Làm sao một người không tên tuổi, không gây ấn tượng lại là người tiên phong trong thành tựu y khoa vĩ đại nhất của Canada

Antony Anderson | DCVOnline

Sir Frederick Banting là người Canada đầu tiên được trao giải Nobel Y khoa năm 1923

Ngày 21 tháng 2 năm 1941: Sir Frederick Banting qua đời gần Hải cảng Musgrave, Newfoundland.

Allison Mimlos chụp ảnh bức tượng Sir Frederick Banting tại Khu di tích lịch sử quốc gia Banting House ở London, Ontario, Thứ Bảy, ngày 29 tháng 6 năm 2019. Geoff Robins / The Canadian Press.

Ông mê sảng, nói lan man, chẳng có ý nghĩa gì khi đọc lên vô số hướng dẫn, trong lúc cánh tay trái đã gẫy, một bên phổi bị thủng. Người đoạt giải Nobel đầu tiên của Canada, được Nhà vua phong tước hiệp sĩ, người phát minh ra insulin nổi tiếng thế giới, nằm trên giường của chiếc máy bay oanh tạc hai động cơ Lockheed Hudson đã rơi xuống vùng hoang dã ở phía đông bắc Newfoundland, khi đó là một quốc gia khác trong Đế quốc Anh và Khối thịnh vượng chung.

Chiến tranh đang diễn ra. Banting khao khát được sang Anh để thi hành nghĩa vụ, như ông đã làm trong cuộc Đại chiến như một bác sĩ giải phẫu.

“Tôi không can đảm. Không ai thấy kinh hoàng khủng khiếp hơn tôi về đạn pháo, bom, đạn và cái chết… Nhưng vượt qua nỗi sợ hãi này là đặc quyền được chăm sóc những người bị thương, những người đang chiến đấu.”

Sir Frederick Banting

Không đời nào một người tiên phong về y khoa xuất sắc như vậy lại được phép đến gần chiến trường nhưng có lẽ ông sẽ tìm được việc nghiên cứu nào đó. Rốt cuộc, ông đã phát minh ra insulin. Một cuộc nói chuyện tình cờ trong bữa tiệc rượu với vị chỉ huy cao cấp của không quân đã dẫn đến việc Banting tìm được một chỗ trên chuyến bay sang Anh khởi hành từ Gander xa xôi. Việc vượt Đại Tây Dương vẫn còn là một điều gì đó mới lạ — và trong thời chiến, gần như là một canh bạc liều lĩnh – nhưng lòng Banting không lay chuyển.

Banting sinh năm 1891 tại nông trại của gia đình ngay bên ngoài Alliston, Ontario. Ông đi theo con đường quen thuộc mà thế hệ của mình vượt qua từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, đến một thế giới rộng lớn hơn, Đại học Toronto, nơi ông không làm theo ý cha mẹ muốn ông trở thành một mục sư Methodist và đã chọn học y khoa. Ông không phải là sinh viên xuất sắc ở trường. Cuộc Đại chiến đã làm thay đổi quỹ đạo của ông, nhưng như đã biết chỉ trong giây lát. Ông ấy quay lại để hoàn tất học trình và mở một phòng mạch, khám bệnh ở London, Ontario, và khập khiễng trên bờ vực thất bại. Chìm vào cảnh nghèo khó, ông đã kiếm được một ít tiền phụ tá cho một giáo sư làm thí nghiệm và hướng dẫn giải phẫu học và giải phẫu tại Đại học Western Ontario. Chuyện tình cảm của ông cũng gặp nhiều trắc trở. Người yêu thời thơ ấu không bằng lòng với tương lai mờ mịt của ông.

Vào đêm ngày 31 tháng 10 năm 1920, khi đang chuẩn bị bài giảng về tiến trình trao đổi chất, Banting tình cờ đọc được một luận văn nghiên cứu bệnh tiểu đường trong đó đưa ra một giả thuyết rất hay rằng một chất bí ẩn trong tuyến tụy (lá mía) có thể ảnh hưởng đến tiến trình chuyển hóa đường. Đã biết đến lần đầu tiên từ nhiều thế kỷ trước, căn bệnh này đã giết hại nhiều bệnh nhân một cách khủng khiếp và đau đớn. Giới bác sĩ đã bất lực trong việc ngăn chặn sự tàn phá của căn bệnh. Bài báo này đã khơi dậy điều gì đó ở người thanh niên 28 tuổi đang bị bao vây và đau khổ:

“Đó là một trong những đêm tôi bối rối và không thể ngủ được. Tôi nghĩ về bài giảng, về bài báo và tôi nghĩ về những đau khổ của mình cũng như cách tôi muốn thoát khỏi nợ nần và thoát khỏi lo âu.”

Đêm đó, Banting đã viết xuống một vài ghi chú đề nghị một thí nghiệm trong đó ông ta sẽ thắt ống tụy của chó để cô lập và chiết chất tụy bí ẩn mà vẫn chưa được chứng minh một cách thuyết phục là thực sự hiện hữu. Ông là một bác sĩ không tên tuổi ở một thị trấn nhỏ, không có thành tích học hành xuất sắc hay bất kỳ thành đạt ấn tượng nào chứ chưa nói đến kinh nghiệm nghiên cứu nghiêm túc. Ông chưa bao giờ điều trị cho một bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường hoặc tỏ ra quan tâm đến căn bệnh này. Banting đã không để những chi tiết này làm ông chệch hướng.

Ông được khuyên nên liên hệ với John J. R. Macleod, một giáo sư sinh lý học nổi tiếng tại Đại học Toronto. Sư phụ đã đồng ý gặp đệ tử. Không an tâm và không trau chuốt, Banting không phải là một diễn giả thoải mái hay thuyết phục trước công chúng. Sau này Macleod viết:

“Tôi nhận thấy rằng bác sĩ Banting chỉ có kiến thức hời hợt trong sách giáo khoa về những công trình đã có về tác dụng của chiết xuất tuyến tụy đối với bệnh tiểu đường và ông ấy có rất ít kinh nghiệm thực tế về những phương pháp nghiên cứu một vấn đề như vậy.”

John J. R. Macleod

Bất chấp ấn tượng thê thảm ban đầu, Macleod vẫn bị thu hút đủ vì những việc có thể rất mong manh và đã cấp phòng thí nghiệm và một phụ tá cho Banting, mặc dù không trả lương. Banting đồng ý sẽ suy nghĩ về đề nghị đặc biệt của Macleod và trở lại London và lại trôi dạt hơn nữa.

Vào mùa xuân năm 1921, ông viết thư cho Macleod về việc bắt đầu những thí nghiệm, nhưng ông cũng đang xin một ghế nghiên cứu tại Oxford, ông gia nhập quân đội Ấn Độ và ký nhận đi theo chuyến thám hiểm lên vùng Lãnh thổ Tây Bắc, nhưng bị từ chối. Sự quan tâm đến nghiên cứu không liên tục của ông ấy lại tạm ngưng. Không còn triển vọng nào khác, ông đến Toronto để tìm hiểu những bí ẩn về tuyến tụy, một mê cung đã được giới nghiên cứu y học nhiều kinh nghiệm hơn trên khắp Bắc Mỹ và Châu Âu khám phá.

Macleod giới thiệu Banting với Charles Best, một sinh viên y khoa năm thứ tư, và mở lại một phòng giải phẫu nhỏ, bẩn thỉu nhiều năm đã không được dùng đến. Nói một cách nhẹ nhàng thì tỷ lệ hai người mới vào nghề đạt được bất kỳ tiến bộ nào là rất mong manh nhưng họ vẫn kiên trì. Vào cuối mùa hè, họ đã tạo ra một chất chiết xuất từ tuyến tụy của một con chó đã làm giảm lượng đường trong máu ở một con chó mắc bệnh tiểu đường – một thành tựu đáng chú ý. Họ cần trợ giúp tinh chế chiết xuất thô để có thể dùng cho con người mà không gây ra tác dụng phụ. Banting đã mời một giáo sư thỉnh giảng và chuyên gia hóa sinh từ Đại học Alberta, James Collip, thực hiện thử thách đó, và đến tháng 1 năm 1922, liều thuốc của Collip đã sẵn sàng. Nhưng Banting khẳng định chiết xuất của chính ông phải là sản phẩm đầu tiên được dùng để thí nghiệm với người. Đối tượng thí nghiệm là một thiếu niên 14 tuổi mắc bệnh tiểu đường, Leonard Thompson: gầy trơ xương, bơ phờ, cam chịu. Cuộc trích xuất tuyến tuỵ của Banting và Best không thành công. Collip sau đó đã được phép dùng chiết xuất của mình. Nó đã cứu mạng cậu bé Thompson. Loại thuốc kỳ diệu được gọi là insulin và nó đã làm những điều kỳ diệu, cứu vô số mạng sống bên bờ vực của cái chết; mặc dù insulin không phải là thuốc chữa bệnh mà là một liệu pháp thiết yếu.

Sir Frederick Banting trong bức ảnh không ghi ngày tháng này.The Canadian Press.

Năm 1923, Banting và Macleod được trao giải Nobel Y khoa, Banting là người Canada đầu tiên được vinh danh như vậy. (Macleod sinh ra ở Scotland). Banting chia tiền thưởng của ông với Best, và Macleod cũng làm như vậy với Collip. Bốn người họ không bao giờ làm việc với nhau nữa. Phần còn lại là lịch sử, hay đại loại là câu chuyện đã đi qua từ lâu rồi.

Tính khoa học trong câu chuyện rối rắm này đầy cảm hứng. Bi kịch cá nhân thật đáng kinh ngạc. Toàn bộ câu chuyện cuối cùng đã được tiết lộ trong cuốn sách bán chạy xuất sắc năm 1982 của Giáo sư Michael Bliss, Discovery Of Insulin. Cuốn sách tiết lộ sự pha trộn độc hại giữa cái tôi, sự bất an và tính nhỏ nhen, phần lớn xuất phát từ Banting, người đã tin rằng vì “sự tham lam, ích kỷ, lừa đảo, vì tư lợi” Macleod đang cố cướp ý tưởng và vinh quang về cho mình. Tại một thời điểm, giữa Banting và Collip đã xẩy ra một cuộc cãi vã có lẽ đã xẩy ra sau khi Collip nói rằng ông ấy sẽ không tiết lộ tiến trình chiết xuất của mình và sẽ lấy bằng sáng chế cho nó dưới tên của chính mình. Mặc dù đây là cuộc xung đột lớn nhất trong câu chuyện, Banting cuối cùng đã hòa giải với Collip, công nhận đóng góp quan trọng của ông ấy. Ông ta bất hòa với Best và không bao giờ tha thứ cho Macleod. Giáo sư Bliss kết luận chính xác hơn: “Cả Banting và Best không có đủ kinh nghiệm và hiểu biết để đưa công việc [nghiên cứu] của họ đi đến kết luận thành công. Họ rất cần lời khuyên của Macleod.”

Tin báo The Globe ngày 25 tháng 10, 1923 về giải Noben Y khoa năm 1923. Nguồn: https://definingmomentscanada.ca

Bất chấp nỗi lo lâu tột độ về việc bị gạt sang một bên, phần lớn vinh quang và danh tiếng sau đó đều thuộc về Banting, người được đầu tư rất nhiều tiền nghiên cứu để chữa bệnh ung thư và các bệnh dịch khác, mặc dù ông ta không bao giờ có thể lấy lại được bước đột phá mà ông ta đã khơi dậy bằng sự tò mò vô ích của mình. Sự bùng nổ của Chiến tranh thế giới thứ hai dường như tạo cơ hội cho một sự vinh quang có thể có khác.

Năm 1941, vì đi dự một buổi cocktail vào phút chót, Banting tìm được một chỗ trên chiếc oanh tạc cơ với động cơ trục trặc. Ông vẫn tỉnh táo đêm xảy ra vụ tai nạn cho đến ngày hôm sau rơi vào tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Khi viên phi công đi tìm người cứu giúp, bằng cách nào đó Banting đã đứng dậy khỏi giường và đi được vài mét từ chỗ chiếc máy bay rơi cho đến khi ngã gục xuống tuyết. Ông nằm chết trên tuyết khoảng 10 dặm về phía nam của hải cảng Musgrave, một ngôi làng chưa có đường bộ hoặc đường sắt, có thể đến đó bằng đường biển vào mùa hè. Dân địa phương, nghe tiếng máy bay tìm chỗ máy bay rớt, đã đi đến địa điểm máy bay rơi và đem được thi hài của Banting, nhân viên truyền tin và hoa tiêu. Toàn thế giới đã được thương tiếc ông. Đồng nghiệp cũ của ông và những người biết điều gì đó về những cuộc cãi vã cá nhân đều không nói gì trước công chúng.

Bia tưởng niệm Bs Banting ở địa điểm may bay roi gần hải cảng Musgrave, New Foundland Vào ngày 4 tháng 3 năm 1941, Banting được an táng tại Nghĩa trang Mount Pleasant ở Toronto với đầy đủ vinh dự quân đội Nguoofn: www.hiddennewfoundland.ca

Để đáp lại sự phê phán gay gắt về những phương pháp và giả định của Banting và Best, một bác sĩ nổi tiếng người Anh đã để lại cho chúng ta một kết luận generous:

Nếu [việc phát minh ra insulin] xuất phát từ việc rơi ngã vào đúng đường, sau khi đi qua đoạn đã vạch ra vì quan niệm sai lầm, thì chắc chắn đây không phải là trường hợp duy nhất trong lịch sử khoa học. Thế giới có thể đổi toàn bộ thư viện phê phán để lấy một sai lầm hữu ích như vậy.


Tác giả | Antony Anderson là tác giả cuốn sách “The Diplomat: Lester Pearson and the Suez Crisis” và là viện sĩ tại Trung tâm Lịch sử Quốc tế Đương đại Bill Graham. Ông viết phim tài liệu cho nhiều đài truyền hình trong nước và quốc tế. @CanadaHistory1.

© 2024 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: How an unknown, unimpressive man pioneered Canada’s greatest medical achievement | Antony Anderson | The Hub | February 19, 2024