Tưởng nhớ nhà thơ và tiểu thuyết gia James Dickey nhân dịp ông tròn trăm tuổi
Christopher Buckley | Trà Mi
Nếu bạn hỏi 10 người Mỹ, “James Dickey là ai?”, tôi đoán rằng một nửa sẽ nhún vai, bốn người sẽ nói ông ta là tác giả của cuốn tiểu thuyết và bộ phim Deliverance, và người thứ mười có thể đánh liều nói, “Có phải ông ấy đã đọc một bài thơ tại lễ nhậm chức của Jimmy Carter?” hoặc “Không phải ông ấy đã đoạt giải nhà thơ của chúng ta vào những năm 1960 sao?”
Thiết nghĩ, ước tính lý thuyết của tôi, sẽ làm nản lòng James Dickey, sinh ra cách đây 100 năm tính đến ngày 2 tháng 2 này, vì trên hết ông muốn được nhớ đến như một nhà thơ. Ông là nạn nhân của sự thành công (và thái quá) của chính mình, đã thực hiện một tiểu xảo gọn gàng để làm lu mờ danh tiếng của người được cho là nhà thơ còn sống vĩ đại nhất của nước Mỹ với một cuốn tiểu thuyết về bốn người bạn trên một chuyến đi ca nô trở thanh chuyện rất, rất quái lạ. (“Kêu như một con heo!”)
Để tưởng nhớ ngày ông tròn trăm tuổi, tôi đã đặt hoa trên mộ ông trong một nghĩa trang trầm lặng, nhiều tiếng chim ca cách nơi tôi sống ba dặm ở ven biển Nam Carolina. Bia mộ viết ngắn gọn: NHÀ THƠ, CHA CỦA BRONWEN, KEVIN VÀ CHRISTOPHER, và khắc câu,
I move at the heart of the worldi
Đứng đó và nhớ lại lần đầu tiên gặp ông ấy khiến tôi nghĩ đến một câu đối trong tác phẩm “Elegy Written in a Country Churchyard” của Thomas Gray:
Có lẽ ở nơi bị bỏ quên này là một
Thomas Gray
Trái tim từng thai nghén lửa trời
Cơ hội của lần gặp gỡ đó là chuyến bay của Apollo 7 vào năm 1968 tại Cape Kennedy, Florida. Tạp chí Life đã ủy thác cho nhà thơ của Thư viện Quốc hội—thực tế là nhà thơ của nước Mỹ trước khi chúng ta chính thức có một ngườ như vậy—làm một bài thơ để kỷ niệm dịp này.
Tôi 16 tuổi. Cha tôi đã đưa tôi đi. Đó là một sự kiện làm rung chuyển trái đất. Theo đúng nghĩa đen. Khi mặt đất rung chuyển dưới chân, tôi thấy một con armadillo, một sinh vật đã hiện hữu khoảng 35 triệu năm và chắc chắn đang nghĩ, Lại nữa? rồi lạch bạch đi ra khỏi đầm lầy đi tìm những khu vực ít vẻ khải huyền hơn.
Nhận ra cha tôi trong số những người quan trọng, Dickey tiến lại gần, dang tay ra, nhiern miệng cười. Cha tôi thì thầm với tôi, “James Dickey. Nhà thơ lớn.”
Tôi chưa bao giờ gặp một nhà thơ nào trước đây, càng không phải là một nhà thơ tầm cỡ. Ông ấy cũng là một người to lớn về thể chất, cao 1 mét 9, với thân hình của một cựu lực sĩ. Biết được sự lo lắng của tôi, ông Dickey cúi xuống bắt tay tôi, nụ cười của ông ấy bây giờ là một nụ cười rạng rỡ, và nói với giọng dân Georgia hồ hởi nồng nàn rượu bourbon — bây giờ là 9 giờ sáng; Tôi rất ấn tượng — “À, tôi cũng có một Christopher.”
Ông đã bắt hồn tôi ở câu chào. Tôi muốn biết tất cả về James Dickey.
Theo thời gian, tôi biết rằng ông ấy từng là một lực sĩ điền kinh ở đại học; một phi công chiến đấu được huân chương trong Thế chiến II và chiến tranh Triều Tiên; một tay săn bắn cung và chơi guitar sành sõi; và một người yêu và uống rượu theo phong cách nhà thờ lớn Hy lạp. Ông là tất cả. Sự rung cảm không thể nhầm lẫn: Đây là Byron của Mỹ.
Bài thơ về Apollo 7 của ông ấy là một mở màn cho những gì sắp tới đối với tôi:
Họ phóng tất cả chúng tôi lên từ
James Dickey
rãnh lửa, bay lên khỏi cuống Rốn của Bệ Phóng,
lên trên những con nai sừng tấm và bướm, trên đồng cỏ và sông và núi và những chiếc giường
của những người vợ vào hang vũ trụ, vào
vực thẳm toán học, để tìm thấy chúng tôi—và trở về,
để cho chúng tôi biết chúng tôi sẽ là gì.
Như bất kỳ người miền nam nào cũng có thể nói, “Nếu đó không phải là thơ, quý vị có thể hôn mông tôi.”
Jim Dickey là một Nhà Thơ viết hoa, không phải là một người dừng ở ven rừng vào một buổi tối đầy tuyết, lang thang cô đơn như một đám mây, hoặc so sánh bạn với một ngày hè.
“The Shark’s Parlour” mở đầu bằng cảnh hai người bạn đang gắn một con chó chết làm mồi trên móc câu và ném nó ra khỏi sân nhà bên bờ biển của một người dì. Bài thơ kết thúc với cảnh con cá mập đầu búa mà họ bắt được, biến phòng khách của Dì thành lò mổ, đập nó thành mảnh vụn và phun đầy máu lên những vật kỷ niệm của gia đình.
Cái đầu quái lạ của nó đầy những mảnh thủy tinh thạch và đèn ống chân không đập mạnh
James Dickey
Giữa những trang tạp chí dành cho người hâm mộ, tất cả những minh tinh màn ảnh đều đẫm máu
“Falling” dựa trên câu chuyện thời sự về một nữ tiếp viên hàng không bị hút ra khỏi cửa máy bay ở cao độ 1.500 bộ, quần áo và cả bít tất dài bay mất khi lao xuống chỗ chết. “The Firebombing” nói về việc thả bom xăng xuống dân thường, không hẳn là một vùng thoải mái nên thơ trong những năm 1960; câu chuyện hỏa thiêu được mô tả trong bài thơ đã diễn ra hai mươi năm trước đó, trong Thế chiến thứ hai, khi những quả bom nặng 1.000 cân do chiến đấu cơ bay đêm P-61 của Dickey thả xuống.
Hạ súng
James Dickey
Những động cơ, tám cánh quạt thở dài
Trong khoảnh khắc khi những mái nhà sẽ kết nối với
Ngọn lửa, và làm cho một thị trấn bốc cháy bằng
lửa của Mỹ
“The Eye-Beaters,” được công nhận là một trong những bài thơ hay nhất của ông, lấy cảm hứng từ chuyến thăm một ngôi nhà dành cho trẻ mù. Một số người trong số họ sẽ đấm vào nhãn cầu để tạo ra cảm giác thấy màu sắc.
Tôi đã viết bài luận năm cuối trung học về Dickey. Với sự nài nỉ khiến tôi vẫn phải nhăn mặt cho đến tận bây giờ, nửa thế kỷ sau, tôi đã gửi cho ông ấy một danh sách những câu hỏi phỏng vấn. Ông ấy có nhiều việc cấp bách hơn phải giải quyết, chẳng hạn như xem qua các phòng trưng bày của cuốn tiểu thuyết ông sắp xuất bản, Deliverance, hơn là một yêu cầu tẻ nhạt của một cậu học trò trung học với thầm mê mẩn về nhà thơ. (Câu hỏi cuối cùng, thưa ông Dickey: Ông đã bao giờ dùng chất gây ảo giác chưa?) Nhưng 10 ngày sau, trong hộp thư của tôi có một phong bì dày từ Columbia, Nam Carolina, với ba trang đánh máy cách dòng. (Trả lờii câu hỏi của tôi: Có, một lần. Peyote.)
Lòng tốt của ông đối với sinh viên của mình tại Đại học Nam Carolina đã trở thành huyền thoại. James Dickey có nhiều người ủng hộ hơn Pied Piper. Trong số đó có tiểu thuyết gia Pat Conroy. Tôi càng đỏ mặt hơn khi tiết lộ rằng, một thập kỷ sau những câu hỏi của tôi, tài nài nỉ của tôi vẫn không suy giảm, tôi đã gửi cho Dickey một loạt cuốn sách đầu tiên của mình, hỏi liệu ông ấy có thể, ừm, viết một đôi lời giới thiệu hay không.
Bấy giờ ông ấy là James Dickey, tác giả của cuốn tiểu thuyết Deliverance, đăng nhiều kỳ trên tờ The Atlantic, tờ báo này cũng đăng nhiều bài thơ của ông ấy; kịch bản của cuốn phim dựa trên tiểu thuyết; và nam diễn viên đã đóng vai cảnh sát trưởng trong một thời gian ngắn nhưng không thể xóa nhòa, người nghi ngờ rằng những người chèo ca nô vùng ngoại ô này không thành thật với ông về những gì đã xảy ra trên sông. Như cha tôi đã nói, James Dickey bây giờ là một tác giả rất, rất lớn. Nhưng tính hào phóng của ông ấy không hề giảm, và tất nhiên là 150 chữ ngợi khen của ông đã đến mà tôi có thể nhưng sẽ không viết ra ở đây. Ông ấy thật là một tâm hồn hào phóng!
© 2023 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: AMERICA’S BYRON — Remembering the poet and novelist James Dickey on his centennial | Christopher Buckley · The Atlantic · FEBRUARY 1, 2023