Về “Ho Chi Minh, the missing years” (p1)

Minh Võ

Dù muốn dù không, mấy hàng trên đã chứng minh khá rõ sự lệ thuộc của Hồ Chí Minh vào Liên Xô, từ tài chính đến kế hoạch hoạt động.

Sophie Quinn-Judge và Ho Chi Minh, the missing years

Sophie Quinn-Judge, nữ tiến sĩ người Anh, ít được biết ngoài giới độc giả của tạp chí Kinh Tế Viễn Đông trong hai thập kỷ trước. Nhưng với tác phẩm Hồ chí Minh: The Missing Years, 1919- 1941 (1), bà đã đem sở trường của mình về môn Nga văn ra kéo chú ý của nhũng nhà nghiên cứu lịch sử vùng Viễn Đông.

Được tổ chức John D. and Catherine T. MacArthur Foundation và Quỹ Sưu Tầm Trung Ương của trường đại học Luân Đôn tài trợ, bà đã dành gần chục năm nghiên cứu các tài liệu mới được giải mật của Trung Tâm bảo tồn và tài liệu lịch sử hiện đại Nga, trước kia từng mang tên Viện Mác-Lênin và kho tài liệu tình báo hải ngoại Pháp tại Aix-en-Provence. Đó là những nguồn tài liệu chính yếu để dựa vào đó đưa ra những nhận định về Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam. Dĩ nhiên bà cũng đọc nhiều tác phẩm khác của các học giả, sử gia hay các nhà viết tiểu sử mà bà liệt kê trong thư mục thường được coi như nguồn tài liệu thứ yếu.

Theo bà, các tác giả đi trước, tả cũng như hữu, khi viết về Hồ Chí Minh đã nói quá đáng về nhân vật này, coi là nhân vật quan trọng của Quốc Tế Cộng Sản và là người trách nhiệm về tất cả công hay tội của Cộng sản Việt Nam. Tác giả có tham vọng đưa ra nhận định cân bằng và sát thực hơn, căn cứ vào những chứng liệu mới.

American Quakers với những người lính Bắc Việt ngay sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975; tác giả cuốn Ho Chi Minh, the missing years (ngồi bên phải). Nguồn ảnh: Claudia Krich

Sách gồm 7 chương chia theo thứ tự thời gian:

1– Từ 1919-1923: Sự xuất hiện của Nguyễn Ái Quốc với 8 điểm yêu sách tại hội nghị Hòa Bình ở Paris và một giải pháp cấp tiến.

2– Từ 1923-1924: Thành viên mới trong Quốc Tế Cộng Sản. Những cuộc tiếp xúc đầu tiên, vai trò Hồ Chí Minh trong Quốc Tế Cộng Sản, đại hội V Quốc Tế Cộng Sản và chủ trương mặt trận thống nhất tại Trung Quốc, nhiệm vụ được giao.

3– Từ 1924-1928: Hoạt động tại Quảng Đông, phong trào nông dân tại đây, tổ chức Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, sự sụp đổ của mặt trận thống nhất tại Trung Quốc.

4– Từ 1927-1919: Từ đường hướng cũ tới đường hướng mới, những chuyến đi, đại hội VI Quốc Tế Cộng Sản, hoạt động tại Xiêm, sự phát triển và rạn nứt của tổ chức Thanh Niên.

5– Từ 1930-1931: Cao trào cách mạng với những cán bộ được huấn luyện tại Liên Xô quay về nước, sự thống nhất đảng, những cuộc nổi dậy trong Năm Mới, những nhiệm vụ mới của Hồ Chí Minh và sự củng cố quyền lực của Trần Phú.

6– Từ 1931-1938: Chết ở Hồng Kông và chôn tại Mạc Tư Khoa? Hồ bị bắt, được thả rồi trở lại Liên Xô dự hội nghị VII Quốc Tế Cộng Sản, Mặt trận thống nhất tại Đông Dương.

7– Từ 1937- 1941: Trở về với con đường dẫn tới hội nghị trung ương kỳ 8, tình hình thế giới thay đổi, hội nghị Trung Ương kỳ 6 và những cuộc nổi dậy năm 1940, Hồ tiến gần biên giới và hội nghị Trung Ương kỳ 8.

Thoạt nhìn tựa sách The misssing years, người đọc hy vọng tác giả sẽ tập trung vào mấy năm từ trước vốn ít được nói tới, như thời gian trước 1917 là năm Hồ Chí Minh từ Anh sang định cư ở Pháp, hay thời gian từ 1934 đến 1938 là lúc Hồ bị cầm chân ở Liên Xô, nhất là lý do khiến ông bị (hay được?) sống, học tập thêm và làm việc tại đây trong một thời gian dài như vậy. Ngay những năm thụ huấn tại trường đại học Lênin cũng không được tác giả nói đến.

Nhưng có vẻ những tài liệu bằng Nga ngữ mà tác giả được tiếp cận đã không giúp bà xác quyết được điều gì quan trọng về “những năm thiếu vắng” hay chưa được biết đến này. Cho nên bà đã ghi rõ con số 1919-1941 sau mấy chữ The missing years của nhan sách và đã dành 257 trang sách để nói về hoạt động của Hồ Chí Minh chỉ trong vòng 22 năm đó.

Tác phẩm cũng cho thấy Quinn-Judge đã phải dùng đến rất nhiều tư liệu thuộc nguồn thứ cấp và nói đến những sự kiện mà các nhà viết tiểu sử Hồ Chí Minh đã nói cả rồi. Vì thế, những điều gọi là mới mẻ quan trọng không có bao nhiêu.

Dường như sự đáng tiếc này khởi từ tình trạng những tài liệu về tình báo của bộ Pháp quốc Hải ngoại mà tác giả tiếp cận không thể bao quát cả thời gian 22 năm của Hồ Chí Minh đồng thời cũng có giới hạn của nó: Làm sao có thể tin báo cáo của các mật báo viên là chính xác? Và những lời cung khai của các nghi can đáng tin cậy đến chừng mực nào?

Còn về văn khố của Liên xô cũ nay được giải mật có lưu trữ đầy đủ những văn kiện lịch sử không? Trên thực tế, tại Liên Xô thường có những cuộc thanh trừng đẫm máu, phe nọ chống phe kia. Liệu những kẻ “phản loạn”, “phản cách mạng”, hay những nhà độc tài có dừng tay trong việc thiêu hủy hay vô hiệu hóa, hoặc ngụy tạo một số văn kiện để cố lấy lẽ phải về mình không?

Khi tài liệu không còn nguyên vẹn, những phần còn lại có thể cho người nghiên cứu kết luận một cách xác quyết không? Đó là chưa kể nhiều báo cáo được ký nhiều bí danh khác nhau, nhà nghiên cứu khó biết đích xác đó là của ai. Về việc một số tài liệu bỗng dưng biến mất, chỉ xin nêu ba trường hợp được chính tác giả xác nhận:

Thứ nhất, trang 88 chương 3, bà cho biết hầu hết (most) trong số 11 thư của Quốc Tế Nông Dân gửi Quốc, và Quốc báo cáo nhận đầy đủ, không tìm thấy bản sao trong hồ sơ của Quốc Tế Nông Dân, mục thư từ với Hồ Chí Minh.

Thứ hai, trang 177 chương 5, “giữa 23-7 và 2-9 (1930), Hồ bảo đã gửi cho FEB (Viễn Đông Vụ) 6 lá thư. Nhưng chỉ có một lá ngày 2-9 được tìm thấy trong văn khố của Quốc Tế Cộng Sản.” Hồ nói dối? Hay có người giấu những lá thư đó đi? Bà không dám xác quyết nhưng dùng động từ “claimed” cho người đọc có cảm tưởng bà không tin Hồ lắm.

Thứ ba, trang 203 chương 6, nói về đại hội 7 Quốc Tế Cộng Sản tác giả cho biết Hồ đã phê bình Đông Dương Cộng Sản Đảng và viết nhiều báo cáo nhưng không tìm thấy trong văn khố Liên Bang Nga.

Vì vậy, Quinn-Judge hay dùng các động từ có nội dung thiếu tính xác quyết như “claim, appear, seem, suggest, assume, would, might, would seem to show…” hoặc những câu nghi vấn “It is unclear, it was not known, one can not tell, I am not sure, we do not know for certain, it is hard to know, if it were correct, remain in the realm of conjecture…” Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa tác phẩm không cung cấp được một số dữ kiện hữu ích để nhận dạng Hồ Chí Minh đầy đủ hơn.

Cuối chương 1, tác giả cho biết trong thập niên 20, Hồ Chí Minh từng gia nhập hội Tam Điểm, nhưng theo đường lối đại hội IV Quốc Tế Cộng Sản đã cắt đứt liên hệ với tổ chức này.

Riêng chuyện Hồ Chí Minh dưới tên Nguyễn Ái Quốc trình thỉnh nguyện thư cho hội nghị Hòa Bình ở Versailles thì hầu hết các sử gia đều đã nói trước.

Chương 2, tác giả nhắc lại điều các sử gia đã viết là Hồ Chí Minh đến Liên Xô tham dự đại hội I Quốc Tế Nông Dân (Krestintern), được bầu vào trong số 11 ủy viên ban chấp hành Krestintern. Tác giả trưng dẫn văn kiện của Hồ muốn về Đông Dương qua ngả Trung Quốc, và đề nghị Quốc Tế Cộng Sản cấp nguyệt phí 100 Mỹ Kim để có thể làm nhiệm vụ thu lượm tin tức và công tác tuyên truyền. Tác giả cũng nói đến sách lược (tactics) mặt trận thống nhất mà Quốc Tế Cộng Sản định áp dụng tại Trung Hoa, bắt nguồn từ đề cương về các vấn đề thực dân và dân tộc của Lênin được thảo luận gay gắt tại đại hội V Quốc Tế Cộng Sản. (2)

Trong đoạn nói về Hồ Chí Minh và vị thế trong Quốc Tế Cộng Sản, tác giả cho biết không thấy văn kiện chính thức nào xác nhận Hồ Chí Minh học ở trường Lao Động Đông Phương, tức Trường Stalin cho đến năm 1936. Theo bà, nhà văn Nga Yevgeny Kobelev xác nhận chính Hồ Chí Minh đã thuật lại việc học tại trường này. Lãnh tụ Cộng Sản Ấn Manabendra N. Roy cũng cho biết Hồ có học tại đây. Nhưng bà không tin những người này mà cho rằng có thể (it is possible) Hồ chỉ tham dự một lớp huấn luyện nào đó về tổ chức nông dân trong thời gian ở đây, vì ông ta gắn bó với Krestintern.

Chỉ dựa vào việc không thấy các văn kiện chính thức trong văn khố để phủ nhận lời của các nhân chứng tên tuổi như Kobelev và Roy cũng khó thể coi là hợp lý.

Về sách lược mặt trận thống nhất được thảo luận tại đại hội V Quốc Tế Cộng Sản, sau khi cho biết Manuilski là phát ngôn viên quan điểm của Stalin, tác giả kể việc Hồ Chí Minh khuyên nên điều tra xem Nguyễn Thế Truyền vào đảng Cộng Sản chưa, nếu ông ta đã là cộng sản thì nên ra lệnh cho “xâm nhập nhóm Lập Hiến ở Paris để ‘noyauter’, tức làm “nhân” thao túng.” (3) Như vậy, ngay hồi ấy (1924) Hồ Chí Minh đã lãnh hội hoàn toàn tính sách lược giai đoạn của Lenin trong mặt trận thống nhất là Xâm nhập tổ chức địch để “noyauter”.

Borodin, tên khai sanh Mikhail Markovich Gruzenberg, (9 tháng 7 năm 1884 – 29 tháng 5 năm 1951), hình chụp vào tháng 2 năm 1925. Nguồn: (Topical Press Agency/Getty Images)

Liền sau đó, tác giả nói đến vai trò Quốc Tế Cộng Sản trong mặt trận thống nhất tại Trung Quốc. Mỉa mai là mặt trận thống nhất này lại thực hiện từ trên, nghĩa là giữa các cấp lãnh đạo Trung Hoa Quốc Dân Đảng và các lãnh tụ Cộng sản Trung Quốc. Maring là người trong năm 1922 đã thành công trong việc thuyết phục 5 lãnh tụ cộng sản Trung Quốc chấp nhận sách lược mặt trận thống nhất giữa hai phe Quốc – Cộng Trung Hoa. Sau đó là hiệp ước Joffe- Sun, ký kết giữa Adolf Joffe, đại diện Liên Xô và Tôn Dật Tiên, lãnh tụ Trung Hoa Quốc Dân Đảng, theo đó Liên Xô sẽ viện trợ có điều kiện cho Trung Quốc. Cùng lúc đó (đầu năm 1923) Viễn Đông Vụ trực tiếp dưới quyền chỉ huy của ban chấp hành trung ương Quốc Tế Cộng Sản được thành lập tại Trung Quốc. Giữa năm 1923 phái đoàn Borodin đến Quảng Châu, thủ phủ của Quảng Đông.

Theo tác giả, Hồ Chí Minh đến Quảng Đông khoảng 11/11/1924, với một sự hỗ trợ nhỏ bé. Đưa ra một số sự việc và trưng dẫn vài lá thư của Hồ, tác giả kết luận:

Người ta có thể nói khá chắc chắn rằng Hồ được phái đến Quảng Đông không phải để làm phụ tá hay thư ký cho Borodin như đã từng nghe nói. Tuy nhiên đúng là vị thế và sự liên hệ của ông đối vớí Quốc Tế Cộng Sản trong 2 năm 1923-1924 vẫn còn là một cái gì đó rắc rối khó hiểu. (4)

Tác giả cũng trưng dẫn một lá thư của Hồ Chí Minh gửi Petrov, người đứng đầu Cục Phương Đông trong Quốc Tế Cộng Sản để chứng minh dù được cảm tình của Manuilsky, Hồ Chí Minh vẫn không được ưu đãi. Trong thư có đoạn:

“Trong 3 tháng Chạp, Giêng và Hai, tôi ở phòng số 176, trong đó luôn có 4 hay 5 người. Ban ngày luôn ồn ào không sao làm việc được. Đêm đến thì bị rệp cắn không sao ngủ.” (5)

Chương 3 nói về hoạt động của Hồ tại Quảng Đông nhằm tạo dựng hạt nhân cho đảng Cộng Sản Việt Nam. Hồ Chí Minh đến đây lúc 3 đảng viên của đảng Cộng Sản Trung Quốc được bầu vào Ban Chấp Hành Trung Ương của Trung Hoa Quốc Dân Đảng và 6 người khác trong đó có cả Mao Trạch Đông là ủy viên dự khuyết.

Như vậy, đường lối của Quốc Tế Cộng Sản trong giai đoạn này đã tạo điều kiện cho Hồ Chí Minh hoạt động một cách hết sức dễ dàng trong lòng đối phương. Việc Hồ làm được thì hầu hết các tác giả khác đã nói. Điều quan trọng là xâm nhập, lũng đoạn, thao túng, và phá hủy các tổ chức yêu nước khác chính kiến, không tán thành chủ nghĩa Cộng Sản.

Trong đoạn về phong trào nông dân Quảng Đông, tác giả cho biết vào tháng 8/1925 Quốc Tế Nông Dân (Krestintern) gửi cho Hồ 5000 rubles (khoảng 2500 MK lúc ấy) qua tài khoản của Borodin trong ngân hàng Viễn Đông và yêu cầu Hồ dùng số tiền này để thi hành 4 việc:

  1. Sản xuất bích chương và các tập sách mỏng về vấn đề nông dân.
  2. Gửi đại diện tới các tỉnh để tổ chức nông hội.
  3. Phái một đồng chí Trung Hoa đáng tin cậy tới Mạc Tư Khoa để làm việc trong Quốc Tế Nông Dân.
  4. Cung cấp cho Liên Xô những tin tức và tài liệu về phong trào nông dân ở Trung Quốc.

Hồ trả lời sẽ làm đúng theo yêu cầu, trừ điều 3, vì không có ai đủ khả năng ngoại ngữ.

Tác giả cho biết Hồ nhận được tất cả 11 lá thư của Quốc Tế Nông Dân. Nhưng hầu hết những thư đó không thấy trong hồ sơ của Quốc Tế Nông Dân liên quan đến thư từ của Hồ. (6)

Tác giả không nói về lý do bị mất những lá thư này và cũng không tỏ ý nghi ngờ thư có thể bị giấu hoặc hủy do ghi lại những vấn đề nào đó.

Cũng trong đoạn này, tác giả thuật lại biến cố 20/03/1926 nhưng không cho biết lý do tại sao Tưởng Giới Thạch hạ lệnh bắt giữ khoảng 50 người trong số ủy viên chính trị cộng sản tại Hoàng Phố (?). Các cố vấn Xô Viết cũng bị giam lỏng tại nhà. Trước sự trấn áp, Borodin phải nhượng bộ theo yêu cầu của Quốc Dân Đảng, hạn chế vai trò của đảng viên Cộng Sản trong Quốc Dân Đảng. Từ đó, số đảng viên Cộng Sản trong các ủy ban của Trung Hoa Quốc Dân Đảng chỉ còn giữ tỷ lệ một phần ba và đảng viên Cộng Sản bị loại khỏi các chức chưởng cơ quan trong chính quyền Quốc Dân Đảng.

Về hoạt động của Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, tác giả dựa vào văn khố Tình Báo Hải Ngoại Pháp tiết lộ: Hồ thường nhận được những món tiền ủng hộ tổ chức Thanh Niên từ trong nước gửi ra, trong đó có Diệp Văn Kỳ, Khánh Kỳ (một thợ chụp hình, trước kia từng quen Hồ ở Paris) và cả Bùi Quang Chiêu lãnh tụ đảng Lập Hiến, (sau này bị Việt Minh thủ tiêu thời 1945-46). Tác giả cũng nhắc báo cáo 5 điểm của Hồ gửi về Liên xô mà hầu hết các tiểu sử gia đã đề cập. Trong số 5 năm điểm đó có điểm 5 đặc biệt là đã thành lập được một trường Tuyên Truyền. Trong cùng đoạn này, tác giả nói đến vai trò quan trọng của Jacques Doriot trong Quốc Tế Cộng Sản đối với Hồ Chí Minh. Nhân vật này triệt để ủng hộ sách lược mặt trận thống nhất loại liên hiệp Quốc Cộng Trung Hoa và khuyên Hồ Chí Minh: “Nhân dân Đông Dương chỉ có thể đi theo một con đường, nếu thực sự muốn thay đổi tình thế: đó là con đường đấu tranh cho Độc Lập”. Tác giả cho biết Doriot nhấn mạnh công nhân và nông dân là lực lượng đấu tranh chủ yếu nhưng cần gia tăng sự ủng hộ mặt trận thống nhất. Doriot viết tiếp:

“Đừng quên rằng dưới sự đô hộ của bọn đế quốc, toàn thể nhân dân (công nhân, nông dân, thương nhân và trí thức) chỉ trừ một thiểu số, vài phần tử đầu cơ trục lợi, đều muốn đánh đuổi đế quốc. Đừng coi nhẹ bất cứ cố gắng nào để lôi cuốn họ hàng ngày đứng vào tổ chức đấu tranh. Đừng từ khước sự hợp tác của họ.” (7)

Tác giả cũng trích dẫn nguồn tin của Trung Tâm Lưu Trữ và Nghiên Cứu Tài Liệu Lịch Sử Nga, cho biết Hồ Chí Minh có đệ trình Quốc Tế Cộng Sản một ngân sách một năm lên đến 40 ngàn nhân dân tệ Trung Quốc. Ngân khoản này dùng chi về di chuyển và đào tạo 100 cán bộ tuyên truyền ở Quảng Đông. Cộng thêm một ngàn rưởi cho hoạt động toàn thời gian của 10 cán bộ tuyên truyền và thêm 8 ngàn rưởi nữa cho công tác xuất bản phát hành, giao thông liên lạc… Ngoài ra còn một số chi phí cần thiết khác, kể cả dự trữ cho những khoản bất thường.(8)

Hồ Chí Minh luôn luôn chú trọng hoạt động tuyên truyền và đào tạo cán bộ tuyên truyền nên đã dồn ngân khoản do Quốc Tế Cộng Sản cấp để làm việc đó.

Về sự sụp đổ của mặt trận thống nhất, tác giả nói đến việc Tưởng Giới Thạch tấn công Cộng Sản Trung Quốc ngày 12/04/1927 khiến sách lược mặt trận của Liên Xô phá sản. Bà không cho biết lý do khiến Tưởng hành động như vậy, có lẽ vì không thấy tài liệu nào trong văn khố Nga về lý do đó.

Riêng các tài liệu Trung Hoa Dân Quốc cuối thập niên 1950 cho biết đầu năm 1927 nhà cầm quyền Trung Quốc bắt được một mật thư của tòa đại sứ Nga gửi cho Trung Cộng xúi

“dùng mọi biện pháp thúc đẩy quần chúng bài ngoại, khiêu khích người ngoại quốc trả thù. Muốn đạt mục đích này, không được lùi bước trước bất cứ thủ đoạn nào, ngay cả cướp bóc, tàn sát. Và khi có sự xô xát giữa người Âu và người Trung Hoa thì phóng đại ra để khuấy động dân gây rối loạn.”

Sau đó Quốc Dân Đảng lại bắt được một mật điện do Borodin gửi ủy viên quân sự Nga Dorosky ra lệnh cho ông này phá hoại kế hoạch Bắc tiến. (9)

Bà cũng cho biết, mặc dù có vụ Quốc Dân Đảng Trung Hoa tấn công Cộng Sản tháng 4-1927, tổ chức Thanh Niên của Hồ Chí Minh vẫn tồn tại ở Quảng Đông, “nhờ liên hệ với phong trào giải phóng dân tộc không cộng sản, kể cả với nhóm tả phái trong Quốc Dân Đảng Trung Hoa.” (10)

Ba tháng sau biến cố tháng 4, trung ương Quốc Tế Cộng Sản ra tuyên bố kết án Quốc Dân Đảng Trung Hoa là phản động, và chỉ thị Cộng Sản Trung Quốc cảnh giác. Nhưng, tác giả trích Harold Isaacs,

“(Quốc Tế Cộng Sản) vẫn khuyên (Cộng Sản Trung Quốc) hãy ở lại trong Quốc Dân Đảng bằng cách áp dụng sách lược mặt trận thống nhất từ dưới, nghĩa là hành động trong quần chúng vô sản … xây dựng những tổ chức lao động… tăng cường các nghiệp đoàn … chuẩn bị quần chúng lao động hòng chuẩn bị cho những hành động quyết định… vũ trang cho công nhân và nông dân… tổ chức một bộ máy đảng đấu tranh bất hợp pháp có trình độ.” (11)

Qua trưng dẫn trên, dù biết rõ “kẻ thù” là phản động, Quốc Tế Cộng Sản vẫn khuyên đồng chí không xa lìa mà cần ở lại tổ chức địch để tổ chức và tăng cường lực lượng của mình. Hồ Chí Minh đã thực thi đúng sách lược đó ở Hoa Nam với tổ chức Thanh Niên vào thời gian này và gần hai chục năm sau tại Việt Nam: Liên hiệp với các đảng đối lập dùng uy tín của họ củng cố lực lượng mình, tiêu diệt lực lượng địch. Sách lược thống nhất và liên hiệp với phong trào giải phóng dân tộc chỉ là diệu kế để tiêu diệt các tổ chức không cộng sản.

Chương 4, tác giả dựa vào tài liệu của Trung Tâm Lưu Trữ Tài Liệu Liên Bang Nga cho biết:

“Tháng 9-1927, Quốc Tế Cộng Sản ra huấn thị cho công việc tương lai của Hồ và phái ông ta sang Paris vào tháng 11 để phối hợp kế hoạch với ủy ban Thuộc địa của đảng Cộng Sản Pháp. Lúc này đảng Pháp Cộng lãnh trách nhiệm nuôi dưỡng cộng sản ở Đông Dương, nhưng trong thực tế các thành viên của đảng CS Pháp làm việc dưới sự kiểm soát chặt chẽ từ Mạc Tư Khoa.” (12)

Liền sau đó tác giả nói rõ:

“Mặc dầu Quốc Tế Cộng Sản đã hết ảo tưởng với Trung Hoa Quốc Dân Đảng, những huấn thị mà Hồ Chí Minh mang theo sang Paris đã phản ánh sách lược mặt trận thống nhất với các lực lượng dân tộc. Bản huấn thị hai trang ghi “Quốc phải giúp hợp nhất các người cách mạng dân tộc trong số di dân Đông Dương (trước tiên ở Paris, rồi trên cả nước Pháp), bằng cách tạo ra một cái nhân cộng sản trong số những phần tử dân tộc đó…” (13)

Tác giả có vẻ muốn chứng minh Hồ ít liên hệ và ít được Quốc Tế Cộng Sản giúp đỡ nên đưa ra những trường hợp Hồ chí Minh không được ưu đãi hay ủng hộ, tuy nhiên những điều này lại cho thấy Hồ Chí Minh luôn lệ thuộc Quốc Tế Cộng Sản. Chẳng hạn trong đoạn đầu chương 4, tác giả viết:

“Mùa đông năm ấy (1927) Quốc Tế Cộng Sản quá bận rộn vì những vấn đề quan trọng hơn chuyến đi của Hồ Chí Minh… Nhưng đến tháng 4 Hồ vẫn chẳng nhận được tin tức gì của Mạc Tư Khoa hay của Doriot. Quốc Tế Nông Dân cũng chẳng giúp được gì. Ông ta phải hỏi xin họ cấp 500 Mỹ Kim và cho một “kế hoạch tổ chức thực tiễn để tôi có thể hoạt động hữu ích” (14)

Dù muốn dù không, mấy hàng trên đã chứng minh khá rõ sự lệ thuộc của Hồ Chí Minh vào Liên Xô, từ tài chính đến kế hoạch hoạt động.

(Còn phần Kết)

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài do tác giả gởi; DCVOnline biên tập, minh hoạ và đề tựa. Chú thích của tác giả. Nguồn: Hồ Chí Minh, Nhận định tổng hợp, Minh Võ, Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, Tái bản lần 1, Virginia, 2006. Đăng lần đầu ngày 30-06-2008

(1) Tạm dịch Hồ Chí Minh, những năm chưa biết đến, 1919-1941, University of California Berkeley, Los Angeles 2002.

(2, 3, 4, 6) SĐD tr. 46-48, 59, 64-66, 88

(5) Bức thư tìm thấy trong hồ sơ Trung Tâm lưu trữ tài liệu Liên Bang Nga (RC, 495, 154, 594…)

(7) SĐD tr 102. Tác giả dẫn tài liệu của Trung Tâm lưu trữ tài liệu Nga số RC, 495, 154, 555, p. 5.

(8) SĐD tr. 103.

(9) Sách lược Xâm Lăng của CS – Minh Võ, Sài Gòn 1970, tr. 25.

(10) SĐD tr. 108.

(11) SĐD tr. 110. Về hai chữ từ dưới, xin nhắc lại là đã có lúc tác giả nói đến thống nhất từ trên, nghĩa là thống nhất giữa các cấp lãnh đạo 2 bên.

(12) SĐD tr. 111.

(13) SĐD tr. 116. Chúng tôi nhấn mạnh mấy chữ sách lược và cái nhân, để lưu ý độc giả đến âm mưu của Quốc Tế Cộng Sản chỉ muốn dùng người yêu nước như bình phong, cái vỏ bề ngoài để che giấu và củng cố cái cốt lõi cộng sản của họ ở bên trong. Không có cái vỏ “sách lược mặt trận dân tộc”, thì không tạo được cái nhân, hoặc không bảo vệ được cái nhân cộng sản.