Khủng bố ở Saigon Nhỏ – P9

Trần Giao Thuỷ

wordy_front“Có phải lý tưởng nghề báo của chúng ta đã trở nên quá mờ đục và mục nát đến nỗi những vụ các đồng nghiệp bị giết một cách vô cảm không còn làm chúng ta nổi giận hay có hành động?” – Juan Gonzalez

Xem P1, P2, P3, P4, P5, P6, P7, P8, P9P10P11, Kết

Những ngã rẽ – gió đã đổi chiều

Trong suốt hai mươi năm đầu tiên sống ở Hoa Kỳ, một phần cộng đồng người Việt Nam tị nạn đã xác định rõ quan điểm chính trị là phải gìn giữ, bảo vệ tập thể người Việt quốc gia chống cộng trên đất Mỹ. Chống cộng phải là một phần của căn cước, của sự quyết tâm cố gắng định nghĩa, cổ xuý, một thực thể độc lập chống lại nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trong gần hai mươi năm hoạt động chính trị, cộng đồng người Việt tị nạn ở Mỹ đã đương đầu với tất cả mọi lực lượng đối lập chính trị ở mọi tầng lớp chính quyền. Người Việt tị nạn phản biện quan điểm về chiến tranh Việt Nam của người Mỹ, thành lập phong trào giải phóng quê hương, lập chiến khu giải phóng Việt Nam, lập chính phủ Việt Nam lưu vong, để xác định căn cước chống cộng của những người Việt tị nạn ở Mỹ mà họ gọi là đất nước “tạm dung”. Song song, một phần khác của cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản đã chủ động, một cách thực dụng, lập hội ái hữu tương tế, hội nhập với dòng chính của xã hội Hoa Kỳ.(38)

Bốn thủ tướng Việt Nam lưu vong (từ trái): Ông Đào Minh Quân, Ông Nguyễn Hữu Chánh, Ông Nguyễn Bá Cẩn, và Ông Nguyễn Ngọc Bích (hai Ông Nguyễn Văn Chức và Lý Tòng Bá thay thế Ông Nguyễn Bá Cẩn sau khi ông Cẩn qua đời vào 2009). Nguồn: vietthuc.org
Bốn thủ tướng Việt Nam lưu vong (từ trái): Ông Đào Minh Quân, Ông Nguyễn Hữu Chánh, Ông Nguyễn Bá Cẩn, và Ông Nguyễn Ngọc Bích (hai Ông Nguyễn Văn Chức và Lý Tòng Bá thay thế Ông Nguyễn Bá Cẩn sau khi ông Cẩn qua đời vào 2009). Nguồn: vietthuc.org

3 tháng 2, 1994 | Tổng thống Mỹ Bill Clinton bỏ cấm vận Việt Nam.

Ký giả khắp nơi trên thế giới đến Hà Nội để chứng kiến việc trao đổi thương mại giữa hai nước cựu thù. Nhưng ở Hà Nội lúc đó không có ký giả gốc Việt tị nạn nào dám có mặt để đưa tin.

Ông Đỗ Ngọc Yến, chủ nhiệm tờ người Việt đã nói với ký giả Jeff Brody của tờ Orange County Register là ông không dám về Hà Nội vì tình hình chính trị ở… Quận Cam. Nhưng chỉ vài tháng sau, sự nghiệp báo chí cuả ông đã bị cơn gió chính trị ở California thổi dạt sang một bên.

Kể từ đó đến nay có mấy tờ báo quảng cáo dịch vụ gởi tiền, gởi hàng về Việt Nam, du lịch Việt Nam bị VNDCHQĐ-VOECRN đốt? Zero.

Tháng 3, 1994, tạp chí “Người Việt Thế giới” (Viet & World) phát hành ở Mỹ, và Đức. Chủ bút là Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh. Một số thành viên Hội đồng quản trị của UniMedia Corp., cơ sở phát hành tờ “Người Việt Thế giới” là Lê Ngoan, Nguyễn Ngọc Linh, chủ bút tờ Vietnam Economic News ở Westminster, cựu giám đốc VNTTX trước 1975, Kiều Chinh, Đỗ Ngọc Yến Chủ nhiệm tờ Người Việt, Nhã Ca, Trần Dạ Từ của tờ Việt Báo.(39)

Nhà báo Sơn Điền nói, tờ báo dự định “giới thiệu người Việt với nhau và cũng để nhắc chúng ta không bao giờ quên nguồn cội. Và chúng tôi mong càng có nhiều người đọc tờ báo này càng tốt.”

Nhã Ca nói,

Nhã Ca. Nguồn: Việt Weekly
Nhã Ca. Nguồn: Việt Weekly

“Trong mỗi chúng tôi, những người đã có kinh nghiệm bản thân với cộng sản, luôn luôn hiện hữu ý muốn trả thù. Nhưng chúng tôi không thể chuyển nỗi hận thù cay đắng của chúng tôi cho những thế hệ trẻ và mới sau này. Đó là một gánh quá nặng cho họ.”

Về mặt kinh tế, cộng đồng thương mại của người Việt ở California bị ảnh hưởng tiêu cực vì lệnh bỏ cấm vận Việt Nam của Tổng thống Mỹ đã phá vỡ nền kinh tế chợ đen chuyển tiền và hàng hoá từ đây về Việt Nam qua ngả Đài Loan, Thái Lan hay các nước thứ ba khác.

Tháng 9, 1994, ông Đỗ Ngọc Yến, phát biểu về chuyến đi Việt Nam của Bs Phạm Cơ và Phòng Thương Mãi Việt Nam ở Saigon Nhỏ,

“Chính trị chỉ là môn thể thao ở đây thôi. Người ta nói chuyện chính trị nhưng không tin những gì họ nói. Động lực chính ở đây thuần là thương mại. Ngay cả những người chống đối Bs Phạm Cơ, đa số là những bác sĩ cạnh tranh, lo ngại ông ấy sẽ thu tóm hết những H.M.O. ở vùng này. Đó không phải là chính trị. Nó thuần là thương mại thôi.”

Nhận định trên khiến tờ Người Việt bị biểu tình phản đối và đòi ông Đỗ Ngọc Yến phải từ chức. Ông Yến từ chức Chủ nhiệm nhưng vẫn là giám đốc phát hành, phụ trách quản trị tờ Người Việt.(40)

11 tháng 7, 1995 | Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố tái thiết bang giao Việt-Mỹ.

Đây là một cú sốc cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt nói chung và với báo giới Việt ngữ nói riêng.

BTV Người Việt Hà Tường Cát. Nguofi Việt.
BTV Người Việt Hà Tường Cát. Nguồn: Người Việt.

Hà Tường Cát, biên tập viên báo Người Việt giọng run run nói,

“Đây là một vấn đề khó khăn. Chúng tôi đã cố gắng để phản ảnh cộng đồng, và cộng đồng ở đây rất nhậy cảm khi nói đến vấn đề này. Chúng tôi cần phải để có khả năng đưa tin về những điều mới và cần phải thông cảm với sụ kiện trong quá khứ.”

Nguyễn Trần Quỳnh Tran Little Saigon Radio TV. (2012)Nguồn: Quynh-Trang Nguyen, Photographer Brandon Nguyen
Nguyễn Trần Quỳnh Trang Little Saigon T.V. and Radio (2012). Nguồn: Quynh-Trang Nguyen, Photographer Brandon Nguyen

Nguyễn Quỳnh Trang, Giám đốc Litlle SaiGon Radio and TV, tối thứ ba 11 tháng 7, đã lên đài tặng cho tất cả khán giả, những người “đã mất Việt Nam” một bài hát. Việt Dzũng, phát ngôn viên chính của đài Sài Gòn Nhỏ đã phải an ủi một thính giả không ngừng được tiếng khóc qua điện thoại, “Rất nhiều nhân viên của đài hôm nay đã khóc.”

Tất cả 12 biên tập viên tờ Việt Báo Kinh tế chung sức đưa tin “tái thiết bang giao” cho kịp số báo buổi sáng.

Hoang Nguyen , một nhân viên báo Người Việt nói, “Có bạn đọc coi hôm nay như ngày Sài Gòn sụp đổ. Họ cảm thấy bị phản bội như thế đó. Nhưng hẳn nhiên chúng tôi không cảm thấy như vậy, và chúng tôi phải thành thật nói như thế.”

Đài Sài Gòn Nhỏ và một vài tờ báo cũng nhận được ý kiến của một số thính giả và độc giả cho rằng tái thiết bang giao Việt-Mỹ là một bước đi đúng hướng để đem lại dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Hoang Nguyen nói tiếp, những năm trước không thể có bạn đọc hay thính giả phát biểu những ý kiến loại này. “Tôi nghĩ nay chúng tôi có tự do hơn để nói những gì chúng tôi muốn nói về những gì đang xảy ra ở Việt Nam.”

Trần Dạ Từ của tờ Việt Báo Kinh tế phát biểu, “Tôi nghĩ rằng cộng đồng người Việt ở Mỹ đang thay đổi. Nếu cộng đồng thay đổi thì giới truyền thông cũng phải thay đổi.”(41)

Và bộ mặt truyền thông ở California đã thay đổi; ở đó có thêm những tiếng nói ngược dòng như Việt Weekly, Phố Bolsa TV, KBC hải ngoại, Radio Tiếng Quê Hương, v.v. là những cơ sở không được lòng khối bạn đọc, khán thính giả chống cộng triệt để. Nhân cuộc biểu tình phản đối trước toà soạn năm 2007, Lê Vũ, giám đốc phát hành tờ Việt Weekly nói,

Lê Vũ Vieejt Weekly. Nguồn Phố Bolsa TV
Lê Vũ, Việt Weekly. Nguồn Phố Bolsa TV

“Chúng tôi cố gắng trình bầy hai mặt của một vấn đề” tạo cơ hội đối thoại, mở những cánh cửa thảo luận đã bị khép chặt trong những thập niên trước. Đơn thuần ông chỉ muốn có quyền được tự do ngôn luận.

“Người Mỹ gốc Việt đến đất nước này tìm tự do. Nay họ lại không chấp nhận được những gì chúng tôi đăng. Chúng tôi sẽ không thay đổi đường lối hoạt động.”(42)

Năm 2011, một cuốn phim tài liệu mang tên “Enforcing The Silence: The Unsolved Murder of Lam Duong” bị từ chối không được chọn trình chiếu ở Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (VIFF) dù “Mục đích của Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế gồm hỗ trợ và quảng bá tác phẩm của các đạo diễn người Việt hoặc gốc Việt trên toàn thế giới” như đã ghi ở phần giới thiệu tổ chức này. Đây là một điểm đáng tiếc. 2011, gần 40 năm sinh hoạt ở Hoa Kỳ mà một tổ chức thuần tuý nghệ thuật như VIFF vẫn còn e ngại bị biểu tình phản đối nếu chọn trình chiếu một cuốn phim làm tại Hoa Kỳ của đạo diễn Tony Nguyễn, một người Mỹ gốc Việt, thế hệ thứ hai nói về cuộc đời của một thanh niên Việt Nam bị ám sát vì quan điểm chính trị. Ngược lại, đạo diễn Tony Nguyễn có vẻ rất thông cảm với cộng đồng và với cả VIFF dù phim của ông không được chọn chiếu trong Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế năm 2011. Tuy nhiên, cuốn phim “Enforcing The Silence: The Unsolved Murder of Lam Duong” được chọn trình chiếu tại Đại hội Thái Bình Dương của người châu Á ở Los Angeles (Los Angeles Asian Pacific Film Festival) vào ngày 30 tháng 4, 2011.

Daniel C. Tsang ở blog Subversities viết, từ chối không chọn chiếu phim “Enforcing The Sillence” là

Nguồn: Daniel C. Tsang ở blog Subversities
Nguồn: Daniel C. Tsang ở blog Subversities

“VIFF bỏ mất cơ hội đứng lên ủng hộ tự do nghệ thuật đồng thời tiếp tục bắt phải im, cái im lặng mà chính cuốn phim của Tony Nguyễn đề cập đến.”(43)

Tháng 11, 2006 báo Người Việt gởi phóng viên Vũ Quí Hạo Nhiên đến Hà Nội đưa tin về APEC lần thứ 14.

Đến 2015 khi đài PBS công chiếu phóng sự “Terror in Little Saigon” thì tên ông Tony Nguyễn cũng được một số lôi ra và đội ngay cho cái nón “cộng sản”.

Nói chung, báo giới Việt ngữ từ đó đã cho rằng những bất đồng chính kiến, những tranh cãi ồn ào, nóng bỏng trong cộng động người gốc Việt ở những năm 1980 nay đã bốc hơi, giảm cường độ. Chỉ còn một thiểu số “triệt để” cực đoan mới giữ khuynh hướng bịt miệng người khác ý kiến. Thuật chụp mũ cộng sản vẫn còn, nhưng tác dụng và hiệu quả đã giảm đi nhiều. Những nhóm này ở trong thế kẹt khi luôn hô hào tranh đấu đòi tự do ngôn luận cho những người đang bị cộng sản Việt Nam bịt miệng thì khó mà lý giải cho khuynh hướng muốn dập tắt tiếng của những người không cùng quan điểm tại Hoa Kỳ.

Lưu vong lần thứ hai(44)

Nói như vậy không có nghĩa là tất cả đã sáng sủa, không khí ‘dân chủ’ ở Mỹ đã trong lành cho mọi người ‘tự do’ hít thở, nhất là đối với những nạn nhân của thập niên khủng bố 1980. Một số kiên quyết tiếp tục làm thinh. Ví dụ, thứ nhất là một nhân vật trong giới truyền thanh tiếng Việt, thứ hai là một tác giả nổi tiếng viết cuốn sách đánh Mặt Trận không khoan nhượng và đã bị bắn suýt chết, thứ ba là một nạn nhân ở San Jose đã nhiều lần bị VNDCHQĐ-COECRN doạ giết.

Sau một phần tư thế kỷ từ khi nhà báo Lê Triết bị giết ở sân nhà, một người bà con của ông cũng chỉ giám nhận lời nói chuyện với Frontline-ProPublica với điều kiện báo chí phải giữ kín danh tính. Tại sao? Đơn giản thôi, nhà chức trách đã bắt được hung thủ nào đâu. Khủng bố vẫn còn sống, tự do, ở đâu đó trên nước Mỹ.

Ản danh. Nguồn:  Dougs-Photography
Ẩn danh. Nguồn: Dougs-Photography

Sau khi giết nhà báo Lê Triết, người thân của ông đã nhận được điện thoại hăm doạ, “Tôi biết ông/bà ở đâu. Tôi biết ông/bà là ai. Tôi biết ông/bà sống chỗ nào. Và ông/bà không không biết gì về tôi hết. Vì vậy ông/bà nên coi chừng.” Người bà con của ký giả Lê Triết chỉ còn biết đi mua súng và tập bắn

Theo những cuộc phỏng vấn của Frontline-ProPublica và hồ sơ điều tra của FBI thì cả ba, Nhà báo Lê Triết, bà Đặng Trần Thị Tuyết  và ông Đỗ Trọng Nhân đều bị cùng một hay nhiều sát thủ chuyên ngiệp hạ sát.

Một vài cựu thành viên của Mặt Trận đã công khai phủ nhận mọi liên hệ đến những vụ giết người. Nhưng 5 cựu thành viên cao cấp của Mặt Trận đã nói với Frontline và ProPublica là Mặt Trận đã sử dụng một toán ám sát.

Người thân của ông Lê Triết kể lại những lần mộng du, choàng tỉnh, la hét, bật khóc vì những cơn ác mộng. Cuộc sống bị đe doạ và giới hạn, không còn giám đi nghe nhạc, đi nghe giới thiệu sách báo, họ phải dọn đi khỏi vùng bắc Virginia, tách rời đời sống với cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Một nạn nhân khác là nhà báo Nguyễn Tú A, chủ nhiệm tờ Việt Press. Là một nhà báo trực ngôn, ông không ngại kể lại thời bị khủng bố. Tương tự như hai nhà báo Lê Triết, và Đoàn Văn Toại, Nguyễn Tú A cũng đưa tin ông Hoàng Cơ Minh đã chết – ngược chiều tuyên truyền của Mặt Trận, và thách đố Mặt Trận chứng minh. Vài ngày sau khi Đoàn Văn Toại bị bắn suýt chết ở Fresno, năm 1989, Ký giả Tú A nhận được thư của VNDCHQĐ, vẽ hình những giọt máu đang rơi thành vũng. Và theo mô tả của FBI thì có 4 chữ trong tờ nhắn tin đó, “Ai là người kế?”

Nguyễn Tú A ở Westminster California (October 27, 2015.) Nguồn: Kendrick Brinson
Nguyễn Tú A ở Westminster California (October 27, 2015.) Nguồn: Kendrick Brinson/ProPubica

Một nhân viên FBI nhận xét, “Ông Nguyễn Tú A đã viết một bài chỉ trích Mặt Trận”, và nói thêm, quan điểm của ông Tú A cũng như của ông Toại – Ông Tú A nghĩ rằng quan hệ ngoại giao và thương mại sẽ giúp cho chế độ (cộng sản) cởi mở hơn.

Tuy bọn khủng bố đã không thực hiện lời đe doạ nhưng ông Nguyễn Tú A đã đóng cửa tờ Viet Press sau gần 5 năm hoạt động. Báo đã đóng cửa nhưng đe doạ của khủng bố vẫn theo đuổi, ông sống trong lo ngại thường xuyên. Sự nghi ngại đã kết tinh bằng một cú điện thoại mà ông không thể nào quên.

Vào một đêm năm ấy, khoảng 9 giờ khuya, một người không quen biết gọi điện thoại cho ông Tú A biết em của ông bị tại nạn giao thông đã được đưa vào nhà thương gần đây; ông phải đến, càng sớm càng tốt. Nghi ngờ, ông Tú A gọi cho cảnh sát và cũng biết rằng em của ông không bị tại nạn, không bị thương và cũng không ở bệnh viện.

Ông Tú A đã không đi đâu hết. Ông nói, “Đó là một cái bẫy.”

Khôn ngoan? Hoang tưởng? Ông Tú A không chắc vì sao ông đã có chọn lựa như vậy. Nhưng đó là một điều không biết được – dù nhỏ, nhưng cũng làm nản lòng – trong một vụ khủng bố chưa tìm ra thủ phạm.

Còn ông Đoàn Văn Toại? Ông đã luôn khẳng định không biết kẻ bắn ông là ai khi khai báo với cảnh sát hồi 1989 cũng như trong những cuộc phỏng vấn, có thu hình và không có thu hình, với Frontline-ProPublica năm 2015. Ông Toại nói với Frontline-ProPublica là từ lâu rồi ông đã không nghĩ rằng có ngày kẻ bắn ông sẽ bị đưa ra trước ánh sáng công lý.

Tài liệu của FBI cho thấy nhân viên điều tra nghĩ rằng Mặt Trận có thể đứng sau vụ ám sát hụt ông Đoàn Văn Toại. Hồ sơ FBI cho thấy có một người đưa tin của FBI cho biết y đã có mặt trong một buổi họp của Mặt Trận. Hôm đó một người trong ban lãnh đạo khu bộ đã cho đoàn viên tập họp biết chính Mặt Trận là tổ chức vụ ám sát đó. Người đưa tin của FBI cho hay khu bộ trưởng hôm đó đã tiết lộ. Toại đã bị “Mặt Trận trừng phạt” vì những bài viết của ông ta. Đoàn Văn Toại cũng đặt vấn đề ông Hoàng Cơ Minh đã chết, trái với tin của Mặt Trận.

Là người vùng quê miền Nam, lớn lên ở rạch Rành, mẹ làm ruộng, cha theo kháng chiến chống Pháp, khi còn nhỏ Toại đã đi bắt cá bằng tay. Lớn lên Toại đi học ở Sài Gòn, rồi trở thành giám đốc một chi nhánh ngân hàng; trong vai trò đó Toại đã nhìn rõ văn hoá tham nhũng, hối lộ trong chính phủ miền nam.

Khi cộng sản thắng cuộc năm 1975, Toại mới 30, tưởng rằng thời thế đã thay đổi và đi làm việc với uỷ ban tài chính của chế độ mới. Chỉ hai tháng sau, cộng sản đã ném Toại vào tù; 26 tháng sau Toại được thả, không một lời giải thích tại sao đã vào tù và tại sao lại được thả. Toại với vợ và ba con bỏ chạy khỏi Việt Nam đến Mỹ. Tại đây Đoàn Văn Toại trở thành người đứng đầu Viện Dân chủ cho Việt Nam với sự hậu thuẫn của một số chính khách từ hai đảng Dân chủ và Cộng hoà, đặc biệt là của thượng nghị sĩ John McCain. Toại nghĩ là có thể dùng “diễn tiến hoà bình, giáo dục và huấn luyện để giúp cho cộng sản thay đổi” và Toại cũng đã tưởng rằng thời cơ đã đến khi một quan thầy lớn của CSVN là Liên bang Sô Viết đã thay đổi, dân chủ hoá trong những năm cuối thập niên 80 bằng chính sách glasnostperestroika.

Quan điểm này không được phe triệt để chống cộng ưa chuộng. Một số theo khuynh hướng này, như Mặt Trận, quan niệm rằng chiến tranh vũ trang mới có thể giải thể cộng sản. Toại, qua những bài viết và các buổi nói chuyện với công chúng, cho rằng đó là một khái niệm lố lăng.

Và Toại bị bắn vào mặt.

Sau nhà tù cộng sản, sau khi bị ám sát hụt, Toại đã vỡ mộng với nước Mỹ và những giá trị dân chủ tự do. Đó chỉ là những điều tầm thường hơn là thực tế. Nỗi thất vọng đó hôm nay vẫn còn xanh, sượng. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây ở miền Nam California, Toại nói, “Cái mà gọi là ‘tự do báo chí’ chẳng tự do chút nào.” Trong lĩnh vực chuyên môn, Toại cũng đã Mỹ hoá cái tên Đoàn Văn Toại, một phần để che lại quá khứ, phần khác để tên mình khỏi thành tựa đề trên báo.

Đoàn Văn Toại, “Tôi nay đã thất thập rồi, và tôi chẳng màng gì nữa.” October 27, 2015. Nguồn: Kendrick Brinson
Đoàn Văn Toại, “Tôi nay đã thất thập rồi, và tôi chẳng màng gì nữa.” October 27, 2015. Nguồn: Kendrick Brinson/ProPublica

Khi được hỏi tại sao bây giờ ông lại nhận trả lời phỏng vấn với Frontline-ProPublica, Toại đùa, “Tôi nay đã thất thập rồi, và tôi chẳng màng gì nữa.”

Toại đã thôi vận động dân chủ, bẻ bút, sống ngoài sinh hoạt quần chúng và mở trường tư dạy nghề cho những người muốn mở nhà hàng hay làm nhân viên văn phòng luật sư.

(Xem tiếp P10)

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


(38) Tuyen Ngoc Tran, “Behind the Smoke and Mirrors: The Vietnamese in California, 1975-1994”, University of California, Berkeley, Department of History, Ph.D. Thesis, ProQuest 2007, trang 1.
(39) Lily Dizon, “Budding Magazine Reaches to Viet World”, Los Angeles Times, March 10, 1994. Web <http://articles.latimes.com>, 1/12/2015.
(40) Seth Mydans, “California Vietnamese Off to Hanoi”, The New York Times, September 12, 1994. Web <http://www.nytimes.com/>, 1/12/2015.
(41) Thao Hua , “America and Vietnam: A New Era: For Vietnamese-Language Media, Story Hits Home: Normalization: Little Saigon Radio opens its lines to distraught callers. Newspaper reporters struggle to cover a volatile issue fairly without inflaming their community’s passions.”, Los Angeles Times, July 12, 1995. Web <http://articles.latimes.com>, 1/12/2015.
(42) Cristina Lee, “Community plans protests against magazine”, Orange County Register, July 21, 2007. Web <http://www.ocregister.com>, 1/12/2015.
(43) Daniel C. Tsang, “Tony Nguyen’s Enforcing the Silence Dares to Address Anti-Communist Violence in the Vietnamese Diaspora in San Francisco Bay Area”, Blog Subversities, April 11, 2015. Web <http://subversities.blogspot.ca/>, 1/12/2015.
(44) A.C. Thompson, “Terror in Little Saigon: A Second Exile”, Frontline-ProPublica, Dec. 1, 2015. Web <http://www.pbs.org/>, 1/12/2015