Kinh nghiệm Phong kiều

枫桥经验

Nhân viên CMP | Trà Mi

Là di tích của thời Mao Trạch Đông, “kinh nghiệm Phong kiều” đề cập đến một lối cai trị xã hội đã được thần thoại hóa quá nhiều, đơn giản nó ra lệnh cho quần chúng ở cấp địa phương tiến hành “sửa sai” tại chỗ cái gọi là “những phần tử phản động” trong xã hội.

Ảnh chiếc cầu cổ ở thị trấn Phong kiều ở tỉnh Chiết Giang. Ảnh: そらみみ (Soramimi)

“Kinh nghiệm Phong kiều” là tiến trình vận động quần chúng nhằm “củng cố chế độ chuyên chính đối với kẻ thù giai cấp”. Nó được đặt theo tên của thị trấn Phong kiều (枫桥镇), ngày nay là một phần của thành phố Chư Kỵ thuộc tỉnh Chiết Giang. Nhiều người cho rằng mặc dù hoàn toàn không phù hợp với một Trung Hoa đương đại, pháp trị theo Hiến pháp, “Kinh nghiệm Phong kiều” đã trở lại một cách nổi bật dưới thời Tập Cận Bình, đi vào ngôn ngữ chính thức về pháp trị và công an.

Để hiểu cái gọi là “Kinh nghiệm Phong kiều”, có hai điểm căn bản chính phải được hiểu trước tiên. Đầu tiên là vào năm 1962, trong Phiên họp toàn thể lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Hoa khóa 8, Mao Trạch Đông lại nêu ra nguy cơ “đấu tranh giai cấp” (阶级斗争). Trên thực tế, chính tại cuộc họp đó, Tập Trọng Huân (习仲勋), cha của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, đã bị thanh trừng sau khi bị buộc tội sai lầm là lãnh đạo một nhóm chống Đảng. Điểm thứ hai là vào năm 1963, Mao Trạch Đông đã phát động Phong trào Giáo dục Xã hội Chủ nghĩa (社会主义教育运动), còn được gọi là Phong trào Bốn Sạch (四清运动, tứ thanh vận động). Thực chất đây là một âm mưu nhằm nhổ tận gốc những phần tử trong Đảng mà Mao coi là “phản động.”

Trên thực tế, nhóm chữ “Kinh nghiệm Phong kiều” không được đăng trên Nhân dân Nhật báo vào những năm 1960 và trong hầu hết những năm 1970. Nhưng đây là cách lãnh đạo cao cấp của Đảng ở Quận Phong kiều phản ảnh về Bốn cuộc thanh trừng trên tờ Nhân dân Nhật báo chính thức mười bốn năm sau, vào ngày 21 tháng 12 năm 1977:

“Năm 1963, bẩy xã trong huyện tôi, dưới sự lãnh đạo của tổ công tác tỉnh ủy Chiết Giang và lãnh đạo tỉnh, huyện, đã tổ chức nhóm chiến dịch giáo dục xã hội chủ nghĩa đầu tiên. Trong phong trào này, thực hiện lời răn lớn của Mao là “không bao giờ quên đấu tranh giai cấp”, quần chúng đã được huy động, bạn thù phân định, bốn loại hoạt động phá hoại do phần tử phản động thực hiện (四类分子, tứ loại phần tử) bị vạch trần triệt để. Khi đó, một số cán bộ, người hoạt động ở cơ sở, đầy nhiệt huyết cách mạng, đã yêu cầu truy bắt mọi phần tử phản động có hành động phá hoại. Trước hoàn cảnh đó, chúng tôi đã tổ chức cán bộ và quần chúng nghiên cứu hàng loạt đường lối, chính sách đấu tranh chống kẻ thù của Mao. Qua công tác chính trị – tư tưởng chi ly và một chiến dịch nghiên cứu, tranh luận sâu rộng, nhận thức của cán bộ và quần chúng đã được nâng cao, nhận thức rằng bằng sức mình mới có thể đối phó và cải tạo được kẻ thù. Điều này đã vượt qua sự phụ thuộc đơn giản. . . vào phương pháp bạo lực, thay vào đó dựa vào quần chúng phân loại, liệt kê kẻ thù, tiến hành đấu tranh bằng giáo dục, kiểm điểm, giải thích và cũng dựa vào quần chúng giám sát, chấn chỉnh tại địa phương. Kết quả là không một người nào bị bắt và phần lớn kẻ thù vẫn bị thanh toán.”

Những cái gọi là “phần tử phản động” hay tứ loại phân tử (四类分子), ám chỉ địa chủ, nông dân giàu có, những kẻ phản cách mạng và những kẻ làm điều ác (坏分子, phôi phân tử). Một cuộc điều tra tiếp theo, thực hiện sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc và được đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo ngày 5 tháng 2 năm 1979, cho thấy dân số của Phong kiều là 130.000 người, trong đó khoảng 3.000 người được xác định là “phần tử phản động.” Điều đó có nghĩa là cứ 50 người ở Phong kiều thì có 1 người bị coi là “kẻ thù.” Cuộc đàn áp những người như thế này trên khắp đất nước là một phần của bối cảnh chính trị khủng khiếp thời đó.

Năm 1963, nhóm công tác của tỉnh ủy Chiết Giang đã tóm tắt những phương pháp đã dùng ở Phong kiều trong một tài liệu có tên “Kinh nghiệm đấu tranh chống địch trong phong trào giáo dục xã hội chủ nghĩa ở quận Phong kiều, huyện Chư Kỵ” (诸暨县枫桥区社会主义教育运动中开展对敌斗争的经验). Trong Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc năm 1963, Bộ trưởng Bộ công an, Xie Fuzhi (谢富治, Tạ Phú Trị), đã có bài phát biểu mang tên “Dựa vào sức mạnh của quần chúng, tăng cường chế độ chuyên chính dân chủ nhân dân, biến đa số ‘những phần tử phản động’ thành những con người mới” (依靠群众力量,加强人民民主专政,把绝大多数“四类分子”改造成新人). Bài phát biểu của họ Tạ đã đề cập cụ thể đến ví dụ do Phong kiều đưa ra.

Vào ngày 20 tháng 11 năm 1963, Mao Trạch Đông đã ra chỉ thị bằng văn bản vào bài phát biểu của Xie Fuzhi, trong đó Mao nói: “Tấm gương của Chư Kỵ nêu ra ở đây là một tấm gương tốt — những vùng khác nên noi gương này, mở rộng công tác bằng những chương trình thí điểm”. Hai ngày sau, vào ngày 22 tháng 11, Mao Trạch Đông đã nói chuyện với Thứ trưởng Bộ Công an, Vương Đông Hưng (汪东兴):

“Trong tất cả những công việc do Bộ Công an thực hiện, quan trọng nhất là vấn đề làm thế nào để làm việc giữa những cơ quan quần chúng, làm thế nào để giáo dục, tổ chức họ để họ tham gia vào công việc chung của công an. Đánh giá theo kinh nghiệm của Chư Kỵ, một khi quần chúng đã trỗi dậy, họ có thể làm mọi việc tốt như và mạnh như đồng chí . Đừng quên huy động quần chúng.”

Mao Trạch Đông

Hàm ý trong nhận xét của Mao là giới chức công an không nên chỉ tập trung vào việc bắt giữ “những phần tử phản động” mà phải tổ chức quần chúng để “giáo dục” và cải tạo họ. Trước Cách mạng Văn hóa, Bộ công an đã công bố tài liệu về Phong kiều, nhưng Nhân dân Nhật báo chưa bao giờ đưa tin về những tài liệu này. Ngày 21 tháng 12 năm 1977, Nhân dân Nhật báo đăng bài viết của lãnh đạo Đảng cao nhất huyện Phong kiều như đã trích dẫn ở trên. Tác phẩm đó có tên là “Giương cao lá cờ đỏ Phong Kiều do Mao Trạch Đông dựng lên, dựa vào quần chúng để củng cố chế độ độc tài” (高举毛主席树立的枫桥红旗 依靠群众加强专政). Đây là phần giới thiệu đầu tiên về cái được gọi là “Kinh nghiệm Phong kiều” (枫桥经验, Phong kiều Kinh nghiệm):

“Trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù, việc bắt giữ một số nhỏ kẻ thù giai cấp là cần thiết và đúng đắn; còn người có thể lựa chọn bắt hay không thì không nên bắt; phải huy động quần chúng đấu tranh lý trí, đối phó với kẻ thù, giám sát và cải tạo tại chỗ, không cần trình vấn đề lên cấp trên. Kinh nghiệm này đã được nhà lãnh đạo, người thầy vĩ đại Mao Trạch Đông khẳng định và ca ngợi.”

Vào ngày 5 tháng 9 năm 1978, Nhân dân Nhật báo đăng một bài xã luận chính thức có tựa đề “Cải chính và tăng cường công tác an ninh công cộng” (整顿和加强社会治安工作). Ông kể về việc “Quận Phong kiều thuộc huyện Chư Kỵ, Chiết Giang đã dựa vào quần chúng để tiến hành chấn chỉnh tại chỗ những phần tử phản động, cải tạo đại đa số họ thành những người lao động tự lực cho pháp luật.” Bài báo viết: “Kinh nghiệm thành công của họ đã được Mao Trạch Đông ca ngợi và được biết đến như một lá cờ đỏ ở tiền tuyến của công an.”

Kinh nghiệm Phong kiều cho Kỷ nguyên Mới

Cho đến gần đây, không có nhân vật lãnh đạo hàng đầu nào của Trung Hoa kể từ Mao Trạch Đông từng được tờ Nhân dân Nhật báo hoặc các phương tiện truyền thông nhà nước khác trích dẫn công khai đưa ra nhận xét về “Kinh nghiệm Phong kiều”. Không phải Đặng Tiểu Bình. Không phải Giang Trạch Dân. Không phải Hồ Cẩm Đào. Nhưng vào năm 2013, đánh dấu kỷ niệm 50 năm chỉ thị bằng văn bản của Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình đã phá vỡ khuôn mẫu này bằng cách ban hành “những chỉ thị quan trọng về phát triển ‘kinh nghiệm Phong kiều’.”

Kể từ lễ kỷ niệm năm 2013, phương tiện truyền thông của Đảng-nhà nước Trung Hoa đã nhấn mạnh rằng “sức sống của kinh nghiệm Phong kiều nằm ở việc nó đi theo đường lối đại chúng.” Khái niệm này bao giờ cũng chỉ nói về đấu tranh giai cấp, chứ không bao giờ nói về, như truyền thông Đảng-nhà nước đã đưa tin, “sử dụng tư duy pháp lý và các phương pháp pháp lý để giải quyết các vấn đề và căng thẳng liên quan đến lợi ích sống còn của quần chúng.”  Và đường lối quần chúng của Mao Trạch Đông luôn là tổ chức quần chúng để kiểm soát những kẻ ác ôn, về việc thực hiện “chuyên chính quần chúng” (群众专政). Những ý tưởng này là những cực khác với những ý tưởng hiện đại về pháp trị. Vậy tại sao Tập lại quan tâm đến việc làm mới và trưng bày khái niệm này ? Tại sao lại nói đến “kinh nghiệm Phong kiều cho Kỷ nguyên Mới” (新时代 “枫桥经验”, tân thì đại “phong kiều kinh nghiệm”)?

Tân thì  đại “Phong  kiều Kinh nghiệm”. Zhejiang People’s Publishing House (Sept. 1 2018)

Phần lớn ngôn ngữ của ĐCSTH về an ninh công cộng và quản lý xã hội thời Tập hiện nay nhấn mạnh đến “đường lối quần chúng”, truyền bá ý tưởng về căn bản là quần chúng hoặc công chúng phải tham gia vào tiến trình Đảng cai trị. Đây không phải là việc lôi kéo công chúng tham gia quản lý, một ý tưởng không phù hợp với một Đảng cầm quyền đã từ chối một xã hội dân sự lành mạnh hoặc những phương tiện truyền thông độc lập hơn. Đúng hơn, đó là việc huy động công chúng –- kể cả thông qua các công cụ kỹ thuật số mới –- để đạt được tốt hơn những mục tiêu cai trị của Đảng,gồm cả an ninh công cộng.

Có thể thấy một ví dụ về kỹ thuật cho phép quản lý “đường dây đại chúng” có thể minh họa cho quan niệm đương đại về “Kinh nghiệm Phong kiều” trong đường dây nóng do Cục quản lý không gian mạng Trung Hoa thành lập vào tháng 4 năm 2021, trong đó khuyến khích công chúng báo cáo những phần tử trên internet và trên mạng xã hội chỉ trích ĐCSTH và lịch sử của nó, mạng xã hội sau này gọi một cách miệt thị là “chủ nghĩa hư vô lịch sử” (历史虚无主义, lịch sử hư vô chủ nghĩa).

Nhưng “Kinh nghiệm Phong kiều” cũng đã được áp dụng vào việc áp dụng chi tiết ở địa phương về kiểm soát chính trị và xã hội qua các ủy ban khu phố, công ty và các đơn vị khác ở cấp cơ sở. Vào ngày 26 tháng 11, Chen Yufan (陈羽凡, Trần Vũ Phàm), thành viên của nhóm nhạc rock nổi tiếng Yu Quan (羽泉, Vũ Tuyền), đã bị bắt tại Bắc Kinh cùng với bạn gái vì tội sử dụng và tàng trữ ma túy. Theo một bài đăng trên danh khoản WeChat chính thức của cảnh sát ở quận Shijingshan (石景山, Thạch Cảnh Sơn) phía tây thành phố, Vũ Phàm đã bị bắt tại “một khu dân cư địa phương” sau khi cảnh sát nhận được “tố cáo của quần chúng” (群众举报, quần chúng cử báo). Thành viên của nhóm cung cấp thông tin dường như là người của một “tổ chức quần chúng” hay qunzhong zuzhi (群众组织) được biết đến với cái tên “Hàng xóm cũ của Thạch Cảnh Sơn” (石景山老街坊). Ở Bắc Kinh, đây là một trong số các nhóm cộng đồng khá nổi tiếng và có hồ đầy đủ. Những nhóm khác  gồm cả những người như “Quần chúng Triều Dương” (朝阳群众), “Người dùng Internet Hải điến” (海淀网友), “Má hai Tây Thành” (西城大妈, tây thành đại ma) và “Đội cố vấn Phong thai” (丰台劝导队). Những nhóm này chỉ  vào việc áp dụng “Kinh nghiệm Phong kiều” như một phần của hệ thống cai trị xã hội “đổi mới” mới nổi của Trung Hoa.

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn:  Fengqiao Experience | CMP STAFF   | https://chinamediaproject.org/  | APR 16, 2021