Người bị chụp mũ “cộng sản” thắng kiện

DCVOnline (Tin Olympian, AP, Northwest Asian Weekly)

Năm 1978, Đức Tân, một cựu trung úy bộ binh của quân lực  Việt Nam Cộng hòa, bỏ nước CHXHCN Việt Nam, vượt biển ra đi và thuyền của ông bị lật úp ở biển Đông. Tám người chết đuối, nhưng ông Tân đã kéo được vợ và con gái đến một chiếc thuyền đánh cá đang đến cứu và đưa họ vào bờ Mã Lai.

Năm 1979, gia đình ông định cư ở Olympia. Hôm thứ Năm tuần rồi, ông Đức Tân, 65 tuổi, ngồi ở tòa án Olympia, tiểu bang Washington, nghe bồi thẩm đoàn quyết định năm bị cáo, những người trước đây đã từng chụp mũ ông thân cộng sản, phải bồi thường cho ông 225.000 đô-la.

Những bị cáo này đã tuyên bố ông Tân thân cộng trong một bản thông báo đăng trên mạng internet và qua những bài báo khác đăng trên báo của người Mỹ gốc Việt ở địa phương trong năm 2003.

Quyết định của bồi thẩm đoàn hôm thứ Năm đã chấm dứt cuộc tranh tụng kéo dài 5 năm. Tòa án quyết định những bị cáo phải bồi thường ông Đức Tân 225.000 đô-la và 85.000 đô-la cho hội của ông, mang tên Cộng đồng người Việt ở hạt Thurston (VCTC).

Sau khi Tòa tuyên án, Đức Hứa của VCTC nói,

 “Tôi thấy rằng đây là một cơ hội cho cộng đồng đoàn kết với nhau. Hy vọng, kết qủa phiên tòa hôm nay sẽ ngăn ngừa những nhóm khác chụp mũ cộng sản lên người khác. Chúng ta có thể xây dựng một cộng đồng tốt cho tiểu bang Hoa Thạnh Đốn và cũng như Hoa Kỳ.” 

Đức Hứa
Duc Tan (trái) và Duc Hua của VCTC đã được tòa tuyên án buộc những bị cáo bồi thường $225,000 vì tội phỉ báng. (Ảnh Don Pham, báo Người Việt Tây Bắc)

Ông Đức Tân nói,

“Tôi lấy làm mừng chuyện chấm dứt ở đây. Tôi hy vọng điều này sẽ là một tiền lệ để cho ai có ý định chụp mũ người khác là cộng sản phải nghĩ lại một cách thận trọng hơn. Ưu tiên hàng đầu của tôi hiện nay là xây dựng lại tăm tiếng cho Trường Việt Ngữ.”

Đức Tân

Trước khi toà tuyên án, luật sư của những bị can, ông Nigel Malden nói rằng ông sợ rằng án lệnh chống thân chủ của ông sẽ là một việc chống lại sự tự do ngôn luận. Malden nói,

“Điều này khóa miệng chuyện bàn luận về chính trị đang xảy ra. Một nhân vật có tên tuổi phải chấp nhận mọi sự chỉ trích. Ông ta phải sẵn sàng chấp nhận mọi thách đố.”

L.s Nigel Malden

Cô Thanh Tân, một trong ba người con gái của ông Đức Tân, nói rằng việc chụp mũ này gây tổn thương đặc biệt cho cha cô bởi vì chủ nghĩa cộng sản là điều ông ghét nhất trên đời. Như là bằng chứng, cô Thanh Tân đã trưng ra những tấm hình chụp cha cô đang biểu tình phản đối chính quyền cộng sản Việt Nam ở Quốc hội tiểu bang, thành phố Olympia trong những năm cuối thập niên 70. Thanh Tân nói,

“Nói rằng cha tôi đã không làm gì để chống lại chủ nghĩa cộng sản, đó là điều gây thương tổn nhiều nhất.”

Thanh Tân

Phiên tòa đã mất ba tuần để bồi thầm đoàn đi đến phán quyết sau cùng này là một bài học về văn hóa cho người Mỹ gốc Việt Nam, những người đã rời bỏ một Việt Nam cộng sản nhìn về mình và những người khác như thế nào sau hơn 30 năm ngày Sài Gòn sụp đổ, đánh dấu ngày chấm dứt cuộc Chiến tranh Việt Nam. Phó chủ tịch Ban Nghiên cứu Người Hoa Kỳ gốc Á ở đại học UC Irvine, Linda Vo nói,

“Chụp mũ một người nào đó cộng sản là một  cách dễ dàng để làm mất uy tín người đó trong cộng đồng.”  

Linda Vo

Bà Vo nói rằng ở Nam Cali nơi có nhiều người Mỹ gốc Việt đông nhất trong số công dân Mỹ sinh ở nước ngoài – chính trị gia, ca nhạc sĩ và báo chí – hết thảy đều bị chụp mũ cộng sản. Bà nói thêm, “Rất nhiều sự chụp mũ loại này là vô căn cứ.”

Những người bị chụp mũ có thể mất việc, hoặc cơ sở kinh doanh của họ bị tẩy chay hay ngay cả bị hăm dọa đến tính mạng.

Bà Vo nói, dán cho ai đó cái nhãn cộng sản là một cách hiệu qủa nhất để gây tai tiếng trong cộng đồng Việt Nam vì rất nhiều di dân Việt Nam thuộc thế hệ đầu tiên đến Mỹ hoặc đã bị nhà nước cộng sản giam tù và tra tấn hay biết một ai đó đã từng bị tù và ngược đãi như thế.

“Họ sẽ không bao giờ quên hay tha thứ những người cộng sản.”

Linda Vo

Mặc dù chuyện chụp mũ cộng sản nhằm bôi nhọ uy tín lẫn nhau không phải là điều mới mẻ gì, nhưng nộp đơn kiện người chụp mũ ra tòa vì vu khống để ngăn chận nó là một hiện tượng đặc biệt ngày càng nhiều gần đây.

Những bị cáo đã từng chụp mũ ông Tân, cũng đồng thời nhắm vào hội VCTC, là một tổ chức giúp người tị nạn Việt Nam ở Hoa Kỳ và khuyến khích  di dân gốc Việt duy trì truyền thống và văn hóa Việt Nam.

Theo những gì được trình bày ở phiên tòa, hiện có khoảng 60.000 người Mỹ gốc Việt Nam đang sống ở tiểu bang Hoa Thạnh Đốn (Washington state).

Đơn kiện cho hay, bắt đầu từ năm 2003, những người vu khống ông Tân, được xác định qua đơn kiện – Norman Le, Phiet Nguyen, Dat Ho, Nga Pham và Nhan Tran – đã có những quy chụp nhắm vào ông Tân và tổ chức VCTC bằng hằng loạt e-mails gởi cho cộng đồng Việt Nam trên khắp thế giới, và cũng như những bài viết kết án ông Tân đăng trên báo của người Mỹ gốc Việt.

Từ đó, thành viên trong ban quản trị VCTC đã giảm từ 15 xuống 4 người; ông Tân cho đó là vì những người có khả năng đóng góp e ngại họ rồi cũng bị chụp mũ là cộng sản nếu họ tham gia sinh hoạt với tổ chức này.

Cô Thanh Tân nói chuyện người đồng hương tị nạn cộng sản quay qua vu khống lẫn nhau là một trong những điều buồn nhất của phiên tòa kéo dài trong ba tuần lễ qua. Cô nói,

“Những ai liên quan đến chuyện này đều là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản. Nó làm tôi tan nát cõi lòng khi thấy người tị nạn đồng hương đã vu khống cha tôi là một người cộng sản khi rõ ràng cha tôi là một người chống cộng sản.” 

Thanh Tân

Thật đau lòng khi nhìn thấy cha mình phải chịu đựng sự căng thẳng khi bị dán cái nhãn cộng sản, cô nói thêm.

“Cái gía, cả tinh thần lẫn thể xác, mà cha tôi đã phải trả biểu lộ rõ ràng trong một thời gian.”

©2009-2023 DCVOnline


Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

Nguồn: Tin đăng lần đầu ngày 20-04-2009

  1. Olympia man wins defamation suit over “communist” label. The Olympian, by Jeremy Pawloski, 17 April 2009
  2. Vietnamese man wins defamation case. The Associated Press, 17 April 2009
  3. Not a communist: Vietnamese man wins defamation case, Northwest Asian Weekly, April 22, 2009.