Kỷ niệm WW2 phơi bày sự khác biệt giữa lòng châu Âu

Shaun Walker | DCVOnline

Trong lúc giới lãnh đạo đang chuẩn bị về Ba Lan tham dự lễ kỷ niệm Đệ nhị Thế chiến vào Chủ nhật này, những người theo chủ nghĩa dân tộc đang khai thác những sự kiện đã xẩy ra vào năm 1939

Cựu chiến binh Henryk Bajduszewski, được trao huy chương chiến tranh của Anh, trước một chiếc xe tăng Nga tại Bảo tàng Chiến tranh Thế giới thứ hai ở Gdańsk Ảnh: Julia Szyndzi Bachelor

Không lâu trước 5 giờ sáng ngày 1 tháng 9 năm 1939, chiến hạm Schleswig-Holstein của Đức đã nổ súng vào một đơn vị Ba Lan (Poland) đóng quân ở mũi Westerplatte, một phần của thành phố Danzig, nay là Gdańsk của Ba Lan. Cuộc tấn công đó mở màn một cuộc chiến cuối cùng đã làm hàng triệu người thiệt mạng và trở thành cuộc xung đột kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại.

Ngay trước lễ kỷ niệm 80 năm chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ vào Chủ nhật và giới lãnh đạo châu Âu tới Ba Lan để tham dự, các sự kiện đẫm máu 80 năm trước đang bị chính trị hóa và khai thác hơn bao giờ hết trên khắp lục địa.

Chiến hạm Schleswig-Holstein bắn phá kho đạn  ở Westerplatte vào ngày 1 tháng 9 năm 1939. Ảnh: Dpa Picture Alliance/Alamy Stock Photo

Đảng theo chủ nghĩa dân tộc Luật pháp và Công lý (Law and Justice,PiS) đang cầm quyền tại Ba ​​Lan đã mời Donald Trump tới Warsaw để đọc một diễn văn quan trọng tại buổi lễ kỷ niệm vào ngày Chủ nhật này. Đây là một quyết định khiến nhiều người lo ngại sẽ khó có thể góp phần tích cực vào một lễ kỷ niệm long trọng. Trong lần cuối Trump đến thăm Warsaw, Trump đã dung những tu từ u ám của thời xung đột giữa các nền văn minh và viện dẫn cuộc chiến để nói về việc phương Tây cần phải đứng lên chống lại kẻ thù.

Vào phút chót Trump quyết định hủy chuyến đi và gửi phó tổng thống, Mike Pence, đi thay cho ông, cùng với quyết định tham dự vào phút chót của thủ tướng Đức Angela Merkel, có nghĩa là ít có thể có những diễn văn cường điệu phát biểu vào ngày Chủ nhật sắp tới. Nhưng ở Ba Lan và trên khắp châu Âu, một cuộc tranh luận gay gắt vẫn tiếp tục nổ ra về những bài học rút ra từ cuộc chiến tranh thế giới thứ hai.

Mười năm trước, vào dịp kỷ niệm 70 năm, Tổng thống Nga, Vladimir Putin và Merkel đã gặp nhau tại Westerplatte, và có những dấu hiệu cho thấy các quốc gia châu Âu có thể tiến gần nhau hơn để hòa giải về những chuyện khủng khiếp trong chiến tranh. Trước lễ kỷ niệm lần này không khí rất khác.

Một bức ảnh ghi lại cảnh người Do Thái Ba Lan bị người Đức bắt trong cuộc nổi dậy Warsaw Ghetto, tháng 5 năm 1943, Nguồn: By Unknown (Franz Konrad confessed to taking some of the photographs, the rest was probably taken by photographers from Propaganda Kompanie nr 689.[1][2]) – This is a retouched picture, which means that it has been digitally altered from its original version. Modifications: Restored version of Image:Stroop Report – Warsaw Ghetto Uprising 06.jpg with artifacts and scratches removed, levels adjusted, and image sharpened.., Public Domain, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=17223940

Chính phủ ở nhiều nước Trung Âu, đang tập trung vào sự tàn bạo của Đức Quốc xã trong chiến tranh và xem nhẹ những câu chuyện về sự hợp tác của người địa phương trong cuộc thảm aát Holocaust, trong khi các chính khách theo chủ nghĩa dân tộc khắp châu Âu đang tô điểm và tẩy xóa những câu chuyện lịch sử chiến tranh anh hùng. Ở Anh, đóng góp trong chiến tranh và số thương vong thường được viện dẫn trong các cuộc thảo luận về Brexit, khiến đại sứ Đức sắp mãn nhiệm phải nhận xét rằng nỗi ám ảnh về việc Anh chống lại Đức quốc xã không giải quyết được những vấn đề của ngày hôm nay.

Tại Nga, Putin đã dần biến đổi chiến thắng chiến tranh và sự hy sinh to lớn của Liên Xô trong cuộc chiến thành một lễ ăn mừng và một cơ hội phô trương sức mạnh quân sự. Ở miền đông Ukraine, những lực lượng được Nga hậu thuẫn đã ra tiền tuyến mang theo những lá cờ lấy cảm hứng từ chiến thắng chiến tranh thế giới thứ hai.

Trước thềm lễ kỷ niệm lần này, chính phủ Nga đã phát động chiến dịch hồi sinh hiệp ước Molotov-Ribbentrop, ký giữa Đức Quốc xã và Liên Xô một tuần trước cuộc tấn công vào Westerplatte, gồm các giao thức bí mật mà hai cường quốc sẽ chia sẻ Đông Âu. Trong vòng vài tuần, Ba Lan đã bị hai cường quốc chặt làm đôi.

Mười năm trước, Putin đã dùng bài diễn văn tại Westerplatte để nói rằng hiệp ước này “từ góc độ đạo đức không thể chấp nhận được, và từ quan điểm thực tế là vô nghĩa, có hại và nguy hiểm.” Putin không xin lỗi, nhưng gọi hiệp ước Molotov-Ribbentrop là “một sai lầm”.

Năm nay, luận điệu của Moscow rất khác, khi Bộ Ngoại giao phát động một cuộc vận động trên mạng ông đã dung một clip hoạt hình sắc bén và dùng hashtag #TruthaboutWWII. Bộ trưởng văn hóa, Vladimir Medinsky, đã viết một bài xã luận gọi hiệp ước Molotov-Ribbentrop là một chiến thắng ngoại giao của Xô Viết. Trong khi Merkel và tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier sẽ tham dự lễ kỷ niệm ngày Chủ nhật, Putin đã không được mời.

Ở ngay Ba Lan cũng vậy, những trận chiến về ký ức chiến tranh ngày càng khốc liệt. Cho đến những ngày gần đây, địa điểm kỷ niệm tại Westerplatte, vẫn còn một tượng đài đá hoa cương thời cộng sản, do chính quyền thành phố Gdańsk kiểm soát, do phe tự do đối lập với PiS điều hành. Tuy nhiên, gần đây, chính quyền trung ương đã giành quyền kiểm soát địa điểm này bằng một phán quyết của tòa án và muốn xây một viện bảo tàng mới để vinh danh chủ nghĩa anh hùng của những người bảo vệ quê hương, dự tính sẽ được xây dựng vào năm 2023. Paweł Machcewicz, một sử gia, giám đốc của Bảo tàng Chiến tranh thế giới thứ hai của Gdańsk cho đến khi ông bị sa thải năm 2017, ngay sau khi viện bảo tang mở cửa, sau cuộc vận động của báo giới cho rằng viện bảo tàng đó không “yêu nước” đủ và thậm chí “chống Ba Lan”, nói,

“Tôi e rằng nó sẽ trở thành một loại Disneyland lịch sử.”

Paweł Machcewicz

Người kế vị của ông tại viện bảo tàng, Karol Nawrocki, chịu trách nhiệm lập kế hoạch cho địa điểm kỷ niệm ở Westerplatte năm nay, đã thực hiện một số thay đổi đối triển lãm của viện bảo tàng chính ở Gdańsk. Ở lối vào hội trường có hàng trăm bức ảnh người Do Thái bị sát hại ở Holocaust, những người phụ trách mới đã chèn một bức ảnh lớn bằng cả bức tường của một gia đình Ba Lan bị xử tử vì giấu người Do Thái, là điều mà Machcewicz nói rằng “hoàn toàn không phù hợp” với một phòng triển lãm nói về cực điểm của Holocaust.

Một màn hình ghi số người chết ở mỗi quốc gia cũng được sửa đổi để đưa ra tỉ lệ tử vong theo dân số, để cho thấy Ba Lan đã có tỉ lệ người chết tương đối cao hơn các quốc gia khác. Khoảng một phần năm dân Ba Lan đã thiệt mạng trong chiến tranh.

Nawrocki, giám đốc do chính phủ bổ nhiệm thay thế Machcewicz, cho biết viện bảo tàng ban đầu đã bỏ qua nhiều “anh hùng không thể nghi ngờ của Ba Lan”, và nói rằng sự tập trung vào chủ nghĩa Ba Lan anh hùng là điều không đáng ngạc nhiên. Ông nói,

Ghi nhớ 80 năm Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ ngày 1 tháng 9 năm 1939. Nguồn: Bộ Văn hóa Ba Lan

“Chỉ trong những năm 1990, chúng ta mới có cơ hội nói chuyện thực sự và khách quan về lịch sử Ba Lan. Sau 50 năm của hai chế độ toàn trị, chúng ta nên được phép nói về lịch sử của chính mình.”  

Karol Nawrocki

Machcewicz đã ra tòa kiện Nawrocki và viện bảo tàng.

Có lẽ thay đổi lớn nhất tại viện bảo tàng là thông điệp sau cùng gới đến du khách ở cuối chuyến viếng thăm của họ. Trước đây, một đoạn video dài bốn phút kể lại lịch sử, kể chuyện từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai và chấm dứt bằng hình ảnh của những cuộc chiến ở Ukraine và Syria và những người tị nạn vì những cuộc chiến đó. Đoạn phim ngắn đó đã được thay thế bằng một video do máy tính tạo hình những người lính Ba Lan anh hùng đúng điệu ở mặt trận, thay đổi thông điệp từ những suy tư về sự thật khủng khiếp của chiến tranh thành những hình ảnh vinh quang yêu nước do máy tính tạo thành.

Thị trưởng Gdańsk Alexandra Dulkiewicz, đảm nhiệm chức vụ này sau khi cựu thị trưởng Paweł Adamowicz bị đâm chết vào đầu năm nay, cho biết thông điệp của chính phủ Ba Lan về cuộc chiến là sai lầm và mang tính kích động. Chính quyền thành phố Gdańsk lên kế hoạch kỷ niệm riêng của họ vào Chủ nhật, khách mời sẽ có cả thị trưởng London, Sadiq Khan. Dulkiewicz nói,

“Tất nhiên quân nhân Ba Lan là những người lính anh hùng, nhưng vào dịp kỷ niệm 80 năm Đệ nhị Thế chiến đó không phải là thông điệp quan trọng nhất. Một cách khác để ghi nhớ trang sử này là suy nghĩ về sự bi thảm nó đã gây ra, và lấy đó để tạo ra một cách thành công mới trong hòa bình cho Ba Lan.”

Alexandra Dulkiewicz

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: WW2 commemorations expose differences at heart of Europe  | Shaun Walker  |  The Guardian  | Fri 30 Aug 2019.