Câu trả lời cho người phật tử Trương Nhân Tuấn
Trần Phong Vũ
Một người bạn ở trong nước vừa gửi cho chúng tôi bài viết ngắn của tác giả Trương Nhân Tuấn post trên mạng anh Ba Sàm hôm 11-8 vừa qua. Bài viết có tiêu đề “Không thấy Phật Giáo ở đâu trong lòng dân tộc?”
Anh bạn gợi ý chúng tôi lên tiếng về vấn đề này. Theo anh, nó đang trở thành một câu hỏi lớn cho nhiều bà con trong nước, trong số không thiếu những Phật tử thuần thành như chính tác giả bài viết.
Tôi chỉ trả lời vắn tắt trong hồi âm cho anh bạn. Đại ý, nếu là một Phật tử như anh, tôi sẽ viết. Nhưng ngặt vì là người Công Giáo, nếu tôi lên tiếng, không những không giúp ích gì cho đại cuộc mà còn có thể gậy thêm những ngộ nhận nguy hiểm.
Nhưng hôm nay tôi quyết định viết về vấn đề này. Lý do: vì đã tìm được chứng tá với hy vọng lý giải được một phần câu hỏi của tác giả Trương Nhân Tuấn.
Chứng cớ thứ nhất: “Bản lên tiếng của Tăng Đoàn GHPGVNTN về thảm họa do Formosa Hà Tĩnh gây ra” do HT Thích Viên Định ký tên với tư cách Tổng Thư Ký Tăng Đoàn. Văn kiện này công bố ngày 27-4-2016, được post trên mạng Ba Sàm cùng ngày. Thứ đến là tiếng nói dõng dạc của Đại Đức Thích Viên Pháp trong cuộc hội thảo về đề tài “Vai Trò Tôn Giáo đối với tình hình hiện nay của đất nước”(1) do CĐ Bắc California tổ chức hôm Chúa Nhật 07-8-16. Tiếp theo là nội dung cuộc phỏng vấn Đại Đức Thích Viên Pháp do chương trình Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt, do nhà báo Ngô Đình Vận thực hiện gần đây.
Bản Lên Tiếng có những đòi hỏi:
“Xử phạt nghiêm khắc những người lãnh đạo có trách nhiệm liên quan trong việc dung dưỡng, bao che cho tập đoàn Fomosa gây tội ác. Buộc tập đoàn Formosa phải chịu trách nhiệm khắc phục khủng hoảng, bồi thường thiệt hại cho người dân. Trả lại môi trường biển trong sạch cho người dân ở đây.”
Trong bài nói chuyện tại cuộc hội thảo hôm 07-8, ĐĐ Thích Viên Pháp đã minh nhiên xác định lập trường và thế đứng của ông. Theo đó,
“Trước khi là Phật tử, là chức sắc trong GHPG, ông đã là một công dân Việt Nam, có trách nhiệm trực tiếp đối với sự tồn vong của đất nước và dân tộc Việt…”
Ông xác tín, dù là người theo đạo Chúa hay đạo Phật, các tín đồ thường nghe theo lời chỉ dạy của giới lãnh đạo. Cũng vì thế, ngày nay ông tự thấy có bổn phận phải làm gương cho mọi người bằng cách dấn thân đấu tranh chống lại sự ác, góp phần kiến tạo một Việt Nam không cộng sản. Mấy thập niên trước, khi còn là một thanh niên 19, 20 tuổi, trước khi trở thành một sĩ quan trong Không lực Hoa Kỳ, ông đã nhận ra Hồ Chí Minh là căn nguyên dẫn tới tình cảnh đau thương cho đất nước. Do đó, ông đã phát động phong trào triệt hạ cái gọi là “thần tượng Hồ Chí Minh”…
Theo tôi, đấy là những chỉ dấu tích cực tiềm tàng trong nội bộ Giáo hội Phật Giáo. Bản lên tiếng của Tăng đoàn GHPGVNTN được công bố ba tuần sau khi thảm họa môi trường nổ ra ở Vũng Áng và được post lên mạng Ba Sàm cùng ngày với bài viết của ông Trương Nhân Tuấn. Như thế, chắc chắn ông đã đọc qua. Cuộc hội thảo hôm 07-8 cũng không phải lần đầu ĐĐ Viên Pháp lên tiếng xác định lập trường. Được biết trong thời gian qua, ông đã nhiều lần bày tỏ quan điểm tích cực đối với hiện tình đất nước qua các phương tiện truyền thông trong cộng đồng.
Như thế, câu hỏi đặt ra là phải chăng sự kỳ vọng của ông Trương đối với phản ứng cần phải có trong giai đoạn mất còn này của Phật Giáo ở nơi nào khác hơn là một vài sự lên tiếng lẻ tẻ. Và chính vì thế, mở đầu bài viết ông mới cất tiếng than: “Tôi đi tìm mãi cả mấy tháng nay mà không thấy ‘Phật giáo ở đâu trong lòng dân tộc’”?
Ông viết tiếp:
“Vụ ô nhiễm biển ở miền Trung là một vấn đề trọng đại, gây hại không chỉ cho vài triệu dân miền Trung, mà còn gây hệ lụy cho cả dân tộc này, bây giờ và cho các thế hệ tương lai. Đây là một “vấn đề của dân tộc”. Ta thường nghe nói “Phật giáo sống trong lòng dân tộc“. Vậy thì người Phật giáo ở đâu, trí thức Phật giáo ở đâu, không lên tiếng khi luân thường đạo đức xã hội đảo lộn, khi dân tộc này bị đe dọa diệt vong?”
Bây giờ thì tôi hiểu tâm sự của tác giả Trương Nhân Tuấn, một trí thức đã công khai cho biết nhân thân, giòng họ của mình
“là những người Phật giáo thuần hành. Cha, mẹ, ông cố tổ… đều là người Phật giáo. Anh em tôi ở VN hiện nay là những người thường xuyên đi chùa, cúng dường… chăm chỉ nhứt VN. Giòng họ nhà tôi không chỉ cúng Phật ở nhà, mà còn lập chùa, để mọi người có thể đến cúng bái Phật.”
Ông nhấn mạnh:
“Vòng vo như vậy chỉ muốn nói một điều: tôi không phải là người kỳ thị đạo Phật. Tôi lên tiếng vì sự tồn vong của đạo Phật. Vấn đề là, khi nói người Phật tử “sống trong lòng dân tộc”, thì người Phật tử phải biết trăn trở, biết chia sẻ nỗi đau, nhục vinh của dân tộc.”
Đọc đến đây, tôi càng cảm thông nỗi băn khoăn và niềm thao thức của ông. Cách hiểu của ông về cụm từ “người Phật tử sống trong lòng dân tộc” không khác gì cách hiểu của tôi và những đồng đạo của tôi về cụm từ “Người Công giáo sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”, một cụm từ do tờ Công Giáo & Dân Tộc của nhóm LM quốc doanh đẻ ra. Sau này đã được long trọng đưa vào Lá Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Việt Nam sau khóa họp đầu tiên ở Hà Nội năm 1980. Nó hàm ẩn trong DVD trường ca cải lương mang danh “Phật giáo trong lòng Dân tộc” ghi tên Thiền sư Thích Thanh Từ và Nghệ sĩ Bạch Tuyết được tác giả post lên đầu bài viết. Dĩ nhiên, cũng như HĐGMVN, hẳn tác giả họ Trương có chung một cách hiểu chính trực về cụm từ này.
Cũng như người viết, chắc chắn tác giả thừa hiểu mưu toan “đánh tráo khái niệm” vốn là nghề ruột của những người cộng sản. Ở đây là “đánh tráo khái niệm trong phạm vi ngôn từ”. Đối với họ, đại danh từ “dân tộc” trong trường hợp này bị đồng hóa với đảng cộng sản và chế độ Hà Nội. Vì thế khi nói “người Phật tử sống trong lòng dân tộc” hay “Người Công Giáo sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” họ muốn các tín đồ hai tôn giáo này hiểu là “sống trong lòng đảng và chế độ độc tài, độc tôn cộng sản”!
Một khi đã bị dụ hoặc, để hiểu (hay miễn cưỡng phải hiểu!?) tình tự quốc gia, dân tộc sai lạc như thế thì mong gì quảng đại giáo chúng có được những phản ứng tích cực trước những thảm họa đang đẩy dân tộc tới nguy cơ mất nước hiện nay?
May mắn riêng cho Giáo hội Công giáo. Tuy chỉ là thiểu số (khoảng 7%), nhưng nhờ tổ chức chặt chẽ, thêm vào mối liên hệ toàn cầu trong Giáo hội hoàn vũ, nhất là lòng tin vững chắc của tập thể tín đồ, cho dù đã tìm hết cách để lũng đoạn nhưng đến nay những người cộng sản vẫn chưa thành công như ý muốn. Trong khi với hầu hết các Giáo hội khác, họ đã thiết lập được những “Giáo hội Quốc doanh” nhằm khuynh loát ảnh hưởng của những Giáo hội nguyên thủy, thì với Công giáo, họ mới chỉ mua chuộc được một số nhỏ giáo sĩ Công giáo gọi là nhóm “linh mục quốc doanh” trong cái gọi là Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo (hậu thân của Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo ở miền Bắc trước tháng tư năm 1975). Từ nhóm này họ đã đưa được một số Giáo sĩ tham gia các cơ chế mệnh danh lập pháp của chế độ Hànội, đồng thời tạo được đôi chút ảnh hưởng nhằm lèo lái một thiểu số lãnh đạo trong Giáo hội.
Chính Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã nhận ra sức đề kháng của người Công giáo rất sớm. Trong đoạn mở đầu “Bản Nhận Định về những sai lầm của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với Dân Tộc và Phật Giáo Việt Nam”(2) công bố tháng 01 băm 1992, nhằm ngày 14-12 năm Tân Mùi, đánh dấu 10 năm ngài bị quản thúc, với tư cách Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo trong cơ chế GHPGVNTN thời ấy, ngài viết nguyên văn như sau:
“Tại Việt Nam có hai tôn giáo chính là Thiên Chúa giáo và Phật giáo. Cộng sản gọi Thiên Chúa giáo là Công giáo mà tiếng lóng của họ là ‘cứt gà’, còn Phật giáo thì tiếng lóng của họ là ‘phân gà’. Tại sao họ lại gọi là cứt gà và phân gà? Tức họ cho Công giáo khó tiêu diệt hơn Phật giáo. Họ phân tích rất kỹ và vì nhiều lý do, nhưng quá dài giòng không thể kể hết ra ở đây, tôi chỉ tóm tắt sự phân tích của họ như sau. Cộng sản đánh giá Công giáo tuy là số ít, nhưng là những con sư tử, khó tiêu diệt, cũng như cứt gà sáp (cứt gà ướt sền sệt) đã dính vào quấn áo thì chỉ có cách cắt bỏ chỗ ấy đi thôi, chứ giặt khó sạch lắm; còn Phật giáo tuy là số nhiều, nhưng chỉ là những (…)(3), dễ tiêu diệt, cũng như phân gà khô, chỉ cần gạt một cái là sạch.”
Hòa Thượng Tích Quảng Độ nhấn mạnh, “Nhưng dù khó hay dễ, cuối cùng cũng phải tiêu diệt!”
Trở lại với bài viết của người Phật tử thuần thành họ Trương, ở một đoạn khác ông còn mạnh dạn nêu lên câu hỏi nhức nhối sau đây:
“Ông Hồ không biết khi nào được phong thành “bồ tát”, tượng được đưa vào chùa, ngự chỉ ở dưới Phật. Đây là gì nếu không phải là một sự phỉ báng vào giáo lý nhà Phật, một nỗi nhục lớn lao của những người Phật tử VN?
Từ nhận định không vui ấy, ông nêu lên những câu hỏi tiếp:
“Phật tử VN có ai nói điều này chưa? Trí thức Phật giáo có ai nói chưa?
Báo chí trong nước, không đăng tin về chùa chiền, tu sĩ thì thôi, mà hễ đăng thì toàn nói những chuyện bê tha, thế tục… của tu sĩ. Nhà chùa khi lên báo thì tình hình không khác……”(4)
Như trong chú thích 3, vì tôn trọng các tín đồ thuộc tôn giáo bạn, chúng tôi không thể trích dẫn thêm những suy tư tiếp của tác giả Trương Nhân Tuấn liên quan tới những hệ lụy mà Phật giáo phải gánh chịu do những hành vi thâm độc, đê tiện của tập đoàn cộng sản gây nên lâu nay. Theo thiển kiến, nếu so sánh với điều người Phật tử coi là “Pháp Nạn” trong biến cố 1963, thì “Pháp Nạn” Giáo hội Phật giáo phải đối diện sau ngày Cộng sản miền Bắc xâm lăng miền Nam trầm trọng và lớn hơn thập bội… đến nỗi người Phật tử thuần thành như tác giả họ Trương bất đắc dĩ phải dùng tới những lời lẽ nặng nề trong bài viết của ông.
Trước khi chấm dứt bài viết này, chúng tôi xin có đôi điều chia sẻ với ông Trương Nhân Tuấn, và với quý độc giả.
Như đã viết trong đoạn trên, tôi cảm thông với nỗi niềm băn khoăn, thao thức của ông Trương. Tôi cũng không giấu lòng cảm phục dành cho ông trước thái độ cương trực và lòng can đảm nơi một Phật tử như ông. Vì lòng yêu mến muốn bảo vệ tôn giáo của mình, ông đã mạnh dạn vạch trần những khía cạnh tiêu cực đang là căn nguyên làm băng hoại giáo lý nhà Phật. Và điều này có thể sẽ là căn cớ khiến ông phải chịu những búa rìu dư luận từ những thành phần thiếu hiểu biết.
Có điều tôi thành tâm muốn chia sẻ với ông là trong khi bi quan nhìn vào sự im tiếng của tập thể chức sắc và tín độ Phật Giáo trước hiểm họa môi trường và nguy cơ mất nước hiện nay, chúng ta đừng quên cái căn nguyên đã tạo nên tình trạng đáng buồn ấy. Tôi muốn nói tới đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam. Chính Bộ Chính Trị cộng đảng và những tay đầu sỏ như Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Xuân Phúc là những nhân tố chủ yếu làm tê liệt tinh thần yêu đạo, yêu nước của 95 triệu đồng bào ta.
Đến như các tín đồ Công giáo là những người luôn xác tín vào lời chúc phúc của Đấng Cứu Thế hơn 2000 năm trước khi đặt để Thánh Phêrô làm Giáo hoàng tiên khởi cai quản Giáo hội là “Cho dù thế lực Satan cũng không thể hủy diệt Giáo hội”, vậy mà đôi khi vẫn không khỏi lạc lòng khi chứng kiến những hiện tượng thiếu vắng tình liên đới, hiệp thông trong các chi thể Giáo Hội. Cụ thể như thái độ im lặng khó hiểu của hai Tổng Giáo Phận Sàigòn và Huế trong cuộc đấu tranh bất bạo động của hàng chục ngàn giáo sĩ, giáo dân Thái Hà, Vinh thuộc Tổng Giáo Phận Hànội dẫn tới hiện tượng thay bậc đổi ngôi đáng buồn ở TGP này cuối thập niên trước! Cho tới nay, câu hỏi lớn đặt ra cho nhiều người là nếu vào thời điểm ấy, cả ba TGP trong GHCG cùng với tín đồ các Giáo hội bạn đều một lòng một ý tạo nên một phong trào bất tuân dân sự trên cả nước thì liệu chế độ vô thần cộng sản có còn tồn tại đến ngày nay không?
Tuy vậy, là những người đặt hết niềm tin vào sức mạnh của tôn giáo, chúng ta không nản lòng. Biến cố cá chết khiến môi trường sinh thái bị đe dọa đang là một cơ may mới cho dân tộc ta. Những tiếng kêu gào thảm thiết của đồng bào miền Trung qua những cuộc xuống đường bất bạo động gần đây đang tạo nên những tác động giây chuyền, thúc đẩy 95 triệu đồng bào lương giáo nhất tề đứng lên lật đổ chế độ bạo tàn hèn với giặc ác với dân để cứu nguy đất nước, dân tộc thoát khỏi ách thống trị của kẻ thù phương bắc.
Hạ tuần tháng 8-2016
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline hiệu đính và minh họa.
(1) Tối Thứ Năm 28-4-16, một cuộc gặp gỡ giữa Giám Mục Vincent Nguyễn Văn Long (Úc) và HĐ Liên Tôn Việt Nam tại Mỹ với chủ đề “Vai trò Tôn giáo trước Hiện tình Đất nước” đã được tổ chức tại nhà hàng Seafood Palace Restaurant ở miền nam California với sự tham dự của 750 bà con đồng hương.
(2) Trích trong Hồ sơ “Phật giáo Thống nhất” gồm những bài của HT Thích Quảng Độ và ông Đỗ Trung Hiếu do nhà xuất bản Tin Paris địa chỉ 54 Avenue Léon-Blum, 92160 Antony, France ấn hành năm 1994.
(3) Người viết tạm bỏ hai từ vì xét thấy hơi nặng, có thể khiến Phật tử phiền lòng.
(4) Cũng như chú thích 3, người viết phải bỏ vài từ và những đoạn kế vì lý do trên. Nếu quý độc giả muốn đọc trọn bài viết của ông Trương Nhân Tuấn xin tìm vào mạng Ba Sàm.
TÔN GIÁO QUA LĂNG KÍNH CỦA NGƯỜI MÁC XÍT NHƯ THẾ NÀO ?
Ngày nay thật khó nói ai là người mác xít hay ai là người cộng sản. Cái thời nhiều người tự xưng danh mình là cộng sản ngay sau 1975 tại Miền Nam đã qua lâu rồi, kể từ ngày khối cộng sản thế giới Liên Xô và Đông Âu cũ đã hoàn toàn sụp đổ và mất tiêu luôn. Cũng không tìn ra ai xưng mình là người mác xít hay khuynh tả nữa kể từ ngày Miền Nam đã khép màn. Vậy thì ngày nay người cộng sản là gì nếu không phải thuần túy chỉ là người vào đảng cộng sản vì những lý do hay mục đích riêng tư nào đó, tức người sinh hoạt trong các chi bộ, được phân công và giữ những chức vụ quyền hành cùng lợi lộc từ trên xuống dưới mà ai cũng biết. Những người cộng sản hay những đảng viên cộng sản ngày nay như vậy đúng nghĩa chỉ là những người trong hệ thống tổ chức, xếp hàng ngang và hàng dọc từ trên xuống dưới, nghe theo lệnh, làm theo lệnh, đóng góp ý kiến theo lệnh, bầu bán theo lệnh, lệnh từ Trung ương và cấp ủy xuống, và cũng theo nguyên tắc lâu năm lên lão làng hay theo công trạng đối với đảng, để từ đó phân ra thường xuyên hai tuyến trong xã hội nói chung, tuyến lãnh đạo và tuyến quần chúng, cả trong đảng cũng không ngoài như thế, tức có đảng viên kiểu quần chúng và đảng viên kiểu lãnh đạo, chỉ huy, đó là nguyên tắc thống nhất và duy nhất và nó vẫn giữ được trọn vẹn sự cầm quyền của đảng trong xã hội Việt Nam cho đến nay là thế.
Có nghĩa người đảng viên ngày nay không cần gì là người mác xít, không cần gì là người có lý tưởng hay mục đích cộng sản theo nghĩa cũ, vì mọi điều đó đã lùi xa mãi vào trong quá khứ rồi. Vào đảng hiện nay là vào trong một tổ chức cầm quyền, đó là sự thực, không ai nói ngược hay chống chế lại được. Vì thực tại nó là thế, bởi mọi tiêu chuẩn do đạc nguyên tắc ngày xưa nó đã khác, quyền hành và quyền lợi ngày nay nó cũng khác, tức chủ nghĩa cộng sản cổ thời ngày nay đã thay thế bằng chủ nghĩa thực dụng như kiểu Mỹ, nhưng nó hoàn toàn khác Mỹ vì nguyên tắc ngôn ngữ cũng phải giữ nguyên, nguyên tắc lãnh đạo theo hàng dọc cũ phải giưa nguyên, nguyên tắc giáo điều ý thức hệ cũng vẫn phải giữ nguyên, chỉ có nguyên tắc thực dụng cá nhân là luôn có truyền thống và càng phát triển đi lên để thích ứng, thích nghi theo mọi yêu cầu của thời đại và hoàn cảnh mới. Nên ngày nay người đảng viên cũng chỉ là người bình thường, cũng có tôn giáo như thường, cũng dị đoan mê tín, tin ma quỷ, đi chùa miếu xin xăm bình thường, đặc biệt nhất những thành phần tôn giáo kiểu quốc danh là những thành phần chức sắc quyền hành thực tế nhất trong các hoạt động tôn giáo nói chung mà ai cũng rõ. Chính quyền nắm là nắm các thành phần đó, vì họ là trung gian giữa chính trị và tôn giáo, giữa đời và đạo, giữa quyền lợi vật chất thế tục và quyền lợi tinh thần trong chính bản thân tôn giáo mà họ đang tham dự hay vốn là thành viên trong đó. Điều này cũng nói lên cái ý nghĩa quan niệm trật lất về tôn giáo mà chính ngay trong bản thân của mình ngay từ đầu học thuyết của Mác đã nêu ra.
Câu nói xanh rờn không bao giờ úa héo của Mác ngay từ khởi thủy học thuyết Mác đưa ra là “tôn giáo chỉ là thuốc phiện ru ngủ quần chúng”. Mác bảo tôn giáo chỉ là mặt trời giả ảo chạy quanh thế gian bất công áp bức do xã hội tư sản tạo ra. Sự bóc lột vật chất trong xã hội mang lại sự bóc lột tinh thần, ý thức, đó là nguồn gốc phát sinh ra tôn giáo. Tôn giáo chỉ là tiếng thở dài não nuột, là niềm ảo giác cứu rỗi cho thế gian của những người cùng khổ trong giai cấp, của kết quả đấu tranh giai cấp. Tôn giáo là hệ lụy tự nhiên trong xã hội có giai cấp bóc lột như là thứ thuốc an thần ảo tưởng gây ảo giác xoa diệu cho các thống khổ trong cuộc đời. Nguyên nhân của tôn giáo là nguyên nhân của giai cấp và đấu tranh giai cấp, nguyên nhân sự bóc lột, nguyên nhân quyền tư hữu của xã hội tư hữu tạo nên mọi sự tồn tại của giai cấp.
Vây nên Mác bảo không cần tiêu diệt tôn giáo, chỉ cần thực hiện xã hội vô sản, tức xã hội phi tư hữu, xã hội cộng sản tập thể không giai cấp thì tự khắc tôn giáo sẽ chấm dứt, vì ảo ảnh không còn có, tất cả chỉ là hiện thực kinh tế đồng đẳng trong cuộc sống, vậy lý do gì để tôn giáo có thể tồn tại. Lập luận như vậy của Mác bởi vì Mác hoàn toàn tuyệt đối duy vật. Coi mọi sự trong thế gian này chỉ là vật chất thuần túy và duy nhất, không có cái gì ngoài vật chất, nên cũng chẳng có tinh thần gì cao cả của con người, vì ý thức con người cũng chỉ là dạng vật chất cao cấp, như vậy cũng chẳng thể có thần linh, có Thượng đế, có trời đất nào cả ngoài vật chất duy nhất tồn tại trong khắp thế gian. Điều đó hoàn toàn ngược lại với ý tưởng quan niệm duy tâm trong mọi tôn giáo, như tôn giáo độc thần giáo Kitô giáo, tin tưởng vào một đấng Thượng đế sáng tạo ra mọi sự trong thế gian, hay Phật giáo tin tưởng vào quy luật nhân quả vô hình, tin tưởng vào tinh thần tư bi hỉ xã thiêng liêng của đức Phật, hoặc mọi tôn giáo khác cũng thế, cũng đều có quan điểm duy tâm, tin vào sự sáng tạo tối hậu tối cao nào đó, tin tưởng vào sự tồn tại của thế giới tinh thần ngoài sự tồn tại của thực tại vật chất nơi thế gian. Hoặc ngay cả các học thuyết triết học duy tâm cũng thế, hoàn toàn trái lại với quan điểm thuần túy duy vật của Mác, vì họ tin tưởng ngoài nguyên lý vật chất trần trụi ra còn phải có nguyên tắc tinh thần nào đó hoàn toàn mang bản chất siêu vượt lên thì thế giới vật chất mới ra đời và tồn tại.
Như thế xét về mặt phương pháp luận tư duy triết học và khoa học khách quan, quan điểm của Mác hoàn toàn hẹp hòi, chủ quan và thiển cận. Hẹp hòi vì phủ nhận hết mọi ý nghĩa và giá trị về tinh thần, như vậy cũng còn đâu mọi bản chất nhân văn, mọi ý thức tinh thần cao quý nữa. Chủ quan vì điều mình quan niệm, mình thích, mình thị hiếu, mình tin chắc, chưa hẳn đã là quan điểm của những người khác. Lấy lý do gì để cho rằng mình sáng suốt, sâu sắc, khách quan, hiểu biết, thông minh hơn người khác. Đó chỉ là quan điểm độc tài ngu xuẩn của Mác. Vả chăng vật chất là điều thực hữu của thế gian thì ai cũng biết, nhưng đó không có nghĩa là nó duy nhất, bởi nếu duy nhất thì bản chất vật chất chỉ là trì lực, là ù lỳ, là thô lậu, là thấp kém, là giản đơn, là vô thức, thế làm gì mà có được mọi cái lý, mọi sự phức tạp khác nhau, mọi ý nghĩa tinh thần, ý thức, hiểu biết trong thế gian. Sự ngu muội của Mác về phương diện nhận thức luận chính là như thế. Vì mọi cái gì chúng ta thấy bằng mắt, nghe bằng tai, nhận thức bằng giác quan đều không hẳn là cái tồn tại duy nhất tuyệt đối. Có biết bao nhiêu điều, bao nhiêu trường hợp con người không nhìn thấy, nhưng các đối tượng ấy không phải không có. Sự hạn chế của năng lực giác quan, sự hạn chế của lý trí nhận thức của con người, và mọi cái biết không phải chỉ là cái biết trực tiếp mà còn là những cái biết gián tiếp bằng cách này hay cách khác. Điều này đúng trong thường nghiệm mà đúng cả trong chân lý khoa học lẫn chân lý triết học bao quát nói chung. Thế cho nên Mác cũng chẳng khác đứa trẻ con về mặt tư duy triết học, nhìn tầm thường hóa và hạn hẹp, thấp kém về tồn tại và ý nghĩa cuộc đời, chẳng khác nào đứa bé chạy nhặt vỏ sò trên bãi biển mênh mông và lấy làm thích thú, hài lòng, hả dạ.
Mặt khác nữa, vật chất thật sự chỉ là công cụ tồn tại và hoạt động cho thế giới ý thức tinh thần của con người. Quy vật chất bài tiết ra tinh thần chẳng khác gì gan bài tiết ra mật, đó là quan điểm ấu trĩ, ngu dốt mà chính Ănghen đã vấp phải. Bởi vì ngày nay mọi ngành khoa học thực nghiệm càng phát triển, người ta nhận thấy các sự hiểu biết thực chất của con người như càng thu nhỏ lại, chân lý là hoàn toàn vô hạn còn nhận thức của con người hoàn toàn hữu hạn, con người chỉ tiếp cận được chân lý khách quan đến vô hạn mà không bao giờ nắm bắt được mọi thực tại khách quan theo ý nghĩa hoàn toàn cuối cùng và tuyệt đối.
Chẳng như thế, kinh tế xã hội phát triển không ngừng nhờ vào tiến bộ của khoa học kỹ thuật tiên tiến mà không phải nhờ vào sự giành giật quyền lợi vật chất hạn hẹp lẫn nhau theo kiểu đấu tranh giai cấp mà Mác ảo giác. Nên thường bất kỳ mọi nước cộng sản mác xít nào cũng đều nghèo nàn, tụt hậu hơn mọi nước dân chủ tự do và thị trương phát triển, khoa học kỹ thuật tiến bộ, là điều ai ai cũng rõ. Bởi vì chỉ giành giật nhau thì chỉ có tranh đoạt và làm hao mòn, không có mục đích nào để làm ra cái mới, xã hội chỉ thành tham lam, ích kỷ, thành bó buộc triệt hạ lẫn nhau mà Mác không hề ngờ đến hay không có khả năng hiểu đến. Mác không hiểu giai cấp chỉ luôn là cơ cấu hay cấu trúc khách quan luôn luôn diễn tiến, biến đổi của xã hội. Không ai giàu ba họ khó ba đời như dân gian ta thường nói mà Mác hoàn toàn không hiểu tới hay không chịu hiểu tới. Như vậy cũng có nghĩa không bao giờ triệt tiêu được giai cấp trong xã hội, mà không triệt tiêu được giai cấp thì làm sao triệt tiêu được tôn giáo như quan điểm hợm hĩnh, ngông cuồng của Mác.
Cho nên quan điểm vô sản của Mác là quan điểm xuẩn động nhất trần gian. Mác nhầm lẫn giữa khái niệm phương tiện và khái niệm mục đích. Vì tuyệt đối duy vật nên Mác đã đánh đồng cả hai cái. Duy vật thì vật chất cũng là mục đích và cũng là phương tiện, vì ngoài ra đâu còn ý nghĩa hay giá trị nào bên ngoài khác. Tính cách vô thần và tính cách bài xích tôn giáo của Mác cũng phát sinh từ đó. Nhưng điều nghịch lý cũng từ đó mà ra là quan điểm vô sản thực chất là quan điểm mang tính cách tu sĩ của Mác. Vừa duy vật vừa muốn không có tài sản riêng, nên vô sản vừa là ý nghĩa ngu ngốc vừa là ý nghĩa nghịch lý lại với quan điểm duy vật của ông ta. Bởi ai không biết trong thiên nhiên, tư hữu luôn là yêu cầu và mục đích thiết yếu. Đó là nguyên tắc dự phòng cho tình huống và cho điều kiện tồn tại và phát triển. Cây có rễ củ thì đó là cơ quan dự trữ ở củ. Cây có trái thì đó là cùi cơm để dự trữ cho hạt nẩy mầm về sau. Đó là chưa nói cây có thể có những nốt sần là ý nghĩa dự trữ dự phòng, hay như gan là cơ quan cất giữ nhiều thành phần dự trữ trong cơ thể con người, hoặc hùm báo đều có hang hay nơi trú ngụ riêng là kiểu tài sản riêng không loài khác nào được xâm phạm. Nói khác chim có tổ riêng là tài sản để sinh sống và nuôi con, con người có tài sản riêng là để tồn tại trong thế giới văn minh và văn hóa. Tài sản vật chất, tài sản tinh thần, đó đều là những tài sản quý giá nhất trong đời sống cá nhân và thiết yếu nhất trong xã hội loài người. Cha chung không ai khóc, chùa chung không ai quét, đó là tâm lý tự nhiên khách quan về tư hữu luôn luôn chính đáng, thiết yếu của phương tiện tồn tại và phát triển bản thân thế mà Mác chủ trương vô sản, thật là đi ngược lại khách quan chân lý, thật là dại dột nhất trần đời mà trước đó chưa hề tưng có. Chẳng qua bởi vì Mác hiểu lầm về xã hội tư hữu và xã họi tư bản.
Mác chỉ nhìn thấy kinh tế vi mô mà không nhìn ra kinh tế vĩ mô của toàn xã hội và toàn thế giới. Khái niệm về bóc lột của Mác chẳng qua dùng cái đặc thù để khái quát hóa xuyên suốt thành quy luật bao trùm của xã hội một cách ngu ngốc. Một quan niệm chẻ sợi tóc làm tư làm tám như vậy thì còn đâu khoa học, một quan niệm lý cái râu ria làm cái cốt lõi như thế thì còn đâu thông minh và sáng suốt. Thế mà quan điểm về xã hội bóc lột, về giá trị thặng dư, về xã hội giai cấp đã từng suốt một thời kỳ dài gần thế kỷ không ngớt đây đó thổi phồng lên một cách ngu ngốc coi đó như kỳ tích khám phá của Mác, thật là chính Mác đã trở thành thuốc phiện ru ngủ quần chúng mà chưa chắc đã là các tôn giáo như Mác xuyên tạc vì lầm tưởng.
Cho nên kết luận lại, trong thời buổi đây đó tôn giáo bị chính trị hóa, bị quốc doanh hóa, thì quan điểm cả vú lấp miệng em về tôn giáo theo chiều hướng lý thuyết ý thức hệ chủ nghĩa Mác chỉ là chuyện bình thường. Có thực mới vực được đạo là như thế, thực đây là quyền lợi, lợi ích kinh tế của một số người, còn đạo đây tôn giáo kiểu quốc doanh của một số người. Bởi vì suy đến cho cùng, căn nguyên bài xích tôn giáo của Mác chỉ vì Mác luôn xét đến yếu tố vật chất mà không xét đến yếu tố tinh thần. Thậm chí Mác không hề hiểu biết, không cần hiểu biết, cũng không thèm hiểu biết thế giới tinh thần là gì. Như vậy thì làm sao bảo Mác là nhà tư tưởng sâu sắc. Bởi vì chỉ nhìn thế gian hoàn toàn như vật chất thô lậu đã là quan điểm cạn hẹp rồi. Đáng lẽ ra trong tính cách nhà triết học, nhà tư duy, nhà tư tưởng Mác phải chịu khó tìm tòi nghiên cứu xem ý nghĩa tinh thần, ý thức của con người là gì, từ đâu nó có, hoạt động của nó ra sao, bản chất của nó là gì mới phải. Đằng này Mác chỉ ngu dốt quy nó là kết quả thuần túy của biến đổi vật chất thật là hết sức ngu dốt à trên đời trong lịch sử tư duy triết học nhân loại từ xưa đến nay chưa bao giờ có thế. Nên Mác thực chất hoàn toàn không phải là nhà tư tưởng, không phải là nhà triết học, cũng chẳng phải là nhà lý thuyết khoa học, chảng qua đó chỉ là con người quàng xiêng, vô ý thức, vô trách nhiệm, thậm chí hoàn toàn cạn hẹp và ngu dốt thế thôi. Như vậy Mác thực chất đã chẳng từng đóng góp được gì cho nhân loại mà chỉ phá hoại, tầm thường hóa, làm bế tắt nhân loại. Có một số người phương Tây trong hàng trí thức cũng hay luôn tới giờ thường đề cao Mác, nhưng không phải tất cả họ đều hay đều giỏi, trong khi đó tâm lý thường có của người Việt Nam cứ nghĩ tới người phương Tây là lé mắt, đó chẳng qua là mặc cảm dân tộc, mặc cảm của sự dốt nát mà không gì khác. Đó là kiểu nhìn gà hóa cút mà người bình dân sáng suốt của ta thương nói. Cho nên dân tộc Việt Nam tự hào là thông minh, hiếu học, thế mà suốt gần thế kỷ qua lậm sâu vào học thuyết sai lầm mọi mặt của Mác thì thử hỏi thông minh, sáng suốt, hiếu học cái nỗi gì. Quả đau xót cho Thân Nhân Trung ngày xưa từng bảo tinh hoa của dân tộc là rường cột của nước nhà, vậy mà mọi tinh hoa đó hầu như hoàn toàn triệt tiêu hay không còn tồn tại được dưới xã hội mác xít. Điều đó thật là trớ trêu vì học thuyết Mác đã trở thành kiểu như “anh Chín retour” hoàn toàn nói ngược mà người ta đã từng đem ra diễn kịch trên sân khấu, vì cái gì anh ta nói ra đều làm ngược lại cả. Quan niệm về giải phóng của Mác cũng thế, giải phóng về kinh tế xã hội là làm nô lệ kinh tế xã hội, giải phóng về giai cấp và con người thì làm nô lệ về giai cấp và con người, giải phóng về tôn giáo thì biến thành tôn giáo hóa chính trị, khiến chính trị trở thành như một thứ tôn giáo vô thần hoàn toàn bế tắt, nhưng mà ai cũng tưởng, cũng cứ cho đó là giải phóng nên không ai muốn thoát ra hay không ai có thể được thoát ra. Quả Các Mác giống như tay phù thủy, chỉ úm ba la một cái bằng học thuyết của mình thì cả thế gian bị nhốt vào hủ chẳng khác gì ông thần đèn ngày xưa trong chuyện cổ tích đã từng một thời làm say sưa bao đám trẻ con mới lớn.
NON NGÀN
(25/8/16)