Biển Đông tơi tả

Trần Khải

afpCó vẻ như nhà nước Bắc Kinh cũng không nương tay gì với đàn em xã hội chủ nghĩa Hà Nội, chứ đừng nói gì tới Manila, nơi trước giờ bị xem là đàn em của Mỹ.

Biển Đông. Nguồn: http://vi.wikipedia.org
Biển Đông. Nguồn: http://vi.wikipedia.org

Thế nhưng, Hà Nội đã triều cống những gì cho đàn anh Bắc Kinh, ngoài bản công hàm Phạm Văn Đồng ra? Có vẻ như không đủ gì, cho nên Biển Đông cứ bị vùi dập sóng cả?

Nửa thác Bản Giốc chưa đủ làm đàn anh vui? Hơn 300,000 mẫu rừng đầu nguồn cho thuê dài hạn chưa đủ làm đàn anh hài lòng? Xác ông Hồ để trong Lăng hướng đầu về phía Bắc chưa đủ bày tỏ ân tình với những người bênh vực hoàng hậu Tăng Tuyết Minh sao?

Báo Tiền Phong lại kể chuyện 16 tàu Trung Quốc bức hiếp một tàu cá Việt Nam. Hình ảnh mô tả là: “Từ Hoàng Sa trở về: Tàu cá Việt bị đâm tơi tả.” Bản tin Tiền Phong viết:

“Tàu cá QNg 90917 TS hành trình từ Hoàng Sa về Quảng Ngãi đã bị tàu Trung Quốc quyết liệt cản đường và suýt bị đâm chìm trên biển. Con tàu trở về với nhiều vết thương trên thân tàu, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

16 tàu quây 1 tàu

Tối 21/5, tàu cá QNg 90917 TS cùng 15 ngư dân cập bến Sa Cần (Bình Sơn, Quảng Ngãi) với nhiều vết thương trên thân tàu. Chủ tàu là Trần Văn Quang, thuyền trưởng tàu là Trần Văn Trung (ở xã Bình Thạnh, Bình Sơn).

Thuyền trưởng buồn rầu kể lại: “Chiều 20/5, tàu chúng tôi sau chuyến đánh bắt ở Hoàng Sa trở vào đất liền. Tại tọa độ 15 độ 21 phút bắc, 111 độ 28 phút đông, cách vùng biển Quảng Ngãi khoảng 130 hải lý thì gặp đoàn tàu Trung Quốc gồm 16 chiếc đi thành hai tốp. Mỗi chiếc đi cách nhau khoảng 3 hải lý. Đoàn tàu này hướng mũi sang tàu tôi và bắt đầu cản đường”.

Theo anh Trung, chiếc tàu sắt đầu tiên sơn màu trắng, mũi tàu mang số 32001 có in hình mỏ neo trên thân tàu màu trắng bạc và có chữ “China”. Trên tàu có người mặc áo quần giống cảnh sát biển Trung Quốc, mang dây đeo màu đen, không đội mũ. Tàu được trang bị súng ống đầy đủ…” (hết trích). 

Nghĩa là súng ống đầy đủ. Rồi tàu TQ đâm thẳng “vào mũi tàu gỗ. Tất cả ngư dân trên tàu hoảng loạn khi chiếc tàu nghiêng hẳn một bên, nước tràn vào khoang tàu. Biết chúng quyết dìm 15 ngư dân Việt Nam, ông Trung kéo hết ga cho tàu tháo chạy.”

Thế là gần chìm, vì theo lời Ông Trần Văn Quang, chủ tàu lý giải: “Chiếc neo này nằm cạnh mũi, khi tàu Trung Quốc đâm thẳng vào tàu chúng tôi thì chiếc neo đã bị đóng mạnh và ghim lút vào mũi tàu. Đây là cú đâm chí tử khiến tàu của chúng tôi gần chìm”.

Hà Nội có nên lên tiếng phản đối, y hệt như Đài Loan bắt Philippines phải xin lỗi hay không? Hẳn là không dám vậy, theo chúng ta đoán.

Trong khi đó, bản tin TTXVN cho biết Thái Lan vừa mới đề xuất một cuộc họp về vấn đề Biển Đông. Bản tin này viết:

“Hãng tin Nhật Bản Kyodo dẫn các nhà ngoại giao ASEAN cho biết ngày 23/5, Thái Lan đã đề xuất tiến hành cuộc họp các Ngoại trưởng ASEAN trong tháng 8 nhằm củng cố lập trường chung về vấn đề Biển Đông.

Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow đã nêu đề xuất này trong thời gian các quan chức cấp cao ASEAN nhóm họp tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei.

Ông cho biết những người đồng cấp với ông đang tham vấn với các Bộ trưởng của mình trước khi ấn định thời điểm cụ thể cho cuộc họp.

Cũng theo quan chức ngoại giao Thái Lan này, nhóm công tác ASEAN-Trung Quốc về Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) dự kiến nhóm họp vào ngày 29/5 tại Bangkok, thủ đô Thái Lan. Thái Lan hiện giữ cương vị điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc…” (hết trích).

Trong khi đó, RFI có bản tin cho biết, nhà nước Manila lại tố cáo nhà nước Bắc Kinh thôn tính thêm một bãi đá ngầm. Bản tin RFI viết:

“Trong một tin nhắn văn bản gởi đến hãng tin Pháp AFP, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết là một chiến hạm Trung Quốc cùng với hai tàu tuần tra và một đội tàu đánh cá vẫn đang hoạt động gần bãi ngầm Second Thomas Shoal.

Đối với phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, các chiếc tàu Trung Quốc “không có lý do gì để hiện diện trong khu vực đó” và cũng “không có quyền để ở đó”. Viên chức này xác định: “Không ai có thể nghi ngờ về quyết tâm của người Philippines trong việc bảo vệ những gì là của chúng tôi trong khu vực đó… Hải quân và lực lượng Tuần duyên của chúng tôi có nhiệm vụ thực thi pháp luật của nước cộng hòa (Philippines).”

… Second Thomas Shoal (tên Philippines là Ayungin Reef – tên Việt Nam Bãi Cỏ Mây) là một nhóm đá và rạn san hô tí hon ở vùng Trung Quốc, cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200 km (120 dặm) về phía tây bắc. Thực thể này hiện do Philippines kiểm soát, nhưng cũng bị Trung Quốc và Việt Nam đòi chủ quyền.

Bãi Second Thomas Shoal được một nhóm lính thủy quân lục chiến Philippines đồn trú trên một chiếc tàu thời Đệ nhị Thế chiến bị mắc cạn bảo vệ. Chính quân đội Philippines đã cố tình cho chiếc tàu đó mắc cạn vào cuối thập niên 1990 để làm nơi cho lính trú ngụ.

Bãi này chỉ cách Đá Vành Khăn khoảng 41 km (25 dặm) về phía đông, và cả hai thực thể địa dư này đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý được quốc tế công nhận của Philippines. Thế nhưng, vào năm 1995, Trung Quốc đã ngang nhiên chiếm lấy Đá Vành Khăn, và như vậy là đang âm mưu thôn tính nốt Bãi Cỏ Mây.

Chiến thuật của Trung Quốc được cho là tương tự như họ đã làm vào năm ngoái để giành quyền kiểm soát thực tế khu vực bãi Scarborough Shoal ở Biển Đông, cũng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và rất xa Trung Quốc.” (hết trích).

Than ôi, cứ mỗi năm chiếm một bãi đá như thế, trước sau gì Biển Đông có thể sẽ được Bắc Kinh đổi tên thành Biển Tây Tạng cũng chẳng ai làm gì nổi.

Một trí thức hải ngoại vừa đưa ra lời cố vấn đáng chú ý: RFI ghi nhận ý kiến của giáo sư Ngô Vĩnh Long, thuộc Đại học Maine (Hoa Kỳ), nói rằng Việt Nam phải tránh bàn song phương vì đó là tử lộ, và đồng thời phải xoáy vào lý luận về Hoàng Sa.

RFI ghi lời vị giáo sư này:

“…Nếu chúng ta lại nhấn mạnh vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, tức là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam, thì không khác gì chúng ta lại đi lùi, và nói rằng : « Đây là vấn đề giữa tôi với Trung Quốc, và chúng tôi sẽ bàn cãi những vấn đề luật pháp hay lịch sử với Trung Quốc, chứ còn các anh nước ngoài không nên dính dáng vào!”

Tôi nghĩ đó là tự mình cô lập mình. Đây là một vấn đề mà tôi cho là cần phải nghĩ lại…

…Nếu ai nhìn lại bản đồ sẽ thấy là khoảng cách giữa Hoàng Sa và Hải Nam chỉ có khoảng 175 dặm, nếu Trung Quốc muốn làm kẹt lưu thông của cả thế giới, thì nơi đó là yết hầu chứ không phải là ở dưới Malaysia hay Singapore.

Nếu đó là yết hầu, thì nếu vì Trung Quốc bắt chẹt thế giới nhiều quá mà đến một lúc nào đó, có một chiếc tiềm thủy đỉnh hay một chiếc tàu gì đó, chất chất nổ tông vào một số thuyền của Trung Quốc, thì sẽ gây ra một sự cố rất lớn cho toàn thế giới.

Cho nên thế giới phải nói với Trung Quốc rằng: “Anh đã chiếm Hoàng Sa một cách bất hợp pháp, đã giết người, nhưng theo luật quôc tế, tất cả các đảo Hoàng Sa, Trường Sa, v.v… không thể có lãnh hải dài hơn là 12 dặm”, để Trung Quốc đừng dùng Hoàng Sa và nói rằng là có EEZ 200 dặm, để bắt chẹt các nước nhỏ có thuyền bè đi sang vùng đó.

Trung Quốc kể như không dám làm như vậy với Mỹ, nhưng chúng ta phải nhìn trường hợp (chiếc quân hạm Mỹ) Impeccabble. Impeccable chỉ đến gần đảo Hải Nam khoảng 75 hải lý, mà Trung Quốc còn đưa tàu ra đụng huống chi các nước nhỏ.

Cho nên phải nhắc vấn đề này, cho thế giới biết rằng đây là sự nguy hiểm rất lớn, và vấn đề Hoàng Sa không phải là vấn đề song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà là vấn đề của toàn thế giới.” (hết trích).

Có cách nào hay hơn không? Chúng ta có thể thuyết phục thế giới quan tâm về Biển Đông hay không?

Thực tế, TQ đang trở thành một dạng hải tặc mới: chận cướp công khai, đối với các tàu cá ngư dân Việt. Tại sao chúng ta không kiện ra trước tòa án biển rằng có một đám hải tặc quậy như thế?

Thế rồi, Bắc Kinh sẽ nói rằng, chẳng phải cướp bóc gì cả, bởi vì chính taù Hải Quân VN cũng đã vắng mặt ở vùng biển này, không phải là Hà Nội đang lặng lẽ thi hành bản Công Hàm Phạm Văn Đồng sao?

Khó thật, Biển Đông không còn là bức dư đồ rách nữa, mà là bức dư đồ đã vào tay Bắc Phương rồi vậy.


Nguồn: Biển Đông Tơi Tả. Trần Khải, Vietbao.com