Zelensky đến hội nghị thượng đỉnh khi giới lãnh đạo G7 cảnh cáo Trung Hoa

Tessa Wong | DCVOnline

Volodymyr Zelensky ngoạn mục xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản vào thứ Bẩy, lãnh đạo thế giới lên tiếng gián tiếp cảnh cáo Trung Hoa.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Getty

Tổng thống Ukraine đến Hiroshima bằng phi cơ của chính phủ Pháp, sau chặng dừng chân ở Ả Rập Saudi. Chuyến ghé đến Hội nghị Thượng đỉnh G7 tổ chức vội vàng của ông khiến giới lãnh đạo G7 đưa tuyên bố sớm hơn dự định để lên án Nga.

Họ cũng cảnh cáo hành động “ép buộc kinh tế” mà Bắc Kinh bị tố cáo đang dùng với một số quốc gia.

Cuộc họp năm nay của 7 nền dân chủ giàu có nhất thế giới đã mở rộng, mời một số nền quốc gia mới nổi ở Nam bán cầu, cũng như Ấn Độ và Úc.

Điểm đầu của nghị trình là cuộc chiến ở Ukraine, và sự xuất hiện vào phút cuối của ông Zelensky đã tăng thêm sức nặng và tính cấp bách cho những cuộc thảo luận — cũng như sức thu hút của TT Ukraine. Ông đến Hiroshima vài giờ sau khi Washington cho biết sẽ huấn luyện phi công Ukraine cách dùng máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất và cho phép đồng minh viện trợ máy bay chiến đấu tối tân cho Kiev – một quyết định bị Nga lên án nhưng được ông Zelensky ca ngợi là “lịch sử”.

Trong 24 giờ qua, câu chuyện “ông ấy sẽ đến hay không” về chuyến đi của ông Zelensky tới Nhật Bản đã là tít lớn trong làng báo thế giới. Tin tức về sự hiện diện có thể xảy ra của ông đã lan truyền từ thứ Sáu và thu hút sự chú ý, ngay khi lãnh đạo G7 đến thăm một công viên tưởng niệm hòa bình ở Hiroshima.

Nhưng ngay cả khi các hãng tin cố gắng xác nhận điều đó, vẫn có những tín hiệu khó hiểu về phía giới chức trong chính phủ Ukraine về việc liệu người lãnh đạo Ukraine có đến hay không. Đó là một dấu hiệu cho thấy, trong khi thông tin cho rằng chuyến thăm của ông đã được thảo luận từ nhiều tuần trước trong cuộc trò chuyện giữa ông Zelensky và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, thì đã có quyết định cuối cùng một cách đột ngột.

Ngay cả thời gian  chính xác ông đến Nhật cũng được giữ bí mật, cho đến khi truyền hình Nhật Bản bất ngờ chiếu đoạn phim trực tiếp về tin ông đến sân bay Hiroshima trên một chiếc máy bay do đồng minh thân cận của ông là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho mượn.

Khi phi cơ hạ cánh, ông Zelensky đã nhanh chân  xuống cầu thang, ngồi vào một chiếc xe đang đợi sẵn và lao thẳng đến những cuộc gặp trực tiếp với nhiều nhà lãnh đạo thế giới, kể cả Thủ tướng Anh Rishi Sunak, người đã chào đón ông bằng câu nói thân thiện “Ông đã thu xếp được!”

Bây giờ ông ấy đã ở Nhật, sự hiện diện của ông Zelensky không chỉ tạo thêm tiếng vang cho diễn tiến ngoại giao êm đềm mà còn làm lu mờ chúng.

Nhưng có vẻ như giới lãnh đạo G7 không bận tâm. Những biện pháp trừng phạt của họ cho đến nay đã không thể ngăn chặn cuộc xâm lăng của Nga và cam kết hôm thứ Sáu về việc “chặn đứng” nguồn tài nguyên nuôi “cỗ máy chiến tranh” của Nga vẫn còn mơ hồ.

Nhưng việc giới nhà lãnh đạo thế giới kề vai sát cánh với ông Zelensky theo đúng nghĩa đen là một thông điệp rõ ràng và chắc chắn cho Moscow biết rằng họ không hời hợt.

Giới lãnh đạo G7 cũng tìm cách chuyển một thông điệp tới đồng minh của Moscow là Trung Hoa.

Bên cạnh việc giải quyết các chủ đề chính như không phổ biến vũ khí hạch tâm và biến đổi khí hậu, tuyên bố chung cuối cùng của họ nói về cam kết của G7 đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà họ đã cố gắng thể hiện bằng cách mời các quốc gia như Indonesia, Ấn Độ và Quần đảo Cook.

Lãnh đạo G7 đã nói rõ với Bắc Kinh lập trường của họ về những vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Đài Loan. Nguồn: Susan Walsh/Pool/Reuters

G7 nhấn mạnh sự ủng hộ của họ đối với các quốc gia Đông Nam Á và Thái Bình Dương, vốn được Bắc Kinh hết sức ve vãn, đồng thời cổ động cho một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” — luận điệu từng được dùng để đáp lại những tuyên bố chủ quyền của Trung Hoa ở Biển Đông.

Quan trọng hơn,  lãnh đạo G7 có lập trường cưng rắn chống lại cái mà họ gọi là “cưỡng chế kinh tế” — dùng thương mại để bắt nạt các nước khác — và kêu gọi Trung Hoa “chơi theo luật quốc tế”.

Nhấn mạnh cam kết về “khả năng phục hồi kinh tế”, G7 tuyên bố sẽ thực hiện những bước để “giảm sự phụ thuộc quá mức vào chuỗi cung ứng quan trọng của chúng ta” — ám chỉ cách G7 vẫn gắn bó chặt chẽ với Trung Hoa trong thương mại.

Nhưng họ cũng nói rằng họ muốn có “mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định” với Trung Hoa và nói thêm rằng chính sách của họ đề ra  “không được phải để làm hại Trung Hoa và chúng tôi cũng không tìm cách cản trở sự phát triển và tiến bộ kinh tế của Trung Hoa”.

Bộ Ngoại giao Bắc Kinh cho biết, Trung Hoa hôm thứ Bảy bày tỏ “sự rất không hài lòng” với tuyên bố chung của G7 và phàn nàn với nước tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Hoa cho biết

“G7 kiên quyết thao túng các vấn đề liên quan đến Trung Hoa, bôi nhọ và tấn công Trung Hoa.”

Bộ Ngoại giao Trung Hoa

Hội nghị thượng đỉnh sẽ kết thúc vào Chủ nhật với Tổng thống Ukraine Zelensky, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng NHật Kishida dự tính sẽ phát biểu.

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Zelensky dominates summit as G7 leaders call out China  | Tessa Wong | BBC | May 20, 2023.