Khủng bố ở Saigon Nhỏ – Kết

Trần Giao Thuỷ

roses_bwBài viết này để nhớ đến những nhà báo đã bị ám sát, những người đã trả giá tột đỉnh vì tự do ngôn luận. Công lý rồi sẽ đến, dù có muộn màng.

Tiếp theo P1, P2, P3, P4, P5, P6, P7, P8, P9P10P11

Nguồn: Fronline|ProPublica
Nguồn: Frontline|ProPublica

Nguyễn Xuân Nghĩa

  • Diễn viên xuất sắc

Đã xem phóng sự điều tra “Terror in Little Saigon, và đọc những bài viết, trả lời phỏng vấn trên báo, trên đài, người viết không có kết luận nào khác, Nguyễn Xuân Nghĩa là một diễn viên xuất sắc.

Ông đóng vai tôi trung, gia nhập Mặt Trận vì nghe ông Minh nói, “Tôi không tin là trong đời mình sẽ thấy Việt Nam được giải phóng khỏi chế độ Cộng sản. Nhưng tôi thà chết trong rừng như một thảo khấu còn hơn làm một người tỵ nạn ở hải ngoại.” Chỉ hơn một năm làm việc cho Mặt Trận, trong khủng hoảng nội bộ, ông Nghĩa chọn phe gia đình Hoàng Cơ chống lại ông Phạm Văn Liễu người đã đuổi việc không cho làm Vụ trưởng Vụ Tuyên Vận, do ông Hoàng Cơ Minh cắt cử thay Hoàng Cơ Long, vào đầu tháng 6, 1984. Nguyễn Tường Bá là Vụ trưởng vụ Tuyên vận thứ 3.(68) Rồi khi Mặt Trận vỡ đôi lần thứ nhất, 29 tháng 12 năm 1984, khi ông Minh giải tán BCH TVHN, đưa Nguyễn Kim (Nguyễn Kim Hườn, Steven Nakashima) vào vai trò Tổng Vụ Trưởng ông Nghĩa lại được đưa trở lại vụ Tuyên Vận. Một thời gian sau ông Nghĩa là Vụ trưởng vụ Kế Hoạnh cũng dưới quyền Tổng Vụ Trưởng TVHN Nguyễn Kim Hườn đã thay ông Liễu.

Ông cho là ông Liễu định hăm doạ tố cáo ông là cháu của Nguyễn Văn Linh. Thực ra đây không phải là điều bí mật. Khi Hoàng Cơ Minh cho biết sẽ cho Nghĩa làm Vụ trưởng Viên Tuyên Vận, và những lủng cũng trong Mặt Trận, ông Phạm Văn Luỹ kể lại trong “Hồi ký Một đời người”.(69)

Ông nói với ông Minh, “Nghĩa đã ở lại với CS năm năm, nên cần một thời gian để hiểu Nghĩa, để tìm hiểu công việc Nghĩa đã làm khi ở lại Sài Gòn… Giữ một nhiệm vụ có ảnh hưởng đến sinh mệnh MT thì cần phải đắn đo , suy nghĩ…”

Ông Luỹ viết lại một số ý kiến trong cuộc họp 23-24/11/1983 tại California.(70)

“Thoạt đầu, Liễu cho rằng Nghĩa còn quá trẻ nên nông nổi, cho đến khi Ủy ban Phản Gián An Ninh khuyến cáo nên thay thế Nghĩa ở chức vụ Tuyên vận. Vì Nghĩa, sau 75 tiếp tục ở lại Việt Nam, đã cộng tác với Nguyễn văn Hảo, không hề phải đi học tập cải tạo, đó là chưa kể đến yếu tố Nghĩa là cháu của Tổng Bí Thư VC Nguyễn văn Linh đang gây nghi vấn trong dư luận. Vì sinh mệnh của MT, đây là vấn đề an ninh nên chỉ hội ý với Ủy Ban An Ninh mà không triệu tập phiên họp Tổng Vụ.”

Ý của ông Trần Xuân Ninh (bí danh Trần Thiên Ân):

“Tôi có cảm tưởng Nghĩa là nguyên nhân của mọi sự việc [xẩy ra trong nội bộ Mặt Trận], Nghĩa đứng đầu lá thư nặc danh [do Nguyễn Quốc Tiến ký tên, chỉ trích chiến hữu Tổng Vụ Trưởng], Nghĩa gây ảnh hưởng với chiến hữu Chủ tịch, với chiến hữu Định. Vậy có phải đúng Nghĩa là nguyên nhân của mọi sự rắc rối, và như thế có đúng không? [Mà nếu đúng thì ta có phải có biện pháp gì đối với một người như thế?]”

Ý của ông Nguyễn Tường Bá:

“Nếu chiến hữu Định tiếp tục nghe và tin theo chiến hữu Nghĩa thì vấn đề còn nhiều khó khăn lắm!”

Ông Phan Vụ Quang Hoàng Cơ Định gay gắt:

“Không nên buộc tội người vắng mặt. Nếu bảo rằng không ai có quyền, chỉ là phân chia trách nhiệm thì Tổng vụ Trưởng có quyền gì giải nhiệm Vụ trưởng Nguyễn Đồng Sơn (Nghĩa). Tôi đề nghị mời chiến hữu Đồng Sơn tham dự phiên họp. Phải để Đồng Sơn có tiếng nói.”

Trong phiên họp 8/12/1984 ông Huỳnh Lương Thiện cũng cho hay vụ Tuyên Vận đã ngưng công tác báo chí của ông Nghĩa ở toà báo Kháng Chiến nhưng vẫn nhận được 3 tháng lương theo chỉ thị của ông Liễu cho ông Định.(71)

Ý kiến của ông Hoàng Cơ Minh trong buổi họp 6/12/1984 tại hậu trạm ở Thái Lan với ông Vũ Văn Chương,(72)

“Đồng Sơn Nguyễn Xuân Nghĩa là người có tài, tài và tật gần nhau, đừng quá khe khắt. Là con rể Trần Lê Quang, Đồng Sơn không thể là cộng sản. Còn Hoàng Cơ Định hay Phan Vụ Quang có lộng quyền, có dẫm chân, nhưng thiếu người nên phải lăn lưng vào mà làm.”

Một người khác được ông Minh hỏi ý kiến về Nguyễn Xuân Nghĩa là ông Nguyễn Văn Chức(70), ông trả lời,

“Nghĩa là cháu ruột của tên cộng sản lưu manh Mười Cúc Nguyễn Văn Linh bí thư Thành Ủy Hồ Chí Minh. Nghĩa có học và thủ đoạn. Sau ngày 30/4/1975, Nghĩa đã ở lại Miền Nam, mà không bị một ngày tù tội. Một người như vậy, các anh không thể tin được, và chỉ nên dùng vào những công tác chuyên môn (nghiên cứu, dịch thuật). Không nên dùng vào những công tác tham mưu.”

Trong phỏng vấn cũng như bài viết, ông Nghĩa lúc nào cũng tỏ ra mình quan trọng. Qua những nhận định và ý kiến trên đây, ông đúng là cái đinh của câu chuyện Mặt Trận năm nào.

  • Nhà đổ vạ trong phim K-9

Như đã viết trong “Terror in Little Saigon” – An Old War Comes to a New Country” trên Frontline|ProPublica(74) cũng như trong phóng sự điều tra “Terror in Little Saigon”, ký giả Thompson nói,

  1. Bé Tư không còn là thành viên Mặt Trận khi ông bắn ông Trần Khánh Vân. (1’11”-1’14”)
  2. Bé Tư được kết nạp vào K-9 nhưng đã từ chối. (Be Tu said he’d been recruited to join the K-9 unit, but chose not to, though he admired its work.)
  3. Khi nói về K-9, ông Trần Văn Bé Tư nói “K-9 là dân chuyên nghiệp. Họ làm việc giỏi nhưng họ không bao giờ để bị bắt” (K9 is professional. They do good job but they never get caught.

Trong bài giới thiệu phóng sự, ký giả Thompson viết,

“Là bạn lâu năm của hai người chỉ huy cao cấp của Mặt Trận – người mà FBI tình nghi đã chỉ huy các vụ tấn công – Bé Tư nói ông ta nghĩ là Mặt Trận đã ám sát Đạm Phong, và có thể đã giết ông Phạm Văn Tập và vợ chồng ông Lê Triết.”

Trong bài đăng trên tuần báo Sống ngày 10 tháng 11, 2015, không kể đến những điểm về K-9 liên quan đến ông Phạm Văn Liễu, Nguyễn Xuân Nghĩa đã sai vì nghe và đọc nhưng không hiểu tiếng Anh hay cố tình xuyên tạc để đạt mục đích riêng.

Nguyễn Xuân Nghĩa viết, “…Trần Văn Bé Tư đã xác nhận mình là đoàn viên của K-9 khi ám sát hụt ông Trần Khánh Vân!”

Nguồn: Nguyễn Xuân Nghĩa,
Nguồn: Nguyễn Xuân Nghĩa, “Ba Cuộc Phỏng Vấn Và Hai Năm Phóng Vẩn”.

Với đoạn văn trên Nguyễn Xuân Nghĩa đã, vô căn cứ, một là, chụp mũ K-9 cho Trần Văn Bé Tư, và hai là, cáo buộc tội giết người để biểu dương khí thế chống cộng cho ông Liễu qua sự kiện ông Trần Khánh Vân bị bắn nhưng không chết.

Màn vu vạ này cũng được diễn lại trong ba lần “giải ảo” rất mờ mịt và huyền ảo trên Người Việt TV, ở đó ông Nguyễn Đồng Sơn Nguyễn Xuân Nghĩa tung hoả mù đổ, trách nhiệm cho người đã chết trong vụ ông Trần Khánh Vân bị bắn.

Sau khi Mặt Trận vỡ đôi, ông Phạm Văn Liễu không phải là người lãnh đạo của nhóm Mặt Trận Quốc gia Giải phóng Việt Nam (không có hai chữ “Thống nhất”) với các ông Trần Minh Công, Phạm Văn Chung, Trần Huỳnh Châu, Đỗ Đăng Doanh, Phạm Đình Đệ, Trần Vụ Bản, Nguyễn Quang Đan. Mặt Trận không có chữ “Thống nhất” này đổi tên thành Lực lượng Việt Nam Tự Do vào khoảng cuối 1985. Ra khỏi Mặt Trận Hoàng Cơ Minh, không còn lương, từ 1985 ông Liễu đã phải mở tiệm giặt làm kế sinh nhai.(75) Ông qua đời năm 2010 tại, San Franciso, California.

Như vậy khi ông Trần Khánh Vân bị ông Trần Văn Bé Tư bắn hồi cuối tháng 3 năm 1986, Mặt Trận duy nhất hiện hữu lúc đó là Mặt Trận Hoàng Cơ Minh mà Nguyễn Xuân Nghĩa là Vụ trưởng Tuyên vận rồi Kế hoạch cho đến khi âm thầm rút lui vào năm 1991 sau khi cùng Hoàng Cơ Định và Trần Xuân Ninh nộp đơn kiện Nguyễn Thanh Hoàng, Cao Thế Dung và Vũ Ngự Chiêu.

Theo bản tin trên báo Los Angeles Times ngày 23 tháng 3, 1986(76), khi trả lời Thám tử Mark Frank của Westminster, sau khi bị bắt vì bắn Trần Khánh Vân, Trần Văn Bé Tư nói ông “là một thành viên của Mặt Trận” (Tran said he is a member, but not a leader, of the Front) và “Mặt trận không can dự vào vụ bắn này” (Tran said that, to his knowledge, the Front had nothing to do with the shooting.)

  • Lời thú nhận của chuyên gia vơ đũa

“Đó là một chương đen tối của đời tôi.” – Nguyễn Xuân Nghĩa

“Trong một loạt phỏng vấn với ProPublica và Frontline, Nghĩa thay đổi nhận định về Mặt Trận. Lúc đầu, ông nhấn mạnh rằng tổ chức này không thể nào dính dáng đến những vụ tấn công các nhà báo hoặc những người khác ở Hoa Kỳ.

Trong những trao đổi về sau này, khi bị đặt trước những bằng chứng về bạo lực của Mặt trận, ông đã trở mặt. Trong một cuộc phỏng vấn ghi hình, Nghĩa cho biết “hoàn toàn có thể” là các thành viên Mặt trận đứng đằng sau vụ ám sát Đạm Phong và có thể đã phạm những tội ác khác. Ông xác nhận có một nhóm hung bạo ở trong Mặt Trận, và khi người quay phim tắt máy ảnh, Nghĩa xác nhận ông đã tham gia vào một cuộc họp của Mặt Trận trong đó các thành viên thảo luận một kế hoạch ám sát một chủ nhiệm nổi tiếng tại Orange County [nhà báo Đỗ Ngọc Yến của Người Việt]. Nghĩa cho biết ông đã thuyết phục các chiến hữu của mình đừng giết người đó.

Nguyễn Xuân Nghĩa. Nguồn: Frontline|ProPublica
Nguyễn Xuân Nghĩa nay gọi giai đoạn ở với Mặt trận là “một chương đen tối” của cuộc đời ông ta. Nguồn: Frontline|ProPublica

Ông nói, “Đó là một chương đen tối của đời tôi.””(77)

Ba ngày sau khi PBS trình chiếu phóng sự “Terror in Little Saigon” ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã dẫy dụa phủ nhận những gì đã nói với phóng viên trước mặt đạo diễn của Frontline|ProPublica trong bài phỏng vấn với ký giả Hà Giang của báo Người Việt. Ông nói, “đoạn văn viết về việc tôi trả lời phỏng vấn là hoàn toàn bịa đặt, vừa thiếu đạo đức vừa thiếu chuyên nghiệp.” Nghĩa, vơ đũa cả nắm, cho rằng những gì Frontline|ProPublica viết về ông trong bài “Terror in Little Saigon” – An Old War Comes to a New Country là cứt bò của giới truyền thông Mỹ (US media bullshit).

Nguyễn Xuân Nghĩa có thể chối bai bải những gì đã nói với nhà báo và những người làm phim của Frontline|ProPublica và có thể chê trách họ nhưng cớ gì Nghĩa lại nguyền rủa cả giới truyền thông Mỹ?

Có lẽ cũng chẳng lạ gì, ngay cái tựa đề bài phỏng vấn, tờ Người Việt đã cho thấy Nguyễn Xuân Nghĩa là chuyên gia… vơ vào khi nói “Chúng ta tiếp tục là nạn nhân của truyền thông Mỹ”. Chúng ta là ai? Ông Nghĩa trả lời báo chí, ông Nghĩa đóng phim, sao lại có chuyện “chúng ta” ở đây? Cựu Vụ trưởng Tuyên Vận Nguyễn Đồng Sơn của Mặt Trận quýnh quá hoá nhảm.

“Ngày hôm sau, cả ba đồng nghiệp của A.C. Thompson, gồm Joseph Sexton, Cliff Parker, và Richard Rowley, đều gửi email cho Người Việt, xác định là ông Nguyễn Xuân Nghĩa có nói với họ như thế – NV.” (78)

Trong bài “Một phản đối và một trả lời” đăng trên ProPublica ngày 13 tháng 11, 2015, cũng có đoạn, “Chúng tôi sẽ hân hoan trực tiếp trả lời ông Nghĩa nếu ông muốn đặt vấn đề phản đối với chúng tôi.”

Tóm lại, muốn chứng minh sự thật đứng về phía mình thì ông Nghĩa nên đối diện với Frontline|ProPublica và dư luận Hoa Kỳ thay vì dùng chiến thuật “chối, chối, chối” và tấn công ký giả, cùng lúc đóng tuồng là nạn nhân để qua mắt một số bạn đọc và khán giả gốc Việt.

Tấn công ký gỉa và cơ quan truyền thông độc lập, liêm chính, và phi lợi nhuận như Frontline và đặc biệt là ProPublica, hai lần đoạt giải thưởng Pulitzer về nghề báo điều tra, là một chọn lựa thiếu khôn ngoan trước toà án công luận.

Trong những nhân vật xuất hiện trong phóng sự điều tra “Khủng bố ở Saigon Nhỏ” Nguyễn Xuân Nghĩa là nhân chứng xuất sắc nhất. Xuất sắc hơn cả một cựu thành viên lãnh đạo Mặt Trận ẩn danh xác định Mặt Trận đã hạ sát 2 trong 5 nhà báo. Xuất sắc hơn Trần Văn Bé Tư, không ngần ngại công nhận đã bắn ông Trần Khánh Vân như cây đổ. Xuất sắc hơn vì nhờ có ông Nghĩa, Frontline|ProPublica mới có được mấu chốt mới nhất sau hơn 30 năm FBI, cảnh sát và báo chí điều tra những vụ ám sát ký giả Việt Nam.

Mấu chốt mới và quan trọng đó là ông Nguyễn Xuân Nghĩa xác nhận ông đã tham gia vào một cuộc họp của Mặt Trận Hoàng Cơ Minh trong đó các thành viên thảo luận một kế hoạch ám sát nhà báo Đỗ Ngọc Yến của Người Việt và ông đã thuyết phục các chiến hữu của mình đừng giết ông Yến.

Nếu, chỉ nếu thôi, chính quyền Mỹ, FBI quyết định đưa những vụ ám sát ký giả bị đông lạnh trở lại vòng điều tra một lần nữa, thì Nguyễn Xuân Nghĩa chắc chắn sẽ là nhân chứng siêu sao (superstar witness).

Nạn nhân của những vụ khủng bố, giết ký giả


AC Thompson và Nguyễn Thanh Tú, con trai thứ sáu của nhà báo Nguyễn Đạm Phong(79)

“- Cha tôi luôn luôn thích tranh luận.
Bất cứ khi nào bạn viết về sự thật, và không đem bán sự thật thì bạn là người gây ra tranh cãi. 

– Ông nhớ những gì ngày cha của ông bị giết?

– Tôi muốn biết bố tôi có cần tôi giúp ông đưa báo hay không. Vì thế tôi gọi về nhà. Và một người trả lời điện thoại. Đó là một người Mỹ. Tôi gác phone, nghĩ là mình đã gọi lầm số. Tôi lại gọi bố tôi. Cũng người đã trả lời tự giới thiệu ông là một Trung sĩ thuộc sở cảnh sát Houston. Rôi ông ấy nói, “Này em, em phải về nhanh, nhà có chuyện.” Và khi đó tôi đã biết là không còn gì nữa.”


AC Thompson và bà Nancy Dương, chị của Dương Trọng Lâm(80)

“- Chúng tôi đến đây vào năm 75. Lâm ở trong nhà này với tôi. Đó, Lâm đó. Lúc đó Lâm là một hippie như ông thấy.
– Và anh ta lại có một bản tin.
– Đúng rồi. Cái đó đó, cái đó làm người ta nổi giận.
– Anh ấy có bị hăm doạ không? Hăm doạ như thế nào?
– Vâng. Tôi là người đầu tiên bị hăm doạ. Và họ doạ tôi bằng khẩu súng.
– Họ dí súng vào đầu của bà? Những người đó nói gì?
– Họ chỉ nói, “Cút khỏi nước Mỹ. Tôi sẽ giết cả gia đình.” Tôi sợ chết người. Tôi không nói đùa đâu. Và Lâm cũng sợ.
– Sau khi Lâm bị giết có một lá thư được gởi đi, lá thư viết VOECRN (Việt Nam Diệt cộng Hưng quốc Đảng)…
– Tôi có nghe như vậy. Họ còn gọi cho tôi nữa kìa.
– Họ gọi cho bà.
– Vâng.
– Họ nói họ là một nhóm… một nhóm khủng bố.
– Đúng, họ nói “Chúng tôi là những người đã giết em của bà.” Tôi sợ. Tôi thật tình đã sợ.
– Họ gọi cho bà bao nhiêu lần?
– Lạy Chúa tôi, tôi có thể nói suốt hai tháng, tôi muốn điên luôn. Tôi đã phải cắt điện thoại.
– Bà đã phải cắt điện thoại?
– Vì ngày và đêm …
– Bà nghĩ gì về sự điều tra của cảnh sát?
– Tôi không nghĩ là họ quan tâm nhiều đến chuyện này. Nó làm tôi buồn khổ lắm. Tôi cố gắng đưa cho họ thông tin. – Tôi làm đủ mọi thứ vì tôi muốn biết chính xác chuyện gì đã xảy ra cho Lâm. Vì với tôi, Lâm là người tốt nhất. Lâm rất tử tế. Khi Lâm chết, tôi …”

Như đã thấy cuộc tranh luận và ý kiến về phóng sự điều tra “Terror in Little Saigon”, vì nhiều lý do khác nhau, khác hẳn phản ứng của người Mỹ gốc Việt 20 năm trước, khi Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo phát hành báo cáo năm 1994. Lần này phản ứng đến từ nhiều phía, nhiều nơi; từ báo chí Việt đến báo tiếng Anh ngoài ra cũng có những nhận định bằng tiếng Anh của những người gốc Việt ở thế hệ thứ hai và cả nhận xét bằng tiếng Pháp của một học giả ở Lyon; tuy vậy, phóng sự “Khủng bố ở Saigon Nhỏ” dường như không gây được ảnh hưởng hay sự quan tâm của người gốc Việt và báo giới ở những nơi khác, nhất là trong khu vực của cộng đồng người Việt xuất thân từ CXHCN Việt Nam hay Việt Nam DCCH. Báo do chính quyền Việt Nam kiểm soát có đề cập đến “Khủng bố ở Saigon Nhỏ” nhưng động cơ không phải là đòi công lý cho những nhà báo đã bị khủng bố ám sát.

Trong suốt thời gian tìm hiểu về những vụ án mạng từ hơn 30 năm trước, người viết bài này nhận thấy có hai khuynh hướng rõ rệt, ủng hộ và phản đối phóng sự của Frontline|Propublica. Dường như không ai, hay nếu có, chỉ một số rất ít đã quan tâm đến chính những nhà báo đã đã bị giết hay những mất mát, những khổ đau của những người thân và gia đình của họ. Những người đó cũng là những nạn nhân của bọn khủng bố. Họ đã phải liên tục sống trong khủng bố trước và sau khi đã mất cha, mất em, mất con, mất chồng, v.v.

Có thể hai đoạn đối thoại ngắn, bằng tiếng Anh, giữa AC Thompson và người con trai nhà báo Đạm Phong và với người chị của nhà báo Dương Trọng Lâm không đủ để cho khán giả gốc Việt thông cảm được nỗi đau sót, mất mát quá lớn của họ.

Một số ý kiến cho rằng “giở lại hồ sơ đó thì nó có lợi gì cho người Việt mình”, hay cho rằng đài PBS đã “xúc phạm đến cộng đồng” hay lo ngại cho Việt Tân “bị thiệt hại không đáng”. Như vậy, theo những người có quan điểm trên đây thì 5 nhà báo và bà Đặng Trần Thị Tuyết (vợ nhà báo Lê Triết) đã bị giết và hàng trăm người thân của họ có phải là những phần tử của cộng đồng người Mỹ gốc Việt hay không? Những người đã bị cướp đi mạng sống, bị cướp đi hạnh phúc gia đình, bị cướp mất người thân, những nạn nhân trong các vụ khủng bố giết nhà báo này có “bị xúc phạm” hay không?

Người ta, có lẽ, phải nghe những lời trần tình bằng tiếng Việt của ông Nguyễn Thanh Tú mới hiểu được nỗi đau sót, và những giờ phút kinh hoàng của những người bị khủng bố.(81)

“[…] Họ nói với bố cháu đó nếu mà còn tiếp tục viết mấy bài vở đụng vào nồi cơm của Mặt Trận Hoàng Cơ Minh thì đó là ngày cuối cùng của bố cháu. Họ gọi nhiều lắm, ngày nào cũng gọi cả. Hầu như là phải sống trong trường hợp của tụi tôi, anh chị, khán giả mới hiểu được, không có danh từ nào có thể tả hết sự khổ, sự sợ. Tôi nói cho anh chị nghe, cái câu mà tiếng Anh gọi là “constant fear” là từ giây, tụi tôi không biết giây nào sẽ là giây cuối cùng, là hơi thở cuối cùng của ông…

Ngày nào gia đình tôi cũng sống, sống từ giây một, là tại vì họ gọi tới doạ tôi vì tôi không muốn mẹ tôi phải nghe những cái lời, những danh từ họ dùng, tôi hấp tấp tới giành trả lời điện thoại.”

Một số đặt trọng tâm tranh cãi vào cái tựa cuả phóng sự điều tra mà không quan tâm bàn luận đến sự thật là 5 ký giả đã bị giết.

Xin hãy tưởng tượng cảnh gia đình mẹ goá và 10 người con mồ côi cha trong những năm đầu tiên của đời tị nạn cộng sản trên đất Mỹ.

Không phải để tranh luận về tựa đề của phóng sự diều ta của đài PBS, nhưng người viết không đồng ý với tiểu tựa của phóng sự, “Cuộc chiến cũ đến quốc gia mới” (“An Old War Comes to a New Country”.

Nói như vậy là không công bằng vì cuộc chiến, nếu có, ở quốc gia mới thì phải xảy ra giữa những lực lượng vũ trang, và cuộc chiến thì phải có chiến trường. Những nhà báo, bất phân chính kiến, không phải là người cầm súng, họ là những người cầm bút và toà soạn chắc chắn không phải là căn cứ quân sự.

Người tị nạn cộng sản là người chống lại bạo lực, bất công, khủng bố của cộng sản, bỏ nước đi tìm tự do, dân chủ, công bằng và bác ái. Yêu tự do, dân chủ công bằng và bác ái hay chống cộng cũng không thể biện hộ cho hành động hay đồng loã với khủng bố, giết người không vũ khí tự vệ, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất kể quan điểm chính trị của họ là gì.

Dân chủ Pháp trị là một hệ thống để giải quyết những khác biệt mà không cần phải dùng đến bạo lực.

Cuộc chiến chống cộng sản Việt Nam đã xảy ra tại Việt Nam, dù không đồng cân sức. Những Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân, Huỳnh Vĩnh Sanh, Hồ Thái Bạch, Trần Nguyên Hùng, Tô Văn Hườn, Hoàng Đình Mỹ, Thạch Sanh, Nguyễn Văn Trạch, Nguyên Bình, Nguyễn Văn Hậu, Nhan Văn Lộc, Lý Vinh, Trần Ngọc Ẩn, Cai Văn Hùng, Đặng Bá Lộc, Thái Văn Dư, Trần Văn Phương, Nguyễn Phi Long, Nguyễn Văn Cầm, và nhiều người khác không tên tuổi hoặc đã bị cộng sản xử tử hoặc đã bị bắt tù đày vì trực diện đối đầu với Việt Cộng ở mặt trận – đúng, ở mặt trận chứ không phải ở những California, Houston, Virgina thanh bình tại Mỹ – sau ngày 30 tháng 4, 1975.(82)

Giết nhà báo, khủng bố gia đình họ – vì bất cứ lý do gì – muôn đời vẫn chỉ là hành động của bọn khủng bố, mafia, phi nhân, khiếp nhược giấu mặt trong bóng tối. Little Saigons, cộng đồng người Việt ở Mỹ đã là nạn nhân, đã bị khủng bố.

Nhưng cũng có những người không giấu mặt.

Lời tuyên bố của tờ báo Tin Quê Hương hoan nghênh việc nhà báo Dương Trọng Lâm bị bắn chết, “Cộng đồng người Việt vùng Vịnh rất hài lòng với việc trừ khử Dương Trọng Lâm” có khác gì ứng xử hôm nay của đám dư luận viên ở trên mạng hay ở Việt Nam vỗ tay tán thưởng bọn côn đồ, tay sai chế độ độc tài, đã và đang hành hung, trấn áp những người bất đồng chính kiến, những người chỉ có tiếng nói và ngòi bút.

Nhà báo Dương Trọng Lâm được gia đình an táng ngày 24 tháng 7, 1981 tại nghĩa trang Los Gatos, gần San Jose. Một tăng sĩ Phật giáo làm lễ cho ông ở nhà xác đã đột nhiên biến mất, không giải thích được, khi áo quan đến huyệt mộ. Mục sư Hanaoka đã phải làm lễ thay cho nhà sư đã bỏ đi, ông còn nhớ đã nói, “Đời của Lâm là một cuộc đời hy sinh, sống cho tha nhân, và cách Lâm chết cũng như cách Lâm đã sống.”

Người Mỹ gốc Việt ở năm 2015 nghĩ gì khi đọc đoạn văn sau đây:

“Mười bẩy ngày sau khi Dương Trọng Lâm đã được an táng, cha của ông đã phải yêu cầu bốc xác của ông lên vì người Việt Nam ở San Jose phản đối không muốn một “tên cộng sản” chôn gần mộ thân nhân của họ.”

Gia đình cựu Trung Tá quân lực Việt Nam Cộng hoà Dương Văn Lạng đã đưa xác của Lâm đi hoả thiêu và ném tro tàn theo gió ở Vịnh Bán Nguyệt, St. Mateo, về hướng Việt Nam.(83)

Nguồn: Judith Colurn, “Terror in Saigontown, U.S.A.”, Mother Jones, Feb-Mar, 1983, trang 44
Nguồn: Judith Coburn, “Terror in Saigontown, U.S.A.”, Mother Jones, Feb-Mar, 1983, trang 44

“Người ta không quên – nhất là những người bên thua cuộc.” Đó là nhận xét của giáo sư Tạ Văn Tài khi còn là nghiên cứu sinh ở Harvard.(84) Thua cuộc có thể làm con người trở nên tàn nhẫn thế hay sao? Lâm bị khủng bố nhân danh “diệt cộng”, nhân danh “hưng quốc” bắn chết ở San Franciso. Và cũng chính những người nhân danh “diệt cộng”, nhân danh “hưng quốc” cũng đã bắn chết những nhà báo Nguyễn Đạm Phong, Phạm Văn Tập, Lê Triết. Họ không phải là những người thân cộng hay cộng sản.

Nhưng Lâm đã chết một lần nữa khi gia đình phải đào mộ ông lên vì người Việt ở San Jose lúc đó không bằng lòng để một “tên cộng sản” được an táng gần thân nhân của họ!

“Người chết hai lần” đâu chỉ có ở chiến tranh Việt Nam hay trong lời ca của Trịnh Công Sơn.

Tuy nhiên, cũng có những người người gốc Việt ở San Jose khác. Thí dụ, một ký giả làm việc với một tờ báo tiếng Việt ở San Jose, đã đăng nhiều bài thách đố Mặt Trận; nhưng ông không phải là tác giả. Ông nói với AC Thompson, “Tôi không giám.” Dù vậy, khi đeo máy hình đến một cuộc họp do Mặt Trận tổ chức, ông đã bị hành hung. Vài năm sau đó ông ký giả đã trở thành luật sư. Và chính ông đã ra toà bênh vực cho quyền tự do ngôn luận của giới cầm bút. Ông là luật sư Nguyễn Tâm, người đã biện hộ và giúp các nhà báo Nguyễn Thanh Hoàng, Cao Thế Dung, và Vũ Ngự Chiêu thắng vụ kiện do các người lãnh đạo Mặt Trận, Hoàng Cơ Định, Trần Xuân Ninh và Nguyễn Xuân Nghĩa khởi đầu. Luật sư Nguyễn Tâm hiện là nghị viên thành phố San Jose.

Thế còn những người đã được Uỷ ban bảo vệ Nhà báo vinh danh là nhà báo can đảm đấu tranh cho tự do ngôn luận? Từ khi nhận Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế của CPJ, các ông Đoàn Viết Hoạt (1993), Điếu Cày Nguyễn Văn Hải (2013) đã có khi nào lên tiếng – khoan nói đến đấu tranh đòi công lý – cho 5 nhà báo gốc Việt Nam bị ám sát trên đất Mỹ hay chưa? Và Câu lạc bộ Nhà báo Tự do? Chẳng lẽ những giải thưởng “can đảm đấu tranh cho tự do ngôn luận” và cả một tổ chức “nhà báo tự do” đó chỉ thâu hẹp hoạt động trong nội địa Việt Nam? Đây là câu hỏi với những nhà báo đã nhận giải thưởng báo chí và đang sống ở đất nước tự do dân chủ.

Những việc làm của AC Thompson, Richard Rowley, Tony Nguyen và tất cả đồng nghiệp của họ để thực hiện phóng sự điều tra “Terror in Little Saigon” là điều đáng trân trọng. Họ đã tiếp tục công trình của những ký giả Judith Coburn (1983), Steve Grossman (1986), Ana Arana, Jeff Brody, hay nói cho gọn là toàn bộ Ủy ban Bảo vệ Nhà báo phát hành Bản báo cáo năm 1994 cùng những ký giả Việt Nam của thời đại khủng bố đó. Mục đích duy nhất là đưa những vụ khủng bố giết người ra trước ánh sáng công lý.

Hiện nay cũng có hàng chục người cầm bút, nếu không nhiều hơn, chuyên nghiệp cũng như không chuyên nghiệp, đã lên tiếng về việc 5 nhà báo gốc Việt bị ám sát từ hơn 30 năm qua. Người gốc Việt trong cộng đồng Hoa Kỳ đã không làm thinh như trước. Người Mỹ gốc Việt hôm nay đã không còn sợ hãi bọ côn đồ khủng bố như xưa. Tất cả đều mong sớm đến ngày công lý điểm danh thủ phạm và kẻ chủ mưu giết nhà báo.

Nhà báo và cộng đồng người gốc Việt hôm nay đã lên tiếng vì trách nhiệm, vì lương tâm. Nếu nhà báo, ký giả, những người làm việc truyền thông, và người gốc Viêt – những người trong cuộc – không làm thì ai sẽ làm? Người ta lên tiếng nói hôm nay để xác nhận quyền tự do ngôn luận của các nhà báo đã bị giết, để xác nhận những mất mát vô vàn của gia đình và thân nhân của họ, để an ủi, và chia sẻ nỗi đau với những người còn sống (ông Nguyễn Thanh Tú đã nhận được rất nhiều điện thoại, thư an ủi, khích lệ và hứa giúp đỡ khi cần). Tất cả đã nói, đã làm để sống đúng với giá trị của của đất nước tự do mà người Việt đã tìm đến từ 40 năm trước.

Vì thế ông Nguyễn Xuân Nghĩa khỏi phải lo “cộng đồng chúng ta không mắc bệnh câm, điếc hay mù!” Biết đâu, nhờ phóng sự “Khủng bố ở Saigon Nhỏ” và một cộng đồng không làm thinh, ông có thể trở thành nhân chứng trước vành móng ngựa.

Bài viết này để nhớ đến những nhà báo đã bị ám sát, những người đã trả giá tột đỉnh vì tự do ngôn luận.

Nguồn: DCVOnline tổng hợp
Nguồn: DCVOnline tổng hợp

Công lý rồi sẽ đến, dù có muộn màng.

Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


(68) Phạm Văn Liễu, Ibid., trang 353
(69) Phạm Ngọc Luỹ, “Hồi ký một đời người” Tập II, Sự rạn vỡ của Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng VN. 1994. NXB Tân Văn – Nhật Bản. Trang 139, 224
(70) Phạm Ngọc Luỹ, Ibid., trang 224, 226, 228,và Phạm Văn Liễu, Ibid., trang 373.
Nguyễn Văn Chức, “Phở… từ Nguyễn Xuân Nghĩa đến Nguyễn Gia Kiểng”, 2002.
(71) Phạm Văn Liễu, Ibid., trang 372, 381
(72) Phạm Văn Liễu, Ibid., trang 373
(73) Nguyễn Văn Chức, “PHỞ… từ Nguyễn Xuân Nghĩa đến Nguyễn Gia Kiểng”, 2002, 2008.
(74) A.C. Thompson, “Terror in Little Saigon” – An Old War Comes to a New Country”. By Frontline |ProPublica | Nov. 3, 2015. Web , 1/12/2015
(75) Phạm Văn Liễu, Ibid., trang 389, 401-404 và Đỗ Thông Minh, “Niên biểu Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam – Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng”. 2007. Đãđược đăng trong phần đầu của “Hồi Ký Hành Trình Người Đi Cứu Nước” của Phạm Hoàng Tùng.
(76) Nancy Wride, “Vietnamese Refugee Allegedly Confesses to Shooting Attack, The Los Angeles Times, March 23, 1986.
(77) A.C. Thompson, Ibid. Web , 1/12/2015
(78) Hà Giang/Người Việt, A.C. Thompson: Mọi bằng chứng đều chỉ về Mặt Trận, Người Việt, Novemeber, 6, 2015. Web <http://www.nguoi-viet.com/>, 1/12/2015.
(79) A.C. Thompson, Ibid.
(80) A.C. Thompson, Ibid.
(81) Viet Star Media Group, “Phỏng Vấn Nguyễn Thanh Tú, con ký giả Đạm Phong”, Nov. 22. 2015. Web <https://www.youtube.com/watch?v=r96n0fGWjS4>, 1/12/2015
(82) Lâm Lễ Trinh, “Mở Lại Hồ Sơ 3 Vụ Án: Trần Văn Văn, Nguyễn Văn Bông, Trần Văn Bá”, Diễn đàn Người dân Việt Nam, 2005. Web <http://www.diendannguoidanvietnam.com/>, 1/12/2015
(83) Judith Coburn, “Terror in Saigontown, U.S.A.”, Mother Jones, Feb-Mar, 1983, trang 44
(84) Judith Coburn, Ibid., trang 19.

3 Comments on “Khủng bố ở Saigon Nhỏ – Kết

  1. Đúng, tôi qua Mỹ tị nạn là muốn tự do dân chủ. Nhưng trong thực tế và nhất là trên phương diện chính trị, tự do dân chủ ở nước Mỹ này cũng chỉ tương đối thôi. Nói trắng ra tôi chẳng dám tin chính trị của nước Mỹ. Nhưng tôi vẫn sang đây vì ở đây nó tốt hơn (hay nói đúng hơn, nó ít xấu như) bên VN. Ai cũng chọn cho mình cái khá hơn để làm, để theo và để sống còn…

    Cho nên sôn’g ở Mỹ thì tôi “PHẢI” chap nhận luật pháp của nước này về mọi phương diện, nhưng trên phương diên chính trị thì nói thẳng với quý vị,… TÔI HẬN THÙ CHÍNH PHỦ MỸ. Họ đã bán đứng quê hương tôi cho CS Bắc Việt! và nay họ còn mang VC vào những nơi có đông đồng bào tị nạn VN để tuyên truyền.

    Vụ án “Terror in Little SG” đó là một tiêu đề CHÍNH TRỊ của người Mỹ. Có những người Mỹ họ lương thiện trong vụ “terror in little SG” nhưng tôi thấy chính phủ Mỹ thiếu lương thiện trong tiêu đề họ đang đưa ra, bởi vì họ xử dung. nó trong mục tiêu chính trị để lấy thiện cảm với CS Hà Nội! Quý vị có thể tin tưởng chính phủ Mỹ trong phương diện chính trị, nhưng tôi thì không. Tôi đồng ý cần làm sang tỏ đối với nhưng nạn nhân thực sự chống cộng đã bị những người “chống cộng” ám sát.

    Có những người Mỹ họ lương thiện trong vụ “terror in little SG” nhưng tôi thấy chính phủ Mỹ thiếu lương thiện trong tiêu đề họ đang đưa ra, bởi vì họ xử dung. nó trong mục tiêu chính trị để lấy thiện cảm với CS Hà Nội! Quý vị có thể tin tưởng chính phủ Mỹ trong phương diện chính trị, nhưng tôi thì không. Tôi đồng ý cần làm sang tỏ đối với nhưng nạn nhân thực sự chống cộng đã bị những người “chống cộng” ám sát. Hồi bên trại tị nạn, tôi đã đọc báo của tị nạn VN và biết rănngf Đoàn Văn Toại bị ám sát và thoát chết; nhưng báo chí không thương tiếc chuyện đó chỉ vì anh là thân cộng. Nay nhắc tới Dương Trọng Lâm, tôi thấy nhà báo này cũng tương tự như ĐVT.

    Đã nói rang trong chính trị tôi không tin tưởng chính phủ Mỹ và luật pháp của Mỹ, do đó có thể nói thẳng rang người Mỹ đã hoà trộn những vụ ám sát các ký giả chống cộng với những người thân cộng trong những thời điểm khác nhau để tuyên truyền vầ chống phá tinh thần chống cộng của đồng bào tị nạn VN. Tôi rất muốn làm minh bạch những vụ ám sát các nhà báo chống cộng như Lê Triết chẳng hạn. Nhưng nếu nhắc tới những cái chết hay bị ám sát hụt của Đoàn (hay Đàm) Văn Toại và Dương Trọng Lâm thì xin nói thẳng với quý vị những kẻ hoạt động chính trị có lợi cho VC như thế, có chết thì I DON’T CARE. Làm chính trị mà đi ngược long dân, chết thì không ai thương tiếc, cho dù ở nước dân chủ hay thiên đàng XHCN đi nữa…

    • Nói hụt hơi mà chẳng ra răng…mần răng cũng chẳng mần chi…

      Ăn cắp cái nick rất …Mĩ, mà cà giựt kiểu nà…Bố mi chắc cũng ngọng luôn! hehehe

      “Văn Toại và Dương Trọng Lâm thì xin nói thẳng với quý vị những kẻ hoạt động chính trị có lợi cho VC như thế, có chết thì I DON’T CARE. Làm chính trị mà đi ngược long dân ”

      Thêm một thằng Mặt Trận Phở Bò …Điên!!

  2. Trích “Bài viết này để nhớ đến những nhà báo đã bị ám sát, những người đã trả
    giá tột đỉnh vì tự do ngôn luận. Công lý rồi sẽ đến, dù có muộn màng.”

    Hy vọng vết nhơ này sớm được sáng tỏ nhờ “Đèn Giời” soi xét. Những phần tử phạm pháp
    thi nhỡn nhơ đú đởn; còn nạn nhơn và chứng nhơn thì sống trong nỗi sợ hãi. Khốn nạn và kinh hoàng!!

    Ps: Nếu em nhớ không nhầm, thì cụ TG Thủy, BPĐVÂu…là những cây bút chuyên đóng đô ở .info?
    Thế sao BBT danchimviet.info phải “né” các bài viết của các cụ nhể? hehehe

    Chả nhẽ…Mợ chủ quán riệu Mạc Việt Hồng nghe đến tên “Mặt Trận & VT” cũng …rét phải không quí cụ (TGT, BPĐVA…)?