Tại sao thời Đại dịch lại có thể khiến người ta đứng nhìn một vụ hiếp dâm
Melissa Chan | DCVOnline
“Đối lập với một anh hùng không phải là một nhân vật phản diện. Đó là một người ngoài cuộc.” — Matt Langdon
Vào đêm 13 tháng 10, một phụ nữ bị hãm hiếp trên chuyến xe điện gần Philadelphia mà không một nhân chứng nào can thiệp. Được biết một vài người đã chĩa điện thoại của họ về hướng đang xảy ra vụ tấn công [để thu hình].
Philip Zimbardo, một chuyên gia tâm lý và giáo sư danh dự tại Đại học Stanford, nói: “Thật táng tận lương tâm khi không ai ra tay giúp đỡ”, nhắc lại những nhận xét tương tự của cảnh sát địa phương trong vài ngày qua.
Tuy nhiên, với tình hình đại dịch COVID-19 đã làm xấu đi những tiêu chuẩn xã hội thì việc đó không hoàn toàn đáng ngạc nhiên. Trong một năm rưỡi qua, virus đã khiến mọi người trở nên tự bảo vệ bản thân hơn, cô lập hơn và sợ hãi hơn về những điều chưa biết. Theo Zimbardo và các chuyên gia nghiên cứu về “hiệu ứng người ngoài cuộc”, một lý thuyết về tâm lý cho rằng càng ít người ra tay giúp tha nhân thì càng nhiều người đứng nhìn người bị nạn. Thêm vào đó là số tội phạm gia tăng vào năm 2020 và số súng bán được bùng phát ở Hoa Kỳ, và vì thế không khó hiểu tại sao nhiều người hơn bình thường có thể rút vào góc riêng của họ.
Matt Langdon, người sáng lập của Hero Round Table, một tổ chức dạy mọi người cách trở nên làm nhiều hơn chỉ là những người ngoài cuộc cho biết:
“Đại dịch đã cho thấy rằng nhiều người nghĩ rằng, ‘Tôi phải lo cho bản thân.’ Điều đó sai về căn bản, và đó là một mối quan tâm lớn trong thế giới ngày nay.” Matt Langdon
Không rõ có bao nhiêu hành khách khác trên chuyến tàu của Cơ quan Giao thông Đông Nam Pennsylvania (SEPTA) vào khoảng 10 giờ tối hôm đó, khi nhà chức trách nói rằng nghi phạm ngồi xuống cạnh nạn nhân và bắt đầu tấn công tình dục. Trong một tuyên bố, SEPTA cho biết, khi một nhân viên của cơ quan giao thông tình cờ có mặt và gọi 911, nhân viên SEPTA đã bắt được nghi phạm 35 tuổi đang hãm hiếp thiếu phụ đó và bắt giữ y. Nghi phạm phải đóng 180.000 đô la để tại ngoại hầu tra và phải trả lời những cáo buộc, gồm cưỡng hiếp và tấn công tình dục. Theo tờ Philadelphia Inquirer, Timothy Bernhardt, giám đốc Sở Cảnh sát Thị trấn Thượng Darby, cho biết “rất nhiều người” trên tàu đáng lẽ phải “làm gì đó”. Ông nói, “Việc đó nói lên chúng ta đang ở đâu trong xã hội và ai cho phép điều như vậy xảy ra, vì vậy nó thật đáng bận tâm.”
Không thể biết những hành khách khác đã nghĩ gì, nhưng các chuyên gia về “hiệu ứng người ngoài cuộc” nói rằng có nhiều yếu tố mới phát sinh từ đại dịch có thể khiến những người trong hoàn cảnh như vậy không thể làm gì.
Zimbardo nói, đối với một người, bị cô lập trong những cuộc phong tỏa và tự cách ly không chỉ làm tăng khuynh hướng tránh né người khác của mọi người, mà còn làm tăng suy nghĩ nhiều người tự cho mình là trung tâm và ít sẵn sàng đặt nhu cầu của than nhân lên trên nhu cầu của họ. Ông nói: “Sự cô lập với xã hội theo thời gian có nghĩa là người ta tập trung vào bản thân mình.” Theo Langdon, con người như một động vật đã học ứng xử đó từ lâu để sinh tồn, “chúng ta phải cảnh giác với những người không giống mình và tránh xa những thứ đáng sợ.” COVID-19 càng làm trầm trọng thêm sự nghi ngờ cố hữu đoi với người khác khi nó tạo ra nỗi sợ hãi rằng bất kỳ ai, dù có hoặc không có triệu chứng, đều có thể mang virus đã giết chết gần 5 triệu người trên toàn thế giới.
Ngay cả trước đại dịch, giới chuyên gia đã nghiên cứu ứng xử của những người ngoài cuộc từ lâu đều biết rằng trong trường hợp khẩn cấp, mọi người thường không cảm thấy có khuynh hướng giúp đỡ những người không liên hệ với họ hoặc những người mà họ không có chung căn cước. Một nghiên cứu năm 2005 cho thấy một người lạ bị thương mặc áo của một đội thể thao nào đó có thể được một người hâm mộ cùng một đội giúp đỡ hơn so với việc người đó mặc áo của đội đối thủ hoặc áo thể thao không có nhãn hiệu.
Jay Van Bavel, giáo sư tâm lý Đại học New York cho biết:
“Chúng ta đang quan tâm đến những người như chúng ta và bạn bè và gia đình, nhưng chúng ta không thường mở rộng vòng quan tâm đó đến những người bên ngoài nhóm đó.”
Jay Van Bavel
Điều đó có thể giúp giải thích tại sao rất nhiều nạn nhân của các cuộc tấn công người châu Á trên khắp nước Mỹ cho biết họ không được những người ngoài giúp đỡ khi tội ác căm thù gia tăng trong đại dịch. Cũng giống như ở Thành phố New York, nhân viên bảo vệ tại một tòa nhà gần đó đã đóng cửa lại khi một phụ nữ Mỹ gốc châu Á bị tấn công ngay bên ngoài vào tháng Ba này, không ai giúp Joyce Sung, chủ cửa hàng tiện lợi người Mỹ gốc Nam Hàn ở Bắc Carolina, khi bà hai lần bị tấn công khi đang làm việc ở tiệm.
Theo các chuyên gia tâm lý, một lý do chính khiến mọi người ít có hành động can thiệp khi có những người ngoài cuộc cùng chứng kiến vì họ tin rằng ai đó có thể sẽ gọi cảnh sát hoặc vì họ không cảm thấy bị bắt buộc nếu thấy không có ai khác làm bất cứ điều gì. Van Bavel cho biết, đối với nhiều người hiện nay, quyết định của họ cũng có thể bắt nguồn từ nỗi sợ hãi về việc gia tăng số súng bán được cũng như bạo lực bằng súng ở Mỹ, đang tăng lên ở mức kỷ lục. Theo số liệu của FBI, những vụ giết người tăng gần 30% vào năm 2020 so với năm 2019 — mức tăng cao nhất từ năm này sang năm khác trong lịch sử được ghi nhận của cơ quan này. Theo dữ liệu của Kho lưu trữ Bạo lực Súng, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi các vụ xả súng, năm 2020, những vụ giết người bằng súng và các vụ xả súng không liên quan đến tự sát đã cướp đi sinh mạng của hơn 19.000 người — số người chết cao nhất trong hơn 20 năm.
Van Bavel nói: “Chắc chắn có sự gia tăng nguy hiểm và sự nhẫn tâm ở cấp xã hội.”
Vào năm 2020, FBI đã thực hiện gần 40 triệu cuộc kiểm soát nguồn gốc vũ khí, nhiều hơn bất kỳ năm nào được ghi nhận, theo dữ liệu của cơ quan này. Năm đó, khoảng 6,9 triệu người ở Hoa Kỳ đã trở thành người có súng lần đầu, theo ước tính của National Shooting Sports Foundation, một nhóm buôn bán súng. Vào năm 2021, Phân tích & Dự báo Vũ khí Nhỏ cho biết thị trường vũ khí “vẫn hoạt động phi thường”, với ước tính khoảng 14,8 triệu lượt mua súng từ tháng 1 đến tháng 9. Trong khi một nghiên cứu gần đây không tìm thấy mối liên hệ rõ ràng giữa việc mua bán vũ khí tràn lan và sự gia tăng bạo lực súng giữa các cá nhân, các chuyên gia tâm lý cho biết chỉ riêng nỗi sợ hãi rằng kẻ tấn công có thể có vũ khí là đủ lý do để người ta không muốn can thiệp. Cảnh sát cho biết kẻ bị cáo buộc hiếp dâm trên tàu điện không có vũ khí, nhưng hành khách có thể không biết điều đó vào lúc đó. Langdon nói, một người đủ trơ trẽn để bị cáo buộc cưỡng hiếp một phụ nữ trước mặt mọi người cũng có thể có vũ khí. Ông nói thêm, vì sự phổ biến của súng, “quyết định hành động có thể là điều cuối cùng người ta làm.”
Một yếu tố bổ túc: giống như các hệ thống giao thông công cộng khác trên khắp Hoa Kỳ, hệ thống ở Philadelphia đã sụt giảm lớn về số hành khách trong thời kỳ đại dịch, có nghĩa là có thể có ít người hơn nhiều so với những ngày trước đại dịch cùng ra tay nếu có ai đó đã quyết định để can thiệp.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nói rằng thật đáng tiếc khi hành khách trên tàu dường như đứng như trời trồng khi không ra tay hành động, đặc biệt là vì có những hành động nhỏ mà họ có thể làm được, chẳng hạn như gọi 911. Zimbardo nói rằng họ cũng đã có thể cố gắng cùng nhau kêu gọi kẻ tấn công ngừng lại. Ông nói, ngay sau khi một người ra tay giúp đỡ, người thứ hai thường nhảy vào cuộc. Đó là trường hợp vào tháng 12 năm 2003 khi Van Bavel đang ở trên sân ga tàu điện ngầm ở Toronto và nhìn thấy một người đàn ông kéo một người phụ nữ lên cầu thang và quăng bà ấy vào tường trong khi la hét. Van Bavel nói, vào giờ đông người, hàng trăm người nghển cổ để xem chuyện gì đang xảy ra, nhưng không ai làm gì cả. Ông ta đã báo cho nhà chức trách và cũng can thiệp, gây ra một cuộc tranh cãi dữ dội với người đàn ông bạo động đó. Van Bavel cho biết ngay sau khi ông ra tay giúp đỡ, một người đàn ông khác cũng làm theo. Cả hai tóm lấy người đàn ông bào động và giữ ông ta cho đến khi cảnh sát đến. Ông nói, “Tôi rất vui vì tôi đã làm được, và tôi sẽ làm như vậy nữa.”
Langdon nói, đối với nhiều người, việc đó có thể nói dễ hơn làm. Nhưng nếu không có những người sẵn sàng giúp đỡ, xã hội sẽ sụp đổ. Ông nói,
“Đối lập với một anh hùng không phải là một nhân vật phản diện. Đó là một người ngoài cuộc.”
Matt Langdon
© 2021 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: How the Pandemic Era May Have Deterred Witnesses From Trying to Stop a Rape | Melissa Chan | Time | October 20, 2021.