Về “Ho Chi Minh, the missing years” (Kết)
Minh Võ
Trên thực tế, những việc làm khởi từ đó đã chứng tỏ Hồ Chí Minh mới là người theo chủ nghĩa Lenin thuần thành hơn hẳn các đồng chí như Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ …
Sophie Quinn-Judge và Ho Chi Minh, the missing years
Hơn 40 trang chương 5 dành bàn về cao trào cách mạng trong 2 năm 1930 và 1931. Đoạn đầu nói tới sự trở về của các cựu học viên trường Stalin trong đó tác giả nhấn mạnh vai trò của Trần Phú để chứng minh Hồ Chí Minh không phải đại diện duy nhất của Quốc Tế Cộng Sản trong việc thống nhất đảng Cộng Sản Đông Dương. Cuối cùng tường thuật những việc làm của Hồ để thực hiện việc thống nhất này, tác giả viết:
“Hai ngày sau khi tới Hồng Kông, Hồ viết cho các lãnh tụ phe phái trong Đông Dương Cộng Sản Đảng để giải thích về sứ mạng mà Quốc Tế Cộng Sản đã trao cho mình nhằm thành lập một đảng cộng sản tại Việt Nam….Ông ta yêu cầu phe Đông Dương Cộng Sản gửi hai đại diện sang gặp ông ta ở Hồng Kông. Hồ cũng viết cho Viễn Đông Vụ (FEB) để loan báo sự có mặt của mình tại Hồng Kong và đệ trình những đề nghị. Theo Dương Hắc Định thì Hồ đã xin một khoản lương hàng tháng là 240-300 tiền Trung Hoa, trả qua ủy ban Quốc Dân Đảng của đảng Cộng Sản Trung Quốc.” (15)
Về cuộc bột phát cách mạng tại Trung Quốc và vùng Nam Hải, tác giả viết:
“Hồ Chí Minh lúc này xem ra đã lên tới tột điểm uy quyền trong Quốc Tế Cộng Sản dường như đã trở lại Hồng Kong để giải quyết một tình thế ngoài vòng ảnh hưởng của ông ta.” Rồi trích dẫn một tài liệu của Hồ liên quan đến việc chuẩn bị cho cuộc nổi dậy vũ trang: “Ông Hồ nói một cách rõ ràng: “Nhiệm vụ quân sự của đảng bao gồm: huấn luyện quân sự cho các đảng viên; tuyên truyền vận động quần chúng trong quân đội; tổ chức những toán bảo vệ công nhân và nông dân”. Ông ta dành hầu hết sự chú tâm của mình cho công việc tuyên truyền và khuấy động trong quân đội”. (16)
Giải thích tại sao Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến tuyên truyền trong quân đội, tác giả viết:
“Hồ nói: binh sĩ bản xứ bị bắt vào quân đội xuất thân từ những làng mạc, nên đừng đối xử với họ như “tất cả đều là chó săn” của đế quốc. Ông ta chỉ rõ: Trong một cuộc biểu tình tại Chợ Lớn, nông dân đã phạm lỗi lầm xỉ vả binh sĩ, thay vì tuyên truyền vận động họ.”
Đây là điểm đặc biệt quan trọng chứng tỏ Hồ thấu đáo sách lược Lenin trong vấn đề thuộc địa và dân tộc nhưng tác giả có vẻ ít quan tâm, nếu không muốn nói là không có ý nghĩ gì về vấn đề. Tác giả viết tiếp:
Ông Hồ nói: “Trong công tác tuyên truyền khuấy động quần chúng, đảng phải truyền bá chương trình ‘cách mạng dân chủ tư sản’ trong đám binh sĩ, và dùng tình cảm dân tộc để làm cho họ tán thành phong trào cách mạng của công nhân và nông dân và chấp nhận sự lãnh đạo của đảng”.
Mấy chữ “chấp nhận sự lãnh đạo của đảng” có nghĩa là chấp nhận quyền lãnh đạo độc tôn tuyệt đối của Cộng Sản và như thế thì cái gọi là cách mạng dân chủ tư sản (mà Hồ bảo phải truyền bá) chỉ còn là sự lừa phỉnh.
Áp chót chương 5, tác giả nói về cuộc hôn phối giữa Hồ Chí Minh và Nguyễn Thị Minh Khai với các từ seems (2 lần), assume, apparently, unknown… Nhưng theo bà, trường hợp Minh Khai là một trong hai trường hợp rõ ràng nhất vì có chứng từ hẳn hoi. Trường hợp kia là Tăng Tuyết Minh. Đoạn trích dịch dưới đây được tác giả đặt trong ngoặc đơn:
(Những nguồn tài liệu của Pháp liên quan đến Minh Khai khiến người ta có thể tin rằng cô này đã có nhiều mối tình với các đồng chí trong thập niên 1930-1940. Ví dụ, năm 1932 sở cảnh sát tin chắc cô ta là người tình của Trần Ngọc Danh, em (tổng bí thư) Trần Phú. Năm 1933 họ lại chặn bắt được một lá thư viết từ Hồng Kông, hình như (seemingly) để cự tuyệt một kẻ theo đuổi mình, trong thư đó nàng tuyên bố “tôi không còn bị ám ảnh bởi ý tưởng lấy chồng hay làm mẹ… Người chồng duy nhất của tôi là Cách Mạng Cộng Sản.” Nhưng khoảng cuối năm 1934, khi đã ở Mạc Tư Khoa, nàng viết mình đã lấy chồng là Lin, bí danh của Hồ lúc ấy. Những tiểu sử gia Việt Nam nói Minh Khai kết hôn với Lê Hồng Phong tại Mạc Tư Khoa vào năm 1935, nhưng không có tài liệu nào thời đó chứng minh.) (17)
Cuối chương 5 bàn về hội nghị trung ương tháng 03/1931 do Trần Phú điều khiển với một nghị quyết cứng rắn mang tính giai cấp rõ rệt đã dẫn đến một cuộc thanh trừng nội bộ. Những phần tử trí thức, những kẻ còn giữ xu hướng quốc gia dân tộc đều bị loại khỏi đảng. Tác giả viết:
“Bản nghị quyết ghi: Một trong những mối nguy to lớn nhất là đảng viên vẫn chưa hiểu rõ vị thế của giai cấp vô sản trong cách mạng và các nhiệm vụ của đảng…Cần phải dần dần thay thế đại diện của trí thức và những phần tử bảo thủ trong các cơ quan lãnh đạo bằng những công nhân và bần nông. Đảng nhận chỉ thị phải điều tra các nông hội và loại những phần tử không liên hệ với bần nông và công nhân thành thị. Cuộc đấu tranh giai cấp ở nông thôn cần được mở rộng và mọi ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc phải được phá hủy tận gốc rễ…” (18)
Sau đó tác giả thuật lại cuộc thanh trừng nội bộ và diễn biến của Xô Viết Nghệ Tĩnh khiến hàng ngàn “chỉ điểm viên” hay những nông dân muốn ngăn chặn phong trào bị tàn sát, để rồi sau đó Pháp có cớ mở các cuộc tảo thanh bắt giữ và xử tử hàng trăm đảng viên Cộng Sản. Từ đó kết thúc cao trào cách mạng.
Chương 6 mang tựa đề “Chết ở Hồng Kông, chôn tại Mạc Tư Khoa” bàn về hoạt động của Hồ Chí Minh từ 1931 đến 1938. Nói về thời gian bị tù tại Hồng Kông, tác giả cho biết Hồ Chí Minh đã theo chiến thuật bào chữa được Quốc Tế Cộng Sản cổ võ, khai là một người yêu nước đấu tranh cho vua và tổ quốc Việt Nam, dù trong hộ chiếu ghi là người Trung Hoa! Tháng 07/1931, tổ chức Viện Trợ Quốc Tế Đỏ (International Red Aid) xếp đặt để một luật sư đoàn tài giỏi do Frank Loseby lãnh đạo bào chữa cho Hồ. Ít hàng sau bà nói đến một cuộc vận động cánh tả trong khắp thế giới nhằm ủng hộ cho một Noulens bí nhiệm đã khiến vụ án Hồ Chí Minh được chú ý nhiều hơn. (19)
Theo tác giả, tháng 07/1934 Hồ Chí Minh mới đến Mạc Tư Khoa và tháng 10 được vào trường Lênin. Thời gian đó Đông Dương chỉ riêng Hồ Chí Minh học trường này. Kirsanova, giám đốc trường mô tả đây là lò rèn duy nhất (the only forge) rèn luyện cán bộ cho Quốc Tế Cộng Sản và được coi như viện đào tạo lãnh tụ cộng sản ngoại quốc. Nhưng Hồ Chí Minh bị đối xử như một phần tử thất sủng. Tác giả cũng cho biết Hà Huy Tập đã giới thiệu Nguyễn Thị Minh Khai là vợ của Quốc tham dự đại hội 7 Quốc Tế Cộng Sản cùng với Lê Hồng Phong và chính Khai cũng khai mình đã thành hôn với Lin, là bí danh của Hồ lúc ấy. Nhưng Hồ Chí Minh không khai chuyện này trong hồ sơ lý lịch nhập học trường Lênin.
Về đại hội 7 Quốc Tế Cộng Sản, tác giả cho biết Hồ Chí Minh đã viết bản phê bình các thất bại của Đảng Cộng Sản Đông Dương hai năm 1930-1931, và còn nhiều báo cáo khác nữa, nhưng những báo cáo này không thấy trong văn khố liên bang Nga! Trong bản phê bình, Hồ Chí Minh nhắc đến “cách mạng dân chủ tư sản” và bảo cán bộ chẳng hiểu gì về ý nghĩa mấy từ đó. Vì vậy Hồ đề nghị biên soạn một loạt sách mỏng đơn sơ dễ hiểu về bản Tuyên Ngôn Cộng Sản, lịch sử Quốc Tế Cộng Sản, vấn đề chủ nghĩa dân tộc, vấn đề ruộng đất và kết thúc bằng “cách thành lập mặt trận thống nhất” và những nghị quyết của Quốc Tế Cộng Sản về vấn đề thuộc địa. Bà viết:
“Hồ biết cách lựa đúng lúc để trưng dẫn Stalin. Ông ta viết: “Stalin nghìn lần có lý khi nói: “Lý thuyết cho các đồng chí … quyền lực chỉ huy, tương lai trong sáng, đức tin trong việc làm và sự xác tín về lẽ tất thắng của chính nghĩa.”
Tác giả cũng cho biết sau khi Hồ Chí Minh bị bắt, được thả rồi sang Liên Xô, uy tín của Hà Huy Tập đã tăng nhanh. Hà Huy Tập đã tố cáo Trần Văn Giàu và Hồ Chí Minh trong báo cáo gửi Đệ Tam Quốc Tế nên thời gian đại hội 7 có lẽ Hồ Chí Minh mất tín nhiệm thê thảm nhất. (20)
Khi Hồ Chí Minh và Lê Hồng Phong đều ở Mạc Tư Khoa, đại hội I Đông Dương Cộng Sản Đảng ở Ma Cao cho Hà Huy Tập quyền điều khiển đảng. Đại hội chỉ cho Hồ Chí Minh làm ủy viên trung ương dự khuyết. Trái lại Hà Huy Tập tự dành địa vị trong Hải Ngoại Vụ là cơ quan có quyền hướng dẫn trung ương đảng về chính trị. Cuối bản báo cáo đọc trước đại hội, Hà Huy Tập đã tố cáo Hồ Chí Minh và kết luận: “Chúng tôi đề nghị đồng chí Lin phải đích thân viết một cuốn sách nhỏ tự phê chính mình và những sai sót đã qua.” (21)
Tác giả nhắc việc Hà Huy Tập cáo buộc Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm về hàng trăm đảng viên bị bắt ….(như phần đông các tác giả trước đã viết) và còn cho biết Hà Huy Tập quả quyết chính tổng bí thư cộng đảng Xiêm, từng theo chân Hồ cũng nói trước 1930 Hồ không phải là cộng sản. Theo tác giả, Hồ đã bị điều tra bởi bộ ba gồm Manuilsky, Kang Cheng và Vera Vasilieva. Manuilsky trung lập, Kang Cheng đòi hành quyết, còn Vera thì bênh, viện lẽ Hồ sai lầm chỉ vì thiếu kinh nghiệm.
Về đại hội VII, Quốc Tế Cộng Sản, tác giả nhắc lại việc đưa ra đường lối ủng hộ một liên minh với cánh tả dân chủ xã hội nhằm chống Phát Xít tại Âu châu và cho là Hồ đã đi trước thời đại khi muốn nhìn lại những thất bại trong 2 năm 1930-1931 liên quan đến sự hiểu lầm “cách mạng dân chủ tư sản”.
Như đã biết, sau đại hội VII mặt trận Bình Dân (hay dân tộc) ra đời tại Pháp và sách lược mặt trận thống nhất dân tộc được áp dụng trở lại. Do đó trung ương Đông Dương Cộng Sản đảng cũng có những chỉ thị, lời kêu gọi và thư ngỏ cổ võ liên hiệp giữa các phe phái nhằm thống nhất “phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Dương”.
Chương 6, tác giả cho biết sau đại hội VII, Hồ Chí Minh tiếp tục theo học tại trường Lenin tới hết năm 1935. Năm 1936 ông sang trường Stalin làm việc chung với Vera Vasilieva, phụ trách giảng dạy các học viên Việt Nam. “Làm việc với Lin thật thích thú…” Vera nói vậy! Vera là người từng bênh vực Hồ và là người cùng với lãnh tụ Manuilsky đặc trách các vấn đề Đông Dương trong Quốc Tế Cộng Sản.
Cuối năm 1936, Vera đưa kế hoạch lập trường huấn luyện tại Trung quốc và phái Hồ sang đó để tổ chức và điều khiển trường này. Bà dự trù một ngân sách 3000 Mỹ Kim để đào tạo 10 học viên cho mỗi 2 tháng. Nhưng cuối cùng dự án bị hủy bỏ nên Hồ tiếp tục ở lại Liên Xô cho đến 1938.
Tác giả cũng nêu sự kiện trong khi Hồ chỉ làm việc phiên dịch và dạy cho học viên người Việt theo một thứ bậc thấp, Nguyễn Khánh Toàn được cử làm giảng viên thực thụ. Tác giả viết về hoàn cảnh và vị thế chênh vênh của Hồ trong giai đoạn này như sau:
“Khó tưởng tượng nổi một đảng viên kỳ cựu như Hồ Chí Minh có thể tiếp tục hoạt động qua thời kỳ điên loạn này. Nhưng tháng 1-1938 ông vẫn còn đang dịch những lá thư hiếm hoi từ Đông Dương gửi tới. Việc ông sống sót qua những năm kinh khủng nhất của thời kỳ thanh trừng thường được coi là dấu chỉ của sự bảo vệ mà một cán bộ cao cấp sống sót là Manuilsky đã dành cho ông. Nếu không phải vậy thì chỉ vì ông là một kẻ theo chủ nghĩa Stalin trung thành mà thôi.”
Cuối cùng Hồ cũng được cho rời khỏi trường và chẳng bao lâu sau trở lại Trung Quốc.
Chương 7, Hồ Chí Minh trở lại Trung Quốc mùa thu 1938, khi Liên Xô và Trung Hoa Quốc Gia tái lập liên minh với hiệp ước bất tương xâm được một năm và Mặt Trận Bình Dân ở Pháp đã sang năm thứ hai. Sự liên minh mới này dẫn đến tái lập mặt trận thống nhất dân tộc giữa Đảng Cộng Sản và Quốc Dân Đảng Trung Quốc nhằm chống Phát Xít.
Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ bí mật mà Hồ nhận từ Quốc Tế Cộng Sản – gồm 8 điểm phải học thuộc lòng, như tác giả ghi rõ – để đem về áp dụng là đưa đảng Cộng Sản Đông Dương vào một “mặt trận dân chủ dân tộc rộng rãi” gồm cả những Pháp kiều tiến bộ và giới tư sản dân tộc. (22) Xin lưu ý mấy chữ nhiệm vụ bí mật mà Hồ nhận từ Quốc Tế Cộng Sản.
Mùa xuân năm trước, 1937, Minh Khai và Hoàng Văn Nọn cũng học thuộc lòng huấn thị của Quốc Tế Cộng Sản để mang về Hồng Kông, chuyển giao cho Hải Ngoại Vụ của Quốc Tế Cộng Sản. Theo tác giả, huấn thị này rất gần với huấn thị 8 điểm mà Hồ đã mang theo.
Lại xin lưu ý mấy chữ học thuộc lòng và nhớ lại Hồ Chí Minh cũng học thuộc lòng 8 điểm chỉ thị của Quốc Tế Cộng Sản. Học thuộc lòng tức không có văn bản mang theo. Các tổ chức bí mật, tổ chức đen, Mafia thường chỉ ra lệnh miệng. Những việc tàn ác tầy trời của Cộng Sản Việt Nam cũng như Cộng Sản thế giới phần nhiều do lệnh miệng của lãnh tụ. Nếu theo nguyên tắc pháp lý của chế độ dân chủ Tây Phương để xét hành động của Cộng sản, nhất là Cộng Sản Trung Hoa và Cộng Sản Việt Nam e là khó tránh lầm lạc.
Tác giả viết:
“Tháng 4-1938, ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Đông Dương đã thỉnh cầu Quốc Tế Cộng Sản gửi đều đặn huấn thị về các vấn đề chính trị, tổ chức và mỗi 5 hoặc 6 tháng, phái một đồng chí lãnh đạo mang những huấn thị đó cùng với tài chính viện trợ. Thêm vào khoản tiền ứng trước 5000 MK để in sách, họ cũng xin gửi cố vấn và ngân khoản để mở một trung tâm huấn luyện hợp pháp tại Trung Quốc theo đường lối những năm 1926-1927. Có thể Hồ Chí Minh được phái sang Trung Quốc lần này là thể theo lời thỉnh cầu đó.” (23)
Tuy nhiên, tình hình Đông Dương lúc ấy không giống tình hình Trung quốc. Cho nên việc thực hiện sách lược mặt trận dân tộc dân chủ năm 1939 đã gây tranh luận giữa các lãnh tụ Đông Dương Cộng Sản Đảng như Phan Văn Tạo, người từng dự đại hội VI Quốc Tế Cộng Sản, Lê Hồng Phong, nguyên tổng bí thư và từng đại diện Đông Dương Cộng Sản Đảng tại đại hội VII Quốc Tế Cộng Sản và Nguyễn Văn Cừ, tổng bí thư lúc ấy. Theo tác giả, lập trường của Nguyễn Văn Cừ trong cuốn Tự Phê tóm lại là:
“Chính sách của đảng là ủng hộ việc thành lập mặt trận dân chủ – nhưng mặt trận này phải thành lập trong phạm vi những phong trào đấu tranh quần chúng mạnh mẽ. Mặt trận dân chủ phải là một hình thức đấu tranh giai cấp cũng như kháng chiến chống đế quốc.”
Về hoàn cảnh của Hồ Chí Minh, tác giả viết:
“Khi đọc những bài báo của Hồ Chí Minh trên tờ Notre Voix, người ta thấy hoàn cảnh của ông ở giữa cuộc chiến Hoa – Nhật là một thế giới riêng biệt khác hẳn Sài Gòn với các cuộc bầu cử lúc ấy. Ông đã dấn thân vào công việc tuyên truyền ủng hộ Trung Quốc, xây dựng niềm tin vào khả năng kháng Nhật của nó. Tháng 8 và tháng 9-1939, tình hình quốc tế thay đổi đã đưa Đông Dương Cộng Sản Đảng vào những cuộc tranh luận nội bộ gay gắt: Ngày 23-8, hiệp ước Molotov-Ribbentrop bỗng đặt những người cộng sản theo Liên Xô vào chung chiến tuyến với Đức Quốc Xã. Và, chiến tranh bùng nổ tại Âu châu, khi Đức tiến đánh Ba Lan ngày 1-9-1939. Ngày 28-9, toàn quyền Pháp ở Đông Dương đặt đảng cộng sản ra ngoài vòng pháp luật và suốt trong một năm cộng sản đệ tam cũng như đệ tứ đều bị lùng bắt.”
Về hội nghị trung ương kỳ VI và những cuộc nổi dậy năm 1940, tác giả cho biết đa số cán bộ lãnh đạo Đông Dương Cộng Sản Đảng tán thành nổi dậy để phản ứng lại tình hình thay đổi lúc ấy bằng cách thành lập mặt trận thống nhất phản đế cuối năm 1939. Lúc ấy giải phóng dân tộc trở thành mục tiêu chính. Trong một thông tư phổ biến tháng 12-1939, Đảng Cộng Sản kêu gọi các lực lượng đấu tranh của vô sản, nhân dân lao động các nước nhược tiểu “hãy đoàn kết với Liên Xô”. Hãy vùng lên đấu tranh “để dập tắt ngọn lửa chiến tranh bằng cách loại trừ tận gốc là hệ thống đế quốc tư bản.” (24)
Nhưng cuộc nổi dậy ở Nam Kỳ đã thảm bại, dẫn đến hàng trăm đảng viên bị bắt và bị hành quyết. Theo Trần Huy Liệu, có tới 100 cán bộ lãnh đạo bị giết. Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Hữu Tiến tất cả đều bị hành quyết trong tháng 8-1941. Lê Duẩn và nhiều đảng viên cộng sản khác như Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo ngồi tù cho tới khi Nhật đầu hàng năm 1945. Riêng Lê Hồng Phong chết trong tù năm 1942.
Từ đó Hồ trở nên lãnh tụ danh chính ngôn thuận (nguyên văn: legitimate leader). Ngay Trường Chinh cũng phải được Hồ chấp thuận mới được giữ chức tổng bí thư. (25)
Đoạn cuối chương 7 và cũng là đoạn chót của tác phẩm, trước khi tóm tắt để kết luận:
“Tháng 10-1940 Hồ Chí Minh và đám cận thần từ Côn Minh đến Quế Lâm. Đây chính là thời điểm cộng sản hải ngoại quyết định dùng cái vỏ (26) Việt Minh cho mặt trận dân tộc của mình. Đây cũng chính là tổ chức đã được thành lập tại Nam Kinh năm 1936 bởi Hồ Học Lãm, Hoàng Văn Hoan, Lê Thiết Hùng, Phi Vân, Nguyễn Hải Thần và một số người khác. Vì tổ chức này là tổ chức được chính thức đăng ký ở Trung Quốc nên trở thành cơ cấu thích hợp cho những mục tiêu của Hồ Chí Minh.” (27)
Tác giả cũng nhắc đến “Việt Nam Dân Tộc Giải Phóng Đồng Chí Hội” (28) của Trương Bội Công và Nguyễn Hải Thần thành lập năm 1941 và bảo cái nhân (nucleus) của nó là Việt Minh. Như vậy Việt Minh vừa là cái vỏ của đảng Cộng Sản vừa là cái nhân của tổ chức của Trương Bội Công. Điều lạ là tác giả không nói đến việc Hồ Chí Minh lập Mặt Trận Việt Minh tại Pác Bó và cũng không kể chi tiết về tổ chức của Trương Bội Công.
Tác giả nhấn mạnh sự kiện hội nghị 8 trung ương Đông Dương Cộng Sản Đảng do Hồ Chí Minh chủ tọa sau ngày trở lại Trung Quốc và dựa theo báo cáo của mật báo viên bí danh “Ursule” tìm thấy trong văn khố Pháp Quốc Hải Ngoại (AOM), để khẳng định hội nghị này được tổ chức ở Tĩnh Tây, Quảng Tây, chứ không phải ở trong quốc nội. Ủy ban trung ương đảng họp trên lầu, còn ủy ban Bắc Kỳ họp ở tầng trệt. Hồ Chí Minh dự cả hai, sáng với trung ương và chiều với địa phương. Trong hội nghị kỳ 8, Trường Chinh được chính thức xác nhận là tổng bí thư đảng. Tác giả nêu lên thành tích của ông Hồ trong việc sát nhập Đông Dương Cộng Sản Đảng vào mặt trận thống nhất với Trung Hoa Quốc Dân Đảng và các đảng phái quốc gia Việt Nam có đại diện ở biên giới.
Cuối chương 7, tác giả cho biết “mặc dầu Liên Xô đã trở lại với liên minh thế giới chống Phát Xít vào tháng 6-1941, nhưng lúc này hoàn toàn bị thu hút vào cuộc chiến sinh tử với quân Đức, nên không còn chú ý đến Á châu được.” Tác giả bảo Quốc Tế Cộng Sản chính thức tuyên bố giải tán ngày 22-5-1943. Bà nói là từ đó cho đến năm 1947, không có bằng chứng cho thấy Cộng Sản Việt Nam đã nhận được chỉ thị hướng dẫn hay ngân khoản từ Mạc Tư Khoa.
Tác giả viết về hội nghị trung ương kỳ 8:
“Các chính sách đưa ra trong hội nghị trung ương kỳ 8 đã trở thành khuôn thước cho các hoạt động thời chiến của Việt Minh. Nhưng, như những cuôïc nghiên cứu về sự nắm chính quyền của Việt Minh vào tháng 8-1945 cho thấy, những chính sách đó không được phổ biến đồng đều trong nước; cũng không được toàn thể đảng viên chấp nhận. Trong những năm sau đó, con người thực dụng Hồ Chí Minh tiếp tục phải đương đầu với sự chống đối giữa nội bộ đảng trong cố gắng xây dựng một liên hiệp các phần tử yêu nước.”
Qua đoạn này, tác giả cố chứng minh là Hồ Chí Minh bắt đầu điểu khiển đảng đã phải đơn thương độc mã quyết định chính sách và không nhận được viện trợ từ Quốc Tế Cộng Sản, đồng thời còn bị chống đối từ nội bộ đảng. Nhưng Hồ vẫn cương quyết chủ trương lập một liên minh với các phần tử quốc gia yêu nước, để tranh đấu cho nền độc lập của tổ quốc.
Từ lập luận đó, tác giả kết luận: “Coi Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Đông Dương thuần túy là sản phẩm của Quốc Tế Cộng Sản là một sự xuyên tạc vĩ đại” (29) và “Chính tài năng của Hồ Chí Minh… đã bảo đảm cho ông địa vị của một lãnh tụ thành công nhất trong cuộc tranh đấu dành độc lập.” (30) Lời kết luận dù mang tính quả quyết vẫn không đủ sức dập tắt tiếng nói cất lên từ các sự kiện được chính tác giả trưng dẫn về sự lệ thuộc của Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Đông Dương vào Quốc Tế Cộng Sản. Đó là những lần Hồ Chí Minh hay đồng chí báo cáo công tác, dự thảo kế hoạch trình lên các cơ quan phụ thuộc của Quốc Tế Cộng Sản, hay những nhân vật đầu não của tổ chức này như Manuilsky chẳng hạn, để xin duyệt và chấp thuận, nhất là những lá thư xin tiền, đề xuất ngân sách cho các chương hành động.
Tác giả đã cho biết trong thời gian thực thi sách lược mặt trận thống nhất dân tộc giữa Đảng Cộng Sản và Quốc Dân Đảng Trung Hoa tại Trung Quốc, Quốc Tế Cộng Sản đã đặt văn phòng Viễn Đông Vụ (FEB) để giải quyết các vấn đề của vùng này gồm cả Đông Dương. Vậy, dù có lúc không liên lạc trực tiếp được với Quốc Tế Cộng Sản ở Mạc Tư Khoa, không có nghĩa là không nhận được sự giúp đỡ và chỉ thị của tổ chức (qua trung gian FEB hay Đảng Cộng Sản Trung Quốc). Tác giả cũng không nói về liên hệ của Hồ Chí Minh với Noulens tuy nhắc đến tên nhân vật này hai lần. Chính mối liên hệ với Noulens mới quan trọng, chứ không phải liên hệ với Borodin. Vì việc Hồ Chí Minh được cử làm phụ tá và thông dịch cho Borodin chỉ là vỏ bọc cho những công tác quan trọng hơn nhận từ nhân vật đại diện Quốc Tế Cộng Sản, Hilaire Noulens, dù Noulens với tên thực Jakov Rudnik chỉ giữ vai trò trưởng phòng giao thông liên lạc tại Thượng Hải.
Có lẽ tác giả đã bỏ sót tài liệu của Duiker và Hồng Hà kể lại nhiệm vụ đích thực của Hồ Chí Minh chỉ có vợ chồng Borodin biết. Tác giả cũng tỏ ra ít quan tâm tới một điểm quan trọng trong chiến lược sách lược đấu tranh của Cộng Sản do Lênin và Stalin đề ra là các hình thức mặt trận thống nhất, mặt trận dân tộc, mặt trận dân chủ, mặt trận phản đế vv… dù nhắc đến rất nhiều lần, kể cả mặt trận thống nhất mà Liên Xô chủ trương tại Trung Quốc, để hai đảng Quốc-Cộng liên minh trong thế liên minh Xô-Trung.
Liên minh này không xảy ra một lần mà còn tái diễn. Đã có lần cộng đảng bị tảo thanh, đàn áp, nhưng họ vẫn mượn cớ kháng Nhật tiếp tục liên minh với “kẻ thù giai cấp” để có cơ hội lợi dụng thanh thế của Quốc Dân Đảng tìm cách tuyên truyền, vận động, lôi kéo quần chúng nhập cuộc đấu tranh giai cấp của Quốc Tế Cộng Sản. Đây cũng là phương thức mà Hồ Chí Minh đã triệt để áp dụng đối với các đảng phái quốc gia Việt Nam tại Hoa Nam và sau này tại quốc nội mà hậu quả là không biết bao nhiêu nhà ái quốc tên tuổi, không biết bao nhiêu người yêu nước vô danh đã bị đảng cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo thủ tiêu, hãm hại, xô đẩy vào chỗ chết. Tất nhiên không thể bảo phương thức này chỉ cần thiết cho việc giành độc lập tổ quốc chứ không vì quyền lợi của Quốc Tế Cộng Sản.
Sophie Quinn-Judge có vẻ thích thú về ý nghĩ là Hồ Chí Minh không được Quốc Tế Cộng Sản ưu đãi, thậm chí còn bị ngược đãi tới mức có lúc gần như bị giam lỏng, nhưng nhờ biết vận dụng thời cơ, có tài trí ứng phó với thời cuộc, nhất là vì yêu nước thực sự khiến nhân dân triệt để ủng hộ nên đã thành công. Một chứng cớ được đưa ra trưng dẫn cho tình trạng trên là thư của Hồ Chí Minh than phiền phải ở một căn phòng chật chội ồn ào, đầy rệp… tại “khách sạn” Lux, một thứ nhà tập thể. Nhưng cũng chính thời gian đó, tại đại hội đầu tiên của Quốc Tế Nông Dân, Hồ Chí Minh đã được bầu làm một trong 11 ủy viên trung ương. Giữa vị thế quan trọng được xác định và điều kiện cư trú tồi tàn thì vấn đề sau không có ý nghĩa gì. Vả lại, nhiều tài liệu cho biết chính Borodin cũng tạm trú tại khách sạn Lux nên có thể hiểu đó là do tình trạng kinh tế lúc ấy ở Liên Xô.
Một dẫn chứng khác là việc Hồ Chí Minh bị cầm chân hơn 4 năm tại Liên Xô chưa hẳn là do bị ngược đãi mà có thể là do được biệt đãi cho theo học trường Lenin là trường lúc ấy chỉ có riêng Hồ Chí Minh là người Đông Dương duy nhất được học. Sau đó Hồ Chí Minh còn được tham gia thành phần huấn luyện viên của trường Stalin. Thực ra, tác giả gần như không cho biết về công việc của Hồ Chí Minh tại trường Lenin cũng như trường Stalin, dù nhan sách nhằm nói về những năm thiếu vắng trong tiểu sử Hồ Chí Minh mà những năm có mặt tại hai trường này chính là những năm thiếu vắng đó.
Rất có thể Hồ Chí Minh bị lưu lại Liên Xô một thời gian dài do cần điều tra về một số nghi vấn trong khi hoạt động tại Hoa Nam vì sơ sót để bị bắt hoặc vì lý do được nhà cầm quyền Anh tại Hương Cảng phóng thích dễ dàng, đồng thời cũng có thể do mục đích chỉnh huấn, tái tạo giúp Hồ Chí Minh có đủ bản lãnh trở thành một cán bộ đầu não để sau này lãnh đạo đảng Cộng Sản Đông Dương.
Việc được phái trở lại Hoa Nam sau khi mặt trận thống nhất Quốc, Cộng Trung Hoa tái lập chứng tỏ Hồ Chí Minh phải được tin cậy về khả năng vận dụng sách lược mặt trận của Lenin đã thấm nhuần từ đầu và thấu triệt hơn sau khóa học 1935-1936 tại trường Lenin.
Trên thực tế, những việc làm khởi từ đó đã chứng tỏ Hồ Chí Minh mới là người theo chủ nghĩa Lenin thuần thành hơn hẳn các đồng chí như Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ … và một số đông khác về sự hiểu thấu ý nghĩa và công dụng của sách lược mặt trận thống nhất dân tộc, dân chủ…
Tác giả cho biết chỉ căn cứ vào sự kiện và chỉ nêu những sự kiện có chứng từ lấy từ văn khố Nga và Pháp là chính và cho biết có nhiều chứng từ đã bị mất. Thực ra, dù có đầy đủ cũng không thể quên rằng bên cạnh những chứng từ giá trị luôn luôn không thiếu những chứng từ ngụy tạo về những điều không có thực, trong khi toàn bộ sự nghiệp và con người của một nhân vật nào đó không thể bao quát chỉ bằng những sự kiện có chứng từ. Chỉ dựa vào các sự kiện có chứng từ để nhận diện một nhân vật lịch sử là nền tảng hoàn toàn bất ổn, nhất là với một nhân vật có quá nhiều nghi vấn. Cuối cùng, tác phẩm của Sophie Quinn-Judge cũng không vượt xa hơn nhiều tác phẩm đã có mặt vì chỉ phản ảnh những suy luận chủ quan dựa trên một số chứng từ hạn chế.
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài do tác giả gởi; DCVOnline biên tập, minh hoạ và đề tựa. Chú thích của tác giả. Nguồn: Hồ Chí Minh, Nhận định tổng hợp, Minh Võ, Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, Tái bản lần 1, Virginia, 2006. Đăng lần đầu ngày 01-07-2008
(14) SĐD tr. 119, 275. Chú thích số 17, chương 4, của tác giả ghi: RC, 535,1, 42, p. 68, thư (của Quốc) từ Berlin, ngày 16-12-1927.
(15, 17, 18, 19, 20) SĐD tr. 155, 182-183, 185-186, 192-193, 204.
(16) Xin lưu ý mấy hàng trên đây liên quan đến vấn đề tuyên truyền.
(21)) SĐD tr. 205, trích thư Hà Huy Tập ngày 31-3-1935, và nói bản Nga ngữ không có trong văn khố.
(22) SĐD tr. 222, trích dẫn thư của Hồ nhắc lại các huấn thị và sự kiện này vào tháng 7-1939, tìm thấy trong văn khố Nga mang số RC, 495, 10a, 140, p. 106
(23, 24, 25) SĐD tr. 227, 236 tác giả trích Văn Kiện Đảng, II: 1930-1945 tr. 389, 245-246
(26) Tác giả dùng từ mantle có nghĩa là cái áo khoác bên ngoài. Nếu quan niệm đây là một hoạt động bí mật loại gián điệp, tình báo, thì có thể dùng hai chữ “vỏ bọc” (cover). Chúng tôi tạm dịch bằng chữ “vỏ”, để đối lại với cái nhân (nucleus) được giấu ở bên trong.
(27, 30) SĐD tr. 246, 250- 251
(28) Tác giả để nguyên văn danh xưng bằng tiếng Việt trong ngoặc đơn.
(29) Nguyên văn: “To view Ho Chi Minh and the ICP as purely the creations of the Comintern would be a great distortion”