Đánh đu với cả Mỹ và Trung Hoa
Sheena Chestnut Greitens và Isaac Kardon | DCVOnline
Tại sao một số quốc gia được Mỹ bảo đảm ngoại an và Bắc Kinh bảo vệ mặt nội an
Trong chuyến thăm Budapest vào cuối tháng 2, Bộ trưởng Công an Trung Hoa, Vương Hiểu Hồng, đã gặp trực tiếp Thủ tướng Hungary Viktor Orban để thiết lập một thỏa thuận an ninh song phương mới. Hungary và Trung Hoa trị thoả thuận hợp tác về mặt nội an và chống khủng bố, đặt mối quan hệ an ninh làm trung tâm trong mối quan hệ của họ.
Theo nhiều cách, đây là một thỏa thuận khó hiểu, vì Hungary đã là thành viên của một liên minh an ninh – NATO – bảo vệ họ không bị tấn công vũ trang. Nhưng việc Budapest theo đuổi mối quan hệ an ninh với cả Bắc Kinh và Washington là một ví dụ đáng chú ý về khunh hướng toàn cầu. Những mối quan hệ an ninh chồng chéo ngày càng phổ biến. Nhiều quốc gia đa dạng như Papua New Guinea, Sierra Leone, Những Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Việt Nam đang cùng lúc muốn có hợp tác an ninh của cả Trung Hoa và Hoa Kỳ.
Hiện tượng này có một lời giải thích đơn giản: Bắc Kinh và Washington đang đưa ra những sản phẩm khác nhau, phản ảnh những khái niệm an ninh riêng của họ và những hình thức yểm trợ phù hợp nhất mà mỗi bên cung cấp. Hoa Kỳ giúp tăng cường về ngoại an, bảo vệ đồng minh về mặt quân sự trước những mối đe dọa trong khu vực. Mặt khác, Trung Hoa mang lại an ninh nội bộ, yểm trợ cho chính phủ nước bạn bằng những công cụ để chống lại tình trạng rối loạn xã hội và đối lập chính trị.
Mặc dù sự can dự của họ có những hình thức khác nhau, Hoa Kỳ và Trung Hoa đều đang dùng những mối quan hệ an ninh để tranh giành ảnh hưởng, làm gia tăng sự cạnh tranh Mỹ-Trung và làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm. Giới hoạch định chính sách của Hoa Kỳ phải học cách quản lý sự cạnh tranh mới này và dùng những quan hệ đối tác ngoại an của Hoa Kỳ để cổ động cho những hình thức an ninh không ảnh hưởng đến dân chủ hoặc nhân quyền.
NỘI AN VÀ NGOẠI AN
Việc một quốc gia theo đuổi hợp tác an ninh với hai cường quốc đang cạnh tranh trực tiếp với nhau có vẻ nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang hợp tác với cả Mỹ và Trung Hoa thay vì chỉ chọn một. Và cho đến nay, Washington và Bắc Kinh đều cho phép điều đó.
Những quốc gia vừa kể có thể theo đuổi những mối quan hệ kép này vì họ thường không cạnh tranh trực tiếp. Lời mặt hàng chính của Hoa Kỳ là an ninh khu vực: bảo vệ đồng minh và đối tác chống lại những mối đe dọa từ những nước láng giềng, cung cấp khả năng răn đe hạch tâm nối dài và chống lại những nhóm khủng bố xuyên quốc gia, dựa nhiều vào lợi thế của Mỹ về sức mạnh quân sự cao cấp. Washington đã xây dựng một mạng lưới những đồng minh với những hiệp ước phòng thủ chung và những quan hệ đối tác an ninh song phương khác để giải quyết những thách thức về hòa bình và ổn định, gồm những mối đe dọa từ Trung Hoa và Bắc Hàn ở Đông Á, Iran ở khu vực Trung Đông và Nga ở Châu Âu.
Bộ Quốc phòng Mỹ thường dẫn đầu những nỗ lực an ninh quốc tế của Hoa Kỳ. Bộ này thiết lập quan hệ đối tác với những bộ quốc phòng và quân đội của những nước khác, đồng thời dùng những mối quan hệ này để phóng chiếu sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ tại những khu vực ưu tiên. Khi yếu tố hợp tác thi hành pháp luật và tình báo ảnh hưởng đến quan hệ đối tác an ninh của Hoa Kỳ, trọng tâm vẫn là những mối đe dọa bên ngoài, chẳng hạn như những tổ chức khủng bố xuyên quốc gia hoặc những tổ chức buôn ma túy.
Trong khi đó, Trung Hoa giúp những chính phủ nước ngoài về mặt nội an và và sự ổn dịnh của chế độ. Thông qua hợp tác về thi hành pháp luật và những biện pháp an ninh công cộng như theo giõi bằng kỹ thuật số, huấn luyện công ant và quản lý bạo loạn, Bắc Kinh giúp những đối tác duy trì quyền kiểm soát trong nước.
Trung Hoa không cố lập một mạng lưới liên minh quân sự như Hoa Kỳ; chẳng hạn ở Trung Đông, Bắc Kinh phần lớn giữ quan điểm coi Washington là nước lãnh đạo an ninh khu vực. Thay vào đó, nhữn cơ quan nội an của Trung Hoa đã thiết lập những dự án tác song phương của riêng họ, tập trung vào ổn định nội bộ và kiểm soát chính trị.
Có một số điểm giống nhau trong hợp tác an ninh của Mỹ và Trung Hoa với những nước khác. Bắc Kinh với nhưng hoạt động quân sự truyền thống như bán vũ khí và tham gia những cuộc tập trận và huấn luyện quân sự chung với những nước như Bangladesh, Campuchia, Iran, Myanmar và Nga. Giống như Hoa Kỳ, Trung Hoa tiến hành ngoại giao hải quân thường xuyên để báo hiệu sự hiện diện và khả năng quân sự của họ. Một số quốc gia, kể cả Pakistan và Thái Lan, đã nhận được viện trợ quân sự đáng kể từ cả Bắc Kinh và Washington. Trung Hoa và Hoa Kỳ cũng dành sự quan tâm đáng kể để giúp đỡ quân đội nước bạn phát triển năng lực của họ trong những hoạt động cứu trợ thiên tai và yểm trợ nhân đạo.
Nhưng những tương tự này chỉ là một phần nhỏ của một bức tranh lớn hơn, trong đó Hoa Kỳ và Trung Hoa hoạt động theo những mô hình an ninh hoàn toàn khác nhau. Mỗi quốc gia đưa ra những khái niệm riêng của họ về an ninh và làm thế nào để đạt được nó.
Hoa Kỳ tập trung vào an ninh khu vực, phát triển và dùng sức mạnh quân sự để giúp những đồng minh của họ cân bằng, ngăn chặn và chống lại những mối đe dọa bên ngoài như sự xâm lược của Nga ở Ukraine và khả năng quân sự quy ước và hạch tâm ngày càng tăng của Bình Nhưỡng trên Bán đảo Đại Hàn. Chiến lược An ninh 2022 của Hoa Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng của “Mạng lưới liên minh và đối tác vô đối của Mỹ” và vai trò quân đội nước này trong việc “hậu thuẫn cho ngoại giao, đối đầu với xâm lăng, ngăn chặn xung đột, thể hiện sức mạnh và bảo vệ người dân Mỹ cũng như lợi ích kinh tế của họ.” Chính sach này ít tập trung vào những vấn đề nội an, chẳng hạn như những mối đe dọa của tội phạm bạo lực đối với an toàn công cộng, và — không giống như chiến lược của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Lạnh — không cổ xuý việc viện trợ cho những công an nội bộ đàn áp dân chúng để có thể giúp những nhân vật độc tài “thân thiện” nắm quyền.
Tuy nhiên, khái niệm an ninh quốc gia của người lãnh đạo Trung Hoa Tập Cận Bình dựa trên “an ninh chính trị” – bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa của Trung Hoa, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Hoa và chính Tập. Đối với Tập Cận Bình, an ninh đòi hỏi cái mà ông gọi là cách tiếp cận “toàn diện”, ưu tiên cho những mối đe dọa nội bộ và an ninh của chế độ. Chính yếu là một dự án trong nước, theo báo cáo của Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Hoa vào năm 2022. Cả trong và ngoài nước đều phụ thuộc, Trung Hoa phụ thuộc nhiều hơn, so với Hoa Kỳ, vào những cơ quan thi hành pháp luật, bán quân sự và mật vụ để thực hiện. Và Bắc Kinh ngày càng sẵn sàng hợp tác với những đối tác có tiếng nói nhu cầu nội an tương tự.
HAI NGƯỜI BẢO TRỢ TỐT HƠN MỘT
Những cường quốc nhỏ và khôn có thể tận dụng cuộc cạnh tranh an ninh không đồng đều giữa Mỹ và Trung Hoa. Miễn là cả hai cường quốc đều cung cấp an ninh mà không yêu cầu một thỏa thuận độc quyền, những nước thứ ba có thể được lợi.
Hungary là một trường hợp tiêu biểu. Chính sách của nước này đối với Trung Hoa từ lâu đã khác với chính sách của những đối tác ở châu Âu; Hungary là nước EU đầu tiên tham gia vào dự án Một Vành đai Một Con đường của Trung Hoa. Bằng cách cản trở viện trợ của châu Âu cho Ukraine và trì hoãn việc Thụy Điển gia nhập NATO để ngầm ủng hộ những mục tiêu của Nga, Hungary đã cho thấy họ sẵn sàng đấu tranh với những cường quốc lớn để đạt được những nhượng bộ.
Cho đến nay, Budapest đã cố duy trì sự cân bằng này. Là một đồng minh của NATO, Hungary được bảo đảm về mặt ngoại an do Hoa Kỳ cung cấp. Nhưng khi chính phủ của Orban hoạt động nhằm làm suy yếu những thể chế dân chủ của Hungary, Budapest cũng được hưởng lợi từ quan hệ đối tác nội an ninh với Bắc Kinh, và thế giới sẽ sớm thấy cảnh sát Trung Hoa tuần tiễu trên đường phố Hungary.
Người ta nói rằng Bắc Kinh đã xếp công an tới Budapest chứ không phải bộ trưởng quốc phòng hay ngoại giao để thảo luận về hợp tác an ninh. Trong cuộc họp với Vương, Bộ trưởng Công an Trung Hoa, Bộ trưởng Nội vụ Hungary, Sandor Pinter, đã lập lại luận điệu chính thức của Trung Hoa bằng cách nhấn mạnh “đảm bảo an ninh và ổn định” là điều kiện tiên quyết cho mối quan hệ tốt đẹp. Ít nhất một phần, điều này phản ảnh mối lo ngại của Orban rằng sự tham gia của Hungary với Hoa Kỳ sẽ tạo cơ hội cho phe đối lập cấp tiến có thể thách thức chế độ của ông.
Mặc dù quan hệ hợp tác của Budapest với Bắc Kinh và Washington giống nhau trong một số vấn đề nhất định, chẳng hạn như chống khủng bố, Hungary nhìn chung có những lý do khác nhau để duy trì hai mối quan hệ và những kỳ vọng khác nhau về những gì mỗi nước bảo trợ an ninh sẽ cung cấp.
Orban có thể trơ trẽn hơn hầu hết những nhân vật lãnh đạo thế giới trong việc phô trương mối quan hệ an ninh kép của Hungary, nhưng nước ông không phải là quốc gia duy nhất thu hút sự chú ý và sức mạnh từ cả Trung Hoa và Hoa Kỳ. Việt Nam cũng vậy. Tháng 9 năm ngoái, trong khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang ở Hà Nội, Hoa Kỳ và Việt Nam tuyên bố sẽ nâng mối quan hệ lên cấp “đối tác chiến lược toàn diện” gồm sự hợp tác chặt chẽ giữa những tổ chức quốc phòng Hoa Kỳ và Việt Nam.
Hà Nội và Washington đã đều đặn tăng cường hợp tác an ninh trong mười năm qua nhằm đối phó trực tiếp với mối đe dọa an ninh mà Trung Hoa gây ra ở khu vực lân cận Việt Nam. Những tranh chấp của Việt Nam với Trung Hoa về nhưng tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông khiến sự hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt phát triển mạnh nhất trong lĩnh vực hàng hải.
Việt Nam trở thành nước mà những hàng không mẫu hạm Mỹ hoạt động trong khu vực ghé thăm thường xuyên.
Ba tháng sau chuyến thăm Hà Nội của Biden, đến lượt Tập. Vào tháng 12, Tập tới thủ đô Việt Nam để củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Bắc Kinh với Hà Nội. Tuy nhiên, lần này cuộc trò chuyện tập trung vào việc củng cố sự cai trị của đảng cộng sản ở cả hai nước. Tập tuyên bố rằng, Bắc Kinh và Hà Nội sẽ “hết sức ngăn chặn, xoa dịu và kiềm chế mọi loại rủi ro chính trị và an ninh”, không chỉ đề cập đến những mối đe dọa an ninh quốc gia mà còn cả những mối đe dọa đối với Đảng Cộng sản và giới lãnh đạo của hai nước.
Để giải quyết những rủi ro này, Bắc Kinh cam kết yểm trợ Hà Nội bằng những biện pháp nội an thiết thực, gồm việc chia sẻ thông tin tình báo của Bộ Công An Nhà nước Trung Hoa và tăng cường hợp tác giữa công an hai nước. Hai nước đồng ý với nỗ lực chung nhằm ngăn chặn tình trạng bất ổn trong nước, chủ nghĩa ly khai và “cách mạng màu”—một thuật ngữ gợi lên sự lo ngại chung của Trung Hoa và Việt Nam về sự can thiệp của nước ngoài và hoạt động đối lập có thể lật đổ đảng cộng sản khỏi ghế quyền lực dẫn đến dân chủ hóa. Theo một cách nào đó, hai quan hệ đối tác an ninh của Việt Nam được thiết lập để cân bằng lẫn nhau: Hà Nội muốn có sự trợ giúp của Hoa Kỳ để chống lại mối đe dọa an ninh bên ngoài từ Trung Hoa, và muốn có sự trợ giúp của Trung Hoa để chống lại mối đe dọa đối với an ninh của chế độ mà họ cho rằng, ít nhất một phần, là do những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy dân chủ.
Những quốc gia khác cũng thấy có lợi khi được hai cường quốc cạnh tranh cùng bảo vệ an ninh. Ví dụ, những Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã được Trung Hoa yểm trợ cho những cơ quan nội an ninh, đôi khi phải trả giá bằng sự mất đi sự hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ. Djibouti đã đồng ý cho cả Mỹ và Trung Hoa đặt căn cứ quân sự. Singapore tự khẳng định mình là đối tác an ninh và là trung gian có giá cho Washington và Bắc Kinh. Papua New Guinea gần đây đã ký những thỏa thuận an ninh với Hoa Kỳ và Australia nhưng vẫn đang xem xét đến nhưng hỗ trợ thêm từ Bắc Kinh. Những hình thức yểm trợ mà mỗi quốc gia nhận được từ Trung Quốc và Hoa Kỳ đều khác nhau, cho phép họ lựa chọn trong số những măt hàng an ninh của hai cường quốc và chọn những gì hợp nhất với nhận thức của họ về các mối đe dọa mà họ phải đối mặt.
CẠNH TRANH AN NINH MỚI
Theo quy ước những quốc gia trên thế giới không muốn phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa vì Hoa Kỳ mang lại an ninh, Trung Hoa mang lại sự thịnh vượng kinh tế và không quốc gia nào muốn từ bỏ nước này để đổi lấy nước kia. Trong nhiều năm qua, Trung Hoa đã tăng cường liên lạc bới những đối tác họ có thể yểm trọ về nội an và nhiều chính phủ nước ngoài đã chấp nhận hoặc đang tích cực xem xét những đề nghị của Bắc Kinh, đặc biệt là về các vấn đề nội an. Nếu những quốc gia này đã có quan hệ an ninh với Mỹ, họ thường không từ bỏ những cam kết đó khi củng cố quan hệ với Trung Hoa mà thay vào đó, mối quan hệ an ninh của họ với Bắc Kinh và Washington phát triển song song khi họ phải giải quyết những mối quan tâm khác nhau.
Trong Chiến tranh Lạnh, Washington và Moscow đã yểm trợ an ninh cả trong và ngoài nước cho những quốc gia bạn của họ, và rất ít quốc gia duy trì mối quan hệ an ninh với cả hai siêu cường. Mặc dù Washington đã không hoàn toàn rút khỏi việc hỗ trợ nội an trong nhiều thập kỷ kể từ đó, nhưng nó vẫn để lại một khoảng trống mà một Trung Hoa đang trỗi dậy đang dần dần tràn vào.
Bắc Kinh miêu tả cách tiếp cận tập trung vào ngoại an hiện tại của Washington là không đủ để giải quyết những thách thức nội an và phi truyền thống mà nhiều quốc gia hiện nay phải đối phó. Nó đưa ra những giải pháp thay thế dưới biểu ngữ Sáng kiến An ninh Toàn cầu như một cách để bù đắp sự thâm hụt.
Ở những quốc gia gặp khó khăn do quản trị yếu kém, sự yểm trợ nội an của Trung Hoa có thể giải quyết được vấn đề – cải thiện trật tự công cộng và thực thi pháp trị thường mang lại lợi ích cho người dân cũng như tầng lớp cai trị. Nhưng chính sự viện trợ đó cũng có thể tạo điều kiện cho sự đàn áp và củng cố nền cai trị phi dân chủ. Ví dụ, những chương trình huấn luyện công an của Trung Hoa có thể dậy những chiến thuật hữu ích cho cơ quan thi hành pháp luật địa phương, nhưng chúng cũng phổ biến một quan điểm mở rộng về hoạt động trị an chính trị có thể bình thường hóa và khuyến khích đàn áp dân chúng. Dự án “thành phố an toàn” có thể góp phần kiểm soát tội phạm đô thị và an toàn công cộng nhưng cũng có thể cung cấp những phương tiện để theo dõi những người bất đồng chính kiến và khuất phục phe đối lập chính trị.
Đặc biệt, giới lãnh đạo độc tài có khuynh hướng lo ngại sự hỗ trợ an ninh khu vực của Mỹ sẽ đi kèm với những ảnh hưởng phụ không chờ đợi. Lãnh đạo những nước như Việt Nam cố giải quyết mối đe dọa đó bằng cách quay sang Trung Hoa để được yểm trợ về mặt nội an và kiểm soát chính trị đối lập. Về phần mình, Bắc Kinh đồng cảm với những lo ngại về an ninh của chế độ Hà Nội và tận dụng cơ hội đó để thúc đẩy hợp tác song phương. Một cách gián tiếp, hợp tác quốc phòng của Mỹ với những nước chuyên quyền có thể khuyến khích những chế độ đó theo đuổi hợp tác nội an sâu sắc hơn với Trung Hoa và mở ra những con đường mới cho ảnh hưởng của Trung Hoa.
Những sáng kiến hợp tác an ninh của Mỹ và Trung Hoa có thể tương tác theo những cách khác, làm gia tăng sự cạnh tranh giữa hai nước. Chiến lược gia cho rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa sẽ khiến sự cạnh tranh của họ ít xung đột hơn thời Chiến tranh Lạnh đang bỏ qua sự khác biệt căn bản giữa mối quan hệ an ninh chồng chéo ngày nay và những khối an ninh của thế kỷ 20. Khi Washington và Bắc Kinh ngày càng bảo vệ an ninh cho những quốc gia giống nhau, lợi ích của họ có thể xung đột ở cấp địa phương.
Ví dụ, giới chức quốc phòng Mỹ có thể tự tin vào mối quan hệ của họ với những đối tác ở Hà Nội vì những giới chức quốc phòng Việt Nam có thể thực sự đặt ưu tiên chiến lược an ninh khu vực cao hơn măt nội an để chống lại sự xâm lấn lãnh thổ của Trung Hoa ở Biển Đông. Nhưng những bộ phận khác của chính phủ ở Hà Nội – chẳng hạn như thủ tướng, người có gốc tình báo và nội an – đang hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh để bảo đảm sự tồn tại của chế độ cộng sản Việt Nam. Hậu quả là Washington có thể đánh giá quá cao đòn bẩy của mình: khi gặp khó khăn, giới lãnh đạo Việt Nam có thể không chọn đối tác giúp họ bảo vệ những hòn đảo xa xôi mà ngả theo đối tác giúp họ tránh bị lật đổ hoặc phe đối lập trong nước giết chết.
Sự hỗn hợp không đồng đều, không chắc chắn và có thể không ổn định giữa cạnh tranh và bổ túc trong quan hệ đối tác an ninh giữa Mỹ và Trung Hoa đặt ra thách thức cho giới hoạch định chính sách Mỹ khi những quốc gia bạn đang dùng nhữngc khái niệm, chiến thuật và kỹ thuật an ninh quốc gia của Trung Hoa để đàn áp nhân quyền và thắt chặt kiểm soát quần chúng của chế độ độc tài, Washington không thể và không nên cạnh tranh để đạt được những mục tiêu tương tự.
Ở những nơi Bắc Kinh đang giúp những nước giải quyết những vấn đề an ninh hợp pháp—chẳng hạn như mức độ tội phạm bạo lực cao—Washington nên phát triển và đưa ra các giải pháp thay thế nhằm giải quyết những vấn đề này mà không tạo điều kiện cho sự xói mòn nền dân chủ hoặc gia tăng cơ hội đàn áp.
Nếu những quốc gia này chọn tiếp tục nhận hỗ trợ nội an từ Trung Hoa, như một số nước có thể sẽ làm, Hoa Kỳ và những đối tác nên hợp tác với họ để thiết lập những biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như giám sát nhằm bảo vệ dân chủ và nhân quyền.
Tuy nhiên, trước tiên, Hoa Kỳ nên đánh giá từng quốc gia để xác định họ thuộc vào loại nào. Mỗi quốc gia sẽ có những yêu cầu an ninh riêng và mỗi nước sẽ cần có một giải pháp riêng. Washington và những đối tác của mình cần hiểu rõ hơn về cách những điều khoản an ninh của Trung Hoa đáp ứng nhu cầu của từng quốc gia trước khi họ có thể đưa ra những lựa chọn thích hợp thay thế phù hợp.
Cuối cùng, Hoa Kỳ phải quyết định cạnh tranh ở đâu và như thế nào—và xây dựng mối quan hệ đối tác của mình theo những cách vừa ổn định an ninh quốc tế, vừa bảo vệ dân chủ và nhân quyền. Washington sẽ cần cảm thấy thoải mái hơn nhiều khi điều hợp những mối quan hệ an ninh phức tạp và chồng chéo này, bởi vì hình thức cạnh tranh toàn cầu này sẽ không biến mất trong tương lai gần.
© 2024 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
________________________
Nguồn: Playing Both Sides of the U.S.-Chinese Rivalry | Sheena Chestnut Greitens and Isaac Kardon | Foreign Affairs | 15 MAR 2024