Biển Đông: ba rào cản để Philippines và Việt Nam xây dựng liên minh toàn diện
Richard Heydarian | DCVOnline
Bất chấp những nỗ lực tốt nhất của Marcos Jnr, Manila và Hà Nội trước tiên sẽ phải vượt qua sự ngờ vực, khác biệt về chiến lược và ý thức hệ, cũng như sự thiếu tương hợp về hoạt động quân sự của hai nước.
Tổng thống Ferdinand Marcos Jnr đã nói về mối quan hệ “đang phát triển” của Philippines với Việt Nam trong lần đầu tiên ông gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Campuchia vào tháng 11 năm ngoái. Cuối tháng đó, tổng thống Philippines đã tiếp Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ tại Cung điện Malacanang, tại đây vị khách đặc biệt của ông nói về sự cần thiết phải “làm nhiều hơn nữa để nâng cao mối quan hệ giữa chính đảng của chúng ta và giữa chính phủ với chính phủ và giữa quan hệ quốc hội với nhau.” Tháng trước, Marcos Jnr lại gặp Phạm Minh Chsinh ra bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Indonesia để tiếp tục thảo luận, kể cả về những tranh chấp ở Biển Đông. Marcos nhấn mạnh sự cần thiết phải “đối thoại chân thành” và “tìm cách” để đảm bảo những quốc gia — đều là thành viên của ASEAN — giữ những tranh chấp của họ như là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn hướng tới quan hệ đối tác chiến lược tròn vẹn. Ngay sau đó, hai quốc gia đã tổ chức cuộc họp lần thứ 10 của Nhóm công tác chung thường trực cấp cao về những vấn đề hàng hải và đại dương tại Việt Nam, nhằm phối hợp tốt hơn những lập trường của họ ở Biển Đông và tìm kiếm sự hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh hàng hải.
Tất cả các dấu hiệu cho thấy hai quốc gia đang muốn lập một liên minh trên thực tế tronglúc cùng có những lo ngại về sự lấn át của Trung Hoa ngày càng mở rộng ở những vùng biển lân cận. Nhưng bất kỳ sự hợp tác thực chất nào giữa Philippines và Việt Nam sẽ phải giải quyết những nghi ngại về chiến lược và ý thức hệ, ưu thế kinh tế của Trung Hoa và những ảnh hưởng dây chuyền của sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các cường quốc trong khu vực. Là đối thủ trong suốt Chiến tranh Lạnh, Philippines để cho Mỹ đặt các căn cứ quan trọng đối với hoạt động của Mỹ tại Việt Nam, Manila và Hà Nội đã củng cố mối quan hệ ngày càng thân thiết trong suốt những năm 1990. Đặc biệt, chính quyền Ramos ủng hộ cộng sản Việt Nam gia nhập ASEAN, một liên minh được hầu hết những chế độ thân phương Tây thành lập.
Là những quốc gia có tuyên bố chủ quyền chính ở Biển Đông, phần lớn hai nước đã phối hợp trong việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử hàng hải khu vực, mở đường cho Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Hoa năm 2002. Vào giữa những năm 2000, quan hệ song phương đạt đến một giai đoạn mới khi chính quyền Arroyo đưa Hà Nội vào một thỏa thuận thăm dò năng lượng ba bên với Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tuy nhiên, thời điểm quyết định trong mối quan hệ chiến lược đã đến vào năm 2010, khi Hà Nội, với tư cách là chủ tịch ASEAN, muốn thấy sự can thiệp lớn hơn của Mỹ vào những tranh chấp ở Biển Đông. Điều này lên đến đỉnh điểm trong tuyên bố chưa từng có của chính quyền Obama rằng họ sẽ coi tự do hàng hải trong vùng biển tranh chấp là vấn đề “lợi ích quốc gia”, mở đường cho sự hiện diện lớn hơn của hải quân Mỹ trong khu vực. Dưới thời chính quyền Aquino, Manila bắt đầu theo đuổi “quan hệ đối tác chiến lược” với Hà Nội trong lúc đang gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh ở Biển Đông. Quân đội Việt Nam và Philippines đã tổ chức những cuộc thi thể thao ở quần đảo Trường Sa đang trong vòng tranh chấp trong khi giới ngoại giao làm việc về một vụ kiện chung tại toàtrọng tài chống lại Trung Hoa. Trong lúc hải quân Việt Nam tăng những chuyến thăm thiện chí đến Manila, Aquino đã tổ chức những cuộc hội đàm cao cấp với người đồng cấp Việt Nam để củng cố liên minh chống lại Trung Hoa. Liên minh này được Hoa Kỳ âm thầm khuyến khích, giúp làm nổi bật khả năng bảo vệ an ninh hàng hải của cả hai quốc gia. Nhưng khi Rodrigo Duterte, một người theo chủ nghĩa dân túy ủng hộ mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh và đả kích các đồng minh phương Tây, đắc cử Tổng thống và đã phá hỏng liên minh Phi-Việt đang phát triển.
Tệ hơn nữa, đã xảy ra xung đột bạo lực giữa ngư dân Việt Nam và hải quân Philippines chỉ một năm sau khi nhiệm kỳ của ông Duterte bắt đầu. Trong 5 năm tiếp theo, Duterte phần lớn phớt lờ những người đồng cấp Việt Nam, những người bị bất ngờ trước sự thay đổi triệt để trong chính sách đối ngoại của Philippines. Kể từ khi nhậm chức, Marcos đã cố gắng hàn gắn quan hệ với Việt Nam bằng cách nhận ra những lợi ích chiến lược chung của họ và không muốn chỉ dựa vào những đồng minh phương Tây để chống lại Trung Hoa. Tuy nhiên, có ba rào cản chính đối với một liên minh Philippines-Việt Nam toàn diện. Đầu tiên, cả hai bên đều có một mức độ ngờ vực. Nhiều người ở Philippines, kể cả trong cộng đồng ngoại giao, cảm thấy bị Việt Nam lừa. Khi Manila khởi xướng vụ kiện ra toà trọng tài về Biển Đông chống lại Bắc Kinh vào năm 2013, những người trách nhiệm của Việt Nam được cho là đã ngụ ý rằng họ sẽ sớm nộp đơn kiện tương tự để ủng hộ.
Điều đó đã không xảy ra, nhiều người Philippines nghi ngờ rằng Hà Nội đang để Philippines chịu mọi rủi ro trong khi ngồi yên để hưởng lợi từ án lệnh của toà trọng tài. Trong khi đó, Hà Nội, lo ngại trước sự thay đổi triệt để trong chính sách đối ngoại của Philippines, lo ngại về độ bền vững của mối quan hệ đối tác lâu dài với một nước láng giềng dường như không đáng tin cậy. Điều này đưa chúng ta đến vấn đề thứ hai: sự khác biệt về chiến lược và ý thức hệ. Mặc dù Philippines có chính sách đối ngoại không ổn định, nhưng hệ thống chính trị dân chủ tự do và cơ sở quốc phòng do Ngũ Giác Đài đào tạo vẫn liên kết rộng rãi với phương Tây. Điều này đặc biệt quan trọng vì nghị trình dân chủ của chính quyền Biden đã kích động giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam, vốn công khai lo ngại về chương trình “cách mạng màu” của phương Tây. Hà Nội, một lần nữa đang tán tỉnh những người anh em cộng sản của mình ở Bắc Kinh, sẽ có những nghi ngờ về việc liên kết toàn diện với Washington và/hoặc các đồng minh khu vực của họ như Manila. Ngoài ra, Hà Nội không thể hoàn toàn xa lánh Bắc Kinh, một đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu.
Trong khi đó, cả những tiếng nói theo chủ nghĩa dân tộc và thân thiện với Bắc Kinh ở Philippines ngày càng tập trung vào sự bành trướng của Việt Nam ở Biển Đông, chỉ ra các hoạt động cải tạo và quân sự hóa của nước này ở các vùng biển đang tranh chấp. Một bình luận gia nổi tiếng người Philippines thân Bắc Kinh đã đi xa đến mức công khai miêu tả Việt Nam là “mối đe dọa nghiêm trọng hơn” ở Biển Đông. Cuối cùng, có những hạn chế về mặt hoạt động để có một liên minh mạnh mẽ. Quân đội của Philippines được trang bị phần lớn bằng vũ khí của Hoa Kỳ và quân đội của Việt Nam được trang bị bằng vũ khí của Nga, thiếu khả năng tương hợp về kỹ thuật và hành quân. Điều này có thể phức tạp hoá bất kỳ kế hoạch nào về các cuộc tập trận lớn, chuyển giao vũ khí và hợp tác quân sự chặt chẽ hơn, ngay cả khi hai quốc gia quyết định tăng cường việc chia sẻ thông tin tình báo và phối hợp ngoại giao ở Biển Đông. Nói tóm lại, một liên minh Philippines-Việt Nam toàn diện, mặc dù rất hấp dẫn, nhưng khó có thể xảy ra sớm.
Tác giả Richard Javad Heydarian là học giả làm việc tại Manila và là tác giả của cuốn sách “Chiến trường mới của châu Á: Mỹ, Trung Hoa và cuộc đấu tranh vì Tây Thái Bình Dương”, và cuốn sách sắp xuất bản “Sự trỗi dậy của Duterte”. Ông hiện là Giáo sư về Địa chính trị tại Đại học Bách khoa Philippines và là tác giả của cuốn sách “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Trump, Trung Hoa và cuộc đấu tranh mới để làm chủ toàn cầu”.
© 2023 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: South China Sea: three barriers to a fully fledged Philippines-Vietnam alliance | Richard Heydarian | SCMP | June 6, 2023.