có thể cản trở những thay đổi lớn về chính sách, tuy nhiên, chúng ta vẫn sẽ thấy sự chuyển dịch liên tục hướng tới một chương trình nghị sự thịnh vượng chung.

Wei Cui

Ở Hoa Kỳ và những quốc gia OECD khác, cho đến nay, những chính sách quan trọng nhất để chế ngự bất bình đẳng kinh tế là thuế và chương trình phúc lợi của chính phủ. Những quốc gia này trích trung bình hơn 1/3 GDP của họ từ tiền thu thuế. Cả thuế lũy tiến và chương trình phúc lợi dù tùy vào lợi tức cá nhân có đều dẫn đến bất bình đẳng đáng kể sau khi đóng thuế thấp hơn so với bất bình đẳng trước khi đóng thuế. Mức độ cam kết của một chính phủ đối với phúc lợi của tất cả công dân  —  đối với mục tiêu, chúng ta có thể nói, về “sự thịnh vượng chung” —  được đánh giá hầu như chỉ dựa trên cơ sở những lựa chọn của chính phủ đó về thuế và chương trình phúc lợi.

Ở một mức đáng kể, Trung Hoa theo đuổi những chính sách phân phối lại theo cách như vậy. Vào cuối những năm 2000, sau một thập niên thu thuế cao, chính phủ đã đề ra những chính sách chi tiêu lớn có lợi cho phần lớn người dân Trung Hoa và đóng góp cho một “xã hội hài hòa”: tăng mức chuyển ngân (từ tiền thu thuế) cho chính quyền địa phương để hỗ trợ giáo dục và y tế cộng đồng, tài trợ bảo hiểm xã hội toàn dân căn bản ở khu vực thành thị và nông thôn, đồng thời mở rộng những chương trình giảm nghèo. Bất kỳ sự cắt giảm thuế nào cũng chỉ mang tính chất “cấu trúc”—những loại thuế kém hiệu quả đã thông qua vào những năm 1990 sẽ bị cắt bỏ, nhưng chúng sẽ được thay thế bằng những loại thuế hiệu quả hơn và mức thuế tổng thể sẽ tiếp tục tăng.

Nhiều chính sách chi tiêu tái phân phối này đã bắt đầu đơm hoa kết trái và ngăn chặn sự gia tăng bất bình đẳng trong những năm Tập Cận Bình lãnh đạo. Nhưng chính Tập đã chủ trì việc những đảo ngược chính sách quan trọng. Quan trọng nhất là một loạt cắt giảm thuế đáng kinh ngạc dẫn đến doanh thu trì trệ như một phần của GDP và sự phụ thuộc ngày càng tăng vào thuế lũy thoái (chẳng hạn như đóng góp bảo hiểm xã hội). Trong khi đó, không có dấu hiệu nào cho thấy những chính sách sẽ làm tăng chuyển ngân theo nhu cầu. Với việc không công bố tăng thuế người giàu hay tăng chi tiêu cho người nghèo, Bộ Tài chính vẫn kín tiếng về “sự thịnh vượng chung”. Thật vậy, chính Tập đã cảnh cáo chống lại việc “tạo ra kỳ vọng quá mức”, tưởng tượng ra “bẫy phúc lợi” nuôi sống “những kẻ lười biếng” và nhấn mạnh phải “làm việc chăm chỉ” là nguyên tắc đầu tiên trong những cuộc nói chuyện về sự thịnh vượng — lập lại luận điệu của Đảng Cộng hòa trong những cuộc tranh luận về việc tái phân phối ở Hoa Kỳ.

Do đó, đối với một số người trong chúng ta, thật là chóng mặt quá đỗi khi thấy khẩu hiệu “sự thịnh vượng chung” bắt được sự chú ý và tưởng tượng của giới bình luận phương Tây. Làm sao Tập có thể được kể công vì đã đưa Trung Hoa vào một kỷ nguyên mới của chính sách tái phân phối—chỉ bằng cách đọc một vài bài phát biểu, và như thể tái phân phối chưa bao giờ là một mục tiêu chính sách lớn của Trung Hoa trước đây? Xi đã làm gì để giảm bất bình đẳng? Chỉ đạo một số quy định  vụng về (mặc dù đã cần phải có từ lâu) đối với những công ty kỹ thuật lớn? Giảm trợ cấp cho những ông trfum bất động sản? Nếu đây là tiêu chuẩn mà chúng ta đang dùng, thì chúng ta nên gọi Donald Trump là tổng thống “vì sự thịnh vượng chung”: xét cho cùng, trong khi ban hành luật cắt giảm thuế thật hào phóng cho những người giàu có, Trump đã tuyên bố ý định của mình là đàm phán giảm giá thuốc cần toa với những hãng dược phẩm lớn và đâm đá với với những công ty kỹ thuật lớn.

Do đó, chúng ta nên đặt câu hỏi về tiền đề rằng Tập Cận Bình đã đặt ra một chương trình tái phân phối mới (và đó chỉ là vấn đề thời gian và cách thức ông ấy sẽ thực hiện nó). Chắc chắn, Nhân dân Nhật báo cho biết có một chương nghị trình như vậy. Tờ Wall Street Journal cũng vậy, độc giả của họ quan tâm đến giá cổ phiếu Alibaba và trái phiếu Evergrande hơn bất kỳ thứ gì khác. Nhưng đối với bất kỳ ai quan tâm đến sự bất bình đẳng và phân phối lại ở Trung Hoa, đó không phải là những nguồn chính xác đáng tin cậy.

Mark Frazier

Kể từ khi khái niệm về sự thịnh vượng chung được hồi sinh vào năm 2021 dưới thời Tập Cận Bình, khái niệm này mục đích chính dùng để nhắm  vào sự thịnh vượng của khu vực tư nhân Trung Hoa, với danh nghĩa giảm bớt sự bất bình đẳng lớn về lợi tức và cơ hội giữa người giàu và người nghèo. Nhưng một nguồn tích lũy tài sản khác nên được xét đến khi giải quyết những lỗ hổng lớn trong  chính sách lợi ích xã hội của Trung Hoa: lợi nhuận và tài sản của những doanh nghiệp nhà nước (SOE) của Trung Hoa.

Những công ty này, hoạt động trên toàn cầu và thường được bảo vệ độc quyền; điều này đã đặt ra một câu hỏi quan trọng khi nói đến việc tài trợ cho những chính sách xã hội. Công chúng Trung Hoa có quyền hạn gì đối với cổ phần, cổ tức và lợi nhuận của những công ty thuộc nhà nước để tài trợ cho những dịch vụ công như y tế, lương hưu, giáo dục và trợ cấp xã hội? “Không” sẽ là câu trả lời của giới quản lý doanh nghiệp nhà nước và hội đồng quản trị doanh nghiệp, với lý do là những công ty của họ, cũng giống như những công ty tư nhân, phải đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội của công nhân qua thuế biên chế, bên cạnh việc nợ những khoản thuế thông thường cho hoạt động và lợi nhuận của họ. Nhưng có một lập luận về “sự thịnh vượng chung” cho việc dùng một phần , tính đến năm 2021, trong 76 ngàn tỷ nhân dân tệ giá trị thị trường của cổ phiếu SOE (và 270 ngàn tỷ nhân dân tệ trong tài sản SOE) để bảo vệ dân số già của Trung Hoa. Sự hỗ trợ của SOE cũng sẽ giải quyết sự bất bình đẳng lớn về lợi ích giữa những người về hưu ở thành thị từ khu vực chính thức và một số lớn hơn những người cao tuổi đã nghỉ hưu với nhưn những công nhân đi làm xa nhà hoặc tự làm chủ.

Tại “Hai phiên họp” (lưỡng hội) hàng năm, hãy tìm đến nhân vật uy tín hàng đầu của Trung Hoa về tài trợ lương hưu, Zheng Bingwen thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Hoa và là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Toàn quốc, để làm sống lại một lập luận mà ông đã đưa ra một cách quyết liệt tại những phiên họp năm ngoái để chuyển giao cổ phiếu của Doanh nghiệp nhà nước (và thậm chí cả tài sản của những doanh nghiệp nhà nước chưa niêm yết) cho những quỹ an sinh xã hội của Trung Hoa ở cấp quốc gia và địa phương. Chính sách này đã được áp dụng kể từ tuyên bố chính sách của Hội đồng Nhà nước năm 2017, nhưng việc chuyển giao tài sản diễn ra chậm. Đến đầu năm 2021, 93 SOE trung ương đã chuyển 1,7 ngàn tỷ nhân dân tệ dưới dạng cổ phiếu cho Quỹ An sinh xã hội quốc gia (NSSF). Nhưng việc chuyển giao rõ ràng là một thỏa thuận ngoại lệ.

Hơn nữa, cổ phiếu của SOE, giống như những khoản tài trợ của trường đại học, không phải là tài sản lưu động và chỉ những khoản chi trả cổ tức của họ được dùng để bảo vệ những quỹ an sinh xã hội. Vào năm 2021, Zheng nói rằng con số này lên tới 20 tỷ Nhân dân tệ, giọt nước ở biển, so với 5 ngàn tỷ Nhân dân tệ mà Trung Hoa chi trả lương hưu cho riêng những người đã nghỉ hưu của doanh nghiệp ở thành thị. NSSF có thể hỗ trợ những quỹ địa phương bị thâm hụt, nhưng một giải pháp thực tế hơn nhiều sẽ là buộc những SOE trung ương cam kết thực hiện kế hoạch chuyển nhượng cổ phiếu thường xuyên và những SOE cấp tỉnh và thành phố chuyển một phần cổ phiếu của họ sang quỹ an sinh xã hội. Cho đến nay, những SOE cấp tỉnh, thành phố chưa bị yêu cầu chuyển giao tài sản. Mặc dù những doanh nghiệp nhà nước không phải là hình mẫu về phân bổ vốn hiệu quả và tỷ lệ hoàn vốn đầu tư, nhưng họ có tài sản lớn và danh mục đầu tư vốn cổ phần mà người dân Trung Hoa có quyền làm chủ một cách hợp pháp.

Những thể chế chính sách xã hội ở bất kỳ quốc gia nào cũng bị khóa chặt trong những điều kiện mà chúng được tạo ra và trở nên rất khó thay đổi. Điều này cũng đúng với hệ thống bảo hiểm xã hội của Trung Hoa. Khi những doanh nghiệp nhà nước bị thu hẹp quy mô và bị loại bỏ vào những năm 1990, những doanh nghiệp còn tồn tại được được phép giảm chi phí lương hưu và y tế cho người về hưu, những chi phí này được chuyển cho chính quyền địa phương. Ba mươi năm sau, những doanh nghiệp nhà nước quyết liệt chống lại khái niệm cho rằng dân số già của Trung Hoa có quyền hợp pháp đối với tài sản doanh nghiệp của họ. Nhưng khi giới hoạch định chính sách của Trung Hoa đi tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài chính hưu trí sắp xảy ra, họ có thể lập luận rằng một hình thức “thịnh vượng chung” thực sự “chung” áp dụng cho cả doanh nghiệp khu vực tư nhân và công cộng.

Tác giả

David Bulman là Giáo sư trợ giảng về Nghiên cứu Trung Hoa và Quan hệ Quốc tế của Jill McGovern và Steven Muller tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins (SAIS). Ông có hai sở thích nghiên cứu chính. Thứ nhất, phát triển kinh tế ở Trung Hoa, tập trung vào cách các động lực chính trị và mối quan hệ giữa trung ương và địa phương hình thành kết quả kinh tế và quản trị địa phương. Thứ hai, tìm kiếm sự hiểu biết sâu sắc hơn về các ưu tiên toàn cầu liên quan đến cam kết kinh tế với Trung Hoa. Cuốn sách đầu tiên của ông, Incentivized Development in China: Leaders, Governance, and Growth in China’s Counties (Cambridge) điều tra các nền tảng chính trị của tăng trưởng kinh tế địa phương ở Trung Hoa, tập trung vào vai trò thể chế và kinh tế của giới lãnh đạo cấp quận và những động cơ  hình thành nghề nghiệp thái độ của họ.

Wei Cui là giáo sư tại Trường Luật Peter A. Allard, Đại học British Columbia, đồng thời là tác giả của cuốn sách gần đây The Administrative Foundations of the Chinese Fiscal State (Cambridge University Press 2022). Các nghiên cứu và bài viết khác của Wei trải rộng trên nhiều chủ đề về luật và chính sách thuế, bao gồm thuế quốc tế, quản lý và tuân thủ thuế, thuế và phát triển, thuế giá trị gia tăng, chính sách thuế và chi tiêu nhắm vào thị trường lao động. Các dự án nghiên cứu hiện tại của ông kiểm tra việc thiết kế hệ thống thuế quốc tế dựa trên sự phát triển của thương mại quốc tế và so sánh các chính sách tái phân phối ở các quốc gia dân chủ và độc tài.

Mark W. Frazier là Giáo sư Chính trị tại Trường Nghiên cứu Xã hội Mới và Đồng Giám đốc Viện Ấn Độ Trung Hoa tại Trường Mới (Thành phố New York). Lĩnh vực nghiên cứu của ông gồm lao động và chính sách xã hội ở Trung Hoa, chính trị về quyền công dân và biểu tình đô thị ở Trung Hoa và Ấn Độ. Ông là tác giả của cuốn The Power of Place: Contentious Politics in Twentieth Century Shanghai and Bombay (Nhà xuất bản Đại học Cambridge, 2019). Các ấn phẩm khác là Socialist Insecurity: Pensions and the Politics of Uneven Development in China (Cornell University Press, 2010) and The Making of the Chinese Industrial Workplace (Cambridge University Press, 2002).

(Còn phần 2)

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Xi Jinping Says He Wants to Spread China’s Wealth More Equitably. How Likely Is That to Actually Happen? | A ChinaFile Conversation/Mary Gallagher | ChinaFile | Mar 3, 2023