Nhận thức của Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên về lịch sử Việt Nam (Kết)

Tạp chí Truyền Thông Communications

DaiVietSuKyToanThuNhiều nhà sử học ngày nay cho rằng điểm triều đình các nhà Đinh, Lê, Lý và Trần tôn trọng Phật Giáo hơn Khổng Giáo là một truyền thống của người Việt Nam khác với truyền thống của người Trung Quốc lấy Khổng Giáo làm quốc giáo.

(Tiếp theo phần I)

Ngô Sĩ Liên 吳 士 連

Ngô Sĩ Liên người trấn Sơn Nam 山 南, có người nói ông từng theo phò Lê Lợi ホ 利 trong cuộc khởi nghĩa chống quân nhà Minh. Ngô Sĩ Liên đậu tiến sĩ năm 1442, dưới triều vua Lê Thánh Tông. Ông giữ chức Đô Ngự Sử dưới triều vua Lê Nhân Tông. Dưới triều vua Lê Thánh Tông, ông làm Quốc Tử Giám Ty Nghiệp, và tham dư vào việc soạn thảo bộ quốc sử. Năm sinh năm mất của ông không được sách sử ghi chép rõ, nhưng nhiều người tin rằng ông mất năm 99 tuổi. Với tuổi thọ đó, cuộc đời Ngô Sĩ Liên trải dài qua nhiều thăng trầm của lịch sử: cuộc suy thoái của nhà Trần và nhà Hồ; tiếp theo là hai mươi năm đô hộ dưới triều nhà Minh với chính sách tàn khốc tiêu diệt văn hóa Việt Nam; nhưng quan trọng hơn cả là cuộc chiến đấu giành tự chủ cho đất nước của Lê Lợi. Từ khi Lê Lợi dựng nên nhà Lê, ảnh hưởng Khổng Giáo trong triều lớn mạnh cùng số quan gia nho học ngưòi vùng châu thổ sông Nhị và thắng thế ảnh hưởng Phật Giáo của nhóm Phật Tử được trọng dụng người vùng Thanh Hóa trong việc triều chính, và ảnh hưởng Khổng giáo trở thành độc tôn dưới triều vua Lê Thánh Tông. Trong sinh hoạt tinh thần đó Ngô Sĩ Liên đã trước tác bộ sử Toàn Thư.

Nhiều sử gia ngày nay tự hỏi lý do nào đã khiến Ngô Sĩ Liên trước tác bộ sử Toàn Thư, trong khi ông đã từng là một thành viên trong công cuộc sưu tập bộ quốc sử tàng trữ tại viện Đông Các? Có thể trả lời là việc soạn thảo bộ quốc sử là một công cuộc gồm nhiều nho giả, thế nên người tham dự khó bề bày tỏ những lời phê phán bình luận. Bởi vậy, theo sử gia Wolter(1), Ngô Sĩ Liên đã đơn độc trước tác bộ sử Toàn Thư với chủ đích là đề cao Khổng Giáo như một cơ động giúp cho người nước Đại Việt có một học thuyết căn bản để duy trì nền tự chủ trong thời gian đất nước gặp cơn nguy biến và theo Yu Insun, thì hành động này giúp Ngô Sĩ Liên đứng được ra ngoài vụ tranh chấp ảnh hưởng giữa Nho Giả vùng châu thổ sông Nhị với Phật Tử được trọng dụng vùng Thanh Hóa. Trong toàn bộ Toàn Thư, Ngô Sĩ Liên viết ra tổng cộng 170 lời bàn, trong số đó có 86 lời bàn về sử kiện xẩy ra dưới triều nhà Lý; 72 lời bàn về sử kiện xẩy ra dưới đời nhà Trần và nhà Hồ cùng hai chục năm tranh đấu chiến thắng quân xâm lược nhà Minh, phần còn lại là lời bàn về sử kiện dưới triều vua Lê Thái Tổ.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

Khổng Học, nhất là Tân Khổng Học ảnh hưởng mãnh liệt trên việc trước tác của Ngô Sĩ Liên, lời bàn của ông đều đặt trên đạo lý gia tộc và tương quan giữa vua và dân. Ông tin tưởng chắc chắn rằng đó là hai điểm quan trọng trong việc trị nước an dân. Năm 1320, khi vua Trần Anh Tông (tri vì từ 1293-1314) băng hà, ông trích sách Mạnh Tử(2):

天 下 之 本 在 國
Thiên hạ chi bổn tại quốc
國 之 本 在 家
quốc chi bổn tại gia
家 之 本 在 ?
gia chi bổn tại thân

Nghĩa là: gốc của thiên hạ là nhà nước, gốc của nước là nhà, gốc của nhà là thân. Rồi Ngô Sĩ Liên thêm: “thân có tu, nhà mới tề, nước mới trị, điều ấy là khuôn vàng thước ngọc từ đời Nghiêu Thuấn, và đến ngày nay vẫn thật đúng như vậy.” Do đó ông chỉ trích bất kỳ ai vi phạm nguyên tắc này.

Ngô Sĩ Liên hết lời ca tụng vua Trần Anh Tông, vì nhà vua dốc lòng tu thân, thờ phụng cha mẹ, giữ vẹn niềm hòa hảo với họ hàng, và nhất là thờ kính tổ tiên. Thế nên, theo Ngô Sĩ Liên, triều vua Trần Anh Tông là một triều thịnh trị, nhân dân sống đời an lạc. Tuy nhiên, ông vẫn còn chỉ trích vua Trần Anh Tông hãy còn một điều thiếu sót trong lễ quốc táng Thượng Hoàng Trần Nhân Tông.

Ngô Sĩ Liên cực lục chỉ trích việc làm loạn luân nhân để củng cố cho ngôi nhà Trần được bền vững. Đó là sự việc Thái Sư Thống Quốc Hành Quân Chinh Thảo Sự Trần Thủ Độ cưỡng ép vua Trần Thái Tông, giáng Chiêu Thánh Hoàng Hậu, người đã lấy vua Trần Thái Tông được 12 năm, xuống làm công chúa, rồi đem chị bà Chiêu Thánh, tức vợ Trần Liễu lên làm Hoàng Hậu, bởi vì Hoàng Hậu Chiêu Thánh không có con nối dõi và bà chị đã có thai được ba tháng. Việc phi luân này đã được lập lại dưới Triều vua Trần Dụ Tông (trị vì từ 1341 tới 1369). Ngoài ra, Ngô Sĩ Liên còn trách vua Trần Thái Tông đã hứa gả công chúa cho Trung Thành Vương, rồi cuối cùng lại gả cho một hoàng thân khác.

Ngô Sĩ Liên tin tưởng là ngôi vua sẽ truyền cho người con trưởng của vua cha. Nếu Hoàng Hậu không có con nối dõi, con một thứ phi có thể được phong làm Thái Tử. Trong trường hợp Hoàng Hậu sau đó sinh Hoàng Nam, Thái Tử con bà thứ phi phải từ chức nhường ngôi cho Hoàng Nam con bà Hoàng Hậu. Thế nên Ngô Sĩ Liên thương tiếc Hoàng Thân Trần Quốc Chấn bị sát hại dưới triều vua Trần Minh Tông (trị vì từ 1314 tới 1329) chỉ vì hoàng thân đã can ngăn việc lập một Hoàng Nam con một bà thứ phi lên làm Thái Tử, không đợi Hoàng Hậu sinh Hoàng Nam. Ngô Sĩ Liên cũng tin tưởng là Hoàng Nam em có thể được nối ngôi vua khi Hoàng Nam anh không đủ khả năng nối ngôi. Thế nên Ngô Sĩ Liên chỉ trích vua Đinh Bộ Lĩnh lập con bà thứ phi là Hạng Lang làm thái tử thay vì truyền ngôi cho con trưởng con bà Hoàng Hậu là Hạng Liễn vốn là người văn võ toàn tài.

Trong trường hợp Hoàng Đế không có Hoàng Nam nối ngôi, thời phải lập một ngưòi cháu trai, như trường hợp vua Lý Nhân Tông nhưòng ngôi cho cháu. Ông cực lực chống lại việc nhường ngôi cho một công chúa như việc vua Lý Huệ Tông nhường ngôi cho Công Chúa Lý Chiêu Hoàng. Theo Ngô Sĩ Liên thì vua Lý Huệ Tông đã không noi gương vua Lý Nhân Tông nên đã mở cửa cho Trần Thủ Độ lật đổ ngôi nhà Lý và lập ra nhà Trần.

Nhà Trần cũng theo gương nhà Lý không nhất thiết truyền ngôi vua cho Hoàng Nam con cả của vua. Để tránh việc tranh giành ngôi vua, nhà Trần đặt ra tục lập ngôi Thái Thượng Hoàng. Dầu thấu hiểu tục lệ nhà Trần như vậy, Ngô Sĩ Liên cũng bàn là không nên lập vua mới khi vua cha hãy còn sống, để một nước một lúc có hai vua.

Ngô Sĩ Liên chủ trương đàn bà góa không được tái giá để giữ tiết với chồng cũ, theo đúng lệ tam tòng của Nho Giáo. Tục này phải được bắt đầu từ trong hoàng tộc, để làm gương cho tứ dân. Chủ trương đó nhằm tránh những vụ thoán ngôi vua như vụ Lê Hoàn lấy bà Dương Hậu lập ra nhà Tiền Lê, vụ Trần Thủ Độ lấy vương Hậu Linh Từ lập ra nhà Trần. Đi xa hơn, Ngô Sĩ Liên ca ngợi việc các vương hậu nước Chàm phải chịu thiêu sống để giữ vẹn đức tam tòng.

Người đọc sử tự hỏi rằng, vốn là một nho giả chân chính, phải chăng Ngô Sĩ Liên nhiệt liệt cổ động cho việc gái hóa phải chết theo chồng là để duy trì chữ Trung của đạo nho theo câu tục trai trung một chúa, gái trinh một chồng. Cũng trong dòng tư duy này, sử còn chép truyện năm 1285, khi quân nhà Trần phá quân Nguyên, chủ tướng quân Trung Quốc là Toa Đô bị trúng tên chết. Khi các tướng thắng trận đưa đầu Toa Đô về nộp vua Trần Nhân Tông, vua thấy người dũng kiệt hết lòng với chúa mới than rằng: “Làm bầy tôi nên như người này!” rồi cởi áo bào đắp vào thủ cấp Toa Đô, sai làm lễ mai táng theo quân cách.

Với chủ trương trai trung một chúa, Ngô Sĩ Liên cực lưc bài bác những mưu đồ thoán nghịch của Lê Hoan, Trần Thủ Độ và nhất là Hồ Qúy Ly, cả ba cùng là những tặc thần lập mưu giết vua để cướp ngôi vua. Theo Ngô Sĩ Liên, Lê Hoan đáng tội chết chém, Trần Thủ Độ không đáng so sánh với loài chó lợn và Hồ Qúy Ly bi trời phạt khiến giặc Nam không giết nổi thời giặc Bắc không tha.

Theo Yu Insun thời Ngô Sĩ Liên nặng lời chỉ trích Lê Hoàn, Trần Thủ Độ và Hồ Quý Ly thí vua cướp ngôi báu, không chỉ riêng bởi Ngô Sĩ Liên là một tân nho giả mà còn phản ánh nội tình triều nhà Lê, ngày đó, khi vua Lê Nhân Tôn bị người anh là Nghi Dân 宜 民, trước kia đã được phong làm Thái Tử, sau vì mẹ phải tội cho nên bị phế bỏ. Năm 1459 Nghi Dân đồng mưu với Lê Đắc Ninh 黎 得 寧, Phạm Ban 范 般 v.v… nửa đêm trèo vào thành giết vua Lê Nhân Tôn và hoàng thái hậu, tự xưng làm vua rồi sai sứ sang Trung Quốc cầu phong.

Mối quan tâm của Ngô Sĩ Liên là sự an nguy của đất nước trước sự đe dọa của kẻ thù phương Bắc, dẫu rằng nhà Minh sau khi bị đuổi ra khỏi bờ cõi không còn là một mối đe dọa nặng nề như quân nhà Nguyên dưới đời Trần.

Thế nên, theo Yu Insun, từ khi vua Lê Lợi chiến thắng quân Minh sau hai mươi năm đô hộ, mối lo chính của Ngô Sĩ Liên là sự bất ổn của tình hình quốc nôi khơi ngòi cho việc xâm lăng của ngoại bang. Đó là lý do khiến Ngô Sĩ Liên đặt bản văn Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi vào trong bộ sử Toàn Thư.

Bản Bình Ngô Đại Cáo xác quyết Đại Việt là một nước có văn hiến riêng, bờ cõi phân chia rõ ràng, phong tục khác hẳn Trung Quốc. Khác với Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên khẳng định là nước Đại Việt có một lịch sử dài không thua lịch sử Trung Quốc, bắt đầu từ vua Thần Nông. Theo tục truyền Kinh Dương Vương, vị vua đầu tiên của đất Nam Việt là anh khác mẹ của Đế Nghi, vị vua đầu tiên của người phương Bắc. Thật thế, Đế Minh, cha của Đế Nghi và Kinh Dương Vương là cháu ba đời vua Thần Nông, có ý lập Kinh Dương Vương lên nối ngôi, nhưng Kinh Dương Vương từ chối nhường ngôi cho Đế Nghi làm vua phương Bắc, còn mình làm vua phương Nam.

Ngô Sĩ Liên lo lắng cho mối an nguy nước Đại Việt phản ánh trong lời bàn của ông về những vụ xâm lăng của quân Mông Cổ từ phương Bắc, qua những vụ xâm phạm bờ cõi miền Nam của quân Chiêm. Ngô Sĩ Liên ca tụng thượng hoàng Trần Nhân Tông, không những có tài điều binh khiển tướng đánh đuổi được quân Nguyên, mà còn triệu tập Hôi Nghị Diên Hồng, đoàn kết toàn dân thành một khối quyết tâm bảo vệ đất nước. Ngược lại ông chê trách triều nhà Trần bỏ ngỏ biên giới miền Nam mở đường cho quân Chiêm Thành sang quấy phá Đại Việt. Ông chê trách Thượng Hoàn Dụ Tông quen sống trong cảnh đất nước thịnh vương bình an mà trở thành quá phóng túng, chỉ nghĩ tới chuyện mua vui. Ông cũng chê trách vua Trần Nghệ Tông quá mải mê với văn học mà sao lãng việc binh đến độ để quân Chiêm Thành vào cướp phá thành Thăng Long vào mùa thu năm 1371.

Nhân danh một nhà Tân Nho, Ngô Sĩ Liên bài bác ảnh hưởng Phật Giáo trong hai triều nhà Lý và nhà Trần. Ông quan niệm việc vua Lý Thái Tổ khi vừa đăng quang liền cho xây chùa tô tượng Phật khắp nơi trong nước là một điều quá đáng, dầu ông không quên là vua Lý Thái Tổ là con nuôi của nhà sư Lý Khánh Vân, và nhờ vậy mà thành nhân. Ngô Sĩ Liên ca tụng vua Trần Nhân Tông là một vị minh quân từng chiến thắng quân Nguyên xâm phạm đất Đại Việt, nhưng ông coi việc vua Trần Nhân Tôn, sau khi thoái vị làm Thái Thượng Hoàng, trở thành đệ nhất tổ giòng Thiền Trúc Lâm, là một hành động chứng tỏ vua Trần Nhân Tôn không giữ vẹn chữ Trung Dung của đạo Nho.

Hơn nữa,vẫn nhân danh là một nho sĩ, Ngô Sĩ Liên còn phê bình việc thay đổi niên hiệu của vua Lý Thái Tổ năm 1034. Năm ấy hai nhà sư Nghiêm Bảo Tính và Phạm Minh Tâm tự thiêu, thi thể cháy kết thành thất bảo. Vua xuống chiếu đem thất bảo đó giữ ở chùa Trường Thánh để thờ, nhân dịp đó vua đổi niên hiệu là Thụy Thông; sử thần Ngô Sĩ Liên có lời bàn(3):

Thuyết nhà Phật gọi là xá lị tức là khi tự thiêu mình, tinh khí tụ lại kết thành một thứ lửa không cháy được, cho nên gọi là bảo. Tương truyền là người nào học Phật thành thì xác hồn làm bảo như thế. Vì rằng người sãi đoạn tuyệt tính dục thì tinh khí kết thành ra thứ ấy. Người đời cho là không thường, thấy mà cho là lạ, có biết đâu là tinh khí dương tụ lại mà thành thôi. Vua cũng mê hoặc mà đổi niên hiệu. Từ đấy về sau những người hiếu danh, cạo đầu làm sãi, nhẫn nại chịu chết như loại Trí Không này nhiều lắm.

Xuống tới đời Hoàng đế Lý Nhân Tôn, năm 1096, thái sư Lê Văn Thịnh làm phản, Vua Lý Nhân Tôn tha tội chết, an trí tại Thao Giang. Nguyên bấy giờ vua ngự thuyền xem đánh cá tại hồ Dâm Đàm. Chợt có mây mù, trong đám mù có tiếng thuyền bơi tới, vua lấy giáo ném. Bỗng chốc mây mù tan, trong thuyền ngự có con hổ. Có người than: Nguy lắm rồi! Có người đánh cá tên Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì hổ biến ra thành thái sư Lê Văn Thịnh. Lê Văn Thịnh vốn có tà pháp làm ra vậy để tính truyện cướp ngôi. Vua thưởng cho Mục Thuận, và cắt đất cho lập ấp. Ngô Sĩ Liên có lời bàn về truyện này(4):

Người làm tôi định cướp ngôi giết vua mà được miễn tội chết! Thế là sai trong việc hình, lỗi ở vua tin Phật Giáo. Mùa thu tháng 7 ngày 25, Ỷ Lan hoàng thái hậu băng hà, hỏa táng; dâng thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái Hậu, lại bắt người thị nữ chôn theo.

Ngô Sĩ Liên có lời bàn về việc này(5):

Hoả táng là theo Phật Giáo, chôn theo là tục nhà Tần. Nhân Tôn Hoàng Đế làm cả hai việc ấy, hoặc giả theo lời của Thái Hậu chăng?

Theo Yu Insun, lời bàn của Ngô Sĩ Liên, đặt câu hỏi về lời di chú của Ỷ Lan hoàng thái hậu, là bởi Ngô Sĩ Liên có ý bài bác vua Lý Nhân Tông vì chính nhà vua, theo tục lệ Phật Giáo, ban lệnh thi hành việc hỏa táng và việc chôn theo thị nữ của hoàng thái hậu.

So Sánh hai Sử Gia

Yu Insun cho rằng quan điểm sử học của Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên là sản phẩm của thời đại của mỗi người. Với Lê Văn Hưu, sử kiện đáng chú ý nhất là những thành tích kháng Nguyên giữ nước của triều nhà Trần. Với Ngô Sĩ Liên, một sử thần của triều nhà Lê, Khổng Học lúc đó đã trở thành một nền quốc học, thế nên giáo lý cũng như tập tục Khổng Giáo là những mối quan tâm hàng đầu. Đằng khác, Ngô Sĩ Liên đã từng sống qua hai chục năm dưới sự đô hộ của quân Minh, nên ông hiểu rõ tầm quan trọng của nền an ninh quốc nội trong việc ngăn chặn người phương Bắc xâm lấn đất nước vả duy trì nền tự chủ của nước Đại Việt.

Khác biệt giữa quan điểm sử học của hai sử thần thấy rõ qua sự khác biệt giữa những lời bàn trên cùng một sử kiện. Lời bàn của Lê Văn Hưu chú trọng tới nền an nguy của đất nước và sự bình đẳng giữa nước Nam với nước Bắc.

Ngô Sĩ Liên chỉ bàn về hai vấn đề này trong bốn sự kiện. Đằng khác, Ngô Sĩ Liên dành 11 lời bàn về giáo lý Khổng Học, Lê Văn Hưu chỉ nói tới vấn đề liên quan tới Khổng Hoc trong 5 lời bàn. Sự khác biệt giữa hai sử thần còn rõ rệt hơn nữa qua những lời bàn cùng về những sử kiện dưới triều vua Ngô Quyền và vua Đinh Bộ Lĩnh.

Lê Văn Hưu tin chắc rằng Ngô Quyền không hoàn toàn tạo dựng được nền tự chủ cho đất nước như Triệu Đà đã đặt được trước khi quân của Hán Vũ Đế sang xâm lấn, bởi chiến thắng của Ngô Quyền đã khiến nhà Hán phải bỏ mộng xâm lược, nhưng ông tiếc cho Ngô Quyền không nhân dịp đó xưng đế như Triệu Đà. Ngược lại Lê Văn Hưu ca tụng Ngô Quyền ngoài tài thống lĩnh quân đội còn giỏi tổ chức việc nội trị, tạo nên nề nếp cho đời sống nhân dân. Ông kết luận rằng với một công nghiệp như vậy, Ngô Quyền xứng đáng là một Hoàng Đế của nước Nam Việt. Lê Văn Hưu chủ xướng là Đinh Bộ Linh đã giành được nền tự chủ hoàn toàn cho đất nước, không kém gì Triệu Đà đời trước. Đinh Bộ Lĩnh đã tự xưng hoàng đế, đặt quốc hiệu mới, sửa sang giềng mối triều chính. Ngược lại, Ngô Sĩ Liên coi nhẹ công nghiệp của Đinh Tiên Hoàng, vì ông chủ trương là Ngô Quyền đã giành được hoàn toàn nền tự chủ cho Nam Việt. Ngược lai ông chỉ trích Đinh Bộ Lĩnh và con cả là hoàng tử Đinh Liễn là không hành xử theo đúng tập tục Khổng Học. Đinh Bộ Lĩnh đã vượt qua truyền thống truyền ngôi của các triều đại Trung Quốc đặt trên nền tảng Khổng Học: nhà vua đã bỏ con trưởng Đinh Liễn và lập con út là Hạng Lang lên nối ngôi. Đinh Liễn đã tùng theo cha chinh chiến nhiều năm trong việc dẹp loạn 12 xứ quân, nên tức giận lập mưu giết Hạng Lang, nên cũng không giữ tròn đạo làm tôi theo Khổng Học, đồng thời gây ra mối loạn trong nhà để người phương Bắc có cơ hội nhòm ngó bờ cõi. Người đọc sử có thể hiểu rằng lời Ngô Sĩ Liên chỉ trích cha con Đinh Bộ Lĩnh phản ảnh ý ông muốn ám chỉ trích việc tranh giành ngôi báu trong triều nhà Lê lúc bấy giờ.

Ảnh hưởng Khổng Giáo từ triều nhà Lê không những chỉ mỗi ngày một lớn mạnh trong việc triều chính mà còn thấm nhập từ từ vào trong mọi hoạt động trong dân gian, truyền qua đời nhà Nguyễn, cho tới khi người Pháp bỏ thi Hương hồi đầu thế kỷ XX mới suy giảm. Nhiều nhà sử học ngày nay cho rằng điểm triều đình các nhà Đinh, Lê, Lý và Trần tôn trọng Phật Giáo hơn Khổng Giáo là một truyền thống của người Việt Nam khác với truyền thống của người Trung Quốc lấy Khổng Giáo làm quốc giáo. Chính nhờ điểm khác biệt đó mà dân Việt Nam đã không bị Trung Quốc đồng hóa.


(1) Wolter, “What Else May Ngô Sĩ Liên Mean” in “Sojourners and Settlers: Histories of Southeast Asia and the Chinese”, University of Hawai Press 2001. Edited by Reid Anthony.
(2) Đoàn Trung Còn, Tứ Thơ Mạnh Tử, NXB Thuận Hóa, Huế, 1996, tr.12.
(3) Ngô Sĩ Liên, Toàn Thư, Tập 1, bản dịch của Cao Huy Gịu, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1967, tr. 210.
(4) Ngô Sĩ Liên, ibid. tr. 242.
(5) Ngô Sĩ Liên, ibid. tr. 248.

2 Comments on “Nhận thức của Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên về lịch sử Việt Nam (Kết)

  1. Lê Văn Hưu là sử gia đời Trần, không lên án các vụ soán ngôi vì chính người khai sinh ra nhà Trần là Trần Thủ Độ làm công việc soán ngôi. Ngô Sĩ Liên là sử gia nhà Hậu Lê, là do Lê Lợi đánh quân Minh rồi lên là vua nên Ngô Sĩ Liên không sợ bị đụng chạm khi phê phán các hành vi soán ngôi của đời trước. Khi phê bình hành vi soán ngôi thì Hồ Quí Ly cũng là kẻ làm bậy khi soán ngôi nhà Trần để Trung Hoa lợi dụng tình thế đem quân sang đánh rồi chiếm luôn An Nam. Phê phán những kẻ soán ngôi thì Lê Lợi là kẻ anh hùng vì Lê Lợi là người cứu nước ra khỏi cái hậu quả xấu của việc soán ngôi.

    Nói rằng thời Ngô Sĩ Liên thì ảnh hưởng Nho giáo mạnh hơn ở An Nam nên Ngô Sĩ Liên phê phán kẻ soán ngôi thì cũng là đúng. Nhưng ở thời trước, Lê Văn Hưu ở cái thế không thể nói xấu kẻ soán ngôi được.

  2. Đồng ý với bạn đọc Minh Đức, nhận thức của sử gia thời nào cũng thế, từ nguyên tắc “ăn cây nào thì rào cây nấy” của thời phong kiến cho đến cái nhìn chủ quan, thiên vị hay được viết theo quan điểm của sử gia thời nay.

    Hình như ông Trùm đã có dịp đề cập đến chủ đề này trong một bài nào đó và cho rằng lịch sử là do con người tạo nên do đó đã mang tính chủ quan trong bản chất, cho nên đi tìm sự khác biệt của nhận thức các sử gia là một việc làm vô bổ, chả có ý nghĩa gì cả.