Sài Gòn thất thủ: nhìn lại ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc

Martin Woollacott | Trần Giao Thủy

Quân đội Bắc Việt tiến vào thủ đô Sài Gòn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, đánh dấu thất bại nặng nề nhất trong lịch sử quân sự Hoa Kỳ. Bốn mươi năm sau khi đưa tin về những sự kiện này cho Guardian, Martin Woollacott đã suy nghĩ về ý nghĩa của ngày lịch sử đó với tương lai của cả hai quốc gia.

 Dân di tản lên một chiếc trực thăng của Air America đậu trên nóc một tòa nhà ở Sài Gòn. Ảnh: Hugh van Es/REUTERS

Một ngày sau khi quân Bắc Việt chiếm Sài Gòn, bài ca chiến thắng đã đánh thức cả thành phố. Trong đêm, những công binh của bên thắng cuộc đã dựng loa phóng thanh, và từ khoảng 5 giờ sáng, đã không ngừng phát đi những bài ca giải phóng. Đó là ngày 30 tháng 4 năm 1975, và ánh nắng sớm chói chang chiếu sáng những con đường phần lớn vắng tanh ở Sài Gòn, vào thời điểm mà thông thường giao thông điên cuồng của thành phố đã bắt đầu nhộn nhịp. Nhưng hầu như không ai biết phải làm gì – có đi làm hay không, có mua gì ở chợ hay không, có xăng hay không, hoặc liệu có thể nổ ra cuộc chiến mới hay không. Tất nhiên, không chỉ thói quen hàng ngày của Sài Gòn đã bị gián đoạn hoàn toàn. Vai trò thủ đô của Việt Nam không cộng sản đã biến mất chỉ sau một đêm, binh lính đã biến mất, và nhiều tướng lĩnh, chính trị gia và công chức của Việt Nam vào thời điểm đó đang nhấp nhô trên boong tàu chiến ở Biển Đông, choàng trên vai những cái chăn của Hải quân Hoa Kỳ.

Trong suốt những năm xung đột, chiến tranh thường không vào đến Sài Gòn, ngoại trừ các cuộc pháo kích không thường xuyên, một vài vụ đặt bom nhà hàng và cuộc xâm nhập đột ngột nhưng hạn chế vào thành phố – thực sự là vào khuôn viên của chính tòa đại sứ Mỹ – trong dịp Tết Mậu Thân, cuộc tấn công năm 1968. Sài Gòn rùng mình, nhưng cảm thấy đã thoát khỏi tình trạng tồi tệ nhất. Và trên thực tế, khi tiếng nhạc giải phóng vang lên trên các con phố, Sài Gòn lại cảm thấy đã thoát cơn khủng hoảng một lần nữa. Mặc dù ít người biết chuyện đó, nhưng quân Bắc Việt đã chuẩn bị sẵn sàng để san bằng thành phố bằng pháo hạng nặng và tấn công vào Sài Gòn qua từng dãy nhà, nếu họ gặp phải hệ thống phòng thủ mạnh hơn. Nếu tổng thống cuối cùng của miền Nam Việt Nam, Tướng Dương Văn Minh, không ra lệnh cho quân đội hạ vũ khí, thì Sài Gòn thực sự sẽ rất bi thảm. Người Việt nói đùa rằng cộng sản chiếm Sài Gòn “mà không cần làm vỡ một bóng đèn”. Điều đó cũng không đúng: thương vong nặng nề cho cả hai bên, nhưng giao tranh dừng lại ven biên của thành phố. Ở trung tâm, có thể phải lo sợ về tình trạng vô luật pháp và những kẻ cướp bóc. Stewart Dalby của Financial Times và tôi đang đi dọc trên đường Tự Do, một trong những con đường chính của Sài Gòn, thì một người đàn ông trông có vẻ khó tính với áo sơ mi ngoài quần tây đứng cản đường chúng tôi. Ông ta chạm vào dây thắt lưng của mình để chỉ một khẩu súng, rồi thản nhiên lấy chiếc máy ảnh đắt tiền của Dalby ra khỏi cổ. Những sự việc như thế đủ để thuyết phục hầu hết mọi người rằng cộng sản càng sớm nắm toàn quyền thì càng tốt.

Vào ngày đầu tiên của kỷ nguyên mới, không có người Mỹ nào trong tòa đại sứ, giống như một pháo đài trên Đại lộ Thống Nhất, chỉ là tàn tích của cuộc di tản hỗn loạn ngày trước và nạn cướp bóc diễn ra sau đó. Không có ai trong tòa đô chính nhỏ được trang trí công phu. Không có dân biểu nào trong nhà hát lớn cũ của Pháp, nơi Quốc hội Việt Nam từng họp. Và không có tổng thống trong phủ tổng thống. Nguyễn Văn Thiệu đã bỏ xứ ra đi. Người kế nhiệm ông tại chức một tuần trước khi bàn giao cho Minh. Minh nói với các sĩ quan Bắc Việt đầu tiên vào dinh rằng ông ta đã sẵn sàng bàn giao quyền lực. Họ trả lời “Ông không thể giao những gì ông không có,” và đưa ông ta đi. Ông ấy mới làm tổng thống hai ngày.

Quyền lực của Minh quả thực là một điều viển vông, nhưng Sài Gòn đã sống trong mộng tưởng trong nhiều tuần. Trong vườn bách thảo của thành phố, nơi người dân thường đi dạo vào cuối tuần với con cái của họ, người ta có thể nghe thấy hàng tá tin đồn trong nhiều bước chân. Một người nói: “Người Pháp đang trở lại với hai tiểu đoàn.” Một người khác nói, “Người Mỹ sẽ ném bom.” Người thứ ba nói, “Sẽ có một chính phủ liên hiệp.” Càng về cuối, tình cảm phổ biến nhất dường như là “Tất cả chúng ta đều là người Việt Nam”, được nói theo một cách nào đó giữa niềm hy vọng và sự cam chịu. Đó là một suy nghĩ an ủi đối với nhiều người, nhưng không phải đối với những người có cấp bậc, hoặc những người có quan hệ mật thiết với chính phủ hoặc người Mỹ. Họ lo sợ bị báo thù hoặc ít nhất là họ sẽ bị đánh dấu mãi mãi vì sự ô nhục do lòng trung thành trước đây của họ. Đối với chúng tôi, dường như một số người không có lý do thực sự cho những lo lắng đó, mà chỉ bị cuốn vào sự điên cuồng trong thời điểm này. Một phóng viên viết, “Nỗi sợ Việt Cộng đã làm cho Sài Gòn mất trí.” Nhưng họ muốn ra đi, và nhiều người đã làm như vậy lúc đầu bằng máy bay vận tải, và vào giây phút cuối cùng, trên trực thăng – những người đầu tiên trong số gần một triệu người Việt hải ngoại đầu tiên rời bỏ đất nước sau năm 1975.

Các sĩ quan Hoa Kỳ điều động cuộc di tản đã phải có những lựa chọn đau đớn. Để không làm xói mòn những gì còn lại để bảo vệ miền Nam Việt Nam, họ phải hạn chế các cuộc di tản sớm hơn, nhưng họ cũng phải nói những lời hứa ngày càng chắc chắn hơn với những người còn lại rằng, “nếu nó xảy ra” (vì ý nghĩ rằng Nam Việt Nam có thể sống còn ở một dạng nào đó vẫn chính thức hiện hữu), tất cả sẽ được giải thoát vào phút cuối. Đây là một lời hứa mà họ không thể giữ. Frank Snepp, một nhân viên trong nhóm của CIA ở Sài Gòn, viết nhiều năm sau:

“Tiếng kêu hoảng sợ của họ qua máy phát thanh của CIA vào ngày cuối cùng vẫn xé nát lương tâm tôi.”

Frank Snepp

Một ngày trước khi Sài Gòn thất thủ, từ vị trí thuận lợi trên nóc của Caravelle, một trong hai khách sạn sang trọng của thành phố, các phóng viên khác và tôi đã chứng kiến ​​cảnh một đoàn người xếp hàng chờ đợi trong nỗi tuyệt vọng ngày càng tăng tại một điểm đón trên đỉnh của một tòa nhà gần đó. Một thảm kịch câm lặng, chậm chạp, khi nhịp quay của các cánh quạt biến mất dần, và dần dần nhận ra rằng sẽ không còn máy bay trực thăng Hoa Kỳ nào nữa – không bao giờ nữa. Tại tòa đại sứ Hoa Kỳ, sự tuyệt vọng là bất cứ điều gì ngoại trừ im lặng. Đám đông than khóc bao vây tòa nhà này, cầu xin được vào, khi lính thủ quân lục chiến kéo những người có giấy tờ chứng nhận vào – khuôn mặt da trắng vẫn có lợi – và đẩy những người không có giấy tờ ra.

Người dân miền Nam Việt Nam trèo lên bức tường cao 14 bộ (hơn 4 mét) của tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn, để được lên trực thăng di tản khi những người Mỹ cuối cùng rời Việt Nam, ngày 29 tháng 4 năm 1975. AP Photo.

Ngày hôm sau, những chiếc xe tăng đến trước, những khẩu đại bác nòng dài chỉa ra như mũi của Pinocchio, hướng về trung tâm thành phố và dinh tổng thống. Vì chiến tranh luôn là một mớ hỗn độn, một số xe tăng đã đi lạc. Chúng tôi thấy một chiếc đang lùi và quay, bánh răng của nó nghiền vào nhau, và sau đó tiến vào bệnh viện cũ của Pháp, hầu như không phải là một mục tiêu quân sự. Nhưng chẳng bao lâu sau đoàn xe tăng đã có mặt tại cổng dinh Độc lập và sau đó chạy xuyên qua cổng sắt, chiếc xe tăng dẫn đầu chở James Fenton theo, nhà thơ và nhà báo, người đã ngẫu nhiên trở thành phóng viên của tờ Washington Post cuối cùng tại Sài Gòn. Lính mới nhập cuộc, lính cũ lụi tàn, đôi khi lại nở rộ cay đắng cuối cùng. Chúng tôi nhìn thấy một đoàn quân cố tình bắn hết pháo hiệu khi họ diễn hành theo đội hình – xanh lục, đỏ, trắng, xanh lục, một lần nữa – trước khi tan hàng.

Ba nhân viên cuối cùng trong văn phòng của Associated Press tại Sài Gòn, phóng viên Matt Franjola, trái, Peter Arnett, phía sau, và George Esper, thứ hai từ phải, cùng với hai người lính Bắc Việt và một nhân viên người Việt của AP trong ngày chính phủ. Việt Nam Cộng hòa đầu hàng, ngày 30 tháng 4 năm 1975. Một trong hai người lính Bắc Việt đang chỉ cho Esper lộ trình tấn công cuối cùng của anh ta vào thành phố. Ảnh AP/Sarah Errington
 Trang nhất của The Guardian ngày 1 tháng 5 năm 1975, sau khi Sài Gòn thất thủ và chiến tranh Việt Nam kết thúc.

Những người lính mới, những người mà chúng tôi mới biết họ là bộ đội, mặc đồng phục màu xanh lá cây đơn giản, hơi mềm và đội nón cối kiểu cũ. Họ trông nhẹ nhõm: chiến tranh đã kết thúc, họ không chết, và họ đã đóng vai trò của mình trong một chiến thắng vĩ đại. Vài ngày sau, có một cuộc diễn hành, sau đó nhiều người rời Sài Gòn. Những người ở lại tỏ ra lịch sự, và hầu như do dự. Họ cho rằng người nước ngoài da trắng là người Nga. Một số có vẻ tròn xoe mắt trước sự phồn vinh của Sài Gòn, hoặc bị mê hoặc với những chiếc đồng hồ, chỉ được cấp có sĩ quan trong hàng ngũ quân đội Bắc Việt cho những người có cấp bậc thiếu tá trở lên, đặc biệt là những chiếc đồng hồ có ngày tháng. Họ gọi đây là “những chiếc đồng hồ có cửa sổ”. Nếu đi từng cặp, họ nắm tay nhau, một cảnh tượng cảm động kỳ lạ. Nhưng họ có vẻ được huấn luyện rất bài bản. Khi một số người liều chết nổ súng vào quân đội Bắc Việt gần công viên giữa dinh tổng thống và nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn, báo giới đã ngay tức thì thấy một sự sắp xếp lại hàng ngũ và gần như là một điệu múa ba lê. Những người lính đang nằm dài và hút thuốc một phút trước đó đã bất ngờ lao vào vị trí bắn trả một cách thận trọng và khôn ngoan, khi đội hình bao vây bên ngoài nhanh chóng áp sát vào những kẻ tấn công. Đó là một lời nhắc nhở rằng thời chiến tranh chỉ có những du kích quân được trang bị không đầy đủ để chống lại các lực lượng chính quy đã đi qua lâu rồi. Quân Bắc Việt tràn vào Sài Gòn với tất cả mọi thứ mà một đội quân hiện đại có thể muốn. Họ có áo giáp và đại pháo – có mọi thứ ngoại trừ hỏa lực không quân. Nhưng đến lúc đó thì miền Nam Việt Nam cũng hầu như không còn sức mạnh của không quân mữa.


Việt Nam đã là một buồng lái chính trị, quân sự và đạo đức trong nhiều năm. Chiến tranh là trung tâm của ý thức của mọi người đến nỗi đôi khi dường như tất cả những gì sai trái với thế giới và tất cả những thứ đó có thể được tạo ra ngay trong chiến tranh là ở đây. Vì vậy, nhiều điều quan trọng sẽ được quyết định ở đây: bên nào sẽ thắng trong cuộc cạnh tranh quốc tế giữa những người cộng sản và những người không cộng sản; liệu các nước phương Tây có tiếp tục thống trị thế giới cựu thuộc địa hay không; liệu các nước nhỏ có thể đứng vững trước các nước lớn hay không; liệu du kích quân có thể đánh bại các đội quân hiện đại. Và nữa, liệu một phong trào quần chúng – một phong trào hòa bình ngay trong lòng đất nước đang xảy ra chiến tranh – có thể xoay chuyển các chính sách của một cường quốc hay không. Những câu hỏi này, đơn giản trong dàn bài, hầu như vẫn khó trả lời cho đến ngày nay như chúng đã xảy ra vào ngày Sài Gòn thất thủ. Sự thật rõ ràng rằng cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam là một sai lầm và một tội ác – vì nó bị xem thường, bị theo đuổi quá tàn bạo và bị bỏ rơi một cách phản bội – là sự thật đơn giản duy nhất ở đó.

Chuyện miền Nam Việt Nam sụp đổ nổi tiếng là một biên niên sử về một thất bại được báo trước. Richard Nixon và Henry Kissinger, biết cuộc chiến không còn bền vững về mặt chính trị, đã đồng ý rút quân đội Hoa Kỳ, theo quy định của Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973. Họ biết điều đó có nghĩa là miền Bắc có thể sẽ chiến thắng, nhưng muốn, theo cách nói của Kissinger, là một “khoảng thời gian tử tế” giữa sự ra đi của Mỹ và sự thất bại có thể xảy ra ở Nam Việt Nam. Mặc dù có vẻ như họ thỉnh thoảng mơ mộng với ý tưởng rằng miền Nam Việt Nam, nếu được giúp đỡ, có thể sống còn, nhưng điều này thực sự có nghĩa là họ mong đợi những người miền Nam Việt Nam sẽ chiến đấu tiếp sau khi lính Mỹ bỏ chạy, với kết quả là Mỹ sẽ không quá nhục nhã trên trường quốc tế. Kế hoạc quỷ quyệt này trộn lẫn với sự trượt dốc ở chính trường của Nixon, với việc ông ta mở rộng cuộc chiến sang Campuchia gây thêm sự phản đối khắp nơi, cú sốc giá dầu năm 1973 gây thiệt hại lớn về kinh tế và chi phí khổng lồ của cuộc chiến đối với người Mỹ như một cuộc gia tăng lạm phát – và tất cả những việc này lên đến đỉnh điểm với vụ bê bối Watergate đang diễn ra. Một Quốc hội vỡ mộng và nổi loạn đã bắt đầu, đặc biệt là về chiến tranh, áp đặt cắt giảm và cắt giảm ngân sách viện trợ quân sự mà Mỹ đã hứa hẹn với Sài Gòn.

Không thể giải thích được và đối với người dân miền Nam Việt Nam, số đạn mà súng của họ được phép bắn, số phi vụ mà máy bay của họ có thể bay và các phụ tùng thay thế có sẵn để duy trì hoạt động giảm dần theo từng tháng. Vào cuối tháng 8 năm 1974, Thiếu tướng John E Murray[1], người có trách nhiệm duy trì nguồn quân cụ và vũ khí cho Quân đội Việt Nam Cộng Hòa cần có để hoạt động, đã thẳng thừng viết rằng

“Nếu không có sự hỗ trợ thích đáng, Quân lực Việt Nam Cộng hòa sẽ thua, có lẽ không phải là tuần tới, hoặc tháng sau, nhưng sau một năm họ sẽ thua.”

Thiếu Tướng John E Murray

 Như một vấn đề kỹ thuật, quân sự, cuộc chiến thực sự khá đơn giản. Địa lý Miền Nam Việt Nam là một quốc gia dài và mỏng, luôn luôn bị bao vây. VNCH phải tự vệ mọi lúc mọi nơi, và không thể làm như vậy nếu không có khả năng di động và hỏa lực do Hoa Kỳ viện trợ. Nhưng nguồn cung cấp viện trợ đó hiện đã bị khóa lại.

Tổng thống Thiệu, người chưa bao giờ có nhiều tính chính danh, nay lại càng ít hơn. Nền kinh tế miền Nam đang suy sụp, ông đã mất đi sự ủng hộ ngay cả những người Công giáo vốn thường gắn bó với ông, và những người theo đạo Phật ngày càng ghẻ lạnh, cũng như những người ôn hòa và trung lập trong cái gọi là “Lực lượng thứ ba”. Nhưng nếu miền Nam Việt Nam ở trong tình trạng kiệt quệ, thì miền Bắc Việt Nam cũng có những lo lắng sâu sắc của riêng họ. Mặc dù bên ngoài đảng và chính phủ tỏ ra tin tưởng tuyệt đối rằng chiến thắng và thống nhất sẽ đến, nhưng bên trong họ không chắc chắn như vậy. Họ cũng gặp vấn đề về quân cụ và vũ khí, vì người Nga và người Trung Hoa cũng đã cắt nguồn viện trợ sau Hiệp định Hòa bình Paris. Và, cũng giống như người miền Nam Việt Nam, họ lo lắng về độ tin cậy và động cơ của các đồng minh của họ. Như George J Veith đã viết trong Tháng Tư Đen (Black April), cuốn sách về lịch sử quân sự về những năm cuối cùng của cuộc chiến, Hà Nội cảm thấy rằng họ chỉ có “một cơ hội nhỏ để giành chiến thắng”.

“Chúng tôi đã theo dõi một thảm kịch câm, chậm, khi các cánh quạt mờ dần và biết rằng sẽ không còn máy bay trực thăng nào nữa”

Kế hoạch đã có là một chiến dịch kéo dài hai năm sẽ đem lại thắng lợi vào năm 1976. Nhưng những trận đánh mở màn ở Cao nguyên miền Trung thành công đến nỗi họ đã bỏ hết sức đánh cho đến ngày thắng cuộc vào năm 1975. Tất cả đã kết thúc trong vòng hai tháng. Những sai lầm về tài chỉ huy quân sự của Thiệu và một số tướng lãnh của ông ta đã khiến tất cả trở nên tệ hơn, nhưng căn bản, những thất bại ban đầu là vì miền Nam thiếu quân trừ bị và hỏa lực sút giảm. Quân Bắc Việt sau đó đã tiến về bao vây Sài Gòn. Ở Cao nguyên miền Trung, Huế, Đà Nẵng và các nơi khác, đã có những cảnh hoang mang, loạn lạc khủng khiếp, của sự bất tuân và đào ngũ, nhưng cũng có những trận chiến gian khổ và những hành động anh dũng, hy sinh. Nhưng Việt Nam Cộng hòa – “thực thể bù nhìn”, quốc gia thực sự, hay bất cứ thứ gì – đã biến mất trong khói lửa của chiến trận. Thế giới há hốc mồm chưng hửng.

Hàng trăm chiếc xe đủ loại lấp đầy một khu đất trống khi những người tị nạn tạm dừng chân gần Tuy Hòa, một tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam, Thứ Bảy, ngày 23 tháng 3 năm 1975 sau khi di tản từ Ban Mê Thuột và các trung tâm dân cư khác ở vùng cao nguyên miền Trung xuống vùng bờ biển phía tây. Ảnh AP/Nick Ut.

Những phóng viên đã chọn ở lại Sài Gòn phần lớn là người Pháp và Nhật Bản, cộng với một vài người Anh và một hoặc hai người Mỹ vô tâm giả vờ là người Canada. Chúng tôi đã đưa tin về một cuộc chiến tranh, mặc dù không phải không có những nguy hiểm, nhưng về mặt nào đó, đây là một cuộc chiến dễ dàng đối với nhà báo. Chúng tôi đã được đưa đón, đi khắp nơi bằng máy bay và trực thăng Hoa Kỳ, và được các binh sĩ Hoa Kỳ và (ở mức độ thấp hơn) của Việt Nam Cộng hòa cho ăn, ở và bảo vệ. Bạn có thể đang ở rìa trận chiến ở phía bắc, gần Khu phi quân sự được đặt tên trớ trêu, vào buổi sáng, và trở về Sài Gòn để nhậu sau khi tắm gội vào buổi chiều. Bây giờ chúng tôi đột nhiên thấy mình trong tình trạng hụt hẫng, u minh. Hệ thống hỗ trợ sự sống của chúng tôi gồm các phi công và người bảo vệ Mỹ, các nhà phân tích, các tùy viên quân sự của tòa Đại sứ Úc và những người tương tự đã biến mất. Nhiều điểm liên lạc người Việt Nam đã di tản hoặc mất tích. Những người giúp giải quyết vấn đề, phụ tá, tài xế và người thông dịch của chúng tôi cũng vậy. (Một số người hóa ra từng là điệp viên cộng sản vẫn còn, nhưng họ đã thăng tiến thành những con người khác, một cách tự nhiên.)

Quân Bắc Việt có một vài sĩ quan nói tiếng Anh và tiếng Pháp sành sỏi, những người này đôi khi có ích, nhưng điều đó rất hiếm. Trong một dịp như vậy, ngay sau khi Sài Gòn thất thủ, một đơn vị điện ảnh của quân đội Bắc Việt Nam đã xông vào văn phòng của CBS và yêu cầu cơ quan này chuyển giao đoạn phim quay cảnh trận đánh thực sự cuối cùng của cuộc chiến, tại Cầu Newport (Cầu Tân Cảng) ngay bên ngoài thành phố.

Trận đánh sau cùng trên Cầu Tân Cảng ngoài Sài Gòn, 28 tháng 4, 1975. Ảnh: Bettmann/UPI | Bettmann Archive
27 tháng 4, 1975 | Hơn năm trăm binh sĩ Việt Nam Cộng hòa trong trận cuối cùng chống lại một nhóm nhỏ quân cộng sản Bắc Việt đang tiến đến Cầu Tân Cảng, gần Sài Gòn. Phim lưu trữ của AP

Họ toát mồ hôi và tức giận – có vẻ như họ đã đến cầu Tân Cảng quá muộn để quay lấy bộ phim của riêng mình, vì vậy họ muốn cướp lấy phim tài liệu đoàn truyền hình Hoa Kỳ đã thu hình. Tôi đã chứng kiến ​​cuộc đối đầu và bắt gặp một đại tá Bắc Việt Nam mà chúng tôi đã gặp trước đó. Ông ta đến, xoa dịu tình hình và ra lệnh cho đồng bào của ông rời đi. Trưởng văn phòng của CBS nhẹ nhõm mời ông ta một ly. Ông duyên dáng từ chối, nói thêm, với một nụ cười hơi nhếch mép: “Sau này, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để uống với nhau.”

Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên, chúng tôi không bao giờ có những cơ hội đó. Ban đầu, chúng tôi đã không thể gởi tin đi vì bưu điện đã đóng cửa và tất cả những máy telex và đường điện thoại đã ngừng hoạt động lại. Khi có thể, chúng tôi gửi hàng loạt rất nhiều bản tin về những ngày cuối cùng mà chúng tôi không thể gởi đi vào thời điểm đó. Sau đó, chúng tôi có thể làm gì? Chúng tôi không thể làm điều mà chúng tôi thường làm trong quá khứ, đó là viết phê bình về chính sách của Hoa Kỳ và chính phủ và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Tất cả những thứ đó đã biến mất, và những lời chỉ trích của chúng tôi không còn quan trọng nữa, nếu chúng đã từng. Thay vào đó, một số người trong chúng tôi có khuynh hướng làm theo một thói quen kỳ lạ, đi thăm những địa điểm và tòa nhà đã từng là nơi quan trọng và viết những tác phẩm “ngày đó và bây giờ”. Một nhóm chúng tôi lái xe dọc theo đường 13 hướng về An Lộc, một thị trấn phía bắc Sài Gòn đã bị bao vây trong cuộc tổng tấn công năm 1972. Chúng tôi bắt gặp một cảnh tượng kỳ lạ khi chúng tôi lái xe trên con đường đường bên trong – dường như giống như những đôi bốt chiến trường của cả một đại đội được xếp ngay ngắn trên phi đạo, như thể chủ nhân của chúng đột nhiên được đưa lên thiên đàng. Quân phục của Quân đội Việt Nam Cộng hòa nằm rải rác trong con mương ở hai bên. Có những cảnh tương tự ở những nơi khác. Lời giải thích là quân Bắc Việt đã ra lệnh cho các đơn vị đầu hàng cởi bỏ quân phục của họ.

Sự trớ trêu của kiểu thăm viếng này đã quá rõ ràng. An Lộc từng là một chiến thắng của Việt Nam Cộng hòa, do lính dù và biệt động quân chiến đấu oanh liệt, nhưng bị không quân Mỹ ngăn chặn: hầu hết mọi chiếc B-52 ở Đông Nam Á đều được gọi đến để ném bom vào quân Bắc Việt đang tấn công. Theo một nghĩa nào đó, chúng tôi đưa tin quá khứ, bởi vì hiện tại quá khó hiểu. Chúng tôi uống nước đá tại một quán nước gần một trại lính bỏ hoang và đi tìm văn phòng của một cố vấn Mỹ, nhưng không tìm thấy nó và lên đường, băng qua vùng thôn quê bằng phẳng, cằn cỗi trở về Sài Gòn. Trên đường ra khỏi An Lộc, chúng tôi đi ngang qua tòa đại sứ Anh, và tôi để ý thấy toán lính canh gác đã hạ lá cờ Anh Quốc và dùng nó làm mái hiên che nắng. Nghẹn ngào – và ngạc nhiên – vì một cơn thịnh nộ bất ngờ, tôi bước ra khỏi xe, đi đến chỗ họ, và yêu cầu họ treo nó lên cột cờ. Cho rằng tôi là một người Nga hoặc Đông Đức và tưởng rằng tôi là kẻ có quyền thế, ít nhất họ đã gấp lá cờ lại.

Tôi tự hỏi, “Thế này là nghĩa lý gì?” Những người lính đó không có ý xúc phạm. Rốt cuộc nó chỉ là một mảnh vải. Nhưng sự thật là tất cả chúng ta, ở mức độ này hay cách khác, vẫn còn tinh thần trong cuộc chiến cũ, và vẫn thấm nhuần ý thức về quyền lực tối thượng của phương Tây rằng các sự kiện vừa xảy ra mâu thuẫn một cách gay gắt và gây xúc động nhất. Và chuyện này là như vậy, mặc dù rất ít chúng tôi từng là những người ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến. Trước khi Sài Gòn thất thủ, Philip Caputo, một nhà báo người Mỹ cũng từng là sĩ quan thủy quân lục chiến ở Việt Nam và đã viết một cuốn sách tuyệt vời về những kinh nghiệm của mình, đã tự hỏi lớn rằng liệu điều gì đang xảy ra có giống với việc lính lê dương đang rút lui khỏi vùng ngoài khơi của Đế chế La Mã.

A Rumor of War

Có phải phương Tây của chúng ta đang gây chấn động trên toàn thế giới, trong hiện thân cuối cùng của nước Mỹ, sắp kết thúc? Một thứ gì đó đã bị phá bỏ và một thứ khác – thứ không phải là “của chúng ta” – sẽ đến đúng vị trí của nó. Việc vẽ ra những sự tương đồng như vậy là chuyện bình thường – một kiểu tự lãng mạn hóa bản thân cảm thấy có vẻ khó chịu khi nhìn lại. Người Việt Nam, Bắc và Nam, đã ở vào một thời điểm đặc biệt trong lịch sử của họ, và chúng ta đang ngồi xung quanh trích dẫn sai về Edward Gibbon.

Quân nhân Việt Nam Cộng hòa và Cố vấn quân sự Mỹ đang tạm nghỉ trong rừng gần thị trấn Bình Giả, 60 cấy số về phía đông của Sài Gòn. Tháng Giêng 1965. Ảnh: Horst Faas / AP

Tất nhiên, chúng tôi cũng cố gắng tường thuật những gì đang xảy ra ở Việt Nam mới. Một số trong số đó đã ngay trước mặt chúng tôi, trong chính khách sạn mà chúng tôi đang ở, khi các nhân viên được triệu tập đến các cuộc họp cải tạo khác nhau. “Học tập”, đó là cách người ta gọi những phiên họp đó, cuối cùng sẽ chạm vào hầu hết tất cả mọi người. Các cựu sĩ quan được gọi vào theo cấp bậc. Có phải đã có, ít nhất là trong một thời gian, một nước miền nam riêng biệt không? Chính phủ cách mạng lâm thời vốn là đặc điểm của tuyên truyền thời chiến sẽ đóng vai trò gì? Không lâu, và có rất ít câu trả lời, nhưng thời gian của chúng tôi quá ngắn và nhà chức trách mới quá bí mật trong công việc của họ đến mức chúng tôi chỉ có khái niệm mỏng manh về những gì đang diễn ra.

Chúng tôi có cảm giác rằng chúng tôi – hay đúng hơn là các quốc gia mà chúng tôi đại diện – đã bị giáng chức, ngay cả khi, với một phần suy nghĩ của chúng tôi, chúng tôi coi đó là một sự kiện đáng có từ lâu. Cảm giác đó được củng cố với thực tế rằng, trong khi chúng tôi không phải là tù nhân, chúng tôi cũng không phải là nhà báo tự do. Chúng tôi không thể tự quyết định sẽ ở lại Việt Nam hay rời đi. “Họ” sẽ quyết định điều đó. Chúng tôi ngưỡng mộ họ và tính kỷ luật của họ – điều mà chúng tôi nghĩ là sự trong sáng mang tính cách mạng của họ – nhưng có điều gì đó về thái độ không mềm dẻo của họ gây chưng hửng. Nó dường như đã loại trừ chuyện có thể hòa giải dân tộc dựa trên sự thỏa hiệp thậm chí có giới hạn. Nhà báo người Ý Tiziano Terzani đã đưa nó vào cuốn sách Giải Phóng (Liberation!) của mình một cách hay nhất: Ông ta cảm thấy cả “một sự ngưỡng mộ to lớn và phảng phất một nỗi sợ hãi” rằng cuộc cách mạng đã gần đến “biên giới của sự vô nhân đạo”.

Giai Phong! The Fall and Liberation of Saigon

Đôi khi việc bị loại trừ như chúng ta cảm thấy rất khó chịu. Hầu hết các nhóm nhỏ phóng viên người Anh sống ẩn náu vào ban ngày trong một biệt thự lớn thuộc một ngân hàng Anh. Đại diện còn lại của ngân hàng, một công dân Ấn Độ, rất vui khi cho chúng tôi mượn vì ông ấy nghĩ rằng sự hiện diện của chúng tôi sẽ ngăn không cho căn biệt thự bị trưng dụng. Căn nhà còn có một con chó to lớn, tốt bụng, rất vui khi được gặp mọi người, giống như loài chó thường như vậy. Vào một buổi tối, một đội tuần tiễu Bắc Việt đến, đặt ra một số câu hỏi lịch sự về lý do tại sao chúng tôi ở đó, nhưng thường chỉ nhìn chằm chằm vào con chó. Cuối cùng một người trong số họ nói, xoa bụng, “Ăn ngon đấy”. Chúng tôi phẫn nộ nói với nhau sau khi họ rời đi, “Lũ khốn muốn ăn thịt con chó của chúng ta.” Một thời gian sau, người Anh chúng tôi, cùng với hầu hết khoảng 100 nhà báo ở lại, đã lịch sự bị tống ra khỏi Việt Nam và đưa lên một chiếc máy bay chở hành khách Antonov của Nga đến Vientiane (Vạn Tượng) của Lào. Trước khi đi, chúng tôi đã cố gắng thu xếp để bảo vệ con chó “của mình”, nhưng chúng tôi không mấy lạc quan về những cố gắng đó.


Trở lại Washington, Gloria Emerson của New York Times, có lẽ là người phản đối chiến tranh cuồng nhiệt nhất trong tất cả các phóng viên Mỹ, đã ghi lại sự phấn khởi phi lý, vỗ lưng, châm xì gà và tự chúc mừng về chiến dịch Mayaguez tại Toàn Bạch Ốc, và điều phi thường là sự ưa thích của quần chúng đối với chính phủ mà nó mang lại. Mayaguez là một tàu chở hàng của Hoa Kỳ có thủy thủ đoàn bị Khmer Đỏ bắt giữ ngoài khơi Campuchia vài ngày sau khi Sài Gòn thất thủ[2]. Người Mỹ đã cử thủy quân lục chiến đến để giải cứu thủy thủ đoàn, những người, rốt cuộc có lẽ họ không gặp nguy hiểm gì. Sau đó, chiến dịch này bằng cách nào đó đã được bơm lên một cách lố bịch như đẻ cân bằng với sự sỉ nhục của ngày 30 tháng 4 ở Việt Nam và sự sụp đổ trước đó của Pnomh Penh.

Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ ập vào con tàu và đảo Koh Tang, nơi các Chính phủ Mỹ tin rằng thủy thủ đoàn Mayaguez đang bị giam giữ. Bốn mươi mốt quân nhân đã mất mạng trong trận chiến trên đảo và trong các hoạt động không quân liên hệ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Trên thực tế, đó là một vụ lừa dối và ngu ngốc, trong đó người Mỹ đã mất nhiều người trong khi tấn công lực lượng Khmer Đỏ – những người – những người biết trước về tương lai – trên thực tế đang chuẩn bị bảo vệ những gì họ coi là lãnh thổ của họ chống lại những người chủ mới của miền Nam Việt Nam. Với sự thiếu sót và kém cỏi về tình báo, hỏa lực lãng phí và sự nhầm lẫn đẫm máu, nó gói gọn nhiều điều sai trái về cuộc chiến vừa kết thúc.

Vụ Mayaguez là dấu hiệu đầu tiên cho thấy người ta có thể đưa Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam, nhưng người ta vẫn không thể lấy Việt Nam ra khỏi Hoa Kỳ. Trong nhiều chục năm sau đó, Mỹ chưa bao giờ ngừng tham chiến. Nó tiếp tục chống lại nó, theo nghĩa tức thời nhất, bằng cách cô lập như một cách trả thù Việt Nam mới về mặt kinh tế và chính trị. Điều này sau đó đã trở thành cực đoan khủng khiếp bằng cách hậu thuẫn tàn dư của chế độ Khmer Đỏ đang chống lại chính phủ mới do Việt Nam áp đặt ở Pnomh Penh.

Ngày 29 tháng 4 năm 1975: Các nhân viên hải quân Hoa Kỳ trên tàu USS Blue Ridge đẩy một trực thăng xuống biển ngoài khơi Việt Nam để nhường chỗ cho các chuyến bay di tản khỏi Sài Gòn. Ảnh: AP

Hai nước hiện nay gần như thân thiện với nhau như Hồ Chí Minh đã hy vọng vào năm 1945, khi ông kêu gọi Hoa Kỳ giúp đỡ để giành độc lập từ Pháp nhưng đã không được lắng nghe[3]. Nhưng nếu Mỹ cuối cùng đã ngừng trừng phạt Việt Nam, thì cuộc chiến vẫn tiếp diễn theo những cách khác. Mọi thứ mà Hoa Kỳ đã làm trên thế giới kể từ đó đều bị điều kiện hóa vì nỗi sợ hãi về hậu quả của việc cố gắng khẳng định lại vị trí của Hoa Kỳ về mặt quân sự – và do sự ép buộc phải làm như vậy. Nỗi sợ là một Việt Nam khác, một vũng lầy khác, một đống đổ nát khác. Tuy nhiên, sự ép buộc liên tục tìm kiếm những nơi khác để có thể tiếp tục một thứ gì đó như Việt Nam, nhưng lần này sẽ chiến thắng, một cách rõ ràng và chắc chắn. Mỹ đã tìm kiếm chiến thắng bù đắp này nhiều lần, gần đây nhất là ở Afghanistan và Iraq. Việt Nam, giống như bóng ma của Hamlet, không chịu biến mất. Chiến tranh không bao giờ nguôi ngoai ở Mỹ, ở mức căn bản nhất, bởi vì nó đã trở thành bài kiểm về cách người Mỹ nhìn đất nước của họ.

Việt Nam, giống như bóng ma của Hamlet, không chịu biến mất. Nó đã trở thành một bài kiểm về cách người Mỹ nhìn đất nước của họ

Các sĩ quan quân đội chính quy trẻ tuổi từng phục vụ tại Việt Nam về nước quyết tâm thành lập một quân đội mới. Đó sẽ là một lực lượng chuyên nghiệp, toàn tình nguyện và do đó ít phải chịu áp lực của dư luận hơn về thương vong. Nó sẽ có kỹ thuật có thể thay thế đế giày trên mặt trận. Nhưng nếu phải có những đế giầy chạm mặt đất, quân đội mới sẽ có những khả năng chống lại cuộc nổi dậy mà quân đội này còn thiếu ở Việt Nam. Cuối cùng, họ sẽ không ra trận nếu không có sự bảo đảm rằng sẽ không có bất kỳ ràng buộc nào đối với việc sử dụng tất cả tài nguyên của nó – những ràng buộc mà theo quan điểm của nhiều binh sĩ, đã cướp đi chiến thắng của quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến tại Việt Nam. Tất cả đều vô ích. Công chúng Hoa Kỳ tỏ ra gần như nhạy cảm với cái chết của những binh sĩ tình nguyện như đối với cái chết của những người lính bị động viên. Kỹ thuật mới sẽ tạo ra nhiều vấn đề như nó sẽ giải quyết được. Các chiến lược chống quân nổi dậy vẫn không hiệu quả. Và những bảo đảm rằng việc sử dụng vũ lực sẽ không bị hạn chế đơn giản đã không xảy ra, bởi vì đó không phải là cách các chính phủ hoạt động và điều hành đất nước.

Ít nhất ba cuộc chiến tranh Việt Nam khác đã tranh giành sự chú ý của Mỹ, và để giành chỗ trên những kệ sách chất đầy ắp sách về cuộc xung đột. Trong một cuộc chiến, Hoa Kỳ đã có tất cả, trừ chiến thắng, chỉ để vứt bỏ chiến thắng của mình vì thiếu long kiên quyết, sự phản đối của giới truyền thông tự do và sự ngu xuẩn của quốc hội. Trong cuộc chiến thứ hai, nó đã giành chiến thắng, bởi vì mục tiêu của nó là kiềm chế Trung Hoa và Nga và ngăn chặn sự sụp đổ của các quốc gia Đông Nam Á khác vào khu vực cộng sản đã thực sự đạt được. Trong cuộc chiến thứ ba, sứ mệnh được thực hiện trong sự thiếu hiểu biết, khá hung hăng, với hy vọng rằng việc thiết lập một quân đội Việt Nam tương đương với Quân đội Nam Hàn sẽ tương đối dễ dàng, và rồi đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Cuộc chiến nào thực sự xảy ra? Tổng thống George HW Bush nói vào năm 1988, chiến tranh “vẫn còn chia cắt chúng ta, nhưng “chắc chắn thời hạn quy định đã hết. Bài học cuối cùng là không một quốc gia vĩ đại nào có thể đủ khả năng để bị ký ức chia cách mãi.”


Như một lời nhắc nhở giản dị về cách mà cuộc chiến đã từng chạm đến gần như mọi gia đình người Mỹ, hãy xem con voi sứ. Con voi sứ là những con voi bằng gốm sứ cao khoảng 2,5 bộ (gần 1 mét), với phần trên bằng phẳng, trên đó người ta có thể đặt thức uống hoặc chậu cây. Chúng hiện hữu trên khắp nước Mỹ như một bằng chứng câm rằng một thế hệ thanh niên đã ra trận ở Việt Nam. Một số lớn được sản xuất tại Việt Nam, và được vận chuyển về Mỹ với tốc độ vài nghìn chiếc mỗi ngày vào cao điểm của cuộc xung đột. Hugh Mulligan của Associated Press đã viết vào năm 1983: “Chúng đứng nghiêm một cách vô lý dưới các mái hiên của West Point” và “dọc theo các hồ bơi ở sân sau của vùng ngoại ô.” Có thể mua chúng với giá vài đô la và gởi về nhà với giá rẻ hơn, nhờ vào trợ cấp Bưu điện của Quân đội Hoa Kỳ. Cái tên BUFE (hay buffy) bắt nguồn từ chữ viết tắt của “Bloody Useless Fucking Elephant” (hay “Con voi chết tiệt vô dụng) được một nhân viên hậu cần chán chường đặt cho chúng, vì đã thấy ​​khả năng vận chuyển hàng không khan hiếm của Mỹ bị những kỷ vật này chiếm hết.

Những con voi sứ (thập niên 1960) sản xuất tại Việt Nam. Nguồn: https://www.chairish.com/

Hầu hết những con voi sứ đều sặc sỡ. Nhưng bản gốc, làm tại một nơi có tên Lái Thiêu, phía bắc Sài Gòn, là những tác phẩm nghệ thuật đình đền tuyệt đẹp, màu xanh lam và xanh lá cây. Bây giờ, như Linh Anh Moreau – con gái của Ron Moreau, một phóng viên nổi tiếng của Newsweek tại Việt Nam – đã viết trong một bài đăng trên blog năm 2012, Lái Thiêu xưa đã mất từ ​​lâu:

“Hầu hết các nghệ nhân Việt gốc Hoa cũ đã chết hoặc bỏ trốn, và đem theo những bí mật của nghệ thuật của họ. Về phần một số thanh niên đã học được các kỹ thuật đồ sứ của họ, hầu hết đã nhập ngũ vào quân đội miền Nam Việt Nam, hoặc đi theo Việt Cộng, bằng vũ lực hoặc tự nguyện.”

Linh Anh Moreau

Vì vậy, câu chuyện về những con voi sứ, ngay từ cái nhìn đầu tiên là một cái nhìn thoáng qua về mặt nhẹ hơn, trên thực tế là một câu chuyện nữa về mất mát và thiệt hại.

Gloria Emerson không thấy bên nào nhẹ hơn. Bà viết viết trong cuốn sách về chiến tranh, Người chiến thắng và Kẻ thua cuộc (Winners and Losers),

Huy hiệu Tropic Lightning của Sư đoàn 25 Bộ binh.

“Mỗi mùa đông đi bộ trên đường phố của các thành phố ở Mỹ, tôi thường nhìn những người đàn ông trẻ hơn trong những chiếc áo khoác nhà binh ngày xưa, một số có những huy hiệu mà tôi biết rất rõ: Americal (Sư doàn 23 Bộ binh), Đại bàng Gào thét (Screaming Eagle, Sư đoàn hàng không 101), Tia chớp Chí tuyến (Tropic Lightning, Sư đoàn 25 Bộ binh). Trong một thời gian dài, tôi không thể chịu nổi khi nhìn thấy những chiếc áo khoác đó, luôn nghi ngờ chúng đã được cởi ra từ những xác người lính Mỹ ở Việt Nam, giặt tẩy, là ủi lại và bán như hàng còn thừa.”

James Fallows

Cảm giác tội lỗi của một số người ra trận cũng giống với tội lỗi của một số người không ra trận. Trong một tác phẩm xưng tội nổi tiếng, James Fallows[4] đã viết về cách ông và các sinh viên Harvard giả không đủ sức khỏe để trốn quân dịch. Khi những sinh viên Harvard rời khỏi phòng thi, họ nhìn thấy

“…những thanh niên từ Chelsea, tóc đen, rậm, những người da trắng ở Boston… Họ đi qua hàng khám sức khỏe như đàn gia súc đi vào lò thịt… Trong khi có lẽ bốn trong số năm người bạn của tôi ở Harvard đã được hoãn dịch, điều ngược lại đang xảy ra với các thanh niên ở Chelsea. Chúng tôi quay trở lại Cambridge vào buổi chiều hôm đó… Cuộc nói chuyện rất hào hứng, nhưng có điều gì đó gần bề mặt mà không ai trong chúng tôi muốn đề cập đến. Bây giờ chúng tôi đã biết ai sẽ bị giết.”

James Fallows

Đi dạo trong vườn bách thảo một lần nữa, ngay trước khi Sài Gòn sụp đổ, một cậu bé khoảng 13 tuổi đã bám sát Peter Kann của tờ Wall Street Journal và tôi; cậu bé đã rút trong một chiếc túi một vật kỳ diệu. Đó là một mô hình nhỏ của một chiếc trực thăng của Mỹ làm bằng phế phẩm – những ống bút bi trong suốt, những mẩu hộp bia nhôm và những thứ tương tự. Cậu ta có vài cái trong túi, trông thật khéo léo, và cậu ấy đã thắng khi giải thích, bằng tiếng Anh khá thạo, cách làm những mô hình đó, đến nỗi chúng tôi đã mua hai chiếc. Đặc biệt, đối với Wall Street Journal, đây là một ví dụ điển hình về tài kinh doanh – loại tài năng có thể không được ưa chuộng nhiều ở Việt Nam mới. Tôi cảm thấy mắt mình cay xè khi cậu bé cất tiền đi, và tôi nghĩ Kann cũng bị ảnh hưởng. Chúng tôi không có lý do gì để nghĩ rằng cậu bé đó sẽ có một tương lại tồi tệ; nhưng ý nghĩ rằng Việt Nam, đã trải qua một cuộc chiến khủng khiếp, gần như chắc chắn vẫn còn một chặng đường khó khăn phía trước – và vì vậy, theo một cách khác, ở Mỹ cũng thế. Nhiều đau thương và buồn khổ nằm trong quá khứ, nhưng có một hiện tại, ngay cả khi mọi thứ đã kết thúc ở Sài Gòn, rằng tương lai vẫn giữ như xưa.

Những giờ phút sau cùng | Chiến dịch Gió Lốc

Trong lúc Sài Gòn bị những đơn vị của quân Bắc Việt Nam bao vây và Căn cứ Không quân Tân Sơn Nhứt bị tấn công, các chuyến bay di tản bằng máy bay vận tải ra khỏi thủ đô đã bị đình chỉ vào ngày 28 tháng 4. Tổng thống Gerald Ford ra lệnh mở Chiến dịch Gió lốc, dùng trực thăng di tản khỏi Sài Gòn.

Hơn 7.000 người — Hoa Kỳ, Việt Nam và các công dân nước ngoài khác — đã được di tản đến các tàu Hải quân Hoa Kỳ bằng trực thăng của Lực lượng Thủy quân lục chiến và Không quân Hoa Kỳ vào ngày 29 và 30 tháng 4, phần lớn khới hành từ trụ sở Văn phòng Tùy viên Quốc phòng Hoa Kỳ và Tòa Đại sứ Hoa Kỳ.

Các đoạn trích dưới đây là từ tài liệu  của Bộ Tư lệnh Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ cho Chiến dịch Gió lốc, ngày 29 – 30 tháng 4 năm 1975

Trích từ Niên đại của Bộ Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ / Cục Quản lý Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia đã giải mật

Chuyến bay cùng của Chiến dịch Gió Lốc rời khỏi tòa Đại sứ Hoa Kỳ lúc 7.53 giờ sáng. 10,24 sáng 30 tháng 4, Sài Gòn thất thủ. Ảnh AP

Thời biểu của Chiến dịch Gió lốc

  • 12:15 chiều Thứ ba, ngày 29/04/1975: Đã nhận tin nhắn, bắt đầu chiến dịch Gió lốc.
  • 1:12 chiều Thứ ba, ngày 29/04/1975: Bà Martin (Vợ của Đại sứ) đã đáp xuống USS Denver trong chuyến bay Air America helo.
  • 2:25 chiều Thứ ba, ngày 29/04/1975: Thông báo hiện tình với Văn phòng Tùy viên Quốc phòng Hoa Kỳ. Ước tính có 2300 người di tản, bao gồm 300 người Mỹ thuộc Văn phòng Tùy viên Quốc phòng ở Hoa Kỳ.
  • 2:53 chiều Thứ ba, ngày 29/04/1975: Tư lệnh TQLC Hoa Kỳ phụ trách anh ninh báo cáo các trận địa pháo nhỏ và pháo phòng không khắp Sài Gòn.
  • 3:12 chiều Thứ ba, ngày 29/04/1975: Chuyến bay đầu tiên khởi hành từ Văn phòng Tùy viên Quốc phòng Hoa Kỳ với 149 người di tản.
  • 16:00. Thứ ba, ngày 29/04/1975: Cho đến lúc này, mười tám máy bay trực thăng đã hạ cánh trên bảy con tàu với khoảng 956 người di tản.
  • 5:35 chiều Thứ ba, ngày 29/04/1975: Bốn máy bay trực thăng Boeing Sea Knight đã khởi hành để bắt đầu chở người (trong khối người di tản) từ tầng thượng của tòa Đại sứ. Hiện có 2.000 người di tản tại tòa Đại sứ. Những chiếc trực thăng của đợt di tản đầu tiên đáp xuống tàu với 1889 người di tản; không mất một ai.
  • 6:30 chiều. Thứ ba, ngày 29/04/1975: Ước tính có khoảng 4.580 người di tản trên tàu và máy bay.
  • 6:50 chiều Thứ ba, ngày 29/04/1975: Đại sứ Martin ở lại (tại tòa Đại sứ) cho đến khi tất cả được di tản. Đại diện tòa đại sứ tin rằng bất cứ ai còn lại Sài Gòn sau đêm nay sẽ khôngđi thoát.
  • 9:07 tối Thứ ba, ngày 29/04/1975: Máy bay trực thăng Boeing Sea Knight gặp nạn trên biển. Hai phi công mất tích; vớt được hai nhân viên phi hành đoàn.
  • 11:00. Thứ ba, ngày 29/04/1975: Ước tính có 6.393 người đã di tản khỏi Sài Gòn.
  • 11:59 tối Thứ ba, ngày 29/04/1975: Lực lượng an ninh TQLC của tòa Đại sứ đã đốt Văn phòng Tùy viên Quốc phòng Mỹ; đang tiến hành đợt di tản sau cùng.
  • 2:10 sáng Thứ tư, ngày 30/04/1975: Các chuyến bay mỗi 10 phút theo lịch trình cho đến khi di tản hết tòa Đại sứ.
  • 3:10 sáng Thứ tư, ngày 30/04/1975: Tòa Đại sứ báo cáo có đám đông tụ tập.
  • 3:27 sáng Thứ tư, ngày 30/04/1975: Lệnh mới chuyển đến, “Tổng thống (Ford) đã cho phép thêm 19 chuyến di tản bằng máy trực thăng, không quá 03:45 sáng; (Ambassador) sẽ khởi hành trên chuyến bay cuối cùng.”
  • 4:20 sáng Thứ tư, ngày 30/04/1975: 737 người di tản khỏi Đại sứ quán (18 chuyến). Lực lượng an ninh TQLC và Đại sứ vẫn còn. Hơn 500 người Việt Nam đã đến tòa Đại sứ.
  • 4:30 sáng Thứ tư, ngày 30/04/1975: Thiếu tướng (Richard) Carey thông báo giới hạn mà Tổng thống cho phép 19 chuyến bay trực thăng đã bị vượt quá. Viên Tướng chỉ huy ra lệnh chỉ những người Mỹ mới được di tản khỏi tòa Đại sứ quán, và Lực lượng an ninh TQLC phải vào vị trí trên sân thượng để di tản.
  • 4:58 sáng Thứ tư, ngày 30/04/1975: Đại sứ (Graham Martin) trên không trong chiếc Lady Ace 0-9 lên tàu USS Blue Ridge.
  • 5:51 sáng Thứ tư, ngày 30 tháng 4 năm 1975: Đám đông đang ở trong bãi đậu xe (của tòa Đại sứ) và lửa tiếng súng nổ từ mái của các tòa nhà lân cận. AAA báo cáo cách tòa Đại sứ 6 dãy nhà.
  • 6:45 sáng Thứ tư, ngày 30/04/1975: Lửa cháy quanh tòa Đại sứ, Lực lượng an ninh TQLC Hoa Kỳ ở trên nóc nhà và người Việt Nam ở các tầng thấp hơn. Vẫn còn khoảng 38 TQLC Mỹ. 782 người đã di tản khỏi tòa Đại sứ quán kể từ khi (kết thúc) chiến dịch.
  • 7:53 sáng Thứ tư, ngày 30/04/19755: Người cuối cùng Lực lượng an ninh TQLC Mỹ di tản khỏi tòa Đại sứ. Những người Mỹ cuối cùng ra khỏi Sài Gòn. Toàn bộ lực lượng anh ninh TQLC hiệ diện; không có thương vong.
  • 8:54 sáng Thứ tư, ngày 30/04/1975: Chấm dứt chiến dịch Gió lốc.
Trực thăng Bell 205 NP47004 của Air America (CIA) di tản người làm việc với CIA trên nóc cao ốc Pittman tại số 22 đường Gia Long, Sài Gòn, ngày 29 tháng 4, 1975. Nguồn: © Philippe Bufon. http://philippe.buffon.free.fr/images/vietnamexpo/heloco/index.htm
Nóc thang máy tại cao ốc Pittman nơi trực thăng của Air America (CIA) di tản người làm việc với CIA và một số tướng lãnh VNCH và gia đình, ngày 29 tháng 4, 1975. Nguồn: Genius Travels, https://youtu.be/c_aCU2M6aC8, và O.B. Harnage, A Thousand Faces – Page 159.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọcThể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Forty years on from the fall of Saigon: witnessing the end of the Vietnam war | Martin Woollacott | The Guardian | 21 Apr 2015.

[1] Tùy viên quân sự Tòa đại sứ Hoa Kỳ, quân nhân Mỹ cao cấp nhất tại Sài Gòn kể thừ 29 tháng 3, 1973. (Sylvan Fox, “U. S. Assigns Saigon Role To a Woman”, Special to The New York Times, April 16, 1973).
[2] Trong “Lessons Learned From 1975 Mayaguez Incident” của David Vergun đăng này 11 tháng 12, 2018 trên trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ, theo Christopher J. Lamb, một nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc phòng Quốc gia thì chiến dịch Mayaguez là cuộc khủng hoảng hay chiến tránh duy nhất do tổng thống Mỹ (Gerald Ford) điều động chỉ qua Hội đồng An ninh Quốc gia (Henry Kissinger) cùng lúc Bộ trưởng Quốc phòng James R. Schlesinger bị sa thải. Mỉa mai thay, chính hành động của Schlesinger đã cứu sống thủy thủ đoàn và giảm thương vong cho Thủy quân lục chiến Mỹ.
[3] Franklin D. Roosevelt and Winston Churchill đã ký Hiến chương Đại Tây Dương ngày 14 tháng 8, 1941 trên chiến hạm HMS Prince of Wales. Và số phận Đông Dương thời hậu chiến đã được các cường quốc đồng minh đồng ý tại hội nghị Potsdam.

Và Fredrik Logevall trong “Embers of War: The Fall of an Empire and the Making of America’s Vietnam”, August 21st 2012 by Random House, trang 106 có đoạn viết, “Về mặt lịch sử đây là một quyết định lớn của Truman, như nhiều quyết định của Tổng thống Mỹ khác đã đi đến trong những thập niên tiếp theo, điều đó chẳng liên quan gì đến Việt Nam — tất cả chỉ vì ưu tiên của Mỹ trên trường thế giới. Pháp đã nói rõ ý định của mình và chính quyền Truman không dại gì thách thức một đồng minh châu Âu được coi là quan trọng đối với trật tự thế giới, chỉ vì Mỹ tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Đại Tây Dương.”
[4] James Fallows, “What Did You Do in the Class War Daddy?” Washington Monthly, October 1975, pp. 5-7.