Quyền được nói

Mít Tờ Đỗ

freethinkingPhương Uyên và Nguyên Kha thường được miêu tả là những “đứa trẻ”, “cô bé, cậu bé”, “gương mặt thánh thiện, thiên thần”…, thậm chí có người gọi là “bồng bột”.

Đáng buồn là những miêu tả ấy lại đến từ các cảm tình viên của hai công dân vừa bị phạt án tù nói trên. Tôi có cảm giác rằng cách miêu tả ấy là nhằm tô đậm sự tố cáo đối với phiên tòa, nhưng làm như vậy e rằng hạ thấp các nhân vật mà chủ nhân của các diễn đạt trên muốn ủng hộ, tôn vinh.

Cần phải xem xét Phương Uyên và Nguyên Kha là những công dân trưởng thành. Họ có tất cả quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của những công dân trưởng thành. Hành vi của họ là hành vi của người trưởng thành, với tất cả ý thức về đất nước, về dân tộc, về trách nhiệm bản thân và ý thức về hệ thống pháp luật hiện hành và lẽ ra phải thế. Họ không phải là những “cháu”, “con”, “các em”… của những bậc cha chú, anh chị luôn đặt mình ở trên cao, ngay cả khi muốn tôn vinh, biểu dương ai đó thì cũng cứ luôn đặt mình ở trên cao.

Tôi không đủ thông tin từ những nguồn mà tôi có thể kiểm chứng được về nội dung hành động của Phương Uyên và Nguyên Kha để có thể ủng hộ hay phản đối các nội dung đó. Nhưng, như Evelyn Beatrice Hall khi nói về Voltaire đã đúc kết, “tôi không đồng ý với điều anh nói, nhưng tôi thà chết để bảo vệ quyền được nói của anh.” (1)

Quyền được nói mới là điều quan trọng, là mấu chốt, nội dung của hành động – là “yêu nước” hay “ghét nước” dưới hình thức ngôn từ – chỉ là thứ yếu. Mà cơ sở để phán xét “yêu nước” hay “ghét nước” thường là cảm tính và có thể cãi nhau đến tết Congo. Khai thông được chỗ đó, sẽ thấy việc Phương Uyên, Nguyên Kha rải cờ 3 sọc và truyền đơn “chống chính quyền”, “đả đảo Trung Quốc xâm lược” (giả sử như thế)… không khác với một người X, Y nào đó treo cờ 100 sọc, rải truyền đơn “Mỹ cút đi, không được phá hoại tình hữu nghị Việt – Trung”…, nếu lấy tinh thần tự do làm nền tảng.

Và rằng, một hệ thống luật pháp tiến bộ và một chính quyền đủ tự tin sẽ không có việc gì phải làm với hành động của Uyên, Kha hay của X, Y cả.

Oái ăm là, trong khi chính quyền khai thác yếu tố “ghét nước” trong hành động của Phương Uyên và Nguyên Kha là một nhẽ, thì phía kia lại tập trung khai thác yếu tố “yêu nước” trong nội dung hành động của hai người này. Việc khai thác theo chiều hướng nào những yếu tố trên đều, theo quan điểm cá nhân tôi, là những thủ đoạn chính trị không nên được cổ súy, ủng hộ.

Sau rốt, ngoại hình của Nguyên Kha, Phương Uyên, dù “thánh thiện” hay không, cũng không liên quan gì đến tính chất hành động của họ và bản án tù mà họ vừa lãnh. Tương tự, X và Y, nếu khuôn mặt có ác quỷ, cũng không liên quan gì tới hành động “100 sọc” hay chống Mỹ của họ.

Benjamin Franklin, 1722. Nguồn: Wikipedia.org
Benjamin Franklin, 1722. Nguồn: Wikipedia.org

Nguồn: Mít Tờ Đỗ. Facebook, 17/5/2013

DCVOnline đề tựa minh họa và chú thích

(1) Trích dẫn trên của tác giả Mít Tờ Đỗ từ cuốn “The friends of Voltaire”, trong chương “ của Evelyn Beatrice Hall (1906), nguyên văn là:

“I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it,” was his attitude now.
[“Tôi không đồng ý với điều anh nói, nhưng tôi bảo vệ, đến chết, quyền được nói của anh,” là thái độ của ông ấy]

Dấu ngoặc kép (“”) trong nguyên bản của Hall đã đưa đến sự hiểu lầm cho người đọc, tưởng rằng đó là lời nói của Voltaire. Thực ra Hall chỉ tóm lược lại thái độ (quan điểm, “attitude”) của Voltaire. Sự hiểu lầm này đã được đăng lại như lời nói của Voltaire trong “Quotable Quote” trên tạp chí Reader’s Digest (June 1934). Sau đó Hall đã đính chính lại như sau:

“I did not mean to imply that Voltaire used these words verbatim and should be surprised if they are found in any of his works. They are rather a paraphrase of Voltaire’s words in the Essay on Tolerance — “Think for yourselves and let others enjoy the privilege to do so too.” [Saturday Review (11 May 1935), p. 13]

Như thế câu nói của Voltaire về chủ đề tự do tư tưởng, trong Luận văn về sự Khoan dung là “Pensez par vous-mêmes et laisser les autres le privilège de le faire, aussi.”- Voltaire. [“Think for yourselves and let others enjoy the privilege to do so too.” “Hãy tự suy nghĩ cho mình và để cho người khác cũng được hưởng quyền tự tư duy như thế. Voltaire, Essay on Tolerance.]

5 Comments on “Quyền được nói

  1. Phải Chăng Yêu Nước Là Có Tội ?

    http;//radiochantroimoi;com/uncategorized/phai-chang-yeu-nuoc-la-co-toi.html

    Theo các bạn trẻ này, bản án “đầy tính độc ác” này chỉ nhằm 2 mục tiêu. Một là để làm hài lòng Bắc Kinh và chứng minh sự trung thành của những người lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN đối với Bắc Triều. Hai là để răn đe giới trẻ Việt trên cả nước không nên tham gia vào những nỗ lực bảo vệ đất nước nữa.

    • Bác Tâm Việt nói hơi quá . Trừ phi là người Việt mà yêu nước Việt thì mới có tội . Chứ như Kụ Káo nhà tôi tha thiết yêu nước Tầu thì có bị ngược đãi chi mô . Lại còn được cho ướp xác vinh danh nữa đấy !
      Các cháu ngày nay dại dột quá . Ai lại bõ công đi yêu nước mình, chẳng lợi lộc gì sất . Sịt ! Suốt cả mấy thế hệ khởi nguồn từ Kụ Káo tôi, yêu tổ quốc Liên Sô, yêu mẫu Quốc Trung hoa vĩ đại … Mỗi câu mỗi chữ đều tôn vinh Kụ Mao, Kụ Sít . Giá mà thằng Mỹ cút chậm một tị, thì giờ nước ta đã dẫn được năm trâu đi đến đại đồng rồi !

  2. Bựa! Đọc phải bài bựa!

    Đinh Nguyên Kha:
    “Tôi trước sau vẫn là một người yêu
    nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống
    Đảng cộng sản. Mà chống đảng thì không phải là tội”.

    Nguyễn Phương Uyên:
    “Ông Hồ Chí Minh nói: Một năm bắt đầu
    từ mùa xuân, con người bắt đầu từ tuổi trẻ. Tôi là sinh viên có lòng yêu
    nước. Nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì mọi người trẻ sẽ sợ hãi và
    không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước”.

    (Đọc thêm: https://anhbasam04.wordpress[.]com/2013/05/17/tieng-noi-uyen-kha-truoc-toa-loi-canh-tinh-cuoi-cung-cho-dang-csvn/)

    Lẽ dĩ nhiên, quyền được nói là điều căn bản và cần, nhưng “nội dung” vẫn luôn (rất) quan trọng, nhất là về những v/đ thiêng liêng như Tổ Quốc, Quê Hương … Chính “nội dung” quyết định rằng những người (nếu) có quyền được nói ấy sử dụng quyền ấy ra sao, biết nghĩ hay …đầu đất. Thời đại ngày nay, những thông tin dễ biết về Kha, Uyên không hề khó, nhất là muốn viết về họ, dù thậm chí (rằng thì là) chỉ “muốn” nói tới quyền của họ như t/g. Nhưng tác giả lại cố tình không (thèm) đả động tới bằng cách thòng câu “…từ những nguồn mà tôi có thể kiểm chứng được” hay lập lờ “yêu nước” hay “ghét nước” không quan trọng chỉ là thứ yếu blah blah …tôi cho là cách viết không lương thiện.

    Với người …biết viết chữ, biết rõ “quyền được nói” như tác giả mà đến giờ còn khó (!) phân biệt thế nào là “yêu nước”, thế nào là “ghét nước” rồi thậm chí chơi trò đánh bùn sang ao kiểu như đánh đồng hành động của Uyên, Kha với những X, Y tào lao xịt bộp thì, …dù có tôn trọng quyền của tác giả tới mấy lão phu cũng phải buột miệng: “Mja, không nói sợ người ta nghĩ là câm, nên nói bậy đấy phỏng?”! Có kết tội lão phu “bỏ bóng đá người” hay đánh tác giả, lão phu cũng …cứ nói (viết) thế đấy. Sic.

    Ý kiến riêng lão phu, nhá: viết bài, được đăng bài trên DCVonline này …không khó, nhưng chính “nội dung” bài viết, nội dung ý viết ra mới đánh giá rằng tác giả là Người hay …Ngợm!

    nguoivehuu

    • Theo tôi thì bài viết này rất có giá trị về mặt tư tưởng . Xứng đáng được chấm công điểm cao .
      Phương Uyên, Nguyên Kha đã được toà án giần cho chí tử . Nhưng còn bọn cổ động viên cho chúng cũng thập phần nguy hiểm cho chế độ chúng ta mà chửa ai ra tay nắn cốt . Vì thế, việc đồng chí Mít Tưa Đỏ cấp thời nhét giẻ vào mồm bè lũ ủng hộ viên Uyên-Kha là hành động rất đáng chân chọng và biểu giương .
      Nay kính .