Hãy ngẩng mặt

Dương Hoàng Dung

saigonCái chính là thẳng thắn nhìn điểm sai và có can đảm để làm lại với tâm hồn rộng mở tình người.

Chương trình Thời sự VTV1, 19h, ngày 25/2 đưa phát biểu tại Vĩnh Phúc của TBT ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng như sau:

“ Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức … Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa!” (*)

Ngay sau đó bài viết trả lời của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên với tựa đề “Vài lời với TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng” đã như một quả bom nổ tạo cơn lốc dư luận và rúng động chế độ cầm quyền:

Nguyễn Đắc Kiên. Nguồn: OntheNet
Nguyễn Đắc Kiên. Nguồn: OntheNet

“Khác với tất cả những tiếng nói phản biện trước đây, lần này, nhà báo 29 tuổi Nguyễn Đắc Kiên đã lột truồng “Ông Vua Đỏ”, buộc ông ta phải đứng “tô hô” trước bàn dân thiên hạ, trong đó có mấy triệu đảng viên dưới quyền ông. Vượt trên sự can đảm bình thường, chỉ với tư cách người công dân Việt Nam Tự Do, anh đã đóng vào trán Nguyễn Phú Trọng, và cả cái đảng do ông ta cầm quyền sinh sát, dấu ấn của thái độ trâng tráo, xấc xược, tiếm danh, “ kiêu ngạo cộng sản.” (Bài tham khảo)

Kết quả ngay sau đó Nguyễn Đắc Kiên bị Báo Gia đình & Xã hội cho nghỉ việc đồng thời Lời Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do ra đời với chữ ký của hàng ngàn người khắp nơi trên thế giới.

Cũng trong thời điểm này bản án đang sẳn chờ cho hai sinh viên trẻ tuổi Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đang bị bắt giam trong tù vì có hành vi chống đảng CSVN. Qua diễn biến xảy ra tại phiên tòa xét xử Uyên & Kha đã cho thấy: kể từ khi Đảng CSVN nắm quyền tiếng nói đối lập của những người trẻ tuổi chưa bao giờ vang mạnh như thế.

Từ trước đó,cho đến cả hôm nay thỉnh thoảng chúng ta vẫn đọc được những bài viết về “Một thế hệ cúi đầu”… “Một thế hệ lạc lõng..” khi nói về những người trẻ tuổi. Tất cả những “ám từ” này đã bị xóa tan như bóng tối bị xua tan bởi ánh sáng mặt trời qua lời nói dõng dạc bất khuất kêu gọi các bạn trẻ “Hãy Ngẩng Mặt”, bài thơ của Nguyễn Đắc Kiên viết cho những người biểu tình vì Hoàng Sa – Trường Sa. Để từ đó khi nói về tuổi trẻ người ta phải viết đến “Một thế hệ không biết cúi đầu”.

Chỉ gần hai tháng sau tác phẩm “Hãy Ngẩng Mặt” đã được Tủ Sách Tiếng Quê Hương cho ra đời.

Sách Tiếng Quê Hương. Nguồn: DCVOnline
Sách Tiếng Quê Hương. Nguồn: DCVOnline

Sách chia 3 phần chính và 2 phần Phụ lục.

Phần chính gồm các bài thơ Nguyễn Đắc Kiên đã đưa lên trên mạng Web, đặc biệt những bài thơ ghi tiếng nói đấu tranh tự do,dân chủ trong khoảng thời gian Hà Nội có nhiều lần xuống đường biểu tình đòi chủ quyền biển đảo Hoàng Sa- Trường sa.Ngoài ra còn có một số bài thơ tình tự trong cuộc sống đời thường. Phần Chính luận kèm với bài viết cho TBT Nguyễn Phú Trọng là bức Thư ngỏ cho bản Tuyên Ngôn Công Dân Tự Do,cùng những bài viết trình bày quan điểm về định kiến, độc đảng …

Ở phần Phụ Lục I bên cạnh bản Tuyên Ngôn Công Dân Tự Do là những trang ghi lại danh sách 6630 người đã ký vào Bản Tuyên Ngôn. (đến tháng 03.2013 có khoảng hơn 8.700 người..)

Trong Phụ lục II tác giả Nguyễn Khoa Thái Anh đã dịch một số bài thơ của Nguyễn Đắc Kiên với đề tựa “Lift Up Your Face”.

Mở đầu phần I Tập thơ  “Những Số Không Vòng Trắng” Nguyễn Đắc Kiên đã gây ấn tượng với những dòng chữ ghi quả quyết:

Cho hết thẩy đồng bào tôi
nếu đọc hết tập thơ, bạn vẫn không suy tư,
tôi thất bại!

Và người đọc có thể nhận thấy rằng anh đã thành công ngay từ bài thơ đầu tiên.Bởi lẽ bài thơ “Hãy nhìn thẳng vào mắt kẻ bắt anh” không là tiếng kêu thét bức xúc phẩn nộ trước bạo quyền mà là giọng nói đầy trầm tĩnh,chở chất những suy tư đã được nghiền ngẫm trong trăn trở với tình yêu thương tổ quốc Tiếng nói những người xuống đường biểu tình trong tư thế đứng thẳng người của một công dân Tự do,đầy hy vọng, niềm tin vào chiến thắng của Lẽ phải,Công bằng.

“Hãy nhìn thẳng vào mắt kẻ bắt anh
Hỏi hắn xem có mẹ cha tiên tổ?
Hãy nhìn thẳng vào mắt kẻ bắt anh
Hỏi hắn xem có vợ con nòi giống?
Hãy nhìn thẳng vào mắt kẻ bắt anh
Hỏi hắn xem phải chăng cha ông chưa bao giờ đổ máu
Hỏi hắn xem đất dưới chân đang da diết kêu gì?
….

Yêu biết mấy những ngày Chủ nhật
Được ngắm nhìn những ánh mắt Tự Do
(Hãy nhìn thẳng vào mắt kẻ bắt anh -17/07/2011)

Bài thơ thứ hai “Vì người ta cần ánh mặt trời” trong phần I Tập Thơ “ Những Số Không Vòng Trắng” đã được Hội Pháp Việt Tương Trợ AFVE chọn trao giải thưởng Nguyễn Chí Thiện 2013. Có lẽ toàn bộ ban giám khảo đã dễ dàng quyết định để trao giải thưởng cho bài thơ có những lời kết như sau:

“…Tôi chưa thấy một đêm nào dài thế,
cũng chưa thấy có ngày mai nào không thể.
Vì người ta cần ánh mặt trời,
tỉnh dậy đi lũ chúng ta ơi.”
( Hà Nội – 25/02/2012)

Bài thơ thứ ba “Bởi vì tôi khao khát Tự do” viết tặng những người biểu tình ngày 9/12/2012 cũng xứng đáng lảnh thêm giải thưởng của dòng văn chương Tự Do.Những tiếng nói yêu Tự Do được viết lên trong nỗi khao khát,cháy bỏng.Cho thấy dẫu có bị giam sau những chấn song sắt tù ngục ý chí con người Tự do vẫn bay bỗng lên khoảng trời cao rộng, an nhiên, không sợ hải:

“…bắt nhà thơ giam vào trong ngục tối,
là mở ra ngàn thiên thể Tự do.
bắt Tự do giam vào trong ngục tối,
là mở ra ngàn thơ tứ Con người.
nếu một ngày tôi phải vào tù,
thì chắc chắn là nhà tù Cộng sản..
bởi vì tôi khao khát Tự do.
( N.Đ.K, 09/12/12)

Những Số Không Vòng Trắng” đã làm mạch nối liền dòng thơ từ thưở đất nước còn chiến tranh sang đến những ngày hòa bình.Khoảng không gian chiến tranh đầy máu lửa khiến nhà thơ Phạm Tiến Duật suy tư với “Những vòng trắng” vẫn chưa chấm dứt khi đất nước đã có hòa bình.Vẫn còn đó “Những vòng trắng” oan khiên:

…Đêm hôm nay,
trời Vụ Bản mù sương,
Đất không chiến tranh,
Đất vẫn nhoà vòng trắng.
(N.Đ.K, 09/05/2012 )

Không những thế,dòng thơ Nguyễn Đắc Kiên như được tiếp mạch chuyền từ thưở xa hơn,thưở Trần Dần đã trăn trở cùng “Nhân văn giai phẩm” ,trăn trở cùng những con chữ.

Những con chữ trong thơ Nguyễn Đắc Kiên hôm nay đứng lên nối hàng như những “hạt mưa sa trên màu cờ đỏ “đang lại tiếp tục nhỏ giọt theo từng hạt mưa rơi trên thành phố đã được “giải phóng”:

Saigon, mưa dêm. Nguồn: rachelchew.wordpress.com
Saigon, mưa đêm. Nguồn: rachelchew.wordpress.com

Đi giữa Sài Gòn
…trời mưa.
tôi đi.
phố vắng.
đêm dài.
chỉ có những hạt mưa.
khắc khoải.
như giọt nước mắt.
nước mắt cuộc đời.
chát mặn…
(Sài Gòn – 08/06/2008)

Khi nhắc đến một nhạc sĩ sáng tác nhạc hay người ta có thể kể ngay một số bản nhạc được nhiều người yêu thích.Chỉ qua tập thơ nhỏ của Nguyễn Đắc Kiên người đọc dễ tìm được bài thơ mình yêu thích.Bên cạnh những bài thơ như bay bỗng trong bầu trời tự do là những bài thơ chở chất từng phút giây,từng nhịp thở suy tư cùng đời sống cận kề như “Lương người có vợ”… “Phận bạc” … “Màu cuộc sống”…

Bỗng lời thơ lại xa vời về một cõi rất xưa,u buồn như một bài thơ cổ,lại chất chứa tình cảm ý nhị thâm trầm qua ánh mắt suy tưởng đầy triết lý nhân sinh:

…Một cành hoa héo cũng gần…
Một mùi hương cũng ba lần nghĩ suy”
(Lối xưa-14.10-2009)

Thú vị trong phần cuối tập thơ là vở kịch thơ ngắn 4 hồi,với tựa đề “ Auguste” dựa theo vở kịch “ Auguste được phong thần” trong Nhiệt đới buồn(Traurige Tropen) của Claude Lévi Strauss,người được xem sáng lập ra ngành “ethnologischen Strukturalismus “Cấu trúc luận cho Nhân chủng học hiện đại”. Những trăn trở khi lần theo dấu vết những con đường văn hóa nhân loại đã đi qua.Để từ đó giải quyết mối mâu thuẫn giữa nền văn minh hiện đại và nền văn hóa hoang sơ khởi thủy. Đời sống văn minh hiện đại đã giết chết nền văn hóa hoang sơ để rồi từ văn minh hiện đại người ta lại có nhu cầu tìm về với thiên nhiên hoang dã.

Qua những đoạn thơ với lời lẽ súc tích vở kịch ngắn đã đưa người ta đến vấn đề mâu thuẩn mấu chốt trong xã hội loài người: Quyền lực và Tự do.

Kịch bản đã diễn giải Quyền lực được hình thành như thế nào và Tự do bị giết chết như thế nào khi Quyền lực lên ngôi,khi tìm đến Tình Yêu. Những Tượng thần tượng trưng Quyền Lực chế ngự dân chúng đã được “ bóc trần ” qua lời nói của Auguste,nhân vật tượng trưng cho Quyền lực:

“…Thần thánh nào chả dựng lên từ máu,
Có tượng thần nào không tạc bằng máu mỡ nhân dân.
(Auguste-Hồi 3)

Một vở kịch thơ chuyên chở triết lý đời sống con người qua lời những vị thần. Dạng văn hóa cao cấp này đáng được phổ biến rộng ở Việt Nam, đặc biệt trong giới Sinh viên,giúp họ để tư duy trãi rộng theo hướng tự do,không tin tưởng mù quáng vào những gì được gọi là “Chân lý”:

“…Bi kịch của những kẻ u mê
Là mặc nhiên tin đó chính là chân lý
Và họ chui đầu vào rọ mắc bẫy thói quen, tập quán.
(Auguste-Hồi 2)

Những vần thơ,những bài viết với suy nghĩ chính chắn của Nguyễn Đắc Kiên trong tác phẩm “ Hãy ngẩng mặt” đã giải thích tại sao “ Bài viết trả lời cho TBT Nguyễn Phú Trọng” có trọng lượng vững vàng,đầy bản lỉnh,đầy tính thuyết phục.

Toàn bộ tác phẩm như được kết tinh từ nền văn hóa xa xưa truyền thống dân tộc, đặc biệt của vùng Bắc Ninh,quê hương Quan họ đầy ấp thơ ca,triết lý.Câu thơ như thoát từ tiếng mẹ ru con,tượng hình từ thưở cha ông đi dựng nước với Cổ Loa thành,với tiếng trống Mê Linh,với dấu ngựa sắt của Thánh Gióng.Lại thoát nhiên nở hoa hòa nhịp cùng dòng văn học thế giới hiện đại,thế giới văn minh luôn hướng tới lẽ phải công bằng,tự do,tình người.

Kết nối là điểm nhấn rất đẹp của dòng thơ Nguyễn Đắc Kiên. Bài thơ kết nối “tường Béc-lin – tường Hà Nội” có thể xem như bài thơ mang bản sắc tiêu biểu tâm hồn Nguyễn Đắc Kiên: thẳng thắn,kiên nghị,không màu mè hoa lá nhưng gửi gấm trọn ý tình một tấm lòng yêu nước.Không là tiếng nói đối lập gắt gao mà là những lời đối thoại chân tình,nồng ấm.

Tường Berlin. Nguồn: learning.blogs.nytimes.com
Tường Berlin. Nguồn: learning.blogs.nytimes.com

“ …độc đảng là sai,
đa nguyên là tiến bộ,
dân chủ tự do là quyền cơ bản Con người.
phản bội lẽ này,
chúng ta sai.
nhận đi!
đừng nói với tôi,
về Dân chủ tự do.
khi nói thật,
vẫn phải ngoái đầu nhìn lại.
đất nước mình không có Tự do.
nếu có một bức tường Hà Nội,
như Béc-lin,
ta sẽ xô đổ,
Hà Nội sẽ vẫn còn.
như Béc-lin,
bức tường đã đổ.
họ cũng như mình,
họ cũng đã từng sai.
(N.Đ.K, 29/05/2012)

Phải ,ai lại chẳng có một vài lần sai trong cuộc đời.

Cái chính là thẳng thắn nhìn điểm sai và có can đảm để làm lại với tâm hồn rộng mở tình người. Đây là điểm khiến tác phẩm “Hãy ngẩng mặt” chở chất niềm Hy vọng về Tương Lai cho Việt Nam,cho một nước Việt với thế hệ nối tiếp không hề biết cúi đầu,biết ngẩng mặt trực diện cùng kẻ thù,trực diệnvới những vấn đề khó khăn của đất nước.

Munich, 12/10/2013

Bài tham khảo

– Vài lời với TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng,
– Lời Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do,
– Kẻ nội thù và “ ngoại thù”,
– Giải thưởng Nguyễn Chí Thiện 2013
,

Đọc “Hãy Ngẩng Mặt”: (1)(2)


Nguồn: Hãy ngẩng mặt. Dương Hoàng Dung, TIẾNG QUÊ HƯƠNG, 12/10/2013. DCVOnline biên tập và minh hoạ.