Khủng bố ở Saigon Nhỏ – P7

Trần Giao Thuỷ

illo-typewriter-edit-900-674-b17c79Và thường thì người Mỹ gốc Việt không ưa bị người khác chú ý đến những mâu thuẫn nội bộ, sợ bị trả thù hơn là mong được bảo vệ.

Xem P1, P2, P3, P4, P5, P6, P7, P8, P9P10P11, Kết

Những vụ giết ký giả chưa bắt được thủ phạm và kẻ chủ mưu(14, 15)

Năm nhà báo Mỹ gốc Việt đã bị ám sát trong đợt sóng khủng bố đe doạ cộng đồng người Mỹ gốc Việt từ 1981 đến 1990 là Dương Trọng Lâm (CA,1981), Nguyễn Đạm Phong (TX, 1982), Phạm Văn Tập (Hoài Điệp Tử, CA 1987), Đỗ Trọng Nhân (VA, 1989), Lê Triết (VA, 1990). Những nhóm nhận là sát thủ hoặc bị tình nghi giết người là những người lưu vong cực hữu, Việt Nam Diệt cộng Hưng quốc Đảng (VNDCHQĐ)-VOECRN. Cộng đồng người Mỹ gốc Việt lúc đó đã sống trong im lặng và sợ hãi.

2015, nhà chức trách Hoa Kỳ vẫn chưa tìm ra thủ phạm giết năm ký giả Việt Nam và tập hồ sơ ám sát các nhà báo kể trên vẫn đông lạnh.

Biểu đồ dân số người Mỹ gốc Cuba, gốc Hoa (trừ Hoa lục), gốc Việt và gốc Haiti. Nguồn: Migration Policy Institute/US Census Bureau/ACS
Biểu đồ dân số người Mỹ gốc Cuba, gốc Hoa (không kể Hong Kong và Taiwan , 1990-2013), gốc Việt và gốc Haiti. Nguồn: Migration Policy Institute/US Census Bureau/ACS

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt đến năm 1990 có khoảng 543.000 người dù lớn gấp đôi cộng đồng người Mỹ gốc Haiti, 225.000 người – vẫn là một tập hợp cư dân thiểu số mới thành hình. Cộng đồng người gốc Việt, cũng như cộng đồng người gốc Haiti, không có ảnh hưởng chính trị so với hai cộng đồng người gốc Hoa tuy cũng chỉ có khoảng 530.000 người nhưng đã có lịch sử lâu dài hơn ở Mỹ và cộng đồng người gốc Cuba lớn mạnh với khoảng 737.000 người. Và thường thì người Mỹ gốc Việt không ưa bị người khác chú ý đến những mâu thuẫn nội bộ, sợ bị trả thù hơn là mong được bảo vệ. Đó là vài trong những lý do đến nay chưa một nghi phạm nào bị đưa ra trước công lý để nhận trách nhiệm về những vụ giết ký giả gốc Việt.

Chủ báo Dương Trọng Lâm, San Francisco, 21 tháng 7, 1981


Enforcing The Silence (2011). Đạo diễn: Tony Nguyen

Theo Tony Nguyễn, đạo diễn phim tài liệu Enforcing The Silence, Lâm sang Mỹ như một du học sinh của chương trình American Field Service (AFS) theo học lới cuối cùng bậc trung học ở Mỹ vào năm 1971. Theo Judith Coburn trong bài “Terrorism in Saigontown, U.S.A.” đăng trên tạp chí Mother Jones số tháng 2-3, 1983, trang 14-22, 42-4, năm 1974 Lâm đi học ở đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn như một sinh viên trao đổi của đại học Oberlin ở Ohio và trở lại Mỹ khi cuộc chiến gần tàn.  Lâm đã tham gia phong trào phản chiến trước năm 1975. Khác với mẫu sinh viên phản chiến, khinh thường và tránh xa người tị nạn cộng sản, Lâm đã thuyết phục đại học Oberlin gời ông ta đi làm thiện nguyện ở Fort Chaffee, Arkansas – trung tâm tạm trú cho 25000 người tị nan đầu tiên đến Mỹ. Lâm cũng xin được tiền dưng chương trình cứu trợ dân di cư mới đến. Lâm thành lập Trung tâm Phát triển Thanh niên tại San Francisco năm 1978. Quan điểm chính trị của Lâm tất nhiên đối lập với và không được cộng đồng người gốc Việt tị nạn cộng sản ở vùng vịnh San Francisco ưa nếu không nói là chống. Ông Lâm là chủ tuần báo Cái Đình Làng, đăng tại lại tin tức và nghị luận từ báo chí cộng sản Việt Nam.

21 ngày tháng 7, 1981 Dương Trọng Lâm bị một tay súng bắn chết ngay trên một con phố trong khu người Việt sinh sống (Little Saigon) tại San Francisco. Hung thủ sau đó đã nhanh chân tẩu thoát. Ngay hôm đó văn phòng của hãng thông tấn Associated Press ở New York đã nhận được thư của Anti-Communist Viets Organization (ACVO), một cách dịch sang tiếng Anh lúc đầu tên của Việt Nam Diệt Cộng Hưng Quốc Đảng (sau này là Vietnamese Organization to Exterminate Communists and Restore the Nation, viết tắt là VOECRN hay VNDCHQĐ) nhận là tổ sức đã ám sát Dương Trọng Lâm và sau đó còn có những cú điện thoại đến các toà báo Việt Ngữ nhận trách nhiệm giết người. Giới an ninh California tin rằng nguồn của lá thư và những cú điện thoại là một, từ VNDCHQĐ-VOECRN.

NguỒn: Mother Jones, số tháng 2-3, 1983. trang 16
Nguồn: Mother Jones, số tháng 2-3, 1983. trang 16. Hình: Mark Hanauer

Kết quả, báo chí tiếng Anh đưa tin về vụ ám sát như một trận mưa rào rồi im bặt. Có một số người Việt đã chứng kiến vụ giết người nhưng chỉ có một cựu quân nhân Thuỷ quân lục chiến Mỹ ra làm nhân chứng với nhà chức trách. Từ những thông tin đó, cảnh sát San Francisco đã bắt giữ Nguyễn Văn Đạt, 25 tuổi, người thu ngân trong tiệm ăn của Lâm mới mở. Sau 9 tháng bị giam giữ Đạt đã được trả tự do vì ông lính TQLC Mỹ rút lại lời khai. Ban đầu, cảnh sát không để ý đến lá thư của VOECRN gởi cho AP và về sau thì họ đánh mất lá thư quan trọng đó trong hồ sơ Dương Trọng Lâm. Vì quan điểm phò Hà Nội của Lâm, cảnh sát địa phương đã không có sự hợp tác hay được thông tin về sát thủ từ công đồng người Việt ở San Francisco.

Nhà báo Nguyễn Đạm Phong, Houston, 24 tháng 8, 1982

Nhà báo Nguyễn Đạm Phong, Chủ nhiệm báo Tự Do. Nguồn: ProPublica/DCVOnline
Nhà báo Nguyễn Đạm Phong, Chủ nhiệm báo Tự Do. Nguồn: ProPublica/DCVOnline

Theo cuộc phỏng vấn của Chris Phan – Viet Star Media Group ngày 22 tháng 11, ông Nguyễn Thanh Tú cho biết cha ông, ký giả Đạm Phong, đã từng làm việc với báo Trắng Đen tại Sài Gòn, đã có mặt tại Paris đưa tin về Hiệp định Ba Lê năm 1973. Là một người chống cộng, năm 1975 nhà báo Nguyễn Đạm Phong cùng vợ và 10 người con đã phải rời bỏ Việt Nam sang Houston, TX tị nạn. Tại đây ông xuất bản tuần báo Tự Do, và trở thành người được biết đên nhiều ở thành phố Houston. Ông bắt đầu lưu ý đến Mặt Trận Hoàng Cơ Minh khi nghe những than phiền và đồn đãi về cách vận động thu tiền của tổ chức này.

Vẫn theo ông Nguyễn Thanh Tú thì ký gỉa Đạm Phong đã đặt vấn đề với một số thành viên Mặt Trận,

“‘Khi gây quỹ thì mấy anh sổ sách ra sao cho dân người ta biết?’ Bố tôi càng thắc mắc thì họ càng khó trả lời và họ hứa sẽ cho coi sổ sách accounting nhưng mà… Là nhà báo kinh ghiệm, bố tôi nghi ngờ.”

Vì những ngờ vực đó nhà báo Nguyễn Đạm Phong sang Thái Lan, và qua quen biết với một số tướng lãnh ở đó, ông đã tìm đến “căn cứ kháng chiến” mà ông gọi là “lều” của Mặt Trận trên vùng đắt Thái Lan gần biên giới Lào. Rồi ông chỉ ra những điều đang ngờ về tấm hình và tuyên bố 10.000 quân kháng chiến: rừng cây ở hậu cảnh cho thấy đó không phải là Việt Nam, quân kháng chiến có khoảng 30 người Việt Nam, còn lại là người Lào, mướn để chụp hình, và những loại dĩa muống nĩa, và đồng hồ Rolex không thể là quân dụng của người đi kháng chiến, v.v.

Trờ về Houston, ông viết bài phê bình Mặt Trận trên tuần báo Tự Do. Những tuần trước số báo sau cùng, nhà báo Nguyễn Đạm Phong và gia đình đã bị hăm doạ. Ông Nguyễn Thanh Tú thường giành trả lời điện thoại vì không muốn bà Nguyễn Đạm Phong phải nghe những lời đe doạ. Ông cho biết, kẻ hăm doạ đã nói rõ nếu ký giả Đạm Phong còn tiếp tục viết bài “đụng tới nồi cơm của Mặt Trận” thì đó là những giây cuối cùng của đời ông.

Trong lúc đang nói chuyện với vợ trên điện thoại, ông Nguyễn Đạm Phong ra mở cửa và bị sát thủ rượt bắn ông chết ngay trên sân đậu xe trước nhà. Cảnh sát Houston cũng tìm thấy trong nhà ký giả Đạm Phong một danh sách những người sẽ bị giết của Việt Nam Diệt Cộng Hưng Quốc Đảng (VOECRN nhưng theo một cách dịch khác, “Vietnamese Party for the Annihilation of Communism and for the National Restoration”). Trong danh sách đó cón tên ký giả Lê Triết, người đã bị ám sát cùng vợ ở Virginia 8 năm sau đó, 1990.

Chủ nhiệm Phạm Văn Tập, 7 tháng 8, 1987

Chủ nhiệm báo Mai, ông Phạm Văn Tập (-). Nguồn:
Chủ nhiệm báo Mai, ông Phạm Văn Tập (1942-1987). Nguồn: Viên Linh/Khởi Hành số 191, tháng 9, 2012

Ông Phạm Văn Tập bút danh Hoài Điệp Tử, chủ nhiệm tuần báo văn nghệ Mai đã chết vì ngạt khói khi toà soạn tạp chí Mai bị đốt cháy. Trước đó ông Phạm Văn Tập đã nhận được thư cảnh cáo không được quảng cáo cho các công ty kinh tài cho cộng sản Việt Nam. Đây không phải là một vụ ám sát, cướp vì tiền, nhân viên điều tra tìm thấy tiền, vàng, và nữ trang trị giá 50.000 USD còn trong toà báo.

Hai ngày sau khi đốt toà soạn báo Mai và giết ông chủ nhiệm Hoài Điệp Tử “Việt Nam Diệt Cộng Hưng Quốc Đảng” (VNDCHQĐ) gởi đến tòa soạn hai tờ báo ở Garden Grove, California – Người Việt (Đỗ Ngọc Yến) và tuần báo Tay Phải (Du Tử Lê) – xác nhận đã đốt tòa soạn tuần báo Mai; trong thư có đoạn viết,

“Do thái độ không khoan nhượng của những người ở Tuần báo Mai, nhận tiền từ kẻ thù, và để thực hiện (một cảnh cáo trước đó), Việt Nam Diệt Cộng Hưng Quốc Đảng đã quyết định phá hủy tòa soạn của Tuần báo Mai […]

Đảng sẽ tiếp tục trừng trị những cán bộ Cộng sản Việt nam và bè lũ tay sai. Thêm nữa là những cá nhân và các cơ sở, trực tiếp hoặc gián tiếp, làm lợi cho Hà Nội, đặc biệt là những tạp chí và nhật báo đăng quảng cáo cho các kế hoạch kinh tài của cộng sản Việt Nam.”

Lá thư của “VNDCHQĐ” cũng chỉ trích và lên án 3 công ty Canada ở Montreal đã đăng quảng cáo trên tuần báo Mai, Vinamedic Inc., Laser Express Inc. and QTK Express Inc., là tay sai chính quyền cộng sản.

VNDCHQĐ-VOECRN cũng công nhận đã ném bom xăng gây thiệt hại cho trụ sở của Vinamedic và Laser Express tại Montreal vào ngày 23 tháng 11, 1985 giống như kết quả điều tra sơ bộ của nhà chức trách Hoa Kỳ.

Hiện vẫn còn nhân chứng sống ở Montreal đã nghe thành viên Mặt Trận tuyên bố sẽ đốt trụ sở Vinamedic và Laser Express ở đường Beaudry.

Douglas Zwemke, một thám tử của sở cảnh sát San Jose xác nhận đã biết đến tổ chức này, VNDCHQĐ-VOECRN, khi họ công nhận đã ám sát hụt ông Trần Khánh Vân trước vụ đốt toà soạn báo Mai.(16)

Tại San Jose, nhà báo Nguyễn Xuân Phác, giám đốc xuất bản tờ báo Dân Việt cũng nói rằng ông đã nghe nói về tổ chức nhận đã đốt toà sạn báo Mai. Ông Phác nói thêm, năm ngoái ông đã nhận được một lá thư từ cùng tổ chức VOECRN nhận đã bắn cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Gia cư Trần Khánh Vân nhưng không chết.(17)

Ông Trần Khánh Vân trở thành mục tiêu sau khi đề nghị Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ với Hà Nội. Người bắn ông Trần Khánh Vân là Trần Văn Bé Tư, bị bắt và bị án tù 7 năm. Trần Văn Bé Tư từng là đoàn viên Mặt Trận Hoàng Cơ Minh.

Nhân viên tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, Đỗ Trọng Nhân, Fairfax County, VA, 22 tháng 11, 1989

Ông Đỗ Trọng Nhân (1933-1989) Nguồn: OntheNet
Ông Đỗ Trọng Nhân (1933-1989) Nguồn: OntheNet

Đỗ Trọng Nhân, cựu Trung tá VNCH, tị nạn cộng sản tại Mỹ năm 1981, nhân viên dàn trang cho tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong bị bắn chết trong xe. Sơn Tùng, cũng là một ký giả viết cho tờ Văn Nghệ Tiền Phong lúc đó, cho biết

“Một thám tử của Đơn vị Chống Tội ác của Dân Á Châu (Asian Crime Unit) đã vào phòng làm việc của tôi và hỏi có nghi ai không. Tôi trả lời “không” và cho biết ông Nhân chỉ làm công việc cắt dán, không viết bài, không phải ký giả. Người này nói:

– Đây có thể là một cảnh cáo của “Phở H.” Các anh nên cẩn thận và cho chúng tôi biết khi có tin gì liên quan đến vụ này.”(18)

Ý kiến của nhân viên điều tra phỏng vấn ký giả Sơn Tùng cũng là suy nghĩ chung của nhân viên toà soạn; họ cho rằng đây là lời cảnh cáo với ban biên tập trong thời điểm tờ báo bị nhiều áp lực và đe doạ của Mặt Trận.

Cũng theo một nguồn tin khác của cảnh sát thì ông Đỗ Trọng Nhân có thể bị bắn vì ông thường cho mọi người tưởng ông là một nhân viên cao cấp của VNTP.

Vụ ám sát ông Đỗ Trọng Nhân đến nay vẫn không có kết quả và cũng không có tổ chức nào nhận là đã giết ông Nhân.

Ký giả Lê Triết, Baileys Crossroads, Virginia, 22 tháng 9, 1990

Nhà báo Lê Triết và vợ trong ảnh minh hoạ cảnh hai người bị ám sát. Nguồn: ProPublica/DCVOnline
Nhà báo Lê Triết và bà Đặng Trần Thị Tuyết trong ảnh minh hoạ cảnh hai vợ chồng bị ám sát. Nguồn: ProPublica/DCVOnline

Tên ký giả Lê Triết đã nằm trong một danh sách của VNDCHQĐ/VOECRN đe doạ giết mà cảnh sát Houston đã tìm thấy trong nhà ký giả Đạm Phong từ năm 1982 khi ông bị VOECRN bắn chết ở sân nhà của ông. Tên chủ nhiệm tờ Văn Nghệ Tiền Phong, ông Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng cũng nằm trong danh sách ám sát của VOECRN.

Cả hai, ông Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng và ông Lê Triết đều là những người đã ủng hộ Mặt Trận lúc ban đầu, nhưng đến giữa những năm 1980 tờ VNTP bắt đầu đăng những bài viết chỉ trích Mặt Trận bên cạnh những bài khác đả kích chính quyền cộng sản Việt Nam. Những bài báo sau cùng của Ký giả Lê Triết trước khi bị giết là ba bài viết về hoạt động của Mặt Trận.

Ký giả Lê Triết và vợ ông, bà Đặng Trần Thị Tuyết bị bắn chết ngay khi vừa về đến sân đậu xe trước nhà ở vùng Baileys Crossroads, Virginia tối ngày 22 tháng 9, 1990.

Hai tháng sau đó, tờ Văn Nghệ Tiền Phong bắt đầu đăng một loạt 3 bài cho rằng 3 nhân vật lãnh đạo của Mặt Trận lúc đó, Hoàng Cơ Định, Trần Xuân Ninh, Nguyễn Xuân Nghĩa, đã ra lệnh giết ký giả Lê Triết. Tác giả loạt bài đó là một cựu thành viên của Mặt Trận, ông Cao Thế Dung, dùng ba bút danh khác nhau – Lê Kính Dân, Lê Bằng Phong, và Chu Tri Lục. Ông Cao Thế Dung còn là tác giả cuốn sách “Mặt trận những sự thật chưa hề được kể” do nhà xuất bản Đa Nguyên, TX phát hành năm 1991.

Năm 1991-1992, Mặt Trận đưa ba đơn kiện báo chí về tội vu khống phỉ báng Mặt Trận nhưng toà đã gom lại làm một vụ để xét xử. Nguyên đơn là các ông Hoàng Cơ Định, Trần Xuân Ninh, và Nguyễn Xuân Nghĩa. Bên bị đơn là các ông Nguyễn Thanh Hoàng (báo Văn Nghệ Tiền Phong), ông Cao Thế Dung, ông Vũ Ngự Chiêu (Giám đốc nxb Đa Nguyên). Sau những thủ tục pháp lý kéo dài 3 năm, Toà Thượng thẩm ở Santa Clara, San Jose, với bồi thẩm đoàn mới bắt đầu xử kiện vào ngày 12 tháng 12, 1994. Ngày 22 tháng 12 bồi thẩm đoàn đi đến chung quyết, 11 trên 1: các ông Hoàng Cơ Định, Trần Xuân Ninh, và Nguyễn Xuân Nghĩa đã không chứng minh được các ông Nguyễn Thanh Hoàng, Cao Thế Dung, và Vũ Ngự Chiêu đã mạ ly. Bên nguyên đơn thua kiện, không đòi được bồi thường 550.000 USD cũng như phải trả tất cả mọi án phí của Toà.(19)

Nguồn: Trần Củng Sơn, Mặt Trận Kiện Báo chí
Nguồn: Trần Củng Sơn, Mặt Trận Kiện Báo chí

Khoảng nửa năm sau khi CPJ phát hành báo cáo “SILENCED, The Unsolved Murders of Immigrant Journalists in the United States”, FBI và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã mở lại tập hồ sơ những vụ giết 5 ký giả chưa tìm ra thủ phạm. Kết quả điều tra của nhà chức trách không vẫn không đưa kẻ chủ mưu hay/và thủ phạm giết người ra ánh sáng công lý. Và trên những tờ báo dòng chính vẫn, tiếng Anh chi là vài bản tin ngắn, và lại càng ít hơn nữa trên các tờ báo tiếng Việt ngữ ở Hoa Kỳ và dư luận lúc đó vẫn là một sự im lặng lạnh lùng dù cộng đồng người Việt tị nạn lúc đó đã tròn hai mươi tuổi.

Ngoài 5 vụ giết ký giả gốc Việt chưa có kết quả, còn nhiều vụ sách nhiễu, đe doạ và khủng bố khác trong cộng đồng báo chí tiếng Việt.

Những vụ khủng bố báo giới Việt ngữ khác ở Hoa Kỳ

Ném bom xăng trụ sở báo Văn Nghệ Tiền Phong, Arlington, Virginia, 1980

Trụ sở báo Văn Nghệ  Tiền Phon ở  Arlington, Virginia (1990). Nguồn Google
Trụ sở báo Văn Nghệ Tiền Phong ở Arlington, Virginia (1990). Nguồn Google

Tạp chí VNTP có khuynh hướng chỉ trích một số tổ chức cựu quân nhân lưu vong. Nhà của ông Nguyễn Thanh Hoàng và cũng là toà soạn báo VNTP bị ném bom xăng khi ông chủ nhiệm kiêm chủ bút và con gái bảy tuổi đang ở trong phòng ở tầng hầm. Hai cha con chủ báo VNTP thoát nạn nhưng căn nhà bị thiệt hại khoảng 125.000 USD.

Mưu sát ông Bạch Hữu Bồng, giám đốc xuất bản tuần báo nhỏ, Los Angeles, 5 tháng 1 1982

Hung thủ ngồi trong xe chạy qua bắn ông Bạch Hữu Bồng xối xả khi ông vừa rời khỏi một tiệm ăn ở khu phố Tàu. Ông Bồng bị bắn ngay sau khi đăng bài báo về một băng đảng “Người nhái” ở quận Cam. Đó là một nhóm cựu quân nhân Hải quân Việt Nam. Nạn nhân đã nhận diện hung thủ là Nguyễn Hữu Tài, bí danh là “Ông Tài”, thủ lĩnh của băng đảng “Người nhái” thường tống tiền người Việt ở vùng Quận Cam.

Nguyễn Hữu Tài bị đưa ra tòa và bị kết án tù. Nhưng tòa đình chỉ thi hành án lệnh vì Tài chưa phạm tội ác tại Hoa Kỳ. Ông Bồng ngưng xuất bản báo.

Từ 1987 đến 1990, cường độ những thảo luận quốc cộng trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã trở nên căng thẳng. Khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ trong khối Xô Viết, Người Việt Nam ở Mỹ bắt đầu công khai thảo luận về việc Mỹ có thể lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Nhiều nhà báo, luật sư và những thành phần có ảnh hưởng trong cộng đồng đã về Việt Nam để thăm người thân. Nhóm chống cộng triệt để trong cộng đồng đã trả đũa.

Hành hung nhà văn Vũ Mộng Long, Westminster, California, 30 tháng 4, 1988

Duyên Anh (1935-2007) trên bìa sách của ông. Nguồn: Khởi Hành
Duyên Anh (1935-1997) trên bìa sách của ông. Nguồn: Khởi Hành

Ngày 30 tháng 4 năm 1988, Nhà văn Duyên Anh Vũ Mộng Long đang cùng bạn là hoạ sĩ Trần Đình Thục đi trên phố trước Bolsa Mini Mall ở Quận Cam, cùng lúc có một vài chục người hoạt động chính trị đang biểu tình, kỷ niệm lần thứ 13 ngày Sài Gòn sụp đổ. Vài người bao vây và một trong nhóm đó đã đánh vào đầu ông Vũ Mộng Long đập xuống vệ đường khiến ông trở thành phế nhân dù được cứu cấp ngay sau đó. Gia đình ông Duyên Anh cho hay họ được FBI cho biết có thể VNDCHQĐ-VOECRN là tổ chức đã hành hung ông.

Duyên Anh đã bị cộng sản Việt Nam giam tù 6 năm sau 1975. Có tin đồn cho rằng ông đã đầu hàng và cộng tác với cộng sản. Ông ra khỏi tù cộng sản năm 1981 sau khi được Tổ chức Ân xá Quốc tế và Hội Văn bút Quốc tế (PEN) can thiệp. Tháng 3, năm 1983, sau 10 ngày vượt biển Duyên Anh tới Mã Lai. Ông đến Paris tháng 10, 1983 đoàn tụ với gia đình đã sang Pháp từ 1981. Duyên Anh bị hành hung trong lần viếng thăm Nam California qua lời mời của Dân biểu Cộng hoà Robert K. Dornan, có văn phòng trung ương đặt ở Garden Grove. Chính dân biểu Dornan cũng đã yêu cầu FBI mở cuộc điều tra sự vụ.(20)

Ông Duyên anh nói, “Tôi không thù ghét, hay giữ lòng oán hận bất cứ ai, kể cả những người đã đánh đập tôi tàn nhẫn.”(21)

Đe doạ giết Nguyễn Tú A, chủ nhiệm tờ Việt Press, Westminster, California, 3 tháng 8, 1988

Nguyễn Tú A  đọc báo cũ bên goài nhà của ông ở Westminster California October 27, 2015. Nguồn:  Kendrick Brinson
Nguyễn Tú A đọc báo cũ bên ngoài nhà của ông ở Westminster California October 27, 2015. Nguồn: Kendrick Brinson

Sau khi ông Nguyễn Tú A và những người bạn khác về thăm Việt Nam thì ông và hai người khác đã bị “lên án tử hình”. Bản án được đóng trên cột điện thoại trong khu Saigon Nhỏ ở Westminster, CA.

Mưu sát nhà báo Đoàn Văn Toại, Fresno, California, 19 tháng 8, 1989,

Ông Đoàn Văn Toại và tác phẩm của minh bên ngoài nhà của ông published books outside his home in Westminster, California October 27, 2015.
Ông Đoàn Văn Toại và những tác phẩm đã in bên ngoài nhà của ông ở Westminster, California October 27, 2015. Nguồn: Kendrick Brinson

Đoàn Văn Toại, một ngòi bút gây tranh cãi và đứng đầu Viện Dân chủ cho Việt Nam, có trụ sở tại Washington, đã bị bắn trọng thương trên đường đi bộ về nhà tại Fresno, Bắc California. Ông Toại bị bắn có thể vì bài xã luận trên một bản tin tiếng Anh mà ông Toại cho biết đã bị dịch sang tiếng Việt sai và được đăng trên báo Việt ngữ địa phương.

Toại là một nhân vật gây tranh cãi trong cộng đồng người gốc Việt vì ông ủng hộ cộng sản trong thời chiến. Sau 30 tháng 4, 1975 Đoàn Văn Toại trở thành nhân viên trong ủy ban tài chánh của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhưng sau đó cũng được cộng sản Việt Nam cho đi tù cải tạo. 1979 Toại được cho đi sang Mỹ vì lý lịch Pháp của vợ ông. Tuy vậy, Người tị nạn cộng sản ở Mỹ vẫn không chấp nhận quá khứ theo cộng sản của Toại và ông vẫn tiếp tục chỉ trích giới cựu lãnh đạo Miền nam và nhóm lãnh đạo của người tị nạn ở Mỹ.

Giữa thập niên 1980, Toại bị phản đối và nhận được nhiều thư doạ giết vì bài viết trên tờ Los Angeles Times, kêu gọi Mỹ tái lập bang giao với cộng sản Việt Nam. Kẻ đe doạ còn kèm theo một viên đạn trong bì thư. Trong bài viết trên tờ LA Times vào năm 1982, ông Đoàn Văn Toại còn chỉ trích những người lãnh đạo của tổ chức kháng chiến lấy tiền của quỹ kháng chiến làm của riêng. Sau khi bài báo đăng trên tờ Los Angeles Times, tổ chức đó đe doạ giết cả nhà ông Đoàn Văn Toại.(22)

FBI điều tra vụ mưu sát nhưng không được sự hợp tác của cộng đồng người Việt Fresno vì Toại được coi là một “tên cộng sản bịp.”

Báo người Việt: xe đưa báo bị ném bom xăng, chủ nhiệm Đỗ Ngọc Yến bị đe doạ giết, Santa Ana, Califorania, April 24, 1989

Ông Đỗ Ngọc Yến, chủ nhiệm báo Người Việt. Nguồn: Monica Almeida/TNYT
Ông Đỗ Ngọc Yến (1941-2006), chủ nhiệm báo Người Việt. Nguồn: Monica Almeida/TNYT

Ngày 24 tháng 4, 1989 xe đưa báo Người Việt bị ném bom xăng khi đang đậu trước cửa toà soạn. Trên tường của toà báo còn có hàng chữ ghi, “Người Việt, nếu tụi bay là VC (Việt Cộng) thì tụi tao sẽ giết.” Vụ đốt xe đưa báo xảy ra sau khi một chương trình truyền hình do chủ nhiệm tờ Người Việt, ông Đỗ Ngọc yến, sản xuất “vô tình” phát hình cờ cộng sản Việt Nam và nơi để xác Hồ Chí Minh.(23)

Tên của ông Yến cũng nằm trong một danh sách tử hình trên một trang đánh máy của một nhóm chống cộng. Nhóm này tyên bố xẽ xử tử Đỗ Ngọc Yến và một số người lãnh đạo cộng đồng khác vào ngày 30 tháng 4. Bản tuyên bố tử hình đó đã được gởi đến vài nhật báo ở Quận Cam và ở San Jose. Ông Đỗ Ngọc Yến cũng đã từng bị hăm doạ trước đó vì chủ trương ôn hoà của ông về bang giao Việt-Mỹ.

(Xem tiếp P8)

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


(14) CPJ, Ibid., trang 9-19
(15) Ana Arana, “In America Justice for Some”, trong cuốn “Journalists in Perils”, Edited by Nacy J. Woodhall, Robert W. Snyder, 1998, Transaction Publishers, New Brunswick (USA), London (UK), trang 91-97
(16) David Reyes, “Anti-Communist Group Says It Caused Publisher’s Death”, Los Angeles Times, August 13, 1987. Web <http://articles.latimes.com>, 1/12/2015.
(17) David Reyes, “Official Funeral for Publisher Canceled: Fearful Vietnamese Plan a Quiet Goodby to Pham, Los Angeles Times, August 14, 1987.
David Reyes và Steve Emmons, “Orange County Vietnamese Group Says It Set Fire Fatal to Publisher”, Los Angeles Times, August 14, 1987.
Steve Emmons và Nancy Wride, “Police Trying to Determine Veracity of Group’s Letter”, Los Angeles Times, August 14, 1987. Web <http://articles.latimes.com>, 1/12/2015.
(18) Sơn Tùng, “Với Ông Nguyễn Thanh Hoàng và tờ Văn Nghệ Tiền Phong” trong cuốn “Cái nghiệp văn báo”, 2012, Trang 5-20.
(19) Trần Củng Sơn, “Mặt Trận kiện báo chí”, NXB Sông Ba, San Jose, CA, 1995.
(20) David Reyes, “Viet Author Attacked Here Goes Home to Paris to Mend”, Los Angeles Times, July 1, 1988. Web <http://articles.latimes.com>, 1/12/2015.
(21) Valerie Takahama, “Renewed publishing career of Vietnamese writer nothing short of miracle”, Orange County Register, November 8, 1995.
(22) David Reyes and Tracy Wilkinson, “FBI Reportedly Will Investigate Shooting of Viet Writer”Los Angeles Times, August 21, 1989. Web <http://articles.latimes.com>, 1/12/2015.
(23) David Reyes, “Truck Burned at Newspaper: Arsonists Protest Television Show for Vietnamese”, Los Angeles Times, April 26, 1989.Web <http://articles.latimes.com>, 1/12/2015.