Di sản giết người của Henry Kissinger

Joseph Massad | Trần Giao Thuỷ

Những tội ác diệt chủng, vô luân của Kissinger cho thấy ông là một đại diện trung thành của giới tinh hoa Hoa Kỳ mà ông đã suốt đời phục vụ.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tham dự một buổi lễ ở Berlin tháng 1/2020 (AFP)

Không có gì đáng chú ý về sự ra đời của Heinz Alfred Kissinger vào ngày 27 tháng 5 năm 1923 trong một gia đình người Đức gốc Do Thái ở Furth, một thành phố ở Bavaria, đã qua đời hôm thứ Tư, thọ tuổi 100.

Năm 1938, khi 15 tuổi, ông và gia đình chạy trốn khỏi Đức Quốc xã đến New York trước Kristallnacht [“Crystal Night”, đêm ngày 9 đến sáng ngày 10 tháng 11 năm 1938, khi Đức Quốc xã tấn công và cướp tài sản của người Do Thái.] Khi thiếu niên Heinz trở thành Henry ở Mỹ, và vẫn giữ giọng Đức nặng nề, không ai có thể ngờ rằng khi trưởng thành, ông ta sẽ ra lệnh sát hại hàng trăm ngàn người và kết quả là trở thành triệu phú.

Năm 1943, lúc 20 tuổi Kissinger gia nhập quân đội Mỹ. Ông ấy trở thành là công dân Hoa Kỳ cùng năm. Ông ta phục vụ trong sư đoàn quân báo vì thông thạo tiếng Đức và phụ trách một toán tình báo ở nước Đức khi Mỹ chiếm đóng, phụ trách công tác phi phát xít hóa.

Sau chiến tranh, Kissinger theo học tại Harvard , tốt nghiệp cử nhân khoa học chính trị năm 1950 và tiến sĩ năm 1954. Khi còn đi học vào năm 1952, ông làm việc cho Ban Chiến lược Tâm lý của chính phủ Hoa Kỳ, do Toà Bạch Ốc thành lập năm 1951 để tuyên truyền chống lại chủ nghĩa cộng sản ủng hộ Hoa Kỳ và “dân chủ”. Đây là thời điểm Mỹ xâm lăng Đại Hàn và quân đội Mỹ đã giết chết hàng triệu người.

‘Mọi thứ đều bị phá hủy’

Như Tư lệnh Không quân Hoa Kỳ, Thiếu tướng Emmett O’Donnell đã trình bày tại phiên điều trần tại Thượng viện vào thời điểm đó: “Mọi thứ đều bị phá hủy. Không có gì đáng kể chưa đổ nát… không còn mục tiêu nào ở Đại Hàn [để thả bom] nữa.” Chiến tranh tâm lý Mỹ vẫn gọi tội ác diệt chủng của Mỹ ở bán đảo Triều Tiên là “Chiến tranh Triều Tiên”.

Tại Hội thảo Quốc tế Harvard, nơi ông giúp thành lập một chương trình học hè quy tụ những nhân vật lãnh đạo trẻ tương lai từ khắp nơi trên thế giới, Kissinger tình nguyện theo dõi những người tham dự FBI và những đồng môn ở Harvard của ông.

Trong công trình nghiên cứu của mình, Kissinger nhấn mạnh rằng tính hợp pháp của trật tự quốc tế chỉ cần có sự đồng ý của những cường quốc. Về vấn đề đạo đức, ông cho rằng nó không thích đáng. Như Thomas Meaney giải thích trên tờ New Yorker, đối với Kissinger, “sự không xác định về mặt đạo đức là điều kiện tự do của con người”.

Năm 1952, Kissinger biên tập và đăng một bài báo trên tạp chí Confluence của Ernst von Salomon, một kẻ sát nhân bị kết án vì tham gia vào vụ ám sát Bộ trưởng Ngoại giao của Cộng hòa Weimar. Những cộng tác viên người Đức gốc Do Thái di cư với tạp chí, trong đó có Hannah Arendt và Reinhold Niebuhr, không hài lòng. Kissinger nói đùa với một người bạn rằng bài báo được coi là “một triệu chứng của sự đồng cảm toàn trị và thậm chí là Đức Quốc xã của tôi”.

Chính sách hạch tâm

Ông cũng là giám đốc nghiên cứu về vũ khí hạch tâm và chính sách đối ngoại tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại năm 1955-56, đồng thời xuất bản cuốn sách Vũ khí hạch tâm và Chính sách đối ngoại năm 1957, cho rằng Mỹ nên thường xuyên sử dụng vũ khí hạch tâm chiến thuật trong chiến tranh để bảo đảm đạt được chiến thắng. Giới phê bình sau đó đã chế nhạo ông là “Tiến sĩ Henry Killinger”, giống như chương trình hoạt hình Venture Bros đã làm vào những năm 2000.

Người viết tiểu sử theo cánh hữu được ông ủy quyền, Niall Ferguson, nói rằng lập luận trong cuốn sách của Kissinger “có thể rất dễ dàng được đưa ra làm bằng chứng” rằng ông là “nguồn cảm hứng cho cuốn sách Tiến sĩ Strangelove của Stanley Kubrick”. Kissinger cuối cùng đã được bổ làm giáo sư có nhiệm kỳ tại Harvard với sự hậu thuẫn của trưởng khoa McGeorge Bundy, bất chấp sự phản đối của giảng viên rằng cuốn sách về vũ khí hạch tâm của ông không mang tính học thuật.

Ông không giới hạn sinh hoạt trong phạm vi học thuật mà trở thành người cố vấn cho những chính khách và ứng cử viên tổng thống, chẳng hạn như Nelson Rockefeller. Khi Bundy trở thành cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống John F Kennedy vào năm 1961, Kissinger đã tham chính cùng ông với vai trò là cố vấn, một vị trí mà ông sẽ giữ dưới thời Lyndon Johnson.

Do có thiện cảm với Kissinger về việc sử dụng vũ khí hạch tâm chiến thuật, ông đã được mời đến thăm Israel vào năm 1962, và một lần nữa vào năm 1965, rất có thể theo lời mời của Shimon Peres, kiến trúc sư chương trình hạch tâm của Israel.

Những tài liệu gần đây tiết lộ rằng trong phúc trình của ông gửi đại sứ quán Hoa Kỳ ở Tel Aviv năm 1965 dựa trên những cuộc gặp với những viên chức và giới khoa học Israel, ông đã tin rằng Israel đang phát triển vũ khí hạch tâm, một chương trình mà ông duyệt xét với “sự hiểu biết sâu sắc, nếu không muốn nói là thông cảm”. Điều này đã khiến ông, vào năm 1969, với vai trò là cố vấn an ninh quốc gia của Nixon, phải làm trung gian giải thích cho chính quyền Nixon về chương trình vũ khí hạch tâm mà Israel đã phát triển.

Mặc dù Kissinger tin vào sự vô ích của chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, nhưng ông ta đã âm mưu trong cuộc vận động bầu cử của Richard Nixon năm 1968 bằng cách tiết lộ thông tin cho cuộc vận động này từ những cuộc Đàm phán Hòa bình Paris để kéo dài chiến tranh, khiến Đảng Dân chủ không giành chiến thắng trong cuộc tranh cử. Sau khi Nixon đắc cử, Kissinger đảm nhiệm vị trí cố vấn an ninh quốc gia vào tháng 1 năm 1969, vị trí mà ông giữ cho đến năm 1975.

Nixon gọi ông là “cậu bé Do Thái”, nhưng có vẻ như chủ nghĩa bài Do Thái của cánh hữu chưa bao giờ khiến ông bận tâm, vì ông từng là một đảng viên Cộng hòa bảo thủ suốt đời. Ông cũng giữ chức ngoại trưởng từ tháng 9 năm 1973 đến tháng 1 năm 1977.

Cuộc thả bom tàn nhẫn tại Campuchia

Quyết tâm đánh bại Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Bắc Việt Nam, Kissinger quyết định tăng cường ném bom chiến thuật bí mật vào Campuchia, bắt đầu dưới thời Johnson vào năm 1965, thành một chiến dịch thả bom trải thảm tàn nhẫn kéo dài cho đến năm 1973.

Đầu tháng 3 năm 1969, Kissinger nói với Nixon: “ Hãy đánh chúng!” Đến năm 1973, khoảng 150.000 đến nửa triệu người Campuchia đã bị giết. Kissinger mô tả một cách nhẫn tâm vụ ném bom quá mức bằng cách nói: “Chúng ta thà phạm sai lầm khi làm quá nhiều.

Kissinger đích thân giám sát lịch trình thả bom và phân bổ máy bay từ khu vực này sang khu vực khác. Ông ấy được cho là thích chơi trò thả bom. Khi ông và Nixon bắt đầu thả bom lại ở miền Bắc Việt Nam, Kissinger bị kích động nhất với “kích thước của những hố bom” . Để tiếp tục ủng hộ việc dùng vũ khí hạch tâm, ông đã nghĩ ra kế hoạch tấn công hạch tâm miền Bắc Việt Nam vào năm 1969 như một phần của cuộc hành quân tên Duck Hook .

Kissinger nói chuyện với Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Richard Nixon ở Salzburg, Áo, năm 1972 (AFP)

Trong khi một số người trong vòng quen biết gọi ông là “Kissinger âu yếm” và ông được những tạp chí dành cho phụ nữ mô tả là “luôn thân thiện, đặc biệt là với phụ nữ”, thì tính cách dịu ngọt của ông dường như không xuất hiện khi ông nói về những người phụ nữ mà ông ghét, chẳng hạn như như cựu Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi , người mà ông gọi là “con khốn” và “phù thủy”, trong khi “người Ấn Độ” là “những đứa con hoang”.

Quả thực, Christopher Hitchens đã khẳng định, liên quan đến sự nổi tiếng của Kissinger trong giới thượng lưu, rằng “Kissinger không được mời và tán dương vì cách cư xử tinh tế hay sự hóm hỉnh ăn khớp của ông ấy (cách cư xử của ông ấy trong bất kỳ trường hợp nào cũng khá thô kệch, và sự hóm hỉnh của ông ấy thường là một chút vay mượn và là đồ cũ)”, mà đúng hơn là vì ông ta toát ra quyền lực tuyệt đối. Kissinger ít giống Dr Strangelove hơn và giống nhân vật hư cấu Dr Evil trong những bộ phim Austin Powers nhiều hơn, mặc dù kém hấp dẫn hơn nhiều.

Đảo chính và quyền lực tối cao của người da trắng

Năm 1971, Kissinger ủng hộ chiến dịch diệt chủng của cựu Tổng thống Pakistan Yahya Khan chống lại Đông Pakistan (Bangladesh), và năm 1975, ông ủng hộ cuộc chiến diệt chủng của nhân vật độc tài Indonesia Suharto đối với người dân Đông Timor, trong đó một phần ba dân số đã thiệt mạng. Suharto đã lên nắm quyền bằng một cuộc đảo chính do Mỹ hậu thuẫn vào năm 1965, gây ra những vụ thảm sát lên tới một triệu những người Indonesia bị nghi là cộng sản. Về 200.000 người chết ở Đông Timor, Kissinger không hề rúng động: “Tôi nghĩ chúng ta đã nghe đủ về Timor rồi.

Vào năm 1970, khi nhân vật phe xã hội chủ nghĩa Salvador Allende được dân chúng bầu làm tổng thống Chile, Kissinger đã nhận xét: “Tôi không hiểu tại sao chúng ta cần phải đứng nhìn một quốc gia đi theo hướng Cộng sản do sự vô trách nhiệm của chính người dân nước đó.” Ông đã thúc đẩy Nixon tổ chức một cuộc đảo chính bạo lực lật đổ Allende, đưa Salvador vào dưới sự thống trị của chủ nghĩa phát xít trong mười lăm năm tiếp theo, với hàng ngàn người bị chính quyền quân phiệt do Mỹ hậu thuẫn giết chết.

Cũng chính Kissinger là người ủng hộ lựa chọn “tar baby” nhằm tăng cường mối quan hệ của Mỹ với những thuộc địa theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng của dân di cư đến Nam Phi, Rhodesia và những thuộc địa của Bồ Đào Nha là Mozambique và Angola.

Đối với Trung Đông, ngoài việc tăng cường quan hệ với thuộc địa định cư theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái là Israel, vốn đã trở thành đồng minh lớn của Mỹ dưới thời Nixon và Ford, Kissinger đã trang bị vũ khí tận răng cho Israel trong cuộc chiến năm 1973 nhằm “ngăn chặn chiến thắng của người Ả Rập”. Sự giúp đỡ quân sự khẩn cấp của ông cho Israel trong cuộc chiến đã đảo ngược những chiến thắng ban đầu của quân đội Ai Cập và Syria và bảo đảm rằng Israel giành chiến thắng trong cuộc chiến. Ông cũng bảo đảm rằng Hoa Kỳ không thể thiết lập mối quan hệ nào với Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).

Vào tháng 9 năm 1975, Kissinger đã ký một “bản ghi nhớ” với người Israel cam kết Hoa Kỳ sẽ không công nhận hoặc đàm phán với PLO trừ khi nước này công nhận “quyền hiện hữu” của Israel như là một quốc gia kỳ thị chủng tộc, theo chủ nghĩa Do Thái thượng đẳng. Cựu chủ tịch PLO Yasser Arafat cuối cùng đã làm như vậy vào năm 1988 tại Geneva, và một lần nữa vào năm 1993 với việc ký kết hiệp ước Oslo.

Thành tích kinh hoàng

Trên thực tế, Kissinger đã bảo đảm việc duy trì chế độ thuộc địa hóa của Israel đối với vùng đất của người Palestine trong nhiều chục năm tới. Ông là người kiến tạo nên việc cựu Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat đầu hàng Israel và bán đi những quyền của người Palestine tại Trại David, đồng thời thiết lập cái gọi là “tiến trình hòa bình” do Mỹ bảo trợ, vốn đã xác định chính sách của Mỹ đối với người Palestine và Israel và từ đó đã mang lại về những tai họa đang diễn ra ở phần lớn thế giới Ả Rập.

Trong tất cả những hoạt động gây chiến của Kissinger trên khắp thế giới, giúp đỡ những kẻ độc tài phát xít lên nắm quyền và ủng hộ quyền lực tối cao của người da trắng ở những thuộc địa định cư ở miền nam châu Phi và Palestine, ông cũng được ghi nhận là người theo đuổi chính sách hòa dịu với Liên Xô và mở quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Ông thậm chí còn nhận được giải Nobel Hòa bình vì đàm phán “hòa bình” với Bắc Việt trong khi ông thả bom một cách dã man xuống Campuchia.

Kissinger tiếp tục cố vấn cho những tổng thống Mỹ tiếp theo và ủng hộ những cuộc chiến của họ, kể cả Ronald Reagan và George W Bush. Năm 1982, ông thành lập công ty tư vấn của riêng mình, Kissinger Associates , với danh sách khách hàng hết sức bí mật, để cố vấn cho những tập đoàn và ngân hàng đế quốc Mỹ và châu Âu, những nhà độc tài ở Thế giới thứ ba được phương Tây ủng hộ và những thuộc địa định cư theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Giá trị tài sản cuối cùng của ông đã phúc trình là khoảng 50 triệu USD.

Tuy nhiên, thành tích khủng khiếp của Kissinger đã khiến ông được nhiều chính trị gia theo chủ nghĩa tự do ở Mỹ quý mến. Gia đình Clintons rất yêu mến ông và đã đến dự những bữa tiệc sinh nhật của ông. Hillary Clinton không ngừng khen ngợi ông vì những lời khuyên mà ông đã dành cho bà khi bà còn giữ chức ngoại trưởng, nhấn mạnh rằng “Kissinger là một người bạn”.

Cựu Tổng thống Barack Obama cho rằng Kissinger ủng hộ quan điểm của riêng ông về Iran trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008, nhưng Kissinger đã bác bỏ điểm này. Năm 2010, chính quyền Obama đã dùng những chính sách giết người của Kissinger ở Campuchia để biện minh cho hành động giết người bằng máy bay không người lái của chính Obama đối với công dân Mỹ và những người không phải là người Mỹ trên khắp thế giới.

Không phải là người hoạt động chính trị độc lập

Vào năm 2016, Bộ trưởng Quốc phòng của Obama đã trao cho bị cáo tội phạm chiến tranh một giải thưởng “vinh danh Tiến sĩ Henry A Kissinger vì những năm phục vụ công chúng xuất sắc của ông”. Trong vài năm gần đây, ông đã được một số trường đại học tự do của Hoa Kỳ mời , kể cả Viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT), YaleĐại học New York, nhân kỷ niệm 45 năm ngày ông nhận giải Nobel. Hầu hết những người theo chủ nghĩa xã hội đều phản đối ông.

Vào tháng 4 năm 2018, Kissinger là khách mời trong bữa quốc yến đầu tiên của Trump tại Toà Bạch Ốc, cùng với những người bạn tỷ phú của Trump. Ông ấy thậm chí còn luận về cuộc chiến ở Ukraine, điều mà ông ấy đã thay đổi quyết định nhiều lần.

Trong cuốn sách về Kissinger, Hitchens đã buộc tội ông ta về tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và những tội danh “chống lại luật pháp thông thường, tập quán hoặc quốc tế, bao gồm cả âm mưu giết người, bắt cóc và tra tấn”. Tuy nhiên, Hitchens dường như không nhận ra rằng Kissinger không phải là người trí thức không chịu theo khuôn phép, lập dị, và nói chung, mỗi tội ác đó nên được đưa ra để chống lại chính phủ Hoa Kỳ.

Kissinger và Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Hillary Clinton rời một sự kiện năm 2011 ở Washington (AFP)

Quả thực, tất cả những chính sách sát nhân đế quốc mà Kissinger theo đuổi đều không đi lệch ra khỏi chính sách đối ngoại của Mỹ trước hay sau ông. Chính điều đó đã tạo nên sự nổi tiếng của ông trong giới doanh nhân Mỹ và giới tinh hoa trí thức, những người theo chủ nghĩa tự do cũng như những người theo chủ nghĩa bảo thủ.

Như Meaney đã nói, việc đổ lỗi cho một người về tội lỗi của đất nước có ích cho tất cả mọi người: “Vị thế của Kissinger như một nhân vật lịch sử thế giới được bảo đảm, và những người chỉ trích ông ấy có thể coi chính sách đối ngoại của ông ấy là ngoại lệ hơn là quy luật.

Những tội ác diệt chủng, vô luân của Kissinger không quái dị hơn những tội ác của Mỹ kể từ khi thành lập. Dù sao đi nữa, Kissinger chỉ là một đại diện trung thành của giới tinh hoa tội phạm Hoa Kỳ mà ông ta đã phục vụ suốt đời — và là những người bảo đảm cho ông ta một cuộc sống lâu dài trong danh vọng, giàu có và xa hoa.

Kissinger qua đời tại nhà riêng ở Connecticut vào ngày 29 tháng 11 năm 2023, Ngày Quốc tế Đoàn kết với Nhân dân Palestine .

Quan điểm trình bầy trong bài viết này thuộc về tác giả và không nhất thiết phản ánh chính sách biên tập của Middle East Eye và DCVOnline.

Tác giả | Joseph Massad là giáo sư về chính trị Ả Rập hiện đại và lịch sử trí tuệ tại Đại học Columbia, New York. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, bài viết học thuật và báo chí. Sách của ông gồm cả Hiệu ứng thuộc địa: Việc tạo nên bản sắc dân tộc ở Jordan (Colonial Effects: The Making of National Identity in Jordan); Muốn Ả Rập (Desiring Arabs); Sự dai dẳng của vấn đề Palestine: những tiểu luận về Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái và người Palestine (The Persistence of the Palestinian Question: Essays on Zionism and the Palestinians), và gần đây nhất là Hồi giáo trong Chủ nghĩa Tự do (Islam in Liberalism). Sách và bài viết của ông đã được dịch sang hàng chục thứ tiếng.

Middle East Eye cung cấp thông tin và phân tích độc lập và vô song về Trung Đông, Bắc Phi và hơn thế nữa. Thông tin thêm về MEE có thể đọc được ở đây.

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: The murderous legacy of Henry Kissinger | Joseph Massad | Middle East Eye | 30 November 2023