Về tâm linh và mê tín

Đặng Ngữ

macleninTôi viết cái “note” này không nhằm tranh luận với anh Đào Trung Thành về phát biểu của mình mấy hôm trước. Tôi xin được trích dẫn ra đây cái phát biểu ấy để mọi người tham khảo.

Nói với anh Đào Trung Thành

Về chuyện các nhà ngoại cảm, xin được nói ngay và luôn: chỉ có những người cộng sản vô thần mới có đủ niềm tin để tin vào những câu chuyện ly kỳ như vậy.

Anh Đào Trung Thành, như tên gọi của anh ấy, một đảng viên luôn trung thành với niềm tin và lý tưởng của mình. Tôi luôn dành cho anh một sự tôn trọng nhất định khi nói chuyện. Tôi tôn trọng anh vì nhiều lý do. Anh Trung Thành – một trong số ít những người luôn khẳng định mình đảng viên trung thành với lý tưởng, với chính sách và đường lối của Đảng. Anh Trung Thành – một trong số ít “dư luận viên” không hưởng lương, luôn sử dụng hiểu biết của mình một cách lo-gic nhất có thể, ngôn ngữ của anh luôn đúng mực (ít ra là đối với cá nhân tôi).

Tôi không có ý tranh luận với anh, cũng như không có ý tranh luận với bất kỳ đảng viên trung kiên nào khác vì với những người cộng sản thứ thiệt (ít ra là thứ thiệt trong lời nói): chỉ có một chân lý duy nhất mà thôi và chân lý đó thuộc về họ như một lẽ đương nhiên. Tranh luận với họ bao giờ cũng rơi vào ngõ cụt. Tôi không nghĩ rằng một ai đó có đủ khả năng làm họ suy nghĩ khác đi được trừ phi chính họ tự “khai minh”.

Tôi viết cái “note” này nhằm giải thích rõ nghĩa phát biểu của mình. Ngoài ra, nó cũng nhằm giải thích thắc mắc của anh Đào Trung Thành về việc một phát biểu phi lo-gic như vậy tại sao lại được nhiều người bấm “like”; ngạc nhiên hơn, trong số [bấm “like”]đó có các vị “trí thức khả kính” như T.S Nguyễn Thị Hậu và T.S Vũ Thị Phuong Anh. Tất nhiên, mỗi người khi bấm “like” đều có một lý do riêng, không ai giống ai. Bấm “like” vì đồng ý với phát biểu đấy, bấm “like” để nói rằng “tôi đã đọc” và tôi muốn “follow” các lời bình luận, bấm “like” vì “like” cho đứa viết nó sướng v.v và v.v.

Nói thêm, phát biểu này – một kiểu chơi chữ, một kiểu tu từ “oxymoron” như chị Phương Anh đã nói. Và cũng như một người bạn của anh Đào Trung Thành tên Hà Kiến Giang nhận xét: “Nghe thật sang mồm”. Nếu không cần sang mồm, phát biểu một cách trần trụi thì nó như vầy:

Nguồn: Leo
Nguồn: Leo

Tôi không tài nào hiểu được tại sao những người cộng sản vô thần lại có đủ niềm tin để có thể tin vào những câu chuyện kỳ quái như vậy. Tôi không có ý khẳng định chuyện có hay không có cái gọi: khả năng ngoại cảm, điện trường sinh học hay những khả năng siêu nhiên chưa được chứng minh khác. Chuyện này cho đến nay chưa thể khẳng định. Nó cũng giống như việc tôn giáo và khoa học tranh luận mấy ngàn năm nay về việc có hay không Đấng Sáng Tạo Siêu Nhiên. Tôi không đề cập đến những người vô thần không cộng sản, những người không theo một tôn giáo nào, cả đối với những người đương theo một tôn giáo nào đó cũng không nốt. Đối tượng mà tôi đề cập đến trong phát biểu của mình: những người cộng sản vô thần (về lý thuyết thì họ là những người vô thần; còn thực tế thì chỉ có họ mới biết mình tin vào điều gì bên cạnh chủ thuyết Marxism). Hiện tượng mà tôi muốn đề cập đến: chuyện các nhà ngoại cảm đi tìm mộ liệt sĩ (bạn có thể tham khảo trên các phương tiện truyền thông), chuyện giao tiếp với linh hồn (các nhà ngoại cảm thậm chí còn gọi hồn cả ông Cụ). Ngoài ra, tôi cũng muốn nhân dịp này mà đề cập đến những hiện tượng có liên quan đến Phật giáo và những sự việc “quái đản” xảy ra thời gian gần đây.

Hãy tưởng tượng bộ phim khoa học viễn tưởng sau đây. Thế giới đang vỡ vụn thành từng mảnh. Cứ sau vài tháng, thế giới lại vỡ tan một nửa. Một nửa bay về phía mặt trời, vỡ tan và bị thiêu cháy thành tro bụi. Nửa còn lại neo lơ lửng nơi đường xích đạo và tiếp tục vỡ tan. Mọi người nháo nhào tìm đường thoát thân. Họ cố mang theo những gì qúy giá nhất: gia đình, người thân và những hiện vật qúy. Vấn đề ở chỗ, không ai biết được nửa nào sẽ vỡ tan, bay về phía mặt trời và bị thiêu rụi. Cho nên, họ cố dẫm đạp lên nhau tìm cách thoát thân, bấu víu vào những gì có thể bấu víu. Đấy chính là thế giới niềm tin đang vỡ vụn của những người đồng chí với anh Đào Trung Thành. Khi lời hứa về một thiên đường công bằng cho tất cả mọi người trên trần thế trở nên vô vọng và những vị giáo chủ khả kính hóa thành những chú Cuội thì nhu cầu cần thiết phải có một niềm tin siêu nhiên xuất hiện.

Sau năm 1954, khi Việt Nam bị chia cắt thành hai thực thể chính trị khác nhau thì miền Bắc hầu như bị cắt lìa khỏi những sinh hoạt tôn giáo. Phần đông những người Thiên chúa giáo vội vã di cư “theo Chúa vào Nam”; những người theo Phật giáo, hay không theo một tôn giáo nào, hoặc chấp nhận trở thành những tín đồ của chủ nghĩa Marx hoặc tự đồng hóa với những người theo chủ thuyết này như một điều tất yếu. Những cơ sở thực hành tôn giáo hoặc bị quốc hữu hóa, bị tập thể hóa hoặc bị biến dạng đến nỗi chẳng thể nào nhận ra được như chúng ta đã thấy để phục vụ cho công cuộc “giải phóng dân tộc” vĩ đại. Xã hội miền Bắc không có chỗ cho nhiều kiểu niềm tin khác nhau ngoài chủ nghĩa Marx. Hoặc chấp nhận niềm tin đấy hoặc trở thành kẻ thù và bị tiêu diệt không thương tiếc.

Những người miền Nam được chứng kiến điều này muộn hơn, gần 20 năm sau.

Nguồn: Onthenet
Nguồn: Onthenet

Mấy chục năm bị cắt đứt khỏi những sinh hoạt tôn giáo đã gây nên nhiều hậu qủa thảm thiết hơn chúng ta tưởng. Những phế tích tâm linh còn sót lại trong sinh hoạt cộng đồng không đủ để gầy dựng lại niềm tin xưa, không thể chữa lành những khuyết tật tinh thần thời đại.

Trong cơn cùng quẫn, những con người tự tin đến mức kiêu ngạo lúc trước nay bỗng dưng trở nên tự ti đến ngạc nhiên. Họ tìm về với tâm thế nguyên bản còn lại, tin vào những câu chuyện siêu nhiên một cách ngây thơ, họ thực hành các nghi lễ tôn giáo thành kính đến mức đáng kinh ngạc. Ngoại cảm, bói toán, tướng mệnh…ra đời, tồn tại, sinh sôi và nảy nở. Ngành kinh doanh niềm tin trở nên thịnh vượng không ngờ. Họ tìm thấy trong Phật giáo (Phật giáo thời mạt pháp) con đường cứu rỗi gần gũi nhất với tâm thế nguyên bản ít ỏi còn sót lại. Chính tại điểm này, Phật giáo trở thành miếng đệm xốp tinh thần đỡ êm cú ngã vĩ đại khi họ bị hất văng khỏi cơn mê thiên đường nơi hạ giới. Cũng chính tại điểm này, trong ngắn hạn, Phật giáo phải lãnh nhận những hiện tượng “quái đản” khi ôm trọn vào mình những xung lực của những người cộng sản vô thần. Pháp ngôn “Phật giáo nhập thế” trở thành “Đạo pháp – Dân tộc – Xã hội chủ nghĩa” đã nói lên tất cả.
Sẽ chẳng làm tôi ngạc nhiên nếu một ngày gần đây, bỗng dưng, một sư tăng đại biểu quốc hội nào đó làm đơn xin gia nhập tổ chức Đảng hay một vị đảng viên bỗng dưng cạo đầu hóa thành hòa thượng.

Phật giáo còn phải gánh trên vai gánh nặng này một thời gian nữa trước khi thật sự dẫn dắt họ vào con đường chính đạo. Tôi cũng tin, tôn giáo với mấy ngàn năm lịch sử này đủ sức chuyển hóa những xung lực “quái đản” này một cách hòa bình. Không lâu nữa, sẽ xuất hiện những B.S Lê Đình Thám với phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung, H.T Thích Thiện Hoa với phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam…

Tôi tin vào điều ấy.

Sài Gòn, 10/11/2013


Nguồn: Nói với anh Đào Trung Thành. Đặng Ngữ | Facebook, November 10, 2013

1 Comment on “Về tâm linh và mê tín

  1. Trích: “Tôi cũng tin, tôn giáo với mấy ngàn năm lịch sử này đủ sức chuyển hóa những xung lực “quái đản” này một cách hòa bình.”

    Trước đây, vào thập niên 1960, ông Hồ Hữu Tường nói rằng chủ nghĩa CS sẽ bị Phật Giáo đánh bại. Ông Hồ Hữu Tường chủ trương không dùng đảng chính trị để chống CS mà dùng tôn giáo vì ông cho rằng người miền Nam tin tôn giáo hơn là tin vào lý luận chính trị. Vì thế mà ông viết cuốn Tiểu Phi Lạc Náo Sài Gòn, dùng tiểu thuyết để đưa ra suy nghĩ của ông.