Việt Nam đang vào vùng đất lạ?
Carl Thayer | Trà Mi
Sự vắng mặt nhiều ngày gần đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đến câu hỏi Đảng Cộng sản có thể giải quyết vấn đề thế nào khi người lãnh đạo bất lực hoặc qua đời.
Tháng này, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) Nguyễn Phú Trọng đã không có mặt trong những chuyến viếng thăm gần đây của Thủ tướng Lào và Tổng thống Indonesia. Việc này gây tiếng đồn trên báo giới phương Tây rằng Trọng bị bệnh nặng và đang được điều trị tại bệnh viện.
Sau đó Trọng xuất hiện tại một cuộc họp Quốc hội vào ngày 15 tháng 1 và rõ ràng sức khỏe tốt; sự vắng mặt gần 3 tuần của ông đã đặt ra câu hỏi Việt Nam có thể làm gì trong trường hợp ông bất lực trước khi kết thúc nhiệm kỳ lãnh đạo đảng. Sự vắng mặt của Trọng dẫn đến ba trường hợp có thể xảy ra: (1) Trọng không thể tiếp tục công tác toàn thời gian vì lý do sức khỏe; (2) Trọng bị suy giảm thể chất và không thể thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào; và (3) Trọng qua đời. Ai sẽ đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo đảng trong từng trường hợp?
Trọng hiện đang giữ vai trò lãnh đạo đảng trong nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba. Nhiệm kỳ của ông sẽ hết hạn vào đầu năm 2026 nhằm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của đảng. Một trong những nhiệm vụ của tổng bí thư là đề cử người kế nhiệm, phải được Trung ương chấp thuận. Năm ngoái, Trọng được bổ nhiệm làm Trưởng ban Nhân sự để cứu xét ứng cử viên vào Ban Chấp hành Trung ương và những chức vụ cao cấp khác của đảng để bầu vào năm 2026.
Tổng bí thư tiếp theo trước tiên phải được các đại biểu dự Đại hội toàn quốc lần thứ 14 bầu vào Ban Chấp hành Trung ương mới. Ban Chấp hành Trung ương mới sau đó sẽ bầu ra Bộ Chính trị mới và sẽ chọn một trong số những thành viên của Bộ Chính trị làm Tổng Bí thư tiếp theo.
Trường hợp thứ nhất: Nếu Trọng một lúc nào đó không thể tiếp tục công tác chính thức toàn thời gian vì lý do sức khỏe, nhưng thỉnh thoảng có thể tham khảo ý kiến, Bộ Chính trị có thể quyết định giữ nguyên hiện trạng và để Trọng làm hết nhiệm kỳ. Cách này lập lại tiền lệ khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang lâm bệnh và được giữ chức vụ cho đến khi qua đời.
Trường hợp thứ hai: Nếu Trọng bất lực và không thể tiếp tục làm việc chính thức, Bộ Chính trị sẽ phải đề cử người kế nhiệm để Trung ương phê chuẩn. Người kế nhiệm Trọng có thể là một người lãnh đạo lâm thời (hoặc dùng thuật ngữ cricket là “người gác đêm”), sẽ làm phần còn lại của nhiệm kỳ nhưng không ra tranh cử TBT cho nhiệm kỳ 5 năm tới.
Trường hợp thứ ba: Nếu Trọng qua đời khi đang đương chức, Bộ Chính trị sẽ phải đề cử ngay người kế nhiệm và phải được Ban Chấp hành Trung ương phê chuẩn. Chỉ có một tiền lệ ở Việt Nam sau khi thống nhất. Năm 1986, khi lãnh đạo đảng Lê Duẩn qua đời tại chức, ông được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước thay thế, lãnh đạo đảng cho đến Đại hội toàn quốc lần thứ 6 vào tháng 12 năm 1986. Hội đồng Nhà nước từ đó được thay thế bằng văn phòng chủ tịch nước.
BCH Trung ương sẽ phải quyết định có nên đẩy nhanh tiến trình chuyển tiếp kéo dài hai năm bằng cách chọn một thành viên Bộ Chính trị ngồi ghế TBT cho hết thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của Trọng và sau đó ứng cử làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ năm năm tại Đại hội toàn quốc lần thứ 14 hay không.
Ai sẽ lãnh đạo ĐCSVN tiếp theo?
Người được đề cử vào vị trí tổng bí thư đảng phải phục vụ đủ một nhiệm kỳ 5 năm trong Bộ Chính trị.
Đại hội 13 của ĐCSVN ban đầu đã bầu ra Bộ Chính trị gồm 18 thành viên. Hai thành viên Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh đã từ chức. Sức khỏe của ông Trọng có thể loại trừ ông, làm giảm số ứng cử viên có thể cho vị trí tổng bí thư tiếp theo xuống còn 15.
Nếu Đảng thực hiện quy định về nghỉ hưu bắt buộc ở tuổi 65 (những người sinh trước năm 1961) thì chỉ có 4 trong số 15 đảng viên còn lại đủ tiêu chuẩn: Trần Tuấn Anh (62 tuổi vào năm 2026), Trần Thanh Mẫn (64 tuổi), Đinh Tiến Dũng và Trần Cẩm Tú (cả hai đều 65 tuổi).
Ba tiêu chuẩn khác cần được tính đến: thâm niên, cấp bậc trong đảng, tuổi tác và nơi sinh.
Về thâm niên, trong số 15 ứng viên có thể ứng cử, có 4 người được bầu vào Bộ Chính trị tại Đại hội toàn quốc lần thứ 12 năm 2016; còn lại tất cả đều được bầu tại Đại hội toàn quốc lần thứ 13 vào năm 2021. Những thành viên Bộ Chính trị hiện được xếp hạng theo số phiếu nhận được khi đắc cử theo thứ tự này: Phạm Minh Chính (thứ hai), Vương Đình Huệ (thứ ba), Võ Văn Thưởng (thứ tư), và Trương Thị Mai (thứ 11).
Ba trong số bốn ứng cử viên khả dĩ sẽ ở độ tuổi từ sáu mươi tám trở lên vào năm 2026: Phạm Minh Chính (68), Trương Thị Mai (68) và Vương Đình Huệ (69). Một ngoại lệ là Võ Văn Thưởng, sẽ 56 tuổi vào năm 2026. Tuy nhiên, quy định của Đảng cho phép miễn tuổi nghỉ hưu đối với những ứng viên “ngoại lệ”.
Tổng bí thư đảng thường là người từ một tỉnh phía bắc nhưng đó không phải là yêu cầu bắt buộc theo luật định. Phạm Minh Chính (Thanh Hóa) và Vương Đình Huệ (Nghệ An) là người miền Bắc, Trương Thị Mai (Quảng Bình) là người miền Trung, Võ Văn Thưởng (Vĩnh Long) là người miền Nam.
Nhìn vào quả cầu pha lê
Hiện đang có cuộc thảo luận trong ĐCSVN về việc tăng tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 65 lên thêm hai hoặc ba năm. Nếu điều này được ban hành, nó sẽ mở rộng số lượng ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm đủ điều kiện ứng cử làm tổng bí thư đảng từ năm lên sáu (nếu tăng thêm hai năm) lên 10 (nếu tăng thêm ba năm).
Có thể có sáu ứng cử viên có khả năng thay thế Tổng Bí thư Trọng theo kịch bản thứ hai và thứ ba đã thảo luận ở trên.
Trường hợp thứ 2: Ba thành viên cao cấp của Bộ Chính trị có thể giữ vai trò lãnh đạo lâm thời: Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai.
Phạm Minh Chính là thành viên cao cấp nhất của Bộ Chính trị sau Trọng.
Vương Đình Huệ tỏ ra có tư cách nhất như hai cựu lãnh đạo đảng là Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng, từng giữ chức Chủ tịch Quốc hội trước khi đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo đảng. Huệ được điểm cao trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội năm 2023, đứng thứ hai với số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất.
Việc bổ nhiệm Chính hoặc Huệ có thể gây rối vì họ đang là thủ tướng và chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trương Thị Mai thường xuyên được nhắc đến như một ứng cử viên có thể lãnh đạo đảng. Bà hiện là Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng.
Chính, Huệ và Mai sẽ trên 65, tuổi nghỉ hưu, vào đầu năm 2026 và sẽ cần được miễn tuổi nếu có thành tích xuất sắc để tiếp tục nắm quyền trong nhiệm kỳ 5 năm.
Trường hợp thứ 3: Có thể có ba ứng cử viên khác thay thế Trọng nếu ông Trọng qua đời: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Lâm và Giang sẽ cần được miễn tuổi để lãnh đạo đảng ngoài vai trò là người lãnh đạo lâm thời.
Lâm được cho là người tích cực ủng hộ chiến dịch chống tham nhũng của Trọng. Ông không được nhiều phiếu trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội năm 2023. Trong khi Lâm chỉ được 329 phiếu tín nhiệm cao, sau Giang, Huệ và Chính, ông nhận được 109 phiếu tín nhiệm vững. Tuy nhiên, Lâm bị những người gièm pha khi nhận được 43 phiếu tín nhiệm thấp (hoặc thứ 36 trên 44).
Giang đứng đầu cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội năm 2023 với 448 phiếu tín nhiệm cao và chỉ có 4 phiếu tín nhiệm thấp. Giang cũng có thể là ứng cử viên cho chức chủ tịch nước nếu Thưởng, người đương nhiệm, được bầu làm tổng bí thư. Giang sẽ nối bước Lê Đức Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sau đã giữ chức chủ tịch nước.
Chủ tịch nước Thưởng là thành viên trẻ nhất của Bộ Chính trị. Ông sinh năm 1970 và sẽ 56 tuổi vào năm 2026, làm tăng xác suất ông có thể làm đủ hai nhiệm kỳ 5 năm ở vai trò tổng bí thư đảng. Thưởng sẽ mang lại sự ổn định cho Bộ Chính trị, dù trẻ tuổi, gốc miền Nam và sự thiếu kinh nghiệm tương đối của ông thường được coi là những hạn chế.
Khủng hoảng và tranh giành quyền lực?
Như đã nêu trên, tổng bí thư ĐCSVN có trách nhiệm chuẩn bị và đề cử người kế nhiệm. Thông thường, một hoặc nhiều cuộc bỏ phiếu thử sẽ được Ủy ban Trung ương tiến hành trước đại hội đảng toàn quốc kế tiếp. Những cuộc bỏ phiếu này sẽ xác định danh sách ứng cử viên cuối cùng để lựa chọn vào Ban Chấp hành Trung ương mới, gồm cả người lãnh đạo đảng tiếp theo.
Nếu Tổng Bí thư Trọng bất lực hoặc qua đời tại chức bất cứ lúc nào trước khi kết thúc nhiệm kỳ hiện tại, việc này sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ lập kế hoạch hai năm bầu lãnh đạo cho Đại hội toàn quốc lần thứ 14 dự kiến vào đầu năm 2026.
Việc lựa chọn lãnh đạo cho đại hội toàn quốc trong tương lai thường là một tiến trình mặc cả giữa cán bộ của đảng và người trong chính phủ trong giới lãnh đạo cả nước. Mỗi cánh đều có bè phái hoặc phe phái tập trung vào một cá nhân nào đó.
Chu kỳ quyết định khi bị dồn nén có thể gây áp lực đến cách quyết định đồng thuận của Việt Nam và tăng sự cạnh tranh giữa những phe phái trong đảng và chính phủ do thiếu một người lãnh đạo tối cao. Mạng lưới những người ủng hộ Tổng Bí thư Trọng trong phe thuộc đảng muốn tiến hành nhanh chóng để bảo đảm cho lợi ích và kỳ vọng của họ không bị lấn át. Những cán bộ cao cấp trong đảng hiện là thành viên của phe chính phủ sẽ muốn nhân cơ hội bất ngờ này để nâng cao lợi ích của họ.
Trong khi sự vắng mặt của Trọng đe dọa đẩy Việt Nam vào một chính trường chưa từng có, tuy nhiên Việt Nam khó có thể có một cuộc khủng hoảng chính trị hoặc tranh giành quyền lực vì văn hóa chính trị thịnh hành ảnh hưởng đến việc lựa chọn lãnh đạo và chuyển đổi thế hệ thiên về ổn định và cân bằng giữa những phe phái.
© 2024 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Is Vietnam Entering Uncharted Waters? | Carl Thayer | The Diplomat | Jan 15th 2024.