Tập Cận Bình nói rằng ông ấy muốn phân bổ sự giàu có của Trung Hoa một cách công bằng hơn (2/2)

Mike Gow, Yujeong Yang, Wu Guoguang, Mary Gallagher | Trần Giao Thủy

Xác suất việc đó có thể thực sự xảy ở cỡ nào?

Tập Cận Bình muốn giải quyết bất bình đẳng xã hội và kinh tế, với mục tiêu đạt được cái gọi là thịnh vượng chung vào năm 2050. Ảnh: Reuters

(Tiếp theo phần 1)

Mike Gow

Có một lập luận cho rằng “sự thịnh vượng chung” của Tập Cận Bình không chỉ là một chính sách bao trùm để định hình việc đổi mới kinh tế. Sự suy giảm nhanh vận tốc phát triển hàng chục trong mười năm qua đã đưa Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTQ) vào một cuộc khủng hoảng gần như hiện sinh về tính hợp pháp, làm nổi bật sự mong manh của thời kỳ mở cửa và cải cách đổi sự mặc nhận chính trị để lấy cơ hội kinh tế.

Sự thịnh vượng chung ban đầu dường như là một biện pháp can thiệp tài chính đơn giản: phân phối lại của cải, tiến tới phân phối “hình ô liu” thay vì cấu trúc hình giọt nước kéo dài hiện là đặc trưng của nền kinh tế Trung Hoa. Tuy nhiên, thịnh vượng chung luôn được định vị là một sự đổi mới mới trong Tư tưởng của Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Hoa và quan trọng hơn là đối lập trực tiếp với việc tạo ra một nhà nước phúc lợi kiểu phương Tây.

Vì vậy, làm thế nào để có thể  hòa giải được mâu thuẫn rõ ràng này? Nếu chính sách tài khóa không nhằm mục đích tịch thu của cải để phân phối lại, tạo ra một nhà nước phúc lợi, hoặc áp đặt những chính sách thuế lũy tiến, thì nó nhằm mục đích gì? Câu trả lời, có lẽ, nằm trong những lĩnh vực của ý thứ hệ Mác-xít và chủ nghĩa thực dụng tinh ranh của Tập Cận Bình.

Từ lâu đã có một trường phái tư tưởng trong những cuộc tranh luận về chủ nghĩa Mác cho rằng nhà nước phúc lợi là lời nguyền rủa với chủ nghĩa xã hội, một cơ chế tư bản tái tạo những điều kiện để bóc lột giai cấp công nhân. Chính Marx và Engels đã lập luận rằng việc phân phối của cải trở nên không còn phù hợp nếu phuong tiện sản xuất trở thành  “tài sản hợp tác xã” của công nhân. Liên Xô đã định nghĩa chủ nghĩa xã hội là “một giai đoạn chuyển tiếp đặc biệt chiếm toàn bộ một thời đại lịch sử.” Khi đó, chủ nghĩa xã hội xã hội hóa phương tiện sản xuất, nhưng dần dần, trong một thời gian dài và có tính đến những điều kiện cụ thể mà nền chuyên chính vô sản phải đối phó — trong trường hợp này là ĐCSTH. Tại Đại hội Đảng lần thứ 20, thời đại lịch sử này xuất hiện dưới hình thức Kỷ nguyên mới, Hành trình mới  của Tập Cận Bình, được chia thành hai mốc để thực hiện chủ nghĩa xã hội: năm 2035, thời hạn thực hiện “hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa cơ bản” và năm 2049, kỷ niệm một trăm năm của CHND Trung Hoa , khi “những giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi” của quốc gia về thịnh vượng, dân chủ, văn minh và hài hòa đã được thiết lập vững chắc.

Sự thịnh vượng chung sẽ như thế nào vẫn còn là vấn đề để tranh luận, nhưng tôi hy vọng nó sẽ tập trung vào cơ cấu quyền sở hữu hợp tác sáng tạo và cải cách quyền sở hữu vốn thay vì hoạt động từ thiện, phúc lợi, thuế lũy tiến hoặc những chiến lược phân phối lại tài chính khác. Ví dụ: mô hình Pinghu-Qingtian ở tỉnh Chiết Giang cho thấy những gia đình có lợi tức thấp được nhiều tổ chức công và tư hỗ trợ để mua cổ phần trong những dự án hợp tác, với 10.600 gia đình có tổng thu nhập 17,2 triệu nhân dân tệ (2,69 triệu USD) trong giai đoạn đầu năm hoạt động. Chiết Giang, được công bố là khu vực thí điểm vì sự thịnh vượng chung vào năm 2021, sẽ là tỉnh quan trọng nhất cần theo dõi để tìm bằng chứng về bất kỳ đổi mới nào như vậy, mà chúng ta nên kỳ vọng sẽ được thần thoại hóa theo những cách tương tự như Doanh nghiệp thị trấn và làng xã và hệ thống định giá kép trong thời kỳ đầu đổi mới.

Do đó, sự thịnh vượng chung ít đạo đức giả hơn những gì chúng ta có thể kết luận nếu chỉ xem xét kỹ lưỡng chính sách tài khóa của CHND Trung Hoa. Nếu Tập quyết định cưỡng chế phân phối lại của cải bằng những biện pháp can thiệp tài khóa thông thường hơn, thì ông ấy có thể đã tự phanh ngực đón nhận những thách thức trực tiếp từ bên trong Đảng. Tuy nhiên, bằng việc định hình ý thức hệ cẩn thận, chúng ta có thể coi thịnh vượng chung là một ví dụ xuất sắc khác về sự nhạy bén chính trị của Tập Cận Bình: giải quyết vấn đề rất thực tế về tính hợp pháp đang suy yếu đồng thời củng cố vị thế cá nhân bằng cách dùng chủ nghĩa Mác như một hình thức áo giáp tư tưởng. Tập không chỉ tự bảo vệ mình mà còn ngăn chặn bất kỳ thách thức nào đối với chính sách của ông ta bằng cách phủ đầu trước bất kỳ kẻ nào có triển vọng cản trở sự thịnh vượng chung với tư cách là đối thủ của chủ nghĩa Mác và của chính ĐCSTH.

Yujeong Yang

Nếu chính quyền Tập thi hành chính sách “thịnh vượng chung” (“cộng đồng phú dụ”), cải cách hộ khẩu có thể là động cơ chính để giảm bớt những vấn đề bất bình đẳng kinh niên ở Trung Hoa. Hộ khẩu là sổ thông hành nội bộ ràng buộc quyền lợi của một người đối với những phúc lợi (chẳng hạn như giáo dục, y tế, lương hưu và nhà ở) với nơi sinh của người đó. Giới hạn này tạo ra sự bất bình đẳng về phúc lợi giữa người dân địa phương và người di cư từ vùng khác đến bằng cách không cho phép người di cư dùng hệ thống phúc lợi độc quyền của người dân địa phương. Ngoài ra, hệ thống hộ khẩu làm tăng sự bất bình đẳng giữa những địa phương giàu có nhập cảng công nhân và những địa phương kém phát triển xuất cảng công nhân. Người di cư (từ những địa phương kém phát triển) không đủ điều kiện để nhận trợ cấp tại những địa phương giàu có hơn nơi mà họ đã và đang làm việc. Gánh nặng phúc lợi đổ dồn lên những khu vực kém phát triển và chính công nhân di cư một cách không tương xứng, trong khi những địa phương giàu có nhập khẩu công nhân thường được miễn trách nhiệm này.

Rất khó để đánh giá mức độ mà Tập sẽ theo đuổi cải cách hộ khẩu như một phương tiện để đạt được sự thịnh vượng chung, nhưng có ba kịch bản có thể xảy ra (và những thách thức đi kèm). Kịch bản đầu tiên là bắt đầu một số cải cách từ ngoại vi trong khi tiếp tục thực thi những hạn chế về hộ khẩu ở những siêu đô thị. Trung Hoa đã theo đuổi cải cách hộ khẩu gia tăng này trong hai mươi năm qua. Chính quyền mới có thể chỉ định nhiều thành phố thí điểm hơn để thực hiện những thí nghiệm chính sách nhằm xác định những thực tiễn nhằm dỡ bỏ những hạn chế về hộ khẩu đồng thời giảm thiểu bất ổn xã hội. Trong khi chờ đợi, nó cũng sẽ không nới lỏng những hạn chế ở những siêu đô thị để ngăn di cư mới tràn ngập đổ về. Thách thức là những thay đổi gia tăng ở ngoại vi này ít có thể tạo ra loại kết quả rõ ràng mà Tập có thể dùng để nâng cao tính hợp pháp của ông ta và khoe khoang về những thành tựu của mình trong việc khiến sự thịnh vượng chung thành hiện thực.

Kịch bản thứ hai, rủi ro hơn, là bắt tay vào một tiến trình cải cách triệt để hơn nhằm nới lỏng những hạn chế về hộ khẩu trên toàn quốc, kể cả ở những siêu đô thị. những siêu đô thị là thỏi nam châm thu hút ccoong nhân di cư nhưng những hạn chế về hộ khẩu ngăn cản không cho họ hưởng những dịch vụ và phúc lợi xã hội khi họ sống ở đó. Việc dỡ bỏ những hạn chế về hộ khẩu ở những siêu đô thị sẽ cải tiến đáng kể khoảng cách lướn về phúc lợi giữa người dân địa phương và người di cư ở những siêu đô thị. Cuộc cải cách hộ khẩu năm 2022 ở Trịnh Châu, một siêu đô thị ở miền đông Trung Hoa, có thể là một dấu hiệu cho thấy Đảng Cộng sản Trung Hoa cuối cùng đã sẵn sàng bắt đầu một cuộc cải cách triệt để hơn đối với hệ thống vượt ra ngoài những thành phố vừa và nhỏ. Lần đầu tiên, Trịnh Châu cho phép bất kỳ ai cũng có có thể có đủ tư cách làm cư dân. Bằng cách cho phép nhiều người nơi khác đến định cư trong thành phố, Trịnh Châu đang cố gắng ổn định thị trường bất động sản đang gặp khó khăn và giải quyết vấn đề thiếu công nhân. Thách thức là không phải tất cả những siêu đô thị đều có những ưu đãi giống như Trịnh Châu. Nhiều cư dân thành thị của Trung Hoa tại những siêu đô thị đã tỏ ra miễn cưỡng chia sẻ tài nguyên công hạn chế với những công nhân di cư, những người mà họ thường mô tả là “hạ cấp”, một thuật ngữ chỉ sự nghèo đói, thiếu giáo dục và địa vị xã hội thấp. Tập Cận Bình có thể có được sự đồng ý (hoặc bịt miệng phe đối lập) một cách hiệu quả từ chính quyền địa phương và dân cư địa phương, nhưng điều đó có thể đặt ông ta vào một tình thế khó khăn.

Kịch bản cuối cùng là giữ nguyên hệ thống hộ khẩu. Thịnh vượng chung có thể không phải là một cụm từ hoàn toàn sáo rỗng, nhưng Tập Cận Bình có thể không sẵn sàng mạo hiểm đánh đổi bất ổn xã hội cđể đạt được thịnh vượng chung. Nền kinh tế đang chậm lại và những thách thức quốc tế đang rình rập dường như khiến Tập Cận Bình ưu tiên ổn định xã hội hơn bất kỳ chương trình nghị sự chính trị nào khác, kể cả việc đạt được sự thịnh vượng chung tbằng cách cải cách hộ khẩu một cách hiệu quả.

Wu Guoguang

Chương trình thịnh vượng chung của Tập Cận Bình dường như bị thách thức do một loạt mâu thuẫn nội tại, chính yếu là những tình trạng khó xử liên quan đến vấn đề tiền ở đâu, ai sẽ thực hiện chương trình này và làm thế nào để quyết định ai sẽ nhận được gì.

Trước hết, chương trình thịnh vượng chung phải đối đầu với một tình thế tiến thoái lưỡng nan cơ bản về việc khuyến khích để tăng trưởng kinh tế so với việc phân phối lại lại tức. Mức phát triển kinh tế của Trung Hoa đã chậm lại đáng kể trong những năm gần đây. Giờ đây, dưới khẩu hiệu thịnh vượng chung, việc đàn áp doanh nghiệp khu vực tư nhân có nguy cơ góp phần làm giảm động lực kinh tế. Tập đã liên tục nhấn mạnh làm cho vốn nhà nước và doanh nghiệp nhà nước lớn hơn, tốt hơn và mạnh hơn, khiến những tầng lớp giàu có và lợi tức trung bình của Trung Hoa lo ngại rằng cảnh mộng về sự thịnh vượng chung có thể vô tình phá hoại sự phát triển kinh tế đến mức kết quả thực tế sẽ trở lại tình trạng nghèo đói chung của Trung Hoa thời Mao.

Với sự suy giảm phát triển kinh tế nói chung, chính phủ Trung Hoa, đặc biệt là ở cấp địa phương, đã phải chịu áp lực tài khóa. Việc thực hiện nhiều biện pháp chính sách vì sự thịnh vượng chung đòi hỏi nguồn tài chính lớn, đặc biệt là từ chính quyền địa phương. Để thực hiện những chính sách thịnh vượng chung, chính quyền cấp tỉnh đã tuyên bố sẽ tăng chi tiêu cho phúc lợi của người dân, nhưng họ không thể trả lời câu hỏi về cách tài trợ cho những chi tiêu này (tiền ở đâu?) Chính phủ trung ương đã hứa sẽ cải thiện chuyển giao tài chính liên chính phủ để giúp chính quyền cấp tỉnh linh hoạt hơn về ngân sách; tuy nhiên, trên thực tế, những khoản chuyển giao ngân sách như vậy luôn là một cuộc chiến gay gắt giữa những cơ quan hành chính trung ương và địa phương. Với sự tập trung quyền lực hơn nữa ở cấp trên, không có lý do gì để tin rằng những quan chức địa phương sẽ chiếm thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh này.

Là một chương trình đầy tham vọng của chính phủ, sự thịnh vượng chung cần được giới chức địa phương thực hiện. Tuy nhiên, ít nhất là từ giữa năm 2021, nhiều tỉnh đã giảm lương của những viên chức cấp chính phủ cấp trung và cấp thấp cũng như những nhân viên khác của những tổ chức chính phủ. Việc này có thể gây thêm quỹ để tài trợ cho những chương trình thịnh vượng chung, nhưng thật khó để tưởng tượng rằng với mức lương và lợi tức bị cắt giảm của chính họ, những viên chức địa phương sẽ nhiệt tình đảm nhận những nhiệm vụ mới.

Cơ hội tham nhũng có thể tạo ra động cơ cho cán bộ địa phương, và gần như chắc chắn sẽ dẫn đến việc quản lý những quỹ chính sách thịnh vượng chung yếu kém. Lẽ thường có thể dự đoán rằng một số cán bộ có lợi tức bị giảm nhưng quyền lực liên quan đến phân bổ nguồn lực được tăng lên sẽ tìm ra cả những cách hợp pháp và bất hợp pháp để mang lại lợi ích cho bản thân và gia đình họ trong khi quản lý những dự án thịnh vượng chung (nghĩ là họ sẽ tham nhũng). Hành vi tham nhũng như vậy, tất nhiên, sẽ nạn nhân hóa của những người đã được định là người hưởng lợi từ chương trình thịnh vượng chung.

Chương trình thịnh vượng chung mang tính chính trị cao theo nghĩa cổ điển: Đó là vấn đề ai được gì. Có một sự tương phản đáng chú ý giữa việc nhà nước nhấn mạnh vào việc cải thiện lợi ích kinh tế xã hội của những nhóm có thu nhập thấp và trung bình với mong muốn chắc chắn của họ là hạn chế sự tham gia của những nhóm đó vào những quyết định công về việc ai nhận được gì. Trên thực tế, những vấn đề mà chương trình thịnh vượng chung nhắm tới giải quyết bắt nguồn sâu xa từ những cơ chế kinh tế và chính trị của Trung Hoa, vốn đã hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của nước này trong những thập niên qua. Do đó, cải cách thể chế là cần thiết để khắc phục những vấn đề hiện đang dẫn đến tăng trưởng chậm hơn. Tập đã đề cập đến việc có thể cải cách như vậy— chẳng hạn như chuyển giao tài chính và cải cách hệ thống hộ khẩu — nhưng cho đến nay những biện pháp tương ứng vẫn chưa được đề nghị. Tương tự như vậy, nếu không có những cải cách chính trị về tài khóa và ngân sách, có vẻ như khó đạt được mức tài trợ, thậm chí tương đương với mức có được trong những thập niên kinh tế phát triển mạnh vừa qua, đủ để hỗ trợ mở rộng đáng kể những dịch vụ công và bảo trợ xã hội cho những nhóm yếu thế.

Mary Gallagher

Mặc dù nỗ lực vì sự thịnh vượng chung của Tập Cận Bình vào năm 2021 có vẻ mới lạ, nhưng Bạc Hy Lai đã tiến hành một chiến dịch tương tự trong nhiệm kỳ Bí thư Thành ủy Trùng Khánh vào năm 2011. So sánh hai chiến dịch này, như tôi đã viết trong bài báo gần đây cho China Leadership Monitor, cho thấy rằng Tập Tập Cận Bình đã sử dụng sự thịnh vượng chung để đàn áp giới tinh hoa và nền kinh tế tư nhân, nhưng không mở rộng sự phân phối lại một cách đáng kể. Trong những bài phát biểu, Tập đưa ra hình ảnh về sự thịnh vượng chung “có sự hỗ trợ từ đầu tư”, với sự làm việc chăm chỉ và tinh thần kinh doanh đại diện cho phúc lợi xã hội, điều mà ông lo ngại sẽ dẫn Trung Hoa tới chủ nghĩa phúc lợi và “nằm phẳng”.

Mặc dù những mục tiêu về sự thịnh vượng chung, chẳng hạn như giảm bất bình đẳng và bình đẳng hóa những dịch vụ cho người dân thành thị và nông thôn, giống như nhau trong hai chiến dịch, chiến dịch năm Trùng Khánh 2011 có nhiều tham vọng hơn trong hoạch định và thực hiện chính sách. Nó cũng phản ảnh một thời điểm quan trọng trong nền chính trị Trung Hoa, ngay trước một quá trình chuyển đổi chính trị lớn với sự kế nhiệm lãnh đạo đầu tiên của một nhà lãnh đạo không phải do Đặng Tiểu Bình lựa chọn, với xung đột và tranh luận công khai về hướng đi của mô hình phát triển Trung Hoa.

Việc Bạc Hy Lai trình bày rõ ràng về mô hình Trùng Khánh và mục tiêu thịnh vượng chung của mô hình này là một phần của cuộc tranh luận sôi nổi trong những năm cuối cùng của chính quyền Hồ Ôn về định hướng tương lai của nền kinh tế Trung Hoa. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Uông Dương đại diện cho giải pháp thay thế — “mô hình Quảng Đông” — đã nhân đôi “cải cách và mở cửa” bằng cách ủng hộ tự do hóa nhiều hơn khu vực tư nhân, nâng cấp kỹ thuật và cởi mở với thế giới bên ngoài. Xung đột nổi lên như hai mô hình cạnh tranh cho tương lai của Trung Hoa, xoay quanh câu hỏi về chiếc bánh: Trung Hoa có nên tập trung vào việc làm cho chiếc bánh lớn hơn không? Hay Trung Hoa nên tập trung vào việc chia bánh một cách công bằng hơn?

Bạc Hy Lai ủng hộ những chính sách phân phối lại và khuếch đại quyền lực nhà nước để thúc đẩy sự phát triển dựa trên việc nâng cao lợi tức và an ninh của tầng lớp trung lưu và hạ lưu. những chính sách của ông kể cả việc mở rộng nhà ở cho người lợi tức thấp, chính sách chuyển nhượng đất đai cho công dân nông thôn ở Trùng Khánh để đổi lấy hộ khẩu và việc làm ở thành thị, và dùng tài sản nhà nước để tài trợ cho những chương trình xã hội. Uông Dương và những người ủng hộ ông lập luận rằng việc phân phối lại sẽ giết chết tăng trưởng và tốt hơn hết là tập trung vào tăng trưởng bằng mọi giá. Quá trình phân phối lại có thể chờ.

Chiến dịch năm 2011 định hình và bối cảnh hóa chiến dịch năm 2021 do Tập phát động trong những hoàn cảnh kinh tế và chính trị khác nhau. Tập hiện là trung tâm không có đối thủ của Trung Hoa, với nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có và một Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị hoàn toàn gồm “người của ông ta”. Sự cởi mở trong tranh luận năm 2011 và thậm chí cả sự phê bình của giới truyền thông và học thuật đối với những mô hình phát triển khác nhau đã nhường chỗ cho sự trung thành lớn hơn nhiều đối với Tập.

Bất chấp việc Tập Cận Bình củng cố quyền lực lớn hơn, những thành tựu thực sự hướng tới sự thịnh vượng chung dường như không thể hiện thực hóa được. Vào năm 2021, Tập Cận Bình đã sử dụng thịnh vượng chung như một khẩu hiệu dân túy để đàn áp những công ty tư nhân và giới tinh hoa kinh tế, nhưng những chính sách để giải quyết vấn đề phân phối lại và bất bình đẳng lại thưa thớt một cách đáng ngạc nhiên. Khi áp dụng những khẩu hiệu chứ không phải những chính sách của Bạc Hy Lai, Tập Cận Bình đang cố gắng tận dụng thông điệp dân túy mà không áp dụng những chính sách tái phân phối đòi hỏi phải tăng thuế và vai trò lớn hơn của chính quyền trung ương trong việc tài trợ cho những khoản chênh lệch phúc lợi.

Tác giả

Mike Gow là Giáo sư trợ giảng dậy kinh doanh và quản lý tại Trường Kinh doanh Đại học Edge Hill.

Trung tâm Trung Hoa liên trường đại học Anh (BICC), một quan hệ đối tác liên ngành giữa các trường đại học Bristol, Manchester và Oxford được thành lập vào năm 2006 vì sự tiến bộ của Nghiên cứu Trung Hoa tại Vương quốc Anh, đã trao cho ông học bổng Cao học và Tiến sĩ 5 năm. Gow lấy bằng Tiến sĩ về Nghiên cứu Đông Á năm 2013 tại Trường Xã hội học, Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế (SPAIS) thuộc Đại học Bristol.

Nghiên cứu hiện tại của Gow về Trung Hoa hiện đại xem xét vai trò của ngành kỹ nghệ và tiêu dùng trong các sáng kiến xây dựng nhà nước. Nghiên cứu của ông cố gắng hiểu được vai trò của tiêu dùng trong cả xã hội đương đại đang tồn tại và thay đổi, cũng như việc huy động khu vực tư nhân liên quan đến chuyển đổi kiến trúc thượng tầng.

Yujeong Yang dậy chính trị Trung Hoa và chính trị độc đoán với tư cách là giáo sư trợ giảng khoa học chính trị tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign. Nghiên cứu của bà tập trung vào các chính sách phúc lợi và lao động của Trung Hoa. Yujeong Yang phân tích những hoạt động việc làm phi chính thức và di cư của công nhân ảnh hưởng như thế nào đến những phương pháp mở rộng phúc lợi của Trung Hoa trong dự án sách của bà ấy. Những sáng kiến gần đây nhất của Yujeong Yang cũng xét đến tăng trưởng kinh tế của Trung Hoa ở nước ngoài ảnh hưởng như thế nào đến động lực công nhân và quan hệ giữa nhà nước và xã hội. Yang sinh ra và lớn lên ở Nam Hàn, đã tốt nghiệp tiến sĩ khoa học chính trị vào năm 2018 tại Đại học Michigan, Ann Arbour.

Wu Guoguang là Giáo sư Khoa học Chính trị và Lịch sử và Chủ tịch về Quan hệ Trung Hoa và Thái Bình Dương tại Đại học Victoria, Canada. Ông lớn lên ở Sơn Đông và tốt nghiệp Tiến sĩ Khoa học Chính trị tại Đại học Princeton. Mối quan tâm nghiên cứu của ông tập trung vào Trung Hoa, kể cả thể chế chính trị, thay đổi chính trị, kinh tế chính trị, toàn cầu hóa, chính trị ưu tú, truyền thông đại chúng, Trung Hoa và thế giới, và an ninh con người.

Mary E. Gallagher là Giáo sư về Dân chủ, Dân chủ hóa và Nhân quyền của Amy và Alan Lowenstein tại Đại học Michigan. Bà là tác giả hoặc biên tập viên của một số sách, kể cả Authoritarian Legality in China: Law, Workers, and the State. Ba là Học giả Toàn cầu Fulbright và đã tư vấn cho nhiều chính phủ, tổ chức quốc tế và tập đoàn về chính trị trong nước, điều kiện lao động và nơi làm việc cũng như chính sách đô thị hóa của Trung Hoa.

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Xi Jinping Says He Wants to Spread China’s Wealth More Equitably. How Likely Is That to Actually Happen? | A ChinaFile Conversation/Mary Gallagher | ChinaFile | Mar 3, 2023