Một thoáng Hoa Kỳ

Vũ Thư Hiên

Và một lá cờ mới của một Việt Nam mới, do nhân dân Việt Nam lựa chọn, sẽ tung bay trên cột cờ của kinh thành Thăng Long xưa.

Tiếp khách đến Hoa Kỳ. Nguồn: Phi trưởng Houston

Cô cảnh sát to béo ngồi thèo đảnh trên ghế xoay, như cảnh thường thấy trong những phim Mỹ, hất hàm hỏi tôi:

– Ông đến đây làm gì?
– Tôi tới thăm bè bạn, thưa bà – tôi đáp.

Cô ta ngả người trên ghế, quan sát tôi vài giây.

– Hừm, ông không định kiếm việc ở đây chứ?

Cô ta chừng hai mươi lăm cái xuân xanh. Tôi chắc mình đã phạm sai lầm khi gọi cô bằng “bà”. Dù sao thì câu hỏi của cô cũng cho tôi thấy được khía cạnh tự thị của người Mỹ. Họ nghĩ ai tới đây cũng để kiếm một chỗ làm, hoặc tệ hơn, ở lì.

– Tôi 66 tuổi. Liệu ở đây có việc cho tôi không, thưa cô?

Cô cảnh sát không trả lời, xem rất kỹ thư mời của Hội Văn học Nghệ thuật Việt-Mỹ (VAALA), cái đầu ngúc ngắc.

– Ông làm nghề gì?
– Tôi viết văn, thưa cô.
– Nhà văn hả? All right. Ông có cuốn sách nào mang theo không? Sách của ông, tất nhiên.

Tôi ngớ người. Tôi có mang theo mấy cuốn sách. Nhưng không phải sách của tôi.

– Chỉ những nhà văn hạng bét mới phải mang theo sách của mình để tự giới thiệu mỗi khi đi đâu – tôi đáp, giọng đủ để cô ta hiểu tôi khó chịu – Hình như trong cặp của tôi còn có một bức thư của Nghị hội các Nhà văn quốc tế. Gửi cho tôi, tất nhiên. Mới đây. Cái đó có thể chứng thực nghề nghiệp của tôi. Cô có cần xem không?

Cô ta ngẩng đầu lên, và bỗng nhoẻn cười, lần đầu tiên:

– OK! Không cần đâu. Chúc ông may mắn.

Rồi đóng dấu lạch xạch vào cuốn hộ chiếu của người không quốc tịch, trả nó cho tôi. Và đáng ngạc nhiên làm sao, gương mặt khó đăm đăm của cô bỗng dãn ra, cô nháy mắt với tôi, nụ cười của cô hết sức thật thà, hết sức tươi tắn, phô hàm răng hết sức trắng chỉ người Mỹ mới có.

Nước Mỹ đón tôi không thân thiện, nhưng cũng không lạnh nhạt. Như ở địa đầu mọi quốc gia, với một chút dấu ấn riêng của quốc gia mang tên Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.

Nhưng đây là nước Mỹ, nước có liên quan trực tiếp với Việt Nam của tôi từ Thế chiến thứ hai, với những pháo đài bay B26 đã ném bom Hà Nội từ 1943, với những Phantom, Thunderchief, B.52 đã bắn và ném bom khắp miền Bắc Việt Nam trong cuộc chiến vừa mới qua. Có nghĩa là chuyến đi của tôi vào một đất nước xa lạ, cách đây bốn thập niên là điều không thể tưởng tượng được là có, đã xảy ra.

Vào một ngày cuối của thiên niên kỷ thứ 2.

***

Ở nước Mỹ, mọi cái đều to.

To nhất là những con đường hàng tỉnh, những xa lộ, với sáu hoặc tám làn xe xuôi ngược, những mạng nhện cầu cạn ở các giao lộ. Ðiều khó hiểu là tôi không thấy có các phương tiện giao thông công cộng thường có ở châu Âu – không xe bus (hoạ hoằn mới thấy), không xe điện… Phần lớn các thành phố loại trung bình không có xe điện ngầm. Nhưng hệ thống đường xá thì ghê gớm. Tôi không hình dung nổi một ngày nào đó ở nước ta sẽ có những con đường như thế.

Những thành phố Mỹ thường trải rộng trên một diện tích lớn, hoặc kéo dài ở hai bên xa lộ như một phố huyện của Việt Nam, nhưng là một phố huyện cực kỳ vĩ đại, với những ngôi nhà có vẻ to hơn là cần thiết.

Dường như trong môn quy hoạch đô thị đã có nhiều cuộc cãi vã bất phân thắng bại về chuyện nên xây thành phố theo chiều cao hay chiều rộng. Vốn quen sống ở châu Âu, tôi thấy khó quen với những thành phố loại này, nơi để mua một chai nước ngọt hay một bao thuốc lá người ta cũng phải leo lên xe hơi, nơi để ăn một bát phở ngon có thể đi một quãng đường bằng từ Sài Gòn đi Vũng Tàu. Cảm giác khó quen này càng mạnh khi tôi nhớ đến khu phố nhỏ ở Paris, nơi tôi cư ngụ, ở đó tôi có thể lang thang hàng giờ bằng đôi chân của tôi trong mê lộ cửa hàng và công thự.

Những ngôi nhà chọc trời ở các ghost cities vắng ngắt về đêm làm cho thành phố Mỹ không có cái hơi ấm của các thành phố châu Âu hay châu Á. Người phương Tây phải ở đây nhiều năm chắc sẽ buồn đến chết.

Phở ở Mỹ (quán phở trên Đại lộ University, Riverside Riverside, California). Nguồn: https://news.vienvong.com

Cái sự to ở Mỹ ảnh hưởng đến cả bát phở truyền thống của Việt Nam. Ở Sydney, tôi đã sửng sốt trước bát phở ngoại cỡ, để bị các bạn đồng nghiệp ở tờ Việt Luận cười to mà an ủi (hay đe doạ) rằng nếu tôi gọi bát phở Sydney là “chậu phở” thì ở California, gọi tắt là Cali, tôi sẽ còn há hốc miệng khi gặp các “máng phở” kìa. Họ nói có hơi quá. Tôi không gặp các “máng phở”, nhưng đúng là những bát phở ở Mỹ to hơn bất cứ đồng loại nào của chúng ở bất cứ nơi nào có người Việt cư ngụ. Về chuyện phở ở Mỹ có ngon hơn ở những nơi khác hay không, tôi không dám có ý kiến vội vã, e xúc phạm tình cảm phở của những người địa phương yêu phở địa phương. Thú thực, ở những thành phố mà tôi có dịp qua trên ba bang Virginia, Texas và California tôi chưa được hân hạnh gặp một bát phở có vị ngon của đất kinh kỳ những thời đã xa. Nhưng nếu chỉ so hai thứ phở Paris và phở Orange County thì phở Việt ở Mỹ ngon hơn hẳn, gần với phở truyền thống hơn.

Người Việt ta ở Hoa Kỳ thành đạt hơn hẳn ở các nước phương Tây mà tôi đã từng đến. Tôi không gặp ở đây những triệu phú người Việt mới phất lên trong thời hậu cộng sản ở Nga và Ðông Âu, nhưng những người giàu có sàn sàn theo chuẩn mực Việt thì ở Mỹ có nhiều. Ngôi nhà nào của bạn bè mà tôi được mời tá túc trong thời gian lưu lại nước này cũng làm tôi ngạc nhiên. Tất cả đều rộng rãi, rất nhiều phòng, so với chuẩn mực châu Âu, không nói gì tới châu Á.

Nói thí dụ như ngôi nhà của anh bạn người làng tôi. Anh có bốn đứa con, mỗi đứa đều có phòng riêng, lại có phòng học chung, với computer và các thứ sản phẩm kỹ thuật tân kỳ cho mỗi đứa. Chưa kể phòng ngủ của vợ chồng anh, phòng khách, phòng tắm, phòng nào phòng nấy thênh thang. Ở làng tôi, trước cách mạng, anh là một tá điền nghèo. Ngôi nhà của cha mẹ anh trống huếch hoác, mưa xuống thì dột khắp, trong nhà như ngoài sân. Ngôi nhà của anh bây giờ chưa phải thuộc loại to trong những ngôi nhà của di dân Việt mà tôi biết, nhưng chỉ thế thôi nó cũng có thể gợi nên cảm giác ghen tị ở nhiều quan chức ở nước ta. Họ có những biệt thự bề thế, cả những lâu đài nữa, nhưng không thể hiện đại. Cái chất nhà quê, cái chất phú ông vẫn cứ lồ lộ.

– Tội nghiệp họ – một anh bạn vừa có dịp về thăm nước kể – Bây giờ họ tranh nhau từng hợp đồng với tư bản nước ngoài, họ nịnh trên lừa dưới để giành giật từng mảnh đất để buôn bán, để hối hả xây nhà, xây biệt thự cho mình và cho người ngoại quốc thuê… Ấy thế nhưng lại vẫn tiếp tục trơ trẽn che đậy những tranh chấp thế tục bằng những lời lẽ cách mạng cao đạo, cứ như thể họ đang lo lắng cho dân đến mất ăn mất ngủ. Anh có nghe khẩu hiệu này không: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”? Dân nghe ngứa tai, mới chữa lại cái khẩu hiệu đầu lưỡi của các nhà lãnh đạo như thế này: “Vì tước quên dân, vì thân phục vụ.” Cho đúng với thực tế. Lẽ ra họ đừng làm cái cách mạng của họ nữa, mà nên vượt biên như anh bạn hàng xóm của anh, để kiếm được những cái nhà, cái xe như anh ta có!

Một lời nói thật, nghe như một cái tát.


***

Câu trả lời của tôi trong cuộc phỏng vấn truyền thanh phát trực tiếp ở Houston, bang Texas, đã gây ra một sự khó chịu, nếu không nói là phẫn nộ, ở một số người. Người phỏng vấn, sau mấy lời chào thân mật, đã hỏi tôi, vỗ mặt:

– Anh có phải là người chống cộng không?

– Không, thưa anh. Tôi là người dân chủ. Tôi muốn có một xã hội đủ chỗ cho mọi người, kể cả người cộng sản. Ai yêu cái gì sẽ được yêu, thích cái gì sẽ được thích, với một điều kiện: không được đặt nó lên đầu người khác.

Tôi đã trả lời như thế.

Tôi không có thói quen quanh co. Tôi không ra đời để mà sợ. Tôi nói đúng điều tôi nghĩ.
Tôi đã từng thích chủ nghĩa cộng sản. Như bố tôi đã thích. Như mẹ tôi đã thích. Vào cái thời thanh niên của ông bà, trong cuộc đấu tranh cho giải phóng dân tộc. Các cụ nghe hơi nồi chõ về nước Nga lật đổ chế độ Sa hoàng, giành chính quyền về tay nhân dân, là nhờ có cái chủ nghĩa ấy. Rồi các cụ nghĩ nước ta cũng sẽ được như thế nếu ta có cái đó để đập tan gông cùm thuộc địa. Cộng sản lúc bấy giờ là cái tên đẹp, cái tên quyến rũ, dù chẳng ai biết nó là thế nào.

Rồi tôi không thích nó nữa, cái chủ nghĩa cộng sản mà tôi thấy trong thực tế. Ở nước ta. Ở Trung Quốc. Ở Liên Xô. Ở tất cả các nước gọi là xã hội chủ nghĩa khác. Nó là sự tàn bạo khoác áo nhân từ. Là sự cưỡng đoạt với bộ mặt kẻ cho của bố thí. Là sự đạo đức giả trơ trẽn.

Tôi không thích nó từ lâu trước khi bị chế độ gọi là cộng sản nọ ném vào xà lim để dạy dỗ cho tôi tình yêu đối với nó. Trong nhà tù của nó tôi chỉ hiểu nó thêm, hiểu nó rõ hơn. Và càng ghét nó hơn.

Nhiều người đã đi qua đoạn đường ấy. Như tôi. Thích rồi không thích. Yêu rồi ghét. Là chuyện bình thường. Chúng tôi đâu có được bú chân lý cùng với sữa mẹ. Nhận thức là một quá trình. Từ không biết đến biết. Từ không hiểu đến hiểu. Hiện vẫn còn những người đang đi trên đoạn đường mà chúng tôi đã đi qua. Họ chưa đi, hoặc chưa đi hết đoạn đường ấy.
Nhưng không phải vì thế mà họ là kẻ thù của tôi. Họ vẫn là bạn của tôi, là đồng bào của tôi. Là những người mà tôi yêu mến. Là những người mà tôi muốn gọi đi cùng tôi. Tôi tin chắc: một khi hiểu ra, họ sẽ là bạn đồng hành của tôi. Tôi không muốn họ hiểu lầm tôi. Tôi thấy cần phải rạch ròi trong những khái niệm. Tôi không muốn những người tốt, nhưng chưa hiểu, chạnh lòng. Cuộc đấu tranh cho tương lai không phải để thay đổi nhà cầm quyền này bằng một nhà cầm quyền khác. Nó là cuộc đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp. Vì một xã hội như thế đáng để cho ta dấn thân tranh đấu.

Tôi có một số bạn bè tờ-rốt-kít, là những người phần lớn đã bị cái chủ nghĩa cộng sản gớm ghiếc kia truy lùng, bách hại: Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Trạch… Ông Hồ Chí Minh viết:

“Phải giết bọn tờ-rốt-kít như giết những con chó.”

Hồ Chí Minh

Ở Liên Xô cũ, năm 1937 đã có hàng chục vạn người bị gán cho cái tên tờ-rốt-kít để bị hành quyết, bị chết mục trong các trại tập trung. Trotsky, nhân vật thứ hai sau Lênin trong Cách mạng Tháng Mười, đã chạy sang xứ Mexico tận Tây bán cầu mà vẫn còn bị đại đao phủ Stalin cử người sang giết.

Những người tờ-rốt-kít không thích cụm từ “chống cộng”. Họ khẳng định chủ nghĩa cộng sản theo kiểu Stalin không phải là chủ nghĩa cộng sản. Họ có chủ nghĩa cộng sản của họ. Nó khác kìa. Tôi không biết nó sẽ thế nào, một khi nó hình thành trong thực tế. Tôi ghét Lenin, Stalin, nhưng tôi cũng chẳng tin Trotsky bao nhiêu. Ông có thể rất khác với Lenin vì ông là nhà văn, là người trọng văn hoá hơn chính trị. Những tác phẩm của Trotsky mà tôi được đọc làm tôi có cảm tình với ông. Nhưng trong những tác phẩm ấy ông không nói về cái chủ nghĩa cộng sản của ông. Điều tôi biết chắc: là những người tờ-rốt-kít bạn tôi là những con người dễ mến, đáng kính trọng bởi tư cách của họ, bởi lòng tốt của họ, bởi tính biết chấp nhận những ý kiến ngược với họ. Vì tình cảm đối với họ, tôi sẵn sàng tin rằng rất có thể có một thứ cộng sản tốt. Nhưng tôi còn chút hoài nghi: chắc nó không thể tốt hơn những xã hội không cộng sản mà tôi thấy, là những xã hội có khả năng tự thích nghi với những nhu cầu luôn xuất hiện làm ra những đổi thay.

Cho nên tôi không thể là người chống cộng nói chung. Tôi chống những tên độc tài ở Hà Nội đã bỏ tù Hoàng Minh Chính, Hà Sĩ Phu, Lê Hồng Hà, Thích Huyền Quang, Thích Quảng Ðộ, Ðoàn Viết Hoạt, Nguyễn Ðan Quế…, quản chế Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự… Nếu “cộng” chỉ là những tên độc tài đó thì tôi hiển nhiên là người chống cộng. Mà còn là người chống cộng hung hăng nữa kia.

Nhưng tôi không thể chống cái chủ nghĩa cộng sản của những ông bạn tờ-rốt-kít của tôi. Hãy để cho khái niệm đó được ở cùng ta. Trong xã hội tương lai ấy có đủ mọi thứ đảng, mọi thứ hội kia mà. Nó có chỗ cho đảng “Những người bạn bia” như ở Cộng hoà Tiệp, ở Ba Lan. Nước ta rồi đây sẽ có một đảng “Những người bạn quốc lủi” chẳng hạn. Thì đã sao. Ở Cộng hoà Liên bang Ðức hiện nay, tôi thấy có cả Ðảng xã hội dân chủ Ðức SPD (Sozialdemokratische Partei Deutschlands) lẫn Ðảng xã hội chủ nghĩa dân chủ Ðức PDS (Partei des Demokratischen Sozialismus), chính là cái đảng cộng sản Ðức cũ. Tôi đã ăn một bữa tối ở Ðức trong một gia đình Ðức có hai đúa con thuộc hai cái đảng với hai cái tên làm tôi lẫn lộn nói trên. Và ở vùng Iles de France của Pháp, trong một cuộc hội thảo, tôi đã gặp những người cộng sản Pháp bằng những lời lẽ gay gắt lên án hành động của chính quyền Hà Nội đối với những nhân vật phản kháng ở nước ta.

Tôi thẳng thắn chia sẻ cách nhìn này với những người bạn Việt mới quen trên đất Mỹ, và đáng ngạc nhiên làm sao, tôi được sự đồng tình không một chút miễn cưỡng.

Có sao đâu, họ nói. Chúng tôi đã qua cái giai đoạn hận thù chất ngất, hận thù đằng đằng rồi. Chúng tôi đã có cái nhìn tỉnh táo. Mọi sự trên thế giới này đều thay đổi. Ngay ở nước ta, người cộng sản bây giờ cũng khác những người cộng sản những năm sau 1975, dù buộc lòng. Một số chính sách, nhìn chung, bớt khắc nghiệt, đã có nhiều cởi mở. Ðến nỗi cái tự do giả được nhiều người ngộ nhận như tự do thật. Ðến nỗi có những người Việt từ nước ngoài trở về khen “Việt cộng hồi này tốt đáo để.”

Họ mới nhầm làm sao!

Chế độ độc tài vẫn còn nguyên đó. Vẫn còn nguyên ách cai trị của số ít tự xưng mình là lương tâm thời đại, trí tuệ của nhân loại, trên toàn thể nhân dân. Và ai cả gan đụng tới ngai vàng của những tên vua chúa mới là bị nền chuyên chế của chúng trừng trị không thương tiếc. Chúng chỉ thay đổi bộ áo ngoài mà thôi.

Một đặc điểm dễ nhận của những tên độc tài là sự không chấp nhận những ý kiến ngược, là sự sử dụng bạo lực để đàn áp những ai dám nghĩ khác chúng. Sự tàn bạo tuỳ thuộc ở nhiều yếu tố, trước hết là ở cấp độ sở hữu quyền lực.Có những tên độc tài già. Và có những tên độc tài chưa vỡ bọng cứt.

Hãy chống độc tài ở mọi hình thức biểu hiện của nó, dưới mọi nhãn hiệu mà nó có thể nghĩ ra. Sau cái độc tài của những tên cơ hội hớt váng sữa cách mạng, xưng danh cộng sản, sẽ có những tên độc tài hiện đại trương cờ dân chủ, là điều có thể lắm.
Ai dám bảo đảm rằng không?


***


Nước Mỹ mà tôi đi qua, một cuộc cưỡi ngựa xem hoa không hơn không kém, một cái chân voi mà một anh mù là tôi vừa sờ tới, gợi nên nhiều liên tưởng.

Trước hết là sự liên tưởng hướng về tương lai đất nước. Nó sẽ như thế này chăng?

Câu trả lời của tôi cho riêng tôi là: xã hội tương lai của đất nước ta mà tôi muốn có, mà tôi hình dung ra, sẽ vừa giống vừa không giống cái xã hội ở đây. Những nét chung là giống, nhất định phải giống, về dân chủ, về nhân quyền. Nhưng sẽ không giống về nhiều luật lệ và thoả ước xã hội bởi những đặc điểm truyền thống. Cái giống có thể học hỏi ở các xã hội dân chủ mà ta biết, ở đây, ở phương Tây và nhiều nước khác trên thế giới. Cái không giống là cái chúng ta phải tìm trong kho tàng cách sống chung với nhau trong cộng đồng mà tổ tiên để lại.

Maxim Gorky đã làm một cuộc phỏng vấn giả tưởng, trong “Thành phố con quỷ vàng” thì phải, bằng lối thậm xưng. Ông hỏi một nhà tư bản:

– Ông làm nghề gì, thưa ông?
– Tôi ấy à? Tôi làm tiền.
– Tức là?
– Tôi làm ra tiền, ông không hiểu sao? Là làm ra những tờ giấy bạc ấy mà. Và cả những ngân phiếu.
– Ông dùng tiền ấy làm gì?

Nhà tư bản trợn mắt:

– Còn để làm gì nữa? Ðể làm ra tiền.
– Tôi không hiểu. Rồi ông dùng tiền ấy làm gì chứ?
– Thì lại để làm ra tiền nữa.
– Nhưng rồi cuối cùng ông phải dùng tiền ấy để làm một cái gì chứ?

Nhà tư bản ngẫm nghĩ một lát.

– Hừm, nếu khi tôi cảm thấy đã quá nhiều, ắt tôi phải nghĩ ra cách để tiêu chúng.
– Chẳng hạn, ông sẽ làm gì?

Nhà tư bản gãi đầu:

– Làm gì hả? Chẳng hạn, tôi sẽ thuê hai tên quốc vương, nói giả tỉ như vậy…
– Nhưng rồi để làm gì?

Nhà tư bản nhún vai:

– Hừm, để chúng đánh bốc cho tôi xem, ở ngay cái sân này này. Ông thấy thế nào, một ý nghĩ thú vị đấy chứ?

Tôi không chờ được gặp một nhà tư bản, lại càng không phải một nhà tư bản điên rồ như thế. Thay vì gặp một nhà tư bản, tôi gặp nhiều người Mỹ, và tôi thấy ông Maxim Gorky đã nhầm. Và ông làm cho chúng tôi, người đọc, nhầm theo ông.

Người Mỹ trong cái nhìn cưỡi ngựa xem hoa của tôi rất dễ thương. Họ hồn nhiên, tốt bụng, với một chút ngờ nghệch, thường có ở dân các nước lớn. Họ thích có nhiều tiền. Để có nhiều tiền, họ làm việc chăm chỉ, tuy có hơi nhiều.

Nước Mỹ là một nước như mọi nước khác, với những cái tầm thường và những cái vĩ đại, không kể nó là nước giàu có hơn bất cứ nước nào khác mà tôi biết. Nước Mỹ ngày nay có đọc chính tả cho các nước khác chép cũng là lẽ đương nhiên. Nó không những giàu, mà còn tiên tiến về khoa học và kỹ thuật. Một nước Mỹ thật rất khác với một nước Mỹ bịa đặt do nền tuyên truyền đỏ tạo ra.

Ðêm đầu tiên ở Washington D.C., ông bạn già đồng nghiệp mà tôi rất kính trọng, từng ở tù cộng sản 11 năm sau khi Sài Gòn thất thủ, người cho tôi bữa ăn và chỗ ngủ, đã chia sẻ với tôi quan niệm về nước Mỹ mà ông đã quan sát nhiều năm:

– Nước Mỹ có nhiều mặt. Ðẹp và Xấu. Thiện và Ác. Như ở bất cứ nơi nào trên trái đất của chúng ta. Mọi đối cực đều song hành. Nhưng cái tốt của xã hội này là căn bản. Nó cho mỗi thành viên của nó, bất kể màu da, xuất xứ, đẳng cấp, một cơ hội tiến thân ngang nhau, trong một cuộc cạnh tranh ác liệt và tàn nhẫn, đủ để cho các bậc hiền triết phương Ðông rùng mình. Nhưng với tất cả sức mạnh của tư tưởng nhân bản mà các bậc hiền triết của chúng ta có, cho tới nay các bậc ấy chưa thể nghĩ ra cho con người một cái gì hơn thế.
– Nghĩa là trong nó có cả hào quang của Thượng đế và móng vuốt của quỷ sứ?
– Chứ còn gì.
– Nhưng ở đây con ngườivẫn không ngừng hướng tới và đi về phía cái Thiện, cái Đẹp?
– Ðã đành.

Nhà hiền triết của tôi trả lời.


***


Trước khi đi Hoa Kỳ, tôi nhận được mấy bức thư từ Hà Nội.

Một anh bạn viết cho tôi:

“Ông ơi, xin ông đừng đao to búa lớn, người ta ớn đến tận cổ những lời gào thét rồi. Không thể gào thét mà thay đổi được cục diện trên đất nước này đâu. Tốt hơn cả là vạch cho mọi người thấy: trước nhân dân ta chẳng có cách nào thoát khỏi tình trạng trì trệ và lạc hậu hiện nay ngoài sự lựa chọn không thể thoái thác là phải tìm ra ngay lập tức một phương thức quản trị tối ưu cho đất nước. Bởi vì phương thức quản trị hiện tại, cứ gọi chung là như thế đi cho khỏi bị nói là chửi bới, rõ ràng là không tốt – cái đó có quá thừa chứng cớ, chẳng cần phải chứng minh. Và xin nhấn mạnh: trong bộ máy quản trị mới, do phương thức quản trị tối ưu kia sinh ra sẽ có mặt mọi thành viên ưu tú của đất nước, do nhân dân tự do lựa chọn, không loại trừ cả những người còn thích chủ nghĩa cộng sản.”

Tôi hiểu anh bạn tôi muốn nhắn nhủ tôi điều gì. Anh muốn tôi hiểu rằng trong các cách đấu tranh để dân chủ đất nước không cần nói nhiều về mục tiêu nữa, mà phải bàn về cách thức. Mục tiêu thì rõ quá rồi. Cần phải bỏ ngay lập tức, càng nhanh càng tốt,cái cách thức quản trị nhà quê của mấy ông con Trời hiện đại tự xưng “duy nhất đúng đắn và vô cùng sáng suốt”. Bỏ cho nhanh. Đập cho tan. Nhưng bỏ bằng cách nào? Đập tan bằng cách nào? Bằng một cuộc nổi dậy vũ trang ở trong nước? Lại một trận nồi da nấu thịt. Hay bằng một cuộc tấn công vũ trang từ bên ngoài, là cái chỉ thực hiện được trong hoang tưởng? Anh bạn tôi muốn tôi hiểu rằng khi mình nói như thế thì kể cả những người nắm quyền hiện nay ở nước ta cũng khó lẩn tránh một khi vấn đề được công khai đặt ra. Chẳng ai trong bọn họ dám trâng tráo khẳng định phương thức quản trị của họ là tối ưu nữa rồi. Đã hết cái thời tự xưng “vô cùng sáng suốt và duy nhất đúng đắn” của hai ông con trời Trường Chinh và Lê Duẩn. Những người cộng sản không ở trong đám cơ hội độc tài cũng thấy không phải là xóa bỏ, thủ tiêu, hay lật đổ chế độ hôm nay của họ, mà sự lựa chọn cần thiết này là sự lựa chọn của cả họ và con cháu họ nữa. Nếu họ còn lo lắng cho chế độ mà họ phục vụ sẽ bị thủ tiêu và hậu quả là họ sẽ bị tàn nhẫn ném ra ngoài lề xã hội mới, thì họ sẽ yên tâm: họ có quyền có mặt, và có cả trách nhiệm có mặt nữa, trong bộ máy quản trị mới, ngang hàng với mọi thành viên khác. Ðây không phải cách nói lừa bịp, không phải sự dụ dỗ, mà là lời nói thật.

Những người cầm quyền hiện tại chắc chắn không muốn nghe. Họ chắc chắn sẽ chống lại. Họ không thể không chống lại. Bản chất tham quyền cố vị không một sớm một chiều mà mất. Nhưng còn có những người cộng sản khác hiểu đó là lời nói phải, họ chắc chắn phải đông hơn thiểu số cầm quyền. Tỉnh ra, họ sẽ đấu tranh với bọn bảo hoàng cộng sản. Từ nhẹ nhàng tới mạnh mẽ. Từ số ít tới số đông. Và họ sẽ đi cùng những người dân chủ, cho dù ở túi ngực của họ vẫn còn tấm thẻ đảng viên cộng sản.

– Cái đó có sao đâu!

Những người lính Biệt Kích Nha Kỹ thuật. Nguồn YouTube

Lâm Ngọc Chiêu, bạn tôi, một sĩ quan biệt kích Lôi Hổ, giờ đây ở Westminster, đã nói như thế khi nghe tôi nói về tình hình đất nước hiện nay, trong một cuộc họp mặt ngoài dự kiến tôi với một số sĩ quan trong Lực lượng đặc biệt của Việt Nam Cộng hoà cũ có tên gọi là “Nha kỹ thuật”. Những người bạn mới của tôi, mà trước đó tôi đã nghĩ sai rằng hơn ai hết họ chỉ muốn một “Việt Nam Cộng hoà”, cho tôi biết rằng những ý nghĩ của anh bạn phản kháng ở Hà Nội không mới, họ cũng nghĩ giống anh, và chẳng phải mới đây họ mới nghĩ tới. Một nước Việt Nam mới, đó là cái mà tất cả chúng ta cần, càng nhanh có nó càng tốt. Họ nói với tôi như vậy. Chúng tôi nói chuyện tới khuya bên những chai rượu vơi dần. Say sưa và thân ái.

Anh bạn Lôi Hổ của tôi nói lúc chia tay:

– Chúng ta, tất cả, đều là những kẻ chiến bại trước một lũ cơ hội. Chúng thắng không phải bởi chúng mạnh, mà bởi chúng ta không thương yêu nhau, bởi chúng ta bị chúng chia rẽ mà không biết.

Ðiều mà cho tới nay tôi nghĩ nhiều mà vẫn không hiểu là: tại sao trong cộng đồng những người Việt xa xứ lại vẫn còn nhiều chia rẽ đến thế? Dường như người ta không có ý tìm ở nhau những cái giống nhau để sát cánh cùng nhau chiến đấu cho mục đích chung, mà cứ đi tìm ở nhau những cái khác nhau để chọi nhau cái đã, mọi việc tính sau.

Phải chăng đó là một lối chống chế cho sự “trốn cộng” hèn nhát bằng những lời lẽ “chống cộng” huênh hoang?

Phải chăng đó là một trong rất nhiều cách chia rẽ cộng đồng người Việt ở nước ngoài do bọn “phái khiển”, những tên tình báo cộng sản khoác áo “chống cộng” hung hăng nhất, đang tiến hành?

***


Ở San Diego, California, những người bạn mới không nhẹ nhàng với tôi.

Nhiều vấn đề được nêu lên: chủ yếu là những cái thuộc về những khái niệm mà chúng ta quen phân định bằng những từ tiện lợi: “quốc” và “cộng”. Nhiều câu hỏi về ông Hồ Chí Minh, về những nhân vật trong đám lãnh đạo đảng cộng sản, về những người phản kháng, xu hướng của họ, tư cách của họ. Tôi rất tiếc tôi chỉ là một thường dân không biết được nhiều để có thể trả lời hết những câu hỏi đặt ra. Tôi là kẻ chân đất trong cái xã hội mà tôi vừa rời bỏ. Và tôi là người trung thành với lời dặn của tiền nhân: biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe.

Nhưng vấn đề chính trong buổi gặp mặt ấy là những người bạn mới của tôi ở thành phố này vẫn muốn tôi nói “chống cộng” như họ đã nói nhiều năm, và giờ đây vẫn nói hàng ngày. Có lẽ tôi đã không làm các bạn vừa lòng. Tôi cố gắng trình bày quan điểm của tôi. Có thể, chúng tôi còn không hiểu nhau đơn thuần do những khái niệm không đồng nhất. Chúng tôi thảo luận hăng say, ồn ào, to tiếng. Nhưng không cãi vã. Chúng tôi tranh luận. Tôi nói rằng chẳng có gì lạ nếu chúng tôi không giống nhau. Nếu chúng tôi là như nhau, hoàn toàn như nhau, thì chẳng cần gặp nhau làm gì, chẳng cần tranh cãi làm gì. Tốt hơn, nếu chúng tôi thấy nhau như những người bạn. Xấu hơn, nếu chúng tôi phải chia tay, mỗi người một ngả, như những người xa lạ.

Tôi nghĩ rằng cuối cùng chúng tôi đã chia tay nhau trong tình thân ái hoặc chí ít thì cũng không thù nghịch. Anh bạn gay gắt với tôi nhất trong bữa ăn tối sôi nổi ấy, đã nắm chặt tay tôi mà đoan chắc rằng chúng tôi giống nhau tới 90 phần trăm.

– Là nhiều rồi đấy, ông bạn ơi! – tôi nói.
– Tôi còn muốn nhiều hơn nữa kia – anh nói.

Ở cửa tiệm ăn, chúng tôi còn dùng dằng hồi lâu. Tôi không nhớ tôi đã nói với ai rằng quá khứ không bao giờ có giá trị bằng hiện tại, còn hiện tại thì chẳng có nghĩa lý gì so với tương lai. Chúng ta đã có một quá khứ đáng buồn, một quá khứ đầy máu, nước mắt, đau thương và tủi nhục. Có thể đổ mọi tội lỗi, hay rất nhiều tội lỗi, cho nước ngoài, cho các đế quốc đỏ và trắng, nhưng tại sao chúng ta không nhìn thấy một điều: chính chúng ta cũng có tội trước lịch sử, trước tổ quốc mình, trước dân tộc mình? Chúng ta đâu có làm đúng, làm đủ, những việc phải làm.

– Hãy quên đi quá khứ để làm việc cho tương lai.

Một người nào đó thốt lên.

Chúng tôi, trong giây lát, bỗng trở nên những đứa trẻ lãng mạn. Chúng tôi nhìn thấy trong bóng đêm một vầng sáng, hình ảnh của tương lai.

Ðừng buộc tội chúng tôi muốn xoá đi quá khứ. Ai cũng biết không có hiện tại nào mà không có quá khứ. Ai cũng biết không thanh toán với quá khứ thì không thể nhẹ nhàng bước vào tương lai. Vấn đề là ở chỗ có những người dính chặt mình với quá khứ, coi nó là lẽ sống, và có những người biết rằng quá khứ là quá khứ, không thể sửa chữa nó, không thể hoán cải nó, mà chỉ có thể rút từ trong quá khứ những bài học.

Chúng tôi nhìn thấy một ngày sẽ đến. Ngày đó Quốc Hội mới của nước Việt Nam mới sẽ thượng lên hai lá cờ của một giai đoạn lịch sử không người Việt yêu nước nào muốn có, trang nghiêm nghe hai bản quốc thiều, rồi xếp lại gọn ghẽ cả hai lá cờ, đặt chúng vào hai cái quan tài sang trọng. Trong tiếng quân nhạc trầm hùng, những đại biểu được nhân dân tự do lựa chọn sẽ ngả mũ đưa hai cái quan tài trên hai cỗ xe có ngựa kéo ra nghĩa trang, hạ huyệt một quá khứ bi thương trong tiếng gầm của những tràng đại bác vĩnh biệt.

Và một lá cờ mới của một Việt Nam mới, do nhân dân Việt Nam lựa chọn, sẽ tung bay trên cột cờ của kinh thành Thăng Long xưa.

9.2000

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Vũ Thư Hiên | Facebook | 8/9/2019