Khủng bố ở Saigon Nhỏ – Phần 5
Trà Mi
Sau khi phóng sự điều tra “Khủng bố ở Saigon Nhỏ” phát hình trên đài PBS, chương trình Frontline Report và trên trang ProPublica, ký giả Amy Goodman của “Democracy Now!” đã có cuộc phỏng vấn với phóng viên A.C. Thompson và người cùng làm phim, sản xuất “Teror in Little Saigon”, Rick Rowley. Sau đây là một phần của cuộc phỏng vấn.
Xem P1, P2, P3, P4, P5, P6, P7, P8, P9, P10, P11, Kết
“Democracy Now!” là một chương trình tin tức hàng ngày, độc lập, đoạt giải thưởng quốc gia do các nhà báo Amy Goodman và Juan Gonzalez điều hành. Tiên phong trong việc hợp tác truyền thông công cộng lớn nhất tại Mỹ, “Democracy Now!” phát sóng trên các đài Pacifica, NPR, các đài phát thanh cộng đồng, và đại học; tiếp cận với công chúng qua đài PBS, truyền hình vệ tinh (mạng DISH: Free Speech TV ch 9415 và Link TV ch 9410; DIRECTV: .. Free Speech TV ch 348 và Link TV ch 375 ..); và trên Internet. Podcast của “Democracy Now!” là một trong các chương trình phổ biến nhiều nhất trên mạng Internet.
Sau khi phóng sự điều tra “Khủng bố ở Saigon Nhỏ” phát hình trên đài PBS, chương trình Frontline Report và trên trang ProPublica, ký giả Amy Goodman của “Democracy Now!” đã có cuộc phỏng vấn với phóng viên A.C. Thompson và người cùng làm phim, sản xuất “Teror in Little Saigon”, Rick Rowley. Sau đây là một phần của cuộc phỏng vấn.
Democracy Now! phỏng vấn AC Thompson và Rick Rowley
Trong những năm 1980, năm phóng viên người Mỹ gốc Việt bị ám sát tại Hoa Kỳ. Dù có cuộc điều tra lâu dài của FBI nhưng không ai trong số những kẻ giết người đã bị đem ra trước công lý.
Rowley và Thompson tìm ra những bằng chứng mới có khả năng buộc một nhóm bán quân sự hữu khuynh vào các vụ ám sát các nhà báo lưu vong Mỹ gốc Việt và một gạch nối với chính phủ Mỹ có thể đã giúp họ trốn thoát mạng lưới công lý.
Phóng sự điều tra này có thể khiến nhà chức trách mở lại tập hồ sơ giết người 30 năm trước hay không?
Amy Goodman: Đây là tiếng nói “Democracy Now!” Chương trình “Chiến tranh và Hòa bình”. Tôi là Amy Goodman, trong phần 2 buổi trò chuyện của chúng tôi về phóng sự điều tra của Frontline, “Khủng bố ở Saigon Nhỏ”.
Khi nhà báo bị giết trong lúc làm nhiệm vụ, tên của họ thường được biết đến trên toàn thế giới, họ trở thành liệt sĩ chết cho tự do báo chí. Nhưng chúng tôi nay sẽ quay sang một loạt các vụ giết người xảy ra ở ngay đất nước này nhưng dường như đã hoàn toàn bị bỏ qua. Trong những năm 1980, năm phóng viên người Mỹ gốc Việt đã bị sát hại. Các vụ giết người này đều có chung một số điểm. Tất cả năm nạn nhân đều là những mục tiêu đã được định trước. Tất cả năm nhà báo đều làm việc cho các tờ báo nhỏ phục vụ cộng đồng người Việt tị nạn ở Mỹ sau chiến tranh Việt Nam khi kết thúc vào năm 1975. Tất cả đều đã lên tiếng ủng hộ cộng sản Việt Nam hoặc đã công bố những lời chỉ trích một tổ chức bán quân sự người Việt lưu vong gọi là Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam, được biết đến bằng danh xưng “Mặt trận”. Và mặc dù có cuộc điều tra lâu dài FBI, không ai trong số những kẻ giết người đó đã bị đem ra trả lời trước công lý. Bây giờ hồ sơ này được mở ra xem xét lại, nhờ vào một bộ phim tài liệu mới của PBS Frontline gọi là “Khủng bố ở Saigon Nhỏ”.
Có mặt với chúng tôi hôm nay là những người đã thực hiện bộ phim. AC Thompson là nhà sản xuất của tập phim tài liệu, thông tín viên và phóng viên của ProPublica. Rick Rowley là nhà sản xuất, biên kịch và đạo diễn của phóng sự “Khủng bố ở Saigon Nhỏ”. Ông là một nhà báo độc lập với Big Noise Films, đã được đề cử nhận giải Oscar cho bộ phim Dirty Wars của ông.
Chúng ta hãy bắt đầu với A. C. Thompson. Những ai là năm nhà báo ở Hoa Kỳ đã bị giết?
AC Thompson: Người đầu tiên là một thanh niên tên là Dương Trọng Lâm, và năm 1981 ông ấy ở San Francisco. Ông Lâm đã công khai ủng hộ Hà Nội và xuất bản một tờ “Cái Đình Làng”, một tờ báo ủng hộ chủ nghĩa xã hội. Ông ta bị giết trong năm 1981.
Tiếp theo là Đạm Phong, Nguyễn Đạm Phong, ở Houston. Ông này lại rất khác. Ông Phong là người kiên trì chống Cộng. Ông xuất bản một tờ báo chắc chắn có lập trường chống Cộng sản. Nhưng ông ấy không ủng hộ Mặt trận. Ông ấy nghĩ rằng họ là những người lừa bịp, và ông không tin những tuyên bố mà họ đưa ra. Ông ta bị giết vào năm 1982, bị bắn chết ngay trên sân đậu xe ở nhà ông, rất giống với trường hợp đầu tiên (Dương Trọng Lâm).
Năm 1987, một giám đốc nhà xuất bản tạp chí ở Orange County tên là Phạm Văn Tập Đã bị giết. Ông xuất bản một tạp chí văn nghệ giải trí (tạp chí Mai). Và sau khi ông bị giết, một bản tuyên bố sau đó đã viết, “Này, anh đang đăng quảng cáo cho các công ty đang kinh doanh với Việt Nam. Điều đó có nghĩa là anh ủng hộ Cộng Sản, và đó là lý do tại sao chúng tôi giết anh.”
Năm 1989, Đỗ Trọng Nhân Bị giết ở Virginia. Và một năm sau đó, đồng nghiệp của ông Nhân, ít hơn một năm sau đó, người đồng nghiệp của ông, ký giả Lê Triết cùng làm việc cho tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong đã bị ám sát. Tạp chí đó, VNTP, có lập trường chống lại Mặt trận, và cả hai ký giả đó đã lên tiếng chống Mặt trận.
Amy Goodman: AC, làm thế nào ông đã tìm ra câu chuyện này?
AC Thompson: Tôi đang làm loạt bài về Chauncey Bailey, một nhà báo ở Oakland bị ám sát. Và một nhà làm phim cũng ở Oakland tên là Tony Nguyễn đến nói với tôi, “Này, chuyện này đã xảy ra trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, trong cộng đồng của tôi, nhiều lần rồi, và không ai biết về chúng cả.” Và tôi đã không biết gì về những chuyện đó. Tôi chưa bao giờ nghe đến những câu chuyện đó. Nó đã gieo hạt giống để tôi làm dự án này. Tony cộng tác trong vai trò một phó sản xuất trong dự án. Và điều đó đã đưa chúng tôi đến ngày hôm nay.
Tôi muốn nói một trong những điều đáng buồn về việc này là, khi chúng tôi công bố phóng sự điều tra này, có môt số người trong cộng đồng Mỹ gốc Việt cảm thấy rằng chúng tô đang vơ đũa cả nắm cho tất cả (cộng đồng) là những phần tử chống Cộng cực đoan và là bọn khủng bố. Và điều đó hoàn toàn không đúng sự thật. Những gì chúng tôi đã làm là chúng tôi đã đi tìm một nhóm rất, rất nhỏ những người đứng đằng sau những tội ác đó và để chiếu sáng những việc mà những nhà báo bị giết đã làm và cái giá họ đã phải trả. Chúng tôi không hề vơ đũa cả nắm với cộng đồng người Mỹ gốc Việt.
Amy Goodman: Tôi muốn chuyển sang một clip đầy xúc cảm trong phóng sự “Khủng bố ở Saigon Nhỏ”. Đây là đoạn ông, AC Thompson, đang nói chuyện với Nguyễn Thanh Tú, con trai của nhà báo Đạm Phong ở Houston.
AC Thompson: Hãy nhìn vào đây này. Đây là vụ khủng bố ở thời điểm đó – 1981, đốt phá, ám sát anh chàng Lâm này, San Francisco, đe dọa giết và nêu tên cha của anh này, giết cha của anh này, giết những người này nữa. Nó cứ tiếp diễn như thế và như thế.
Mặt trận Đã có một đội ám sát. Nó được gọi là K-9. Thành viên của Mặt Trận nói với chúng tôi là K-9 đã giết cha của anh.
Nguyễn Thanh Tú: Cha tôi, ông cụ biết rằng họ không đùa. Nhưng đối với ông, logic của cụ là, “Tại sao họ phải giết ba?” Vì đó là chuyện sau cùng họ muốn làm, vì những tờ báo và giới ký giả sẽ dồn dập tấn công vào họ. Là một phóng viên, ông nói, “Chúng tôi lo lắng cho nhau. Chúng tôi che chắn cho các anh em ký giả khác.”
AC Thompson: Vâng. Nghề nghiệp của tôi, giới truyền thông tiếng Anh, đã không đáp lại mong đợi của cha của ông. Chúng tôi đã không theo dõi và đưa tin đúng mực về câu chuyện này theo đúng cách chúng tôi cần phải làm. Và điều đó làm tôi phiền muộn vì mọi người đã không tập trung vào ông một cách cần phải làm.
Nguyễn Thanh Tú: Cảm ơn ông. Ông không biết, ông không hiểu. Tôi đã chờ đợi 33 năm để nghe điều đó. Cám ơn ông.
Amy Goodman: Đó là Nguyễn Thanh Tú, con trai của ông Nguyễn Đạm Phong giám đốc nhà xuất bản ở Houston và ký giả đã bị sát hại vào năm 1982 nói với AC Thompson, phóng viên tại ProPublica và người đồng sản xuất và thông tín viên cho phóng sự điều tra “Khủng bố ở Saigon Nhỏ” của PBS Frontline này, Rick Rowley, người đồng sản xuất, biên kịch và đạo diễn.
Rick, làm thế nào có thể, trong mỗi câu chuyện trong loạt ám sát này, trong mỗi vụ giết người đó nhân viên FBI đều đã không tìm ra tủ phạm? Ông nói nhiều hơn về sức mạnh của Mặt trận đi.
Rick Rowley: Đó là một – Tôi muốn nói nó thực sự là một điều đáng kinh ngạc, một điều đáng kinh ngạc cho tất cả chúng ta, đội ám sát này là bất khả xâm phạm trong suốt cả mười năm khủng bố. Ý tôi là, tôi nghĩ rằng nếu những sự thật trung thực mà những nhà báo đã viết bằng tiếng Anh, và bạn đọc của họ không phải là những người tị nạn, thì phản ứng đã khác hẳn. Tôi nghĩ rằng, không chỉ từ cảnh sát địa phương, không chỉ từ FBI, mà còn từ báo giới nữa, Tôi muốn nói, chúng ta sẽ đối xử với những người này như các đồng nghiệp bị bắn hạ. Và bà biết không, thực ra, tôi nghĩ rằng chúng ta nên chỉ ra rằng vì chúng ta đang nói chuyện trên đài “Democrcy Now!” rằng chính Juan González và CPJ (Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo) là một trong nhóm duy nhất đã làm một báo cáo đang kể về những vụ giết người đó.
Amy Goodman: Ủy ban Bảo vệ Nhà báo.
Rick Rowley: Và Ủy ban Bảo vệ Nhà báo trong những năm 90. Và công trình của họ thực tế đã là một thứ có ý nghĩa tham khảo và chuẩn mực đối với chúng tôi.
Amy Goodman: Juan viết Lời giới thiệu của bản báo cáo năm 1994 của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo tựa đề là “Bị bịt miệng. Những vụ Ám sát Nhà báo Di dân ở Hoa Kỳ chưa được giải quyết.” [Unsolved Murders of Immigrant Journalists in the United States]
Rick Rowley: Vâng, đúng vậy. Ý tôi là, Vì cứ sau một trong những vụ giết người đó, lại có một thông cáo được công bố, mà tổ chức đó công khai tuyên bố chính là thủ phạm giết người, dưới danh xưng viết tắt là VOCERN (Việt Nam Diệt cộng Hưng quốc Đảng). Bà biết đấy, VOECRN là tổ chức tuyên bố rằng Việt Nam Diệt cộng Hưng quốc. Như vậy, người ta có những vụ giết người, và ngay sau đó, người ta có thông báo nói, “Chúng tôi ám sát người này vì những bài phát biểu chính trị của họ. Chúng tôi đã xử tử họ.” Như vậy, trên bề mặt, thực sự rõ ràng chúng lớn hơn là những tội phạm đường phố nhỏ nhoi. Đó là – đó là một vụ ám sát chính trị. Nó đáng lý phải là, lập tức phải là các vụ án liên bang, theo ý kiến của tôi. Vì vậy, thật là một chuyện đáng kinh ngạc.
Và, bà biết đấy, khi nói chuyện với các nhân viên FBI điều tra những vụ án này tôi thấy rằng họ cũng đã rất thất vọng vì đã không thành công để khởi tố được bất kỳ một vụ giết người nào. Một phần của thất bại đó là vì rất nhiều nỗi sợ hãi trong cộng đồng. Ngay cả bây giờ, đã 30 năm sau, chúng tôi vãn gặp nhiều, rất nhiều người là nạn nhân, các thành viên gia đình của các nạn nhân, sợ xuất hiện trước máy thu hình. Chúng tôi có làm một cuộc phỏng vấn rất bi thảm với một người đàn ông, Đoàn Văn Toại, người đã bị bắn vào mặt và sống sót; ông ấy nhìn thấy những kẻ mưu sát ông và có thể có thể nhận diện được họ ở thời điểm đó, và sau đó nói – sau khi không có gì xảy ra trong một thời gian đủ lâu, cuối cùng khi FBI đến gặp ông, ông nói, “Tôi sẽ không hợp tác với các ông, vì các ông đã không thể bảo vệ tôi.” Ông Toại nói,
“Tôi đã đến nước này và nghĩ rằng Tu chính án Thứ nhất sẽ bảo vệ quyền tự do ngôn luận ở đây, và cuối cùng tôi có thể nói được những gì tôi nghĩ. Và bây giờ tôi khám phá ra là không có tự do gì hết cho các nhà báo Việt Nam.”
Amy Goodman: AC Thompson, ông có thể nói về Đạo luật Trung lập và nó phù hợp với câu chuyện này như thế nào?
AC Thompson: Vâng, bà biết đó, Đạo luật Trung lập là một luật hiếm khi được sử dụng, cơ bản những gì nó nói là, nếu là một cư dân của Hoa Kỳ hay một công dân Hoa Kỳ, người ta không thể khai chiến với một nước khác. Đó là một công việc của chính phủ, chứ không phải của công dân. Và càng xét kỹ về Mặt trận, chúng ta càng nhận ra rằng họ âm mưu mở một cuộc chiến tranh và cố gắng để bắt đầu một cuộc chiến tranh và công khai gây quỹ cho một cuộc chiến tranh. Tất cả những việc này đều được Quốc hội biết đến. Đó là những việc Bộ Ngoại giao cũng biết. Nó được Văn phòng Tổng thống biết đến vì đã có một lá thư gởi đến Văn phòng Tổng thống – Tổng thống Reagan thời đó. Và đó là một cái gì đó CIA đã biết. Và đó là một cái gì đó FBI đã biết. Chúng tôi bắt đầu suy nghĩ, điều này có thể là một thất bại quan trọng vì không ai lên tiếng lúc đó nói, “Này, đây không phải là những gì chúng tôi sẽ thực hiện. Các ông không thể vừa là một người cư dân hoặc công dân Mỹ và có thể bắt đầu một cuộc chiến tranh.”
Amy Goodman: Tại sao, AC Thompson, những thành viên của Mặt trận, trong phần đầu của cuộc phỏng vấn này đó khi ông đối chất với một trong những thành viên, tại sao họ nói chuyện với ông? Cuối cùng, ông ta nói, “Ông có vẻ như FBI.”
AC Thompson: Tôi nghĩ rằng, với Bé Tư, tôi nghĩ ông ấy vẫn có vẻ tự hào về những gì ông ấy đã làm, và ông tự hào về những thành tựu của ông ta. Và tôi muốn nói, đó là một quan điểm của một thiểu số rõ rệt trong cộng đồng. Có rất, rất, rất ít người nghĩ như vậy. Nhưng với Bé Tư, tôi nghĩ, có lẽ đó là thời điểm anh hùng trong đời ông ấy, và đó là một phần lý do tại sao ông muốn lên tiếng.
Amy Goodman: Tại sao không ai bị truy tố theo Đạo luật Trung lập?
AC Thompson: Như bà biết đấy, đó là một câu hỏi không ai trả lời cho chúng tôi. Từ những gì chúng tôi nghe được thì việc truy tố như thế không khả thi về mặt chính trị tại thời điểm đó. Đó là thời đại Reagan. Chính quyền Reagan đã nói thẳng, “Này, chúng tôi muốn yểm trợ nhóm chiến binh thánh chiến ở Afghanistan.” Họ viện trợ đoàn quân uỷ nhiệm trong chiến tranh ở Angola. Họ hỗ trợ phe Contras ở Nicaragua. Và, như bà biết đấy, đi ngược dòng với những người gọi là các chiến sĩ vì tự do không phải là một giọng ca thời thượng.
Rick Rowley: Vâng, nhưng, ngay cả…
Amy Goodman: Rick Rowley.
Rick Rowley: Mặc dù nếu nó không hợp thời. Nó cũng không phải là một nước cờ chính trị phổ biến, Nó sẽ cung cấp cho họ sức đòn bẩy, đòn bẩy pháp lý mà họ có thể dùng để làm áp lực để người ta phải nói về những vụ ám sát đã xẩy ra ngay ở nước Mỹ. Ý tôi là, đó là một sự sai sót không lồ. Và khi chúng tôi – khi AC và tôi, chúng tôi đi Thái Lan để tìm dấu vết của Mặt trận, theo con đường điều tra của Đạm Phong, nữa –
Amy Goodman: Đạm Phong, giám đốc nhà xuất bản ở Houston.
Rick Rowley: Vâng, giám đốc nhà xuất bản ở Houston, phóng viên Đạm Phong đã đến Thái Lan để điều tra các hoạt động của Mặt trận ở đó. Và Họ đã có một căn cứ ngay bên biên giới, với hàng trăm binh sĩ được huấn luyện, tập dợt. Và họ được vũ trang. Có chiến binh Lào ở đó mở nắp thùng lấy súng M-16 ra khỏi hộp và chuẩn bị cho cuộc hành qua Lào và Campuchia về Việt Nam. Họ là một phần trong những hành tinh đối tác của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh vào thời điểm đó, có nghĩa là, họ ở bên cạnh phe Khmer Đỏ và phe Lào chống Cộng.
Amy Goodman: AC Thompson, Nếu có thể, ông nói thêm về những gì ông biết được về mối quan hệ của Richard Armitage với Mặt trận và với những gì đã xảy ra ở Thái Lan, như Rick vừa mô tả nó?
AC Thompson: Vâng, điều làm tôi sửng sốt là vào năm 1991 FBI và đã phỏng vấn Richard Armitage. Và ông nói,
“Vâng, tôi biết thủ lãnh của Mặt trận. Chúng tôi đã là bạn với nhau thời còn ở Việt Nam, trong chiến tranh. Tôi đã nghe nói tổ chức của ông ta có một đội ám sát gọi là K-9, gồm các cựu quân nhân trong Lực lượng Đặc biệt của Việt Nam và các đơn vị đặc biệt. Tôi nghĩ rằng người bạn của tôi có thể tổ chức các vụ ám sát chính trị.”
Và từ tất cả những gì chúng tôi có thể nói, đó là lần đầu tiên ông Armitage nói chuyện về việc này với nhân viên thi hành pháp luật. Bây giờ, khi chúng tôi liên lạc với Richard Armitage – ông ta đã điều chỉnh đôi chút về tuyên bố của ông, và ông nói,
“Ông biết đấy, tôi không biết bạn tôi, Hoàng Cơ Minh, lãnh đạo của Mặt trận, đã chỉ đạo những vụ ám sát, nhưng tôi nghĩ rằng tổ chức của ông ấy có thể có, chắc chắn như vậy.”
Và chúng tôi – khi chúng tôi khám phá ra điều này, chúng tôi đã thực sự, nói thẳng là chúng tôi choáng váng.
Những gì chúng tôi biết là ở Thái Lan, Mặt trận đã có một ông chủ, một vị tướng trong quân đội Thái Lan, người thực sự cho phép họ lập căn cứ, người đã giúp cung cấp vũ khí, người cho phép họ có thể hoạt động trên biên giới Thái Lan và Lào. Và Mặt trận đã cố gắng xâm lược Việt Nam qua ngả Lào, đi qua sông Mekong và đi bộ băng qua Lào vào Việt Nam. Đại lược cách hoạt động của họ là như vậy.
Amy Goodman: Thế còn về vai trò của CIA, AC Thompson?
AC Thompson: Đó là một câu hỏi chúng tôi dã theo đuổi trong một thời gian dài, để tìm xem có bất kỳ sự tham gia nào của CIA hoặc dính tay vào kiểu những hoạt động bí mật có sẵn mà không phải là CIA. Có một điện văn của CIA cho thấy có một buổi họp giữa Mặt trận với các nhân viên CIA và CIA đã biết về những gì Mặt trận đã làm. Và mọi người trong cộng đồng tình báo cũng cho chúng tôi biết về những gì Mặt trận đã làm. Chúng tôi – đã không thấy dấu hiệu nào, ngoài sự giúp đỡ của Armitage, cho thấy cộng đồng tình báo ở Mỹ giúp đỡ nhóm người này.
Amy Goodman: Đây là những nhà báo, Rick Rowley, năm nhà báo đã bị giết, và ông đang nói về cách họ đã không làm những việc để điều tra những vụ giết người đó. Nhưng hôm nay tập hồ sơ này có thể được mở lại. Tôi muốn nói là, không có thời gian giới hạn trong những vụ giết người.
Rick Rowley: Đúng như vậy. Và tôi hy vọng rằng người ta bắt đầu xét lại những vụ giết người đó. 30 năm sau, người ta bây giờ sẵn sàng để nói chuyện, như đã nói chuyện với AC và tôi về những điều họ chưa bao giờ nói hay thú nhận với FBI. Vì vậy, tôi nghĩ rằng với quãng thời gian đã trôi qua, những vụ giết người nay, có rất nhiều thông tin mới nếu FBI họ muốn, có thể xem tới. Tôi nghĩ rằng những vụ giết người này có thể giải quyết được ngày hôm nay.
Amy Goodman: Những đầu mối nào, AC, mà ông nghĩ là quan trọng nhất mà FBI cần theo đuổi ngay bây giờ?
AC Thompson: Chúng tôi đã phỏng vấn một thành viên lãnh đạo cao nhất của Mặt trận, và ngay khi chúng tôi tắt máy thu hình, ông nói,
“Như thế, tôi đã ngồi trong một cuộc họp với những người lãnh đạo Mặt trận khác, và họ đang lên kế hoạch ám sát một nhà báo ở đây, ở Orange County, một giám đốc nhà xuất bản báo. Và tôi nói, ‘Ồ, tôi không nghĩ rằng chúng ta nên thực hiện việc đó. Tôi ưa anh chàng đó.’”
Rick và tôi nhìn nhau, và chúng tôi choáng váng. Ngay lập tức chúng tôi hỏi chuyên viên điện ảnh, “Này, anh có nghe thấy không?” Chúng tôi gọi ngay cho chủ biên của tôi ở New York và kể lại cho ông ấy nghe. Chúng tôi cũng đã nói chuyện với người phiên dịch của chúng tôi ngay lập tức. “Này, điều này mới xảy ra tức thì.”
Vì vậy, nếu tôi là FBI, thì ông đó là một người tôi sẽ đi liên lạc ngay lập tức.
Ở đây, ký giả Thompson đang nói về một đoạn phỏng vấn với ông Nguyễn Xuân Nghĩa; khi máy thu hình tắt, ông Nghĩa, trước mặt hai nhà làm phim Thompson và Rowley cũng như chuyên viên thâu hình, nói đến một cuộc họp của những người lãnh đạo Mặt trận, trong đó có ông, về âm mưu ám sát một nhà báo nổi tiếng ở Quận Cam; ông Nguyễn Xuân Nghĩa còn nói thêm thời gian hoạt động với Mặt trận “là một chương đen tối của đời tôi”. [Nguyen Xuan Nghia today calls his time with the Front “a dark chapter” in his life”. A.C. Thompson, Terro in Little Saigon, ProPublica, November 3, 2015]
Sau khi phim được trình chiếu cùng với bài viết của A.C. Thompson đăng trên Frontline và ProPublica, ông Nghĩa đã chối khi trả lời phỏng vấn với phóng viên Hà Giang của báo Người Việt 6/11/2015:
“Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi không hề nói câu đã tham gia một buổi họp của Mặt Trận, trong đó các thành viên thảo luận việc ám sát biên tập viên của một nhật báo nổi tiếng ở Quận Cam, cả trong khi quay phim lẫn lúc không quay phim.”
Và,
“Nguyễn Xuân Nghĩa: Câu tôi nói “đó là một chương đen tối trong cuộc đời tôi,” là nói về chuyện mất nước, đời sống tị nạn, tâm tư của mình trong thời gian đó, không đi làm việc mà gia nhập Mặt Trận và về những nỗ lực đấu tranh chống Tàu, chống Pháp của tổ tiên mà thất bại. Nhưng A.C. Thompson bẻ quặt đi, viết cái kiểu cho người đọc hiểu ngầm là tôi xấu hổ về thời gian hoạt động trong Mặt Trận.”
Trong bài “Một phản đối và một trả lời” đăng trên ProPublica ngày 13 tháng 11, 2015, Propublica viết về sự phản đối của một “nhóm vận động chính trị” [advocacy group] tên là Việt Tân có đoạn viết:
“Việt Tân cũng xác nhận một hoặc nhiều cựu thành viên Mặt trận xuất hiện trong cuốn phim, một cách nào đó, hoặc đã được trích dẫn sai hoặc bị bóp méo lời nói. Không một ai xuất hiện trong phim đã liên lạc với chúng tôi [Frontline/ProPublica] và đưa ra khiếu nại như vậy. Việt Tân nói một cựu lãnh đạo của Mặt trận, Nguyễn Xuân Nghĩa, hiện khẳng định rằng ông không bao giờ nói với phóng viên của chúng tôi AC Thompson, và đạo diễn, Richard Rowley, rằng ông có mặt trong một cuộc họp với các thành viên Mặt trận Ai bàn về việc ám sát một giám đốc nhà xuất bản báo. Chúng tôi sẽ hân hoan trực tiếp trả lời ông Nghĩa nếu ông muốn đặt vấn đề phản đối với chúng tôi.”
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa tham gia Mặt trận từ tháng 6, 1984, bí danh Nguyễn Đồng Sơn, giữ vai trò Trưởng vụ Tuyên Vận. Năm 1994, trong vụ án “Mặt trận kiện báo chí” trả lời câu hỏi của luật sư Nguyễn Tâm về số phận của tướng Hoàng Cơ Minh,
“Ông Nghĩa bảo có gặp tướng Minh vào khoảng tháng 7, 1987 ở San Francisco. Sau đó ba bốn tháng thì các hãng thông tấn quốc tế loan tin vị lãnh đạo Mặt trận đã tử trận. Ông Nghĩa nói ông đã không tin đó là sự thật.
Và luật sư Tâm nhấn mạnh câu hỏi, “Bây giờ thì ông nghĩ Hoàng Cơ Minh còn sống hay chết?” Ông Nghĩa trả lời, “Tôi không biết.””
[Nguồn: Trần Củng Sơn, “Mặt trận kiện báo chí”, 1995, NXB Sông Ba, trang 40-41]
1987, 1994, 2015, đã hơn hai mươi lăm năm nhưng khả năng quay quắt, thay đổi câu chuyện của ông Nguyễn Xuân Nghĩa vẫn như thế.
Amy Goodman: Và Có bất kỳ dấu hiệu nào không? FBI đã liên lạc với ông để hỏi ông, sau khi phóng sự “Khủng bố ở Saigon Nhỏ” đã chiếu trên đài PBS, Rick hoặc AC?
AC Thompson: Tôi đã không nghe thấy gì từ FBI.
Rick Rowley: AC, anh nên đề cập đến số điện thoại cung cấp thông tin.
AC Thompson: Vì vậy, nếu có những người có thông tin về những tội phạm vừa kể, nếu Có những người là nạn nhân của những tội ác đó, Nếu có ai biết về những tội ác mà chúng tôi chưa biết đến, chúng tôi rất muốn thấy họ đến nói chuyện với chúng tôi. Mọi người có thể liên lạc với chúng tôi qua các trang web của ProPublica, qua email, qua thư bưu điẹn, qua điện thoại. Chúng tôi có thể nhận thông tin bằng tiếng Việt cũng như tiếng Anh.
By Phone: (646) 820-2526
By Mail: ProPublica
c/o A.C. Thompson
155 Avenue of the Americas
13th Floor
New York, NY 10013-1507
Amy Goodman: Và các ông, bây giờ, trong những cộng đồng tại Hoa Kỳ, trong cộng đồng người Việt, có những kẻ giết người sống cạnh những nạn nhân, đúng thế phải không?
AC Thompson: Theo như chúng tôi có thể nói. Và đó là một điều dường như vẫn ám ảnh các nạn nhân còn sống sót. Một trong những người đó nói với tôi,
“Nhìn coi, tôi đã trở thành người sống lưu vong hai lần. Chúng tôi bỏ Saigon hồi 1975 chạy trốn chế độ độc tài Cộng sản. Chúng tôi đến đây, và người ta đã giết người thân của tôi. Và bây giờ tôi cảm thấy như đang bị lưu đày khỏi cộng đồng người Mỹ gốc Việt, và tôi sợ phải là một phần của cộng đồng đó.”
Amy Goodman: Rick, trong bộ phim trước đó của ông, trong “Những cuộc chiến dơ bẩn” [Dirty Wars] mà ông đã thực hiện với Jeremy Scahill, các ông đã xét về lịch sử bí mật của những đoàn quân uỷ nhiệm, toàn bộ vấn đề an ninh quốc gia Mỹ. Chuyện đó với chuyện này, ông so sánh thế nào?
Rick Rowley: Đó là điều đáng kinh ngạc. Câu chuyện này (Khủng bố sở Saigon Nhỏ) này, một cách nào đó, giống như lời mở đầu cho “Những cuộc chiến dơ bẩn”. Có nghĩa là, các bản mẫu cho những hoạt động bí mật và lực lượng uỷ nhiệm đều do nhóm tình báo quân đội thêu dệt nên, đã thực sự được hình thành trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, và một số các diễn viên, và nhân vật cũng như nhau. Ý tôi muốn nói, Richard Armitage là trung tâm của những hoạt động này, ở trong cả hau giai đoạn, trong những năm 80 và trong những năm thời Tổng tống Bush.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng điều quan trọng thu được từ bài học này thì đó là, trong nhiều mặt, một hệ quả không ngờ. Khi người ta có một nhóm được hình thành với các sĩ quan được Mỹ được đào tạo ở miền Nam Việt Nam, và trong chiến tranh chúng ta đã cung cấp vũ khí và tài trợ để họ chiến đấu, nhưng khi chúng ta nói rằng cuộc chiến đã qua, thì với họ, chiến tranh chưa kết thúc. Có nghĩa là, họ tiếp tục cuộc chiến đó. Và chiến trường không nhất thiết phải cách đây 9.000 dặm. Chiến trường, đối với họ, có thể chạy qua một vùng ngoại ô ở Houston. Vì vậy, người ta thấy nó cứ lập lại nhiều lần. Người ta thấy việc này một cách rất khác với các chiến binh thánh chiến Afghanistan, khi chúng ta vũ trang và tài trợ, huấn luyện họ trong nhiều năm, và sau đó, khi chúng ta quyết định chiến tranh đã chấm dứt, chiến tranh không kết thúc đối với họ. Và chiến tranh có thể không được như vậy ngay ngắn, gọn gàng bị bưng bít ở nước ngoài. Vì vậy, đối với chúng ta ngày hôm nay, đó là một bài học quan trong, khi chúng ta tiếp tục vũ trang, huấn luyện và dựng lên những đoàn quân uỷ nhiệm như một trong những công cụ được ưa chuộng nhất trong ngoại giao và chủ nghĩa quân phiệt. Với những tổ chức như vậy, cuối cùng chúng ta không thể kiểm soát được.
Amy Goodman: Vâng, tôi muốn cảm ơn cả hai ông, AC Thompson và Rick Rowley, đã trao đổi với chúng tôi. Cuốn phim của họ tên là “Khủng bố ở Saigon Nhỏ”. Đó là một phim tài liệu của chương trình Fronline trên đài PBS. Bây giờ khán giả có thể coi phim bằng cách nào?
Rick Rowley: Tại website của Frontline, khán giả có thể xem toàn bộ cuộn phim miễn phí.
Amy Goodman: Đây là Chương trình Chiến tranh và Hòa bình trên đài “Democracy Now!” Tôi Amy Goodman.
© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Terror in Little Saigon: The Shocking Story of a Vietnamese Death Squad Killing 5 Journalists in US Pt. 2. Interview by Amy Goodman, Democracy Now! November 13, 2015.