WORLD CUP: Xem đá banh nói chuyện đời

Tuệ Chương

Xem đá banh, đá bóng là nói theo cách xưa, hồi thập niên 40, 50 của thế kỷ trước. Ngày nay người ta gọi là hay bóng đá.

SAINT-ETIENNE, PHÁP - ngày 25 tháng 6: Xherdan Shaqiri của Thụy Sĩ ghi bàn thắng đầu tiên của đội trong vòng UEFA EURO 2016 trong 16 trận giữa Thụy Sĩ và Ba Lan tại Stade Geoffroy-Guichard vào ngày 25 tháng 6 năm 2016 tại Saint-Etienne, Pháp. (Ảnh của Laurence Griffiths / Getty Images)
SAINT-ETIENNE, PHÁP – ngày 25 tháng 6, 2016: Xherdan Shaqiri của đội Thụy Sĩ ghi bàn thắng đầu tiên trong vòng UEFA EURO 2016 trong 16 trận giữa Thụy Sĩ và Ba Lan tại Stade Geoffroy-Guichard vào ngày 25 tháng 6 năm 2016 tại Saint-Etienne, Pháp. Nguồn Ảnh của Laurence Griffiths/Getty Images.

Người ta gọi bóng đá là vua trong các loại thể thao, so với bóng rổ, bóng chuyền, v.v.. Tại sao vậy? Tại vì bóng đá hay quá!

Trong bóng đá người chơi không được dùng hai tay, chỉ được dùng chân…

Tạo hóa sinh ra con người cho hai cái tay khéo hơn hai cái chân. Chân chỉ để đi, để chạy nhảy hoặc để đá. Tay thì làm được nhiều thứ hơn vì hai tay khéo hơn: Tay có thể cầm nắm, sờ, mó, bóp, nặn, v.v. rất nhiều chuyện. Vậy mà trong bóng đá người chơi không được dùng hai tay, chỉ được dùng chân để chận bóng, đi bóng, chuyền bóng, đá bóng, v.v. Không được dùng chân để ngáng, khèo làm cho đối thủ té. Ngoại trừ thủ môn, (chỉ trong vòng cấm mà thôi), ai dùng tay thì bị phạt. Người chơi có thể dùng cái thân mình to hơn để lấn người khác, nhưng lấn đến dộ làm cho đối thủ té là bị phạt. Còn như dùng tay chận bóng là bị phạt ngay, có khi bị thẻ vàng, thậm chí thẻ đỏ. Còn như dùng tay níu kéo, xô đẩy, v.v. đối thủ thì bị phạt.

Cầu thủ bóng đá phải có cái hay của cá nhân: chận bóng, đá, đội đầu vào khung thành. Đá cũng có nhiều cách, kỹ thuật. Đá thẳng, mạnh như bắn đại bác vào khung thành đối phương, đá vòng, bay xéo vào góc, ngửa người đá móc vào lưới. Những bàn thắng như thế làm khán giả hoan hô đến vỡ cầu trường. Ngoài ra, cầu thủ phải phối hợp với đồng đội, nhất là khi tấn công. Đấu pháp: cách đá, cách chơi, sắp xếp nhiều đội ngày nay đạt tới mức siêu đẳng, trận đấu bóng biến hóa thiên hình vạn trạng, nói không hết được.

Embed from Getty Images

FIFA World Cup, Kaiserslautern, 17 tháng 6 năm 2006, Ý 1 v Mỹ 1, Brian McBride của Mỹ bị thách thức bởi Simone Perrotta của Ý, phải

Bốn năm một lần, xem vòng chung kết FIFA, có nhiều cái hứng thú nói không hết được. Ngoài cái hay của bóng đá nói qua loa như ở trên, chúng ta thấy có nhiều đội khắp năm châu bốn biển tụ về dự hội, từ đội Argentina ở cực Nam châu Mỹ cho tới đội Thụy Điển (Sweden) ở cực Bắc châu Âu, đội Angola, Ghana từ Nam Phi tới Tunisia ở châu Bắc Phi; từ Nhật (Japan), Nam Triều Tiên (South Korea) bên châu Á, tới Úc (Australia) ở châu Đại Dương. Mỗi châu mỗi giống người: Châu Âu da trắng, châu Á da vàng, châu Phi da đen, nhưng nếu xem từng đội, người ta thấy buồn cười khi đội Pháp hơn phân nửa không đen như cột nhà cháy thì cũng cháy xém, còn như đội Ghana, nhất là đội Angola không ít những anh chàng mắt xanh mũi lõ da trắng. Đội Nhật da vàng mà lại cũng có một anh khá đen tên là Santos Alessandro, sinh ở Brazil. Còn như đội Mỹ của xứ Hợp Chủng Quốc dĩ nhiên có nhiều màu da: Từ Brian Ching da vàng tới Beaseley hay Pope da đen, Donovan trắng chẳng ra trắng (có phải người Spain?) và không rõ có ai từ Wake, Guam?

Tất cả 32 đội đại diện cho năm châu bốn biển về Đức tranh vòng chung kết. Đó là một “thế giới hội nhập” và tranh hơn thua trong tinh thần thượng võ, đá xong trận thì ôm nhau, chào nhau, trao đổi áo, v.v… là một sự “hài hòa nhân loại”. Dĩ nhiên bên cạnh đó có vài biểu hiện xấu nhưng không đáng kể.

Tất cả các vị giáo chủ đều mong ước có một “thế giới hội nhập” và một sự “hài hòa nhân loại” như trong bóng đá. Nhưng nói cho thật, cái thế giới hay nhân loại của Đức Khổng Tử chỉ là “thiên hạ” (phần ở dưới trời). Cái “dưới trời” đó chủ yếu là Hán tộc của một vùng lãnh thổ chính yếu, ở giữa thiên hạ được gọi là Trung Quốc. Còn ngoài ra, đám rợ Hồ ở phương Bắc, đám Nam Man ở phương Nam có lẽ không nằm trong cái “thiên hạ” của Khổng Tử. Trong ý nghĩa đó thì “Ta bà thế giới” của Phật liệu có vượt ra ngoài khu vực Nam Á và con cái tôi tớ Chúa liệu có ra khỏi khu vực Trung Đông? Và cái “thế giới” đệ tử của ông Thánh Alah cũng không vượt ra ngoài bờ biển phía nam Địa Trung Hải. Cái “thế giới” của các giáo chủ ngày xưa chỉ là một vùng đất vuông, chung quanh là bốn biển (Tứ hải giai huynh đệ), và mặt trời thì chạy vòng quanh quả đất vuông ấy. Từ khi ông Kha Luân Bố (Christophe Columbus) quyết đi một vòng đại dương để chứng minh bằng thực tế rằng quả đất hình tròn (1492) và nhờ những cuộc phát kiến mới, thì thế giới là cái hình tròn (địa cầu). Thế giới tuy lớn hơn mà nhỏ lại vì nơi nầy xứ kia tiếp xúc với nhau dễ dàng mau lẹ thuận tiện hơn thì “thế giới hội nhập” của bóng đá bao trùm nhiều nước trên thế giới; đó là điều thứ nhất. Thứ hai là chỉ mong một điều làm sao sự “hài hòa nhân loại” phát triển mạnh mẽ hơn, sâu đậm hơn thì mới mong môn thể thao nầy trở thành một động cơ thúc đẩy nền hòa bình thế giới mau thành đạt.

Nói như thế, có người cho rằng tôi nói hai điều sai: Một là đem bóng đá so sánh với tôn giáo. Như thế la “phạm thượng” quá lắm. Thứ hai, bóng đá là một môn thể thao, một thứ để mà chơi làm gì có được cái chức trách cao quí như thế.

Trước khi trả lời hai câu hỏi trên, tôi xin đặt một câu hỏi về chính trị. Liệu bóng đá có thể bị chính trị hóa? Sau cái gọi là “Hội nghị hiệp thương thống nhất” để mừng Nam Bắc trở thành một nước mà thôi, Cộng Sản Hà Nội cho đội Tổng Cục Đường Sắt vào đá “hữu nghị” (trước 1975 gọi là đá giao hữu) với đội Quan Thuế Saigon (cũ). Dĩ nhiên đội Sài Gòn phải thua để cho người ta thấy cái “ưu việt” của Xã hội Chủ nghĩa. Cái gì miền Bắc cũng phải hơn, dù là thể thao, bóng đá. Sau trận ấy thì một số người miền Bắc hỉ hả với cái “ưu việt” của Cộng Sản còn người miền Nam thì cho đó là trò “ma giáo”. Ngày nay thì nhiều người không còn ai nhớ chuyện “tào lao” ấy làm chi! Dận chúng trong vùng cộng sản, ở bên châu Âu cũng như bên Á đều thích bóng đá, nhưng chính quyền cộng sản thì không! Tại sao? Tại vì cộng sản muốn cái gì cũng “ưu việt” hơn các chế độ khác, mà bóng đá thì có những cái bại cái thắng hết sức bất ngờ. Cộng sản không muốn thế, muốn phải thắng là thắng, không thể có cái bất ngờ bị thua để mang tiếng cho cái “ưu việt” nên không ưa bóng đá làm chi. Bóng đá cũng không ưa những gì liên quan đến chính trị, nên người ta không mấy ủng hộ việc ông tổng thống Ba-Tư (Iran) muốn đi xem đội Iran tranh giải ở Đức vì nhà cầm quyền Iran ưa làm việc khieu khích chính trị.

Xem ra, với bóng đá, các chế độ độc tài đều giống nhau. Mấy ông tổng bí thư cộng sản không ưa bóng đá đã đành mà ngay cả Hitler cũng chẳng có cảm tình gì, còn nhà độc tài Saddam Hussein thì trừng phạt cầu thủ bóng đá Iraq vì để thua trận. Như thế, có thể nói rằng bóng đá chống chế độ độc tài trừ phi bóng đá bán độ như ở Việt Nam hiện nay.

Bóng đá cũng không có màu sắc tôn giáo, chưa từng thấy đội của đạo nầy tranh giải với đội của đạo kia. Điều nầy, nếu có, có lẽ khán giả dám giết nhau vì hơn thua. Ngày trước, có vài tổ chức tôn giáo có đội bóng đá nhưng chỉ ở cấp địa phương, chưa trở thành “vấn nạn” cho quốc gia, nhân loại.

Khi thấy một cầu thủ làm dấu thánh giá cầu may, và bên đối phương cũng có cầu thủ làm dấu thánh giá cầu may như thế, người ta sẽ tự hỏi Chúa sẽ đứng về bên nào? Chúa cũng chịu! Biết bắt ai bỏ ai. Ngay như đội Iran không thiếu cầu thủ quì gối đặt đầu sát đất để cầu thánh Alah thì đội Iran cũng thua như thường vì đá dở, lên máy bay ra về sau khi dự vòng ngoài.

Tiền bạc hay quyền lực cũng không chen vào bóng đá được. Nước Mỹ giàu, quân đội hùng mạnh và vũ khí tối tân nhứt thế giới, vậy mà đội Mỹ cũng phải khăn gói quả mướp sau khi thua đội Ghana, thua cả mấy nước bé bằng hạt tiêu như Cộng Hoà Czech.

Ông Bill Gates có đủ tiền thuê trọng tài, mua cầu thủ để cho đội Mỹ thắng, nếu ông ta muốn. Nhưng ông ta không làm cái việc ấy được. Đồng tiền ông thu vào hợp lý thì khi chi ra cũng phải hợp lý. Và nếu có mua được thì cũng chẳng thể mua hết mọi trọng tài và cầu thủ vì có nhiều người vì danh dự thể thao sẽ chống đối. Đó là lương tâm. Nếu không có lương tâm thì đời nầy chẳng có việc gì nên nổi. Có thành công chăng cũng chỉ là giai đoạn còn về sau thì “lưu xú vạn niên”. Ông Bill Gates khôn, dại gì mà ông ta làm việc thiếu lương tâm ấy. Vỡ lở ra, thì chẳng biết dấu mặt vào đâu.

Còn như ở Việt Nam thiếu hay không thiếu lương tâm không thành vấn đề. Vì tiền, người ta làm tuốt. Cứ hỏi mấy ông trọng tài đang bị đưa ra tòa, hay Văn Quyến sau khi đi Mã Lai (Malaysia) về nhận sáu ngàn đôla thì người ta biết lương tâm họ nằm ở đâu! Không có lương tâm thì cất đầu lên sao nỗi. Vậy mà người bạn tôi cứ hy vọng ngày nào đó không xa, đội Mỹ và đội Việt Nam gặp nhau ở vòng chung kết FIFA. Chưa nói đến cái ảo tưởng, háo danh, hiếu thắng vớ vẩn của những kẻ ít học, với Việt Nam, sự kiện ấy còn lâu lắm, có lẽ sau khi bạn tôi chết mất đất thuở nào rồi, mặc dù ở Mỹ bóng đá chưa phải là môn vua. Người ta phải chờ lương tâm người Việt Nam “hồi phục” sau khi đưa ma chế độ cộng sản Hà Nội.

Người Mỹ có quá nhiều trò chơi thể thao mà môn nào cũng hay cũng hấp dẫn. Cầu thủ được nhiều người ủng hộ, “giá hợp đồng” rất cao. Ngày nay, người Mỹ bắt đầu chú ý tới bóng đá. Tổng thống Bush mới tuyên bố về bóng đá, môn thể thao khi còn nhỏ, ông chẳng biết gì tới, chưa từng thấy quả bóng đá như thế nào! Đội tuyển Mỹ có 23 cầu thủ, trong đó có tới 12 người đang đá thuê cho các đội ở ngoài nước Mỹ. Tại sao? Tại vì người Mỹ ít thích bóng đá, khán giả bóng đá không đông nên hợp đồng của cầu thủ không cao. Nếu một ngày kia, người Mỹ thấy bốn năm một lần có vòng chung kết thế giới là hay lắm, hấp dẫn lắm nên ủng hộ bóng đá thì hợp đồng các cầu thủ bóng đá Mỹ lên cao lắm. Lúc đó, người Mỹ sẽ đầu tư vào bóng đá vì thấy đó là một món lợi lớn. Đứa bé Mỹ sẽ được huấn luyện bóng đá khi còn ở… trong bụng mẹ. Xứ Mỹ vốn thường hay có những chuyện… động trời.

Muốn thích bóng đá người ta cần hiểu luật bóng đá như thế nào. Có biết luật của nó mới thấy cái hay của nó. Tôi từng nói chuyện bóng đá với một thanh niên Mỹ, anh ta thú nhận như vậy và theo phong tục Mỹ, anh ta thích môn football Mỹ hơn. Có lẽ người Mỹ thích những môn thể thao gì mạnh bạo. Do đó, anh bạn Mỹ nói với tôi rằng bóng đá, với người Mỹ, nên để cho đàn bà. Điều ấy cũng có lý đấy. Đội bóng nữ của Mỹ, trái khoáy với đội của dân mày râu, có vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng của FIFA! Một người đàn bà tôi biết, bà khoe con gái vừa vào trường đại học Clark, một đại học nổi tiếng ở Mass về các môn văn chương và triết học. Ở đây, trước sân trường còn có bức tượng nhà phân tâm học Freud đang ngồi đọc sách. Ông nầy từ Đức qua dạy ở trường nầy theo lời mời của trường. Tôi tưởng con gái bà ta thích văn học, triết học, ai ngờ hỏi tới, bà ta nói: “Con tôi vào học trường nầy vì chỉ ở trường nầy mới có đội bóng đá nữ”. Cô gái muốn được đá banh. Tôi cũng gặp một người Việt trẻ, hỏi anh ta có thích bóng đá không, anh ta hỏi tôi bóng đá là đá như thế nào. Anh ta còn nói khắc tôi hình như môn bóng đá là môn thể thao dành cho người nghèo, những nước nghèo. Thật ra, theo tôi nghĩ, anh ta không thích bóng đá vì anh ta chưa từng thấy bóng đá trước khi vượt biên đến Mỹ và kiến thức về thể thao chưa nhiều. Quê anh ta ở V.R. một thôn ấp nhỏ thuộc tỉnh Rạch Giá cũ, trên đường Rạch Giá đi Hà Tiên, chỗ chôn nhau cắt rún của “Chị Tư Nết”. Nơi này làm gì có bóng đá để anh ta biết nó như thế nào để mà thích. Anh ta thú thật rất mê môn football. Ở thành phố tôi, nhiều người thích xem môn thể thao nầy vì máu cờ bạc, ưa cá độ.

Trong bóng đá thì có cuồng nhiệt. Trong tôn giáo và chính trị thì có cuồng tín. Cuồng tín làm cho nhân loại đàn áp, đày đọa và giết chóc nhau một cách vô cùng tàn ác. Cuồng nhiệt thì sinh ra bọn Hooligan (du đãng). Tuy nhiên, xem ra sự bạo động của bọn Hooligan chưa đến nỗi nào. Trong viễn tượng đó, có hy vọng gì bóng đá sẽ đem lại sự hội nhập giữa các quốc gia và hài hòa nhân loại mà tôn giáo đã cố làm mà không làm được.

Tháng 6/2006

© 2006-2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Đăng lần đâu ngày 27 tháng Sáu, 2006.