Đi tìm lại giá trị con người trong những hoàn cảnh bất hạnh
Nguyễn Văn Lục
Nỗi bất hạnh và khổ đau ở đời thì nói sao cho vừa. Người ta nói đến bể khổ nhưng tìm lại được những giá trị nhân bản cho con người là điều tôi khó thể khước từ như một thúc đẩy từ bên trong.
La Strada, Con đường, hay ý nghĩa cuộc đời trong hành trình nhân thế
“Không, tôi không biết mục đích của viên sỏi này là gì, nhưng nó nhất định phải có, vì nếu viên sỏi này không có mục đích thì mọi thứ đều vô nghĩa.”[1]
Federico Fellini
Nỗi bất hạnh và khổ đau ở đời thì nói sao cho vừa. Người ta nói đến bể khổ nhưng tìm lại được những giá trị nhân bản cho con người là điều tôi khó thể khước từ như một thúc đẩy từ bên trong. Chính vì thế, tôi quý những nhà văn như Vũ Trọng Phụng, nhất là Nam Cao trong truyện ngắn Lão Hạc, nhất là truyện Chí Phèo trong đó, tình người nở hoa và được nhìn nhận mà rất có thể đã từng bị xã hội ruồng bỏ, khinh miệt chẳng khác gì những chiếc cầu đã gẫy đổ.
Nó có một chút gì đâu đây rút ra được sự tương đồng trong văn chương, nghệ thuật, trong phim La Strada (Con đường). Và cuối cùng điều mà tôi muốn đề cập tới là Hội chứng Stockholm có thể lý giải về mặt tâm lý của mỗi người trong cảnh ngộ.
Thật không dễ để tổng quát hóa một hoàn cảnh, một sự việc. Mỗi con người trong mỗi hoàn cảnh như thể là độc nhất không có hai. Bởi vì mỗi trường hợp là một hiện hữu cá biệt trong chủng loại của nó.
Tôi tôn trọng sự cá biệt ấy và thiết lập một giao cảm Người-Người. Giao cảm Người-Người là con đường ngắn nhất để đi đến tình người trong cái tinh thần: Yêu không phải chỉ là nhìn nhau mà nhìn về một hướng.
Nhưng hãy bắt đầu từ khởi điểm mà đề tài chính hôm nay là cùng chia xẻ tâm tình về cuộn phim La Strada đã. Nó có điều gì đó có thể đánh động tâm tư những người tuổi trẻ cả một thế hệ.
Còn nhớ nhiều sinh viên thời thập niên 1960 biết đến La Strada là qua nhà văn Nguyễn Nam Châu, tên thật là Nguyễn Văn Chiên mà ngoài đời người ta thường gọi là Hoài Chiên và nhiều bút hiệu khác như Hoài Kim Yến. Trong bài một bài về La Strada, Nguyễn Nam Châu viết,
“Con đường cũng như cuộc đời, tự nó không biết khởi điểm tự đâu, mà cũng không rõ sẽ ngừng lại chỗ nào. Nó bắt đầu từ cuộc đời của những kiếp người. Người ta vào cuộc đời như người ta khởi sự lên đường. Có lần ta tạm biết mơ hồ mục-đích của cuộc hành-trình và thoáng thấy mình sẽ có ngừng lại ở điểm nào đó trên con đường, nhưng người ta không biết hết được những điều mình sẽ gặp gỡ trên nẻo đường muôn hướng đó, bởi vì Con Đường cũng có nghĩa là sự Gặp Gỡ giữa muôn vàn ngả đường. Cuộc đời cũng thế : Cuộc đời là sự gặp gỡ giữa các tâm hồn.”
Trần Hoài Thư trích dẫn Nguyễn Nam Châu, “Bạn ta ơi, tôi đã tìm được rồi!” Blog THT, 30/01/2020, và Nguyễn Nam Châu, Fellini và giá trị con người, trang 64. Thư Quán Bản Thảo số 88, tháng 2, 2020 để Tưởng nhớ Nguyễn Nam Châu, (1929-2005)
Nhưng để cảm nghiệm đầy đủ và trọn vẹn những cảm xúc về La Strada, tốt hơn hết, bạn đọc có thể coi cuốn phim này trên mạng không mấy khó khăn. Tôi đã coi đi coi lại nhiều lần và dư âm vẫn còn đọng lại. Tôi chỉ có thể nói đạo diễn Fellini trong cuốn phim này ảnh hưởng trên những suy tư của tôi liên quan đến phận người và những giá trị nhân bản từ đó mà ra.
Phim Con đường tự nó nói lên khá trọn nghĩa. Cuộc đời nhân thế như bước khởi đầu của cuộc nhân sinh mà không biết mai sau sẽ ra sao. Chúng ta đều khởi đi từ Con đường, một hành trình dương thế như một kẻ lữ hành. Một lẽ đơn giản, không ai biết hết được kiếp người hay phận người trong cuộc hành trình đó. Người ta gặp nhau trong nhiều hoàn cảnh như một chuyến đò, trên toa tầu, trong một buôn làng, một thành phố, rộng ra một đất nước, trong một trận tuyến, một cộng đồng tôn giáo, có thể một dịp tình cờ rồi chia tay, phôi pha không để lại một dấu tích gì. Nhưng có thể trong một lần gặp gỡ nào đó nên duyên nợ.
Câu truyện Con đường của Fellini khởi từ một kiếp người dân quê thuộc một gia đình nghèo khó. Người cha bỏ đi từ lúc nào để lại bày con 5 đứa. Rosa, chị của Gelsomina khi lớn lên đã bị mẹ bán đi làm tôi đòi cho gã phàm phu cơ bắp chuyên làm xiếc dạo, rồi một ngày kia Rosa đã bỏ mạng trên con đường giang hồ. Và một lần nữa, Zampano lại quay về mua Gelsomina với giá 10.000 đồng tiền Ý. Phải xem lại cái cảnh quang của cuộc mua bán này.
Trong phim, hình ảnh Gelsomina mặc chiếc váy dài vá đụp, tuổi chừng 12, 13 đang vui đùa với bạn gái. Gương mặt ngây thơ, đôi mắt to trong sáng, gầy ốm, mảnh khảnh như thiếu ăn.
Bỗng chốc một chiếc xe mô tô có ba bánh xịch đỗ và trên xe, một người lực lưỡng, trông rất thô kệch, miệng lầu bầu những gì không rõ. Bà mẹ Gelsomina vội vã te tái đến gặp Zampano và bằng lòng thỏa thuận bán Gelsomia với giá 10.000 livres. Thoạt đầu, Gelsomina e ngại. Nhưng khi được biết sẽ được nhẩy múa, ca hát, thổi kèn thì cô hầu như chấp thuận. Cô tung tăng nhẩy lên xe vẫy chào mọi người. Phần bà mẹ không dấu nổi nỗi mất con trong nỗi tuyệt vọng.
Chiếc mô tô ba bánh phóng để lại một đám bụi mù và số phận người con gái không còn như trước nữa. Đây là một cuộc mua bán con người mau chóng như một bắt cóc có thỏa thuận.
Zampano cùng với chiếc xe rong ruổi khắp các miền quê nước Ý vì hắn làm nghề xiếc dạo. Công việc của hắn là khạc ra lửa, rồi gồng mình một cái bẻ gẫy sợi xích sắt quấn chung quanh bộ ngực lực lưỡng của hắn. Gelsomina đánh trống thùng thùng cổ võ và sau đó cầm giỏ đi xin tiền.
Ngoài công việc làm xiếc xong, hắn chẳng biết làm gì, tìm chỗ ngủ vạ vật đâu đó, ăn rồi uống rượu khi có tiền đến say khướt, chửi bới và xỉ nhục Gelsomina.
Và còn điều này không có trong phim. Nhưng phải ngầm hiểu rằng nếu cần, như nhu cầu cơm áo, đói ăn khát uống hắn đè nghiến Gelsomina, chỉ cần tốc cái váy lên để vào một cách thô bạo. Đè ra, để vào, chóng vánh. Thế là xong mà không cần biết Gelsomina nghĩ gì, cảm nghiệm ra sao.
Xui xẻo cho hắn là có lần có gánh xiệc lớn nên chẳng ai ngó ngàng gì tới hắn. Trong gánh xiệc lớn, có một tên hề có bí danh là một tên khùng. Hắn trẻ, có phần đẹp trai, kể truyện hay, hắn rủ rê và xem ra Gelsomina có phần ưng thuận. Đã đến lúc cái vô lý bạo lực phải nhường chỗ cho cái có lý. Rồi trong một cảnh khác, tên hề đã chọc giận Zampanolà hắn nổi cơn điên giết chết tên hề và quăng xác xuống hố. Đối với hắn thế là xong. Nhưng Gelsomina rất buồn khổ về cái chết của tên hề và cô không thể quên được.
Nhưng cuộc đời có những cái nhưng không ai ngờ tới. Không biết từ lúc nào trái đắng trở thành trái ngọt. Khổ đau trở thành hạnh phúc mà chỉ người trong cuộc mới hiểu được. Cô đã từ chối mọi cơ hội để tiếp tục rong ruổi theo hành trình nhân thế của Zampano. Số phận như gắn liền họ trong phận người.
Cuộc kiếm sống của Zampano càng trở nên khó khăn đến lúc hắn nghĩ tới việc bỏ rơi Gelsomina chỉ vì miếng ăn. Hắn đã làm vì hắn sinh ra đã là như thế.
Trong một đêm tuyết rơi. Hắn đợi cho Gelsomina ngủ và bỏ đi không một lời. Nghĩ thế nào. Hắn đắp lên người của Gelsomina chiếc áo choàng của hắn và không quên để lại chiếc kèn như một kỷ niệm! Có lẽ, đây là cử chỉ mang tính người duy nhất của hắn.
Tưởng thế là cởi trói cho nhau. Nhưng cuộc đời không đơn giản như vậy. Nó còn là cái gì hơn thế nữa. Kể từ đây, Gelsomina mới biết lòng mình ngả về phía nào, dù biết mình bị phản bội. Cô buồn rầu đi lang thang vô định hay đi tìm lại một bóng quá khứ đã một thời quen thuộc. Nào ai biết được.
Trong lúc đau khổ, cô đã được hai tiểu thư nhà kia giàu lòng nhân ai cứu vớt. Họ đã cho cô ăn uống, đưa quần áo cho cô mặc. Mặc dầu vậy, cô vẫn ủ rũ và chẳng bao lâu sau cứ thế mà cô ra đi.
Điều gì đã làm cho cuộc đời này trở thành vô vị không còn có ý nghĩa nữa? Đây là lúc mà câu hỏi trở thành căn thiết nhất về lý lẽ ở đời. Cuộc đời đáng sống hay không đáng sống là ở chỗ này. Hỏi Gelsomina hay hỏi chính mình cũng vậy thôi.
Zampano cũng không hơn gì. Lần đầu tiên hắn cảm thấy được thế nào là nỗi trống vắng. Sự trống vắng ở tầng cao là đụng chạm tới hư vô. Hắn đi tìm lại cái hình bóng mà trước đây hắn đã chối bỏ. Rồi một hôm, hắn nghe được bài hát quen thuộc mà Gelsomina từng thổi kèn. Hắn vội vã tìm đến hàng rào cạnh đó có phơi những quần áo của Gelsomina. Hai tiểu thư cho biết là Gelsomina đã chết vì nhớ thương một hình bóng nào đó. Hắn ôm mặt khóc rồi bỏ đi ra phía bờ biển và hình như thể lần đầu tiên hắn biết khóc?
Cuốn phim mặc dầu câu chuyện là giả tưởng như gửi một thông điệp hàm ý tìm hiểu xem ý nghĩa cuộc đời là gì? Nó đáng sống hay không đáng sống? Làm sao lý giải được cái phi lý của cuộc sống? J.P. Sartre đã rất bực bội khi nhìn thấy một cái rễ cây sù sì, khô trồi mà sự có mặt của nó là thừa thãi, là một hiện hữu không cần thiết. Tại sao nó lại có mặt ở đây, lúc này? Và để làm gì? Cái hiện hữu thừa thãi chính là sự phi lý. A. Camus, một tiểu thuyết gia cũng đã từng hỏi: Cuộc đời thật buồn chán, tẻ nhạt.. Thứ hai, thứ ba, rồi thứ tư, thứ năm…
Mặc dầu không phải là một triết gia, nhà đạo diễn qua cuốn phim đặt để con người vào cái chỗ phải tìm ra chỗ tương giao con người ở những chỗ góc khuất của đời sống để nhận ra rằng trong cái context in với những lý giải được tại sao con người là hành xử như thế: Và như thể. Mọi sự liên quan đến con người ở đời này đều có thể hiểu được.
Và trên đời này như thế, dù chỉ là một sợi nắng, một cơn mưa phùn, cho dù chỉ là một sợi tóc đi nữa nhỏ nhoi trên đầu và dù là gì đi nữa cũng đủ ý nghĩa để tồn tại
Huống chi là một con người. Huống chi một Gelsomina!
Hội chứng Stockholm trong một bi kịch
Tôi không muốn rườm rà đi vào lý thuyết của Hội chứng này. Chỉ cần biết rằng những kẻ bị bắt làm con tin hay bị bắt cóc, sau khi được cứu thoát thường bày tỏ một thái độ thiện cảm, ngay cả yêu thương với kẻ bắt cóc mình. Đôi khi đã từ chối không làm nhân chứng.
Câu chuyện của Natascha Kampusch, một cô gái người Áo, lúc 10 tuổi, trên đường đi học về đã bị một người đàn ông 35 tuổi bắt cóc và giam giữ trong một căn phòng nhỏ trong hơn 8 năm, hay 3096 ngày. Kẻ bắt cóc, Wolfgang Priklopil biết được Natascha đã chạy thoát, ngay buổi chiều hôm đó, Priklopil đã nhà ga, nằm trền đường sắt để xe lửa cán qua đầu.
Câu chuyện bắt cóc này làm rung động cả nước Áo và trên toàn thế giới.
Khi được tin Wolfgang đã chết vào ngày 24 tháng 8, 2006, cô đã bật khóc và chia xẻ nỗi đau với mẹ nạn nhân.
Trên truyền hình Áo, Natascha thừa nhận rằng cô cảm thấy có chút thương hại kẻ bắt cóc mình: “Tôi ngày càng cảm thấy tội nghiệp anh ấy. Anh ấy là một kẻ đáng thương.”
Tristana Moore, Ex-kidnap girl attracts media glare, BBC News, Berlin, 23 August 2007 và phim tài liệu “Natascha Kampusch: 3096 days in captivity” (còn tên khác trên Netflix là “Natascha Kampusch: The whole Story” (2010)
Tuy nhiên, theo Connolly, Kate trong bài báo tựa đề “Kidnapped Austrian Teenager Thought ‘Only of Escape’”. The Daily Telegraph. London, 7 September 2006, Kampusch đã gọi Wolfgang Přiklopil là môt kẻ “tội phạm”.
Phóng viên Jess Smee ở Berlin của tờ The Guardian viết
“Tất nhiên tất cả phải trở thành một gánh nặng khủng khiếp đối với anh ta: sự căng thẳng khi phải giữ một nô lệ bí mật.
Jess Smee, “Kampusch buys house where she was held”, The Guardian, 16 May 2008
Sau khi Kampusch chạy thoát, Priklopil tìm đến người bạn là Ernst Holzapfel. Họ đã lái xe chạy quanh Vienna ba giờ đồng hồ và Priklopil ta đã thú nhận tất cả và nói với Holzapfel, “Tôi là một kẻ bắt cóc và một kẻ hiếp dâm.”
Cảnh sát và dư luận cho rằng cô đã bị lạm dụng tình dục trong suốt 8 năm đó.
Tuy nhiên, cô không muốn đi vào chi tiết về đời tư. Trong tuyên bố chính thức, Kampusch nói,
“Tôi không muốn và sẽ không trả lời bất kỳ câu hỏi nào về các chi tiết cá nhân hoặc riêng tư.”
“Text: Austria kidnap girl’s statement”. BBC News Online. 28 August 2006.) August 2006.
Và cô yêu cầu đừng ai đặt câu hỏi về mối liên hệ của cô với Prikopil. Trong bản tuyên bố chính thức ngày 28 tháng 6, Kampusch nói
“Những câu hỏi về chuyện riêng tư: Mọi người đều muốn hỏi những câu hỏi về chuyện riêng tư không phải chuyện của họ. Có thể tôi sẽ nói với một chuyên gia trị liệu hoặc có thể tôi sẽ nói với ai đó khi tôi cảm thấy cần, nhưng có lẽ tôi sẽ không bao giờ nói. Sự riêng tư chỉ thuộc về một mình tôi.”
“Text: Austria kidnap girl’s statement” như đã dẫn
Và phần đông, họ nghĩ rằng, họ sẽ gặp một thiếu nữ rụt rè, hoảng sợ, quên tiếng nói hay một đứa trẻ hoang dại. Nhưng không sự thông minh khác người, từ ngữ xử dụng chuẩn xác, sự bình tĩnh làm chủ được chính mình.
Trong cái cõi sâu của bản thể con người thì không ai có thể thay thế vai trò của Kampusch trong hoàn cảnh ấy và cô đã chấp nhận bằng sự hòa giải ở trong một bi kịch.
Khuôn mặt Kampusch lúc 18 tuổi, rạng rỡ và xinh đẹp, đối đáp linh hoạt. Một cô gái chững chạc và như thể tràn trề hạnh phúc, không có dấu vết gì về sự bị hành hạ. Mà hạnh phúc là yểu tính của đạo đức.
Cũng nên trực diện với vấn đề tình dục. Việc làm tình với kẻ bắt cóc trở thành nỗi niềm riêng của Kampusch! Nào có gì là khuất tất trong biện chứng cho và nhận. Mới đầu có thể có sự chống đối mãnh liệt, khóc lóc giận dỗi, tránh né. Nhưng lâu dần với thời gian càng đem lại lợi thế cho kẻ đi bắt cóc dù y là một kẻ hoang tưởng, bạo hành! Có thể có sự giao tranh hai mặt, vừa muốn chối từ, vừa muốn ở lại và muốn trốn thoát.
Về việc Kampusch là nạn nhân mắc hội chứng Stockholm, phóng viên Jon Ronson của tờ The Guardian đã tường thuật lại trong bài phỏng vấn đăng ngày 11 Sep 2010, tựa đề “Natascha Kampusch: Inside the head of my torturer” như sau
“… từ chối đóng vai một nạn nhân — một cô gái yếu đuối cần được giúp đỡ — và thay vào đó Kampusch đã cố giải thích cho những người phỏng vấn về sắc thái của mối quan hệ với kẻ bắt cóc. Đó không phải là chuyện mà mọi người muốn nghe, vì vậy báo chí đã bác bỏ và cho rằng Kampusch mắc Hội chứng Stockholm — một nhãn hiệu nhằm phủ nhận khả năng của cô để đánh giá kinh nghiệm của chính mình. Kampusch nói,
‘Tôi thấy rất tự nhiên là bạn sẽ tự thích nghi để nhận dạng kẻ bắt cóc mình. Đặc biệt nếu bạn cùng sống với người đó. Đó là sự đồng cảm, giao tiếp. Đi tìm sự bình thường trong khuôn cảnh bị bắt cóc không phải là một hội chứng. Đó là một chiến lược sinh tồn. Nhưng mọi người khó chịu khi tôi nói điều này. Một số nói rằng tôi nên bị nhốt lại, thực sự việc bị bắt cóc giam giữ như vậy không có gì đặc biệt, họ cho rằng tôi thích như vậy, rằng điều đó tốt cho tôi.’”
“Natascha Kampusch: Inside the head of my torturer”
Thường ngày cô có thể đọc báo, coi Tivi, tự do đi lại trong nhà. Và đã có lần cả hai cùng đi ra ngoài.
Một nhân chứng, Ernst Holzapfel, bạn quen của Priklopil, đã kể lại lần được Wolf Priklopil giới thiệu Natascha như một người quen, ông đã nhận xét: “Tôi đã bắt tay và nói ‘chào cô’.”
Lần đầu tiên gặp một người khác không phải kẻ bắt cóc, Kampusch không biết Holzapfel có phải là kẻ đồng lõa hay không, cô nói
“Đây không phải là lúc tôi có thể nói điều gì. Vì vậy tôi cũng không tìm cách trốn thoát. Tôi đã làm những gì tôi phải làm, bắt tay ông ấy và không nói gì hết như Priklopil đã nhồi nhét vào đâu tôi.”
Phim Natascha Kampusch: The whole Story, (2010) phút 44-45, do Alina Teodorescu đạo diễn, Peter Reichard viết truyện phim, Natascha Kampusch là vai chính.
Hình như dư luận e ngại, tránh né nói về hạnh phúc của Natascha. Dư luận báo chí cũng vậy. Và như thể nói về hạnh phúc là một điều xúc phạm tới cô ấy.
Trong bản tuyên bố chính thức sau khi chạy thoát, Kampusch nói,
“Tôi sẽ có hành động chống lại những người vượt qua ranh giới cá nhân để thỏa tính tò mò.”
Natascha Kampusch, 28 August 2006
Phần tôi nghĩ rằng, cô có hạnh phúc, một thứ hạnh phúc không giống người khác.
Cho đến việc kẻ đi bắt cóc tự tử, tôi nghĩ rằng rất có thể do nỗi tuyệt vọng từ nay mất người tình nhiều hơn là nghĩ đến truyện tù tội mặc dầu tội cũng không nhẹ gì. Luật pháp có thể không tha, nhưng nạn nhân, người trong cuộc có thể không đứng về phía pháp luật nếu cần xin tha.
Vấn đề ở chỗ là một bên, ở tuổi 18 đã có sự trưởng thành về nhân cách nên tìm cách trốn đi. Một bên là sự thất vọng, bất lực không còn chỗ nương tựa nên tìm đến cái chết. Thật là một kết cục bi thảm mà đáng nhẽ có thể không nên xảy ra hoặc xảy ra một cách khác trong sự chia tay.
Vế việc Priklopil tự sát, trong bản tuyên bố chính thức sau khi chạy thoát, Kampusch nói,
“Theo tôi cái chết của anh ấy là không cần thiết. Một hình phạt sẽ không phải là tận thế.
… Đó là quyết định của chính Wolfgang khi tự lao mình vào gầm xe lửa. Tôi thông cảm với mẹ của Wolfgang. Tôi có thể thông cảm và đặt mình vào vị trí của bà ấy. Tôi, và cả hai chúng tôi đều nghĩ về anh ấy.”
Natascha Kampusch, 28 August 2006
Natascha muốn bỏ tiền ra mua lại căn nhà cô đã từng sống với biết bao bi kịch, kỷ niệm vui buồn, hạnh phúc. Điều đó cho thấy cô đã không muốn quên cái quá khứ ấy đã làm nền cho tuổi trẻ của cô. Một phần đời không thể bỏ qua, dù sau này ra sao. Chỉ mong là nhiều phần cô sẽ sống lại đời sống bình thường của thế giới người, dù cần nhiều thời gian và đáng ngại cho cô vì dư luận chung quanh.
Nhật báo The Guardian của Anh, ngày 16 May 2008, đã đăng bản tin tựa đề “Kampusch buys house where she was held”, phóng viên Jess Smee ở Berlin viết,
“Nạn nhân người Áo bị bắt cóc Natascha Kampusch đã mua căn nhà nơi cô bị giam giữ trong một căn hầm không cửa sổ hơn 8 năm. Hai năm sau khi chạy thoát, trả lời một cuộc phỏng vấn với tạp chí Bunte của Đức, Kampusch nói
‘Thật quái đản. Tôi phải trả tiền điện, nước và thuế cho một ngôi nhà mà tôi không bao giờ muốn sống ở đó.’
Kampusch, năm nay 20 tuổi, cho biết cô quyết định mua ngôi nhà hơn là thấy nó bị phá hoại hoặc phá bỏ để xây nhà mới và nói cô đã đi thăm lại nơi bị giam giữ sau khi bỏ trốn vào tháng 8 năm 2006. Kampusch nói tiếp,
‘Nó không còn đe dọa tôi như hồi đó. Nhưng nó vẫn là một ngôi nhà kinh hoàng đối với tôi.’”
Jess Smee, “Kampusch buys house where she was held”, The Guardian, 16 May 2008
Nhưng điều tôi tin chắc rằng cả hai Gelsomina và Natascha hiểu thế nào là lẽ yêu đương mà nhiều người, trong đó có tôi, mỏi mòn tìm kiếm cũng không có được.
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: DCVOnline biên tập và minh họa và phụ chú
[1] Đây là lời đối thoại trong film La Strada (1954) của Đạo diễn Federico Fellini giữa cô gái ngây thơ tên Gelsomina và anh Hề gánh xiệc. Anh Hề nói triết lý của anh với cô gái – Tất cả mọi việc trên đời đều có mục đích của nó, ngay cả viên sỏi, dù anh ta không biết mục đích của nó là gì.
“Il Matto: Il Padreterno, che sa tutto: quando nasci, quando muori. E chi può saperlo? No, non so a cosa serve questo sasso io, ma a qualcosa deve servire. Perché se questo è inutile, allora è inutile tutto: anche le stelle. E anche tu, anche tu servi a qualcosa, con la tu’ testa di carciofo.” (Federico Fellini, La strada, 1954)
The Fool: […] No, I don’t know what this pebble’s purpose is, but it must have one, because if this pebble has no purpose, then everything is pointless. […]
(Anh Hề: […] Không, tôi không biết mục đích của viên sỏi này là gì, nhưng nó nhất định phải có, vì nếu viên sỏi này không có mục đích thì mọi thứ đều vô nghĩa. […]