Đọc “Hồi ký của một thằng hèn” (I)

Uyên Thao

“Không có ông Hồ, không có cái đảng này thì đâu đến nỗi cả dân tộc tôi bị chiến tranh tàn phá, anh em, họ hàng đâu đến nỗi chia lìa, chém giết lẫn nhau, đâu đến nỗi thua xa những nước cũng thuộc địa như nước tôi đến cả thế kỷ về mọi mặt.”

(HKCMTH tr. 388)

Đọc “Hồi ký của một thằng hèn” của Tô Hải
Ngõ cụt Việt Nam và những giấc mơ về Thằng Hèn Chilon Chilonides (1)

Nguồn: TS Tiếng Quê Hương

Từng trang “Hồi ký của một thằng hèn” đưa tôi lui dần về bốn mươi năm trước.

Thuở đó, một buổi sáng cuối năm 1969, tại toà soạn tuần báo Diễn Đàn trên đường Tạ Thu Thâu Sài Gòn, anh Mặc Đỗ nhắc tôi thực hiện ngay số báo đặc biệt về Hồ Chí Minh vừa có tin đã chết.

Anh Mặc Đỗ là chủ bút và tôi là người điều khiển toà soạn.

Lời nhắc của anh tự nhiên làm bừng dậy một loạt hình ảnh từ ký ức.

Trước mắt tôi không còn khung cảnh toà soạn mà là đoạn đường đèo Mang Yang.

Đối diện với tôi không còn nhà văn Mặc Đỗ mà là người lính đầy bụi đất ‒ một đại uý thiết giáp mà tôi nhớ tên là Đào Trọng Trấn. Tôi tới đây khi trận Đức Cơ đã dứt, nhưng toàn Vùng 2 đang căng thẳng vì cuộc nổi dậy của FULRO vào tuần lễ trước –– đêm Giáng Sinh 1965. Chúng tôi bước dọc hàng chiến xa rồi dừng bên một lùm cây. Đại uý Trấn bỗng chỉ tay xuống dải thung lũng bên quốc lộ, bật la:

‒ Đẹp quá! Cảnh đẹp quá!

Rồi anh thở dài:

‒ Lúc này được cùng gia đình lo đón Tết mới thú!

Câu nói bất ngờ tỏ nỗi khát khao của vị chỉ huy đơn vị đang bảo vệ an ninh cho một điểm xung yếu nối cao nguyên với duyên hải đã theo tôi suốt đoạn đường trở lại thị xã Pleiku sau đó.

Sau trân chiến, Đồi 875, Dak To, Vietnam, 22 Nov 67

Tôi như nghẹn thở vì những hình ảnh hỗn loạn, vừa thấy mình dừng giữa dòng suối nhỏ tại Dak To đã lập tức ngồi bên một sân bóng tại Lệ Thanh, rồi chết sững tại một căn cứ địa phương quân Phú Bổn…

Bên tai tôi dội lên tiếng la của người lính vừa cùng tôi vục tay vào dòng suối.

Dòng suối hiện ra như nguồn hạnh phúc cho những kẻ thất thểu gần mười ngày giữa núi rừng khô khốc. Tất cả đang lao xuống suối như bày thú đói lao vào con mồi bỗng sững lại vì tiếng la và nhìn theo bàn tay chỏ một lùm cỏ đen lù lù trôi tới. Giữa đống cỏ và đám lá khô bập bềnh hiện lên một đám tóc rồi một gương mặt đen kịt ruồi muỗi giòi bọ ‒ một đầu người xám xịt nhớp nhúa.

Chiếc đầu theo dòng nước từ từ trôi trước mắt chúng tôi để về đâu không ai biết.

Cũng chẳng bao giờ chúng tôi biết chiếc đầu đó là của ai, bị cắt lìa lúc nào, trong tình cảnh ra sao…

Rồi ngay trước mắt tôi là một phụ nữ với mớ tóc rối mù phủ dài phía trước.

Sợi thừng quấn quanh ngực buộc chiếc xác lên một nhánh cây khiến người đã chết không được nằm yên mà phải đứng gục đầu với hai bàn chân lửng lơ chạm hờ trên mặt đất. Những vệt máu tím ngắt kết dính mấy mảnh áo tả tơi vào bộ ngực nát bấy vì vết đạn.

Chỉ hơn mười tiếng đồng hồ trước đây, chắc chắn người phụ nữ này không thể nghĩ về điều xẩy ra cho chị như tôi đang thấy. Có thể chị vẫn thấy cuộc đời đầy tươi đẹp vì đang xum họp bên chồng con giữa buổi tối mừng lễ Giáng Sinh, dù ở một tiền đồn heo hút trên mảnh đất Phú Bổn xác sơ này.

Dù sao chị cũng may mắn vì chồng con chị đã chia chung mọi điều với chị và hẳn đang ở bên chị dưới mấy nhánh cây không xa. May mắn hơn nữa là chị cùng chồng con rồi sẽ có một nấm mồ vì thân xác còn treo tại đây thay vì trôi trên một dòng suối.

Dù quá quen với cảnh chết chóc, tôi vẫn không thể dừng lâu giữa những xác người dựng đứng bao quanh.

‒ Không cách gì trốn khỏi được!

Đó là mấy lời ngắn ngủi của một thiếu tá Biệt Động Quân.

Chúng tôi quen nhau từ tuổi học trò và gặp lại sau nhiều năm xa cách giữa vùng núi Chu Prong sặc mùi tử khí. Thằng bạn hiền hoà học cùng lớp với tôi từ trường Thăng Long qua trường Văn Lang Hà Nội mấy năm 1950-1953 mang gương mặt cằn cỗi khó ngờ.

Ngồi bệt trên bờ hào, nhìn quanh lơ đãng, anh nói với tôi mà như đang nói với chính mình:

‒ Tao không sợ hành quân mà chỉ sợ lúc trở về. Những lúc đó tao chỉ muốn trốn mà… không cách gì trốn khỏi được!

Tôi không ngạc nhiên về sự muốn trốn khi một cuộc hành quân chấm dứt.

Không muốn trốn sao được khi biết chắc đang chờ phía trước là những gương mặt căng thẳng đón xem trong số người về còn có người thân của mình không?

Càng muốn trốn hơn nữa khi phải nhìn nỗi đau oà vỡ của những người vợ yếu đuối, những đứa trẻ ngây thơ thấy chồng, cha trở về trong gói poncho, nhất là lúc cả đám đông chan hoà nước mắt vây quanh người chỉ huy để cùng nhao nhao cất lên một câu hỏi như đang mê sảng:

‒ Thiếu tá ơi, chồng tôi đâu?

“Em hỏi anh, em hỏi anh, bao giờ trở lại ?
Xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về”

Chẳng ai cần trả lời nhưng những câu hỏi cứ vang lên như những lằn đạn kinh hoàng không một lằn đạn kinh hoàng nào giữa trận địa so nổi.

Một rừng hoang ký ức vây hãm tôi trên đoạn đường dài do câu nói bất ngờ của đại uý Trấn.

Tôi không tìm nổi lý do chính đáng cho việc cần xô mọi người vào những cảnh sống mà tôi đã gặp.

Không lý do nào đứng vững khi trút cả tràng đạn vào ngực một phụ nữ yếu đuối và lúc nạn nhân đã gục xuống lại dựng đứng cái xác dưới một nhánh cây. Người phụ nữ đó phải sống giữa một tiền đồn chỉ vì có chồng là lính địa phương quân.

Càng không có lý do nào đứng vững khi những đứa trẻ chưa quá 5 tuổi đầu vẫn bị bắn hạ và treo xác chỉ vì cha chúng là người cầm súng.

Chỉ những con tim gạch đá và những bộ óc ngập đất bùn mới tạo nổi lý do chính đáng cho các hành động này, nhất là những nạn nhân còn trở thành con số ghi dấu chiến công đã diệt bao nhiêu tên địch!

Nỗi khát khao nhỏ bé được cùng gia đình lo đón Tết mà người sĩ quan thiết giáp vừa thốt lên bỗng như vầng khói sương hư ảo. Ngay cái đỉnh đèo mà tôi vừa đứng bên anh cũng chìm dưới hình ảnh những xác chết ngổn ngang để xoá nhoà hẳn nét đẹp mà anh nhìn thấy. Cảnh sắc thiên nhiên không bao giờ thay đổi, nhưng tôi không thể quên những cuộc tàn sát từng diễn ra chính trên đoạn đường này, nhất là không thể quên những thân xác vào nhiều ngày tháng trước đã nằm gục theo mọi tư thế bên những gốc cây, những mô đất mà chúng tôi vừa bước qua…

Những hình ảnh đó đã trở thành đời sống Việt Nam do ý hướng của một con người mà anh Mặc Đỗ vừa nhắc tôi thực hiện số báo đặc biệt về con người ấy.

Lúc nhấc điện thoại liên lạc với các cộng tác viên, tôi nhớ lại mấy câu thơ “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua ‒ Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà…” của Hồ Chí Minh mà đài Hà Nội truyền đi và bên tai vang lên câu nói của người tuỳ viên văn hoá toà đại sứ Mỹ vào dịp tiếp xúc với một nhóm cầm bút trẻ tại Sài Gòn mấy năm trước, năm 1964. Chưa bao giờ tôi nghĩ người Mỹ hiểu thấu hoặc ưu tư về tâm cảnh người dân Việt Nam, nhưng câu nói của người tuỳ viên đã khiến tôi chấn động thực sự. Ông ta hỏi: “Giới trẻ Sài Gòn nghĩ gì về nhân vật Hồ Chí Minh?” Bạn tôi, Vũ Ngọc Đĩnh, trả lời: “Hồ Chí Minh là người yêu nước, nhưng đã lầm đường.” Người tuỳ viên văn hoá mà đa số lớp trẻ Sài Gòn nghĩ là mù mịt về văn hoá Đông Phương đã lắc đầu nói ông ta không nghĩ vậy, vì theo ông ta, người yêu nước trước hết phải thương dân. “Hồ Chí Minh đam mê sự nghiệp của ông ta chứ không thương dân. Không thể bảo ông ta là người yêu nước!

Dưới làn đạn bắn tỉa, một phụ nữ Việt Nam bế một đứa trẻ đến nơi an toàn khi lính TQLC Mỹ xông vào làng Mỹ Sơn, gần Đà Nẵng, tìm kiếm quân nổi dậy Việt Cộng, ngày 25 tháng 4 năm 1965. Điển hình trong những tình cảnh như vậy, những người đàn ông trong làng hầu như đã biến mất, và những người dân làng còn lại không tiết lộ gì nhiều được hỏi. Ảnh: Eddie Adams/AP
“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua ‒ Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà…”, HCM, Tết Mậu Thân

Kể từ ngày đó, tôi luôn cố tìm con tim rung động trước nỗi đau của đồng bào nơi những con người được tôn xưng là yêu nước và không ngớt thắc mắc về sự viện dẫn tình yêu nước để đẩy đất nước vào vòng lửa đạn với hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu cái chết oan khiên đau đớn.

Ít ngày trước khi ghé Mang Yang, tôi ghé một quán nước gần khoảnh đất trống bên quận lỵ Lệ Thanh cũng là sân bóng chuyền của những người lính đồn trú gần đó và đám trai trẻ địa phương. Niềm vui quây quanh trái bóng tại đây đã biến một nhóm sáu chàng trai thành tâm điểm thu hút. Tôi gặp những chàng trai này khi họ vừa qua một trận đấu, đang ngồi với đám học sinh nhỏ ngưỡng mộ họ. Thấy tôi đeo máy ghi âm, cả nhóm đề nghị mở cho nghe một bài ca. Cuốn băng đang nằm trong máy của tôi chỉ ghi phần kết bản trường ca Mẹ Việt Nam của Phạm Duy. Tôi không tin đám trẻ mười tám, hai mươi sống giữa vùng gió bụi mưa mù này thích nghe bản nhạc, nhưng vẫn chiều ý. Không ngờ họ đòi tôi cho nghe lại, và hết thẩy đều như chết lặng trước từng lời ca. Rồi một chàng trai vừa chấm mấy giọt nước mắt trên gò má vừa xin tôi cuốn băng. Nỗi xúc động hiện trên từng khuôn mặt khiến tôi hứa sẽ trở lại vào tuần sau và tặng cuốn băng ghi trọn ba phần của bản trường ca thay vì cuốn băng này.

Tôi trở lại như đã hứa, nhưng quán nước bên đường chỉ còn là đống dấu tích tan hoang.

Đợt pháo kích bất ngờ vào buổi chiều ba ngày trước đã biến cả sáu chàng cầu thủ bóng chuyền, đám học sinh nhỏ và gia đình chủ quán thành tro bụi, khi họ đang ngồi quây bên nhau như thường lệ.

Các nạn nhân vừa được chôn cất ngày hôm trước.

Tôi quay ra xe như kẻ vô hồn, thay vì mở máy xe, đã mở đoạn cuối cuốn băng với những lời ca mà tôi ngỡ chỉ là tiếng nấc nghẹn của Thái Thanh:

Mẹ Việt Nam ơi! Mẹ Việt Nam ơi!
Chúng con đã về khát khao hơi Mẹ
Chúng con xin thề giữ thơm quê Mẹ
Cuộc đời rồi phai tàn sau thế giới
Chỉ còn tình yêu của Mẹ mà thôi!

Mấy giọt nước mắt trên gò má chàng trai chỉ một lần thoáng gặp tại xó rừng mịt mù bụi đỏ như có ma lực thúc đẩy một nỗi bứt rứt khó tả. Tôi cứ thấy những giọt nước mắt đó khởi từ con tim đằm thắm của một tâm hồn nhân hậu chỉ hứa hẹn sự tốt lành. Những con tim và những hứa hẹn đó hẳn có ở nhiều nơi nhưng số phận dành cho tất cả chỉ là tro bụi.

Và, những dòng chữ của Tô Hải hiện lên:

“Tôi đã thấy… Cả một xã không còn bóng đàn ông, trắng xóa khăn tang của các chị, các mẹ… Cả một đơn vị, một chuyến phà, một đoàn xe, một gương mặt, thậm chí một bà mẹ già còng lưng chở lính qua sông, mẹ Suốt, một tiểu đội con gái đêm đêm san đường, lấp hố bom, mới gặp mặt hôm trước thì hôm sau đã thành tro bụi. Đố ai tìm được cái xác nào sau khi bom B52 rơi trúng bến phà Xuân Sơn nhỏ bé ở Quảng Bình, ở ngã ba Đồng Lộc ấy! Bản thân tôi, khi trực tiếp gặp họ, tôi đều nghĩ: ‘Chắc đây là lần gặp… cuối cùng.’ Và, quả là như vậy”.

(HKCMTH – tr. 279)

Đó là quê hương Việt Nam trong cuộc chiến dài gần nửa thế kỷ mà chính người tự nguyện bước vào cuộc chiến như Tô Hải đã nhận định:

“Với tôi cũng như với nhiều người được đọc, được nghe và có được tí chút độc lập suy nghĩ thì cuộc chiến chống Mỹ chẳng có gì là bất ngờ… Đâu phải nó nổ ra từ vụ hải quân tí hon Bắc Kỳ dám “đánh cú liều” vào tầu Maddox ở vịnh Bắc Bộ! Quần áo, mũ, giày, thắt lưng, bao đạn, lương khô… tất cả là…Tàu! Kalachnikoff, T54, Sam I, Sam II, Mig 17 hay Mig 21…tất cả đều đến từ Matxcơva… Còn dân Việt Nam chỉ có… người mà con người Việt Nam thì chỉ cần đứng trước hai chữ “xâm lược” là sẵn sàng, kẻ thù nào cũng… “oánh”!”

(HKCMTH – tr. 266)

Cảm giác nhục nhã vì mang thân nô lệ khiến nỗi uất hận do cảnh sống bất công những ngày tháng trước vẫn chưa nguôi, dù chế độ thực dân Pháp đã chấm dứt từ đầu tháng 3, 1945 và đất nước đã có một chính quyền tự chủ khi người Nhật buông súng đầu hàng. Cảm giác này khiến một thế hệ trẻ dễ dàng biến thành công cụ trong tấn tuồng lường gạt bi thảm mà nạn nhân gồm cả bản thân họ.

Tô Hải kể về cái ngày khởi đầu sa hố đó:

“Đúng ngày 17 tháng 8 năm 1945, chúng tôi kéo nhau đến quảng trường Nhà Hát Lớn Hà Nội mít-tinh chào mừng chính phủ Trần Trọng Kim. Cuộc mít-tinh bắt đầu được mấy phút bỗng hàng loạt cờ đỏ sao vàng được tung ra, cờ quẻ ly bị giật xuống và trên bục diễn giả xuất hiện một người đeo poọc-hoọc, đăng đàn diễn thuyết, kêu gọi đồng bào đi theo Việt Minh, đánh Pháp, đuổi Nhật, đòi lại áo cơm, tự do, xóa bỏ gông xiềng… Những khẩu hiệu vừa phát ra đã có hàng ngàn người hô to hưởng ứng. Không một tiếng súng. Không một sự phản kháng từ ai, từ đâu, dù trại lính Nhật ở cách đó chỉ khoảng 300 mét!

Cuộc khởi nghĩa thành công nhanh như thế đó!

Sau này, loại thanh niên “yêu nước hồn nhiên” bọn tôi đâu có dám lên tiếng khi nghe người ta tự tâng bốc kể công với lịch sử rằng “Đảng đã lãnh đạo toàn dân nổi dậy đánh Pháp, đuổi Nhật dành tự do, độc lập cho đất nước!”

Và các nhà viết sử Nhà Nước Cộng Sản cũng lờ tịt luôn cái chuyện Việt Minh cướp chính quyền từ chính phủ quân chủ lập hiến Trần Trọng Kim ‒ không khác vụ lật đổ chính phủ Kerensky ở nước Nga trong lúc nội tình nước này đang bối rối.

Thực tế lúc ấy là… chúng tôi có biết gì đến cái đảng cộng sản cộng xiếc, nhất là ông Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh sau đó còn công khai tuyên bố GIẢI TÁN ĐẢNG của ông ta trước thế giới và đồng bào cả nước! Trong chính phủ có đầy đủ các vị Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh… và cả “cố vấn” Bảo Đại nữa.

“Quả lừa lịch sử” bắt đầu chính là từ đây! Vận nước khốn nạn nhất cũng bắt đầu từ đây!

Tại sao Việt Nam không độc lập như Mã Lai, Nam Dương, Ấn Độ, Thái Lan, Phi Luật Tân… mà phải qua 30 năm chém giết kẻ thù thì ít… mà chém giết nhau thì nhiều?”… Đây là sự hy sinh cực kỳ vô duyên cho cái chủ nghĩa không tưởng, cho sự tiếm quyền của một lớp người âm mưu làm VUA của cái nước Việt Nam khốn khổ này bằng chiêu bài Độc Lập, Tự Do mà ở các nước, người ta đã có từ nửa thế kỷ nay rồi vì may mắn thay, họ không có Đảng Cộng Sản cầm quyền! Bi kịch lớn của triệu tấn bi kịch nhỏ chính là đây!

(HKCMTH – tr. 424 – 425)

Bi kịch đã phủ trùm đất nước do lệnh truyền chém giết viện dẫn lý do “đế quốc Mỹ đang xâm chiếm miền Nam, đồng bào bị bóc lột, đày đọa”, dù nhiều người sắm vai trong tấn kịch luôn tái tê tự vấn:

“Từ nay đến ngày ‘ngụy nhào…’ miền Bắc còn bao nhiêu xương rơi, máu đổ? Phía bên kia thì thằng Phát, thằng Đạt, những đứa em tôi; thằng Định, thằng Thọ, những bạn học của tôi … bao giờ sẽ trở thành món ‘thịt băm’ trước cái quyết tâm ‘còn cái lai quần cũng đánh’ của ‘ta’”?

(HKCMTH – tr.291 – 292)

Vì họ đã thấy không đế quốc nào xâm lược, không có ai bị đọa đày mà cuộc chiến đã khởi từ mưu đồ độc bá của chỉ một nhóm, thậm chí của chỉ một người:

“Không có ông Hồ, không có cái đảng này thì đâu đến nỗi cả dân tộc tôi bị chiến tranh tàn phá, anh em, họ hàng đâu đến nỗi chia lìa, chém giết lẫn nhau, đâu đến nỗi thua xa những nước cũng thuộc địa như nước tôi đến cả thế kỷ về mọi mặt.”

(HKCMTH tr. 388)


(Còn tiếp phần Kết)

© 2009-2023 DCVOnline


Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Đăng lần đầu 21-04-2009

(1) Chilon Chilonides là một nhân vật hư cấu. Chilon là một kẻ bịp bợm và là một thám tử tư. Ông được Marcus mướn đi tìm Lygia. Trong nhiều bộ phim, nhân vật này bị loại bỏ, ngoại trừ loạt phim nhiều tập do Ba Lan sản xuất vào năm 2001. Tuy nhiên trong cuốn tiểu thuyết của Henryk Sienkiewicz “Quo Vadis: A Narrative of the Time of Nero” Chilon đóng một vai trò quan trọng. Một kẻ phản bội đôi và kết cuộc của hắn là nguồn cảm hứng từ Thánh Dismas. trong. Đọc bản dịch (điện tử) từ tiếng Ba Lan của Jeremiah Cuurtin tại đây.

Bạn đọc có thể liên lạc mua sách tại
Tủ sách Tiếng Quê Hương
P.O Box 4653
Falls Church, VA 22044 – USA | E-mail: [email protected]