Mai Thảo (1927-1998)
Mai Thảo (8-6-1927- 10-01-1998)
Nguyễn Văn Lục
Tôi tự hỏi mình, Mai Thảo cuối cùng chỉ là một nhà thơ xuất chúng. Hay trong văn của ông đã có thơ và trong thơ là cả trời đất.
Nhà văn Mai Thảo — Một thời vang bóng
Ngày 1-10-1998, nhà văn Mai Thảo đã vĩnh viễn ra đi về miền cực lạc.
Mai Thảo tên là Nguyễn Đăng Quý, sinh tại chợ Cồn, huyện Hải Hậu, Nam Định. Cha là một điền chủ giàu có. Thuở nhỏ học trường làng, lớn lên học ở Nam Định, rồi ra Hà Nội học trường Đỗ Hữu Vị, sau là Chu Văn An.
1946, chiến tranh bùng nổ, Mai Thảo vào Thanh Hóa.
Vào năm 1948, như nhiều thanh niên khác, ông đã đi theo kháng chiến và cũng như nhiều người khác, như Phạm Duy, ông đã giã từ kháng chiến, “dinh tê” về thành phố, rồi 1954 vào Nam.
Những kỷ niệm quá khứ với Hà Nội, thời đi kháng chiến, thời từ Nam Định lên Hà Nội học, đã để lại nhiều dấu ấn và sau này đã làm nên sự nghiệp khởi đầu với tác phẩm “Đêm giã từ Hà Nội”.
Vì thế, xin được gọi chung đó là Một Thời Vang Bóng. Thời Vang Bóng ấy đã đeo đuổi ông từ 1960 đến sau 1975, rồi vượt biên năm 1977 đến Pulau Besa, Mã Lai, và điểm dừng chân cuối đời tại Mỹ.
Kỳ tích cuộc vượt biên sau này đã được ông kể lại cho Jane Katz trong cuộc phỏng vấn khi ông đến Mỹ được hai năm. Ông bị Hà Nội liệt vào loại “những tên biệt kích” nguy hiểm cần phải truy lùng. Nhưng may mắn là có nhiều người liều mạng chứa chấp và che dấu cho ông ở 8 căn nhà khác nhau trong vòng 2 năm trời. Cộng sản đã lục soát, nhưng không hiệu quả. Ông cho biết , hai năm đó ông sống như một con vật trong bóng tối với những ngày giống nhau buồn chán, đôi khi trong nỗi tuyệt vọng.
Ông kể lại,
“Vào cuối năm 1977, có các tổ chức tư nhân giúp người vượt biên.
Họ liên lạc với tôi và bảo tôi cứ chờ ở nơi đang ẩn náu. Nhưng hành trình ra được biển lớn, gặp sóng to gió lớn, thuyền bắt buộc phải quay về, tôi trở lại nơi ẩn náu.
Rồi có một chiếc xe máy khác, đến trong đêm tối, chuyến đào thoát thứ hai nguy hiểm hơn lần trước. Chiếc thuyền đánh cá nhỏ đưa tôi tới một chiếc chòi. Tôi phải núp ở đó suốt hai ngày trong vùng sình lầy có cây che khuất. Cuối cùng thì một chiếc ghe tới đưa tôi ra khơi và trong đêm tối, tôi được chuyển qua một chiếc tàu đánh cá lớn hơn. Bất chợt có một tín hiệu đèn và không tiếng động. Một toan tính kỹ lưỡng và cả nhiều may mắn. Tôi bước lên một con tàu sức chứa 20 người, nhưng số người lên tàu là 58.
Trên tàu gồm những người tỵ nạn chính trị, sinh viên, học sinh, người già, các gia đình với trẻ thơ. Chúng tôi trải qua 6 ngày đêm. Mọi người đói và khát, một số ngã bệnh. Khi chúng tôi tới gần Mã Lai, biển lặng trời trong và mọi người bắt đầu cất tiếng hát.
Tới Mã Lai nhưng họ không muốn tiếp nhận chúng tôi. Các giới chức tỏ ra không thân thiện. Mỗi lần chúng tôi cố cập bến, họ đẩy chúng tôi ra xa, cuối cùng một ngư phủ Mã Lai ra dấu cho chúng tôi: họ bảo cứ ủi vào bãi, nếu tàu bị vỡ hư hại thì họ phải nhận chúng tôi.
Chúng tôi đã làm như vậy và có hiệu quả. Con tàu chúng tôi bị vỡ. Chúng tôi giúp trẻ em, người già bệnh hoạn lên bờ. Viên chức Liên Hiệp Quốc tới gặp chúng tôi tặng tiền để chúng tôi mua thục phẩm.
Món hàng đầu tiên tôi mua là một bao thuốc lá. Tôi được giữ chức chủ tịch trại. Tôi tới Mỹ vì có hai em ở đó.
Có lẽ một ngày nào đó Việt Nam sẽ tự do và tôi có thể trở về. Tôi đang hạnh phúc ở đây nhưng nội tâm thì rất buồn bã. Buồn cho dân tộc tôi. Tôi không biết liệu chúng tôi có một tương lai. Xa quê hương, thật khó mà duy trì truyền thống của chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy như bị đánh mất phần hồn.”
Tóm lược “Jane Katz Phỏng Vấn Nhà Văn Mai Thảo” do Tâm Bình lược dịch, Hợp Lưu, 27 Tháng Tám 2014. Nguyên tác JANE KATZ, Artists in Exile, American Odyssey, Stein & Day Publishers, NY 1983, p.74 – p. 81
Di cư vào Nam
Nội dung tác phẩm Đêm giã từ Hà Nội nói lên tâm trạng dứt khoát của ông gửi những người còn lại bên kia vĩ tuyến 17 còn luyến tiếc say mê những ảo ảnh của một thời.
Hành lý mang theo trong Đêm Giã Từ Hà Nội vào miền Nam là cả một dĩ vãng và những hoài niệm mang về nơi được coi là miền đất hứa. Và một cách gián tiếp, ông cũng nói lên những tâm trạng riêng tư mà lòng vẫn vấn vương những kỷ niệm của Hà Nội băm sáu phố phố phường thuở nào.
Đó cũng là lẽ bình thường vì ai cũng có một quê hương để nhớ, để hoài niệm mà với ông là Hà Nội. Hà Nội với những ngõ hẻm chật hẹp lúc nhúc những người sống chen chúc hay năm cửa ô dẫn vào thành phố, hoặc những căn gác chật hẹp, hoặc những vỉa hè bẩn thỉu với cống rãnh hai bên vệ đường.
Hà Nội với những người bán hàng rong, gánh những rau quả, hoa tươi từ Ngọc Hà đem vào thành phố, gọi chung là những hàng quà với những lời rao reo vui buổi sáng. Họ bán đủ thứ, từ gói xôi, chè, kẹo bánh với tên gọi tùy theo xuất xứ của món ăn. Phải chăng ngày nay nó đang mất đần và chỉ còn là một thời vang bóng. Nó mất đi tất cả những nét mộc mạc, thân thương của một Hà Nội với tiếng kèn xe điện chỉ hai toa gỗ chạy chậm như rùa bò. Phở. Người bán phở rong chỉ cần gánh hai quầy trong đó có thùng nước lèo một bên, bên kia có tủ kính bày biện các miếng thịt đã thái sẵn. Tôi còn nhớ buổi sáng tinh mơ, sương mù còn lãng đảng, mùi nước phở bò quyện vào mũi. Giá thời đó là 5 đồng một tô. Nhưng bấy nhiêu thứ đó đã làm nên Hà Nội một thời như Thạch Lam đã viết lại trong: Hà Nội băm sáu phố phường.
Mai Thảo trước hết là một người sinh sống ở Hà Nội, mặc dầu sinh ở Nam Định; ông lên Hà Nội học trung học; năm 1948, 21 tuổi, ông cũng như những thanh niên thời ấy, đi theo tiếng gọi non sông, rồi thất vọng, hồi cư rồi quyết định vào Nam như một sự dứt khoát lên đường, đi tìm tự do như một người lữ hành không đơn độc.
Và sau này cái thời vang bóng ấy còn lãng đãng trong các tập truyện như trong Căn Nhà Vùng Nước Mặn hay cuốn Chuyến Tàu Trên Sông Hồng. Ở đấy, nó vẫn gợi nhớ đến một thời vang bóng.
Mai Thảo với nguyệt san Sáng Tạo và những nghi vấn chung quanh việc tài trợ của USIS.
Nhiều người coi Mai Thảo như ngọn cờ đứng đầu trong sinh hoạt văn học ở miền Nam. Tạp chí Sáng Tạo mở đường cho một thời kỳ đổi mới văn học trong một hoàn cảnh chính trị của một đất nước qua phân với sự lấn sâu sự có mặt của người Mỹ. Nhận xét ấy không sai. Nó ghi lại một thời điểm như dấu vàng son của một con người và của cả một thời kỳ đáng được trân trọng.
Nhưng, theo Nguyễn Văn Trung, trong một bài viết nhan đề: Văn học trong vòng tay chính trị. (Văn Học số 179, năm 2001) đã nêu bật một vài góc kín về sự hình thành tạp chí Sáng Tạo và sự tài trợ của Phòng thông tin USIS của Hoa Kỳ, tóm lược như sau.
“Mặc dầu nhan đề bài viết với dụng tâm coi văn học miền Nam đã bị chính trị hóa, nói trắng ra bị Mỹ chi phối và giật giây. Phần tôi không đơn giản nghĩ như vậy.
Tôi viết lại phần thông tin này vì một lẽ là không thấy giới truyền thông hải ngoại nhắc nhở xa gần đến điều này.
Do mặc cảm chăng. Do nghĩ rằng nhận sự tài trợ của Mỹ là một điều nên che đậy chăng. Đến độ ngay những người trong nhóm Sáng Tạo như Doãn Quốc Sỹ, Trần Thanh Hiệp cũng không nhắc tới.
Riêng người em ruột Mai Thảo Nguyễn Đăng Khánh khẳng định Mai Thảo không nhận tiền của Phòng Thông Tin Hoa Kỳ. Tiền chi phí cho tạp chí Sáng Tạo là do người anh của Mai Thảo là luật sư Nguyễn Đăng Thiện tài trợ.
Tôi xin được ghi rõ thêm về việc USIS tài trợ như thế nào.
Việc cho phép tờ Sáng Tạo được phát hành là do Bộ trưởng thông tin Trần Chánh Thành, thời Đệ I Cộng Hòa ký theo đơn xin của ông Robert P. Speer, giám đốc thông tin Hoa Kỳ đứng đơn. Những người Mỹ thuộc USIS này đều thông thạo tiếng Pháp để có thể giao thiệp với trí thức Việt Nam. Mục đích của ông Robert P. Speer là muốn coi Sài gòn là thủ đô văn hóa của giới văn nghệ và trí thức Việt Nam.
Điều chính yếu là phải do chính người Việt Nam đảm nhiệm mà người Mỹ không can thiệp trực tiếp vào.
Trong văn thư còn nói rõ, “mục tiêu của tờ báo là để dành cho giới công chức, trí thức của Việt Nam gồm các sáng tác, truyện ngắn, phóng sự, không có tính cách chính trị, nhằm mục đích đề cao Sài Gòn là thủ đô văn hóa và trí thức của Việt Nam, vạch rõ tại Việt Nam tự do các học giả, trí thức, văn sĩ đứng đắn được hoạt động tự do trong phạm vi văn nghệ.”
Sự ủy nhiệm ấy đã chính thức được nhìn nhận một cách hợp pháp và thầm lặng.
Trong số Sáng Tạo ra mắt có bài “Sài Gòn, thủ đô Văn Hóa Việt Nam”. Mai Thảo viết: “Sài gòn thay thế cho Hà Nội, từ một đô thị miền Nam trở thành thủ đô tinh thần của toàn thể đất nước. Sài Gòn sáng tạo và suy tưởng.””
Nguyễn Văn Trung, Văn học trong vòng tay chính trị. (Văn Học số 179, năm 2001)
Cũng cần nói thêm, không phải chỉ mình Mai Thảo và tờ Sáng Tạo được Mỹ tài trợ. Các tờ khác như Hiện Đại (Nguyên Sa, chủ bút), Thế Kỷ 20 (Nguyễn Khắc Hoạch, chủ bút) được tài trợ trục tiếp hoặc gián tiếp qua trung gian Trần Kim Tuyến. Nguyệt san Sáng Tạo ra được 31 số, từ tháng 10-1956 đến tháng 9-1959; Tạm đình bản khi hết tiền tài trợ. Tháng 7, 1960 tái bản lại kéo dài được 7 số thì ngưng hẳn.
Việc tài trợ ấy hầu như công khai ai cũng biết, nhưng khi viết người ta lại che dấu. Thực tế, không có sự tài trợ thì không cách gì tồn tại được. Trước sau gì báo cũng phải đóng cửa vì không có tiền trang trải mọi chi phí. Sau này, Nguyên Sa Trần Bich Lan đã nói huỵch tẹt ra, tờ Hiện Đại là thứ báo nhà nước tài trợ.
Thực tế mà nói, nếu không có sự trợ giúp ấy, liệu tờ báo nào có thể hoạt động lâu được. Cũng cần nói thêm cho rõ, Sau 1954, nền báo chí của miền Nam còn sơ sài và nghèo nàn lắm. Các tờ nhật báo như tờ Tự Do (Phạm Việt Tuyền, chủ bút), tờ Chính Luận của Đặng Văn Sung cũng gián tiếp được tài trợ.
Nói chi đến các nguyệt san như Văn Hóa Á Châu do cụ Nguyễn Đăng chủ nhiệm, hay tờ Quê Hương- bề dày mỗi số như một cuốn sách- do giáo sư Nguyễn Cao Hách và các giáo sư trường Luật chủ trương cũng được tài trợ.
Trường hợp báo Bách Khoa do Huỳnh Văn Lang chủ trương, nhờ có sự quen biết được các ngân hàng và các công ty kỹ nghệ làm ăn ở Việt Nam tài trợ nên đã hoạt động lâu dài nhất trong tất cả các báo chí ở miền Nam, cho đến 1975.
Sau 1975, phải nhìn nhận rằng văn học miền Nam phong phú, đa dạng, phóng khoáng, tự do và nhân bản đến làm ngạc nhiên giới văn nghệ miền Bắc, chính là nhờ việc tài trợ gián tiếp và kín đáo của Hoa Kỳ và không bao giờ có sự kiểm soát hoặc can thiệp vào nội bộ một cách trực tiếp cả.
Xin nói lại một lần cho xong.
Trước khi ra tờ Sáng Tạo, Mai Thảo đã từng cộng tác với tờ Lửa Việt rồi tờ Người Việt của nhóm luật sư Trần Thanh Hiệp và Nguyễn Sỹ Tế. Nhưng chỉ ra được vài số rồi cũng đình bản.
Về bản thân Mai Thảo.
Nhờ có tài trợ, ngoài chuyện thuê tòa soạn, chi phí văn phòng và ấn loạt, ông còn có tiền túi dư thừa rộng rãi, rủng rỉnh để giải trí nào đi phòng trà, tiệm nhảy, bao gái nhảy, trong đó có vũ nữ Cẩm Nhung.
Nguyên Sa Trần Bích Lan thì khác; ông là một người tuyềnh toàng với cách ăn mặc áo bốn túi, đội mũ phở, đi đôi dép lẹt quẹt như một nghệ sĩ hơn một nhà giáo. Nguyên Sa xuề xòa với mọi người, nhưng lại nghiêm khắc với chính mình. Ông kể lại thường lái xe con cóc chở Mai Thảo đến chỗ này chỗ kia, như đến nhà vũ nữ Cẩm Nhung để đón cô này đi nhảy ở phòng trà Văn Cảnh hoặc vũ trường Kim Sơn trên đường Tự Do.
Mai Thảo và Nguyên Sa khác nhau về nhiều mặt, mặt đời sống cũng như mặt văn học, chính trị.
Mai Thảo độc thân, ăn chơi đã đành, không nói làm gì. Ông là hiện thân của phòng trà, của vũ trường, của rượu. Chúng như những người bạn đường của ông. Chất nghệ sĩ, chất lãng mạn, chất phóng túng và sau này cộng thêm sự cô đơn, sự đơn độc và những nỗi u hoài thăm thẳm về một thời vang bóng cuốn hút ông.
Nguyên Sa nể bạn mà đi, nhưng không sa đà vào các chuyện ăn nhậu, gái gú. Ông rất mực vẫn là một là một nhà giáo mực thước. Chẳng hạn đến giờ ăn bao giờ ông cũng về nhà cơm tối bên vợ con.
Sau này, vũ nữ Cẩm Nhung bị bà vợ trung tá công binh Trần Ngọc Thức ghen tuông, thuê người tạt át xít vào mặt, thành người phế tật phải đi ăn xin. Nguyên Sa lại chở Mai Thảo đến kín đáo giúp đỡ. Mai Thảo bỏ một sấp tiền cho người phụ nữ xấu số vào nón và Cẩm Nhung vẫn cảm nhận ra người cho tiền là ai. Những tình cảm như thế thật đáng quý lắm
Những đóng góp tích cực của Sáng Tạo và Mai Thảo trong sinh hoạt văn học miền Nam.
Công bằng mà nói, nguyệt san Sáng Tạo đã giúp sinh hoạt báo chí miền Nam khởi sắc, canh tân, đa dạng và đổi mới như một sự vươn lên, trổi bật tỏa sáng. Nhiều người đã tin tưởng và có cảm nghĩ như thế, nhất là nơi giới trẻ thành thị. Người ta cứ giả dụ rằng không có Mai Thảo, liệu có được thế không. Nó có hình thù hay méo mó không. Nó có là điểm sáng chói như ngọn hải đăng dẫn đường trong đêm tối chăng.
Nhưng mặt khác, thực chất nó là sự đóng góp và công sức của nhiều người. Nó không chỉ thu gọn vào con số 7 người, Mai Thảo, Trần Thanh Hiệp, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Duy Thanh, Thái Tuấn. Nó còn có sự có mặt ngay từ đầu của Nguyên Sa Trần Bích Lan, Phan Mai, Hoàng Thái Linh (bút hiệu của Nguyễn văn Trung). Ngoài ra còn có thi sĩ Quách Thoại, mệnh yểu lúc mới 27 tuổi. Thi sĩ Cung Trầm Tưởng, Sao Trên Rừng (Nguyễn Đức Sơn), Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Thạch Chương (nhạc sĩ Cung Tiến), Viên Linh, Mặc Đỗ, Thảo Trường, Dương Nghiễm Mậu.
Trong ngững đóng góp ấy, có tinh thần muốn đổi mới, muốn cách tân, muốn vươn lên, muốn vượt trội. Tôi thật ngạc nhiên sau này biết Thạch Chương lại là nhạc sĩ Cung Tiến.
Về văn, Mai Thảo đã có những phong cách mới trong cách viết văn, từ cách xử dụng từ ngữ mới, cách chấm câu đứt đoạn, phá cách văn phạm, đặt ngược chủ từ với túc từ.
Cách viết ấy bàng bạc trong các tác phẩm của ông mà đọc lần đầu thấy lạ, thấy ngạc nhiên, thấy khác thường. Sự quyến rũ là có thật. Xin trích một đoạn trong tác phẩm “Tháng Giêng Cỏ Non”.
“Thời gian nghiêng đi (.…) Vậy mà xuân đã về rồi. Mùa xuân của những ngả đường cỏ non, của những ngày khởi đầu nhung lụa, của những khói hương thơm ngát trong đêm giao thừa, của buổi gặp lại, của ngày trở về. Mùa xuân tự do nhất ở đây vẫn chứa đựng cái hình hài muôn đời đôn hậu của Đoàn Viên.”
Mai Thảo, Tháng Giêng Cỏ Non”
Góc độ trong Tháng Giêng Cỏ Non, một trong những tác phẩm đầu đời còn mượt mà thẩm mỹ, đẹp như một bức tranh chấm phá, khơi mở một thế giới nghệ thuật ngoài biên độ. Nó mở ra một chân trời tình tự con người. Nó mời gọi và hấp dẫn như uống phải một ly chanh đường.
Ở một trích đoạn khác của một thứ ngôn ngữ khác người: “Mái nhà ngó xuống, cửa sổ nhìn ra, nước trong bể nhìn lên, quê hương vây lấy tôi.”
Nhưng thảng hoặc những khác thường đến lập dị, lập đi lập lại, trong nhiều tác phẩm khác, liệu nó được bao lâu. Nghệ thuật thường đố kỵ với cái lặp lại, cái dư thừa như một nhàm chán.
Và đây là bằng chứng nổi cộm của chủ nghĩa hình thức, trống rỗng nội dung.
Hãy khoan nói đến nội dung, như Trần Doãn Nho nhận xét gợi ý
“thế gới của Mai Thảo là thế giới của chữ. Dường như đọc ông, ta bị rơi vào trong một vòng chữ. Chữ đưa lui, đẩy tới, chạy lòng vòng… (…) Khi thì đột ngột dừng lại. Như bị thắng gấp.
Với chữ, văn Mai Thảo tạo ra hiện thực. Hiện thực chỉ riêng của ông. Tôi đọc ông. Và cảm thấy mình mới hẳn ra. Cũng từ chữ.”
Trần Doãn Nho, “Tản mạn về văn Mai Thảo”, Hợp Lưu, số 100, tháng 5-6- 2008.
Tâm tình ấy cũng hiểu được và chia xẻ trong bối cảnh Văn Học lúc bấy giờ. Chê đấy mà cũng là một lời gợi ý khen ngầm.
Những mặt tỏ ra tiêu cực và yếu kém
Cá nhân Mai Thảo
Một trong những yếu kém của nhóm Sáng Tạo là chính phong cách viết của Mai Thảo. Thật ra cũng khó mà phê phán rốt ráo trong một vài dòng. Làm như thế tỏ ra bất công với trên 50 năm cầm bút, với 42 tác phẩm, từ trong Nam ra đến hải ngoại, nhất là giai đoạn điều khiển tạp chí Văn.
Nhiều người chỉ nghĩ rằng Mai Thảo là Sáng Tạo và không là gì khác. Nhưng tạp chí Văn cũng là người bạn đồng hành từ trong nước ra đến hải trong nhiều năm tháng ông miệt mài và nơi giao lưu với bạn văn và người đọc trong những điều kiện tài chánh thu hẹp, bạn đọc lơi dần.
Người viết xin giới thiệu với người đọc bài viết phê bình của Bùi Vĩnh Phúc, “Văn Chương Mai Thảo, biên địa của cảm xúc và cái đẹp, giao thoa với ý thức hệ về đời sống”.
Bài viết này, tôi chỉ đồng ý một nửa với tác giả về sự phân biệt có hai dòng dư luận.
Một dòng dư luận cho rằng: “Văn chương Mai Thảo cầu kỳ làm dáng, hàm ý văn chương ấy không tự nhiên vì nó không có giá trị nội tại, vì nó được ‘may mặc’ và ‘tô vẽ’ nhiều quá (…)” Và đi xa hơn nữa “buộc tội Mai Thảo như người bất tham dự, chỉ đứng vòng ngoài và quay mặt với thân phận chung của dân tộc.”
Một dòng văn học cho rằng: “Đây mới đúng là văn chương làm thăng hoa đời sống, hay rõ hơn từ ‘’ thăng hoa » đời sống được hiểu theo nghĩa hẹp, là làm cho đời sống với những góc cạnh bình thường của nó trở nên đẹp, lấp lánh và lãng mạn hơn, và như thế, giúp cho người ta quên đi những nỗi đau đớn, quên đi những thực tại cay đắng của xã hội.”
Tôi hoàn toàn đồng ý với dòng văn học phê phán. Và tôi nhớ rằng đã có lần tôi viết,
“Mai Thảo cầm bút những năm 1956 đã là một lẽ. Những năm 60 vẫn là một Mai Thảo và nhất là thập niên 1970-1975 với những biến động xã hội chính trị một mất một còn với cộng sản vẫn là một Mai Thảo sống trong tháp ngà.”
Mai Thảo trước sau cũng vẫn là một Mai Thảo.
Tác giả Bùi Vĩnh Phúc còn sa đà vào việc xưng tụng tùy bút của Mai Thảo so sánh với tùy bút của Nguyễn Tuân và Thạch Lam. Thật ra mỗi nhà văn có bút pháp riêng, độc đáo, không ai giống ai. Nhất là trường hợp Nguyễn Tuân mà từng chữ, từng câu trở thành sự chọn lựa không thay thế được khi ông đã giáng bút. Ông Bùi Vĩnh Phúc so với Nguyễn Tuân và Thạch Lam và còn quả quyết rằng, tùy bút của Mai Thảo có phần còn vượt trội. Bùi Vĩnh Phúc viết:
“Về tính chất duy cảm, Mai Thảo vượt xa Nguyễn Tuân (..) Tôi chỉ muốn nói về khía cạnh cảm xúc, văn chương Mai Thảo cảm xúc tràn đầy, mà ở Nguyễn Tuân và Thạch Lam chỉ dâng tới một độ nào đó thôi.”
Bùi Vĩnh Phúc
Tôi cho rằng đó là một sự so sánh khập khiễng và vụng về.
Trong giai đoạn từ 1955 đến 1975 biết bao nhiến đổi chính trị, xã hội với cường độ chiến tranh càng ngày càng ác liệt.. Tôi cảm thấy buồn vì Mai Thảo như thể “Đứng ngoài cuộc chiến”. Ký ức những ngày kháng chiến hay những ngày rời xa Hà Nội trong Đêm giã từ Hà Nội như nhòe nhoẹt đi, có mặt mà như không có mặt, mặc cho thế sự xoay vần. Ta vẫn ăn, vẫn ngủ, vẫn làm tình mà như thế mãi trong một vũng lầy nhầy không lối thoát. Hình như từ đây, có một khoảng cách chính trị mà ông tự dựng lên cho mình trong sự bất lực của chính ông trước thời cuộc.
Phần ông, một thế giới phiền muộn với nỗi chán chường, nhức buốt và mệt mỏi, bất lực của một tâm trạng bất cần hay một thứ hiện sinh của một thứ hư vô chủ nghĩa.
Hiện sinh của Mai Thảo chút nào ảnh hưởng J.P. Sartre, A. Camus. Hiện sinh xuất hiện con người như một cái rễ cây xù xì, thô kệch như một vật thừa. Đời chẳng có gì đáng nói với những nỗi phiền đa, lang thang và vô định không lối về. Mà về đâu. Hướng nào.
Sự phủ nhận Văn Nghệ tiền chiến
Tuy nhiên, theo tôi, cho rằng việc phủ nhận tiền chiến là lỗi phạm ngông cuồng và mang tính triệt để hầu như muốn xóa bỏ, triệt tiêu chỗ ngồi của các nhà văn tiền chiến, trong đó đặc biệt có nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Đồng ý văn chương là phủ nhận, đồng ý là phải vượt qua.
Nhưng phủ nhận như một phủ nhận với ý hướng triệt tiêu thì lại như đi vào một ngõ cụt hay một thứ con đường một chiều. Phủ nhận luôn đan xen cái cũ và cái mới như thế cài răng lược, ảnh hưởng qua loại, giao thoa. Phủ nhận triệt để như thế vị tất đã được nhìn nhận như một cái mới cần có để thay cái cũ. Bởi vì cách phủ nhận trở nên cần thiết và thích đáng nhất là làm thế nào đưa ra được cái mới thật sự của văn nghệ hôm nay khác với văn nghệ đã qua.
Điều ấy Mai Thảo mới chỉ đưa ra một Tuyên Ngôn lý thuyết hơn là một thực tại có thật. Và cũng không một ai dứt khoát làm được việc phủ nhận ấy.
Thực tế Tự Lực Văn Đoàn với Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng đã có chỗ đứng vững chãi trong chương trình giáo dục tú tài Phần một. Mà không có sự dự phần của Mai Thảo.
Sau này như ông thú nhận trong cuộc phỏng vấn của Jane Katz ngày 10-07-1980 là không một cuốn sách nào của ông được dịch ra tiếng ngoại quốc, mặc dầu không thể đánh giá trị một tác phẩm chỉ vì lý do nó được dịch ra tiếng ngước ngoài.
Có lẽ sự phủ nhận công bằng nhất nên dành để dành cho người đọc tự thẩm định. Hay thì người ta đọc. Dở thì bị bỏ qua, bỏ quên như luật đào thải tự nhiên.
Cái cảm nhận của riêng cá nhân tôi khi đọc chữ nghĩa của Mai Thảo là một xảo thuật ngôn ngữ, biến nó thành một trò chơi chữ nghĩa mà tự nó không chuyên chở được một nội dung đích thực nào. Trò chơi chữ nghĩa ấy riết trở thành nhàm chán mà với 42 tác phẩm của ông, liệu có cứu vãn được trò chơi đó không.
Chữ nghĩa Mai Thảo làm tôi bắt nghĩ đến ca từ trong âm nhạc họ Trịnh. Nó cùng một điệu, cùng một cách thức chấm câu, nhảy từ ý nọ sang ý kia. Phân tích rạch ròi nó thật vô nghĩa. Cùng lắm nó đánh động được cảm tính. Nó lạc lõng giữa các dòng chữ, xô đẩy nhau để trồi lên, để có mặt.
Nhưng ít ra trong âm nhạc họ Trịnh, chữ nghĩa ấy đã bị dòng nhạc khỏa lấp đi thành những âm thanh mượt mà đầy quái dị, ma thuật. Vì thế, người ta gọi Trịnh Công Sơn là ‘phù thủy âm nhạc’ cũng vì lẽ ấy. Ca từ cũng như điệu nhạc như cùng chấp cánh bay lên, hòa quyện vào nhau như một.
Một điều hầu như không một ai nhắc tới là Mai Thảo lấy rượu mạnh làm bạn, say túy lúy. Rượu phải chăng là loại thuốc an thần để quên đời hay để nhà văn mượn rượu như một sự hủy diệt cố ý.
Ở hải ngoại, ông ở tại căn nhà thuê số 209 rất nhỏ dành cho người cao niên, sau hẻm là nhà hàng Song Long. Căn nhà tuềnh toàng, nhếch nhác chỉ đủ kê có một chiếc giường đơn, một cái bàn nhỏ. Trên tường có treo vài bức ảnh trong đó có hình chụp với Vũ Hoàng Chương chụp trước 1975 trước hiên nhà. Và đặc biệt dưới gầm giường lỏng chỏng vài chai rượu mạnh. Ông đi đứng siêu đổ trong những ngày cuối đời thật đến tội nghiệp cho một đấng tài hoa đã một thời vang bóng. Phải chăng rượu đã một phần làm nên nông nỗi này.
Nguyên Sa Trần Bích Lan với Mai Thảo.
Họ là những người bạn đường tài hoa bạc mệnh, kẻ trước người sau chết chỉ cách nhau ít tháng. Mai Thảo mất ngày 10-01-1998. Nguyên Sa mất ngày 27-04-1998. Họ hẳn có dịp dắt tay nhau bên kia miền cực lạc miên viễn.
Nhưng Nguyên Sa có những nhận thức của một người trí thức dấn thân và nhập cuộc khác hẳn với Mai Thảo.
Nguyên Sa đã viết như một bản Tuyên Ngôn: Rời bỏ nền văn chương trú ẩn.
Ông cho rằng
“Trong cái hoàn cảnh vệ tinh chia cực mà chúng tôi chỉ là chầu rìa này như hoàn cảnh viện trợ, hoàn cảnh phân chia này để tìm một lối thoát.
Chúng tôi có một dân tộc và chúng tôi yêu lắm chứ. Biết cầm bút, chúng tôi biết nỗi nhục, biết mơ ước dân tộc đang ước mơ, biết hãnh diện về một nền kiêu hãnh chưa đạt tới.
Rời bỏ nền văn chương trú ẩn, khuôn thước, rời bỏ động đá vững vàng. Hãy khởi đi về trước mặt. Đi đâu. Chưa biết.
Đó là một cuộc phiêu lưu. Có thể là một khám phá. Có thể là sự gục ngã trong dại khờ còn hơn khôn ngoan. Chết ở chân trời thử thách, chết trong cuộc phiêu lưu còn hơn sống mãi trong tầm gửi trong động đá trú ẩn êm ấm.”
Tạp chí Đất nước, số 5. Tháng 6-7-1968
Bài đầu tiên như một phát súng lệnh là: Lời cầu siêu thoát cho Nguyễn Quang Đại ở Khe Sanh. Nguyên Sa.
Tiếp theo là: Cắt tóc ăn thề:
Cắt cho ta, hãy cắt cho ta
Cắt cho ta sợi dài
Cắt cho ta sợi ngắn
Cắt cái sợi ăn gian
Cắt cái sợi nói dối
Sợi ăn cắp trên đầu
Sợi vu oan dưới gáy
Sợi bè phái đâm ngang
Sợi ghen tuông đứng dọc
Sợi xích chiến xa, sợi dây thòng lọng
Sợi hưu chiến mỏng manh, sợi hận thù buộc chặt
(...)
Hãy cắt cho anh
Hãy cắt cho vợ
Hãy cắt cho chồng
Hãy cắt cho con
(…)
Hãy cắt tóc và nhìn
Một quê hương đổi mới
Nguyên Sa. Tạp chí Đất Nước. Tháng 9-10- 1968
Cái hay và quyến rũ của thơ có thể để dành một bên để nói lên được cái khát vọng chua chát, cái mất mát hao hụt tuổi trẻ, mà cái sống cái chết gần kề mà sống đôi khi chưa kịp ra lời.
Hiểu được tâm tư ấy liệu chăng mới chia xẻ được bài thơ: Giã từ đàn anh của tác giả.
Những dòng thơ tuyệt mệnh để lại cho đời như bản chúc thư của một người sắp ra đi.
Nói về con bệnh rình rập ông.
Dỗ bệnh
Mỗi lần cơ thể gây thành chuyện
Ta lại cùng cơ thể chuyện trò
Dỗ nó chớ gây thành chuyện lớn
Nó nghĩ sao rồi nó lại cho
Bệnh ở trong người thành bệnh bạn
Bệnh ở lâu dài thành bệnh thân
Gối tay lên bệnh nằm thanh thản
Thành một đôi ta rất đá vàng
Và sau đây là những câu thơ xuất thần
Không hiểu
Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi
Rốt cuộc hiểu hay không hiểu cũng vậy thôi. Có khác chi đâu.
Và cuối cùng là bài thơ
Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền (1989)
Ta thấy tên ta những bảng đường Đời ta sử chép cả ngàn chương Sao không, hạt cát sông Hằng ấy Còn chứa trong lòng cả đại dương Ta thấy hình ta những miếu đền Tượng thờ nghìn bệ những công viên Sao không, khói với hương sùng kính Đều ngát thơm từ huyệt lãng quên | Ta thấy muôn sao đứng kín trời Chờ ta, Bắc Đẩu trở về ngôi Sao không, một điểm lân tinh vẫn Cháy được lên từ đáy thẳm khơi Ta thấy đường ta Chúa hiện hình Vườn ta Phật ngủ, ngõ thần linh Sao không, tâm thức riêng bờ cõi Dịa ngục ngươi là, kẻ khác ơi (…) |
Bài thơ còn dài với nhiều soi rọi vào cõi người, cõi bên kia. Tâm thức siêu hình của thế giới cực tiểu và cực lớn mênh mang biển đời.
Tôi tự hỏi mình, Mai Thảo cuối cùng chỉ là một nhà thơ xuất chúng. Hay trong văn của ông đã có thơ và trong thơ là cả trời đất.
© 2023 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài của tác giả. DCVOnlien biên tập và trình bầy.