Nghiên cứu mới khám phá nguyên nhân sụp đổ của nhà Thanh

Complexity Science Hub | DCVOnline

Triều đại nhà Thanh ở Trung Hoa, sau hơn 250 năm, sụp đổ vào năm 1912.

Một nhóm nghiên cứu quốc tế do Trung tâm Khoa học Phức tạp (CSH) lãnh đạo,  đã xác định chính xác những nguyên nhân chính đằng sau sự sụp đổ, tiết lộ những điểm tương đồng với sự bất ổn hiện đại và đưa ra những bài học quan trọng cho tương lai.

Trung Hoa ngày nay được coi là nền kinh tế lớn nhất thế giới (tính theo PPP). Tuy nhiên, vị thế này không mới. Năm 1820, nền kinh tế Trung Hoa đã giữ vị trí hàng đầu, chiếm 32,9% GDP toàn cầu. Trong thời gian đó, đã có một thời kỳ suy thoái, sau đó là sự hồi sinh. Sau hơn 250 năm nắm quyền, vào năm 1912, nhà Thanh sụp đổ mặc dù lúc đó giàu có hơn đáng kể so với Trung Hoa ngày nay. Georg Orlando, tác giả chính của nghiên cứu, nhấn mạnh: “Điều này chứng tỏ rõ ràng rằng bất kỳ nền kinh tế nào cũng phải cảnh giác vì hoàn cảnh có thể thay đổi và đôi khi khá nhanh chóng.

Nguyên nhân xưa và bây giờ giống nhau

Chuyên gia nghiên cứu CSH, Peter Turchin, nói,

“Điều quan trọng là phải hiểu được nguồn gốc của những bất ổn đó. Cho rằng đó là chuyện quá khứ và không thể tái diễn thì đó là một sai lầm. Những thay đổi như vậy thực sự có thể xảy ra vì những cơ chế căn bản có những điểm tương đồng đáng ngạc nhiên.”

Peter Turchin

Giới khoa học đã cố gắng xác định nguyên nhân đằng sau sự sụp đổ của nhà Thanh trong hai thế kỷ. Nhiều yếu tố khác nhau đã được đề cập đến trước đây, kể cả thảm họa môi trường, sự xâm lấn của nước ngoài, nạn đói hoặc những cuộc nổi dậy. Turchin nói, tuy nhiên, “không có yếu tố nào trong số này đưa ra lời giải thích toàn diện.”

Bản đồ nhà Thanh năm 1820 © Wikimedia Commons CC BY-SA 3.0

Ba động lực chính

Do đó, trong nghiên cứu này, giới nghiên cứu đã tổng hợp nhiều yếu tố khác nhau và nhận thấy rằngcó ba yếu tố làm tăng áp lực chính trị xã hội một cách đáng kể.

Thứ nhất, đã có sự bùng nổ dân số gấp bốn lần từ năm 1700 đến năm 1840. Điều này dẫn đến diện tích đất cho mỗi đầu người giảm và gây ra tình trạng bần cùng hóa nông dân.

Thứ hai, điều này dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng tăng để giành được những vị trí ưu tú. Trong khi số ứng cử viên tăng vọt thì số người đạt được bằng cấp học thuật cao nhất lại giảm xuống, đạt mức thấp nhất vào năm 1796. Bởi vì bằng cấp cao là yếu tố cần thiết để có được một vị trí trong bộ máy quan liêu quyền lực của Trung Hoa, nên sự không phù hợp giữa số chức vụ và những người mong muốn có được chức vụ trong chính quyền đã tạo ra một số lớn những người khao khát là thành phần ưu tú bất mãn. Những người lãnh đạo Cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc, có lẽ là cuộc nội chiến đẫm máu nhất trong lịch sử loài người, đều là những kẻ muốn trở thành giới tinh hoa nhưng thất bại.

Phiến quân Thái Bình đang rút lui qua một cây cầu bị quân đội hoành triều Trung Hoa truy đuổi trong trận chiến tại Thụy Châu năm 1857. Tác phẩm này là một trong loạt 20 phần tranh vẽ thế kỷ 19 kỷ niệm Cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc. SOTHEBYS/AURIMAGES

Thứ ba, gánh nặng tài chính của nhà nước leo thang do chi phí gia tăng liên quan đến việc ngăn chặn tình trạng bất ổn, năng suất bình quân đầu người giảm và thâm hụt thương mại gia tăng xuất phát từ việc cạn kiệt nguồn dự trữ bạc và nhập cảng thuốc phiện.

Nói chung, những yếu tố này lên đến đỉnh điểm trong một loạt các cuộc nổi dậy báo trước sự kết thúc của nhà Thanh và gây thiệt hại nặng nề về sinh mạng người Trung Hoa.

Nhà Thanh biết trước

Theo kết quả nghiên cứu tìm được, căng thẳng xã hội đã lên đến đỉnh điểm từ năm 1840 đến năm 1890. Turchin giải thích: “Giả định rằng tần lớp cai trị nhà Thanh không biết về áp lực ngày càng gia tăng này là sai lầm.” Thực tế là triều đại đã tồn tại cho đến năm 1912 phần nào nhấn mạnh sự vững mạnh của các cơ cấu thể chế của nó.

Tuy nhiên, nhiều giải pháp mà họ đã cố gắng thực hiện tỏ ra thiển cận hoặc không phù hợp với việc phải làm; ví dụ, chính phủ đã tăng số sĩ tử đỗ trong những kỳ thi cấp bằng nhất định nhưng không tăng số việc làm trong triều. Điều này cuối cùng đã làm trầm trọng thêm những căng thẳng vốn đã gia tăng. Với sự xuất hiện của những kẻ thách thức địa chính trị  hùng mạnh vào cuối thế kỷ 19, tần lớp cai trị cuối cùng đã không thể ngăn chặn sự sụp đổ của chính họ.

Ngăn ngừa bất ổn hiện nay

Chúng ta có thể rút ra những bài học quý giá từ tiến trình lịch sử này cho thời đương đại và tương lai. Nhiều quốc gia trên thế giới đang phải vật lộn với tình trạng bất ổn tiềm ẩn và những điều kiện gần giống với thời nhà Thanh. Ví dụ, sự cạnh tranh cho các vị trí hàng đầu vẫn cực kỳ khốc liệt. Orlandi cảnh cáo, “Khi một số lớn những cá nhân tranh giành một số vị trí có giới hạn, những người  quyết định chính trị nên coi đây là một lá cờ đỏ, vì ít nhất nó có thể dẫn đến sự bất ổn leo thang.

Đồng tác giả và Nhà nghiên cứu liên kết với CSH, Daniel Hoyer, cho biết thêm: “Thật không may, ảnh hưởng ăn mòn của tình trạng bất bình đẳng gia tăng và cơ hội giảm dần phát triển theo thời gian dài hơn khiến khó nhận ra chúng.”

Quốc gia. Nếu không có tầm nhìn dài hạn và những chiến lược có mục tiêu nhằm giảm bớt những áp lực xã hội này, nhiều nơi có nguy cơ đi theo con đường của nhà Thanh.”

Không ai đoán được tương lai

Orlandi giải thích, “Chúng tôi không phải là nhà tiên tri. Mục đích chính của chúng tôi là hiểu rõ những động lực xã hội, sau đó chúng tôi có thể dùng chúng để đưa ra dự báo.”

Hiệu quả của nỗ lực này bằng cách sử dụng Lý thuyết Nhân khẩu học Cấu trúc (SDT), một phương pháp do Peter Turchin đồng phát minh, đã cho thấy xã hội là những hệ thống tương tác phức tạp, đã được giới nghiên cứu chứng minh nhiều lần. Ví dụ, một nghiên cứu được công bố vào năm 2010 đã dự báo sự bất ổn ở Mỹ vào năm 2020.

Tìm hiểu thêm | Nghiên cứu “Phân tích cấu trúc-nhân khẩu học của sự sụp đổ của nhà Thanh (1644–1912) ở Trung Hoa” của Georg Orlandi, Daniel Hoyer, Hongjun Zhao, James S. Bennett, Majid Benam, Kathryn Kohn và Peter Turchin đã đăng trên PLOS ONE (doi : 10.1371/journal.pone.0289748).

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: New Study Uncovers The Causes Of The Qing Dynasty’S Collapse | Complexity Science Hub | AUG 31, 2023.