Huế Mậu Thân (p2)

Nguyễn Văn Lục

Cũng có khi nào anh trở lại / Mai đây, mốt nọ, biết đâu chừng / Và có một lời anh sẽ nói / Giữ giùm nhau một chút hồn chung.

Vũ Hữu Định, Cũng có khi nào

Huế 3 tháng sau Tết Mậu thân

Khoảng tháng 6, sau Tết Mậu Thân, tôi ra Huế trên chiếc phi cơ DC4, 4 cánh quạt của Hàng Không Việt Nam. Nhớ lại tháng 6 năm 1963, tôi cũng ra Huế như thế. Cứ sự việc xảy ra xong đâu đấy thì tôi lại có mặt. Nắng tháng sáu như đổ lửa. Huế hoang tàn xơ xác. Đường vào thành phố bụi ngầu. Nhà nào cũng có những mất mát.

Những đau thương của Huế không bút nào tả hết. Có một gia đình Huế, trong biến cố đài phát thanh Huế đã mất đi một người con, hai người cháu. Mấy em nhỏ đó, rủ nhau đi coi ở đài phát thanh Huế. Tất cả năm em. Lúc về chỉ còn lại hai. 3 em đã để xác lại. Đến Tết Mậu Thân, cũng gia đình ấy, họ đã mất đi 3 người con và một người cháu. Một tang thương như thế, nói gì cũng vô ích.

Người lính trở về nhìn quê hương ảm đạm trên Cổ thành, Huế 1968. A.P. Wirephoto

Những nỗi buồn giăng giăng, phủ kín bầu trời Huế. Huế thực sực chưa vực dậy sau cơn đại loạn. Dấu vết chiến tranh còn in rõ. Nhất là trên mặt người dân Huế.

Nhưng cái buồn, cái khốn khổ của Huế, nay không ai làm thơ được nữa.

Những cây chuối ngã gục, những cây cọ bị bắn cháy, những cành cây gẫy, những vườn tược bỏ hoang. Mà vườn tược vốn là góc sân trong của tâm tình Huế. Đất hấp hối. Tiếng chuông Thiên Mụ đâu rồi? Những xác chết nằm vất vưởng khắp Huế chờ cuộc giải oan có còn đấy nằm nghe kinh? Những khu vườn Huế, cái làm nên chốn nghỉ, chốn riêng của Huế nay trở thành những vườn quên lãng? Người ta vào đó để quên thay vì để nhớ?

Và cũng bởi vì cây không chết như người nên chúng là những nhân chứng sống động nhất. Cứ nhìn cây cối ở Huế, cứ hỏi cây cối thì biết Huế ra sao.

Nhưng còn có một nhân chứng sống động hơn nữa là nếu thấy ở nơi nào ở Huế, tự nhiên cỏ mọc xanh um khác thường, tự nhiên hoa lá dại cứ vồm lên xanh ngát. Ở chỗ đó có bằng chứng của tội phạm. Nó không cần phải nói như Trịnh Công Sơn, mà nó nói ngược lại, nói trớ trêu: Cỏ cố gắng mọc. Lúa cố gắng nhoi lên khỏi mặt đất khô…

Hãy đào lên, đôi khi chỉ cần lấy tay cào đất lên, ở đó có xác người nằm chết đủ kiểu. Rất tiếc, tôi không có tài hoa như Trịnh Công Sơn để có thể sáng tác một bài ca về xác người nằm chết dưới đám cỏ xanh um.

Kẽo kẹt xà nhà tiếng võng đưa
Đâu đây đồng vọng cõi xa xưa:
Thổ ngơi thơm phức; hồn ma cũ,
Lòng rộn vui mà mắt lệ mờ

Bình Nguyên Lộc, Dâng má thương

Cạnh đó có những căn nhà cháy trơ trụi với vài cái cột cháy nám. Nền đất xạm đen loang lổ những vết cháy nám. Vắng bóng người. Những căn nhà bốc mái hoặc những mái tôn cháy uốn cong như chiếc bánh đa nướng quá lửa.

Chỉ có sông Hương là không biết nói, không là nhân chứng, bởi vì nó không để lại dấu tích gì, bởi vì nó thuộc về thế giới các nhà thơ, nhà văn và đôi khi những người làm chính trị xứ Huế.

Và đó cũng là trường hợp Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn thường viết nhạc. Điều đó hẳn là như thế. Nhưng vào ngày 22/5/1969, sau khi Huế Mậu Thân trên một tuổi, mùi tang thương, nét ưu tu hẳn còn đâu đó. Có thể là lần đầu tiên Trịnh Công Sơn đã viết một bài văn nhan đề: Nghiêng tai nghe lại cuộc đời trên tờ Khởi Hành và nay cũng lại được đăng lại trên Khởi Hành, số 99/100, tháng 5/2006. Trịnh Công Sơn không hề nhắc một tiếng đến Tết Mậu Thân Huế. Cũng nói đến cái chết, nhưng là những cái chết ở một nơi nào khác. Hãy đọc ông:

“Tiếng khóc gào theo những đoàn xe GMC chở đầy những chiếc hòm sắp thẳng hàng. Tiểu đội kèn thổi lên điệu bi ai. Như vẫn thổi mỗi sớm mai trước căn nhà vĩnh biệt của bệnh viện. Đó là điều đã thấy, đã nghe nhưng không hiểu. Đời người quá nhỏ bé để phải chứa đầy từng ấy đau thương. Nỗi bất an có mặt trong từng ấy bữa ăn, giấc ngủ. Thành phố rồi cũng trở lại với nhịp cũ. Nhưng những cánh tay bằng hữu đã níu lại nhau chật vật hơn. Mỗi cử dộng nhỏ trong đời sống bây giờ là một cố gắng. Cỏ cố gắng mọc.Lúa cố gắng nhoi lên khỏi đất khô. […]

Sống bây giờ cũng là chờ đợi nghe ngóng tử thi. Bao lần khuất mặt đó không phải đếm bằng đầu những đốt tay mà bằng tóc người. Bằng tất cả tóc của những đứa con ngồi lại. Đếm không xuể, đếm hụt hơi. Bài ca quá dài, sức người không với tới.”

Trịnh Công Sơn, Nghiêng tai nghe lại cuộc đời

Tôi chỉ hỏi ông và đám bạn bè ông: Tết Mậu Thân Huế, ông ở đâu?

Mặt trận Huế, Tết Mậu Thân, 1968. Tháng 2 năm 1968, Huế, miền Nam Việt Nam, TQLC Mỹ kéo một đồng đội bị thương trong một trận chiến trên đường phố ở Huế. Ảnh của Rolls Press/Popperfoto/Getty Images.

Huế chết và không thấy dấu hiệu gì phục sinh. Những nữ sinh Huế với tà áo trắng thêm chiếc khăn tang thì còn đẹp nỗi gì? Những người có tiền của, người buôn bán đã bỏ Huế mà đi không thương tiếc. Quyết định dứt khoát ngoảnh mặt lại với Huế. Không thì ít ra cũng gửi con cái vào Sài Gòn.

Miền đất đáng nguyền rủa với những bất hạnh chồng chất. Với lịch sử chĩu nặng vì hận oán và bất hạnh đủ thứ.

Những con đường lớn như Trần Hưng Đạo, ở đấy, người ta còn nhìn thấy bảng hiệu Mỹ Dung và cạnh đó bảng hiệu Tân Tân. Ai ở Huế lâu năm là khắc biết. Bệnh viện Trung Ương Huế, đường Lê Lợi, Tòa Hành Chánh còn nguyên dấu vết đạn loang lổ. Chung quanh khu vực đại nội cũng vậy. Cửa Ngọ môn hai bên góc sụp hẳn xuống, có thể nhìn thông thống từ bên này qua suốt bên kia. Điện Thái Hoà tương đối còn lành lặn. Khu vực đường Hoàng Hoa Thám/Trương Định, nơi có Ty Ngân Khố, Kho Bạc. Việt Cộng cố thủ ở đó là nơi đã xảy ra những trận giao tranh ác liệt giữa Thủy quân lục chiến Mỹ và Cộng sản. Vết tích chiến tranh đậm nét.

Huế nguyên trạng của dấu tích Mậu thân.

Vào một sáng chủ nhật, tôi lò mò đi nhà thờ Phủ Cam, điều mà tôi chưa bao giờ làm mỗi lần đến Huế. Tôi chỉ còn nhớ con đường dốc nhỏ dẫn đến ngôi nhà thờ nhỏ như cái lòng bàn tay, cũng là cái nơi mà vài tháng trước đây, có 428 tên người trong đám họ được dẫn đi khoảng hơn 10 cây số, đến một vùng được gọi là khe Đá Mài. Họ không bao giờ có dịp trở lại. Họ là ai. Tôi không biết!

Cạnh đó, có hai linh mục ngoại quốc như đã nói ở trên đã đền tội. Cùng với 2 linh mục Bửu Đồng và Hoàng Ngọc Bang còn có hai sư huynh dòng La San lo việc dạy học.

Họ có nằm trong tiêu chuẩn những người đáng bị giết không? Hỡi ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, họ đã làm gì?

Chỉ đến cuối buổi lễ, sau khi vị linh mục khuất vào bên trong. Tiếng đọc kinh đang râm ran, đang đọc kinh:

“Ở dưới vực sâu. Lạy Chúa tôi, tôi ở dưới vực sâu kêu lên Chúa tôi. Xin Chúa hãy thẩm nhận lời tôi kêu van, hãy lắng nghe tiếng tôi cầu xin, nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được, bởi Chúa tôi hằng có lòng lành cùng vì lời Chúa tôi phán hứa.”

Giọng đọc kinh tự nó đã là những tiếng kêu gào rồi. Và càng về phần cuối của kinh đó nó biến thành những tiếng rên ư ử, không thoát ra được, như tắc nghẽn trong họng. Nó như tiếng ư ử của những con vật bị cắt tiết đến hồi cuối. Nó lây lan khắp cả nhà thờ từ trên bao lơn cung thánh chạy dài xuống cuối dãy nhà thờ.

Thật là không cầm lòng được khi phải nghe những tiếng rên như thế. Mà đã mấy tháng nay rồi chứ nào phải ít. Nhà thờ trắng xoá khăn tang từ trên xuống dưới. Không có mấy gia đình mà không có người chết.

Ai làm gì được cho họ? Ai xoa dịu được và ai đền bù và ai đã gây ra cái thảm cảnh này?

Cùng lắm chỉ có những giọt nước mắt thầm lặng của dân Huế cho những bà con của họ, anh em của họ, bạn bè của họ.

Khi ra đi không kịp chào nhau
Khi ra đi không kịp chúc nhau
Khi ra đi còn nhiều vướng bận
Xin gửi tới mùa xuân sắp đến
Gửi lại anh em bè bạn âm thầm xót xa
Gửi lại những người yêu sắp chia lìa
như đã biết
các em khóc với em hôm nào
mùa xuân sẽ đến
sẽ đi như anh, như gió

Tô Đình Sự (1944-1970), Gửi tới mùa xuân)

Hoàng Long Hải ghi:

“Sau Tết Mậu thân, học trò lục tục đi học trở lại. Nhìn bọn chúng, tôi bỗng mất tinh thần. Lớp nào cũng vậy, hơn một nửa nam sinh mang băng tang đen trên áo còn nữ sinh thì bịt khăn chế ngang đầu. Con gái tuổi 15, 17 quấn khăn tang ngang đầu là một hình ảnh đau đớn não nề. Câu thơ của Xuân Diệu: ‘Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang’ chỉ có thể là cái đẹp trong văn chương, còn trong đời thực, đó là một hình ảnh đau thương xoáy vào tận đáy lòng nhân ái.”

Don Oberdorfer, “A farewell to Hue”, The Washington post ngày 30 tháng 3 năm 1975. Nguồn: The John McPhee, Princeton Anthology of Writing: Favorite Pieces by the Ferris/McGraw Writers at Princeton University, Princeton University Press, Aug. 5, 2001, trang 31

Tại sao chỉ có mình Huế có tết Mậu Thân kèm theo cái mà tờ Time đăng lớn: The massacre of Hue. Đó cũng là câu tôi muốn hỏi Huế. Với 26 ngày đêm Cộng Sản chiếm đóng. Họ chỉ cần một ngày để chiếm Huế và khi ra đi để lại hơn 5000 thường dân chết. Một con số thường dân tử nạn cao nhất của cuộc chiến này. Không có sự tiếp tay của Huế, con số có thể là khác. 5 tháng trước ngày tết Mậu Thân, cộng sản đã lập hai danh sách: một danh sách gồm 200 cơ sở chính quyền, ngay cả căn nhà vợ lẽ hay tình nhân của ông cảnh sát trưởng. Danh sách thứ hai gồm tên những người được coi là thành phần phản cách mạng liên hệ đến chính quyền Sài Gòn như sĩ quan, công chức, trí thức và những tu sĩ không hợp tác với Cộng Sản. Chỉ trừ những thường dân Pháp vì De Gaulle đã công khai phê phán chính sách chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Phóng viên Don Oberdorfer của tờ Washington Post sau ba lần ra điều tra cũng xác nhận Cộng Sản có sẵn sổ đen, đến từng nhà nạn nhân để bắt đi.

Và theo Hoàng Phủ Ngọc Tường trong một bài phỏng vấn với Thụy Khuê, đăng lại trên Chuyển Luân. Ông cho rằng có 3 thành phần người bị sát hại: một, những người chết do hành động trừng phạt của quân Giải Phóng dành cho những người thực sự có tội. Hai, những người bị giết oan. Ba, những nạn nhân chết do Mỹ ném bom vào đám đông hoặc quân chính phủ bắn trả đũa khi phản kích.

Sự trừng phạt của quân giải phóng dành cho những người thực sự có tội hiểu ngầm là họ đáng tội chết lắm? Vậy họ là ai? Những sĩ quan quân đội VNCH về nghỉ phép, những công chức, những vị tu hành? Có thế nào nói rõ hơn được không? Theo ông phải định nghĩa: Thế nào là thực sự có tội? Hiểu theo văn mạch thì trừ những người chết vì bom Mỹ và những người bị đạn lạc do quân chính phủ bắn, những người còn lại là những kẻ thực sự có tội, đáng tội chết?

Chiếm Huế xong, họ đi từng nhà truy lùng những thành phần trên.

Thực sự có tội có phải là Stephen Miller[1] trốn trong nhà một người bạn Việt Nam? Ông đã bị hành quyết ở một thửa ruộng đằng sau một chủng viện của Thiên Chúa Giáo. Thực sự có tội có phải là Bác sĩ Horst Gunther Krainick, giáo sư y khoa Huế bị bắt làm tù binh cùng với vợ và hai con, Discher và Alterkoster? Tất cả 6 người đều bị dẫn về chùa Từ Đàm sau đó bị thảm sát và vùi nông ở một cái hố. Mặc dầu là người Pháp, hai vị tu sĩ thừa sai dòng Benedictines (Ordre de Saint-Benoît), một bị giết, một bị chôn sống. Cũng như thế, thực sự có tội có phải là LM Bửu Đồng cũng bị thảm sát, mặc dầu có cảm tình với Cộng Sản? Chỗ khác, 5 sĩ quan VNCH bị bắn tại một sân vận động sau khi bị bắt. Rồi đến lượt ông Phó tỉnh trưởng Hành Chánh Thừa Thiên Trần Đình Phương tại vệ đường số 3, đường Nguyễn Hoàng? Thực sự có tội có phải là gia đình ông TNS Trần Điền? Thực sự có tội có phải là gia đình vừa được nhắc ở trên bị mất 3 người con?

Phạm Văn Tường chỉ là một người gác dan cũng bị giết cùng với hai con nhỏ. Bà Nguyễn Thị Lao, bán thuốc lá lẻ cũng bị giết.[2]

Xin đặt lại vấn đề hai linh mục Guy và Urbain bị giết trong trường hợp nào? Tài liệu của D. Gareth Porter: The 1968, Hue Massacre cho rằng, theo Len Ackland, quân giải phóng đã trú đóng vùng Gia Hội trong suốt 26 ngày. Không có dấu hiệu nào cho thấy họ đã làm điều gì đối với hai linh mục trên. Và nguồn tin của Agence Presse cho rằng hai vị linh mục đó đã trốn chạy khỏi tu viện trong ngày 25 tháng 2 để tránh các cuộc bỏ bom của quân đội Hoa Kỳ. Hai ngày trước khi quân giải phóng rời khỏi địa điểm tu viện. Cũng theo nguồn tin của Agence Presse, nơi hai vị linh mục này chết theo Dr. Alje Vennema (1932–2011), bác sĩ người Gia Nã Đại cho biết dân làng cho biết nơi đây đã bị dội bom nặng nề bởi không quân Mỹ. Vậy phải chăng họ đã bị chết bởi bom đạn Mỹ?

Ba người lãnh đạo cuộc Tổng tấn công ở Huế, Tết Mậu Thân 1968: Nguyễn Vạn (Chính ủy Cánh Nam), LeMinh còn có tên là Lê Tư Minh và Lê Châu (Tư lịnh mặt trận) và Trần Anh Liên (Chính ủy Cánh Bắc). Ảnh: gactholoc.com

Theo ông Hoàng Phủ Ngọc Tường thì những người này thuộc thành phần nào? Đáng tội chết hay chết oan. Rồi những người như Lê Minh, chỉ huy trưởng phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam trong Trận Mậu Thân tại Huế năm 1968:

“Rốt cuộc là đã có những người bị xử lý oan trong chiến tranh. Dù lý do thế nào thì trách nhiệm vẫn thuộc về lãnh đạo, trong đó có trách nhiệm của tôi. Nhiệm vụ bây giờ của cách mạng là phải minh oan cho gia đình, con cái của những người đã chết, trong hoàn cảnh như vậy, trong khi luật pháp cách mạng chưa hề có ý định xử họ vào tội chết; có một người phải minh oan cho một người, có một trăm người cũng phải minh oan cho một trăm người. Đó là lẽ phải và tình thương, quần chúng sẽ thông cảm và không bao giờ lẫn lộn đen trắng.”

Nguyễn Đắc Xuân và Nguyễn Huy Ngọc, “Huế Xuân 68”, Ban tuyên giáo Thành ủy Huế, 1988. Bài của Lê Minh (1918-1990) tựa đề “Huế Xuân 68” mà TGTU Huế đã dùng làm tựa sách.
Nguyễn Đắc Xuân và Nguyễn Huy Ngọc, “Huế Xuân 68”, Ban tuyên giáo Thành ủy Huế, 1988, trang 76

Và rồi kết quả ra sao? Đây là một phần trong 59 trang do Hoàng Phủ Ngọc Tường viết lời Lê Minh thuật lại, “Huế Xuân 68” – từ trang 26 đến trang 84 trong cuốn sách cùng tên.[3] Kết quả là ông đã nghỉ hưu, rồi sau đó ngã bịnh mà chết.

Rồi Trần Văn Quang (1917-2013), bí danh Bảy Tiến, tên thật là Trần Thúc Kính – Thiếu tướng Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Trị Thiên, đồng thời còn giữ chức Bí thư Quân khu ủy, Bí thư Khu ủy, nắm trọng trách cao nhất về chính trị lẫn quân sự của quân khu từ năm 1966 đến năm 1973 — có bị phê bình hay không?

Thiếu tướng, Chính ủy, Phó Bí thư Quân khu ủy Quân khu Trị Thiên Lê Chưởng (1914-1973) của mặt trận Huế Tết Mậu Thân. 1971 chuyển ngành làm Thứ Trưởng Giáo Dục.

Chẳng có một biện pháp gì cho những người trực tiếp trách nhiệm giết người tập thể ở Mậu Thân Huế.

Riêng Hoàng Phủ Ngọc Tường khi được Thụy Khuê hỏi về trách nhiệm về vụ thảm sát ở Huế. Ông đã phủi tay trả lời: “Tôi không đủ thẩm quyền để phán xét bất cứ một cá nhân nào.” Như vậy là có biết cũng không nói. Vậy thì may ra còn lại các quý ông có tên sau đây cũng nên công khai hóa những hiểu biết về vụ tàn sát tết Mậu Thân ở Huế một lần cho xong. Chỉ có những người tham gia Mặt Trận mới đủ tư cách nói rõ ràng về trách nhiệm vụ thảm sát tết Mậu Thân ở Huế. Các ông không lên tiếng thì ai lên tiếng cho các nạn nhân ở Huế đây? Những nhân vật đó là Tôn Thất Dương Tiềm, Nguyễn Đóa, Bảy Khiêm, Nguyễn Trung Chính, Nguyễn Hữu Vân, Hoàng Kim Loan và Hoàng Lanh, Phan Nam, Nguyễn Thiết. Còn ai nữa? Lê Văn Hảo, chủ tịch liên minh cùng với cùng với Đào thị Xuân Yến và Hoàng Phương Thảo Làm phó. Cũng không quên được ông Nguyễn Đắc Xuân. Mong ông để dành một số thì giờ tìm hiểu xem ai trách nhiệm về vụ thảm sát những nạn nhân biết bị thảm sát trong Tết Mâu thân ở Huế?

Đến 2018, Nguyễn Đắc Xuân đã viết

“Từ 1988 đến nay, tôi đã viết rõ công việc của tôi trong Tết Mậu thân. Tôi chỉ biết những việc tôi đã làm trong địa bàn từ cửa Đông Ba đến cửa Thượng Tứ. Phương châm hoạt động lúc ấy “Chuyện cách mạng ai làm nấy biết” cho nên tôi không thể biết được trong Tết Mậu thân có bao nhiêu người bị xử lý oan.”[4]

Nguyễn Đắc Xuân, 2018

Ông Xuân nói như thế chẳng khác một kẻ chạy làng

Chưa hết, còn có Tống Hoàng Nguyên và Nguyễn Đình bảy Khiêm, Hoàng Phủ Ngọc Phan. Các ông có trách nhiệm nặng nề đối với Huế, ít nhất là cái trách nhiệm biết mà che dấu, không nói. Qui tacet concentit: làm thinh là nhìn nhận, là đồng lõa. Có những lúc trong cuộc đời im lặng trở thành một lỗi và bổn phận nói lên là một điều bắt buộc. Một bắt buộc tinh thần, hay một bắt buộc đạo đức mà không ai được phép miễn trừ.

Trong khi đó Tiểu đoàn 10 chiến tranh chính trị ở Đà Nẵng. Xin nhấn mạnh rằng, mỗi một quân đoàn chỉ có một tiểu đoàn chiến tranh chính trị. Tiểu đoàn 10 do Thiếu tá Nguyễn Cao Đàm chỉ huy. Tất cả nguồn thông tin và tài liệu bá cáo của Tiểu Đoàn 10 này là báp cáo chính thức của chính phủ VNCH và cũng là nguồn cung cấp tin chính thức cho các phóng viên ngoại quốc. Theo báo cáo của Tiểu Đoàn 10 thì khác với lời giải thích của G. Porter, hai linh mục bị bắt buộc cởi bỏ áo chùng thâm và mặc đồ thường dân trước khi bị dẫn giải đến lăng Đồng Khánh và bị giết ở đó. Nhưng vị linh mục đi nhận diện xác chết thì cho rằng, ông đã nhận ra hai người do quần áo nhả tu của họ.

Gareth Porter phản bác tất cả những con số mà theo bá0 cáo của Tiểu đoàn 10 chiến tranh chính trị đưa ra.[5]

Cũng vẫn tài liệu của D. Gareth Porter phản bác tất cả những con số mà theo báo cáo của Tiểu đoàn 10 chiến tranh chính trị đưa ra. Chẳng hạn số người bị dẫn đi từ nhà thờ Phủ Cam, rồi chết ở khe Đá Mài, theo tài liệu của Douglas Pike là 428. Nhưng Ngũ Giác Đài chỉ nói có 250. Ở Gia Hội, theo báo cáo của Tiểu đoàn 10, có 22 hố chôn tập thể với 200 xác. Nhưng theo Stewart Harris thì chỉ có từ 66 đến 150 xác, chỗ khác là 19 thay vì 77 theo tiểu đoàn 10. 29 xác tìm thấy ở khu lăng tẩm thay vì 201.

Tôi cũng muốn hỏi về cái chết của Lê Hữu Bôi, chủ tịch Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn về quê ăn tết? Ai đã giết anh? Bôi chỉ là một sinh viên, tại sao anh ta đã bị chết thảm như vậy? Theo nhà báo Viên Linh trên tờ Khởi Hành vào 18/5/1964, sau khi ông Cẩn bị hành quyết, ông chuẩn tướng Nguyễn Chánh Thi đã mời một phái đoàn báo chí ra Huế để cho đồng bào Huế biết rằng người bị xử bắn chính là ông Ngô Đình Cẩn như chúng tôi đã thấy tận mắt. Vì thế, một phái đoàn sinh viên cùng với một phái đoàn báo chí đã ra Huế để cho dân chúng Huế biết rõ rằng ông Ngô Đình Cẩn đã bị hành quyết tại Sài Gòn vào ngày 9/5 là chuyện có thật. Bôi đã được Vĩnh Kha, chủ tịch sinh viên Huế đón tiếp. Vậy mà nay Bôi đã chết? Vĩnh Kha không chết? Ai trách nhiệm về cái chết này? Và nay thì Vĩnh Kha cũng đã chết ở Đà Nẵng vì mang trọng bệnh.

Này ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Hữu Bôi có nằm trong thành phần có tội đáng phải chết không?

Nhớ đến Lê Hữu Bôi đế nhắc nhở chúng ta về những cái chết của Hùynh Phú Sổ, Khái Hưng, Phan Văn Hùm, Hồ Văn Ngà, Trương Tử Anh, Nguyễn Quỳnh và bao nhiêu người khác nữa.

Nhớ làm sao cho xuể. Tôi đã thích câu văn này. Xin trích ra. Ngắn và gọn và đủ nghĩa.

“Sáng hôm sau, tôi nghe bố nói với mẹ: Việt Minh về. Ngay hôm đó, chúng tôi dọn lên Nam Định. Hôm đó là hôm nào. Hôm đó là năm 1953.”

Trần Lam Giang, Thái dịch Lý Đông A.

Tôi cũng muốn hỏi về cái chính quyền tạm thời (provisional authorities) là những ai với một bản danh sách những người họ coi là cruel tyrants and reactionary elements như ông Hoàng Phủ Ngọc Tường đã quy định 3 thành phần. Ai đã có thể cho một danh sách đầy đủ đến như thế (the lists were detailed and extensive) Và chỉ có Huế mới thù Huế đến như vậy. Và cuộc bắt giữ và hạ sát đến hoàn hảo như vậy? Đã không để lọt lưới bất cứ người nào mà họ muốn bắt về cái tội crimes against the Vietnamese people.

Mặc dầu, tôi vẫn không tin vào những bản bá cáo của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ qua Tiểu đoàn 10 cũng như những phúc trình của Douglas Pike trong U.S mission in Việt Nam vẫn được coi là chính thức. Cùng lắm, tôi chỉ tin một nửa. Nhưng cũng đã đủ là bằng cớ tội phạm.

Họ có bị trói vào nhau, rồi bị hạ sát không? Hình sẽ trả lời cho nạn nhân Mậu Thân 1968

Douglas Pike là một thái cực. Và D. Gareth Porter là một thái cực khác. Cứ chặt mỗi bên một nửa, may ra tìm ra sự thật gần đúng.

Nhưng vẫn phải nhìn nhận rằng các hố chôn tập thể là có thật, ý nghĩa nhất. Có thể trong đó có chôn cả những quân cộng sản chính quy và MTGPMN và thường dân chết vì bom đạn Mỹ.

Để nghe người trong cuộc, tôi đã liên lạc trực tiếp bác sĩ quân y Dương Hồng Huy của Tiểu Đoàn 10, Chiến tranh Chính trị. Tôi đã hỏi anh ấy hai điều: Thứ nhất, những con số đưa ra là chính xác không? Có gì để kiểm chứng hay không? Anh Huy cho biết rằng không trực tiếp đi đếm xác chết và cũng không phải việc của anh ấy. Chỉ đi ghi nhận rồi làm báo cáo dựa trên tin của cấp thừa hành. Thứ hai, anh có nhìn và quan sát tận mắt là các xác nạn nhận, có nhiều trường hợp như bị chôn sống, bị trói vào nhau rồi hạ sát không? Anh Huy xác nhận có thấy xác các nạn nhân bị trói vào nhau.

Hai trong số hơn 70 thi thể được khai quật sau ba tuần chôn cất trong những ngôi mộ nông ở sân trường ở Huế cho thấy hai tay của nạn nhân bị trói như khi họ bị lực lượng Cộng sản hạ sát. Vụ hành quyết diễn ra vào ngày 8 tháng 2 trong đợt tấn công Tết Mậu Thân. Hầu hết các thi thể được xác định là của công dân và viên chức hàng đầu của Huế và gia đình của họ. Các nạn nhân được cho là đã buộc phải tự đào mồ chôn mình trước khi bị trói và bắn. VA003094, Douglas Pike Photograph Collection, The Vietnam Center and Sam Johnson Vietnam Archive, Texas Tech University

Tôi lại gặng hỏi lần nữa. Xin anh nói theo lương tâm là họ có bị trói trước khi bị hạ sát không? Câu trả lời là, Họ đã bị trói.

Vậy là đủ.

Xem P1,  Kết

©2006-2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Loạt bài đã đăng lần đầu trên ngày 16-18 tháng 8 2006. DCVOnline.net biên tập và minh họa và bổ túc và cập nhật 2021.

[1] Giải thưởng Stephen H. Miller − Bạn học cùng khoá (1962) với Stephen H. Miller tại đại học Haverford (Philadelphia) đặt giải thưởng tưởng nhớ Miller cho sinh viên Khoa học Chính trị Haverford phát huy tinh thần dấn thần phục vụ xã hội mà Stephen Miller đã nêu gương và thiệt mạng khi công tác phát triển làng quê tại Việt Nam

[2] Trích lược Stanley Karnow, Vietnam: A History, trang 318-326

[3] Nguyễn Đắc Xuân, Đến bao giờ mới minh oan cho những người đã chết vì sự sai lầm trong chiến tranh Mậu Thân 1968? Gacloctho.com, 31 tháng 1, 2018

[4] Nguyễn Đắc Xuân, Ibid., 31 tháng 1, 2018

[5] inside.c-spanarchives.org