Vấn đề lịch sử Ukraine, diễn dịch kiểu Nga

Joe Schlesinger (Trà Mi lược dịch)

crimea-Vì tất cả lợi ích của tất cả, chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng Nga và Ukraine – và quan trọng nhất là Vladimir Putin – có thể đã học được một bài học lịch sử từ thảm họa đã xảy ra giữa anh em, đồng bào Slav ở Balkan của họ, trước khi quá muộn.

Ukraine và Nga là anh em, Vladimir Putin nói thế, nhưng ngay cả như vậy, tình hình đã xen vào.

Biểu tình ủng hộ Nga tại thị trấn Yevpatoria ở Crimea hôm thứ tư khi Nga từ chối yêu cầu rút quân của phương Tây. Nguồn: Maks Levin / Reuters.
Biểu tình ủng hộ Nga tại thị trấn Yevpatoria ở Crimea hôm thứ tư khi Nga từ chối lời yêu cầu rút quân của các chính phủ phương Tây. Nguồn: Maks Levin / Reuters.

Những gì đang xảy ra ở Ukraine xem có vẻ quen thuộc vì chúng ta đã thấy chuyện như thế trước đây.

Nó đã xảy ra trong những năm 1990 trong một xã hội Slav chia năm xẻ bảy, đó là nước Nam Tư.

Liên bang Nam Tư đã vỡ tan sau cuộc đấu đá nội bộ giữa bảy tiểu bang. Vũ lực tàn bạo nhất đến từ nhóm người thống trị, dân Serbia, họ đã dùng đến chính sách diệt chủng để tiêu diệt đối thủ của họ.

NATO, chưa bao giờ tham chiến ở châu Âu trước đó (và từ khi đó) đã sử dụng sức mạnh của không quân lật đổ chế độ Slobodan Milosevic tại Serbia.

Nga, đồng minh và ông chủ của Serbia, đã nổi giận nhưng không làm gì được vì họ không thể. Họ đã đang có đủ thứ vấn đề trong nước để khắc phục từ cú sốc sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản .

Bây giờ, thế cờ đã lật ngược. Đến lượt của NATO tức giận khi Nga đưa quân vào Crimea, lãnh thổ Ukraine, và đe dọa chính quyền mới ở Kiev với sẽ có những đòn phép khác.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa lời cảnh báo nghiêm khắc để Vladimir Putin không nhúng tay vào nội tình Ukraine. Nhưng người lãnh đạo của Nga không không chút ngại ngùng trước “lằn vạch đỏ” của Obama cũng như Bashar al-Assad đã chẳng coi lằn ranh trên cát của Mỹ ở Syria ra cái thá gì.

Có một khúc mắc khác trong cuộc khủng hoảng này vì, như Putin nói, Ukraine và Nga là anh em. (Mà không có gì nhiều cay đắng hơn mối thù hận trong gia đình.)

Từ quan điểm của Nga, do đó, vấn đề này phải được giải quyết như chuyện “trong nhà” – không để người ngoài can thiệp, dù đó có thể là Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hoặc NATO.

Cái nôi của Nga

Hôm nay, mặc dù Nga có khuynh hướng nhìn Ukraine như thằng em nhỏ, nhưng Ukraina, trong thực tế, lại giống như cái nôi của Nga.

Tiểu bang đầu tiên của Nga đặt tại Kiev, Ukraine và vẫn thường được xem là quê hương văn hóa và tinh thần của Nga, gốc rễ của Thiên Chúa giáo Chính thống.

Nhưng quyền lực đã chuyển về phương Bắc, đến Moscow và St Petersburg, sau khi Ukraine bị quân Mông Cổ từ châu Á tràn ngập trong thế kỷ 13. Và sự kiện lịch sử đó vẫn có dư chấn của nó.

Khủng hoảng Ukraine: Cộng đồng người Ukraine tại Vienna phản đối quân đội Nga xâm lấn Ukraine hôm thứ tư trong lúc các nhà ngoại giao của Nga, EU và Mỹ tập trung tại Paris để cố gắng giải tỏa căng thẳng. Nguồn: Leonhard Foeger / Reuters.
Khủng hoảng Ukraine: Cộng đồng người Ukraine tại Vienna phản đối quân đội Nga xâm lấn Ukraine hôm thứ tư trong lúc các nhà ngoại giao của Nga, EU và Mỹ tập trung tại Paris để cố gắng giải tỏa căng thẳng. Nguồn: Leonhard Foeger / Reuters.

Tình hình ở Crimea là một ví dụ hoàn hảo. Phương Tây nói rằng đó là một phần không thể tách rời của Ukraine, hiện trong tay của các đảng đối lập thân phương Tây.

Moscow nói rằng bán đảo đó thuộc Nga vì một phần lớn dân số ở đó là người Nga. Ai đúng?

Trong nhiều thế kỷ trước, phần lớn cư dân của Crimea là dân Tatar, một giống người nói tiếng Turkic, di cư đến Crimea như một phần của đoàn quân “Kim Trướng hãn quốc” của Mông Cổ.

Nhưng dưới sự cai trị của Liên Xô những người này đã bị tiêu diệt. Đến năm 1933, ước tính một nửa dân số Tatar ở Crimea đã bị bỏ đói cho đến chết, bị giết hoặc bị trục xuất như là một phần của chiến dịch thành lập các hợp tác xã nông nghiệp của cộng sản.

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, lãnh đạo Liên Xô, Joseph Stalin, lúc đó trục xuất dân Tatars còn sót lại đến vùng trung Á, cáo buộc họ đã cộng tác với quân xâm lược Đức.

Thực sự có một số người Tartar đã tham gia lực lượng Waffen-SS, lực lượng Đức Quốc xã của người nước ngoài từ các quốc gia như Pháp và Ấn Độ.

Chính xác hơn, có 3518 người Tatar đã gia nhập Waffen-SS. Nhưng đồng thời cũng có 70.000 người Nga và Ukraine là đoàn viên của Waffen-SS.

Tuy thế, trừng phạt 200.000 người vì tội lỗi của 3518 là, ít nhất là không hợp lý.

Gần một nửa số Tatars bị trục xuất đã chết vì sự khổ nhục trong đời sống lưu vong. Họ không được phép trở lại Crimea cho đến khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ và bây giờ chỉ đại diện cho một thiểu số nhỏ đang lo sợ sẽ trở thành nạn nhân của Nga thêm một lần nữa.

Florence Nightingale

Nhưng than phiền của người gốc Nga ở Crimea cũng có lý khi Crimea thực tế là một phần lãnh thổ hợp pháp của Ukraine.

Sự gắn bó của họ với bán đảo này – ngoài thực tế là họ đại diện cho 60 phần trăm dân số – Crimea chính là lãnh thổ mà Nga hoàng đã chinh phục được vào năm 1783.

Vào năm 1853, một liên minh giữa Anh, Pháp và Đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ, lo sợ sự bành trướng của Nga, đã tấn công Crimea trong một cuộc chiến tranh nổi tiếng ở phương Tây. (Hãy nghĩ tới Florence Nightingale, người y tá tiên phong, và bài thơ “The Charge of the Light Brigade” của Lord Alfred Tennyson)

Mặc dù người Nga thua trong cuộc xung đột ba năm đẫm máu đó, họ đã bám chặt bán đảo Crimea.

Sau cuộc cách mạng cộng sản, cả hai Crimea và Ukraine đã trở thành các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết “tự trị”.

Sau đó, đến năm 1954, bỗng nhiên, Nikita Khrushchev, người lãnh đạo Liên Xô lúc đó, ban hành một sắc lệnh chuyển Crimea thành một phần thuộc vào Ukraine.

Việc bàn giao được coi là một món quà của Khrushchev, dù là người Nga, nhưng đã nặng ơn nghĩa với Ukraine. Ông lớn lên, bắt đầu sự nghiệp ở đó, và có một người vợ Ukraine.

Tình huynh đệ, nghĩa anh em

Tình anh em có thể đổi thay. Nam Tư là một trường hợp tiêu biểu.

Cảnh sát Ukraina tách dân Ukraine gốc Nga bên trái, và dân Crimea gốc Tatar trong cuộc biểu tình chống đối nhau gần tòa nhà quốc hội Crimea ở Simferopol hồi tháng hai khi bế tắc ở Ukraine đang leo thang. Một người chết trong cuộc đối đầu dường như vì một cơn đau tim, Nguồn: Baz Ratner / Reuters.
Cảnh sát Ukraina tách dân Ukraine gốc Nga bên trái, và dân Crimea gốc Tatar trong cuộc biểu tình chống đối nhau gần tòa nhà quốc hội Crimea ở Simferopol hồi tháng hai khi bế tắc ở Ukraine đang leo thang. Một người chết trong cuộc đối đầu dường như vì một cơn đau tim, Nguồn: Baz Ratner / Reuters.

Một thế kỷ trước, ước mơ của dan Slav ở vùng Balkan, qua nhiều thế kỷ bị người nước ngoài cai trị, là muốn có một đất nước của riêng mình.

Giấc mơ đó đã khiến một người Serbia lề đường đi ám sát thái tử nước Áo, một trong những lãnh chúa của dân Slav, tại Sarajevo vào tháng Sáu năm 1914, từ đó cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ.

Tột đỉnh của trớ trêu, cuộc thảm sát trong chiến tranh thế giới thứ nhất đã biến giấc mơ của sát thủ thành hiện thực khi nước Nam Tư ra đời.

Tuy nhiên, đến những năm 1990, sự oán hận giữa các nhóm dân tộc Nam Tư bùng nổ, một lần nữa, đặt Sarajevo vào điểm ngắm.

Thành phố Sarajevo đã bị các lực lượng Serbia bao vây suốt bốn năm, cuộc bao vây dài nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại.

Mười năm chiến tranh đã xé nát Nam Tư, 130.000 người chết, 4 triệu người, 1/6 dân số, phải tản cư. Và khu vực đó đến nay vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau cơn tàn phá.

Vì lợi ích của tất cả, chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng Nga và Ukraine – và quan trọng nhất là Vladimir Putin – có thể đã học được một bài học lịch sử từ thảm họa đã xảy ra giữa anh em, đồng bào Slav ở Balkan của họ, trước khi quá muộn.

© 2014 DCVOnline


Nguồn: ANALYSIS | The problem with Ukraine’s history, the Russian version, Joe Schlesinger. CBC News. Mar 06, 2014.

1 Comment on “Vấn đề lịch sử Ukraine, diễn dịch kiểu Nga

  1. Stalin đầy người Tartar đi khỏi Crimea cũng giống như đầy hàng triệu người dân các vùng khác ra khỏi quê hương của họ là để giảm sức chống đối khi quê hương của họ bị xâm lăng. Đó là biện pháp để ổn định của các quốc gia khi xâm lăng nước khác . Việc Stalin để cho hàng triệu dân Ukraine chết đói cũng là để làm giảm sức chống đối của dân Ukraine. Đó là sự tranh đấu đẫm máu giữa các dân tộc trong lịch sử loài người. Putin chắc chẳng học được bài học lịch sử đâu!