Khủng bố ở Saigon Nhỏ – P11

Trần Giao Thuỷ

opinions“Dù người ta phản ứng thế nào về nội dung phóng sự, tôi cho rằng cần ngợi khen nhà sản xuất và phóng viên vì cố gắng mở lại các vụ án đông lạnh này với hy vọng đưa kẻ giết người ra công lý. … Phản ứng đầu tiên của tôi bắt nguồn từ nỗi buồn hơn là giận dữ: Tôi hoan nghênh những mong chờ công lý; tôi cảm thấy phiền vì thiếu bối cảnh lịch sử và văn hóa trong phóng sự.” – Hoàng Anh Tuấn, Blog tuannyriver.

Xem P1, P2, P3, P4, P5, P6, P7, P8, P9P10P11, Kết

Những nhận định và phản ứng nhiều chiều

Tự do tư tưởng. Nguồn:  blogjob.com
Tự do tư tưởng. Nguồn: blogjob.com

Ông Thiêm Võ, bút danh Caubay, một thành viên của Câu lạc bộ Báo chí Tự do, được biết nhiều đến trên Facebook, và cũng là một người ủng hộ tổ chức Việt Tân (cùng những tổ chức chống cộng khác) đã bày tỏ quan điểm cá nhân của ông trong bài “Vấn đề của chúng ta hôm nay”.(63) Sau đây là vài đoạn trích dẫn.

“Chúng ta đang cổ vũ cho tự do báo chí, ủng hộ sự thật thì việc một nhà báo tự do như ông A.C. Thompson mở lại hồ sơ những nhà báo bị giết hại cách đây 30 năm không có gì đáng phiền hà mà là đáng khen. Đáng khen nếu ông ta làm việc một cách vô tư trong sáng, không phiến diện, không thiên kiến và nhất là không xuyên tạc.”

“Tuy vậy trong lúc điều tra chưa có kết quả chính thức và thuyết phục thì không nên quy kết hay ám chỉ bất kỳ ai, tổ chức nào. Làm như vậy thì chính người điều tra thay vì đi tìm tội ác này đã tạo ra một tội ác khác. Cá nhân tôi khi xem phim “Terror in Little Saigon” đã thấy những người làm phim phạm lỗi lầm ấy.”

“Nói như thế không có nghĩa là chúng ta nhắm mắt ủng hộ. Nếu ai đó thấy các khuyết điểm, sai lầm, thậm chí lừa đảo hay tội ác của đảng Việt Tân đang làm hôm nay thì xin cứ trình bày. Những thông tin ấy tất nhiên quan trọng, cần thiết và hữu ích cho đồng bào ta. Điều quan trọng là cần độ chính xác và cân nhắc để tránh mọi thiệt hại không đáng có cho họ”

Phát biểu trong chương trình “Người Việt Quận Cam nói gì về phim “Khủng Bố ở Little Saigon”?”(64) do Ngọc Lan thực hiện trên đài RFA ngày 5 tháng 11, 2015, Caubay nói,

“Đọng lại trong lòng tôi là bây giờ mình giở lại hồ sơ đó thì nó có lợi gì cho người Việt mình? Tôi không chấp nhận những chuyện lường gạt giết người, nhưng trong mỗi thời kỳ chỉ có những người trong cuộc mới thông cảm được. Tôi không dám kết luận, vì khi mà cảnh sát có kết quả điều tra rõ ràng thì mình mới dám kết luận là ai có tội gì, làm gì. Nên tôi không dám kết luận ai có vai trò gì trong đó cả.”

Một mặt tác giả Thiêm Võ lo ngại Việt Tân bị thiệt hại không đáng vì có thể có những thông tin không chính xác về họ. Và ông cũng đặt câu hỏi về lợi ích của cho cộng đồng khi mở lại hồ sơ án mạng. Mặt khác ông cho rằng ký giả Adam Clay Thompson, đạo diễn Richard Rowley, phụ tá sản xuất Tony Nguyễn đã phạm tội ác quy kết ám chỉ Mặt Trận có trách nhiệm trong những vụ ám sát ký giả Việt Nam ở thập niên 1980.

Như thế, những ký giả như Judith Coburn (1983), Steve Grossman (1986), Ana Arana, Jeff Brody, hay nói cho gọn là toàn bộ Ủy ban Bảo vệ Nhà báo phát hành Bản báo cáo năm 1994 cùng những ký giả Việt Nam của thời đại khủng bố đó như Nguyễn Tú A, Cao Thế Dung, Vũ Ngự Chiêu, Nguyễn Xuân Phác, Hồ Anh, Nguyễn Đạt Thịnh, Vũ Hữu Dũng, v.v., tất cả, đã phạm tội ác vì khi viết, nói về những vụ ám sát ký giả, dù không chỉ mặt thủ phạm, tất cả đều nhận thấy đầu dây của những vụ giết người đó đều chạy về một mối: Mặt Trận Hoàng Cơ Minh.

Ký giả làm phóng sự điều tra, hay nhà báo nói chung, không phải là nhân viên Sở Điều tra của Liên bang Mỹ (FBI) hay công tố viên của toà án. Họ không có khả năng điều tra nghi phạm, hay có thẩm quyền, và trách nhiệm truy tố phạm nhân. Họ chỉ có thể làm công việc đi tìm dữ kiện, thông tin, nghị luận của nhà báo.

Cùng trong chương trình “Người Việt Quận Cam nói gì về phim “Khủng Bố ở Little Saigon”?”, ông Đỗ Dũng, Tổng thư ký của tờ Người Việt đã chọn một điểm để nhận xét về cuốn phim “Terror in Little Saigon”. Ông Dũng cho rằng FBI đã thiếu quan tâm để điều ra rốt ráo những vụ ám sát ký giả Việt Nam trong thập niên 1980. Và đó là một điều không tốt với cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Ông Ngô Văn Hiếu, hiện là một uỷ viên thường trực trong Ban Phối hợp của Tổ chức Mạng Lưới Nhân quyền Việt Nam (2013-2015), phản đối mọi hành động khủng bố nhất là đối với nhà báo hoặc gia đình của họ. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Mặt Trận hay bất cứ tổ chức, cá nhân nào có liên hệ đến những vụ khủng bố đã nêu cần phải làm sáng tỏ sự việc, ông nói “không có lửa thì làm sao có khói”.

Về những người có liên hệ được phỏng vấn trong phóng sự điều tra, ông Hiếu thất vọng vì họ không dứt khoát đưa ra sự kiện hay thủ phạm một cách rõ ràng.

Phát biểu của bà Trinity Hồng Thuận, một thành viên của tổ chức Việt Tân, dĩ nhiên không khác những “điểm để nói” (talking points) của tổ chức, phủ nhận giá trị của cuộn phim và đạo đức của cơ sở truyền thông PBS. Và tất nhiên bà Hồng Thuận không thể quên một điểm lớn trong talking points của Việt Tân là cuốn phim “Terror in Little Saigon” xúc phạm cộng đồng người gốc Việt ở Hoa Kỳ.

Một người cầm bút khác, thường cho mình là nhà binh chứ không phải nhà văn hay nhà báo, tác giả Bằng Phong Đặng Văn Âu, cũng có quan điểm rõ rệt sau khi xem cuốn phim “Terror in Little Saigon”.

Trong bài “Ý kiến của ông Bằng Phong Đặng văn Âu về Phim “Terror in Little Saigon””, Bằng Phong mạnh dạn gọi đoàn viên Mặt Trận, những người cho rằng những sự thanh toán “tàn bạo dã man kia là do bàn tay của Việt Cộng đứng trong bóng tối lợi dụng để đồng bào nghi ngờ Mặt Trận nhúng tay vào tội ác” là những “người mắc bệnh “down syndrome” (bệnh phương trệ tinh thần) vì tính ấu trĩ.” Ông Bằng Phong cũng kêu gọi “đừng đánh đồng Mặt Trận hay Việt Tân, với cộng đồng Việt Nam tỵ nạn cộng sản. Nếu đánh đồng một duột như thế thì hóa ra Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản đều là một lũ đi lừa để kiếm cơm cả sao?”

Khi là chủ bút Giai phẩm Lý Tưởng của Hội Không Quân VNCH tại Houston, ông và chủ nhiệm của Giai phẩm Lý tưởng đã bị Mặt Trận đe doạ và đòi tịch thu báo vì đã chọn đăng bài “Vàng Rơi Không Tiếc” của tác giả Đào Vũ Anh Hùng, một cựu đoàn viên cao cấp của Mặt Trận, trên Giai phẩm Lý Tưởng 1988.(65)

Trụ do ngôn luận. Nguồn:  galleryhip.com
Tự do ngôn luận. Nguồn: galleryhip.com

Ở Facebook, một mạng xã hội rất phổ biến với người Việt trong nước cũng người gốc Việt ở Mỹ và các nước khác, cuộc thảo luận về phim “Terror in Little Saigon” vẫn rộn ràng. Tại đây một trang của nhóm (community) tên “Terror in Little Saigon” đã thành hình ngay sau khi cuộn phim được trình chiếu. Trang này cho người đọc thêm một số thông tin, tài liệu, video, bài viết cũ và mới, đa số bằng tiếng Việt, về Mặt Trận và những vụ ám sát từ nhiều nguồn khác nhau, phổ biến cả hai quan điểm phản đối và ủng hộ phóng sự điều tra của AC Thompson, trong đó Phạm Văn Thành góp khá nhiều tài liệu từ sách, báo Việt ngữ cũ.

Ông Thành là một cựu đoàn viên hoạt động toàn thời gian không lương cho Mặt Trận, từ 1984 đến 1988 và được Phan Vụ Quang (Hoàng Cơ Định) chấp thuận cho về chiến khu vào trung tuần tháng 9, 1985 nhưng sau đó ông được lệnh ở nước ngoài để “thử thách”. Năm 1989 ông bị Mặt Trận “sa thải”. Ông và một số chiến hữu cũ trong đoàn văn nghệ kháng chiến của Mặt Trận lập nhóm Gió Việt, kinh doanh để hoạt động và đã thất bại. Sau đó ông cùng hai người khác lên đường về nước để tổ chức biểu tình ở Saigon. Cả ba đã bị bắt và ngồi tù cộng sản. Trong tù ông Thành đã gặp nhiều tù nhân cựu kháng chiến quân của Mặt Trận. Ông Thành được cộng sản Việt Nam trả tự do vào tháng 10, 1998. Trung tuần tháng 4, 1999 ông đã công bố một số thông tin về hoạt động của Mặt Trận, đặc biệt về 3 cuộc Đông Tiến và cái chết của ông Hoàng Cơ Minh ở Nam Lào năm 1987.(66)

Lão Móc, tác giả bài ““Khủng bố ở Sàigòn Nhỏ”: ngọn lửa xuyên băng”(67), kết luận,

“Nay, cuốn phim “Khủng bố ở Sàigòn Nhỏ” của ký giả AC Thompson và hãng phim PBS được trình chiếu từ ngày 3 tháng 11 năm 2015 đã là ngọn lửa xuyên băng có mục đích đi tìm công lý cho những cái chết của những ký giả người mỹ gốc việt bị bọn khủng bố sát hại đã bị đông lạnh trong 25 năm qua. Những kẻ tìm mọi cách chống đối lại việc trình chiếu phim “Terror in Little Saigòn” của ký giả AC Thompson và hãng phim PBS đã làm chuyện dại dột là tự nguyện đứng vào hàng ngũ của bọn khủng bố.”

Ngoài ra còn có những kiến nghị gởi chính phủ Hoa Kỳ như thư yêu cầu FBI mở lại hồ sơ các ký giả người Mỹ gốc Việt bị sát hại (FBI Must Re-open and Resolve Cases of Murdered Vietnamese-American Journalists, Lanvy Tran Fountain Valley, CA) ở trang Change.org. Tại đây cũng có thư của Tammy T. Tran, được ủng hộ nhiều hơn, yêu cầu Giám sát viên Michael Getler của đài PBS điều tra phóng sự điều tra “Terror in Little Saigon” (Investigate Frontline/ProPublica’s reporting of “Terror in Little Saigon”). Tammy Trần Thị Thiện Tâm là chủ tịch và đồng sáng lập VietACT, một nhánh của Việt Tân.

Ngoài những nhận xét và phản ứng về phóng sự điều tra “Terror in Little Saigon” bằng tiếng Việt, một số tác giả khác cũng bày tỏ quan điểm bằng Anh và Pháp ngữ.

Hoàng Anh Tuấn, Initial thoughts on “Terror in Little Saigon”, Blog tuannyriver.

“Dù người ta phản ứng thế nào về nội dung phóng sự, tôi cho rằng cần ngợi khen nhà sản xuất và phóng viên vì cố gắng mở lại các vụ án đông lạnh này với hy vọng đưa kẻ giết người ra công lý.

Phản ứng đầu tiên của tôi bắt nguồn từ nỗi buồn hơn là giận dữ: Tôi hoan nghênh những mong chờ công lý; tôi cảm thấy phiền vì thiếu bối cảnh lịch sử và văn hóa trong phóng sự.”

François Guillemot, “Terror in Little Saigon”: Décryptage Commenté”. Rédacteur en chef, Mémoires d’Indochine, 5/11/2015

“Năm nhà báo Việt đã bị một tổ chức bí ẩn sát hại không gớm tay tại Hoa Kỳ trong khoảng 1981 và 1990. Điểm chung cho họ, đối với một số người trong số họ, là đã công khai chỉ trích một tổ chức kháng chiến vũ trang chống Cộng gọi là “Mặt trận”, và những người khác là thân với chế độ mới Hà Nội sau chiến thắng của cộng sản năm 1975. Quảng cáo rầm rộ, sau đó đài PBS (Public Broadcasting Service) của Mỹ đã phát hình và phát hành trực tuyến ngày 3 Tháng Mười Một 2015 một phóng sự điều tra của Fronline|ProPublica mang tên rất sốc “Khủng bố ở Little Saigon.” Kết luận: nội dung thật thất vọng vọng và việc khai thác có vấn đề. Quay trở lại vấn đề đang bắt đầu dậy sóng.

François Guillemot, “Terror in Little Saigon”: Les conditions de la recherche de la vérité sont-elles réunies? Rédacteur en chef, Mémoires d’Indochine, 13/11/2015

“Bức tranh không ngừng nói về bộ phim tài liệu vụng về và lỗi thời của Frontline trình chiếu ngày 3 Tháng 11, năm 2015. Bộ phim tài liệu này đã làm rung chuyển dư luận người Việt lưu vong và làm hồi sinh căng thẳng chính trị bị tắt tiếng trong những năm gần đây. Tất cả mọi người đang góp phần vào cuộc tranh luận.”

Ký giả Thy Vo của cơ sở truyền thông phi lợi nhuận Voice of OC cũng viết bản tin tường thuật lại một số phảnh ứng về hóng sự điều tra của Fronline|ProPublica đăng ngày 9/11/2015, New Documentary Opens Old Wounds in Little Saigon. Bên cạnh là bài nhận định của Hao-Nhien Vu, một columnist của Voice of OC, trong bài “Bolsavik: Propublica and Frontline Revisit 1980s Murders but Fall Short of Expectations” đăng cùng ngày 9/11/2015.

Là một nhà báo không lạ gì với những đối xử khắc nghiệt với người không cùng chính kiến – vụ biểu tình năm 2008 trước báo Người Việt phản đối tấm hình nghệ thuật (chậu rửa chân có màu cờ VNCH) do chính ông cho đăng – Hao-Nhien Vu kết luận,

“Ngày hôm sau khi phát sóng, ProPublica và Frontline đã tweet một lời yêu cầu được giúp đỡ bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, yêu cầu mọi người cung cấp đầu mối để giải quyết các vụ giết người.

Tôi nghĩ đó là một ý kiến tuyệt vời, và tôi đã tweet lại lời yêu cầu của ProPublica và Frontline. Rõ ràng bộ phim tài liệu không tìm được, không có bằng chứng thực tế mới ngoài việc lập lại tin đồn cũ. Nhưng nếu phóng sự điều tra đó gây được mối quan tâm mới và dẫn đến việc tìm ra danh tính của những người đứng sau những vụ giết người, dù họ là VNDCHQĐ-VOECRN như họ tuyên bố, hay họ là Mặt trận như họ phủ nhận, hoặc bất cứ ai, thì ProPublica và Frontline đã phục vụ quần chúng tuyệt vời.

Ký ức về các nhà báo đã chết cho tự do ngôn luận xứng đáng với kết quả như vậy.”

Tương tự, trang OC Weekly cũng có những bài viết xung quanh cuộn phim Frontline Doc On Slayings Of Viet-Am Journos Causes Row In Little Saigon. NOVEMBER 10, 2015 và Elder Vietnamese Prep Organized Response To “Terror In Little Saigon” Docu/Oc Weekly Cover, November 13, 2015 của Charles Lam.

Đạo diễn Tony Nguyễn, sau khi bị chụp mũ cộng sản vì đã tư vấn và hợp tác sản xuất với Frontline|ProPublica, đã viết bài phản biện, A Chance For Truth In Little Saigon trên trang diaCRITICS, ngày 16/11/2015.

“Một số người nói tựa đề của phóng sự, “Khủng Bố Tại Little Saigon”, nặng nề và giật gân. Cũng được đi. Nhưng khủng bố là những gì chính những nhà báo người Mỹ gốc Việt báo Mỹ đã sử dụng để mô tả các mối đe dọa, bạo lực, những vụ giết người – “Khủng bố chống nhà báo”. Năm nhà báo gốc Việt này bị ám sát trong các khu “Saigon Nhỏ” – San Francisco, Houston, Orange County, và Bắc Virginia. Tựa đề có thể ơi dí vào mũi một chút, nhưng nó không phải là một sự phóng đại lịch sử.”

Một ý kiến khác viêt trên trang Subversities của một khán giả người Mỹ, Jeffrey P. Cain, Ph.D. Phó giáo sư Anh ngữ, Đại học Sacred Heart, Fairfield Connecticut, về phóng sự “Terror in Little Saigon”

“Dường như với tôi nếu một nửa các thông tin trong phim tài liệu của Frontline là chính xác, thì chính phủ liên bang phải có hành động để mở lại và theo đuổi các vụ án đó. Rất đơn giản: cuộc chiến đã kết thúc. Hàng triệu người tốt đã chết, kể cả những người lính Mỹ, lính của miền Bắc, và con số không kể xiết thường dân đã chết, gần như tất cả không muốn gì hơn là về cấy cầy trên mảnh đất của họ trong hòa bình, nuôi con, và sống một đời nhân phẩm, không bị sách nhiễu. Chúng ta đã có quá đủ những vong hồn đang lang thang trên miền rừng núi của Việt Nam và vẫn ám ảnh Bức tường cẩm thạch đen ở Washington DC. Hoa Kỳ, tốt hay xấu (Tôi nghĩ rằng tốt), đã bình thường hóa quan hệ với chính phủ mới ở Việt Nam. Chúng ta không thể cho phép những vụ giết người xẩy ra nữa. Thời điểm lửa trong hồ đã là quá khứ. Nếu có một số người còn lại không thể quên nó đi, đơn giản là họ không được phép tiếp tục cuộc chiến trên đất Mỹ đất hoặc xuất khẩu chiến tranh đến Đông Nam Á bằng tiền bạc đã gây quỹ tại đây.

Chúng ta là một quốc gia của pháp luật và công lý, và công lý phải được thực hiện nếu chúng ta muốn được an bình.”

Đồng ý hay bất bình, tất cả đều có quyền bày tỏ quan điểm. Nguồn:  thestar.com
Đồng ý hay bất bình, tất cả đều có quyền bày tỏ quan điểm. Nguồn: thestar.com

(Đón xem phần kết)

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


(63) Thiêm Võ, “Vấn đề của chúng ta hôm nay”, Facebook, November 19, 2015.
(64) Ngọc Lan, “Người Việt Quận Cam nói gì về phim “Khủng Bố ở Little Saigon”?”, RFA, 5 tháng 11, 2015. Web <http://www.rfa.org/>, 1/12/2015
(65) Bằng Phong Đặng Văn Âu, “Thư gửi nhà báo Đỗ Quý Toàn”. DCVOnline, November 14, 2015. Web <http://dcvonline.net/>, 1/12/2015
(66) Phạm Văn Thành, “Dòng tâm tư nước mắt”, 27 tháng 4, 1999. Thư viện Phạm Văn Thành. Web <http://pham-v-thanh.blogspot.fr/>, 1/12/2015.
(67) Lão Móc, ““Khủng bố ở Sàigòn Nhỏ”: ngọn lửa xuyên băng”, Facebook, 11/12/2015. Web <https://www.facebook.com/terrorinlsg/posts/462982137241463>.