Pierre Poilievre nói rằng cuộc bỏ phiếu chống hiệp định thương mại tự do với Ukraine chính là vì việc định giá carbon. Nếu ông ấy đúng thì sao?
Aaron Wherry | DCVOnline
Lãnh đạo đảng Bảo thủ Pierre Poilievre nói rằng đảng của ông ủng hộ Ukraine và cũng ủng hộ thương mại tự do với Ukraine.
Nhưng trong tuần này lúc Hạ viện bỏ phiếu về luật để thi hành bản cập nhật hiệp định thương mại tự do của Canada với Ukraine, 109 dân biểu Đảng Bảo thủ đã bỏ phiếu chống lại dự luật.
Thực tế đơn giản chính những lá phiếu đó — sau hai năm nhận được sự ủng hộ rộng rãi của đa đảng dành cho Ukraine khi nước này phải tự vệ trước cuộc xâm lăng của Nga — cũng rất đáng chú ý. Điều đáng chú ý hơn nữa là những nỗ lực của người lãnh đạo Đảng Bảo thủ để biện bạch những lá phiếu chống đối của tất cả dân biểu đảng Bảo thủ.
Theo Poilievre, tất cả là vì thuế carbon áp đặt lên Ukraine bằng cách nào đó.
Lãnh đạo đảng Bảo thủ Pierre Poilievre nói rằng đảng của ông không ủng hộ việc hiện đại hóa Hiệp định Thương mại Tự do Canada-Ukraine vì nó liên quan đến việc cổ xuý việc định giá carbon.
Hôm thứ Tư, Poilievre nói với phóng viên:
“Tôi thực sự nghĩ rằng nó nói lên việc [Justin] Trudeau bị ám ảnh một cách bệnh hoạn như thế nào về thuế carbon, rằng khi con dao kề cổ người Ukraine, ông ấy sẽ dùng nó để áp đặt ý thức hệ thuế carbon lên những người nghèo đó. Thuế carbon là cái mà họ không cần khi đang cố gắng xây dựng lại sau chiến tranh và cuộc xâm lăng bất hợp pháp này của Nga.”
Poilievre
Sau đó, trong thời gia Hỏi Đáp ở Hạ viện, Poilievre cáo buộc chính phủ Tự do “phản bội” Ukraine. Hôm thứ Năm, Đảng Bảo thủ đã dùng những nhóm chữ như “tàn nhẫn” và “kinh tởm” để mô tả những gì ông cho rằng chính phủ Tự do đang làm.
Ukraine đã áp dụng thuế carbon từ nhiều năm qua
Nguyên nhân của những lo ngại của Poilievre dường như là một điều khoản trong chương 13 của thỏa thuận hiện đại hóa giữa Canada và Ukraine (thỏa thuận mới có tới 30 chương, cộng với một số phụ lục).
Thỏa thuận nêu rõ:
Nhìn bề ngoài, văn bản đó dường như không có vẻ mang tính ép buộc đặc biệt — và hai bên liên quan xác nhận là không phải vậy. Điều trần trước ủy ban Hạ viện hồi đầu tháng này, trưởng đoàn đàm phán thương mại của chính phủ liên bang cho biết những điều khoản này không mang tính ràng buộc và nhằm mục đích thúc đẩy thảo luận và hợp tác.
Hôm thứ Năm, người phát ngôn của toà đại sứ Ukraine ở Ottawa nói với tờ Globe and Mail thỏa thuận hiện đại hóa “không có bất kỳ công cụ cụ thể nào về giảm lượng khí thải carbon, kể cả những công cụ thuế cụ thể.”
Việc Poileivre nhấn mạnh rằng điều này nhằm “áp đặt” thuế carbon đối với người Ukraine cũng khó có thể phù hợp với thực tế là Ukraine đã áp dụng thuế carbon từ năm 2011.
Ngay cả khi tự vệ trước cuộc xâm lăng của Nga, chính phủ Ukraina cũng được cho là đang phát triển hệ thống buôn bán khí thải của riêng — một hình thức định giá carbon — để đưa những chính sách của Ukraine phù hợp với những chính sách thương mại của Liên minh Châu Âu.
Ukraine đang tích cực tìm cách trở thành thành viên trong EU. Nếu hoặc khi điều đó xảy ra, quốc gia này có thể sẽ tham gia hệ thống mua bán khí thải của Châu Âu, hệ thống này đã được áp dụng từ năm 2005.
Đảng Tự do đưa ra lời giải thích riêng của họ
Trong khi Đảng Tự do tố cáo Đảng Bảo thủ bỏ phiếu chống lại thỏa thuận hiện đại hóa, Bộ trưởng Lao động Seamus O’Regan cũng tuyên bố vào hôm thứ Tư rằng “không ai tin lý do viện dẫn thuế carbon này.”
Trong khi đó, lãnh đạo Chính phủ tại Hạ viện Karina Gould dường như ám chỉ một động cơ khác khi bà nói rằng “Đảng bảo thủ đang theo bước những chính trị gia cánh hữu của Mỹ.”
Đúng là những đảng viên Đảng Cộng hòa ở Mỹ đang bị chia rẽ về việc có nên viện trợ hay viện trợ Ukraine ở mức độ nào hay không trong cuộc chiến chống lại Nga. Sự phản đối của đảng Cộng hòa tại Quốc hội hiện đang cản trở dự tính viện trợ mới nhất của Mỹ. Và quan điểm về việc những người bảo thủ Canada đi theo quỹ đạo của những người bảo thủ Mỹ có vẻ đặc biệt hợp lý đối với những người Tự do, đang muốn tạo ra những mối liên hệ như vậy.
Nhưng đó chỉ là lý thuyết. Cho đến nay có rất ít bằng chứng chứng minh điều đó.
Đảng Tự do có thể tin rằng cuộc thảo luận về thuế carbon chỉ là màn che đậy. Nhưng bây giờ đã đủ để đánh giá lời giải thích của Đảng Bảo thủ về cuộc bỏ phiếu dựa trên giá trị riêng của nó.
Bất chấp những lỗ hổng trong lý thuyết của Poilievre — rằng việc cập nhật một hiệp định thương mại tự do bằng cách nào đó sẽ “áp đặt” thuế carbon đối với Ukraine — liệu vẫn có thể quan điểm của Đảng Bảo thủ có liên quan gì đó đến việc họ phản đối thuế carbon?
Nếu đó thực sự là về việc định giá carbon thì sao?
Khi Poilievre được hỏi vào thứ Tư tại sao ông đã bỏ phiếu chống lại đạo luật này, ông tuyên bố — trước khi tuyên bố rằng “nỗi ám ảnh bệnh lý” của Trudeau đã khiến thủ tướng áp dặt chính sách khí hậu lên Ukraine — rằng đảng của ông “chống lại việc đưa thuế carbon vào bất kỳ hiệp định thương mại nào.”
Nếu người ta bỏ qua phần còn lại trong câu trả lời của Poilievre, có thể nhận xét ban đầu đó đưa ra lời giải thích hẹp hơn — rằng Đảng Bảo thủ đã từ chối một hiệp định thương mại tự do chỉ vì nó có nhóm chữ “định giá carbon.” Nhưng điều đó đặt ra những câu hỏi khác.
Hứa hẹn xoá bỏ cả hai yếu tố sẽ tạo ra một lỗ hổng lớn hơn nữa trong chính sách hiện hành để đối phó với biến đổi khí hậu của Canada để Đảng Bảo thủ thay thế bằng những chính sách khác. Nhưng liệu Đảng Bảo thủ có thể phản đối một cách hợp lý một hiệp định thương mại tự do vì nó đề cập đến việc “định giá carbon” đồng thời chấp nhận một số hình thức định giá carbon không? Có lẽ họ hài lòng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đó sau.
Trong khi đó, Đảng Bảo thủ có thể phải giải thích rằng 109 dân biểu Đảng Bảo thủ đã bỏ phiếu chống lại hiệp định thương mại tự do gồm 30 chương với một đồng minh Canada chỉ vì nó có nhóm chữ “định giá carbon” trong một điều khoản không ràng buộc.
Đảng Bảo thủ có coi đó là vấn đề nguyên lý không? Họ có tin rằng họ sẽ phải chịu thiệt hại về mặt chính trị với những người ủng hộ nếu họ bỏ phiếu ủng hộ một hiệp định thương mại có những từ ngữ đó không? Dựa trên cơ sở nào để bỏ phiếu chống lại toàn bộ thỏa thuận chỉ vì một tham chiếu duy nhất về định giá carbon?
Bất kể những câu hỏi đó được trả lời như thế nào, có thể công bằng mà nói rằng khi Poilievre cáo buộc Trudeau “bị ám ảnh một cách bệnh lý” về thuế carbon, ông ấy có thể đang phóng chiếu.
TÁC GIẢ | Aaron Wherry là ký giả đưa tin về Parliament Hill từ năm 2007 và đã viết cho Maclean’s, National Post và Globe and Mail. Ông là tác giả của Promise & Peril, một cuốn sách về những năm nắm quyền của Justin Trudeau.
© 2023 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Pierre Poilievre says the vote was all about carbon pricing. What if he’s right? |Aaron Wherry | CBC News | Nov 24, 2023